Đáp trả của người Kitô hữu
1. Phẩm giá con người trước nhan Thiên Chúa
Các triết gia lớn nhất của Hy Lạp, như Platon và
Aristote, đã không phân biệt được phẩm
giá và tài năng. Một khi không phân biệt được phẩm giá và tài năng, người ta,
hoặc sẽ rơi vào thái độ khinh thường những người có ít tài năng trong cuộc đời;
hoặc là người ta muốn “cào bằng” tất cả, ăn đồng chia đều trong tất cả mọi công
việc, dù đó là những công việc thực sự không thích hợp. Các triết gia Hy Lạp
thấy rằng các người phụ nữ và người nô lệ có ít trí khôn, nên đương nhiên cũng
phải là những người thấp kém trong đô thị. Ngược lại một số trào lưu xã hội lại
muốn cào bằng bằng cách phân chia tất cả mọi người phải và được làm những công
việc như nhau.
Chính Tin Mừng của Chúa Giêsu mới thật sự là nguồn mạch
của phẩm giá con người, phẩm giá là-người cũng như phẩm giá làm-người. Chúa
Giêsu cho thấy phẩm giá là-người của những kẻ bé mọn và khẳng định nền tảng của
sự bình đẳng ấy được chuẩn nhận nơi chính Thiên Chúa :
"Anh em hãy coi chừng, chớ khinh một ai trong những kẻ bé
mọn này ; quả thật, Thầy nói cho anh em biết : các thiên thần của họ ở trên
trời không ngừng chiêm ngưỡng nhan Cha Thầy, Đấng ngự trên trời”. (Mt 18, 10)
Chúa Giêsu cũng khẳng định phẩm giá làm-người khi cho
biết điều quí trọng của đời sống con người không phải là một so sánh sự hơn
thua bên ngoài, nhưng là sự sẵn sàng cho đi ít nhiều những gì thuộc về chính
bản thân mình :
“Người liền nói :
"Thầy bảo thật anh em : bà goá nghèo này đã bỏ vào nhiều hơn ai hết. Quả
vậy, tất cả những người kia đều rút từ tiền dư bạc thừa của họ, mà bỏ vào dâng
cúng ; còn bà này, thì rút từ cái túng thiếu của mình, mà bỏ vào đó tất cả
những gì bà có để nuôi sống mình." (Lc 21,3-4)
Lập trường của Chúa Giêsu cho thấy Thiên Chúa tôn trọng
con người, tôn trọng cả trong địa vị là người cho đến phẩm chất làm người. Lòng
tôn trọng ấy là điều kiện căn bản để con người có thể sống trong thế giới yêu
thương đích thực. Một khi được Thiên Chúa tôn trọng, con người mới có thể phát
khởi một hành trinh mới, hành trình tự do và tình nghĩa, hành trình để đến với
Chúa trong tương quan tình nghĩa, hành trình dâng tặng chính bản thân của mình.
Hai khía cạnh đó gắn liền với nhau và là điều kiện cho nhau. Công Đồng Vatican
II, hiến chế Mục Vụ Vui Mừng và Hy Vọng nói rằng :
“Con người là tạo vật duy nhất ở trần gian được Thiên Chúa dựng
nên vì chính họ, chỉ có thể gặp lai chính bản thân mình nhờ thành thực hiến
dâng” (MV 24c).
Con người chỉ có thể đáp lại tình nghĩa với Chúa khi có
được một phẩm giá cao quí trước mặt Chúa, và rồi tự nguyện trao tặng chính bản
thân của mình.
2. Lời kêu mời ra khỏi bản thân
Sự vật
vật chất thì “lù lù” ra đó, nó là nó. Nó chẳng bao giờ ra khỏi bản thân, nên
cũng chẳng đổi ra khác được. Nó sống hay chết cho một mình nó. Sự sống thì có
một cơ chế đặc biệt hơn, sự sống có thể tự gạn lọc để thu nhận những gì thích
hợp, tiêu hóa những gì mình thu nhận để biến trở nên chính xương thịt của mình.
