Chiều hướng cánh chung




1. Vấn đề cánh chung


1.1 Biến chuyển trong quan niệm cánh chung

Trước đây, từ ngữ “cánh chung” [eschatologie] ít được sử dụng, hoặc được dùng để chỉ những sự sau hết, tương đương với từ De Novissimis [bàn về những sự sau hết]. Cách nhìn ấy đặt tầm quan trọng của đời sống con người vào cuộc sống mai sau, người ta sống cuộc sống này là để tập nhân đức, để lập công, và được Chúa thưởng trong cuộc sống mai sau. Với cách nhìn ấy, biến cố nhắc nhở thường xuyên cho thái độ Kitô hữu là cái chết, và cái chết của mỗi cá nhân mỗi người cũng nhắc nhớ nhân loại nhớ tới một ngày tận thế của cả vũ trụ. Cái chết và ngày Tận thế được quan niệm chính yếu là một sự phá đổ tan hoang tất cả cuộc sống này, chối bỏ tất cả những thành tựu chóng qua của cuộc đời này.

Tuy nhiên, từ Công Đồng Vatican II, khía cạnh cánh chung trở thành nét cơ bản. Đường nét này chẳng những liên quan đến mọi vấn đề thần học những còn hình thành những chiều kích mới ảnh hưởng trên toàn bộ đời sống đức tin của người Kitô hữu.

1.2 Một chút lịch sử

1.2.1 Quan niệm cánh chung trong thời kỳ đầu của Giáo Hội

Quan niệm thế mạt trong truyền thống Giáo Hội liên quan rất nhiều đến quan niệm và lối văn khải huyền của người Do Thái cùng thời… Thể văn thế mạt, rất phổ biến ở Palestin thời đó, thường dùng những biểu tượng, những con số, những hình ảnh kinh khủng để mô tả thực tại; để chỉ thế lực sa tan, họ nói tới những mãnh thú quái gở; để nói về sự biến đổi, họ nói trăng sao rơi rụng, những điều kinh thiên động địa… Tuy nhiên, sau này người ta công nhận rằng đó là một lối diễn tả văn chương hơn la thực tế. Nói chung, vì sống trong thời kỳ bị bách hại, người tín hữu thường coi thế giới này là xấu xa, nằm dưới sự thống trị của ác thần; họ luôn mong ước thế giới này mau sụp đổ.

Mặc khác, các tín hữu thời sơ khai, ngay cả thánh Phaolô, đã tưởng rằng ngày Quang Lâm của Chúa sắp đến, đến ngay trong thời đại của mình[1]. Niềm tin ấy, ban đầu đã làm cho nhiều Kitô hữu không còn thiết gì đến chuyện làm ăn. Thánh Phaolô, trong thư 2 Thessalonica, đã nặng lời khiển trách thái độ ấy[2]. Thế rồi, niềm mong chờ ấy nguôi ngoai dần. Cuối thế kỷ thứ nhất nhiều Kitô hữu đã chán nản không còn tha thiết mong chờ ngày Chúa đến lần thứ hai nữa[3]; việc đế quốc Roma không còn bách hại đạo cũng làm cho hình ảnh một thế gian tội lỗi cần phải qua đi, hình ảnh đó không còn tác động trên tâm thức người tín hữu. Dần dần, nỗ lực mong chờ Chúa đến, thể hiện trong lời kêu cầu “maranatha” [Lạy Chúa, xin mau đến !], không còn. Mục tiêu của đời sống đức Tin chỉ còn là nỗ lực sống luân lý để lập công, để chuẩn bị cho đời sống mai sau. Từ đây bắt đầu có những suy tư về cánh chung cá nhân[4].

1.2.2 Quan niệm cánh chung thời Trung Cổ

Trong nhiều thế kỷ, nền thần học, tu đức Kitô giáo đã quá nghiêng về khía cạnh thiêng liêng và cá nhân. Quan niệm của triết gia Platon, nhất là Plotin, ảnh hưởng trên thánh Âu Tinh và thâm nhập sâu xa vào tâm thức người Kitô hữu, tạo nên thái độ siêu thoát, xa lánh ma quỉ, thế gian và xác thịt… Trần thế không có giá trị cho đời sống đức Tin và có nhiều nguy cơ làm con người xa Chúa. Tất cả những gì dính dáng thế gian như nếp sống của người giáo dân, hôn nhân gia đình, công ăn việc làm…. ,ít nhiều, đều bị nghi kỵ.

Mặc khác, khi mà uy tín của Giáo Hội đã lên đến cao điểm; khi mà những người lãnh đạo trong Giáo Hội có đủ quyền bính và biện pháp để giải quyết mọi vấn đề theo ý của mình, thì người ta không còn nhận ra tính cách bất toàn căn của cuộc sống, và không còn mong chờ một giải pháp dứt khoát của Thiên Chúa trên dòng lịch sử. Niềm mong chờ cánh chung không còn là mong chờ Chúa dẫn dắt lịch sử đến ngày thành toàn, nhưng là nỗ lực thanh luyện, lập công để chuẩn bị cho cuộc sống mai sau. Khi ấy, đức Cậy, chỉ được hiểu như một nhân đức đối thần thuần túy, nhằm hy vọng hạnh phúc mai sau, chẳng những không đón nhận được những ưu tư làm đẹp trần gian, nhưng còn tỏ ra thù địch với những nỗ lực ấy.

