Sự Công Chính Mới


* Suy niệm Tin Mừng Mt 1, 18-24
“Khi tỉnh giấc, ông Giuse làm như Sứ Thần Chúa dạy”

1. Không phải là công bằng, mà là công chính

   Trong tinh thần của truyền thống Do Thái - Kitô giáo, ý nghĩa chính yếu của sự công chính không phải là công bằng, dựa theo một qui tắc bất di bất dịch của lề luật, nhưng là sống trọn vẹn với vai trò của mình, hết mình với ơn gọi và sứ mệnh của mình. Thiên Chúa không chọn thái độ “công bằng” với con người; vì với cách sống ấy, con người sẽ phải chết. Nhưng Thiên Chúa công chính là Thiên Chúa, bằng bất cứ giá nào, thực hiện chương trình cứu độ của Ngài, dù có những bất trung của con người. Con người công chính không phải là người lý sự, so đo tính toán hơn thiệt, công bằng với Chúa và với nhau, nhưng là con người thực hiện sứ mệnh mình đã lãnh nhận một cách tín trung.
    Ý nghĩa công chính ấy được thể hiện trọn vẹn trong nhiệm cục của Tân Ước.

2. Tình thế thay đổi

   Đối với người Do Thái, sự công chính luôn gắn liền với việc tuân thủ kỹ lưỡng lề luật của Thiên Chúa. Từ căn bản, tinh thần ấy của đạo vẫn là một mối tương quan với Thiên Chúa chứ không phải làmột sự công chính do tu luyện và làm thành toàn bản thân mình. Tuy nhiên, thái độ công chính trước mặt Thiên Chúa dựa vào lề luật như thế chỉ là một tình trạng bất toàn, bởi vì, một cách nào đó, một Thiên Chúa sống động và yêu thương bị giới hạn, bị qui định trong khuôn khổ của luật pháp. Điều ấy không đủ khả năng làm sinh động, tươi mát lòng người.
   Tình trạng của người Do Thái thuộc Cựu Ước giống như một người độc thân, tìm sự chính trực cho đời sống của mình bằng một nếp sống ổn định thời khoá biểu sinh hoạt, ổn định của những đồ vật chung quanh, ổn định của một nếp sống đều đặn và trật tự. Sự ổn định ấy có thể mang lại sự an ổn, nhưng không mang lại niềm vui gặp gỡ.
   Trong thời đại mới, thời đại Tân Ước, Thiên Chúa can dự sâu xa hơn vào đời sống con người và Người ban cho con người Ngôi Hai Thiên Chúa làm người trong Đức Giêsu. Đức Giêsu là Đấng Emmanuel [Thiên Chúa ở cùng chúng ta]. Sống trong mối tương quan với Thiên Chúa, giờ đây, chính là kết hiệp với Ngài trong ý muốn, trong chương trình cứu độ cụ thể qua Đức Giêsu; sống với Đức Giêsu không phải chỉ là giữ những luật lệ cố định, nhưng là liên kết đời mình vào lịch sử cứu độ; là sống với ý thức Thiên Chúa ở gần, Thiên Chúa ở cùng, Thiên Chúa cùng với ta sống cuộc đời của ta.
“Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi. Hiện nay tôi sống trong xác phàm là sống trong niềm tin vào Con Thiên Chúa, Đấng đã yêu mến tôi và hiến mạng vì tôi. Tôi không làm cho ân huệ của Thiên Chúa ra vô hiệu, vì nếu người ta được nên công chính do Lề luật, thì hoá ra Đức Kitô đã chết vô ích” [Gl 2,20-21]

 

3. Thái độ của Đức Maria và thánh Giuse

   Trong trong ý nghĩa ấy, chúng ta thấy hai nhân vật tiêu biểu của thời đại Tân Ước, Đức Maria và thánh Giuse, có một “thần khí” mới. Trong cuộc đời của hai ngài, ta thấy chương trình cá nhân bị đảo lộn; và việc tuân giữ lề luật không còn đủ tác dụng để sống một đời sống mới. Đức Maria nói lời “Xin Vâng” với Thánh Ý Chúa để chấp nhận làm mẹ dù điều đó không có trong chương trình của Mẹ. Hơn nữa, lời “Xin Vâng” ấy không phải chỉ để đón nhận một bào thai; nhưng đức Maria sống niềm “Xin Vâng” trong suốt cả cuộc đời. Để làm tròn tinh thần mới ấy, thái độ nền tảng của Đức Maria chính là “ghi nhớ và suy niệm trong lòng” [Xc. Lc 2,19; 2,51b]. Khi ấy, mọi biến cố trong cuộc đời của Mẹ không còn qui chiếu vào lề luật nhưng qui chiếu vào Thánh Ý cụ thể của Thiên Chúa, Thánh Ý mà bình thường Mẹ không thể hiểu ngay được.
   Cũng thế, tác giả Tin Mừng khẳng định thánh Giuse là người công chính [Mt 1,19]. Những ở đây không hề có một qui chiếu lề luật nào; ngược lại Giuse đã làm khác với điều lề luật chỉ dạy. Giuse thực sự là người công chính khi luôn thi hành điều sứ thần truyền dậy một cách mau mắn [Xc. Mt 1,24; 2,19-21].
   Những con người của Tân Ước, như thế, không còn dựa vào luật pháp như tiêu chuẩn của thái độ hằng ngày, không còn biết đến sự ổn định của đời sống nhờ ăn theo sự vững vàng của lề luật; nhưng tìm thấy một sự ổn định trong ngay cả sự bấp bênh, trong sự phiêu lưu, bởi vì sự ổn định ấy dựa vào một Thiên Chúa đang đồng hành, một Thiên Chúa đang cùng chia sẻ và hướng dẫn cuộc đời mình.
   Một tâm hồn không sẵn sàng trước cuộc phiêu lưu của mối tương quan mới trong nhiệm cục cứu độ sẽ dễ dàng tìm thấy những lý do để chống cưỡng, để bào chữa, để bảo vệ sự ổn định vẫn có của mình. Một tâm hồn nhát đảm và dễ dãi sẽ dễ dàng tìm ra những lý lo để khước từ một đề nghị không có nền tảng trong lề luật. Ngược lại, sự công chính mới giúp người tín hữu sống trong Thánh Ý Chúa như “ngôi nhà”, như tiêu chuẩn, như điểm tựa cho những quyết định của mình.
   Thái độ của đức công chính mới giống như thái độ của những người “có đôi bạn”; họ sống trong cuộc phiêu lưu và tìm thấy từng ngày, trong từng biến cố một sự liên đới, một sự hiệp nhất để ứng phó và giải quyết những vấn đề cuộc sống hằng ngày. Không còn một nếp sống ổn định của thời khóa biểu, không còn một sự quen thuộc trong cách sắp xếp đồ dùng, các món ăn, các công việc quen thuộc, nhưng là liên tục nghe, chấp nhận ý muốn của nhau, là liên tục xây dựng sự hiệp nhất từ những quyết định tự do và bình đẳng. Chính điều đó mới tạo nên niềm vui đích thực và chân chính của các ngôi vị, của phẩm giá con người trong tương quan ngôi vị.