Sự sống cũng “tìm cách” ra khỏi bản thân mình để muốn sống “trường tồn” bằng sự
sinh sản. Thế nhưng sự sống của con vật, thì dù tiêu hóa cao lương mỹ vị gì,
thì vẫn chỉ là nó; và khi nó “ra khỏi bản thân” qua sự sinh sản, thì cũng chỉ
là một sự kéo dài thêm sự sống của nòi giống. Cá thể của sinh vật chỉ là phương
tiện cho giống nòi, và chính giống nòi của con vật thì cũng không có cứu cánh
tự thân.
Con
người cũng là một sự sống, nhưng sự sống của con người thì khác hẳn. Đó là một
sự sống có phẩm chất tinh thần, nó có thể ra khỏi bản thân mình để đạt đến một
sự hiệp thông sâu xa với ai khác, nó có khả năng “trường tồn” khi chuyển sự
sống của mình sang người khác. Sự chuyển thông này không phải chỉ là chuyển
thông sự sống sinh vật của giống nòi, mà là sự sống độc đáo với những mơ ước và
những giá trị cá nhân của mình. Con người như một cá thể độc đáo, mơ ước trường
tồn, khát vọng tuyệt đối, có khả năng ra khỏi bản thân mình, bằng ngõ ra của
tình yêu; để đến với ai khác, phó cả sự thành đạt đời mình cho ai khác.
Thật
ra, bản thân tự tại của con người thì rõ ràng là một sinh vật tương đối. Tất cả
thành công hay thất bại của tôi chỉ là cái hết sức tương đối. Tôi thành công
thì có người thành công hơn tôi; tôi đau thì cũng có người còn đau hơn tôi;
cuối cùng cuộc đời tôi đụng chạm vào cái chết, và mọi sự dính dáng đến tôi cũng
tỏ hiện tất cả tính tương đối căn bản của nó trong cái chết của tôi. Mặt
khác, trong thế giới sự vật, con người
chẳng là gì cả; đứng trước con cọp, một con người không hơn gì một con nai.
Nhưng
khi tôi yêu, tôi mong điều tốt cho người tôi yêu, tôi quan tâm đến người khác
hơn là về tôi, và tôi bắt đầu biết di chuyển trọng tâm đời tôi ra khỏi cái tôi
ích kỷ và giới hạn của tôi để đặt trọng tâm cuộc đời nơi người tôi yêu. Với một
trọng tâm khác thì ý nghĩa của thành công hay thất bại cũng khác. Cái thành
công của tôi có thể lại trở nên xấu, nếu nó mang lại điều không hay cho người
tôi yêu. Ngược lại cái đau của tôi lại có thể trở nên tốt khi nó được đánh giá
từ trọng tâm là điều tốt cho người tôi yêu. Với tình yêu thương, cuộc đời có
thể thay đổi hoặc đảo ngược ý nghĩa; vì trong tình yêu, cuộc đời, thay vì là
vun quén cho bản thân, lại trở thành như một hành vi cho đi; và cho đi trọn vẹn
nhất chỉ có thể là cho đi chính bản thân.
Nơi
đây, tính chất tuyệt đối của con người mới ló dạng. Phẩm giá tuyệt đối của con
người chỉ xuất hiện khi được đưa vào bình diện giá trị, nghĩa là trong sự đánh
giá của tự do con người trong bình diện nhân văn (và do đó nó cũng có thể bị
chối từ nếu như người ta không bước vào bình diện nhân văn của con người).
Những cái giới hạn tự tại của con người sẽ tan biến đi khi người ta biết trao
tặng và trao tặng bản thân cho nhau. Khi ta trao tặng bản thân mình cho người
khác, nghĩa là ta đã nhận ra giá trị tuyệt đối của người khác; và khi ta trao
tặng bản thân cho người khác thì cũng có nghĩa là ta đưa bản thân mình vào thế
giới tuyệt đối. Cũng vậy, khi một người lãnh nhận bản thân dâng tặng của người
khác như một tuyệt đối, không thể lấy điều gì khác thay thế được cho bản thân
của người khác, nghĩa là người đó biết nhận ra giá trị tuyệt đối của bản thân
ai đó, giá trị không có gì có thể đổi chác hay mua bán được. Nếu cả hai chiều
hướng đó đều thể hiện được một cách chân chính, nghĩa là không đánh giá sự vật
như con người hay hơn con người, nghĩa là không giản lược con người thành một
sự vật, nghĩa là tính tuyệt đối của một con người được đón nhận trong tự do
chân chính, thì thế giới của tuyệt đối đuợc khai mở…
Quả
thật, người ta không thể ra khỏi bản thân mình được nếu không có cánh cửa của
tình yêu thương; vì chính tình yêu mới có thể là động lực giúp con người trao
tặng bản thân, cũng như chính tình yêu mới có thể mở rộng tấm lòng để đón nhận
bản thân người khác như một tuyệt đối.