1.3 Hệ quả của lối nhìn cánh chung chỉ là tận thế

Những lối nhìn về cánh chung không trọn vẹn đã ảnh hưởng khá nhiều đến nhiều lãnh vực, suy tư thần học cũng như đời sống đức Tin. Khi đó, mấu chốt căn bản của đời sống đức tin chính là cái chết hay ngày tận thế; cuộc sống trần gian không còn ý nghĩa tích cực; cuộc sống hiện tại chỉ còn là thời gian chuyển tiếp. Hệ quả là hầu như tất cả đời sống Kitô hữu, những nhân đức Kitô giáo, đang khi ở trần gian này, luôn dựa trên một “nhân đức” căn bản, đó là “nhân đức chịu vậy”. Nghĩa là người ta ít khám phá giá trị tích cực, khám phá cái đẹp có khả năng đóng góp cho cuộc sống trần gian. “Vâng lời” chỉ còn là hy sinh từ bỏ ý riêng; khiết tịnh chỉ còn là ráng dẹp bỏ những ham muốn, khiêm nhường là đành phải chấp nhận hèn kém, thứ tha là nín nhịn vì Chúa không cho trả thù… tất cả những điều chịu vậy ấy chỉ có giá trị cho cuộc sống mai sau, trở thành công nghiệp để được Chúa thưởng lại trên Nước Trời mai sau chứ không có giá trị gì trong thế giới này.

Chính lối nhìn ấy đã vẽ nên một khuôn mặt kitô giáo bi quan, ảm đảm. Khi bắt đầu thời Phục Hưng, thế kỷ XV-XVI, thế giới bắt đầu tìm thấy niềm vui cuộc sống nhiều hơn, lạc quan hơn về những tiến bộ khoa học, thì người ta cũng bắt đầu viết nên nhiều "Bản cáo trạng" đối với Kitô giáo mà ta có thể chọn một đoạn văn tiêu biểu như sau :

"Do những sai lầm bi thảm, con người ngày nay coi người Kitô hữu như kẻ thù của cái có thời gian, và mỗi người chúng ta đều đã loáng thoáng nghe thấy những lời người ta tố cáo chúng ta. Nào là Kitô hữu là người của thế giới bên kia, và như vậy đâu có tha thiết với thế giới này. Người Kitô hữu từ bỏ và khinh chế tất cả những gì làm nên giá trị và niềm vui của đời con người, những sự mong manh và mau qua, nhưng là những sự duy nhất mà chúng ta có thể yêu mến. Nào là Kitô giáo là kẻ thù của cái đẹp; họ nhốt chị nữ tu Cát Minh đàng sau những bức tường mù, cách biệt với vạn vật Chúa đã sáng tạo; họ coi vẻ xinh đẹp của khuôn mặt người ta như một sự kêu gọi nguy hiểm, họ nghi ngờ nghệ thuật, coi nghệ thuật là ngoại giáo, bóp nghẹt nghệ thuật bằng những đòi hỏi luân lý của mình, và nếu không hủy hoại đựơc nghệ thuật, thì họ tìm cách "trừ tà" một cách thâm độc. Kitô giáo là kẻ thù của nền văn minh, không thích sự dễ chịu và các tiện nghi, coi tiến bộ vật chất như một mãnh lực phá hoại, và than khóc trước những cải thiện mới mẻ vì chúng làm sụp đổ những truyền thống cổ xưa. Chung quy, Kitô giáo là kẻ thù của những niềm vui của con người : nếu phải chấp nhận thì họ cũng bao vây những niềm vui này bằng đủ thứ những hạn chế, những luật lệ và sự trông chừng. Về thể thao, về tình bạn hoặc tình yêu, họ miễn cưỡng phải cho phép, nhưng dựng lên biết bao là nhắn nhủ, cấm đoán và đe dọa. Lấy cớ là yêu mến Thiên Chúa, họ ghét bỏ thế giới và muốn dẫn người ta tới chỗ thù ghét thế giới. Vậy các Kitô hữu đừng ngạc nhiên ! Họ hãy để người đời xây dựng cái có thời gian của họ và tổ chức hạnh phúc của họ ! Bởi vì các Kitô hữu vẫn nghĩ mình ở trong thung lũng nước mắt và hướng về Thiên đàng trên trời, xin họ hãy để chúng ta làm việc để mở ra vườn địa đàng : đó là công việc cam go và khó khăn nhưng quá tốt đẹp để lấp đầy một cuộc đời con người. Xin các Kitô hữu hãy để mặc chúng tôi tự cứu lấy mình !"[5].

2. Thay đổi quan niệm về Cánh chung


Nguyên nhân xa của một sự chuyển đổi lối nhìn về cánh chung chính là những học thuyết ánh sáng và trào lưu giải phóng trên bình diện trần thế. Các triết lý ánh sáng ở thế kỷ XVIII, và nhất là học thuyết Mác đã tạo nên một mối quan tâm mới : cần thay đổi chính cuộc sống này đưa cuộc sống đến một tình trạng tốt đẹp hơn. Các triết gia thế kỷ ánh sáng đã nỗ lực thắp lên ánh sáng của lý trí để xua tan những bóng tối của mê lầm, của mê tín, và để xây dựng những giá trị nhân bản [bao dung, hạnh phúc, bình đẳng, tự do…]. Học thuyết Mác kêu gọi thực hiện những hành động có tính thực tiễn cách mạng để thay đổi thế giới... Những nỗ lực ấy tạo nên một ý thức trách nhiệm của con người trước thế giới, tạo nên niềm hy vọng biến đổi trần thế tốt đẹp hơn, tạo nên một thứ cứu thế luận gắn liền với lịch sử trần thế mà người ta gọi là “cánh chung nội tại” [eschatologie immanente].

