Vài ghi nhận về 

Chiêm Niệm trong Hoạt Động

1. Sự chênh lệch trong thế giới

1.1 Hiến chế Mục Vụ ghi nhận
“Những sự chênh lệch trong thế giới ngày nay. Sự biến chuyển quá mau chóng, thường thiếu trật tự và hơn nữa, sự ý thức càng ngày càng bén nhạy hơn về những sựkhác biệt hiện có trong thế giới, là những yếu tố làm phát sinh hoặc gia tăng nhiều mâu thuẫm và chênh lệch.
Chính nơi con người, thường phát sinh sự thiếu quân bình giữa óc thực tế hiện thời và lối suy tư lý thuyết không còn khả năng làm chủ và tổng hợp gọn gàng toàn thể mọi tri thức. cũng vậy, thiếu quân bình giữa nỗi lo âu đạt hiệu quả cụ thể và những đòi hỏi của lương tâm, và, nhiều lúc, giữa những cảnh sống tập thể và những đòi hỏi phải suy tư cá nhân, và nhất là chiêm niệm. Sau hết, chênh lệch giữa sự chuyên biệt hoá các sinh hoạt nhân loại và cái nhìn bao quát về muôn vật….” (GH 8)
1.2. Vấn đề muôn thuở
Thật ra, những chênh lệnh như thế là vấn đề muôn thuở, chúng lộ ra rõ nét trong thời hiện đại, nhưng chúng vốn tiềm tàng trong thân phận con người.
1.2.1 Trong đời thường : Bệnh cây che mất rừng :
Một người giáo dân tham gia vào việc điều hành trong giáo xứ, bực mình vì một thành viên nào đó, rồi nghỉ, không tham gia nữa… Khi ở ngoài, người tín hữu ấy lại thấy thành viên “khó tính” kia, nói chung là tốt…
Những đứa con lớn, sống chung trong một nhà cũng thường bị những hành vi, lời nói của anh chị em dâu rể là không chịu nổi. Nhưng khi ở xa, dù cũng biết những tính tình xấu ấy, lại có thể nhận ra : nói chung là anh/chị ấy tốt rồi…
1.2.2. Trong cơ cấu xã hội
- Tình trạng xã hội mất căn tính : xã hội ngày nay lôi kéo người ta so kè, đánh giá nhau theo những sản phẩm cao cấp mà người nào đó có được. Điều đó đưa đến hậu quả người ta không còn lưu tâm đến căn tính của mình bộc lộ một cách trung thực trong  công việc của mình, mà chỉ tìm mọi cách để có tiền, mua sắm, so kè cho được bằng chị bằng em…
- Khi quy luật nghiệt ngã bên ngoài lấn át tự do con người : khi người tội phạm tỏ dấu hối hận, người ta có thể nhận định rằng : nó chỉ sám hối khi không còn điều kiện phạm tội nữa. Rồi người ta lại cũng có thể nhận định rằng : thật ra anh chưa phạm tội cũng chỉ vì anh chưa có điều kiện phạm tội đấy thôi… Những điều đó có thể đúng với nhiều trường hợp, và no cho thấy quy luật nghiệt ngã bên ngoài lấn át giá trị tự do bên trong của con người.
1.2.3 Trong suy tư triết học
- Truyền thống triết học Hy Lạp đề cao lý thuyết hơn thực hành, đưa đến một sự coi thường hoạt động và việc làm. Chỉ những người “tự do”, nghĩa là được thoát khỏi mọi ràng buộc về cơm áo và được nói trước công chúng thì mới có khả năng đạt đến chiêm ngắm (theoria)
- Khởi đầu của thời cận đại : Descartes tìm ra lãnh địa tinh thần, khám phá này cũng là tìm lại một sự quân bình hơn giữa chủ thể và khách thể, giữa thế giới duy nhiên và chủ thể tính của con người.
- Khi thế giới Tây phương đánh mất chiều kính chiêm niệm (theo nghĩa triết học) : vào thế kỷ XVII, khi mà khoa học không còn nhằm mục đích “chiêm ngắm” như trong triết học cổ truyền nữa, mà nhằm mục đích biến cải thế giới để phục vụ cho nhu cầu của con người, thì toán học trở thành ngôn ngữ căn bản của khoa học, toán học nhằm để đo lường thế giới, và thế giới bị biến thành thuần “số lượng”. Những gì là “phẩm tính” bị coi nhẹ… Chính những yếu tố ấy làm cho con người không còn biết “ở trong” thế giới nữa. Sự cân bằng bị phá vỡ và đưa đến bao nhiêu chênh lệch, khủng hoảng trong thế giới hiện đại.
- Vấn đề chiêm niệm trong triết học Marcel : Marcel coi hữu thể là huyền nhiệm, tôi và huyền nhiệm và anh là huyền nhiệm. Những “trục trặc” trong huyền nhiệm “tôi”, huyền nhiệm “anh” không phải là những “vấn đề” mà chúng ta có thể giải quyết, đúng hơn là cần chiêm ngắm huyền nhiệm để thấy huyền nhiệm mỗi ngày mỗi sáng tỏ hơn, nhưng không bao giờ huyền nhiệm có thể được giải quyết dứt khoát…
Làm sao để có thể sống đúng đắn hơn trước những chênh lệch trong thế giới, đặc biệt trong thế giới hiện nay ???

