Sống hiệp thông và chia sẻ


Tin Mừng : Lc 16,1-8

1.Thế giới không công bằng



Con người không ngừng đi tìm một thế giới công bằng hơn. Thế nhưng, nói cho cùng, xã hội con người không bao giờ có được một sự công bằng trọn vẹn. Bất công len lỏi sâu xa vào cuộc sống và “di truyền” từ đời nọ qua đời kia cũng như lây lan từ người này sang người khác. Bất công của thời đại này với thời đại khác, bất công của quốc gia này với quốc gia khác, bất cộng của giai cấp này với giai cấp khác, và bất công của gia đình này với gia đình khác, của người này với người khác ngay trong một gia đình…

Trong tình thế chung như thế, có thể nói tất cả những bộ luật của nhân loại, tất cả những cuộc đấu tranh cho công bằng vĩ đại nhất trong lịch sử, thật ra cũng chỉ là một “chút đường” bỏ vào “bể muối” mênh mông của bất công. Một con người được cưu mang và được sinh ra, em bé ấy đã gánh chịu hoặc đã vô tình hưởng thụ nơi bản thân nó vô cùng những bất công của cuộc đời, bất công của lịch sử, bất công của dân tộc này với dân tộc kia, bất công của môi trường xã hội có từ thời ông bà tổ tiên của cháu bé, bất công của làng xóm, bất công của luật lệ xã hội, bất công ngay trong gia đình… Rồi trên hành trình cuộc đời, mỗi bước đi của em bé cũng đều được đan dệt trên những thành quả của bất công…



Dĩ nhiên là chúng ta không bao giờ được coi thường những nỗ lực đấu tranh cho công bằng, hoặc làm giảm nhẹ tầm quan trọng của những cuộc đấu tranh ấy. Nhận diện ra được đại dương của bất công là để không ai được quyền an thân trong hoàn cảnh may mắn nào đó của mình; không ai được quyền bào chữa cho mình khỏi chịu trách nhiệm trước những khổ đau của người khác; không ai được quyền sống theo kiểu “bàn tay sạch”, hoặc “đi cà khêu” giữa cuộc đời. Một ảo tưởng về sự công bằng cũng đã là một sự bất công; và cũng nguy hiểm chẳng kém gì chính sự bất công lu lù mà ai cũng thấy được.

Hơn nữa, còn có một ảo tưởng khác không kém nguy hiểm, tạm nói là ảo tưởng nhân danh sự công bằng để đấu tranh với bất công. Bởi vì tự chính “chỗ đứng” mà ta cho là công bằng để đấu tranh, thật ra cũng chẳng công bằng. Suy cho đến ngọn nguồn, thì chỗ đứng nào cũng đã bị muốm bùn của bất công. Trong thực tế, đấu tranh chống bất công nhân danh công bằng, dựa vào luật pháp hay quyền con người, là điều cần làm trước mắt; nhưng suy cho cùng của cuộc đời, muốn đấu tranh chống bất công tận gốc, phải nhân danh nguyên lý “mắc nợ nghĩa tình”. Do đó, tất cả những thứ cách mạng nhằm “chia đều lợi tức”, cào bằng… đều rơi vào một sự bất công khác.



2. Nguyên tắc “mắc nợ nghĩa tình”




 Cuộc đời, tự nó, đã đặt tất cả mọi người vào trong một tình trạng MẮC NỢ nhau quá nhiều. Trong cuộc sống ấy, người ta mà chỉ có thể TRẢ NỢ ĐỜI bằng một tâm tình MẮC NỢ NGHĨA TÌNH; và tâm tình ấy lại chính là một động lực căn bản cho hành trình vươn lên của xã hội con người, chứ không phải một thứ lý trí công bằng, được đề cao quá đáng từ những thế kỷ trước ở Tây phương. Chúng ta biết rằng nguyên tắc luân lý về của cải của Giáo Hội Công Giáo là : của cải là của chung, mỗi người có quyền sở hữu, những sở hữu như là một sự quản lý cho Chúa chứ không phải muốn làm gì thì làm. Nguyên tắc ấy cũng áp dụng cho mọi lãnh vực khác : được cho nhiều thì sẽ phải đòi hỏi nhiều…





* Chất dinh dưỡng của tình yêu

Chỉ nguyên lý mắc nợ nghĩa tình mới có thể thôi thúc một tình yêu hy sinh, một yếu tố không thể nào thiếu cho tâm hồn con người và ngay cả cho vận hành của xã hội loài người. Người ta có thể thấy rõ điều ấy trong “vận hành” của đời sống gia đình.

