Vài Bài học
từ lịch sử việc Loan Báo Tin Mừng
Trong lịch sử việc loan báo Tin Mừng của Giáo Hội, không
có thời gian nào đẹp và mang dáng dấp một cuộc loan báo Tin Mừng chân chính cho
bằng ba trăm năm đầu của Lịch sử Giáo Hội. Trong thời gian này, lựa chọn niềm
Tin là một thách đố liên can đến chính mạng sống và chứng tá của các Kitô hữu
bị bách hại lại chính là hạt giống làm trở sinh đức Tin Kitô giáo; trong thời
gian này, sức mạnh chính yếu của việc loan báo Tin Mừng hoàn toàn dựa vào ơn
Chúa và vào chính những giá trị chân chính của Tin Mừng, chứ không phải dựa vào
một thế lực chính trị hoặc văn hoá của một lục địa nào; trong thời gian này,
toàn thể Giáo hội, với tất cả mọi thành phần, đều đi vào một cuộc loan báo Tin
Mừng chứ không phải dồn nỗ lực vào việc “củng cố nội bộ”;…. Chúng ta có thể rút
ra một vài bài học từ kinh nghiệm Loan báo Tin Mừng độc nhất vô nhị này của
Giáo hội sơ khai.
1. Chứng tá của các vị tử đạo
Những Kitô hữu đầu tiên đã sống Tin Mừng như một lựa chọn
liên hệ đến tất cả cuộc sống, liên hệ đến mạng sống và đối diện với cái chết.
Quả thật, chính khi phải đối diện với những đợt bách hại của đế quốc Rô-ma, Tin
Mừng của Chúa Giêsu thể hiện, không phải chỉ là một sinh hoạt song song, bên lề
cuộc sống, nhưng chính là căn tính của toàn bộ đời sống. Đức tin ấy được đặt
trong bình diện sống-chết, và lựa chọn đức tin chính là lựa chọn một ý nghĩa
chính yếu của của toàn bộ cuộc sống, có khả năng đối diện và vượt qua được cả
cái chết.
Do đó, “tử đạo” trở thành sức sống căn bản của đời sống
Giáo hội và cũng là chứng tá hiển nhiên nhất của đời sống đức tin Kitô giáo.
Chứng tá tử đạo đã chinh phục được nhiều tâm hồn cho đức Giêsu. Origène đã xin
lãnh bí tích Rửa tội khi chứng kiến thân phụ chịu tử đạo; còn Tertuliano thì
nói rằng : “Các vị càng tiêu diệt chúng tôi, chúng tôi càng gia tăng” .
. . vì “máu tử đạo là hạt giống trổ sinh Kitô hữu”[1].
Thánh Justino, trong tác phẩm Apologie, đã kể lại tâm trạng của mình như sau :
“Khi tôi còn là môn đệ của Platon, tôi tin vào những cáo buộc chống lại
người Kitô hữu; nhưng khi nhìn thấy các người Kitô hữu cam đảm trước cái chết
là điều mọi người sợ, tôi tự nhủ rằng họ không thể làm điều xấu và sống trong
đam mê khoái lạc được”[2].
Quả thật, tự căn bản, đức tin không phải là một sinh hoạt
bên lề của đời sống. Khi người ta muốn tìm một cuộc sống dễ dãi, khi đức tin
một chỉ là cách thế sống khác chứ không phải cách thức căn bản, khi người ta
tìm cách thể hiện đức tin của mình một cách “luồn lách”, tính toán sao cho đòi
hỏi của đức tin càng ít có những hệ luỵ tới đời sống hàng ngày càng tốt, thì
khi ấy đức tin ấy cũng chẳng còn có giá trị chứng tá. Đức tin trở thành nhạt
nhẽo và vô bổ, trở thành dư thừa và vướng víu. Chính điều ấy làm mất căn tính
của đời sống đức tin và cũng làm mất đi động lực Loan báo Tin Mừng.
