Tương Quan Dòng Triều

               Để có thể đề ra một đường hướng "hợp tác dòng triều", trước hết, chúng tôi xin ghi nhận một số nét trong tình hình hiện tại, rồi dựa vào đó để để nghị một vài phương thức hợp tác có hy vọng mang lại nhiều kết quả lớn hơn.
1. Nhận định về tình hình hiện tại
1.1 Những dấu hiệu tích cực
               Nhìn lại hiện tình Giáo Hội Việt Nam trong những năm qua, chúng ta có thể nhận ra nhiều dấu hiệu tích cực. Ngay từ khi đất nước đi vào nền kinh tế thị trường, đã có nhiều nhận định rằng, trong vòng khoảng mười năm nữa thôi, các nhà thờ của chúng ta sẽ vắng vẻ, giới trẻ sẽ không còn tham gia vào các sinh hoạt tôn giáo, ơn gọi trong các nhà dòng cũng như các chủng viện sẽ thiếu hụt… Tuy nhiên, chúng ta đã trải qua hơn mười năm sống trong đất nước đổi mới về kinh tế, chúng ta đã thấy nhiều, thậm chí rất nhiều, những sa sút về đời sống đạo đức trong xã hội, ngay cả trong tầng lớp những người lãnh đạo của đất nước, nhưng, nói chung, Giáo Hội chúng ta tỏ ra vẫn còn khá nhiều sinh lực. Chẳng những con số về số lượng đã không giảm sút, hoặc không giảm sút bao nhiêu, nhưng những chỉ số về phẩm chất hình như đã tăng tiến hơn khá nhiều. Nhìn sâu xa hơn, ta thấy những kết quả ấy xuất phát từ một sức sống của Giáo Hội còn khá nhiều sinh lực… Mặc dù Giáo Hội Việt Nam nói chung có vẻ như còn nhiều rụt rè trong những đường hướng khai phá, nhưng lại có một sự bình ổn vững chắc và trung tín trong sứ vụ để đối diện với những biến đổi đa dạng trong đời sống giáo dân cũng như những thách đố của xã hội dân sự.
               Trong tình hình chung đó, chúng ta cũng nhận ra những dấu hiệu tích cực của một bầu khí tương đối chan hòa của các thành phần trong Giáo Hội, nhất là sự chan hòa trong mối tương quan dòng-triều. Chúng ta đã có được sự chan hòa trong việc bổ nhiệm các giám mục; việc cộng tác của các anh chị em, dòng và triều, trong các trách nhiệm quản trị, đào tạo và giảng dạy tại các đại chủng viện cũng như các học viện của các dòng tu; việc cộng tác trong nhiều phong trào thăng tiến giáo dân hoặc các khoá huấn luyện…
1.2 Nhu cầu đa dạng của cuộc sống hôm nay
1.2.1 Nhu cầu đa dạng của cuộc sống xã hội
               Chúng ta có một kinh nghiệm rất sống động về điều này qua những biến chuyển của đất nước. Trước đây, trong thời bao cấp, Nhà Nước đã có một cách nhìn quá đơn giản về nhu cầu của con người. Nhà Nước nỗ lực cung cấp những "nhu yếu phẩm" của cuộc sống một cách đồng đều. Mỗi công nhân viên chức không sống bằng đồng lương, và không tự chọn những nhu cầu thích hợp cho mình, nhưng được cung cấp tem phiếu để mua những "nhu yếu phẩm" theo sự tính toán của nhà nước… Lối nhìn xã hội như vậy làm cho cuộc sống con người trở nên nghèo nàn và cơ cực. Cuộc sống xã hội chỉ con là những lo toan quẩn quanh với những "chuyện cơm áo". Tất cả những gì là nhu cầu riêng, theo ý thích riêng của mỗi con người, đều bị coi như là "xa xỉ phẩm" mà không dễ gì có thể tìm thấy được.
               Ngược lại, trong nền "thời mở cửa", chính thị trường đã nhậy bén khám phá ra nhiều nhu cầu phong phú, phức tạp của người dân để có thể sáng tạo ra những sản phẩm mới (dĩ nhiên, có nhiều quảng cáo cũng là cố tạo ra những nhu cầu giả tạo để bán hàng). Một nền kinh tế thị trường cho thấy con người không phải chỉ cần có những "nhu yếu phẩm" để tồn tại, những con người cần có nhiều nhu cầu khác để sống một cách phong phú.
