Kinh Mân Côi : đọc, suy và niệm

Trong kinh Mân Côi, chúng ta thấy có những yếu tố : miệng đọc, trí suy, và tâm niệm. Có lẽ một số người chỉ “đọc” kinh Mân Côi mà thôi; cũng có những người “miệng đọc”, “trí suy” các mầu nhiệm của Chúa Giêsu trong kinh Mân Côi; nhưng có lẽ ít người biết để cho tâm mình “niệm” các giá trị tinh thần trong các mầu nhiệm của kinh Mân Côi.
Ta có thể nói chung về việc suy niệm, nhưng ta cũng có thể phân biệt suy và niệm. Nói chung, trí suy thì hướng tới các ý tưởng mà ta rút ra được như những bài học trong các mầu nhiệm; trong khi đó, niệm thì nhằm tới những giá trị và những hình ảnh. Để đi vào việc tâm niệm này, chúng ta cần nhận ra một giá trị cao đẹp nào đó nơi các mầu nhiệm và tưởng ta một hình ảnh tiêu biểu diễn tả giá trị ấy; rồi đọc kinh Kính Mừng như một lời niệm để những giá trị ấy, qua những hình ảnh tiêu biểu, thấm sâu vào tâm hồn mình.  

* Các giá trị Kitô giáo

Các giá trị này, trong mỗi mầu nhiệm, đã được các gợi ý trong công thức “ta hãy xin cho được ….”. Chẳng hạn trong các mầu nhiệm mùa Vui, đó là những giá trị : khiêm nhường, lòng yêu người, lòng khó khăn, vâng lời chịu lụy, giữ nghĩa cùng Chúa…Tuy nhiên, những giá trị ấy chỉ là những gợi ý mà thôi. Tốt hơn, mỗi người, khi đọc kinh Mân Côi có thể tìm ra cho mình những giá trị thích hợp với bản thân mình, thích hợp với hoàn cảnh hiện tại của mình. Chẳng hạn, cũng một mầu nhiệm thứ nhất mùa Vui, chúng ta có thể khám phá các giá trị như : giá trị lời “Xin Vâng” của Mẹ, giá trị dấn thân như Thiên Chúa đã từ trời dấn thân vào cuộc sống con người, giá trị niềm vui của cuộc sống làm người vì Chúa cũng làm người, giá trị thân mật như Ngôi Lời Thiên Chúa ở trong lòng một người Mẹ, giá trị sự sống như Đức Mẹ đã cưu mang một mầm sống mới, …
Điều này hơi khó với những người có thói quen ăn sẵn, hoặc hơi lạ khi người ta không quen sống niềm tin ăn khớp với cuộc sống hằng ngày của mình. Tuy nhiên, nếu nỗ lực một chút, hoặc đúng hơn, nếu đời sống tâm linh của mình thực sự là một sự sống, người Kitô hữu có thể được học hỏi để khám phá các giá trị Kitô giáo qua những bài hát đạo, những lời kinh trong phụng vụ, những lời giảng trong các thánh lễ… Khi tìm ra được một giá trị thích hợp với tâm tình riêng, hoàn cảnh riêng, ta sẽ nhận ra sức nuôi sống của lời kinh Mân Côi đối với đời sống hằng ngày của mình. Mỗi lần đọc kinh Mân Côi như thế, lòng ta lại được nuôi dưỡng, bổ sức bằng một sức mạnh mới, sức mạnh siêu nhiên của Chúa trong cuộc đời mình.

* Các hình ảnh

            Trong các mầu nhiệm kinh Mân Côi, chúng ta đã được cung cấp những hình ảnh căn bản. Nay khi khám phá ra những giá trị Kitô giáo phong phú, chúng ta có thể biến hóa những hình ảnh căn bản ấy cho thích hợp với tâm tình của mình. Chẳng hạn, khi khám phá giá trị giá trị lời “Xin Vâng” của Mẹ, chúng ta có thể tưởng ta hình ảnh Mẹ Maria cúi đầu, trân trọng lời đề nghị của sứ thần để nói lời xin vâng; khi khám phá giá trị dấn thân như Thiên Chúa đã từ trời dấn thân vào cuộc sống con người, ta có thể tưởng ra hình ảnh Ngôi Lời Thiên Chúa vượt qua “biên giới” của cõi thần thiêng để đi vào cuộc sống; khi khám phá ra giá trị niềm vui của cuộc sống làm người vì Chúa cũng làm người, ta có thể tưởng ra Chúa Giêsu như một em bé cười vui trong lòng mẹ; khi nhận ra giá trị thân mật như Ngôi Lời Thiên Chúa ở trong lòng một người Mẹ, ta có thể tưởng ra Chúa Giêsu đang ngủ ngon một cách bình an trong lòng mẹ; hoặc khi muốn sống giá trị sự sống như Đức Mẹ đã cưu mang một mầm sống mới, ta tưởng ra tất cả những điều kỳ diệu của cuộc sống làm người đã được cưu mang trong một giọt máu nhỏ của kiếp người …

* Đọc và niệm

            Thế rồi, khi đã có được một giá trị và một hình ảnh tiêu biểu, ta vừa đọc 10 kinh Kính Mừng, vừa để cho lòng mình chìm ngập trong hình ảnh và giá trị ấy, chiêm ngắm hình ảnh ấy và sống giá trị ấy trong tâm của mình. Ta cũng có thể, khi đọc kinh Kính mừng trong một tâm tình tha thiết xin Mẹ Maria giúp mình sống giá trị mà mình đã khám phá; chính sự tha thiết van xin ấy cũng làm cho lòng mình được dịu ngọt và rộng mở để đón nhận ơn  Chúa.
Chẳng hạn, đối với mầu nhiệm thứ ba mùa Vui, giá trị mà ta khao khát trong khung cảnh hang đá là sự bình an, ta tưởng như mình như đang ở trong hang đá Giáng Sinh của Chúa Giêsu, ngắm nhìn Chúa Giêsu, Đức Mẹ và Thánh Giuse trong một không khí bình an lạ lùng. Rồi khi đọc 10 kinh Kính Mừng, ta để cho tâm hồn mình chan hòa, thấm nhập, được “ở trong” sự bình an sâu xa của hang đá Giáng Sinh. Đó không phải là nghĩ ra các ý tưởng, hay nghĩ tới những bài học Chúa dạy, nhưng là sống tâm tình tha thiết xin sự bình an của Chúa đến trong tâm hồn mình, là để cho lòng mình, theo từng nhịp của lời kinh Kính Mừng, hòa vào trong sự bình an của khung cảnh ấy.
Kết :
Chắc chắn những gợi ý về cách đọc và niệm này là khó đối với những ai mới làm quen với kinh Mân Côi. Tuy nhiên, thật ra, đối với những ai sống kinh Mân Côi như là chuyện cả đời, suốt qua năm này tháng nọ, thì chắc chắn những điều gợi ý trên có thể thực hiện được. Không phải là thái độ vội vàng thực hiện trọn vẹn, nhưng trong chiều hướng của một đời sống tâm linh phong phú, người Kitô hữu sẽ mỗi ngày mỗi nhận ra những giá trị mới, những hình ảnh sống động thấm nhập vào tâm hồn và biến cải đời sống thường ngày của mình.

Nguyễn Trọng Viễn O.P.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Top