Đức tin là một lựa chọn căn căn bản của tất cả đời sống
Kitô hữu. Những phương cách diễn tả đức Tin, sống đức Tin trong đời sống thường
ngày, phải được đặt ra với người Kitô hữu như một đòi hỏi thiết yếu. Thái độ dễ
dãi đối với đời sống đức Tin, bước đầu, có lẽ có thể làm tăng số lượng người
Kitô hữu, nhưng lại chính là nguyên nhân của một sự trì trệ và làm biến chất
đời sống đức Tin của cả một tập thể.
Nói như thế không có nghĩa là chủ trương một đời sống
luân lý nghiêm nhặt, với những đòi hỏi mà ít người có thể sống nổi, nhưng là
làm sáng lên ý nghĩa “đối chất” của đời sống đức tin đối với nhưng gì thuộc về
”thế gian”, làm sáng lên những giá trị nhân bản Tin Mừng, nhất là của Bài Giảng
Trên Núi, như một hạt men có khả năng biến đổi cuộc sống nhân loại, là thẳng
thắn về vận mạng của người sống giá trị Tin Mừng luôn giống như “chiên con đi
vào giữa bầy sói” {Lc 10,3}. Người Kitô hữu, dầu không luôn là những mẫu gương
đạo đức và Kitô giáo cũng chẳng phải là một chủ trương duy đức, nhưng luôn luôn
vẫn hiệp thông với cộng đoàn các phúc nhân trong nỗ lực làm men làm muối cho
đời. Đó là trách nhiệm không thể thoái thác của mọi Kitô hữu sống niềm tin chân
chính của mình.
2. Những giá trị nhân bản của Tin Mừng
Trong thời kỳ Giáo hội sơ khai, tính cách “chất vấn” của
đời sống đức Tin Kitô giáo đối với thế giới dân ngoại không phải chỉ là một sự
khác biệt về đạo lý nhưng còn là một sự “khác biệt” về những giá trị nhân bản,
do một thứ nhân bản Tin Mừng. Nói cách khác, Tin Mừng bao hàm một số giá trị
nhân bản và những giá trị ấy không chỉ tách biệt mà còn có chức năng làm cho
cuộc sống nhân bản được trọn vẹn hơn. Đời sống đức tin không phải là một thế
giới chạy song song, diễn ra bên ngoài cuộc sống xã hội trần thế, nhưng chính
là men, là hạt có khả năng biến đổi lịch sử nhân loại và đưa lịch sử nhân loại
về chung cuộc hoàn tất. Đời sống đức tin không nhằm cứu vớt một số người tín
hữu ra khỏi dòng lịch sử, rồi để mặc lịch sử nhân loại trôi vào cõi tiêu diệt.
Tính chất sứ vụ ấy, tuy chưa được hiểu rõ trong thời kỳ Giáo hội sơ khai, vì
người Kitô hữu vẫn mang tâm trạng chờ ngày Chúa đến để được giải thoát khỏi thế
lực ma quỉ; tuy vậy, một đời sống đức tin chân chính, tự nó không thể không
“chất vấn” và gieo mầm hy vọng cho một cuộc sống nhân sinh tốt đẹp hơn.
Hơn nữa, mặc dầu các Kitô hữu sơ khai bị hiểu lầm và bị
vu cáo trong nhiều vấn đề như chuyện ăn thịt trẻ con, loạn luân, truỵ lạc, thờ
con chiên hoặc thờ một người có đầu người mình lừa[3]
. . . đời sống Kitô hữu nói chung, như một lựa chọn liên quan đến sự sống và
cái chết, vẫn thể hiện được một sức mạnh nội tại của một đức tin chân chính,
vẫn trở thành một dấu chứng đẹp trong khía cạnh giá trị nhân bản có khả năng
chất vấn đối với những thói tục, những giá trị nhân sinh của tâm thức xã hội
thời đó. Quả thật, thời ấy, hầu hết các tân tòng xin nhập đạo vì chứng kiến
gương bác ái, tình huynh đệ cộng đoàn, hoặc sự can đảm của các anh hùng tử đạo[4].
