Cộng đoàn đức Tin

 

1. Nguyên lý xác thịt và nguyên lý Nước Trời

            Chúa Giêsu rao giảng Nước Trời và Ngài thấy rằng nguyên lý của xác thịt không còn đủ sức để xây dựng một thế giới “tứ hải giai huynh đệ” nữa. Bởi đó Chúa Giêsu mời gọi các người theo Ngài phải vượt lên nguyên lý của xác thịt để tìm tới nguyên lý của đức tin :
“Bấy giờ ông Phê-rô lên tiếng thưa Người : "Thầy coi, phần chúng con, chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy. Vậy chúng con sẽ được gì ?" Đức Giê-su đáp : "Thầy bảo thật anh em : anh em là những người đã theo Thầy, thì đến thời tái sinh, khi Con Người ngự toà vinh hiển, anh em cũng sẽ được ngự trên mười hai toà mà xét xử mười hai chi tộc Ít-ra-en. Và phàm ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, cha mẹ, con cái hay ruộng đất, vì danh Thầy, thì sẽ được gấp bội và còn được sự sống vĩnh cửu làm gia nghiệp”.(Mt 19, 27-29)
            Nguyên lý đức tin, theo nguyên tắc, thì cao hơn, trọn vẹn hơn, hoàn hảo hơn nguyên lý tự nhiên. Nguyên ý đức tin là sức sống của nhiệm cục mới trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Chỉ có nguyên lý mới ấy, đưa chúng ta vào trong thuộc về nhau trong gia đình của Thiên Chúa và trong tình bằng hữu, tình thầy trò với đức Giêsu, mới có thể thông ban một tinh thần mới, là nguồn mạch nuôi dưỡng đời sống trong Giáo Hội cũng như đời sống cộng đoàn tu trì.
            Tuy nhiên, điều không thể chối cãi được là, trong thực tế, với nguyên lý đức Tin, có lẽ là một một đức Tin chưa được mạnh mẽ, chúng ta chẳng cưu mang được anh em trong cộng đoàn một cách thân tình như những người anh em ruột thịt; chúng ta chẳng hy sinh cho những người được trao ban cho mình trong sứ vụ với tất cả lòng tha thiết như chúng ta có đối với những người thuộc về mình trong mối giây liên hệ của nguyên lý máu huyết. Chính vì thế mà chúng ta dễ rơi vào thái độ tính toán cách đối xử với nhau “cho phải phép” hơn là “cho thật tình”, chúng ta dễ rơi vào thái độ làm “công tác” tông đồ hơn là thể hiện một sự thôi thúc trách nhiệm của những người thuộc về nhau; và cũng chính vì thế, đời sống huynh đệ cộng đoàn cũng như sứ vụ tông đồ của chúng ta cũng luôn có nguy cơ rơi vào chủ nghĩa anh hùng hoặc một sự tính toán để thi hành sứ vụ cách nửa mùa.
            Nói cách khác, nếu đời sống tu trì không thực sự được xây dựng trên một tâm thức “thuộc về nhau” trong đức Tin; và sứ vụ tông đồ của người tu sĩ nếu không thường xuyên được kín múc sức mạnh từ thực tại “thuộc về nhau” trong đức Tin, thì đời sống cộng đoàn và sứ vụ tông đồ ấy vẫn chỉ là một sự thể hiện của đòi hỏi luân lý chứ không bắt nguồn được trong thực tại cứu độ; và người tu sĩ sống bằng sức mạnh của nguyên lý luân lý thì nó vẫn cứ luôn là thái độ của một người nô lệ chứ chưa phải là thái độ tự do của con cái trong nhà.
            Với sự trệch hướng ấy, chúng ta sẽ đi vào những con đường cụt của nguyên lý hòa hợp tự nhiên hoặc nguyên lý máu huyết; rồi cứ mãi loay hoay, vá víu trong sự bế tắc mà không tìm thấy một niềm vui thênh thang của nẻo đường cứu độ. Sống trong cộng đoàn đức Tin, nhưng chúng ta vẫn tìm bạn, tìm đồng minh và nhận định về nhau theo nguyên lý tự nhiên.
            Tình yêu thương chân chính không phải là chủ nghĩa anh hùng mà cũng không phải là thái độ nửa mùa; tình yêu thương chân chính là được mời gọi, là dấn thân, là sống trong một thực tại lớn : chúng ta thuộc về nhau. Ơn cứu độ không đòi buộc chúng ta như một chủ nghĩa anh hùng, ơn cứu độ ban cho chúng ta sức sống mới khi chúng ta được thuộc về nhau trong Đức Giêsu Kitô.
            Như thế, chính trong lãnh vực đời sống tu trì, chúng ta gặp lại vấn đề đức tin và cũng phải “giải quyết” vấn đề đời sống tu trì trên lãnh vực của đời sống đức tin. Đức Tin ở đây dĩ nhiên không phải là một số chân lý lý thuyết nhưng chính là một nguyên lý sống, nguyên lý cứu độ, nguyên lý mang lại sức mạnh cho cuộc sống.
            Cộng đoàn sống ý nghĩa Cánh chung trong mầu nhiệm Nước Trời của Chúa, nghĩa là một cộng đoàn luôn mở rộng chân trời của ngày cánh chung để không ngừng sám hối, để không ngừng ướm thực tại cuộc sống vẫn luôn có những giới hạn, những sai sót, ướm vào mầu nhiệm vượt qua của Đức Kito.

