Nhu cầu được “thuộc về”…


   Theo tôi, có hai điều quan trọng đối với đời sống đức tin của người trẻ hiện nay : được sống liên đới cụ thể trong lòng Giáo Hội và khẳng định bản thân bằng một lý tưởng sống cao cả[1]. Ở đây tôi chỉ xin chia sẻ về điều thứ nhất, tức là một nền tảng tạo nên sự bình an Kitô giáo mà tôi đề cập đến như là nhu cầu được “thuộc về”, thuộc về Chúa và thuộc về một cộng đoàn cách cụ thể.
   Tình yêu là nhu cầu căn bản của đời sống con người. Tuy nhiên, hình như con người thường không xứng tầm với tình yêu. Do vậy, là con người, ai cũng khát vọng được sống trong tình yêu, nhưng lại không có mấy người biết yêu thực sự, dám yêu thực sự, dám đi trọn con đường yêu thương của đời mình. Mặt khác, vì không xứng tầm với tình yêu, nên con người thường tìm nhiều cách né tránh để từ chối tình yêu chân chính, để biến tình yêu thành một thứ tình cảm nổi trôi theo thời cuộc, để chỉ biết “yêu” như một kẻ đòi hỏi người khác, yêu như một sự chiếm hữu hoặc hưởng thụ ích kỷ cho bản thân mình, hoặc yêu như một hợp đồng sòng phẳng …
   Kitô giáo khẳng định bản chất yêu thương của con người xuất phát từ nơi Chúa. Chúa là tình yêu và con người được sáng tạo nên giống hình ảnh Thiên Chúa để biết yêu thương. Khẳng định ấy bao hàm hai khía cạnh gắn liền với nhau : hiệp thông với Chúa và hiệp thông với anh chị em của mình. Hai khía cạnh ấy không chỉ là những phẩm chất “luân lý” nhưng trước tiên được thể hiện ở mức độ ”hữu thể”; bởi vì mến Chúa yêu người, hay đúng hơn là “yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 15,12), là điều người ta không thể thực hiện được bằng cố gắng luân lý, nhưng là điều người tín hữu được đón nhận như một thực trạng của một đời sống mới : được đồng thừa tự với Chúa Giêsu Kitô để được làm con Thiên Chúa; và do đó cũng đón nhận anh chị em của mình như là những người con một Cha trên Trời. Vì thế, Kitô giáo không phải là đạo luân lý mà là đạo cứu độ, thái độ căn bản của Kitô hữu không phải là nỗ lực hay quyết tâm mà là mở lòng ra để đón nhận, lời giảng Kitô giáo không phải là đòi hỏi “anh chị em phải…” nhưng là công bố những kỳ công Thiên Chúa đã và đang làm trong lịch sử ơn cứu độ… và như thế, tình yêu thương như nét căn bản của Kitô giáo không có xuất phát điểm nơi con người nhưng là từ Thiên Chúa; và tình yêu ấy không phải là điều kiện tiên quyết, mà là một hệ quả của thực trạng “được thuộc về”…

1. Giao ước của “móng nền”

   Khi người ta làm một căn nhà tạm thời, một căn nhà không có móng, thì điều quan trọng là phải nối kết kèo cột với nhau thật chắc. Nhưng khi người ta muốn dựng một căn nhà vững bền, thì điều quan trọng hơn là phải có nền móng vững chắc. Với căn nhà tạm thời, khi kèo cột bung ra, căn nhà sụp đổ. Nhưng với một căn nhà có móng, khi kèo cột rời ra, lung lay, lắc lư, nó vẫn có thể đứng được. Rồi người ta lại tìm cách nối kết kèo cột lại với nhau. Hình ảnh căn nhà như thế giống với những mối tương quan con người với nhau. Khi người ta “gá nghĩa” tạm thời, tình đồng nghiệp, tình nghĩa làng xóm… thì cần phải biết cư xử với nhau cho đẹp, phải biết điều, biết ngó trước nhìn sau, biết liệu cơm gắp mắm… bởi vì nếu “kèo cột” không ăn khớp với nhau, thì mọi sự sẽ đổ bể hết. Tuy  nhiên, trong đời sống gia đình, khi người ta chấp nhận bản thân của nhau, thì mặc dù những điều ăn khớp trên kèo cột vẫn luôn cần thiết, nhưng điều quan trọng nhất lại chính là một sự “thuộc về nhau”, thuộc trọn về nhau; đây là một sự liên kết trong móng nền.
   Nhiều khi, trong gia đình, anh chị em không hợp tính nhau, thường xuyên cãi vã… nhưng dù sao vẫn là anh chị em của nhau, vẫn thuộc về nhau từ trong dòng máu của mẹ cha, nên, nói gì thì nói, tức nhau làm sao đó, người ta vẫn phải dành ưu tiên những gì quí nhất cho những người thuộc về mình chứ không phải cho một người ngoài, dù họ rất hợp tính với mình.
   Như thế, chúng ta hiểu ra rằng bí quyết của tình yêu không phải là sự ăn khớp tính tình, không phải chỉ là yêu thích những nét đẹp của nhau, nhưng căn bản hơn, đó là sống trong một nền tảng “thuộc về nhau”. Bí quyết đó là một thực tế hết sức quen thuộc của đời thường, ta có thể dễ dàng kiểm chứng và mọi người có thể sống được. Chẳng hạn : chúng ta có thể vào nhà thương ung bứu để thấy bao nhiêu cảnh khổ của cuộc sống con người, nhưng chiều về chúng ta vẫn cảm thấy thư thái, ăn ngon và ngủ ngon; vì những người đau khổ ấy, một cách nào đó, chưa dính dáng đến ta bao nhiêu. Cũng thế, chúng ta có thể chia vui với một người bạn xây xong một ngôi nhà khang trang, hoặc có con mới thi đậu đại học, những niềm vui đó chẳng sống động và sâu xa bao nhiêu so với bao nhiêu chuyện đang quay quắt trong quỹ đạo sinh hoạt thường ngày của cuộc đời mình. Ngược lại, nếu người nằm trong nhà thương Việt Pháp bị mổ ruột dư là em của tôi, người thi đậu tiểu học là cháu của tôi,… thì chắc chắn nỗi lo lắng và niềm vui của tôi sẽ sâu xa và mạnh mẽ hơn nhiều. Cái ruột dư bị đau chẳng quan trọng bằng cái bứu ác tính đang đe dọa tính mạng, văn bằng tiểu học chẳng là gì so với tờ giấy báo trúng tuyển đại học; nhưng những điều ấy lại dính dáng đến tôi, chúng được sống động do nguyên lý “thuộc về nhau”. Cũng thế, người thân của chúng ta chắc chắn chẳng hay hơn, chẳng tốt hơn, chẳng dễ thương hơn tất cả mọi người, nhưng điều quan trọng hơn là : đó là những người thuộc về tôi. Một khi đã xây dựng được một sự thuộc về nhau, tức là một sự đón nhận bản thân của nhau, người ta có thể vượt qua được những mâu thuẫn, những xung đột, hoặc những chướng ngại của một tật xấu nào đó, để có thể đón nhận người thuộc về mình một cách quảng đại và vô điều kiện.
   Chúng ta có thể thấy rõ giao ước của bí tích Rửa Tội không phải là một thứ giao ước thuận mua vừa bán. Trong loại giao ước này, mỗi bên chỉ góp vào một phần sự vật nào đó của mình chứ không đóng góp chính bản thân mình. Ngược lại, trong giao ước “móng nền”, giao ước “ngôi vị” để làm nên một “cộng đồng ngôi vị”, người ta đem chính bản thân mình ra để “ký kết”. Trong giao ước ngôi vị như thế, mỗi bên không trao phó trọn vẹn bản thân mình cho nhau và cũng đón nhận trọn vẹn bản thân của người kia. Thiên Chúa đã ban Con Một của Ngài cho chúng ta; và mỗi người Kitô hữu, khi lãnh bí tích Rửa Tội, chấp nhận chết đi cho con người cũ để sống một con người mới hoàn toàn, con người mới hoàn toàn thuộc về Chúa, từ lối sống cho tới cả những ý nghĩ thầm kín nhất….
   Sống trong giao ước “móng nền” của bí tích Rửa Tội, người Kitô hữu nhận ra Thiên Chúa là Đấng “cùng phe” với mình, Thiên Chúa giúp mình “trả nợ đời” chứ Ngài không phải là ông chủ nợ. Đời sống đức tin của người Kitô hữu không phải là một  thứ “gông đeo cổ” làm cho con ngươi đã qua mệt mỏi vì cuộc sống phải sống trong tình trạng “một cổ hai tròng”. Cũng thế, trong giao ước móng nền của bí tích Rửa Tội, người Kitô hữu không phải “đối phó” với anh chị em của mình sao cho đúng luân lý, nhưng được kêu gọi để “cưu mang” anh chị em của mình để đấu tranh với sự dữ của “thế gian”. Trong giao ước “móng nền” như thế, điều cần phải thể hiện một cách rõ nét nhất là thực tại “thuộc về”.