Người Kitô hữu không thể đứng ngoài những trào lưu đáng trân trọng diễn tả nỗ lực và hy vọng của con người như thế. Từ đầu thế kỷ XX, nhiều nhà thần học cải cách nhìn lại chiều hướng cánh chung như trung tâm sứ điệp của Đức Kitô chứ không phải chỉ là một biến cố xẩy đến ngày sau hết. Karl Barth khẳng định rằng tất cả Kitô là cánh chung; bỏ chiều kích cánh chung, thì không còn Kitô giáo nữa. Nhiều nhà thần học cải cách như R. Bultmann, Cullmann, Moltmar, Pannenberg… đã cố gắng khám phá lại sứ điệp cánh chung và làm nổi bật lên niềm hy vọng Kitô giáo.

Quả thật giữa tiến trình phát triển của trần gian với thành quả chung cuộc có một sự khác biệt căn bản. Thực tại cánh chung không phải là một thành quả thuần túy do nỗ lực của con người, nhưng do từ sáng kiến nhân từ của Thiên Chúa. Đó là điều người ta gọi là sự “đứt đoạn”. Tuy nhiên, người ta không phải là không tìm thấy tiền trình “liên tục” giữa cuộc sống trần gian và sự thành tựu của Nước Chúa chung cuộc. Niềm tin vào Chúa Phục sinh giúp người Kitô hữu có thể sống trước những thực tại sau hết; và họ được mời gọi để nhận ra những “dấu chỉ thời đại”, tức những thực tại cánh chung, những giá trị mới của Tin Mừng, những chiều hướng đảo lộn của Thiên Chúa so với đánh giá quen thuộc của con người… những điều đó đã có mặt và sẽ triển nở trọn vẹn vào Ngày của Chúa.

3. Tìm lại một nền thần học Cánh Chung         


3.1 Ý nghĩa thời gian của Giáo Hội

            Người Do Thái, trước đây và cho đến hiện nay, đặt tất cả niềm hy vọng của dân tộc vào sự xuất hiện của Đấng Messiah, Ngài sẽ hoàn tất tất cả những lời hứa và thực hiện Nước Chúa. Từ một lịch sử khá dài và khá đau thương, cách nhìn của người Do Thái thời Chúa Giêsu đối với biến cố xuất hiện của Đấng Messiah có một số hiểu lầm :

- Hiểu lầm về thời gian : vì quá hy vọng vào sự xuất hiện của Đấng Messiah và có lẽ cũng vì những suy nghĩ thường tình của con người, người Do Thái mong ước Đấng Messiah xuất hiện như một biến cố, dứt khoát và mau chóng; Ngài thực hiện ngay vương quốc của Ngài.

- Hiểu lầm về cách thức : để mau chóng thực hiện vương quốc, chỉ có một cách là thiết lập vương quyền bằng sức mạnh, theo cách thống trị, tổ chức một vương quốc với tất cả những thứ bậc triều chính như một vương quốc trần gian. Đây chính là sự hiểu lầm căn bản của tất cả người Do Thái và cũng là sự hiểu lầm chính khiến cho họ không thể chấp nhận một đức Kitô chịu đóng đinh trên thập giá… Ngay từ đầu, Hê-rô-đê đã sợ hãi sự xuất hiện của một vị vua cạnh tranh với vương quyền của mình [Xc. Mt 2,3 tt]; dân chúng khi nhìn nhận phép lạ hóa bánh ra nhiều đã muốn tôn Đức Giêsu làm vua [Xc. Ga 6, 15]; những người biệt phái đòi Đức Giêsu phải thực hiện một phép lạ từ trời [Xc. Mt 16,1]; và nhất là các môn đệ đã tưởng bở rằng mình đang theo một Đấng Messiah lên Giêrusalem để thiết lập vương quyền [Mc 10,35-45]. Thậm chí, ngay sau khi Chúa chịu chết và Phục Sinh, các môn đệ lại tiếp tục sự hiểu lầm ấy :

“Bấy giờ những người đang tụ họp ở đó đã hỏi Người rằng : Thưa Thầy, có phải bây giờ là lúc Thầy khôi phục vương quốc Israel không ?“ [Cv 1,6].

Chính sự hiểu lầm ấy tạo nên một bức màn che mắt khiến những người Do Thái không thể tin nhận một Đức Giêsu chịu đóng đinh trên thập giá là Đấng Messiah Thiên Chúa sai đến; đó là khó khăn mà Thánh Phaolô đã tóm lại trong thư 1 Cô-rin-tô :

“Trong khi người Do Thái đòi hỏi những điềm thiêng dấu lạ, còn người Hy Lạp tìm kiếm lẽ khôn ngoan, thì chúng tôi lại rao giảng một Đấng Kitô bị đóng đinh, điều mà người Do Thái cho là ô nhục không thể chấp nhận, và dân ngoại cho là điên rồ [1 Cr 1, 22-23].

