HƯỚNG DẪN CẦU NGUYỆN RIÊNG
VỚI CHÚA GIÊSU THÁNH THỂ
* Khi tham dự nghi thức phụng
vụ (Thánh Lễ…), chúng ta kết hiệp với Đức Giêsu để chúc tụng Chúa Cha. Nhưng để
tham dự phụng vụ cách sốt sắng, chúng cần sống thân tình với Chúa Giêsu.
* Trong đời sống hằng ngày cũng
như khi tham gia các sinh họat của Hội Thánh, chúng ta cần được Chúa Thánh Thần
thêm sức và hướng dẫn. Nhưng để đón nhận ơn phúc của Thánh Thần, chúng ta cũng
cần sống kết hiệp với Chúa Giêsu.
* Như thế, điều thiết yếu đầu
tiên trong đời sống Kitô hữu, là sống tình thân với Chúa Giêsu.
* Người Kitô hữu sống kết hiệp
mật thiết nhất với Chúa Giêsu trong các phụng vụ bí tích và khi lãnh nhận Lời
Chúa được công bố trong phung vụ. Tuy nhiên, có hai điều rất hữu ích giúp cho
người Kitô hữu bắt đầu đi vào đời sống thân tình với Chúa Giêsu, đó là : Đọc Lời Chúa riêng và cầu nguyện riêng với Chúa Giêsu trong bí
tích Thánh Thể.
* Bạn có một người Thầy có thể
dẫn đường chỉ lối cho bạn trên hành trình rắc rối của cuộc đời.
* Bạn có người người Anh sẵn
sàng đảm nhận những khó khăn của bạn như của chính Ngài.
* Bạn có một người Bạn có thể
chia sẻ mọi vui buồn trong đời sống thường ngày.
* Đó là chính Chúa Giêsu. Hãy đến với Ngài. Hãy đến với Ngài trong bí
tích Thánh Thể, Ngài sẽ cho bạn được thoả chí toại lòng.
* Mời bạn bước vào giờ cầu
nguyện riêng với Chúa Giêsu.
* Đề nghị một “chương trình”
Nếu bạn chưa quen với việc cầu nguyện riêng, nhất là khi bạn
thường cảm thấy bị chia trí, sốt ruột trong giờ cầu nguyện, bạn hãy khiêm tốn
tuân theo một “chương trình”, điều đó dễ giúp bạn sống một giờ cầu nguyện với
Chúa một cách tròn đầy hơn.
Chương trình
1) Trang trọng cúi chào, phủ phục, làm dấu…
2) Đọc một vài kinh quen thuộc;
3) Sám hối;
4) Chọn một vài tâm tình với một cử chỉ diễn tả;
5) Đọc Kinh Mân Côi hoặc đọc Kinh Thánh;
6) Cám ơn và trang trọng chào Chúa.
1. Trang trọng cúi chào, phủ phục, làm dấu
Khởi đầu giờ cầu nguyện, bạn hãy thực hiện những cử chỉ thờ
phượng một cách trang trọng như đang cử hành một “nghi lễ”. Hãy cử hành các cử
chỉ ấy một cách thật chậm rãi, tâm hồn bạn sẽ được các cử chỉ của thân xác hỗ
trợ để đến với Chúa một cách trọn vẹn hơn.
* Bước vào nhà nguyện, bạn hãy cúi đầu chào Chúa, cúi sâu,
chậm rãi và thành kính.
* Sau đó, bạn có thể qùi gối và phủ phục trong một vài giây
để “nói” với Chúa :
Lạy Chúa Giêsu, con chào Chúa; con tin nhận Chúa là Chúa của
con.
* Rồi bạn tìm chỗ để quì gối và làm dấu Thánh Giá bắt đầu
một giờ cầu nguyện.
2. Đọc một vài kinh quen thuộc
Bạn hãy chậm rãi và sốt sắng đọc một vài kinh hoặc một vài
lời nguyện mà bạn yêu thích, chẳng hạn:
* Kinh Lạy Cha
Lạy Cha chúng con ở trên trời, chúng con nguyện danh Cha cả
sáng, nước Cha trị đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời.
Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày, và tha
nợ chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con. Xin chớ để chúng con sa
chước cám dỗ, nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ. Amen.