Sống trong nguyên lý mắc nợ nghĩa tình, người ta tìm được nhiên liệu cho đời mình bằng tình thương, chứ không phải bằng nguyên tắc công bằng của lý trí.

Chỉ trong nguyên lý mắc nợ nghĩa tình người ta mới có thể dấn mình vượt qua mức độ “thuận mua vừa bán” để khai mở cho thế giới tình nghĩa, thế giới “tặng không” và “lãnh nhận với lòng tri ân”. Một thế giới phòng vệ, đối phó, tính toán…. thì không bao giờ có thể bắt đầu đi vào hành trình nghĩa tình. Như thế, người ngôn sứ của tình yêu hy sinh thật sự là người dám đi bước trước, dám bắt đầu một trách nhiệm với tinh thần tự nguyện, dám chấp nhận “nắm đằng lưỡi” trong cuộc đổi trao… ; và có lẽ điều đó, trước tiên cần thể hiện trong đời sống đức tin của người Kitô hữu. Một người Kitô hữu sống “đối phó” với Chúa, Chúa bắt làm tới đâu thì ta làm tới đó… thì thật ra người đó chưa phải là một Kitô hữu đích thực, một Kitô hữu đón nhận chính tình yêu hy sinh của Đức Giêsu và sống theo bước chân của Ngài.


Có những người Kitô hữu tâm sự rằng, từ khi vào hội đoàn, tôi thấy mình càng thêm tội, tranh cãi nhiều, buồn bực nhiều, nói xấu nhiều… Đó là một thực tế khó có thể chỗi cãi. Tuy nhiên, thái độ rút lui, an thân thì lại chẳng khác gì tuyên bố rằng : tay tôi đã sạch, ai lao vào bếp để dọn bàn tiệc Nước Trời thì cứ việc làm; khi nào dọn bàn xong, nhớ gọi tôi vào ăn với…

Thái độ an thân như thế thực ra đã là kẻ bẩn từ bên trong. Đó là thái độ của những người không dám liên lụy với ai, không dám chịu phiền hà vì ai, không dám cho đi chính bản thân và không dám đi vào hành trình của hạt lúa, chết đi mới sinh nhiều bông hạt…

3. Sống mầu nhiệm hiệp thông các thánh


Tất cả những điều đưa chúng ta tới đỉnh cao của mầu nhiệm các Thánh cùng Thông công mà chúng ta vẫn tuyên đọc trong Kinh Tin Kính.

Mầu nhiệm hiệp thông các thánh nghĩa là tất cả mọi ơn phúc đều là của chung; Mẹ Maria và các thánh được ơn này ơn kia, không bao giờ có nghĩa là ơn hoàn toàn của cá nhân nhưng là ơn chung của Giáo Hội. Ơn phúc là để chia sẻ…

 


Kết :


Hãy biết sống với lý tưởng phục vụ.





* Cầu nguyện : Bài ca phục vụ



1. Xin cho con biết lãnh nhận những may lành trong cuộc sống hằng ngày với lòng tri ân

2. Xin cho con biết cảm thông với những mảnh đời đau khổ chung quanh con

3. Xin cho con biết nghe Lời Chúa thôi thúc để góp phần nhỏ làm cho cuộc sống được tốt hơn.

4. Xin cho con biết đón nhận anh chị em con, hoàn cảnh và cả những tính tình khó chịu, trong mầu nhiệm hiệp thông của Hội Thánh.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Top