Con
đường hoàn thành vận mạng của đời người, cuối cùng, lại chính là gom góp trọn
cuộc đời mình để cho đi. Đó không là gì khác hơn con đường dấn thân; và đó là
phương cách duy nhất để ra khỏi cái tôi giới hạn, tương đối, bất tất, chóng
qua, để đi vào bình diện tuyệt đối. Chính tình yêu mới có thể là cánh cửa cho
con người ra khỏi chính mình, và chính tình yêu mới có thể giúp cho con người
hoàn thành vận mạng tương đối của mình. Tình yêu như thế là cánh cửa mở ra với
tuyệt đối.
3. Tìm hạnh phúc trong ý nghĩa dâng tặng bản thân
Trao tặng là một vận hành đặc biệt diễn tả được tình tự
yêu thương của cuộc sống con người. Có khi ta đi ăn tiệc tại nhà một người bạn
và gặp một món ăn không được ngon lắm. Nhưng khi đó, chủ nhà giới thiệu với ta
: đây là “cây nhà lá vườn”. Điều đơn giản ấy tức khắc làm cho món ăn không ngon
lành đó trở thành quí; vì như thế là ta được tham dự vào đời sống, được chia sẻ
hành trình sống của gia chủ. Cũng thế, một món quà mọn, được dâng tặng với cả
tấm lòng thành, sẻ trở nên quí giá; và người nhận được món quà ấy, nếu có đủ
tấm lòng như một con người chân chính, sẽ đón nhận được tính cách quí giá ấy
trong niềm vui.
Khác với trao đổi, bản chất của trao tặng không phải là
sự trao đổi hai sự vật, nhưng là trao tặng bản thân cho nhau. Trong sự trao
đổi, bao giờ cũng phải có sự phân biệt giữa “chủ thể trao đổi” và “vật trao
đổi”. Chủ thể trao đổi đứng bên ngoài vận hành trao đổi, họ chỉ dùng “vật trao
đổi” như “vật thí thân” để tìm phần lợi khác cho mình. Ngược lại, trong trao
tặng, chính chủ thể đưa vào vật trao đổi một phần nào đó của bản thân mình, sản
phẩm là sự bộc lộ chính tình nghĩa của người trao tặng. Trong trao tặng, “vật
trao tặng” và “chủ thể trao tặng” chẳng những không “lợi dụng”, không “thí bỏ”
nhau, nhưng liên hệ với nhau trong cùng một dòng ý nghĩa.
Thật
ra, trong mức độ sống của con người, giá trị của một sự vật không hoàn toàn lệ
thuộc vào giá trị tự thân của chính sự vật ấy, hoặc do tiêu chuẩn đánh giá của
xã hội thị trường, nhưng còn do ý nghĩa mà con người ban tặng cho nó. Đó là
cách thức sống siêu việt của con người; nơi đó, người ta trao đổi tình nghĩa
với nhau chứ không phải phân chia để hưởng thụ sản phẩm; nơi đó, chính tấm lòng
của con người được gởi vào các sản phẩm là điều quan trọng hơn và đôi khi có
thể làm cho các sản phẩm ấy trở nên tuyệt đối. Nguyên lý nền tảng của trao tặng
không phải là sự công bằng, nhưng là tình nghĩa.