* Kinh Chúa Thánh Thần
Cúi xin Chúa sáng soi, cho chúng con biết được việc phải
làm, cùng khi làm xin Chúa giúp đỡ cho mỗi kinh mỗi việc chúng con, từ khởi sự
cho đến hoàn thành, đều nhờ bởi ơn Chúa. Amen
* Kinh Thánh Thể
Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã trối lại cho chúng con bí tích Mình
và Máu Thánh Chúa, để chúng con đời đời tưởng nhớ Chúa đã chịu khổ hình thập
giá và sống lại vinh quang. Xin cho chúng con biết một lòng sùng kính mến yêu
Bí tích kỳ diệu này, để luôn được nghiệm thấy ơn Chúa cứu chuộc chúng con, Chúa
là Thiên Chúa hằng sống và hiển trị muôn đời. Amen
3. Sám hối
Bạn có thể sống tâm tình sám hối bằng cách “kể lại” chuyện
cuộc đời mình với Chúa. Trước mặt Chúa, bạn nhìn lại những chuyện trong ngày,
những chuyện làm mình áy náy, những chuyện gây ra những hệ quả quan trọng, và
cả những chuyện bình thường nhất…
Khi “kể lại với
Chúa”, bạn sẽ dần dần thoát được những thành kiến sai lạc với người
khác; gạn lọc được thái độ tự lừa dối chính mình; và sẽ nhận ra rõ ràng hơn
những sai sót của mình trong đời sống thường ngày…
Sám hối và nhận ra những điều sai sót, điều đó không phải
nhằm để cho lòng bạn bị dằn vặt nhiều hơn, nhưng là để khám phá ra tình thương
của Chúa lớn hơn. Chúa đã yêu thương và tha thứ cho bạn rồi; khi bạn nhận ra
tội lỗi của mình nhiều hơn, bạn cũng nhận ra mình được yêu mến nhiều hơn và
lòng mình cũng tri ân Chúa nhiều hơn :
“Vì thế, tôi nói cho ông hay : tội của chị rất
nhiều, nhưng đã được tha, bằng cớ là chị đã yêu mến nhiều. Còn ai được tha ít
thì yêu mến ít." (Lc 7,47)
4. “Một tâm tình – một cử chỉ”
Theo tinh thần Đa Minh, bạn hãy dùng trọn cả bản thân, nghĩa
là cả thân xác và tâm hồn, để đi vào cuộc trò chuyện với Chúa. (Xc. Chín Thể
Thức Cầu Nguyện của Thánh Đa Minh).
* Hãy dùng “một cử chỉ để diễn tả một tâm tình” với Chúa.
*
* Bạn không cần phải suy nghĩ nhiều mà cũng không cần phải
nói nhiều điều; ngược lại, bạn nên dừng lại thật lâu với một tâm tình duy nhất,
được hỗ trợ bằng một cử chỉ tượng trưng của thân xác; và hướng toàn vẹn bản
thân mình lên đến Chúa.
- Hãy chọn một tâm tình nào thích hợp nhất với bạn : thờ
lạy, an bình trước mắt Chúa, phó dâng bản thân, kính dâng những người thân, xin
ơn soi sáng than van về nỗi khổ đau…
- Hãy diễn tả tâm tình ấy bằng một cử chỉ nào đó, để đưa
toàn vẹn bản thân mình vào mối giây thân tình với Chúa : phủ phục, cúi đầu,
ngửa mặt buông thõng hai tay, hai tay kính dâng trước ngực, chắp tay, khoanh
tay… Bạn đừng để mình bị gò bó vào cử chỉ, nhưng hãy để chính tâm hồn thôi thúc
thân xác làm nên một cử chỉ thích hợp nhất.
- Bạn có thể chọn một, hoặc hai, hoặc ba tâm tình, theo thứ
tự thích hợp với hoàn cảnh của chính bạn.
* Gợi ý vài mẫu : “Một tâm tình – Một cử chỉ”
* SỐNG BÊN CHÚA
Chúa ở đây – con ở đây
Chúa ở bên con – con ở bên Chúa
Chúa Người Anh – con là đứa em bé nhỏ của Chúa
Chúa là Người Thầy – con là người học trò thành kính
Chúa là Bạn –Chúa đồng hành bên con trên đường đời.
|
Chúa nhìn con
bằng ánh mắt nhân từ
Ánh mắt Chúa
chấp nhận trọn vẹn bản thân con
* KÍNH DÂNG CHÚA TRỌN BẢN THÂN
Con dâng Chúa trọn vẹn bản thân,
Tài năng, tính tình, công việc,
và cả những tật xấu
đang giằng xé bản thân con
* SỐNG TRONG TÌNH YÊU
CHÚA
Xin tình thương Chúa thấm nhập vào trái tim của con
Cho trái tim con biết phập phồng tiếng yêu thương
Tiếng yêu thương ngọt ngào của Chúa;
và tiếng yêu thương với anh chị em của con.