            Thế nhưng, phương thức thiết lập “Vương quốc” của Đức Giêsu lại hoàn toàn khác. Thời gian của biến cố Đấng Messiah được kéo dài ra thành việc Chúa đến lần thứ nhất và lần thứ hai trong ngày Quang Lâm; cách thức Chúa thiết lập “Vương quốc” lại là gieo mầm một thực tại mới bằng chính cuộc đời và sứ điệp của Ngài, một cuộc đời hoàn tất trong sự chết và Phục Sinh; Nước trời hiện tại chỉ là hạt cải nhỏ bé, là nắm men trong bột [Xc. Lc 13, 18-21].

            Như thế, trong chương trình cứu độ, xuất hiện một yếu tố mới : thời gian của Đấng Messiah, giữa hai lần Chúa đến, cũng là thời gian của Giáo Hội, thời gian cánh chung; việc thiết lập Vương quốc đã hình thành nhưng được trao phó cho Giáo Hội [công việc của Chúa Thánh Thần] để hoàn tất trọn vẹn, đó là ý nghĩa thành toàn của nhiệm cục cánh chung. Chính vì thế, đáp lại câu hỏi về việc thiếp lập vương quốc, Chúa Giêsu trả lời :

“Anh em không cần biết thời giờ và kỳ hạn Chúa Cha đã toàn quyền sắp đặt, nhưng anh em sẽ nhận đựơc sức mạnh của Thánh Thần khi Người ngự xuống trên anh em. Bấy giờ anh em sẽ là chứng nhân của Thầy tại Giêrusalem, trong khắp các miền Giuđê, Samarie và cho đến tận cùng trái đất” [CVTĐ 1,7-8].

3.2 Thực tại Cánh chung đã bắt đầu

            Từ thư 1 Cô-rin-tô, Phaolô đã có những chuyển hướng trong suy tư về cánh chung. Ngài nhận ra cánh chung đã bắt đầu rồi, khi Đức Kitô chịu chết và Phục sinh để mở đường cho những ai tin vào Người [Xc. 1 Cr 15, 20-23]. Trong những thư sau đó, Phaolô còn cho thấy người Kitô hữu đã được thông chia sự sống vĩnh của đức Kitô[6] :

 “Thiên Chúa giàu lòng thương xót và rất mực yêu mến chúng ta, nên dầu chúng ta đã chết vì sa ngã, Người cũng đã cho chúng ta được cùng sống với Đức Kitô. Chính do ân sủng mà anh em đựơc cứu độ ! Người đã cho chúng ta được cùng sống lại và cùng ngự trị với Đức Kitô Giêsu trên cõi trời” [Ep 2,4-6; Xc Cl 2,12].

            Trong khi đó, Tin Mừng Gioan, ngay từ đầu, đã có một cái nhìn khác hẳn so với Nhất Lãm và Phaolô. Thánh Gioan không nói đến “Triều đại Thiên Chúa”[7] và cũng chẳng nói tới sự “Quang lâm của Con Người” từ đám mây trời. Thực tại cánh chung theo Gioan không còn qui chiếu vào một thời điểm [tận thế] hay khung cảnh cánh chung [trời mới đất mới, vũ trụ thay đổi] mà là những thực tại “bây giờ”[8]. Sự sống vĩnh cửu cũng như sự xét xử thế gian đang diễn ở đây và lúc này, khi người ta chấp nhận hay từ khước tin vào Đức Kitô

“Thật Tôi bảo các ông : ai nghe lời Tôi và tin vào Đấng đã sai Tôi, thì có sự sống đời đời và khỏi vị xét xử, nhưng đã từ cõi chết bước vào cõi sống. Thật tôi bảo các ông : giờ đã đến – và chính lúc này đây – giờ các kẻ chết nghe tiếng Con Thiên Chúa; ai nghe thì sẽ được sống“ [Ga 5, 24-25]

“Giờ đây đang diễn ra cuộc phán xét thế gian. Giờ đây, thủ lãnh thế gian này sắp bị tống ra ngoài” [Ga 12,31]

            Thực tại cánh chung, đối với Phúc Âm thứ Tư chính là “sự sống”, hay “sự sống đời đời” [Ga 3,36; 5,24; 6,47.53-54; 1Ga3,14; 5,11.13]; đó là “biết” [kết hiệp], “nhìn thấy”, Ga 1,18;  3,13; 6,46; 8,38]… “Sự sống đời đời là biết Cha là Thiên Chúa duy nhất và chân thật, và Đấng Cha sai đến là Giêsu Kitô” [Ga 17,3; Xc. 1Ga 3,2].

3.2 Nước Trời đã có mặt ở trần gian

            Như thế, trong Tân Ước, người ta đã thấy nhiều yếu tố nên lên sự hiện diện của thực tại cánh chung giữa lòng lịch sử; Phán xét, Phục sinh, đời sống vĩnh cửu, sự hoà giải con người với nhau, đời sống thân mật với Thiên Chúa… đó là những yếu tố của một tạo thành mới. Tất cả tạo thành chỉ còn chờ đợi “Ngày của Chúa”, không phải như một thời điểm chấm dứt tất cả mọi sự, nhưng như một sự biến đổi để hoàn tất và mang lại ý nghĩa trọn vẹn cho tất cả lịch sử nhân loại cũng như cho tất cả sự tiến hoá của vũ trụ.