4. Bước vào cuộc phiêu lưu

   Điểm chính yếu của sự công chính mới là : trọng tâm làm nên ý nghĩa cuộc đời người Kitô hữu không còn dựa vào bất cứ một luật lệ vô ngã nào, những là dựa vào mối tương quan ngôi vị. Đây quả thật là một cuộc phiêu lưu, và trong cuộc phiêu lưu này, không thể có “bảo hành”, không thể có “kiểm nghiệm chất lượng” như trong thế giới khoa học, mà chỉ có thể có tình yêu và lòng tin tưởng như điểm tựa duy nhất. Chính vì thế, đây là một cuộc phiêu lưu với tất cả tính chất bấp bênh của nó. Tuy nhiên, cuộc phiêu lưu này được vững chắc nhờ sự đồng hành với một "tha nhân"; cuộc phiêu này vượt qua lãnh vực lý trí; cuộc phiêu lưu này không được chỉ dẫn do một tri thức tri thức chắc chắn, nhưng do tin tưởng vào nhau; cuộc phiêu lưu này cũng không phải là chương trình đã xong mà là cuộc sống biết lắng nghe nhau, nhạy bén về ý muốn của nhau, và biết chiều ý nhau hằng ngày. Người ta thấy rằng chính trong những lúc nguy biến, trong những lúc phải có một quyết định "sống-còn" là lúc lòng trung thành với nhau bầy tỏ rõ ràng nhất khuôn mặt thật.

5. Tiêu chuẩn căn bản của sinh hoạt “đạo đức” ngày nay

   Ngày nay, người ta thấy rằng[1] một hình thức đạo đức chân chính phải làm sao thể hiện được đường nét căn bản : giúp người Kitô hữu nhìn thấy cuộc đời mình trong lịch sử ơn cứu độ; hoặc nhìn thấy lịch sử ơn cứu độ trong cuộc đời mình.
   Lòng đạo đức như thế không phải cảm thương, hay quí mến một Đức Giêsu đã sống và chết trong lịch sử. Đức Giêsu ấy chỉ thành một hình bóng, một lý tưởng hay một kỷ niệm xa xôi.
   Lòng đạo đức như thế cũng không phải là một nỗ lực tu sửa, một nỗ lực tập trung vào việc làm cho cá nhân mình được trọn hảo và cao cả. Kitô giáo không phải là một học thuyết duy đức mà chính là ơn cứu độ của Thiên Chúa dành cho con người.
   Lòng đạo đức cũng không phải là một sinh hoạt tách rời khỏi đời sống hằng ngày và càng không được quyền lôi con người ra khỏi những ưu tư, trăn trở, những trách nhiệm của cuộc sống hằng ngày.
   Hình thức đạo đức chân chính là con đường mở ra với mối tương quan cứu độ, đến với các biến cố bày tỏ ơn cứu độ, và có khả năng đưa toàn bộ con người Kitô hữu vào trong nhiệm cục ơn cứu độ của Thiên Chúa.
   Hơn ai hết, Đức Maria là Kitô hữu thứ nhất và là gương mẫu của mọi Kitô hữu. Thật rõ ràng cuộc đời thánh Giuse chỉ còn là một cuộc đời quay xung quanh Đức Giêsu. Đức Giêsu là Thiên Chúa đã bước vào lịch sử, và trước hết, bước vào trong gia đình Nagiareth vì hai ngài đã dám sống cuộc phiêu lưu cùng với Thiên Chúa.

Kết

   Cũng như ngày xưa, Adong bước từ thái độ say mê “đặt tên cho muôn vật”, đến niềm vui được gặp gỡ một người đối thoại tương xứng; thì người Kitô hữu cũng được Thiên Chúa làm mới kinh nghiệm tương quan khi chính Ngài trở nên người đối thoại tương xứng với con người và làm cho con đường tìm sự công chính của con người trở nên tươi mát nhờ sự hiện diện sống động của Ngài. Kinh nghiệm ấy đặt nền trên “bản chất” của một nhân loại được Thiên Chúa ban cho tự do và tình yêu để sáng tạo cuộc đời mình theo mầu nhiệm tình yêu của Thiên Chúa.

                                                                                Tư Cù O.P.


[1] Xc. Dictionaire de la Vie Spirituelle, mục Spiritualité contemporaine

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Top