* THANH THẢN
Như trẻ thơ nép mình bên lòng mẹ
Bên Chúa, tâm hồn con lặng lẽ an vui
* KÍNH DÂNG CHÚA NHỮNG NGƯỜI THÂN
YÊU
Kính dâng Chúa những người thân yêu của con
Con đặt những người thân của con vào trái tim nhân từ của
Chúa.
Những người thân của con,
Cũng là những người thân của chính Chúa.
|
* SÁM HỐI
Con gục đầu sám hối mọi lỗi lầm
Bàn tay thứ tha của Chúa đặt trên đầu con
Và lòng con ngập tràn lòng tri ân cảm tạ
|
* THAN THỞ
Con đau khổ, Chúa ơi
Tâm hồn con rối bời, Chúa ơi
Con đang vác thập giá nặng quá
Chúa ơi, giúp sức cho con
Chúa ơi, giúp sức cho con.
* ĐÓN NHẬN THÁNH Ý CHÚA
Chúa đang muốn nói gì
với con ?
Con nguyện trung tín thực thi Thánh ý Chúa
Chúa muốn con làm gì cho Chúa ?
Con nguyện đáp lời Chúa bằng tiếng “Xin Vâng”
* TẠ ƠN
Tạ ơn Chúa, con tạ ơn Chúa vô vàn
Vì Chúa là Chúa của con
Vì Chúa là người Bạn Thân Tình của con
Vì Chúa người Anh dễ thương của con.
* ĐÓN NHẬN LỜI CHÚA
Bạn cũng có thể nhẩm đi nhẩm lại một câu Kinh Thánh; hoặc
hát thầm một câu trong một bài hát nào đó mà bạn thích thú. Chẳng hạn : “Khi tôi yếu là lúc tôi mạnh”; “kẻ đói nghèo Chúa ban của đầy dư; người giầu
có lại đuổi về tay trắng”…
* HÁT CA
Hoặc bạn thầm hát lên những đoạn thánh ca mà ình yêu thích,
hát đi hát lại một đoạn thôi cũng được. chẳng hạn : “Lạy Chúa, xin hãy dùng con như khí cụ bình an của Chúa”. . . .
* CHƠI VUI
Bạn cũng có thể ngồi chơi, thanh thản, không cần nghĩ gì hay
làm gì; chỉ có một ý thức Chúa đang hiện diện ở đây, và con đang ngồi trước mặt
Chúa. Bạn hãy sống tâm tình chơi vui trước mặt Chúa, thanh thản và bình an vì
có Chúa ở bên…
5a. Đọc Kinh Mân Côi
Trước Thánh Thể, bạn có thể đọc Kinh Mân Côi, vì kinh Mân
Côi là lời nguyện xin Mẹ Maria cùng đồng hành trên bước đường theo Chúa Giêsu.
Với mỗi mầu nhiệm trong kinh Mân Côi, bạn hãy nhận ra một
thái độ, một tâm tình, một hoàn cảnh nào đó trong chính cuộc đời thật của bạn.
(xem phần gợi ý ở cuối tập sách).
Trong khi đọc kinh Mân Côi và suy niệm các mầu nhiệm, bạn
hãy để cho, từ đáy tâm hồn, vọng lên lời kêu xin tha thiết : “Mẹ
ơi, xin giúp con sống với Chúa Giêsu” (hoặc : giúp con đón nhận Chúa
Giêsu vào lòng; giúp con mang Chúa Giêsu cho người khác…. ).
5b. Đọc Kinh Thánh
Tốt nhất là bạn đến giờ cầu nguyện riêng với quyển Tân Ước.
Hãy đọc thật chậm, trang trọng và thanh thản; trong tâm tình
khao khát lắng nghe Lời Chúa. Khi đọc Kinh Thánh, Chính Chúa đang ngỏ lời với
bạn. Mọi ý tưởng trong Kinh Thánh chỉ được trọn vẹn ý nghĩa khi đó là cuộc đối
thoại sống động giữa Chúa và bạn.
Bạn hãy “uống từng
lời” trong Kinh Thánh như lời Chúa đang thân thương nói với bạn.
Đây là cuộc đối thoại thân tình, chủ yếu là cuộc trao đổi
giữa hai tâm hồn chứ không phải chỉ là bài học dành cho lý trí; vì vậy, bạn hãy
sống tâm trạng thanh thản. Có thể bạn không hiểu rõ ý nghĩa của Lời Chúa, nhưng
bạn cần xác tín Chúa đang nói với mình.