2. Vấn đề chiêm niệm trong lịch sử ơn cứu độ

2.1 Truyền thống Kinh Thánh
Mặc  dù việc thực hành chiêm niệm là một thực tại phổ biến trong các tôn giáo, cũng như trong truyền thống Kitô giáo, nhưng trong Kitô giáo, vấn đề chiêm niệm vẫn luôn bị đặt lại. Có những vấn đề liên hệ tới việc giải thích Kinh thánh, vì trong thực tế, Kinh Thánh không có từ ngữ "chiêm niệm" mà chỉ hoàn toàn tập trung vào đức tin và Lời Chúa. Có những vấn đề khác liên hệ tới ý tưởng thoát tục, vì khi sứ điệp Kitô giáo nhấn mạnh tới đức ái, thì hiển nhiên là không đề cao tuyệt đối đời sống chiêm niệm. Chúng ta nhìn lại một chút những vấn đề ấy.
Khái niệm chiêm niệm thể được đề cao như một hoạt động cao nhất của con người trong văn hoá Hy Lạp; và chúng ta có thể thấy chung quanh quan niệm này cả một nền văn hoá, triết lý có nhiều điểm khác biệt với truyền thống Do Thái - Kitô giáo. Người Hy Lạp quan niệm Thượng Đế là nguyên lý tối cao của cả vũ trụ, nhưng Thượng Đế lại không quan tâm gì đến vũ trụ. Thượng Đế có sự an nhàn riêng, ngài là mẫu mực của muôn loài trong vũ trụ nhưng lại không cần biết đến bất cứ điều gì ở ngoài ngài. Thượng là nam châm hút sắc mà không biết mình hút. Trong vũ trụ xung quanh con người, có những thực tại cao cả hơn con người, vì thể hiện được một tự đều đặn giống Thượng Đế hơn, chẳng hạn các tinh tú trên bầu trời. Con người là tiểu vũ trụ, cần phải học biết và sống hoà nhịp với đại vũ trụ và để sống giống như Thượng Đế. Việc học biết này được thực hiện bằng ly trí.
Trong khi đó những nền văn minh Đông phương thì đề cao một thái độ suy niệm (méditation) kèm theo đó là những phương pháp theo một thứ tự nghiêm ngặt.
Truyền thống Kitô giáo thì lại là một tôn giáo cứu độ những người bé mọn, tầm thường nhất…bằng quyền năng của Thần Khí Chúa.
2.1.1 Sống đức Tin là sống đời mình như một lịch sử ơn cứu độ
Truyền thống Kinh Thánh vốn mang nét căn bản là tính lịch sử, nghĩa là một thái độ của niềm tin được thể hiện trong chính chiều kích lịch sử của cuộc đời. Do Thái Kitô giáo là tôn giáo mặc khải, nghĩa là đón nhận giáo lý từ trời cao, nhưng lại được thể hiện trong cuộc sống đời thường, làm nên một thứ hoa trái riêng biệt là “lịch sử ơn cứu độ”.
Do đó, thái độ căn bản của người Dân, không phải là một lòng đạo đức tự nó là tốt, cũng không phải là một tư cách hay một trình độ tôn giáo cao vời, mà là lòng trung tín với Chúa, trung tín với các giải pháp của Chúa trong dòng lịch sử, để hướng tới việc đón nhận Đấng Mêsia. Có thể tạm nói, đó là một thứ “chiêm niệm nhập thể”.
Sách Thánh nói Dân Do Thái là một dân cứng lòng. Điều đó có lẽ không phải tâm tính của một dân tộc vốn ngang ngạnh, nhưng đúng hơn là do họ đứng trước một sứ mệnh “không giống ai”, sứ mệnh sống niềm tin, đón nhận những chỉ dẫn của niềm tin trái ngược với lối suy nghĩ khôn ngoan đời thường. Sống niềm tin là cả một cuộc phiêu lưu, cả về mặt chính trị và quân sự chứ không phải chỉ là một thái độ đạo đức. Truờng hợp vua Achaz là một ví dụ điển hình. Chính vì vậy mà Dân đã thường giết các ngôn sứ...