Các chỉ thị về phẩm hạnh của các chức bậc trong Giáo hội cũng như những lời
khuyên nhủ lẫn nhau về đời sống bác ái yêu thương cho thấy một sự quan tâm đặc
biệt đến tính cách luân lý trong cuộc sống hằng ngày[5].
Thánh Justino nhắc nhở : “ai sung túc hãy giúp các anh em thiếu thốn. .. .
ai dư dậy hay vui lòng cho đi một phần. Những gì thu được đều đem về trao cho
giám mục, chính ngài sẽ phân phát cho những người mồ côi, goá bụa, cho những ai
túng thiếu bởi bệnh tật, tù đày…”[6].
Hoặc Tertuliano nhắc nhở về nội qui tương trợ trong cộng đoàn Kitô hữu như sau
: “Đó là ngân quĩ do lòng đạo đức. Người ta không dùng vào việc tiệc tùng,
nhậu nhẹt, . Những để trợ cấp và chôn táng các người nghèo khổ, cấp dưỡng các
trẻ em trai cũng như gái thiếu thốn và mồ côi, giúp đỡ những đầy tớ già nua,
những người bị đắm tầu và những chiến sĩ đức tin đang sồng trong hầm mỏ, hoang
đảo và lao tù”[7].
Những điều đó không khỏi làm cho những người ngoại suy nghĩ và người ta nhận
định rằng : “Họ có một vài dấu hiệu để biết nhau, và có thể nói : họ yêu
nhau trước khi biết nhau”[8].
Daniel – Rops sau khi kể ra một loạt các lý do khiến người ngoài tin vào Tin
Mừng đã đặc biệt nhắc tới giá trị chứng tá của một đời sống nhiệt tâm, phẩm
hạnh và sự thánh thiện của thời kỳ Giáo hội sơ khai : “. . . chính bởi vì
các Kitô hữu đã dám khẳng định niềm tin của mình trong mọi hoàn cảnh, bởi vì
đời sống của các Kitô hữu, nói chung, thể hiện một cách tuyệt vời đức ái và sự
công chính, bởi vì cái chết anh hùnh của họ thật đáng khâm phục và cộng đồng
các Kitô tôi hữu lôi cuốn các tâm hồn”[9].
Chúng ta còn được nghe mô tả nhiều nét nổi bật trong đời
sống người Kitô hữu : tiếp rước lữ khách một các nồng hậu; tận tuỵ chăm sóc
bệnh nhân, nhất là trong thời ôn dịch; không quản ngại nắng mưa, dơ bẩn; hăng
hái lo chôn táng kẻ chết; …. Đặc biệt
chúng ta phải kể đến thái độ tôn trọng tất cả mọi người, nhất là những người bé
mọn. Thái độ Tin mừng thể hiện trong việc tôn trọng mạng sống của tất cả mọi
người chính là mầm mống của giá trị “phẩm giá con người” trong dòng lịch sử; đó
là một giá trị mà các triết gia ngoại giáo cũng chưa đạt tới được. Trong thế
giới ngoại giáo, các cuộc chiến tranh, cũng như nếp sinh hoạt của các cuộc giải
trí của đế quốc, trong đó người ta dễ dàng hy sinh con người và dùng mạng sống
con người để mua vui trong những cuộc đấu ở hí trường, những điều đó cho thấy
mạng sống con người, nhất là những người bé mọn, những người nô lệ, chỉ là bọt
bèo trước thế lực chính trị, quân sự, cũng như trước nhu cầu giải trí của người
quí tộc. Cũng thế, đời sống gia đạo của người Kitô hữu là một chứng tá nổi bật,
việc tôn trọng đời sống gia đình của người Kitô hữu khác xa đời sống hoang dâm
và coi rẻ phụ nữ của thế giới ngoại giáo. . .