Hoặc bạn viết lại những đoạn Lời Chúa mà bạn thích vào cuốn
sổ riêng của mình; hoặc viết lại một cách trang trọng, hoặc viết một cách “ngẫu
hứng” như viết thư pháp; hoặc viết đi viết lại nhiều lần một câu quan trọng.
6. Cám ơn Chúa
Cuối giờ cầu nguyện, bạn xin Chúa chúc lành và hướng dẫn cho
cuộc sống của bạn; xin Chúa giúp sức
để bạn thực hiện được điều Chúa muốn trong cuộc sống hằng ngày.
Giờ cầu nguyện của bạn có thể khô khan, nhạt nhẽo, hoặc bị
chia trí nhiều… Bạn đừng buồn phiền về điều đó. Các vị thánh lớn từng trải qua
những kinh nghiệm khô khan như thế.
Nếu bạn có được một giờ cầu nguyện hứng khởi, ngọt ngào; bạn
hãy tạ ơn Chúa, nhưng bạn cũng hiểu rằng điều đó không phải là mục đích của
việc cầu nguyện, và cảm giác đó sẽ qua đi.
Điều quan trọng
nhất bạn cần nhận ra, đó là bạn đang sẵn
sàng để gặp gỡ Chúa Giêsu; và Chúa Giêsu vẫn ở với bạn; Ngài nhìn nhận
thiện chí của bạn; Ngài huyến khích bạn kiên nhẫn trong việc cầu nguyện. Chúa
Giêsu vẫn thường dạy các tông đồ cầu nguyện bằng một sự kiên trì.
Cuối cùng, bạn cũng hãy trang trọng thực hiện một vài cử chỉ
chào Chúa rồi ra về.
Phụ Lục
1. Đời sống tâm linh
1.1 Đời sống
Chúng ta có “một cuộc
sống” duy nhất, trong đó có rất nhiều yếu tố khác nhau : ăn uống, vui chơi,
làm việc, sinh hoạt tôn giáo . . .. Trong quá trình sống của mỗi người, các yếu
tố hỗn độn của cuộc đời sẽ kết tụ lại thành “những đời sống” tức là những lãnh vực có sự liên kết mật thiết của
nhiều yếu tố và trở thành những sự sống sinh động trong cuộc đời; chẳng hạn như
“đời sống gia đình”, “đời sống tu trì”, . . . . và đời sống tâm linh. Rồi trong
quá trình sống, sẽ có những “đời sống” lớn lên để trở thành một nét chính, nét
căn bản của cả cuộc sống, chẳng hạn đời sống tâm linh trở thành nét chính trong
cuộc đời của ai đó.
Như thế, trong cuộc sống duy nhất của chúng ta, có những yếu
tố thực sự mang tính chất của sự sống làm nên những đơn vị đời sống và cũng có
những yếu tố chỉ là những nghĩa vụ, những sinh hoạt, hay những việc làm rời
rạc, chúng không trở thành sự sống mà vẫn chỉ là những dị vật trong quỹ đạo
sinh hoạt của mỗi người. Những dị vật ấy dù có cố ghép vào cuộc sống của ta,
thì chúng cũng luôn có khuynh hướng bị đẩy ra ngoài. Chẳng hạn việc học hành,
khi nó chỉ là những giờ đến lớp, những bài học và bài làm mà không trở thành
một “đời sống trí thức”, chúng chẳng dính dáng gì đến những yếu tố khác trong
cuộc sống của ta, thì chỉ cần một chút khó khăn là ta sẽ bỏ học ngay.
Những tính chất căn bản của một “đời sống” là :
- Tính hữu cơ : Đời sống luôn có sự sự thống nhất, đắp đổi,
nuôi dưỡng lẫn nhau, khác hẳn với những dị vật trong quĩ đạo sống của mình.
Cuộc đời con người luôn có khuynh hướng trở nên một toàn bộ có sự duy nhất
trong mục đích của mình; do đó, cuộc sống con người thường gắn liền với một ý
nghĩa do mình lựa chọn {người buồn cảnh có vui đâu bao giờ}, chứ không phải chỉ
bao gồm những sự việc rời rạc bên cạnh nhau.
- Khả năng “hút” : một đời sống đích thực là một đời sống có
“rễ”, có khả năng tìm thấy những dưỡng chất trong những yếu tố khác nhau, thậm
chí trong những điều tầm thường, để làm như “phân bón” cho “cây đời sống” của
mình;
- Khả năng tăng trưởng : cuộc sống đích thực luôn có những
“chồi non lá mới”, nghĩa là có những tâm tình mới, có kinh nghiệm mới, những
sinh hoạt mới tự “mọc ra” từ chính sự phong phú trong đời sống.