Trong chiều hướng đức tin có tính lịch sử như thế, chúng ta cũng hiểu được, chiêm niệm Kitô giáo nhằm tới một mục tiêu chính yếu là khám phá thánh ý của Chúa trong hành trình cuộc đời, qua những thách đố, những sự kiện, những vấn đề của đời sống thường ngày.
2.1.2 Chiều kích chiệm niệm
Tuy nhiên, người ta không khó để thấy những ý niệm, những thái độ cũng như “hoa trái” của đời sống đức Tin trong truyền thống Kinh Thánh có một sự tương tự với ý niệm và những thực hành chiêm niệm. Có thể nói người ta chỉ đặt vấn đề về chiêm niệm trong Kinh Thánh khi hiểu chiêm niệm theo nghĩa chặt; nhưng không thể nào từ chối được “chiều kích chiêm niệm” trong đời sống đức Tin của Sách Thánh và truyền thống Kitô giáo. Điều dĩ nhiên cần nhấn mạnh, đó là : chiêm niệm không phải là hành vi cao cả nhất của đời sống Kitô giáo và cũng không phải là mục đích tối hậu. Mục đích tối hậu của  của đời sống Kitô giáo là sự hưởng kiến và giá trị tuyệt đối của đời sống Kitô giáo chính là đức Ái. Mọi đặc sủng khác đều quy chiếu vào đức Ái.
Các ngôn sứ có thể biết ý muốn Thiên chúa mà không cần một thực hành phương pháp chiêm niệm. Nhưng chúng ta cũng thấy nơi các ngài có một đời sống cầu nguyện và tinh thân thiết với Chúa, chẳng hạn Mai Sen, Giê-rê-mi-a…
Yếu mến Thiên Chúa, hết lòng, hết linh hồn, hết trái tim…; và đời sống Kitô hữu, sự kết hiệp với Chúa Giêsu…giả thuyết một sự chiêm niệm.
Có lẽ các tác giả sách Khôn Ngoan là những người có một sự thực hành giống với ý nghĩa chiêm niệm nhất, nhưng người ta cũng thấy chắc chắn rằng các ngài chịu ảnh hưởng của văn hoá Hy Lạp.
Trong Tân Ước, thánh Gioan và thánh Phalolô nói đến việc “biết” Chúa (gnosis), nhưng đây không phải là một sự hiểu biết lý thuyết bằng lý trí mà thôi, mà còn là một chứng nghiệm trong tình nghĩa với Chúa. Nơi thánh Phaolô, người ta thấy rõ một sự “hiểu biết thiêng liêng” về bản thân Chúa Giêsu, điều đó được qua 02 năm ở Arabie sau khi được hoán cải. Những hiểu biết của Ngài về đức Giêsu Kitô không do các tông đồ khác truyền lại, nhưng là một thứ “ánh sáng bên trong”. Người ta cũng thấy một tiến trình càng ngày càng có tính nội tâm hơn của Phaolô : trước tiên đức Giêsu xuất hiện với ngài như một Quan án; rồi như Đấng mà chúng ta được tham sự vào sự sống; rồi trong những thư trong ngục, Đức Giêsu lại là Đấng sống trong ta…
2.2 Suy niệm một bản văn Tin Mừng Gioan
- Thánh Thần làm chứng về Chúa Giêsu Kitô Ga 16, 8-11 :
”Khi Người đến, Người sẽ chứng minh rằng thế gian sai lầm về tội lỗi, về sự công chính và việc xét xử : về tội lỗi : vì chúng không tin vào Thầy; về sự công chính : vì Thầy đến cùng Chúa Cha, và anh em không còn thấy Thầy nữa; về việc xét xử : vì Thủ lãnh thế gian này đã bị xét xử rồi”.
………