Quả thật, ngoài chứng tá tử đạo, những khía cạnh nhân bản
của tín lý Kitô giáo khi ấy bộc lộ như một lời chứng hết sức thuyết phục đối
với những người thành tâm thiện chí.
3. Một Giáo hội ít tính chất danh giá
Mặc dù, ngay từ ban đầu, Nếp sinh hoạt của Giáo Hội sơ
khai đã có những cơ cấu căn bản của các tác vụ trong cộng đoàn, tuy vậy cha
Congar ghi nhận rằng Tân Ước “không nhấn mạnh tới sự phân biệt giữa giáo dân
và linh mục trong Giáo Hội, nhưng nhấn mạnh tới sự phân biệt giữa Dân Chúa và
những người không phải là dân Chúa”[10];
điều đó cho thấy “hướng nhìn” của Giáo hội sơ khai không phải hướng nội, nhưng
là hướng ngoại. Đó là thái độ luôn ý thức hồng ân làm Con Chúa và nỗ lực loan
báo Tin Mừng cho người ngoài chứ không phải là một sự nhạy bén quá đáng về
chiều kích danh giá trong nội bộ tổ chức Giáo hội. Chính khi Kitô giáo đã lan
rộng hầu như khắp nơi trong Đế quốc, khi nhìn xung quanh người ta chỉ thấy toàn
là những người Kitô hữu mà thôi, thì khi ấy, người Kitô hữu lại không còn ý
thức sự khác biệt căn bản của một Kitô hữu đã lãnh nhận bí tích Rửa tội với
những người ngoại chưa lãnh nhận bí tích Rửa Tôi. Rồi người ta bắt đầu nghĩ đến
chuyện phân biệt trong nội bộ của những người Kitô hữu. Bí tích Rửa tội không còn
là hồng ân căn bản nhưng chính là “thứ bậc” chức tước hay bí tích Truyền Chức
Thánh mới trở thành yếu tố xác định một con người; và đó là yếu tố gắn liền với
giá trị danh giá trong sinh hoạt Giáo hội.
Nói cách khác, chúng ta có thể làm một bài toán để nhận
ra tinh thần truyền giáo của người Kitô hữu : Giáo hội càng chú ý đến chiều
kích danh giá, tổ chức Giáo hội càng qui chiếu vào sinh hoạt nội bộ, tâm thức
người Kitô hữu càng coi là quan trọng các chức tước, phẩm trật trong Giáo hội
như là một yếu tố của sự danh giá thì ý thức loan báo Tin Mừng cho lương dân
càng giảm sút. Hai yếu tố này liên hệ mật thiết với nhau như “ngoại trương” với
“nội hàm”, và thể hiện như hai chiều hướng đối nghịch nhau. Một Giáo hội quá
quan tâm đến nội bộ sẽ nẩy sinh những bậc thang danh giá và có nhiều người tìm
cách thăng tiến trong bậc thang danh giá ấy hơn là việc dấn thân âm thầm trong
việc rao giảng Tin Mừng. Ngược lại chính việc chính việc Loan báo Tin Mừng sẽ
giúp cho tâm thức chung chung của người Kitô hữu gội sạch được những lề thói
quan liêu, những nghi lễ rườm rà năng tính chất lễ nghĩa và danh giá.
Như thế, chúng ta dễ hiểu tại sao những giáo phận và giáo
xứ toàn tòng, truyền thống, nề nếp lại có thái độ đóng kín đối với thế giới
xung quanh; và chúng ta cũng dễ hiểu tại sao trong các giáo xứ toàn tòng như
thế lại nẩy sinh rất nhiều tệ nạn, phong tục, lề thói phi nhân hoặc hết sức
chướng mắt đối với một người bên ngoài. Không phải là hoàn toàn phi lý khi mà
triết gia F. Nietzsche đã phải van nài các bạn hãy tìm lại lương tâm trong sáng
của một kẻ vô đạo.