1.2 Đời sống tâm linh
* Đời sống tâm linh là sự sống của Thánh Thần Chúa trong
cuộc đời của ta. Có đời sống tâm linh, nghĩa là sự sống của Chúa trở thành một
“đời sống” trong bản thân ta, đời sống ấy dính dáng tới mọi công việc, mọi vấn
đề, mọi khó khăn hay thuận lợi, mọi thành công hay thất bại trong cuộc đời ta.
Nếu có đời sống tâm linh, khi ta lựa chọn thái độ cư xử với người bạn, ta sẽ
lựa chọn theo Thánh ý Chúa; nếu ta quyết định bỏ học để đi làm, ta sẽ dâng lựa
chọn ấy cho Chúa… Ngược lại, nếu ta có đi lễ, có đọc kinh, nhưng ngoài giờ lễ
và giờ kinh ấy, ta cư xử hoàn toàn như một người không có đức Tin, thì ta chưa
thật sự có đời sống tâm linh. Như thế “đời sống tâm linh” không phải chỉ là một
số sinh hoạt tôn giáo, không phải chỉ là việc giữ đúng giới răn của Chúa, nhưng
phải là một sự sống đích thực của Chúa Thánh Thần, sự sống có sự phát triển
sinh động và phong phú.
* Sự sống của Chúa
chỉ có thể chuyển thông cho ta khi ta sống-với-Chúa; nghĩa là có một sự gặp gỡ
chứ không phải là sự hiểu biết đạo lý; là một dòng sự sống từ Chúa chuyển thông
cho ta chứ không phải là một sự luyện tập luân lý bằng chính nỗ lực của riêng
mình.
Tóm lại, sống đời sống tâm linh là sống mối quan hệ thân
tình với Chúa, mối quan hệ được nuôi dưỡng trong việc thường xuyên cầu nguyện
với Chúa và đón nhận ơn phúc của Chúa qua các bí tích…
***
2. Cầu nguyện
Điều quan trọng hơn cả trong cầu nguyện là : “nói với Chúa”, hay vươn lòng lên
tới Chúa. Nhiều người cầu
nguyện nhưng vẫn quanh quẩn trong những ý nghĩ của mình, quanh quẩn trong những
lời kinh hay những nghi thức của bản thân mình. Hãy gạt bỏ tất cả những gì “nằm
giữa”, những thứ “trung gian” có nguy cơ che mờ sự hiện diện bản thân của ta và
bản thân của Chúa.
2.1 Sống linh đạo hiện diện
Điều quan trọng nhất trong việc cầu nguyện là sống “linh đạo
hiện diện”; nghĩa là nhận ra, trong lòng tin, sự hiện diện của Chúa, Chúa vẫn chờ đợi ta nơi đây. Sống
linh đạo hiện diện là đón nhận sự hiện diện của chính Chúa Giêsu, giống như khi
ta đón tiếp một người bạn, chứ không phải như nói chuyện với một nhân viên văn
phòng, hoặc nhân viên bán hàng trong một siêu thị. Linh đạo hiện diện giúp ta
“gặp gỡ”, “sống với”, “đối thoại”,… thực sự chứ không phải giải quyết một vấn
đề, thực hiện một nghĩa vụ hoặc sử dụng một kỹ thuật để tâm hồn được thanh
thản… Sống linh đạo hiện diện là sống lòng tin để nhận ra sự hiện diện của Chúa
với ta và cho ta. Cầu nguyện trước tiên là sống với Chúa, nói với Chúa, hoặc
cùng làm với Chúa…
2.2 Kết nối
Khi sống trước sự hiện diện của Chúa, lời cầu nguyện sẽ nối
kết bản thân mình với bản thân Chúa, để thực hiện một cuộc đối thoại thực sự. Cầu
nguyện thực sự, đó là đi vào “cuộc đối thoại ngôi hai”, ta “nói” với Chúa và Chúa “nói” với ta như người đối diện ở “ngôi
thứ hai”; trong đó, có những tương tác qua lại trực tiếp. Một cách nào
đó, có thể nói những “tương tác ngôi vị” như thế đưa tới những tình cảm sống
động : thương, buồn, vui, giận… vì nhau, chứ không phải làm đúng hay sai một kỹ
thuật. Cầu nguyện sâu xa nhất là “nói với”; còn cầu nguyện gián tiếp là “nói
về” Chúa.