2. Hướng đi của tình yêu

   Làm sao để xây dựng được một nền móng chung để ta có thể sống với người khác theo nguyên lý “thuộc về nhau” ? Chúng ta thử diễn tả tiến tình đi đến một tình yêu chân chính, một tình yêu vô điều kiện.
2.1 Yêu nhau vì những điều tốt đẹp của nhau
   Trước tiên, ta gặp một “người dưng khác họ”; người đó còn xa lạ với ta, chẳng dính dáng gì với cuộc đời. Khi đó, bình thường, nhịp cầu nối kết hai đầu xa lạ ấy chính là những nét tích cực của nhau : nét đẹp, tài năng, duyên dáng, sự chân thật, lòng tốt . . . Điều gắn kết hai người với nhau được diễn ra theo kiểu “trai tài gái sắc”. Yếu tố khơi mào cho bước khởi đầu của tình yêu chính là những giá trị tích cực của nhau, một chút điều hay nào đó như một chất dẫn rất nhạy để bén lửa yêu thương. Tuy nhiên, đây chỉ là bước khởi đầu thường tình của tình yêu. Ở mức độ này, điều cuốn hút ta thường không phải là chính bản thân của người khác; và thường ta cũng chưa sẵn sàng đón nhận người khác như là chính họ, mà chỉ như một nét đẹp hoặc một tài năng, một đức tính.
   Bình thường những ngộ nhận về tình yêu là do người ta “quan niệm” tình yêu chỉ ở mức độ khởi đầu “hợp lý”này mà thôi. Thực ra, tình yêu đích thực thường diễn tiến không theo những suy nghĩa “hợp lý” của lẽ thường, nhưng lại biểu lộ một lòng quảng đại, “hào phóng” hơn nhiều. Tình yêu theo kiểu ưa thích điều tốt đẹp, tự nó, không thể vững bền được, vì con người không thể ở mãi trên đỉnh cao : tài năng có lúc sẽ cùn nhụt, sắc đẹp có lúc sẽ phai tàn, ngay cả đức độ cũng có lúc bị sa sút, hoặc vì dòng thời gian, hoặc vì “một phút lỡ dại”. Một cách nào đó, ở cấp độ này, tình yêu vẫn còn được diễn tiến theo nguyên tắc “thuận mua vừa bán”, hay “tiền trao cháo múc”; bởi vì muốn được yêu, người ta phải có một hoặc nhiều “tài sản” để có thể “mua” được tình yêu của người khác : sắc đẹp, tài năng hay đức tính. . . Và khi mà phần “tài sản” ấy bị “phá sản”, thì tình yêu đã “mua” được ấy cũng bị phá hủy. Đó cũng là thứ tình yêu đòi hỏi nơi người mình yêu, tình yêu đặt điều kiện tiên quyết cho người mình yêu. Tình yêu như thế đặt yếu tố quyết định cho cuộc tình nơi người khác, đòi hỏi người khác phải đáp ứng những sở thích của mình; và nếu người khác không đáp ứng được thì ta cũng sẵn sàng đổ tội để rút lại tình yêu đã trao ban.
   Ở nguồn cội sâu xa của tình yêu loại này là một nguyên lý công bằng, cho dù là cách tính toán công bằng thế nào đi nữa. Nguyên lý công bằng chưa thể thực hiện được lòng khao khát hiệp thông trọn vẹn, khao khát cho đi của tâm hồn người biết yêu, khao khát cống hiến chính bản thân và được chấp nhận như chính con người của mình
2.2 Yêu là dám liên đới trách nhiệm với tha nhân cả trong cái tốt và cái xấu