Chính khi phải đối diện với người ngoại giáo như những
con người thuần tuý là người, với những giá trị thuần tuý nhân bản mà Kitô giáo
luôn phải cố gắng khám phá những nét nhân bản trong giáo huấn của Đức Giêsu để
đối thoại và trao ban. Việc đối diện này chẳng những là một phương thế để Tin
Mừng đức Giêsu được rao giảng, nhưng còn có tác dụng gạn đục khơi trong đối với
chính nội bộ của Giáo Hội. Việc loan báo Tin Mừng như thế sẽ là cơ hội để Thánh
Thần dẫn dắt Giáo Hội đến chân lý toàn vẹn của Tin Mừng. Quả thật trong khi nỗ
lực Loan báo Tin mừng, Giáo hội mới nỗ lực tìm thấy nhưng giá trị nhân bản đẹp
đẽ của mình; và đó là một lực canh tân mạnh mẽ. Lịch sử cho chúng ta thấy rằng,
nếu không có Phaolô và những những lực loan báo Tin Mừng cho dân ngoại, có lẽ
cho đến hiện nay mọi Kitô hữu vẫn phải cắt bì và giữ luật Mô-sê. Đó là bài học
lớn của lịch sử Giáo Hội. Kitô giáo đã tách ra khỏi Do Thái giáo và tìm thấy
dáng vẻ khuôn mặt của mình nhờ các nỗ lực loan báo Tin Mừng cho dân ngoại.
Những lớp bụi của nề nềp lâu đời, những lề thói kỳ quặc do từ những suy diễn
quanh quẩn trong lòng giáo xứ thuần Kitô giáo chỉ có thể bị chất vấn khi đối
diện với cảm thức nhân bản của đời người, khi đối diện với những giá trị nhân
văn của thời đại.
Kết
Cuộc sống con người, tự nó, đã là một ơn gọi và một sứ
vụ, nghĩa là đời sống ấy chỉ có thể trọn vẹn và đầy tràn ý nghĩa khi nó đáp lại
một lời kêu gọi luôn luôn vươn lên và cống hiến trọn vẹn như một trách nhiệm
không thể thoái thác. Đời sống con người mà chỉ tự đóng khung trong chính mình,
tự tô vẽ và hoàn thiện mình sẽ chẳng bao giờ tìm được ý nghĩa trọn vẹn; cũng
thế, cuộc sống con người mà không tìm thấy điều gì như đối tượng để cống hiến
trọn vẹn bản thân mình thì cuộc sống ấy sẽ sa đà và biến chất. Ý nghĩa ơn gọi
và sứ vụ ấy không phải là chuyện tuỳ phụ nhưng là nét căn bản của mọi đời sống
con người. Lối sống thiếu lý tưởng là căn nguyên của mọi thứ “bệnh tật”, đánh
mất sinh lực sống và chỉ còn là một đời sống èo uột, sống như đã chết.
Cuộc đời kitô hữu không phải là điều gì thêm vào nhưng
chính là một cách thể hiện trọn vẹn ơn gọi và sứ vụ làm người. Do đó, khi người
ta đánh mất tính cách ơn gọi và sứ vụ, đời sống Kitô hữu sẽ trở nên dư thừa,
biến chất và thoái hoá. Người kitô hữu nửa mùa cho dù có làm gì đi nữa, thì vẫn
chỉ là một chút hoa lá cành và nó sẽ héo khô vì không bắt được nguồn nhựa sống
căn bản.
