Quyền bính :
Phục vụ hay thống trị ?
Chúa Giêsu đã nói một câu để đời : "Ai muốn làm lớn giữa anh em, thì phải làm
người phục vụ anh em".(Mt 20,26). Và chẳng biết có phải giáo huấn của
Chúa Giêsu đã trở thành một "cái mốt" hay không, nhưng người ta thấy
có những người, những nhóm, trong Giáo Hội cũng như trong xã hội, là những
người nắm quyền bính trong tay, tự xưng là những người phục vụ, nhóm phục vụ….
Người nắm giữ quyền bính, thực hiện trách nhiệm của mình như
một người phục vụ, đó quả là một lý tưởng đẹp. Tuy nhiên, cũng phải nói thật
rằng lý tưởng của Chúa Giêsu không phải là một "cái mốt"; nghĩa là chẳng phải cứ thấy hay
hay là có thể thực hiện được; và nhất là càng không thể thực hiện được đối với
những người, những nhóm, chỉ chạy theo phong trào… Chúng ta biết rằng, trong
các Tin Mừng Nhất Lãm, vấn đề chính yếu không phải là tình yêu những là quyền
bính; và có thể nói là lý tưởng mà Chúa Giêsu đề ra : "Ai muốn làm lớn giữa anh em, thì phải làm
người phục vụ anh em" là một thứ biện chứng căn bản giữa hy sinh và
quyền bính.
"Nghe vậy,
mười môn đệ kia tức tối với hai anh em đó. Nhưng Đức Giê-su gọi các ông lại và
nói : "Anh em biết: thủ lãnh các dân thì dùng uy mà thống trị dân, những
người làm lớn thì lấy quyền mà cai quản dân. Giữa anh em thì không được như vậy
: Ai muốn làm lớn giữa anh em, thì phải làm người phục vụ anh em. Và ai muốn
làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ anh em. Cũng như Con Người đến không phải để
được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc
muôn người." (Mt 20,24-28)
Matthêu đã tường thuật biến cố Giáng Sinh của Chúa Giêsu có
bóng dáng ẩn hiện của một vị vua. Trong sứ vụ công khai, Chúa Giêsu đã không
tiết lộ nguồn gốc quyền bính của Ngài với những người Do Thái (X. Mt 21,
23-27), nhưng chỉ tỏ bày một cách kín
đáo với các môn đệ (x. Mt 16,16-20 tt), và trước mặt Philatô (X. Mt 27,11-14)…
nhưng đồng thời Ngài cho thấy một vận mạng phải chết của Ngài (X. Mt 16, 21-23;
17, 22-23; 30, 17-19). Có thể nói được cách thức tỏ bầy quyền bính của Chúa
Giêsu chính là bảng chữ được ghi trên cây thánh giá : "Người này là Giêsu, vua dân Do Thái"
(Mt 27,37). Quả thật, Chúa Giêsu chỉ đảm nhận quyền bính của Ngài sau khi đã
dám hy sinh mạng sống để mang lại ơn cứu độ cho con người :
"Đức Giê-su
đến gần, nói với các ông : "Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới
đất. Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho
họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền
cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế." (Mt 28,
18-20)
Nhìn vào cách thế
đảm nhận quyền bính của Chúa Giêsu, chúng ta có thể nói được rằng, ngoài Chúa
ra, chẳng ai có khả năng đảm nhận quyền bính một cách chân chính. Nếu vấn đề
chính trong Tin Mừng Gioan là tình yêu, và Chúa Giêsu khẳng định tình yêu lớn
lao của Ngài bằng chính cái chết cho bạn hữu "Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh
tính mạng vì bạn hữu của mình" (Ga 15,13), thì trong Nhất Lãm, ta cũng
có thể nói được rằng : không ai có quyền năng trên con người nếu không dám chết
vì con người.
Từ nguồn cội của đời
sống con người, sau khi Adong và Evà phạm tội thì mối tương quan của con người
với nhau đã mang dáng dấp của một sự thống trị :
"Với người đàn bà, Chúa phán
: "Ta sẽ làm cho ngươi phải cực nhọc thật nhiều khi thai nghén; ngươi sẽ
phải cực nhọc lúc sinh con. Ngươi sẽ thèm muốn chồng ngươi, và nó sẽ thống trị
ngươi." (St 3,16).
Sức mạnh trì kéo của
tội tổ tông làm cho mọi thứ quyền bính của con người luôn nghiêng ngả về sự
thống trị. Người ta muốn có quyền bính là để thống trị người khác, và muốn
thống trị người người khác nên phải tìm mọi cách để đạt được quyền bính.
Ta có thể diễn tả
hình ảnh khá chân thực về quyền bính con người như một cái búa. Trao cho con
người quyền bính để phục vụ thì cũng giống như ta trao cho thằng anh một cái
búa và bảo nó rằng : con hãy dùng cái búa này để chăm sóc em con nhé. Thằng anh
có thể dùng cái búa để làm trò cho em vui, dùng cái búa để nựng đứa em nhõng
nhẽo của mình… nhưng đến một lúc nào đó, khi mà đứa em cứ khóc hoài, khi mà đứa
em cứ nằng nặc đòi một món đồ chơi… thì việc thằng anh dùng cái búa để đập đầu
đứa em mình có lẽ cũng là chuyện không khó xẩy ra. Đó là thực trạng của vấn đề quyền
bính trong đời sống con người :
"Anh em biết : thủ lãnh các
dân thì dùng uy mà thống trị dân, những người làm lớn thì lấy quyền mà cai quản
dân".
Quyền bính cần phải được thanh luyện bằng một sự hy sinh, và
đây phải là một sự hy sinh trọn bản thân mình chứ không phải chỉ là một chút
vất vả cực nhọc để đạt được quyền bính. Chúa Giêsu đã muốn giải quyết vấn đề
quyền bính của đời sống con người, và Ngài chỉ có thể giải quyết bằng thập giá,
bằng phương cách của một vị Vua Trên Thập Giá.
Không có cách nào khác, muốn thực sự là một người phục vụ,
muốn thực sự là một nhóm phục vụ, người Kitô hữu cần phải gắn bó với Chúa
Giêsu, cần đón nhận tình yêu hy sinh của Đức Giêsu, hay đúng hơn, cần lãnh nhận
quyền bính từ chính Đức Giêsu, Đấng đã thâu tóm mọi quyền bính trên trời dưới
đất bằng chính mạng sống của Ngài.
Nguyễn Trọng Viễn
O.P.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét