Đời sống Chiêm niệm : Say mê Đức Kitô và nhân loại ….."
THẰNG NÀO GIẢNG DÀI LÀ THẰNG ĐÓ DUY
LÝ" !!!
 1. Truyền thống Do Thái Kitô giáo 1.1 “Chiêm niệm nhập thể” 1.2 Chiêm niệm Đa Minh 2. Chút nhận định về đời sống chiêm niệm hiện nay 2.1 Vài điểm so sánh với triết học hiện đại 2.2 Những nguy cơ của một lối sống Đa Minh không chính thực 2.2.1 Đối với con người : “Truyền thống bàn luận” 2.2.2 Đối với Chúa :”Ham mê kiến thức” 3. Vài đề nghị và gợi ý ….."THẰNG NÀO GIẢNG DÀI LÀ THẰNG ĐÓ DUY LÝ" !!! Đó là một nhận xét của một người anh em chúng ta trong lúc "ngẫu hứng",… nó gợi ý cho tôi thấy một khía cạnh thực tế của đời sống Đa Minh. Chúng ta có thể nói : anh nào ít chiêm niệm sẽ rơi vào thái độ duy lý, hoặc anh nào ít chiêm niệm thì sẽ hay phê phán người khác… 1. Truyền thống Do Thái Kitô giáo 1.1 “Chiêm niệm nhập thể” Truyền thống Kinh Thánh vốn mang nét căn bản là tính lịch sử, nghĩa là một thái độ của niềm tin được thể hiện trong chính chiều kích lịch sử của cuộc đời. Do Thái Kitô giáo là tôn giáo mặc khải, nghĩa là đón nhận giáo lý từ trời cao, nhưng lại được thể hiện trong cuộc sống đời thường, làm nên một thứ hoa trái riêng biệt là “lịch sử ơn cứu độ”. Do đó, thái độ căn bản của người Dân, không phải là một lòng đạo đức tự nó là tốt, cũng không phải là một tư cách hay một trình độ tôn giáo cao vời, mà là lòng trung tín với Chúa, trung tín với các giải pháp của Chúa trong dòng lịch sử, để hướng tới việc đón nhận Đấng Mêsia. Sách Thánh nói Dân Do Thái là một dân cứng lòng. Điều đó có lẽ không phải tâm tính của một dân tộc vốn ngang ngạnh, nhưng đúng hơn là do họ đứng trước một sứ mệnh “không giống ai”, sứ mệnh sống niềm tin, đón nhận những chỉ dẫn của niềm tin trái ngược với lối suy nghĩ khôn ngoan đời thường. Sống niềm tin là cả một cuộc phiêu lưu, cả về mặt chính trị và quân sự chứ không phải chỉ là một thái độ đạo đức. Truờng hợp vua Achaz là một ví dụ điển hình. Chính vì vậy mà Dân đã thường giết các ngôn sứ... Trong chiều hướng đức tin có tính lịch sử như thế, chúng ta cũng hiểu được, chiêm niệm Kitô giáo nhằm tới một mục tiêu chính yếu là khám phá thánh ý của Chúa trong hành trình cuộc đời, qua những thách đố, những sự kiện, những vấn đề của đời sống thường ngày. 1.2 Chiêm niệm Đa Minh Thánh Đa Minh sống vào một thời đại “toàn cầu hóa”. Chính cung cách mới của những tu sĩ hành khất thời bấy giờ đã mang lại chiều kích con người, hay chiều kích cuộc sống, chiều kích lịch sử cho việc chiêm niệm Kitô giáo. Ta có thể nhìn thấy nơi những những “tiếng kêu” của thánh Đa Minh đường nét của việc chiêm niệm Đa Minh, đó là khát vọng tìm thấy ý nghĩa cứu độ trong những diễn biến của đời thường, khám phá ra lịch sử cứu độ đang được thể hiện một cách cụ thể trong cuộc đời những con người cụ thể. Một khi gặp gỡ, gặp gỡ thực sự những con người, gặp những nỗi đau của kiếp người, người ta mới có thể hiểu ra được sâu xa hơn lòng thương xót của Thiên Chúa. Nẻo đường “nhập thể” ấy đã đưa thánh Đa Minh đi vào “cung thánh của lòng từ tâm”. Và thánh Đa Minh được coi như một người khám phá lại lòng thương xót của Thiên Chúa. Lòng từ tâm của thánh Đa Minh, đó là hoa trái của con đường chiêm niệm nhập thể. “Việc chiêm niệm phát xuất từ chiều sâu của kinh nghiệm và của việc chúng ta phục vụ những con người thời đại, đặc biệt là những người đang chịu đau khổ, những người nghèo và những người bị gạt ra ngoài lề xã hội. Một khi không được như thế, thì việc giảng thuyết của chúng ta trở nên "thanh la inh ỏi", và " cồng chiêng náo nhiệt". (Bogota 191) 2. Chút nhận định về đời sống chiêm niệm hiện nay 2.1 Vài điểm so sánh với triết học hiện đại Nếu nét đặt trưng của chiêm niệm Kitô giáo là “chiêm niệm nhập thể” như thế, chúng ta có thể thấy một số điểm chung giữa chiêm niệm Kitô giáo với một vài quan niệm nhận thức của triết học hiện đại. Nói chung, từ cuối thế kỷ XIX, triết học tây phương đã nhận ra tính cách giới hạn của một thứ lý trí khoa học. Những giá trị nổi bật trước đây như : minh bạch, khách quan, hợp lý, khoa học, cũng như tất cả những lối nhìn lịch sử như một tiến trình hợp lý có thể dự đoán … đã không còn giá trị bao nhiêu. Người ta nhận thấy chính thế giới thiên nhiên đã là một ẩn số không thể nào hiểu được. Đặc biệt, con người là cả một huyền nhiệm không thể nào lý trí có thể tát cạn được. Chúng ta có thể nhận thấy trong tất cả những điều ấy có một thứ “chiêm niệm tự nhiên”, không phải là kém sâu sắc, và có lẽ còn đúng hơn nhiều với một lối suy tư một chiều, chắc chắn một cách hợm hĩnh, với thái độ đi guốc trong bụng người khác… cho dù là dựa vào những “chân lý của mặc khải”. 2.2 Những nguy cơ của một lối sống Đa Minh không chính thực Chúng ta đã sống tinh thần chiêm niệm ra sao ? Từ gợi hứng của một người anh em, “thằng nào giảng dài là thằng duy lý”, tôi xin đưa ra một vài nhận định : 2.2.1 Đối với con người : “Truyền thống bàn luận” Quả thật truyền thống dân chủ của Dòng được thể hiện trong một nét quản trị căn bản là bàn bạc, bất cứ một chuyện gì cũng được mang ra bàn bạc và điều ấy thấm vào trong máu người tu sĩ Đa Minh. Thế nhưng chúng ta cũng biết rằng, ý nghĩa căn bản của việc bàn bạc trong cơ chế quản trị của Dòng không phải là một thứ dân chủ theo nghĩa đời, mà là một cách đi tìm ý Chúa. Do đó, trong khi bàn bạc, mỗi người cần sống niềm tin để lắng nghe ý Chúa tỏ lộ trong các ý kiến của anh em mình, hoặc lắng nghe ý Chúa trong việc bỏ phiếu. Đó có lẽ cũng là ý nghĩa sâu xa của đức vâng phục Đa Minh, là một thứ thách đố của một niềm tin vào Chúa được thể hiện trong tương quan bình đẳng của cuộc sống hằng ngày. Phải chăng thứ thách đố ấy cũng dễ làm cho anh em Đa Minh trở nên “cứng đầu cứng cổ” như những người Do Thái ? Trong thực tế, có lẽ nhiều anh em chúng ta đã không sống đức tin trong cơ chế quản trị dân chủ, nên đã làm biến chất đời sống Đa Minh, biến lối quản trị Đa Minh trở thành việc huấn luyện tinh thần duy lý, huấn luyện phương cách lý sự. Đánh mất ý nghĩa của niềm tin trong cơ chế quản trị của Dòng, chúng ta cũng đánh mất tinh thần lắng nghe, đánh mất thái độ tuân phục. Tinh thần dân chủ khiến chúng ta không còn hoặc ít thấy ý nghĩa tuân phục từ bên trên; ít được nhắc nhủ về một thái độ chấp nhận (dù ít nhiều có tính chịu-vậy) điều không đúng ý mình trong tinh thần đức Tin. Mạch sống đức Tin của đời sống Đa Minh không phải giống một vòi nước chảy ồ ạt từ vị bề trên, nhưng giống nhiều tia nước nhỏ từ mỗi người anh em trong cộng đoàn. Chính lối bàn luận không lắng nghe ý Chúa đã làm tịt những tia nước nhỏ ấy. Trong thứ “truyền thống bàn luận” bị cắt lìa khỏi nguồn mạch siêu nhiên như thế, chúng ta thấy nảy sinh những căn bệnh : bệnh phê phán và bệnh xầm xì. Đó là những tật xấu như hệ quả đương nhiên của bệnh lý sự. Hiến Pháp Dòng nhắc nhủ, khi nhận định về những lỗi lầm của anh em, cần phải biết dừng lại ở sự kiện, dựa trên tiêu chuẩn công ích, chứ không được vượt rào để đi vào lãnh vực phê phán lương tâm : “Phải căn cứ vào sự tổn thương đến công ích chứ đừng căn cứ vào tội đi kèm theo nếu có, mà đo lường sự vi phạm” (HP 55) Thế nhưng, quả thực trong đời sống cộng đoàn, có rất nhiều những thái độ kết án nhau một cách quá dễ dàng mà nhiều lúc làm tôi liên tưởng đến một kiểu diễn tả của Kinh Thánh : có những người kết án anh em “như đấng có uy quyền” Cũng thế, khi không còn đủ “bản lãnh” để kết án một cách rõ ràng, thì người ta rơi vào bệnh xầm xì. Những lời bàn bạc, phê phán, nhận định một cách bất công về một người thứ ba là điều rất phổ biến trong các cộng đoàn của chúng ta. Những căn bệnh phê phán và xầm xì như thế làm thui chột khả năng sáng tạo, đưa đến một thái độ e ngại lẫn nhau, khiến nhiều anh em không muốn chia sẻ những ưu tư hay công việc cho nhau, hoặc phải dấu diếm công việc riêng của mình, hoặc sống theo kiểu ai sao ta vậy cho khoẻ... Như thế, thứ tự do sáng tạo đặc biệt của đoàn sủng Đa Minh bị biến chất trở thành thứ tự do phê phán nhau và, một cách trái nghịch, biến thành một sự ràng buộc nhau, không phải bằng những sợi xích sắt của lề luật hữu hình, mà là “sợi xích vàng” vô hình của dư luận. Như thế, chúng ta có thể hiểu được sự thiếu hòa giải trong các cộng đoàn bắt nguồn từ nguyên nhân của sự thiếu hụt trong đời sống chiêm niệm : “Thiếu sự hoà giải trong các cộng đoàn của chúng ta sẽ là nguyên nhân gây ra tai tiếng và gây tổn thương đến tính khả tín trong lời giảng của chúng ta, vốn phát xuất từ đời sống chiêm niệm” (Bogota 192) 2.2.2 Đối với Chúa : ham mê kiến thức Đoàn sủng của chúng ta là đảm nhận “sứ vụ Lời”. Trong khi Vativan I nói lời Chúa mặc khải cho ta những chân lý, tức nhìn mạc khải theo quan điểm khách thể, thì Vatican II lại đề cao nét chính yếu của Lời Chúa theo quan điểm chủ thể, theo đó, mạc khải là việc Thiên Chúa bày tỏ chính bản thân Ngài. Như thế, Lời Chúa trước tiên hết không phải là những ý tưởng như những sự vật, nhưng là lời ngỏ thân tình, tức là cuộc đối thoại giữa hai chủ thể. Mặc khác, trước đây, người ta chỉ thấy Chúa mạc khải chân lý qua lời nói, nhưng Vatican II cho chúng ta thấy Chúa mạc khải bản thân Chúa qua “Lời nói” và “Hành động”. Khi đọc Lời Chúa như lắng nghe Lời-ngỏ thân tình của Chúa, chúng ta sẽ nhận ra được Hành-động của Chúa trong lịch sử cuộc đời mình. Lời ngỏ thân tình và hành động cũng là hành động thân tình (để hiểu rõ điều này, cần nhận ra sự khác biệt giữa “hành động” và “việc làm”. Việc làm thì kết thúc trong sản phẩm, còn hành động thì bộc lộ bản thân của chủ thể hành động), nghĩa là nhằm nối kết, làm nên cuộc gặp gỡ thực sự giữa hai chủ thể. … Chính trong ý nghĩa ấy, chúng ta hiểu được việc thực thi Sứ Vụ Lời phải đặt nền và khởi đi từ chiêm niệm, nghĩa là trong một cuộc đối thoại thân tình, nghĩa là trước tiên phải nhận ra lời ngỏ của Chúa cho cá nhân ta, nhận ra hành động của Chúa cho lịch sử đời ta, nghĩa là nhận ra chính cuộc đời mình là nơi đang diễn ra một vận hành của lịch sử ơn cứu độ, hướng tới đức Giêsu Kitô, Cứu Chúa duy nhất của chúng ta : “Chủ thể chính yếu của đời sống chiêm niệm của chúng ta là Đức Giêsu Nagiaret, Ngôi Lời nhập thể, (Providence s. 211), với Ngài chúng ta phải có một mối liên hệ thâm sâu”. (Bogota 191). Từ nguồn mạch chiêm niệm ấy, ý nghĩa căn bản của sứ vụ giảng thuyết mới được thể hiện, đó là công bố Lời Ngỏ của Chúa cho người nghe và giúp họ nhận ra hành động của Chúa trên cuộc đời họ; đó là gieo mầm cho một cuộc gặp gỡ, là khai sáng cho một lịch sử ơn cứu độ được thành hình trên cuộc đời của mỗi người… Sứ Vụ Lời là như thế, nhưng truyền thống tranh luận thiếu chiều kích chiêm niệm sẽ dễ dàng biến lời giảng, hoặc trở thành lời giảng luân lý, nghĩa là chỉ nói lên một bài học luân lý mà người tín hữu phải nỗ lực thực hành một cách vô vọng; hoặc biến thành một bài học tín lý mà con người phải chấp nhận như một chân lý xa lạ, chân lý vô ngã; hoặc biến thành một bài học về kỹ thuật sống (giống như lối suy tư của Anthony de Mello). … Tất cả những điều đó đều là hệ quả của một sự thiếu sót phẩm chất chiêm niệm, một thứ chiêm niệm nhập thể. Có phải chăng chúng ta thường soạn bài giảng theo tiến trình : đọc Lời Chúa - mau chóng bỏ qua phần lắng nghe Lời ngỏ và nhận ra Hành động của Ngài với chính mình – rồi đi ngay đến “mục tiêu” phải tìm điều gì để giảng ??? Sâu xa hơn, chúng ta còn có thể nhận thấy có cả một “truyền thống tư duy lý sự” chi phối toàn bộ việc học và ý nghĩa đời sống Đa Minh. Chỉ cần sống trong Dòng vài ba năm, những anh em triết một, triết hai, đã bắt đầu khao khát tìm kiến thức nhiều hơn trân trọng những gì mang lại sức sống; đã bắt đầu cuộc chạy đua tìm tư tưởng cao sâu hơn là cảm nhận những ý nghĩa thân tình; đã bắt đầu thích nói lẽ khôn ngoan của con người nhiều hơn một sự chia sẻ kinh nghiệm tâm linh, đã bắt đầu đánh giá một bài giảng, một buổi dạy học dựa theo một thứ tiêu chuẩn của truyền thống tư duy lý sự…. Hình như chính lực hút của truyền thống ấy lấn át hết cả tâm trí đến nỗi không còn chỗ cho nỗi khao khát tâm linh thực sự nơi tâm hồn người Đa Minh ? Người Đa Minh bận tâm tìm kiếm kiến thức về Chúa hơn là khao khát gặp gỡ Chúa; bận tâm tìm lý thuyết về đời sống tâm linh hơn là thực hành đi vào đời sống tâm linh. Điều đó lại càng trầm trọng hơn khi người tu sĩ Đa Minh đảm nhận sứ vụ linh mục, bận tâm lo soạn bài giảng… Dĩ nhiên, chúng ta không chủ trương một thái độ “hãm tài”, hoặc “ngu dân”, nhưng có lẽ chúng ta rơi vào tình trạng không đủ cái “tâm siêu nhiên” để có thể cưu mang những lý lẽ thuần túy tự nhiên… 3. Vài đề nghị và gợi ý * Cần một cuộc duyệt xét lại cách đạo tạo đời sống tâm linh “Như thánh Đa Minh, chúng ta cũng phải cầu nguyện liên lỉ, trong khi nói với Chúa hoặc nói về Chúa, đồng thời chúng ta cũng phải học nghệ thuật sống trong sự hiện diện của Thiên Chúa” (Gogota 190) * Cần đầu tư để có được những nhân tố mới trong lãnh vực đời sống tâm linh “Câu hỏi nền tảng của đời sống chúng ta không phải là “điều gì làm thay đổi cuộc sống của chúng ta ?”, nhưng là “Ai làm thay đổi cuộc sống của chúng ta ?”(Bogota 194) * Cần suy nghĩ lại cách bố trí không gian và thời gian trong các tu viện. “Trong cuộc sống quá vất vả của chúng ta và trong một thế giới náo động, chúng ta tuyệt đối cần có sự thinh lặng và cầu nguyện. Chính cộng đoàn có trách nhiệm phải tạo nên một nơi chốn và một thời gian biểu phù hợp, trong khi ưu tiên việc chiêm niệm vốn là trung tâm của toàn bộ đời sống chúng ta.” (Bogota 190)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Top