            Hiến chế tín lý về Giáo Hội khẳng định :

“Như thế, thời đại cuối cùng đã đến với chúng ta rồi vậy [Xc. 1 Cr 10,11[9]]. Việc canh tân thế giới đựơc thiết lập một cách bất khả phục hồi và thực sự đã bắt đầu một cách nào đó ngay từ bây giờ, vì Giáo Hội trên mặt đất đã đựơc trang điểm bằng sự thánh thiện đích thực, tuy chưa hoàn toàn. Dù vậy, cho tới khi có trời mới đất mới, nơi công lý ngự trị [Xc. 2 P 3,13], giáo Hội lữ hành mang khuôn mặt chóng qua của đời này, qua các bí tích và định chế là những điều thuộc thời đại này. Và Giáo Hội vẫn sống giữa các thụ sinh tới này còn rên siết và quằn quại trong cơn đau đớn lúc sinh con, và mong đợi con cái Thiên Chúa xuất hiện [Xc. Rm 8, 19-22]” [MV 48c]

3.3 Nước Trời đang hoàn thành

            Hiến chế Mục vụ góp phần làm sáng lên khẳng định này khi xác định đường lối mở cửa của Giáo Hội để đón nhận lấy những ưu tư trăn trở của nhân loại [Xc. MV 1]. Giáo Hội nhìn nhận những giá trị tích cực của cuộc sống và cũng nhận ra trách nhiệm, theo mệnh lệnh của Chúa và nhờ Chúa Thánh Thần, để kiện toàn những giá trị nhân bản, hướng về Ngày của Chúa :

“Thực vậy, sau khi đã theo mệnh lệnh Chúa và nhờ Chúa Thánh Thần phổ biến trên trái đất tất cả các giá trị về nhân phẩm, về hiệp thông huynh đệ và tự do, nghĩa là mọi thành quả tốt đẹp do bản tính và hoạt động con người đem lại, chúng ta sẽ gặp lại chúng, nhưng là gặp lại sau khi chúng  được thanh tẩy khỏi mọi tì ố, được chiếu sáng và biến đổi, nghĩa là khi Chúa Kitô giao hoàn lại Chúa Cha vương quốc vĩnh cửu và đại đồng : “Vương quốc của chân lý và sự sống, vương quốc thánh thiện và ân phúc, vương quốc công bình, yêu thương và hoà bình” [Kinh tiền tụng lễ Chúa Kitô Vua]. Vương quốc ấy đã hiện diện cách mầu nhiệm ở trần gian này và sẽ đựơc kiện toàn khi Chúa đến” [MV 39c].

3.4 Ý nghĩa sứ vụ của Giáo Hội

Giáo Hội nhận ra được bước đường theo Chúa cũng chính là bước đường đi sâu vào lịch sử nhân loại, đảm nhận và vượt qua lịch sử ấy :

"Với bổn phận phải bành trước khắp thế giới, Giáo Hội đi sâu vào lịch sử nhân loại. Tuy nhiên Giáo Hội đồng thời cũng vượt thời gian và biên giới các dân tộc. Tiến bước giữa cơn cám dỗ và đau thương, Giáo Hội được vững mạnh nhờ ơn Thiên Chúa mà Chúa Giêsu đã hứa ban, hầu Giáo Hội vẫn hoàn toàn trung tín, sống như một Hiền Thê xứng đáng của Chúa mình, dầu xác thịt yếu hèn, và không ngừng tự đổi mới dưới tác động của Chúa Thánh thần cho đến ngày, nhờ thánh giá, đạt đến ánh sáng không hề tắt" [GH 9c].

Để thể hiện cứu cánh của mình là phát triển Nước Chúa đã được khai mào và đang hướng tới ngày hoàn tất, Giáo Hội có trách nhiệm để cho Chúa sử dụng như một khí cụ cứu rỗi muôn dân :

"Dân thiên sai này có vị thủ lãnh là Chúa Kitô, "Đấng đã bị nộp vì tội lỗi ta và Phục sinh cho ta nên công chính" [Rm 4,25], và bây giờ Người được một danh hiệu vượt trên mọi danh hiệu, làm Con Thiên Chúa, và Thánh Thần ngự trong tâm hồn họ như trong đền thờ. Luật của họ là giới răn mới : phải thương yêu nhau như chính Chúa Kitô đã yêu thương chúng ta [Xc. Ga 13,34]. Sau cùng, cứu cánh của họ, tức là phát triển thêm Nước Thiên Chúa, đã được Ngài khai nguyên trên trần gian, cho tới khi được Ngài hoàn tất trong ngày thế mạt, ngày mà Chúa Kitô, sự sống của chúng ta, hiện đến [Xc. Cl 3,4], ngày mà "chính tạo vật cũng được giải phóng khỏi ách nô lệ hư nát, lại được tự do trong vinh quang con cái Thiên Chúa" [Rm 8,21]. Vì thế, Dân tộc Thiên sai ấy, tuy hiện nay chưa bao gồm toàn thể nhân loại và đôi khi tỏ ra như một đàn chiên nhỏ, nhưng lại là một mầm mồng của hiệp nhất, hy vọng và cứu rỗi vững chắc nhất cho toàn thể nhân loại. Dân tộc thiên sai ấy được Chúa Kitô thiết lập để thông dự vào sự sống, bác ái và chân lý, được Người sử dụng như khí cụ cứu rỗi cho mọi người, và đựơc sai đi khắp thế giới như ánh sáng trần gian và muối đất [Xc. Mt 5,13-16]" [GH 9b].