Ý nghĩa ơn gọi và sứ vụ ấy, trong thời này hiện nay, cần
được thể hiện rõ nét trên mảnh đất những giá trị nhân bản. Chúng ta có thể thấy
khá rõ “chiều hướng” của công tác mục vụ trong Giáo hội Việt Nam hiện nay vẫn
là lôi kéo người giáo dân vào sinh hoạt đạo đức hơn là trang bị cho người giáo
dân một tinh thần Tin Mừng để đi vào cuộc sống xã hội. Trong tổ chức của các
giáo xứ, vẫn có nhiều hội đoàn đạo đức hơn là các tổ chức Công giáo Tiến hành
với chiều hướng mang tinh thần Tin Mừng để cải tạo xã hội. Các vị mục tử ít quan tâm và ít hiểu biết về những khúc mắc
khó khăn của đời sống trần thế, nên thường loay hoay trong việc bắt bẻ, làm khó
dễ người tín hữu trong những lề thói sinh hoạt đạo đức mà thôi, đó là tình
trạng quát nạt những con trâu già trong một thế giới mà người ta đã cày cấy
bằng máy. Trong tâm thức của Giáo hội, người Kitô hữu tốt vẫn là những người
thường xuyên đến nhà thờ và cộng tác với giáo xứ trong trong việc nhà thờ, chứ
không phải là những người sống Tin Mừng trong chính môi trường làng xóm và chức
nghiệp của mình. . . . Chính vì thế mà người giáo dân không tìm thấy ý nghĩa ơn
gọi và sứ vụ của mình[11]. Người giáo dân thành tâm chỉ còn biết chờ
ngày về hưu, chờ lúc yên ổn mọi bề trong gia thất của mình để có thể bắt đầu
tích cực hơn trong việc tham gia vào đời sống Giáo hội.
Sau cùng chúng ta có thể thấy tình trạng Giáo hội Việt
Nam hiện nay vẫn là một Giáo hội “hướng nội”, thể hiện trong việc càng ngày
càng gia tăng chiều kích danh giá; càng ngày quan tâm đến khía cạnh tổ chức nề
nếp và trật tự; càng ngày càng thể hiện mình như một khối vững chắc chứ không
phải như một thứ men được vùi trong bột và như hạt được gieo vào lòng đất.
Những khía cạnh ấy liên hệ sâu xa với nhau và làm cho
nguồn sinh lực Loan báo Tin Mừng bị cạn kiệt. Sẽ không có một bài học nào thiết
thực và mạnh mẽ cho việc loan báo Tin Mừng hơn là chính thái độ dấn thân một
cách thênh thang và đơn giản; thực sự ra đi, gặp gỡ, trao đổi với thế giới của
những con người như là con người. Chính sự buông mình theo sự dẫn dắt của Thần
Khí Chúa trên nẻo đường Loan báo Tin Mừng sẽ mở ra những con đường canh tân
trong nội bộ Giáo Hội, có khả năng thay đổi những nếp nghĩ đã hằn sâu trong tâm
thức người Kitô hữu Việt Nam.
Nguyễn Trọng Viễn O.P.
[1] Xc. Đào Trung Hiệu, Cuộc Lữ Hành Đức Tin,Uỷ Ban Đoàn
Kết Công giáo Yêu Nước Việt Nam, t/p Hồ Chí Minh, 1990, tập I, trang 22- 23.
[2] Justin, Apologie {II, 12}; Xc. Daniel –Rops, L’Église
des Apôtres et des Martyrs, Paris, Librairie Arthème Fayard. 1951. p. 223.
[3] Xc. Paul Christophe, giữa Lòng Nhân Loại, Tập I,
Droguet & Ardant, 2001, Bản dịch của Phạm Sĩ Lâm, tr. 44; Xc. Daniel –Rops,
L’Église des Apôtres et des Martyrs, Paris, Librairie Arthème Fayard. 1951. pp.
195-196.
[4] Xc. Đào Trung Hiệu, Cuộc Lữ Hành Đức Tin, Uỷ Ban Đoàn
Kết Công giáo Yêu Nước Việt Nam, t/p Hồ Chí Minh, 1990, tập I, trang 21.
[5] Xc. Tt 1, 7-9; 1 Tm 3,5;
[6] Thánh Giutinô, Apol LXVII; trích lại trong Bùi Đức
Sinh, O.P Lịch Sử Giáo Hội Công Giáo, in lần thứ hai, Chân lý Xuất bản, Sài Gòn
1975, phần I, trang 63.