   Khi đã đi vào cuộc gặp gỡ, khi đã chia sẻ hành trình cuộc đời với nhau, người ta được mời gọi để tiến sâu hơn, cao hơn vào cuộc tình với người khác bằng thái độ liên lụy cuộc đời với người mình yêu. Đó là kết quả của một thực tại “thuộc về nhau” nhiều hơn; mình thuộc về người mình yêu nhiều hơn và người mình yêu cũng thuộc về mình nhiều hơn. Bình thường, “lịch sử” chính là môi trường để người ta đan kết những chuyện đời thường, những kỷ niệm vui buồn với nhau, để rồi dần dần nhận ra mình thuộc về nhau. Gắn bó với nhau trên bước đường đời, đó là quá trình hình thành nền móng thuộc về nhau, và đó cũng là quá trình, theo cách thức bình thường của con người, để đi sâu vào tình yêu. Ngoài cách thức bình thường ấy, chỉ có đức Tin mới có thể giúp người ta đón nhận con ngưởi đón nhận người khác như “thuộc về mình”. Niềm xác tín về một Cha Trên Trời là Cha chung giúp người ta mở sẵn cánh cửa tấm lòng để đón nhận và đối xử với nhau như là anh chị em một nhà…
   Bước vào hành trình này, những hấp dẫn của cái hay cái đẹp sẽ bớt dần để “chìm” vào một nền tảng sâu xa hơn, “tình cảm” thuộc về nhau. Thuộc về nhau đó là “chìa khóa” của tình yêu chân chính. Trong mức độ này, người ta không lấy thái độ đòi hỏi nơi tha nhân là điều căn bản. Mặc dù vẫn luôn mong người mình yêu được tốt hơn, hay hơn, đẹp hơn, nhưng đó là sự mong ước điều tốt cho người mình yêu, vì chính người đó chứ không phải vì mình; niềm mong ước đó không phải để thoả mãn một cái tôi phình lớn vì được được sở hữu một con người tốt đẹp. Trong mức độ này, tình yêu chân chính được thể hiện rõ nét trong thái độ dám liên đới và liên lụy với người mình yêu, cả trong cái tốt và cái xấu. Khi đó, người ta đưa bản thân mình vào cuộc chứ không phải chỉ đứng ngoài một cách vô trách nhiệm để đòi hỏi người mình yêu thương phải thế này thế khác. Ở đây, nguyên lý chi phối tình yêu không phải là “thuận mua vừa bán”, mà là “đồng hội đồng thuyền”.
   Dâng phó và đón nhận trọn vẹn bản thân nghĩa là sống trong nền tảng chính yếu của tình nghĩa, đó là một sự liên đới trong móng nền. Khi những anh chị em sống trong gia đình, họ có thể cãi nhau, nhưng rồi họ lại cố gắng làm hòa với nhau. Đó là những cố gắng để ráp lại sự ăn khớp kèo cột cho chặt chẽ hơn. Nhưng cố gắng đó luôn nhờ vào nền tảng là chính sự gắn kết trong móng nền. Ngược lại, khi ta chơi với bạn bè, người ta cố gắng nối kết kèo cột mà không có sự liên kết móng nền như là anh chị em với nhau, thì sự gắn kết ấy vẫn luôn bấp bênh, vẫn luôn có nguy cơ đổ vỡ.
2.3. Yêu là dám buông bỏ cuộc đời mình để phiêu lưu cùng người mình yêu
   Một khi nhận ra nhau như là người “thuộc về mình”, tiến  trình chân chính ấy sẽ còn mời gọi con người thăng tiến đến một mức độ cao hơn nữa, đó là mức độ lãnh nhận trọn vẹn bản thân của người mình yêu như là chính ý nghĩa của cuộc đời mình. Nơi đây, người ta không còn chỉ thấy điều hay điều tốt, cũng không chỉ đồng hành liên luỵ, mà là đón nhận chính vận mạng của người mình yêu như là ý nghĩa cuộc đời của chính mình. Yêu thương chính bản thân của người khác là một thứ tình yêu vô điều kiện, loại trừ tất cả những điều kiện ít nhiều mang tính cách “sự vật”, để vươn tới mức độ hiệp thông ngôi vị; và tình