3.5 Trách nhiệm của người Kitô hữu

            Người Kitô hữu luôn là người tha thiết với Nước Trời và ngược với quan niệm trước đây, chính niềm tha thiết này thúc đẩy người Kitô hữu tích cực tham dự vào lịch sử, tích cực xây dựng cuộc sống để chuẩn bị cho Nước Trời mau đến :

 “Chúng ta được cảnh giác là lời lãi cả thế gian mà chính mình hư mất nào ích lợi gì. Nhưng sự trông đợi trời mới đất mới không đựơc làm suy giảm, trái lại phải kích thích nỗ lực phát triển trái đất này, nơi mà Thân Thể gia đình nhân loại mới đang tăng trưởng và tiên báo một vài hình ảnh của thời đại mới. Bởi vậy, tuy phải phân biệt rõ rệt những tiến bộ trần thế với sự bành trướng Vương Quyền Chúa Kitô, nhưng những tiến bộ này trở thành quan trọng đối với Nước Thiên Chúa tùy theo mức độ chúng có thể góp phần vào việc tổ chức xã hội loài người cho tốt đẹp hơn” [MV 39b].



Kết


1. Một cách nào đó, khát vọng cánh chung vẫn luôn sống động trong dòng lịch sử ơn cứu độ. Tuy nhiên, cần có thời gian và là một thời gian khá dài để khát vọng ấy, được Chúa Thánh Thần hướng dẫn, bộc lộ hết những chiều kích phong phú của nhiệm cục cứu độ :

* Niềm mong chờ "cánh chung" của người Do Thái rất sống động nhưng có tính cách vật chất

* Niềm mong chờ cánh chung của Giáo Hội sơ khai thì có tính cách nóng vội, mong ơn giải thoát cho một số người.

* Niềm mong chờ cánh chung của Giáo Hội Trung cổ thì có tính cách siêu thoát của cá nhân

* Lúc này đây, ta thấy niềm mong chờ cánh chung từ Công Đồng Vatican II có tính cách toàn diện hơn.

2. Ý nghĩa cánh chung của lịch sử cứu độ, trước đây là một đường dọc của sự chết và tận thế, đường dọc cắt đứt cuộc sống hiện nay và cuộc sống mai sau, đường dọc phân chia một thế giới đầy bi quan và chịu lụy với một thế giới được Chúa thưởng công với tất cả hạnh phúc.

Ý nghĩa cánh chung hiện nay phải là một đường ngang, đường ngang cho thấy một phần thế giới vẫn còn nằm dưới thế lực của sự dữ, và bên kia là những mầm mống của Nước Trời. Những thực tại nước Trời hiện nay vẫn còn là một hạt cải, là nắm men nhỏ bé, nhưng đã đang thể hiện như một chiến thắng dứt khoát nhờ sự chết và Phục sinh của Đức Kitô. Đường ngang ranh giới ấy sẽ phải lấn dần, xâm nhập dần dần để những thực tại Nước Trời mỗi biến đổi trần thế nên toàn vẹn trong Nước Chúa.

3. Niềm tin vào Chúa cũng bao hàm một cách căn bản niềm tin vào nhiệm cục cứu độ của Chúa đối với thế giới hôm nay. Những giá trị Tin Mừng không còn là những khía cạnh của “nhân đức chịu vậy” nhưng là những nét đẹp, những giá trị tích cực của Nước Chúa [khó nghèo là sống niềm vui làm chủ của cải; vâng phục là tìm thấy niềm vui hiệp nhất, tha thứ là nét đẹp của tấm lòng Thiên Chúa,…] có sức mạnh chiến thắng thế lực của satan và biến đổi thế giới.



 


Cánh Chung [Mục lục phân tích chủ đề Công đồng Vatican II]


- Xc. nhất là GH 48-51

- Những bản văn Tân Ước tiên báo sự kết thúc vinh hiển công trình của Đức Kitô [MK 20]

- Giáo Hội khao khát ngày Nước Trời hoàn tất [GH 5]

- Ngày tận thế, Nước Trời sẽ hoàn tất trong vinh quang [GH 2,5,6,7,8,48]

- Israel mới đang tìm kiến thành đô tương lai [GH 9]

- Giáo Hội theo đuổi mục đích cứu rỗi và Cánh chung, và chỉ có thể đạt đến trọn vẹn trong thời gian sắp tới [MV 40]

- Giảng dạy bằng niềm hy vọng cánh chung không giảm bớt nhiệm vụ trần thế [GH 21]

- Dân Chúa mà cứu cánh là Nước trời phải bành trướng cho đến khi được Chúa hoàn tất [GH 9]

- Tiếp tục lớn lên cho tới khi đạt tới sự sung mãn trong vinh quang vĩnh cửu [HN 3]

- Phải dọn đường chờ đón Đức Kitô đến [TG 1]

- Phải luôn duy trì các linh mục tới ngày tận cùng thế giới, LM 11 [?]