[7] Tertulianus : Apol, XXXIX,5, trích lại trong Bùi Đức
Sinh, như trên, trang 63-64.
[8] Minucius Felix : Octavius VIII, trích lại trong Bùi
Đức Sinh, như trên, trang 62.
[9] Daniel-Rops, L’Église des Apôtres et des Martyrs,
Paris, Librairie Arthème Fayard. 1951. p. 240.
[10] Xc. Y. Congar, Les Laic et Mission de L’Église, trích
lại trong Dictionaire de la Vie Spirituelle, Ed. Cerf, 1987, p.612.
[11] Xin đọc lại một
vài bản văn Công Đồng :
“Tính
cách trần thế là tính cách riêng biệt và đặc thù của giáo dân. Thực vậy, các
phần tử trong hàng giáo sĩ đôi khi có thể lo những việc trần thế, hoặc hơn nữa,
hành nghề giữa đời, nhưng vì ơn kêu gọi đặc biệt, sứ mệnh chính yếu và rõ rệt
của họ vẫn là tác vụ thánh. Phần các tu sĩ, do bậc sống của họ, làm chứng cách
hùng hồn và cao quí rằng người ta không thể cải tạo thế giới và cung hiến nó
cho Thiên Chúa được, nếu không có tinh thần các mối phúc thật. Vì ơn gọi riêng,
giáo dân có bổn phận tìm kiếm nước Thiên Chúa bằng cách làm các việc trần thế,
xếp đặt chúng theo ý Thiên Chúa. Họ sống giữa trần gian, nghĩa là giữa tất cả
cũng như từng công việc và bổn phận trần thế, giữa những cảnh sống thường ngày
trong gia đình và ngoài xã hội; tất cả những điều đó như dệt thành cuộc sống
của họ. Đó là nơi Thiên Chúa gọi họ, để dưới sự hướng dẫn của tinh thần Phúc
Âm, như men từ bên trong, họ thánh hóa thế giới bằng việc thi hành những nhiệm
vụ của mình; và như thế, với lòng tin cậy mến sáng ngời, và nhất là với bằng
chứng đời sống, họ tỏ lộ Chúa Kitô cho kẻ khác, vì thế, họ có nhiệm vụ đặc biệt
soi sáng và xếp đặt những thực tại trần gian có liên hệ mật thiết với họ, để
chúng không ngừng phát triển và bành trướng theo thánh ý Chúa Kitô, hầu ca tụng
Đấng Tạo Hóa và Đấng Cứu Độ”{Vatican II, GH 31 b.}
“Người giáo dân chu toàn sứ mệnh này
của Gíao Hội nơi trần gian : trước tiên bằng đời sống hòa hợp với đức Tin, để
nhờ đó họ trở thành ánh sáng thế gian; bằng đời sống lương thiện trong bất cứ
công ăn việc làm nào để làm cho mọi người yêu mến sự thật, sự thiện và cuối
cùng đưa họ tới Chúa Kitô và Gíao Hội; bằng đời sống bác ái huynh đệ qua việc
họ thực sự chia sẻ với anh em trong hoàn cảnh sống, trong đau khổ cũng như
trong mọi ước vọng, và như thế họ âm thầm chuẩn bị cho ơn cứu rỗi hoạt động
trong tâm hồn mọi người; bằng cuộc sống ý thức đầy đủ về vai trò của mình trong
việc xây dựng xã hội, họ cố gắng chu toàn hoạt động nơi gia đình, ngoài xã hội,
trong nghề nghiệp với lòng quảng đại của Kitô giáo; như thế phương thức hành
động của họ dần dần thấm nhập vào môi trường sống và cả môi trường làm
việc”{Vatican II, TĐGD số 1}.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét
Click to see the code!
To insert emoticon you must added at least one space before the code.