Hãy nối kết, “kết nối mạng” giữa lòng của mình với tấm lòng
của Chúa. Bạn hãy buông bỏ những bận bịu của riêng mình để chìm vào mối liên hệ duy nhất lúc này : “tôi-và-Chúa-Giêsu”;
“tôi-tạ-ơn-Chúa-Giêsu”; “tôi-khẩn-cầu-Chúa-Giêsu”… Ta có thể “nghiệm ra được”
sự kết nối ấy khi người cầu nguyện nhận ra được “cái nhìn” của Chúa về mình,
nhận ra được “lời nói” của Chúa ngỏ với chính mình, nhận ra được “hành động”
yêu thương của Chúa cho bản thân mình….
Thay vì bắt đầu nói hoặc nghĩ từ tâm trí của mình, tốt hơn
bạn hãy bắt đầu bằng việc đưa lòng
mình lên tới Chúa để lắng nghe, để nhìn ngắm, để đón nhận, ….
2.3 Sống lòng Tin-Cậy-Mến
* Tin : Một trục trặc sâu xa trong lòng đời sống cầu nguyện
đó là người Kitô hữu đón nhận Đạo như là đón nhận “giáo huấn”. Niềm tin bao giờ
cũng bao hàm cả hai khía cạnh : gắn bó với Chúa và chấp nhận những điều Chúa
dạy. Khía cạnh gắn bó với bản thân Chúa là khía cạnh ưu tiên, căn bản; và vì
gắn bó với Chúa nên ta đón nhận những điều Chúa dạy. Nếu hành trình đức tin của
ta đặt ưu tiên nơi những điều Chúa dạy, ta sẽ tuân giữ tỉ mỉ lề luật, những
không tìm thấy sức sống đích thực của một cuộc gặp gỡ. Hãy xác tín : tin nghĩa là chọn chính Chúa là Đấng làm
chủ cuộc đời mình.
* Cậy : Ở đây ta cũng nhận ra được một điều quan trọng trong
“quy luật” của ơn cứu độ : những người “nghèo” từ trong lòng, từ trong cuộc
đời, nghèo trong khả năng tìm một giải pháp cho đời mình… chính là những người
có khả năng buông bỏ những “vật trung gian” nhưng những bảo đảm cho bản thân
mình để đến thẳng tới Chúa. Khi không quá tin vào bản thân mình, ta có khả năng
phá bỏ những “tường rào ngăn cách” trong đời sống cầu nguyện. Ngược lại, khi ta
còn quá tin vào chính mình, khi người ta còn thực hiện việc cầu nguyện chỉ để
Chúa bù đắp một vài thiếu sót, thì ta chưa rộng mở cuộc đời cho Chúa bước vào.
Hãy tha thiết cậy trông; hãy sống thái độ nghèo trong khi cầu nguyện; hãy phó thác trọn vẹn bản thân mình cho
Chúa.
* Mến : Lòng yêu mến giúp cho cuộc gặp gỡ có thể “nối kết
cõi lòng” của nhau. Lòng mến ở đây ban đầu có thể chưa hẳn là một lòng nhớ
thương rộn ràng, nhưng là một thái độ trận trọng “giá trị bản thân”. Trân trọng
giá trị bản thân của Chúa, nghĩa là đừng coi Chúa như một “quyền lực đáng sợ”,
hoặc như một “kho tàng phong phú”. “Đối xử” với Chúa như thế chính là không trân
trọng bản thân của chính Ngài. Trân trọng bản thân của Chúa nghĩa là tôi không
đến với Chúa để “đóng thuế” một phần nào những lợi lộc của tôi cho Chúa, theo
nghĩa vụ phải chu toàn, theo một đời buộc bên ngoài; trân trọng bản thân của
Chúa nghĩa là tôi không đến với Chúa chỉ để kiếm một vài ân phúc cho đời tôi,
cuộc đời của riêng tôi. Trân trọng bản thân Chúa nghĩa là đến với Chúa vì
tôi muốn sống với Chúa, muốn sống mối liên hệ với chính Chúa. Trân trọng
bản thân của Chúa nghĩa là, nói theo kiểu thời nay, tôi không lợi dụng Chúa để
bảo đảm an toàn cho tôi hoặc để được quyền lợi gì cho tôi. Trân trọng bản thân Chúa nghĩa là đón nhận chính Chúa là Chúa của
đời tôi; nghĩa là sống cả bản thân tôi trong mối tương quan với Chúa.