- Đức Maria được vinh hiển hồn xác là hình ảnh và khởi thủy của Giáo Hội phải hoàn thành đời sau [GH 68]

- Kitô hữu chờ đợi ngày Đức Kitô tỏ lộ vinh quang [GH 7, 48]

- Và mong chờ đất mới nơi công bình ngự trị [MV 39].

- Các linh mục qua sự độc thân của mình, là dấu chỉ sống động về thế giới mai sau [LM 16].

- Các ngài dâng hiến hy tế của Đức Kitô cho tới khi Chúa lại đến [LM 2].

- Không ai biết khi nào sẽ tận thế [MV 39].

- Nhưng thế giới hiện nay đang ở trong giai đoạn cuối cùng [GH 2, 48].

- Đường hướng tu đức của sự chờ đợi Kitô giáo có tính cách cộng đoàn [GH 48-50]; chờ đợi trong kiên trì [GH8], và niềm hy vọng [GH 35, TĐ 4], trong việc chấp nhận đau khổ [GH 41] và tỉnh thức [GH 48].

Kết


* St "Thiên Chúa thấy thế là tốt đẹp" [Xc. St 1, 4,10,12,18,21,25,31] đó là câu điệp khúc gõ nhịp cho công cuộc sáng tạo trong sách Sáng Thế

* 1 Tm 4,4 : "Thật vậy, tất cả những gì Thiên Chúa tạo dựng đều tốt, và không có gì phải loại bỏ, nếu biết dùng trong tâm tình tri ân cảm tạ, vì lời Thiên Chúa và lời cầu nguyện thánh hoá những thứ đó".

- Thánh Thomas S.T. Ia, 65,I,3m : "Mọi vật thụ tạo, xét tự bản thân chúng, không lìa xa Thiên Chúa, song dẫn đưa đến Ngài... Nếu chúng lìa xa Thiên Chúa là do những kẻ sử dụng chúng một cách phi lý bởi tội lỗi của họ".

 Xc. tư tưởng của thánh Thomas trong "Trái Tim Thomas]

* Đi vào lịch sử cứu độ

- Một cuộc sống liên kết giữa lịch sử đời thường, lịch sử của cá nhân nữa trong lịch sử ơn cứu độ.

- Một cuộc sống có kỷ niệm với Chúa.



thần trí, tâm hồn và thân xác [Xc. 1 Tx 5, 23]. Trong mối tương giao cụ thể như thế,

Tâm hồn con người có thể bị một sức mạnh bên ngoài xâm chiếm mãnh liệt đến độ như con người không còn thuộc về mình nữa, đó là hoạt động của thần khí, thần khí xấu [Xc. Ds 5,14-30; Tl 9,23; Hs 4,12; Ed 13,2] hoặc thần khí tốt cuxuất phát từ Thiên Chúa.. Đây là có thể là một thần khí xấu lực xấu.



Theo quan niệm Sê-mít, con người gồm có nhiều thành phần : linh hồn, con tim, nhục thể, thân xác, thần trí. Khi sử dụng những từ ngữ ấy, người Sê-mít không muốn phân chia con người thành những thành phần riêng biệt và độc lập nhau nhưng diễn tả con người toàn diện tỏ hiện dưới những khía cạnh khác nhau của đời sống. Con người là linh hồn vì đựơc sinh khí tác động; con người là nhục thể vì con người là tạo vật khả tử; con người là tinh thần vì con người hướng về Thiên Chúa; con người là thân xác, vì con người biểu lộ mình với thế giới bên ngoài…

Yếu tố chính để thay đổi một con người không phải là một chân lý trừu tượng mà chỉ người khôn ngoan mới có thể hiểu biết, theo kiểu của người Hy Lạp; cũng không phải là một nỗ lực hoàn toàn của ý chí của những bậc chính nhân quân tử để tuân theo giáo huấn của thánh hiền như kiểu luân lý Khổng Mạnh, nhưng chính yếu là do sự tác động của thần trí [hay thần khí = ruah/pneuma].

biệtémitiquephân , và thần trí là một sức mạnh Co người  Chính sự tương tác giữa các thần trí tạo nên những biến đổi căn bản trong con người.







Khát Vọng Cánh Chung


[Chia sẻ Lời Chúa Mt 9, 27-31; thứ Sáu 4-12-98, tại Tu Xá Vinh Sơn Liêm.

1. Thời Trung Cổ là thời đại ít có khát vọng Cánh Chung nhất trong lịch sử Giáo Hội. Lý do là vì, trong thời Trung Cổ, Giáo Hội tương đối ổn định, vững chắc và có nhiều uy thế. Giáo Hội không đối diện nhiều với đau khổ, với bế tắc, với dằn vặt của cuộc đời. Với quyền bính to lớn, Giáo Hội có thể tự ý sắp xếp, xoay sở, kết án,... để giải quyết mọi vấn đề xẩy ra,...

            Không đối diện với sự bất lực căn bản của mình, nên Giáo Hội thời đại này cũng không thấy tính khẩn thiết của ơn cứu độ và không thá thiết mong chờ Chúa đến. Giáo Hội khi ấy chỉ còn quay nỗ lực của mình vào đời sống luân lý, cố gắng rèn luyện luân lý thay vì mong chờ ơn cứu độ trọn vẹn của Thiên Chúa. Trong Giáo Hội ấy, mẫu gương tiêu biểu là những vị thánh có đời sống luân lý cao cả.