3. Vấn đề chiêm niệm trong Giáo Hội

3.1 Vài nét lịch sử
Đời sống đức Tin Kitô hữu, từ ban đầu, luôn gắn vào nguồn mạch căn bản là Lời Chúa và Bí tích, và từ đó phát sinh nhiều hình thức cầu nguyện khác nhau, từ những quy định về phụng vụ cho đến những phương thức bình dân. Ngoài ra, các đan sĩ được khuyến khích suy niệm Lời Chúa dưới hình thức lectio divina.
Vào thế kỷ XII, viện phụ Guigo II, dòng Chartreux xác định các bước chính trong việc thực hành lectio divina, gồm : lectio, meditatio, oratio, contemplatio. Ngài viết :
Đọc (lectio) cónghĩa là khảo sát Kinh Thánh cách chăm chú, miệt mài. Suy (meditatio) là dùng trí tuệ để tìm hiểu chân lý tiềm ẩn. Cầu (oratio) là hướng con tim lênm cùng Thiên Chúa, để xua đuổi điều xấu và đạt được điều tốt. Ngắm (contemplatio) là để cho linh hồn vươn lên tới Chúa, tựa hồ thoát ra khỏi bản thân, thưởng thức những niềm ngon ngọt vĩnh cửu”.
Như thế, chữ contemplatio có nghĩa là nhìn ngắm, dịch từ danh từ theoria của tiếng Hy Lạp. Thánh Gregorio giải thích là sự hiểu biết ngọt ngào về Thiên Chúa.
Từ thời Cận đại, người ta chú trọng nhiều hơn tới  “tâm nguyện” và nhận định rằng “tâm nguyện” thì cao hơn “khẩu nguyện”, vì tâm nguyện mới đưa người tín hữu đến sự kết hiệp sâu xa với Thiên Chúa. Tâm nguyện là hình thức cầu nguyện của các tu sĩ và giáo sĩ, còn giáo dân thì chỉ biết đọc kinh. Mặc dầu, trên lý thuyết, phụng vụ vẫn là hình thức cầu nguyện đứng hàng đầu, vì là lời cầu nguyện nhân danh Giáo Hội, nhưng nhiều khi người tu sĩ chỉ còn thấy “kinh nguyện nhật tụng” là nghĩa vụ pháp lý, vì phụng vụ thuộc về loại “khẩu nguyện”; bao nhiêu nỗ lực xây dựng đời sống tâm linh được dành cho việc đào sâu “tâm nguyện”.
Những nỗ lực đào sâu “tâm nguyện”, đưa tới nhiều phương pháp cầu nguyện. Những nỗ lực này càng đào sâu và dần dần dẫn đến một thực tế là người ta chuyển từ “phương pháp cầu nguyện” đến “cầu nguyện theo phương pháp”, nghĩa là tuân theo những bước nghiêm ngặt để thăng tiến trong đời sống tâm linh.
Trong những nỗ lực ấy, chiêm ngắm vẫn luôn luôn là mục tiêu cao cả nhất, trong đó, người ta phân biệt hai mức độ chiêm niệm. Chiêm niệm thủ đắc là một kết quả của việc tuân theo những cấp bậc trong phương pháp cầu nguyện để đạt đến tình trạng
Hệ quả là có một sự tách biệt chứ không phải là phân biệt nữa, vô tình hay hữu ý giữa đọc kinh và cầu nguyện, nghĩa cầu nguyện riêng và cầu nguyện cung, và nhất là đưa đến việc đánh giá thứ bậc cao thấp của đời sống tâm linh dựa theo tiêu chuẩn của những kiểu cầu nguyện hoặc đẳng cấp chiêm niệm. Tất cả những vấn đề ấy kéo dài cho đến thế kỷ XX và là những điều mà Công đồng Vatican II cố gắng vượt qua trong nỗ lực cải tổ phụng vụ.
3.2 Tìm lại sức sống cho đời thánh hiến từ chiều kích chiêm niệm
Dù rằng có những vấn đề bàn cãi quanh chiêm niệm xét như một hành vi, nhưng nói chung, không ai nghi ngờ về tầm quan trọng của “chiều kích chiêm niệm” nói chung.
Xin ghi lại những nhận định trong khoá họp khoáng đại từ ngày 4 dến ngày 7 năm 1980, với đề tài “Chiều kích chiêm niệm của đời tu” của Bộ Tu sĩ và Tu hội đời :
a/ Phác hoạ chiều kích chiêm niệm :
“Chúng tôi phác hoạ chiều kich chiêm niệm cơ bản như một sự đáp trả đối thần của đức tin, cậy, mến, nhờ đó người tín hữu đón nhận mặc khải và sự hiệp thông của Thiên Chúa hằng sống nơi đức Kitô trong Thánh Thần.
“Cố gắng hướng tầm mắt và cõi lòng về Thiên Chúa mà chúng ta gọi là chiêm niệm, trở thành hành vi cao cả và sung mãn nhất của tinh thần, hành vi mà cả ngày nay cũng có thể và phải chỉ đạo toàn bộ mọi sinh hoạt rộng lớn của con người” (đức Phaolô VI, ngày 7-12-1965).