               Hơn nữa, trong nền kinh tế thị trường, người ta còn thấy rõ một thực trạng là không thể lấy một hệ thống tư tưởng duy nhất chính thống để "nuôi dưỡng" những nhu cầu đa dạng của con người. Tư tưởng cũng là chất "dinh dưỡng" rất cần thiết để nuôi dưỡng tâm hồn con người, và mỗi người cũng cần có loại "thực phẩm" riêng thích hợp với mình. Con người cần co tư tưởng, nhưng là những tư tưởng có khả năng hướng dẫn tâm hồn để có thể sống và sống phong phú trong cuộc đời mình. Do đó, với biết  bao nhiêu loại người và những nhu cầu khác nhau trong xã hội, cần thiết phải có một thứ 'thị trường hóa" các tư tưởng, các ý nghĩa sống, các giá trị sống…
1.2.2 "Thị trường hoá" đời sống mục vụ
               Trong buổi triều yết dành cho các Giám Mục Việt Nam ngày 27-6-2009, đức giáo hoàng Bê-nê-đic-tô XVI nói : "… chứng tá về Chúa Kitô là một việc phục vụ cao cả nhất mà Giáo Hội có thể hiến tặng cho dân tộc Việt Nam và cho tất cả mọi người tại Á Châu, bởi vì nó đáp ứng lại sự tìm kiếm sâu xa chân lý và các giá trị bảo đảm cho sự phát triển nhân bản toàn diện. Trước những thách đố thật nhiều mà chứng tá này hiện đang gặp phải, thì một sự hợp tác chặt chẽ giữa các giáo phận với nhau, giữa các giáo phận với các dòng tu, cũng như giữa các dòng tu với nhau là thật cần thiết".
               Đó là một nhận xét ngắn gọn nhưng có lẽ cũng đủ để chúng ta có thể thấy một cách rất cụ thể về hiện tình Giáo Hội Việt Nam hiện nay. Chúng ta có thể thấy một điều tương tự giữa đời sống xã hội và những tổ chức trong Giáo Hội. Giáo Hội Công Giáo Việt Nam, nói chung, vẫn vận hành theo kiểu cung cấp "lương thực" cho đời sống tâm linh của người tín hữu theo phương thức "kinh tế chỉ huy", nghĩa là đáp ứng nhu cầu tâm linh của người tín hữu bằng những "nhu yếu phẩm" căn bản của đời sống đức Tin. Điều đó luôn luôn là điều cần thiết căn bản. Tuy nhiên, thời đại kinh tế thị trường, con người có nhiều nhu cầu về thể chất và tinh thần bao nhiêu, thì những nhu cầu tâm linh cũng trở nên đa dạng bấy nhiêu.
               Thực ra, chúng ta cũng ghi nhận có một số sáng kiến trong cong việc mục vụ, đặc biệt là của các linh mục trẻ, một số nhà dòng…. Tuy nhiên, nếu giáo phận có được lối suy tư "mở cửa" và nhất là một nỗ lực vận dụng sức mạnh đa dạng của các dòng tu trong giáo phận, thì chúng ta chắc chắn sẽ có một sự phát triển phong phú trong việc đáp ứng nhiều loại nhu cầu tâm linh đa dạng của con người thời đại. Trong giáo phận chúng ta hiện nay, chúng ta có thể thấy trộn lẫn vừa là sự phức tạp, lẫn sự phong phú, biểu lộ trong một xã hội vừa hiện đại, vừa rất lạc hậu; vừa có những người rất giầu có vừa đầy rẫy những người nghèo khổ; vừa có những già với lối sống đạo truyền thống vừa phải đối diện với trào lưu lối sống mới của người trẻ; vừa đầy rẫy những người di dân, vừa đầy những bạn trẻ khao khát có được một sự hướng dẫn thích hợp trước những cám dỗ của cuộc sống;… Nếu chủ hướng của giáo phận không phải là tìm cách bảo vệ mình, nhưng là tìm cách đón nhận và đi đến với con người, chắc chắn chúng ta sẽ nhận ra một nhu cầu đa dạng cũng như những thách đố khó khăn như đức thánh cha Bênêdictô XVI đã nêu lên.