yêu cao cả nhất lại là dám chọn sự thành đạt cuộc đời của người mình yêu để thay cho sự thành đạt của chính bản thân mình. Có lẽ trong đời sống thường ngày, chúng ta chỉ có thể thấy thứ tình yêu cao cả như thế trong đời sống gia đình. Tình yêu “hy sinh mạng sống cho bạn hữu”  được thể hiện một cách khá “nhẹ nhàng” nơi những người cha người mẹ. Sở dĩ gia đình thể hiện được nét cao cả của tình yêu như thế, chính là vì gia đình là một cộng đoàn các ngôi vị, nơi đó, cha mẹ, anh chị em đón nhận chính bản thân của nhau, để thuộc về nhau một cách trọn vẹn. Mặc dầu vậy, gia đình cũng có giới hạn của nó, vì gia đình thường giới hạn tình yêu thương trong mức độ “máu mủ”, và cũng thường bị biến chứng để trở thành một thứ ích kỷ, vì lợi ích của những người thân trong gia đình mà lại bất công với người ngoài.
   Chúa Giêsu khẳng định chính nguyên lý của đức Tin mới có thể giúp con người đi vào lộ trình của ơn cứu độ : "Ai yêu cha yêu mẹ hơn Thầy, thì không xứng với Thầy. Ai yêu con trai con gái hơn Thầy, thì không xứng với Thầy”. (Mt 10,37) và nguyên lý của đức Tin có thể làm nên một cộng đồng ngôi vị của một gia đình mới  : “Vì phàm ai thi hành ý muốn của Cha tôi, Đấng ngự trên trời, người ấy là anh chị em tôi, là mẹ tôi" (Mt 12,50). Nguyên lý đức tin là sức sống của nhiệm cục mới trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Chỉ có nguyên lý mới ấy mới đưa chúng ta vào trong gia đình của Thiên Chúa để thuộc về nhau; và đó là nguồn mạch của đời sống luân lý Kitô giáo.
   Những nguyên tắc đức ái của bài giảng trên núi (Xc. Lc 6, 20-45; Mt 5,1 - 7,28) là những nguyên tắc của một đời sống mới, được nuôi dưỡng bằng nguyên lý đức Tin chứ nguyên lý xác thịt không thể nào đạt đến được. Giáo huấn ấy mời gọi người tín hữu “hãy yêu thương kẻ thù và cầu nguyện cho những người bắt bớ anh em” (Mt 5,44). Một đàng, lời kêu gọi ấy không chủ trương một chủ nghĩa anh hùng, nghĩa là không phải do tập luyện và cũng không phải do sự đòi buộc của phong cách quí phái hay thái độ cao cả của một kẻ chính nhân quân tử. Đàng khác, lời mời gọi đó cũng không thể được hoàn thành theo kiểu “nửa chừng xuân”, một thái độ nửa mùa, tránh né như người giáo hữu thường giải quyết : tôi không gặp người tôi ghét, tôi không nói nói chuyện với nó, không dính dáng tới nó nữa ! thế là xong !
   Lời kêu gọi “hãy yêu thương kẻ thù và cầu nguyện cho những người bắt bớ anh em”, là đỉnh cao của “đòi buộc” luân lý  Kitô giáo, nhưng không phải là một đòi hỏi thuần túy luân lý, mà xuất phát từ nguyên lý cứu độ : chúng ta được nhập hội vào gia đình của Thiên Chúa. Nguyên lý cứu độ ấy đưa chúng ta vào trong một sự hiệp nhất lớn hơn thái độ tay đôi giữa ta và kẻ ta thương hay ta ghét; chính ở trong sự hiệp nhất lớn hơn ấy, cả hai chúng ta thuộc về nhau.
  “Như vậy anh em mới được trở nên con cái của cha anh em, Đấng ngự trên trời, vì Người cho mặt trời của Người mọi lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính” {Mt 5, 45}