Như một hành vi cuốn hút con người lao mình về Thiên Chúa, chiều kích chiêm niệm bộc lộ trong việc lắng nghe và suy gẫm Lời Thiên Chúa, trong sự thông hiệp vào đời sống thần linh được thông ban cho ta nơi các bí tích, cách riêng nơi bí tích Thánh Thể, trong kinh nguyện phụng vụ và cá nhân, trong ước vọng liên tục tìm kiếm Thiên Chúa và thánh ý Ngài, nơi các biến cố và nơi con người, trong sự hiến mình cho tha nhân để Nước Thiên Chúa mau đến. Nơi người tu sĩ, chiêm niệm nẩy sinh một thái độ hằng khiêm tốn tôn thờ sự hiện diện nhiệm mầu của Thiên Chúa nơi con người, nơi các biến cố và các sự việc; thái độ được nhân đức thờ phượng diễn tả, là nguồn của sự bình an nội tâm, đồng thời đem lại bình an cho mọi môi trường sống và làm việc tông đồ.
Tất cả những điều trên được thực hiện nhờ một sự thanh tẩy nội tâm tiệm tiến và dưới ánh sáng cũng như sự hướng dẫn của Thánh Thần, nhờ đó chúng ta có thể gặp gỡ được Thiên Chúa trong mọi sự và trong mọi người, để trở nên “lời ca ngợi vinh quang Thiên Chúa” (Ep 1,6)
(………….)
b/ Hoạt động và chiêm niệm thâm nhập lẫn nhau
“Hoạt động nào?
Đối với nam nữ tu sĩ, đây không phải là bất kỳ hoạt động nào. Công Đồng nói tới “hoạt động tông đồ và bác ái” (DT 8), phát sinh từ Thánh  Thần và được Người thúc đẩy. Chỉ có loại hoạt động như thế mới nằm trong chính bản tính của đời sống tu trì, được coi như một tác vụ thánh, một công trình riêng của đức mến, được Giáo Hội uỷ thác cho (các tu sĩ) và phải được thi hành nhân danh Giáo Hội (Dt 8).
Đặc điểm của hoạt động này là được thúc đẩy bởi đức ái sôi sục trong cõi lòng người tu sĩ, được coi như đền thánh thâm sâu nhất của nhân vị, nơi đó rung ngân ân sủng hiệp nhất giữa nội tâm và hoạt động. Do đó, phải biết cấp thời làm cho cá nhân và cộng đoàn thêm ý thức về nguồn mạch ưu tiên cho hoạt động tông đồ và bác ái, đó là sự tham dự sống động vào “sứ mạng” (của đức Kitô và Giáo Hội) bắt nguồn từ Chúa Cha, và đòi hỏi tất cả những ai ý thức mình được sai đi để kiện toàn đức ái trong đối thoại với Thiên Chúa bằng cầu nguyện” (LH 16)
“Trong trường hợp của các tu sĩ sống đời hoạt động, đây chính là việc cổ võ sự thâm nhập giữa nội tâm và hoạt động. Thật vậy, bổn phận trước hết của họ chính là ở với Đức Kitô. Mối nguy cơ hằng đe doạ các người thợ tông đồ chính là để cho mình bị chi phối bởi các hoạt động vì Chúa tới mức lãng quên chính Chúa của tất cả mọi hoạt động” (sứ điệp gửi khoá họp, s.2)
c. Kinh nguyện được canh tân
Kinh nguyện là hơi thở không thể thiếu cho mọi chiều kích chiêm niệm “trong giai đoạn canh tân tông đồ hiện tại, cũng như trong bất cứ dấn thân hoạt động truyền giáo nào; vị thế đặc biệt phải được dành cho sự chiêm ngắm Thiên Chúa, suy niệm về chương trình cứu độ của Người và suy tư về các dấu chỉ thời đại dưới ánh sáng Phúc Âm, nhờ đó việc cầu nguyện được nuôi dưỡng và tăng trưởng về phẩm chất cũng như về nhịp độ” (LH 16)
Như thế, một khi mở rộng đến những thực tại của thế giới và của lịch sử, kinh nguyện trở thành việc nhìn nhận, thờ lậy và liên lỉ ngợi khen sự hiện diện của Thiên Chúa trong vũ trụ và trong lịch sử, âm vang của một đời sống liên đới với những người anh em, nhất là với những người nghèo đói và đau khổ.
Tuy nhiên, loại kinh nguyên đó –cá nhân và cộng đoàn – chỉ thật sự hiển nhiên khi nào tâm hồn người tu sĩ, nam cũng như nữ, đã đạt tới một mức độ tương đố cao về sức sống và cường độ trong đối thoại với Thiên chúa và trong thông hiệp với đức Kitô, Đấng Cứu Chuộc con người (x. DT 8; CT 10 và 42).
d/ Chính bản chất của hoạt động tông đồ và bác ái
Chính bản chất của hoạt động tông đồ và bác ái chứa đựng một nguồn phong phú riêng có khả năng bồi dưỡng sự kết hợp với Thiên Chúa mỗi ngày; cần phải khai triển nhận thức và thâm tín về điều đó. Một khi ý thức điều này, các tu sĩ nam nữ sẽ thánh hoá các hoạt động tới độ biến các hoạt động đó thành nguồn mạch của sự thông hiệp với Thiên Chúa, Đấng mà họ hiến mình phục vụ bằng một danh hiện mới và đặc biệt” (GH 44)
Sau đó, bản văn nói đến việc đổi mới quan tâm đến đời sống trong Thánh Thần, mà những yếu tố cơ bản là : Lời Thiên Chúa, vị trí trung tâm của Thánh Thể, canh tân việc cử hành bí tích sám hối, việc linh hướng, các giờ kinh phụng vụ, tôn kính đức Trinh nữ Maria, sự cần thiết của khổ chế cá nhân và cộng đoàn.