Rồi từ thái độ trân trọng bản thân như thế, dần dần lòng ta
sẽ bật ra được một tâm tình yêu mến thiết tha để sống với Chúa như một Đấng
lòng tôi yêu mến, và bật ra được những lời kêu than tha thiết…
***
3. Cầu nguyện bằng cả con người
Đời sống tâm linh theo tinh thần Đa Minh không chú nhiều đến
việc “biện phân thần khí” trong tâm hồn, hoặc nghiêm túc tuân theo một phương
pháp suy niệm,… nhưng chủ yếu là sống một tinh
thần đơn sơ và trong sáng.
- Đơn sơ và trong sáng làm nên sự thống nhất trong tâm hồn
và thân xác của chính mình;
- Đơn sơ và trong sáng để hoà mình vào khung cảnh chung
quanh;
- Đơn sơ và trong sáng để đón nhận một cách sâu xa những vui
buồn của anh chị em;
- Đơn sơ và trong sáng để đến thẳng tới Chúa; để dễ dàng đón
nhận rõ ràng Thánh Ý Chúa và bộc lộ tâm tình cầu nguyện một cách hồn nhiên.
Các thánh lớn trong Dòng như Đa Minh, Thomas, Catarina,
Martino, Rosa… đều là những con người hết sức trong sáng trước sự dẫn dắt của
Chúa trên đường đời. Các ngài đón nhận Thánh Ý Chúa một cách hồn nhiên và “dễ
dàng”, các ngài cảm thông sâu xa những đau khổ của tha nhân, các ngài hoà nhập
cuộc đời mình vào đời sống cộng đoàn và từng bước nhẹ nhàng đi sâu vào đời sống
thân tình với Chúa.
Tính cách đơn sơ và trong sáng ấy có thể là những phẩm chất
tự nhiên do Chúa ban ngay từ trong tâm tính bẩm sinh; tuy nhiên nhưng phẩm tính
ấy cũng được hỗ trợ do truyền thống linh đạo của Dòng, trong đó có việc cầu
nguyện bằng cả con người. Cầu nguyện bằng cả bản thân nghĩa là buông lỏng mọi ý
chí và chương trình của con người và để cho dòng tâm tư cầu nguyện khơi dậy
trọn vẹn bản thân, bộc lộ trong những cử chỉ của thân xác (Xc. Chín Thể Thức
Cầu Nguyện của Thánh Đa Minh).
Sống đơn sơ và trong sáng theo tinh thần Đa Minh, đó là
buông lỏng bản thân giả tạo của mình để tìm lại một bản thân chân thật trước
mặt Chúa; buông bỏ những tình cảm đang khuấy động tâm hồn để nhận ra một tình
cảm chân chính trước nhan Chúa; từ bỏ chương trình của mình để rộng mở tâm hồn
cho Thánh Ý Chúa…
Hãy đưa tâm hồn lên đến chính Chúa chứ đừng dừng lại ở những
lời kêu khấn quanh quẩn về bản thân mình. Hãy để sự sống của mình chìm ngập vào
một dòng sự sống mới; đó là để lòng mình chìm ngập vào một giòng “tâm tình với
Chúa” và trầm lắng để tâm tình ấy dâng lên, bộc lộ ra trong cả thân xác của
chính mình.
Đừng suy nghĩ nhiều mà cũng không cần phải nói nhiều điều;
ngược lại, bạn nên dừng lại thật lâu với một tâm tình duy nhất, được hỗ trợ
bằng một cử chỉ tượng trưng của thân xác.
Khi ấy, bạn sẽ nối kết bản thân mình với bản thân Chúa trong
sự đơn sơ và trong sáng.
***
4. Đọc Kinh Mân Côi
Trước Thánh Thể, bạn có thể đọc Kinh Mân Côi, vì ý nghĩa
chính của kinh Mân Côi là cùng với Mẹ bước theo chân Chúa Giêsu.
Kinh Mân Côi có thể giúp người tín hữu khám phá hành trình
đời sống tâm linh của mình và bước đi trong hành trình ấy một cách phong phú.