            Mặc khác, chính thời đại này lại đã xây dựng nên được một hệ thống thần học lớn mạnh bao trùm mọi lãnh vực. Từ đó, trong truyền thống Giáo Hội, những suy tư thần học thiên về một Thiên Chúa tự tại, Thiên Chúa trong danh nghĩa, trong vinh quang của bản tính Ngài; những suy tư luân lý và tu đức lại quy nhiều về nỗ lực riêng của con người; chân lý đức tin ít là một chân lý cứu độ, mà là chân lý lý thuyết.

2. Từ Vatican II, chiều kích Cánh Chung phải là chiều kích căn bản của mọi vấn đề thần học, nghĩa là suy tư thần học về mọi khía cạnh của đời sống và đời sống đức Tin đều chỉ có thể trọn vẹn, hoàn tất, trong sự hoàn thành của chương trình cứu độ. Chiều kích Cánh Chung là ngõ mở cho mọi cố gắng suy tư cũng như cho thực tại của đời người.

            Điều đó chắc hẳn có liên quan [?] đến những biến chuyển của thời đại. Giáo Hội trong cuộc sống hôm nay không còn là người thuyền trưởng của con tầu thế giới; Giáo Hội khám phá ra những người nghèo, những vấn đề xã hội nan giải, những mảnh đời bế tắc và khổ đau ... từ đó, Giáo Hội đặt mình vào hoàn cảnh người nghèo nhiều hơn để có thể cùng với con người tha thiết mong chờ Chúa đến để hoàn tất nhiệm cục cứu độ của Ngài. Giáo Hội khám phá lại chân lý cứu độ và chiều kích cánh chung....

3. Những điều này có nhiều hệ luận quan trọng :

- Hình ảnh tiêu biểu của người Kitô hữu không phải là những vị thánh theo nghĩa những người có đời sống luân lý cao cả, nhưng là những người nghèo được Thiên Chúa yêu thương và cứu độ, nghèo vật chất và cả nghèo về tinh thần.

- Lời chứng cho Chúa [sứ mạng tông đồ] không phải là "lời" luân lý, nghĩa là bằng đời sống thiện hảo của cá nhân mình; nhưng là công bố Tin Mừng cứu độ cho con người. Như thế, chứng tá nổi bật cho ơn cứu độ của Chúa phải là chính những người đau khổ, giới hạn, bế tắc,.... nhưng nhờ đức tin mà tìm được "đường, sự thật và sự sống" nơi Đức Kitô.

4. Chúng ta cần trở lại với Tin Mừng để thấy những người được cứu độ chính là những người đau khổ, những người tội lỗi, nhưng người bệnh tật, những người bị bỏ rơi, bị coi thường trong xã hội; đó không phải những mẫu gương luân lý, nhưng là những mẫu gương của lòng tin vào Thiên Chúa, tin vào Đức Giêsu, tin vào ơn cứu độ của Ngài. Trong Tin Mừng, những người có đời sống luân lý cao [biệt phái] lại là những người cứng lòng tin nhất và bị Chúa khiển trách nhiều nhất.








[1] Xc. 1 Tx 4, 15-17; 1 Cr 15, 51-53.
[2] Xc. 2 Tx 2,3.
[3] Xc. 2 Pr 3,8-10 : ”Anh em thân mến, một điều duy nhất, xin anh em đừng quên : đối với Chúa, một ngày ví thể ngàn năm, ngàn năm cũng tựa một ngày. Chúa không chậm trể thực hiện lời hứa, như có kẻ cho là Người chậm trễ…”. Tuy nhiên, vẫn có một vài nhóm nhỏ tha thiết mong chờ ngày Quang Lâm của Chúa như nhóm Montanô, nhóm “Thiên niên kỷ”; Xc. Phan Tấn Thành, Về Nguồn 3, trang 254-257.
[4] Xc. Phan Tấn Thành, Về Nguồn 3, trang 254-257.
[5] Jean Mouroux, Sens chrétien de l' Homme, Tủ sách Luân lý, bản dịch của Trần Thái Đỉnh và Nguyễn Bình Tĩnh, Đại Chủng Viện Huế, 1997, trang 15-17.
[6] Chúng ta có thể thấy nhiều cách diễn tả của thánh Phalô về hồng phúc của đời sống Kitô hữu hiện nay mang tính chất cánh chung, chẳng hạn “nhìn thấy Thiên Chúa” [1 Cr 13, 8-13], “được ở với Đức Kitô” [1 Tx 4,17; Pl 1,23], “ở kề bên Đức Kitô” [2 Cr 5,8]; nhất là được kết hiệp với sự chết và Phục Sinh của Đức Kitô trong bí tích Thánh Tẩy : “Khi chịu phép rửa, anh em đã cùng đựơc mai táng với Đức Kitô, lại cùng được chỗi dậy với Người, vì tin vào quyền năng của Thiên Chúa, Đấng làm cho Người chỗi dậy từ cõi chết” [Cl 2,12].
[7] Trừ ở Ga 3,3.5.
[8] Gioan dùng rất nhiều từ “giờ đây”; Xc. Ga 3, 16-21.35-36; 5,24-25; 6,46-47; 9, 39-41; 12,31.44.46.
[9] “…chúng ta, những người đang sống trong thời đại sau hết này” [1 Cr 10,11.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Top