4. Vài suy niệm về chiêm niệm trong hoạt động

4.1 Tìm kiếm chính Chúa
Con đường của triết gia Parménide (khoảng 540-470), đồng nhất hữu thể với tư tưởng, để rồi triết lý chỉ việc ráp nối các tư tưởng, chính con đường đó đã chia lìa, phân đôi mọi thực tại, lãnh vực lý thuyết dần dần khác với lãnh vực thực hành; rồi đến một lúc nào đó, lãnh vực siêu hình lại trái ngược với lãnh vực luân lý. Ngược lại, từ tư tưởng của Héraclite (khoảng 540-475), người ta thấy rằng : ở đỉnh cao minh triết, siêu hình và luân lý đồng nhất với nhau; còn ở đáy sâu của thứ triết lý vụn vặt, thì siêu hình[1] khẳng định một đàng, luân lý lại đòi hỏi một đàng khác. Đó cũng là con đường lãng quên hữu thể của triết học Tây phương.
            Cũng gần giống như vậy, chính con đường xa rời “bản thân Chúa”, khiến cho chân lý và tình yêu xa rời nhau; khiến cho nhiều khi ta muốn thực hành chân lý thì lại thấy ngược với đức ái, và nhiều khi thực hành đức ái thì lại ngược với chân lý.
Cuộc sống nhân trần thì không có sự đồng nhất tất nhiên giữa hai lãnh vực khác nhau, không có sự hoà hợp dễ dàng giữa chân lý và đức ái, nhưng người tín hữu thì, đúng ra, chỉ có một điều cần thiết mà thôi, đó là chọn Chúa Giêsu, theo Chúa Giêsu. Chính bản thân Chúa Giêsu là Đường, là sự Thật và là sự Sống (Xc. Ga 14,6), chứ không phải một con đường nào, một sự thật hay sự sống nào khác. Người Kitô hữu chọn Chúa Giêsu thì chỉ có một tiêu chuẩn duy nhất, đó là muốn những gì Chúa muốn, làm những gì đẹp ý Chúa… Cũng thế, Thánh Thần, trong Tân Ước, không còn được hiểu là một năng lực mà người tín hữu có thể chiếm hữu và “cất trong túi”, nhưng là một Đấng mà người tín hữu chỉ có thể sống-với, để cho Ngài đồng hành và để Ngài “nói” khi ta phải ra trước “công hội” (Xc. Mc 13,11).
            Có con đường của thánh Thomas, thiết tha đi tìm chân lý của Chúa, nhưng vẫn luôn là khát vọng “con chỉ cần chính Chúa” như lời Thomas trả lời với Chúa trong những ngày tháng cuối cùng của cuộc đời; và có con đường của Martinô, khởi đi từ tình thương, khám phá lòng nhân ái của Chúa đổ xuống những người cùng khổ, và chính cách thức sống ấy trở nên một sự cật vấn cho những người chỉ biết có một thứ chân lý khô khẳng. Cả hai con đường đó đều là con đường tìm kiếm chính Chúa, tìm kiếm Nước Thiên Chúa, cả hai đều là phương thức thể hiện con đường “tìm kiếm Nước Thiên Chúa” trước hết (Xc. Mt 6,33). Đây chính là con đường của những vị thánh, khác với con đường của những học giả hoặc những người làm việc xã hội thuần tuý. Con đường tìm kiếm Thiên Chúa, “tìm kiếm Nước Thiên Chúa trước” sẽ đưa các thánh vượt qua những đối lập trong thế giới con người, để hoá giải những đối lập ấy trong chính bản thân của Chúa Giêsu. Cái “trước” ở đây không phải chỉ theo nghĩa thời gian, nhưng là một sự ưu tiên, một sự nắm chắc lấy chính Chúa trong nỗi thiết tha đi tìm “Danh Cha, Nước Cha và Ý Cha”. Những gì Ngài sẽ ban cho sau cũng không phải chỉ là của cải, không phải chỉ là sự thành đạt, nhưng còn là nét hoà trong chân lý và tình yêu mà trước đó ta chưa thấy được. Như thế, ai đó gắn bó với bản thân Chúa Giêsu và thiết tha đi tìm Nước Thiên Chúa thì vẫn có thể hoặc “đào bới sách vở”, hoặc “lấy đường phố làm phòng tu”.