Khi trân trọng việc suy niệm các mầu nhiệm trong việc đọc kinh Mân Côi, người
ta sẽ khám phá những vấn đề của mình, khám phá ra bản thân mình trong những mầu
nhiệm ấy. Người đang gặp hoàn cảnh đau khổ có thể khám phá ra mình đang vác
Thánh giá theo chân Chúa; người đang ê chề trong tội lỗi có thể khám phá ra nhu
cầu được sống lại với Chúa Giêsu, người đang đau khổ vì gia đình xào xáo có thể
khám phá ra mình cần một bầu khí bình an của hang đá máng cỏ…
Một khi đã khám phá ra vấn đề của đời mình trong lịch sử ơn
cứu độ, người tín hữu sẽ được mời gọi để cho đức Mẹ Maria giúp mình đi vào lịch
sử ơn cứu độ của Chúa Giêsu. Chẳng hạn, nếu một người tín hữu có một tật xấu là
hay lê la bàn chuyện người khác, thích phê bình chỉ trích người khác và luôn
rơi vào tội nói xấu người khác một cách võ đoán, thiếu công bằng, thì người tín
hữu ấy có thể sử dụng ngắm thứ Hai Mùa Vui để xin đức Mẹ Maria dạy mình biết
mang Chúa đến cho người khác, biết nói lời chào bình an của Đức Mẹ cho người khác,
biết làm cho những người mình gặp gỡ tìm được niềm vui thực sự trong tâm hồn…
như đức Mẹ đã làm khi đến thăm viếng bà Êlisabét. Như thế, qua lời cầu bầu của
Mẹ Maria, việc lựa chọn một mầu nhiệm trong cuộc đời của Chúa sẽ giúp người tín
hữu khám phá từng căn bệnh cần chữa trị của tâm hồn.
Rồi bằng việc tha thiết, trung tín, kiên trì đọc đi đọc lại
một chục kinh, người tín hữu có thể mở rộng tâm hồn để đón nhận hồng ân của
Chúa. Chính lời kinh lập đi lập lại cho phép người tín hữu thể hiện tâm tình
tha thiết muốn sống theo Thánh Ý Chúa; và chính thái độ đọc đi đọc lại một chục
kinh trong việc suy niệm một mầu nhiệm của Chúa Giêsu giúp cuộc đời của người
tín hữu dần dần được hội nhập vào sự sống của Chúa.
Đời sống tâm linh, cũng như một đời sống khác của con người,
thường có những bước trưởng thành, tức là một sự phát triển từ từ, vững chắc,
nẩy sinh hoa trái từ một gốc rễ vững mạnh của niềm tin, chứ không phải một cách
ngẫu hứng hoặc bùng phát như lửa rơm. Viêc nhận ra con người thật của mình,
chân nhận những khuyết điểm của mình một cách rõ ràng, việc biết mình như thế
là điều cần thiết trong đời sống tâm linh, vì nhờ đó ta nhận ra được “nơi” mình
cần tới Chúa trợ giúp hơn hết, nơi “hò hẹn” của Chúa đối với bản thân mình.
Người ta thường dễ chán Kinh Mân Côi vì tính cách lập đi lập lại; nhưng thật
ra, chính tính cách ấy lại có khả năng giúp con người “dừng lại”, thấm thía và
sống mối tương quan với Chúa cách sâu xa và chân thật.
Trong khi đọc kinh Mân Côi, bạn hãy để cho tiếng lòng của
bạn vọng lên lời kêu xin tha thiết :
“Mẹ ơi, xin giúp con sống với Chúa Giêsu” (hoặc : giúp con đón
nhận Chúa Giêsu vào lòng; giúp con mang Chúa Giêsu cho người khác…. ).
5. Đọc Kinh Thánh
* Kinh Thánh, hay
Lời Chúa, trước tiên là “lời ngỏ”, nghĩa là lời Chúa nhắm gửi đích danh
đến tôi. Khi đọc Lời Chúa, điều quan trọng nhất không phải là nhận biết Kinh
Thánh nói gì, nhưng là nhận ra chính Chúa, Đấng đang nói với tôi trong tình yêu
thương, Đấng ấy đang nói về bản thân Ngài cho tôi.
* Đọc Kinh Thánh cũng là đón nhận Thánh Ý Chúa cho tôi; đón
nhận bản thân Chúa đang quan tâm đến đời tôi; đón nhận sức mạnh của tình yêu
thương trong lời ngỏ thân tình của Chúa.
* Khi ấy bạn cũng sẽ đón nhận được chính bản thân của Chúa;
khám phá ra hành động của Chúa trong đời tôi, và khám phá ra “gương mặt” của
Chúa đối với tôi.
* Tốt nhất là bạn đến giờ cầu nguyện riêng với quyển Tân
Ước. Bạn hãy đọc thật chậm, trang trọng và thanh thản, trong tâm tình khao khát
lắng nghe Lời Chúa. Bạn hãy “uống từng lời” trong Kinh Thánh như lời Chúa đang
thân thương nói với bạn. Hoặc bạn viết lại những đoạn Lời Chúa mà bạn thích vào
cuốn sổ riêng của mình.
L.m. Giuse Nguyễn Trọng
Viễn O.P
Kỷ niệm ngày giỗ mẹ : Anna
Nguyễn Thị Sự
20/10/2004 – 20/10/2008
0 nhận xét:
Đăng nhận xét