3. Nhu cầu “thuộc về”

   Bản chất con người là yêu thương. Tình yêu bệnh hoạn bộc lộ trong khát vọng thống trị, chiếm hữu, đòi hỏi người khác theo ý mình… Trong khi đó, tình yêu chân chính bộc lộ trong nhu cầu “thuộc về”. Con người cô đơn không phải là con người sống đơn độc một mình, nhưng là người không thuộc về ai cả. Người ta có thể sống bên cạnh người khác, sống trong một xã hội hay một tập thể đông đảo nhưng vẫn cô đơn, vì cảm thấy mình không thuộc về ai và không ai thuộc về mình.
   Một người độc thân thường có được nhiều “tự do” để làm điều mình muốn, sống theo kiểu mình thích, và có thể người đó cũng sung sướng hơn người sống trong đời sống gia đình… nhưng người độc thân cũng thường không có được niềm hạnh phúc “thuộc về” : tôi thuộc về ai đó để tôi có thể tin tưởng phó thác trọn cuộc đời tôi cho người đó; ai đó thuộc về tôi để tôi có thể cống hiến trọn vẹn bản thân tôi cho người đó. Không “thuộc về” ai cả, người ta phải tự lo lấy cuộc đời mình, phải ưu tiên dự phòng cho tương lai đời mình, phải tính toán hơn thiệt cho bản thân mình trong từng “bài toán” cuộc đời, phải bao bọc cuộc đời mình bằng một lô những biện pháp an toàn… Ngược lại, sống trong tâm tình “thuộc về”, người ta sẵn sàng cống hiến và tin rằng mình cũng sẽ được lãnh nhận; người ta cống hiến trọn vẹn cho người thuộc về mình; và cũng tin rằng đời mình sẽ được lo lắng trọn vẹn khi cần thiết.
   Chính tâm tình thuộc về giúp con người có thể tìm thấy một sự bình an sâu xa, sự bình an của chính bản thân, bình an tự chính “móng nền” chứ không phải thứ an ổn do hoàn cảnh ổn định. Chính sự bình an bản thân như thế lại có thể giúp người ta thực sự trao tặng bản thân mình cho người mình yêu quí. Cuộc sống không phải chỉ là một bài toán sòng phẳng, thuận mua vừa bán, nhưng là một hành trình hiệp thông, gắn liền với phẩm chất của tình yêu, đó là hành trình gắn kết để người ta thuộc về nhau nhiều hơn.

Kết

   Nếu nhu cầu thuộc về là một nhu cầu thật thì có lẽ cũng phải thú nhận rằng, nhu cầu thuộc về trong đời sống đức tin của người tín hữu Công giáo chưa được đáp ứng, cả trong giáo lý được tiếp nhận cũng như trong thực thế của sinh hoạt Giáo Hội. Lời giảng của các linh mục thường quá thiên về đòi hỏi luân lý chứ không công bố được thực tại Cứu Độ mà Thiên Chúa đang thực hiện trong cuộc đời người tín hữu. Không ít bản trẻ Công giáo cảm thấy thích thú khi được sinh hoạt trong một giáo hội khác hay một đoàn thể khác vì bầu không khí thân thiện mà họ được tham dự; điều mà họ không tìm thấy được trong bầu không khí của sinh hoạt đức tin Công giáo. Sinh hoạt phượng tự Công giáo quá nghiêm trang, trong đó, thường chiều kích cộng đồng không diễn tả được. Đi tham dự thánh lễ, người tín hữu Công giáo trở thành một người “vô danh” trong một đám đông vô danh. Ngồi, đứng, đọc kinh bên cạnh người khác, người tín hữu không có đuợc một cơ hội nào để làm quen với ai, nếu như không tự tìm kiếm cơ hội một cách lỗi luật (chia trí, nói chuyện trong nhà thờ). Ý nghĩa cộng đồng trong đời sống đức Tin Công giáo quá rõ trong quan điểm thần học cũng như trong thần học phụng vụ; thế nhưng những ý nghĩa ấy phải “lấy đức tin bù lại”, phải ráng suy nghĩ cho hiểu chứ không cảm nhận được trong bầu không khí phụng vụ Công giáo. Người trẻ Công Giáo, nhất là những bạn trẻ ở thành phố, không còn gắn bó với cộng đồng giáo xứ của mình. Họ không tìm thấy tình cảm thuộc về trong Giáo Hội và tìm cách bù đắp bằng cách đi tìm điều mới lạ ở những nhà thờ nào đó…
   Người Kitô hữu nói chung và các bạn trẻ nói riêng, chỉ khám phá ra những lời giáo huấn của Chúa như bài học luân lý chứ không cảm nhận được Đức Giêsu đang đồng hành với mình trên đường đời và dám liên lụy với mình trong mọi tình huống. Nếu những thực tại căn bản của đời sống đức Tin không thể hiện được, thì những nỗ lực thay đổi hình thức, tổ chức sinh hoạt… có phong phú mấy đi nữa thì cũng chỉ là những nỗ lực vá víu mang tính cách đối phó mà thôi

                                       Nguyễn Trọng Viễn O.P.























[1] Xc. Nguyễn Trọng Viền, “Tương lai” của Sứ  Vụ, Chia Sẻ số 55, tháng 9-2007.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Top