4.2. Cộng đoàn phẩm giá và cộng đoàn chức năng

Trong cuộc sống bình thường, cả trong xã hội cũng như trong Giáo Hội, người ta vẫn cứ chao đảo giữa phẩm giá và chức năng. Khi “nhìn xuống”, người ta nhận ra phẩm giá nhưng không nhận ra chức năng. Khi “nhìn lên”, người ta nhận ra chức năng mà lại quên mất phẩm giá. Những người tu sĩ “bình thường” thì tìm sự an ủi nơi “phẩm giá thấp kém” để không thấy ra một chút chức năng nào khác hơn là tuân giữ kỷ luật. Nhưng người khác có nhiều điều kiện thăng tiến thì không thể dễ dàng trở về phẩm giá cao quý nhất mà mình đã được lãnh nhận. Ngay trong đời sống Giáo Hội, thái độ ăn gian, lấy những tài năng được ban tặng nhằm thể hiện chức năng để tô vẽ thêm cho phẩm giá của mình, vẫn là điều ta có thể thấy ở mọi cộng đoàn, cộng đoàn giáo xứ cũng như cộng đoàn tu trì.
            Một cách cụ thể, ta có thấy có ba loại hội họp trong cuộc sống cộng đoàn : họp thảo luận, họp học hỏi hay huấn đức và họp chia sẻ. Trong buổi họp thảo luận, những người giỏi sẽ là những người đóng góp nhiều nhất và tốt nhất. Đôi khi chúng ta có một chuyên viên giỏi, trình bày thấu lý một vấn đề, người khác có thể im lặng lắng nghe và chấp nhận hoàn toàn. Trong buổi họp học hỏi hoặc huấn đức, người chịu trách nhiệm sẽ đưa ra những bài học khúc chiết, hoặc những mẫu gương sáng để mọi người cùng noi theo. Họp chia sẻ thì mọi người cùng chia sẻ, không phải cái hay cái tốt của mình, nhưng có thể là những tâm tư, những trăn trở, những cảm nhận và mọi người lắng nghe sẽ hiểu, thông cảm để chấp nhận nhau nhiều hơn.
Họp thảo luận là những buổi họp có tính chức năng, để nhằm giải quyết một vụ việc xẩy ra; trong đó một người nào đó giỏi dang hoặc có điều kiện cần thiết thì có thể làm thay cho mọi người khác. Họp học hỏi hay huấn đức thì có liên quan đến mọi người, nhưng tầm quan trọng vẫn là người chịu trách nhiệm, sự thiếu vắng của một thành viên không trực tiếp ảnh hưởng đến cộng đoàn. Họp học hỏi hay huấn đức cũng nặng tính chức năng nhiều hơn. Trong buổi họp chia sẻ, mỗi người đều được mời gọi hiện diện một cách tích cực, điều chia sẻ của một thành viên nào đó là điều bất khả thay thế và phải được tôn trọng. Chủ đích của buổi họp chia sẻ không phải nhằm chức năng giải quyết một tình huống, một tình trạng, một vụ việc gì cả, mà chỉ là để mọi người đón nhận phẩm giá của nhau trong thực trạng bản thân của mỗi người.
Từ các mô hình hội họp cộng đoàn, ta có thể mở rộng ra để hiểu hơn về phẩm chất của chính cộng đoàn. Một bầu khí cộng đoàn nặng tính chức năng thì có những thành viên trở thành dư thừa, có những người có quyền nói nhiều, có quyền phê phán người khác. Hơn nữa, khi những tiêu chuẩn chung được xác lập một cách quá nhiều, hoặc như những tiêu chuẩn tri thức, hoặc như những tiêu chuẩn luân lý, thì những hoàn cảnh, những tâm tình riêng tư sẽ càng dễ bị phê phán. Một bầu khí cộng đoàn nặng tính chức năng sẽ không có chỗ để đón nhận, để đồng hành, để liên lụy những thành viên có vấn đề. Một cộng đoàn nặng tính chức năng, những người ưu tuyển sẽ là những người đắt giá nhất, và những kẻ bé mọn sẽ lại những kẻ dễ bị loại trừ nhất. Từ tiêu chuẩn này, ta có thể thấy một sự lệch lạc nào đó của bầu khí cộng đoàn đối với nhiệm cục cứu độ ưu tiên cho những người bé mọn mà Chúa Giêsu đã công bố như mầu nhiệm Nước Trời. Ta có thể thấy ở đây một thứ thần khí thế gian khác với sự tác động huyền nhiệm của Thần Khí Thiên Chúa.
            Chỉ trong cộng đoàn có được phẩm tính là một “cộng đoàn phẩm giá”, ta mới có thể học biết chiêm ngắm để khám phá ra những “kho tàng Nước Trời” đang được chôn dấu trong cộng đoàn, trong từng người anh em, nhất là nơi những anh em “có vấn đề” nhiều hơn cả. bởi vì đời sống Kitô hữu, chính yếu không phải là một sự thăng tiến theo thứ bậc đạo đức, nhưng là một nơi làm chứng cho quyền năng và tình yêu cứu độ của Thiên Chúa.
Cần chiêm ngắm anh em mình trong đức Tin thì mới có thể khám phá ra hạt men, hạt cải, kho tàng Nước Trời đang bị chôn dấu và mới có thể vun trồng cho hạt cải ấy lớn lên, để cho men được dậy lên và chiếm được kho tàng Nước Trời chân thật.

Tạm kết

Thật ra, đối với chúng ta, chiêm niệm là đi tìm Thiên Chúa; và Thiên Chúa trong Kitô giáo không phải là một Thiên Chúa an vị trên thiên đình, mà là một Thiên Chúa “dấn thân” để liên luỵ vào lịch sử con người, một Thiên Chúa làm người. Do đó, chiêm niệm Kitô giáo, dù sao đi nữa, không thể bỏ qua thế giới, bỏ qua con người để lâng lâng trong sự xuất thần. Mặt khác, thế giới và con người lại đầy những quy luật nghiệt ngã xô đẩy ra, khiến ta dễ dàng rơi vào một thái độ thế gian, suy xét kiểu thế gian, đánh giá theo kiểu thế gian. Do đó, người Kitô hữu lại không thể nào bỏ mất chiều kích chiêm niệm để luôn tỉnh thức mà đợi chờ Chúa đến.

Nguyễn Trọng Viễn O.P.
19-7-2012

Tham Khảo
- Dictionaire de la vie Spirituelle, sous la direction de Stefanno De Fiores et Tullo Goffi, Les Édition du Cerf, Paris 1987, mục Contemplation
- Văn kiện “Chiều kích Chiêm Niệm trong Đời Tu”, thánh bộ tu sĩ và tu hội đời, 1980
- Phan Tấn Thành, Đời Sống Tâm Linh, tập VII, Roma 2007.


[1] Siêu hình, hiểu như là điều căn cốt của một tôn giáo, triết lý hoặc một tổ chức nào.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Top