 

2. Chiêm ngắm huyền nhiệm nơi anh chị em

            Nước Trời của Chúa không ở dây hay ở kia, một cách lù lù để người ta có thể dễ dàng nhìn thấy. Một thái độ tỉnh thức giúp người Kito hữu luôn có thể nhận ra những dấu chỉ của sự hiện diện Nước Trời.
            Trong đời sống cộng đoàn, nếu chúng ta biết ngừng thái độ so sánh, thái độ đoán xét, thái độ xầm xì… và mặc lấy thái độ chiêm ngắm nhiều hơn, thì ta sẽ có thể khám phá ra hành trình Nước Trời đang bắt đầu nơi anh chị em của mình.
            Con người là một huyền nhiệm mà ta phải chiêm ngắm chứ không phải là một vấn đề để giải quyết, đó là điều triết gia G. Marcel đã nói. Ý nghĩa ấy sẽ trở nên thật trọn vẹn nếu chúng ta biết chiêm ngắm hành trình đức tin của anh chị em như một huyền nhiệm của lịch sử ơn cứu độ.

 

3. Nước Trời trong cộng đoàn trần gian

            Nước Trời trên thiên quốc là một sự ăn khớp trọn vẹn của người này với người kia. Nhưng Nưóc Trời hiện nay ở trần gian chính là chấp nhận sự trục trặc trong tình yêu, biết tha thứ để bắt đầu lại.
            Trần gian chưa phải là thiên đàng, nhưng chính sự hiện diện của Giáo Hội trở nên như bi tích Nước Trời. Cũng thế, Nước Trời trong cộng đoàn chỉ có thể có được trong khả năng, nhờ Đức Tin, chấp nhận những giới hạn của nhau và cùng giúp nhau trên hành trình đi về quê trời.
Anh em là những người được Thiên Chúa tuyển lựa, hiến thánh và yêu thương. Vì thế, anh em hãy có lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hoà và nhẫn nại. Hãy chịu đựng và tha thứ cho nhau, nếu trong anh em người này có điều gì phải trách móc người kia. Chúa đã tha thứ cho anh em, thì anh em cũng vậy, anh em phải tha thứ cho nhau.  Trên hết mọi đức tính, anh em phải có lòng bác ái : đó là mối dây liên kết tuyệt hảo. Ước gì ơn bình an của Đức Ki-tô điều khiển tâm hồn anh em, vì trong một thân thể duy nhất, anh em đã được kêu gọi đến hưởng ơn bình an đó. Bởi vậy, anh em hãy hết dạ tri ân.” (Cl 3, 12-15)
            Sống ý nghĩa cánh chung cũng có nghĩa là sống niềm hy vọng, đúng hơn là lòng trông cậy vào sự chiến thắng của Nước Trời. Lòng trông cậy Kitô giáo là sự gắn bó với Chúa Giêsu đã chết và đã phục sinh. Thiếu lòng trông Cậy vào quyền năng cứu độ của Chúa, người ta sẽ dễ rơi lại trở về nguyên lý của xác thịt và lại làm cho cộng đoàn trở thành “bãi xử tử” những người tội phạm.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Top