Quả thật, mọi sản phẩm của con người, dù có được nắn nót
đến đâu cũng không bao giờ có thể trở thành tuyệt đối, cho đến khi chúng trở
thành một món quà để con người trao tặng cho nhau. Nếu không được trao tặng và
lãnh nhận, những sản phẩm ấy, vẫn là những “vật liệu thô”, không đầy đủ ý
nghĩa, không có giá trị tự thân. Ngược lại, một sản phẩm của con người, dù tầm
thường đến đâu, khi được trao tặng với
tấm lòng, nó hoàn thành ý nghĩa của nó, tức là trở nên nhịp cầu để con người đến
với nhau; và nó chỉ trở nên quí giá thật sự khi người ta gặp được tấm lòng của
nhau trong sản phẩm ấy.
Đúng hơn, con người ta chỉ sử dụng sự vật như phương tiện
để diễn tả bản thân, chứ không được giản lược bản thân con người vào trong sự
vật. Qui luật sống của con người là biết sử dụng vật chất như nhịp cầu để nối
kết bản thân của mỗi người với bản thân của người khác. Khi ta thành tâm dâng
tặng một món quà, món quà đó kkông còn là nó nữa, nhưng đã biến nên một giá trị
nhân văn, đó là dâng tặng một phần bản thân của mình cho người khác.
Thật ra, bản chất của trao tặng luôn ít nhiều hướng tới
sự trao tặng bản thân của mình cho người khác. Khi việc dâng tặng đạt đến mức
độ trao tặng bản thân cho nhau, tức là khi ấy tặng phẩm là chính bản thân của
người trao tặng, thì bản thân mỗi người sẽ là món quà vô giá mà con người có
thể trao tặng cho nhau. Trao tặng bản thân là đỉnh cao của nghĩa tình.
Ngày tết, một người khách sang trọng có thể lì xì cho cô
bé 500.000 đồng; trong khi đó, mẹ của bé chỉ lì xì cho con có 10.000 đồng.
Nhưng cô bé đừng tưởng rằng có thể đi theo người khách sang trọng đó để được
sống sung sướng hơn. 500.000 đồng của người khách là một món tiền lớn, nhưng là
một món tiền “dư”và thường là món tiền không thể hơn được nữa. Trong khi đó, 10.000 đồng của mẹ
lại chính là bản thân của mẹ. Mẹ trao tặng cho con lúc này là 10.000 đồng, lúc
khác là cái bánh…trong chiều hướng tiệm tịến của một sự dâng tặng chính bản
thân của mẹ cho con. 10.000 đồng của mẹ, đó là một món quà biểu hiện tấm lòng
và biểu hiện một sự dâng tặng chính bản
thân, đó là món quà quí giá mà một người có tấm lòng không được quyền coi
thường, không thể đánh giá theo qui luật thị trường.
Chắc hẳn rằng Bill Gate là người trao tặng nhiều hơn tất
cả mọi người trên thế giới, khi ông tặng phần lớn tài sản của ông cho việc chữa
bệnh ở Châu Phi và Châu Á. Đó là một nghĩa cử đáng quí; nghĩa cử của tấm lòng.
Nhưng cũng phải nói thật rằng, ông vẫn còn giữ lại cho cuộc sống của mình số
tiền đủ để sống trọn một cuộc đời trong sung sướng. Trong khi đó, đối với một
đứa con, cha mẹ là trên hết, không phải vì cha mẹ đã trao tặng nhiều hơn Bill
Gate, nhưng vì cha mẹ là người cho
hết,trao tặng trọn vẹn, trao tặng chính bản thân mình. Một bà mẹ nghèo, gia sản
chẳng có là bao, nhưng lại dám dùng tất cả để lo cho đứa con của bà được ăn học, được chữa bệnh, được vui
chơi… Bà mẹ nghèo ấy không chỉ cho đi phần dư thừa, nhưng là cho đi chính bản
thân mình. Do đó, đối với đứa con, không phải Bill Gate hay những nhà từ
thiện lớn của thế giới, mà chính bà mẹ,
bà mẹ tần tảo sáng hôm và bà mẹ hy sinh cả một đời…mới là hình tượng cao đẹp nhất.
Chính trong ý nghĩa ấy, chúng ta hiểu rằng vỉệc đáp trả
tình thương của Thiên Chúa chỉ có thể bộc lộ đúng nghĩa nhất trong hành vi trao
tặng bản thân.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét
Click to see the code!
To insert emoticon you must added at least one space before the code.