1.3  Vài trở ngại trong hiện tại
1.3.1 Sự khác biệt trong đoàn sủng, lý tưởng và lối sống
               Một cách căn bản, chúng ta biết có một sự khác biệt giữa đoàn sủng, linh đạo của các linh mục triều với các tu sĩ, linh mục thuộc các hội dòng, cũng như giữa các thành viện của hội dòng này với hội dòng khác. Chắc chắn rằng nền tảng đoàn sủng, linh đạo cũng như cơ cấu tổ chức của các đơn vị riêng như thế có ảnh hưởng ít nhiều trên lối sống, lý tưởng của các thành viên và tạo nên một sự khác biệt, một sự "chênh lệch" nào đó, không phải chỉ trong mối tương quan dòng-triểu nhưng cả trong mối tương quan giữa các hội  dòng với nhau. Sự khác biệt sâu xa ấy có thể tạo nên một sự "chênh lệch" sâu kín nào đó trong cách suy nghĩ, cách sống các giá trị cũng như cách lựa chọn ưu tiên trong sứ vụ, mà nếu không phân tích kỹ lưỡng chúng ta có thể không nhận ra. Nếu không nhận ra hoặc quên đi sự khác biệt ấy, chúng ta dễ rơi vào việc chia công tác cách "đổ đồng", hoặc đánh giá hoạt động của mỗi đơn vị theo chuẩn giá trị của việc mục vụ giáo xứ. Có lẽ cũng chính vì chưa nhận ra sự khác biệt ít nhiều giữa các giá trị và những lựa chọn ưu tiên của các đơn vị, và cũng chưa thấy rõ những nhu cầu đa dạng của con người hôm nay, mà đôi khi ta thấy có một số khuynh hướng nào đó trở nên mạnh mẽ và làm trở trở những nỗ lực tông đồ ở một bình diện khác.
               Một cách cụ thể hơn, trong nếp sống bình thường, sự khác biệt ấy biểu lộ ra trong những lối sống khác biệt. Chẳng hạn, các linh mục triều, phần lớn bận tâm vào việc giáo xứ và ưu tư nhiều về những vấn đề riêng của giáo xứ, cũng như tình hình riêng của giáo xứ mình. Trong khi các tu sĩ và linh mục dòng, phần lớn tập trung vào kế hoạch chung nhằm thực hiện đoàn sủng của hội dòng, và thường đó là những kế hoạch dài hạn, tập trung vào một lãnh vực nào đó….
               Chẳng hạn, một vấn đề thật nhỏ, chúng ta có thể thấy các linh mục dòng, khi đi giúp các giáo xứ, vẫn thường được đánh giá là hiền lành hơn các linh mục triều. Tuy nhiên, sự khác biệt phần lớn có lẽ là do các linh mục dòng làm việc trong vị thế của "người đánh thuê", thường không bận tâm quá vào việc quản trị, không phải trực tiếp chịu trách nhiệm, nên tương đối thanh thản đối với những sai sót trong việc tổ chức. Trong khi đó, các linh mục triều thường là người đã đồng hành với những con người và những tổ chức trong giáo xứ trong một thời gian, sẽ khó chịu đựng được những sai lỗi của những người mình đã nhiều lần nhắc nhở. Mặt khác, việc quan trọng nhất cho giáo xứ thường không phải là những buổi sinh hoạt sầm uất hay hấp dẫn, nhưng chính là hình thành nên được một thứ não trạng nào đó, tạo nên được một thứ truyền thống lâu dài trong giáo xứ… Trong thực tế, chính các linh mục coi xứ mới thực sự làm nên não trạng của người giáo dân trong giáo xứ của mình. Các ý tưởng hay, hoặc các tổ chức phong phú được các "người đánh thuê" thực hiện tại giáo xứ, mặc dầu có thể được khen ngợi, có thể để lại một vài ấn tượng nào đó, nhưng không dễ gì tạo nên được một truyền thống vững bền cho giáo xứ.
               Các giáo xứ dòng, thường có ưu thế về nhân lực, và dĩ nhiên cũng đưa đến ưu thế và bầu khí sinh hoạt trong giáo xứ… Ưu thế này được thể hiện chẳng những trong việc chu toàn một cách tương đối tốt các trách vụ mục tử như giải tội, xức dầu,… nhưng nhất là  trong một lối nhìn luôn muốn khám phá ra những nhu cầu mới của người giáo dân, cũng như có những điều kiện tương đối dễ dàng để đáp ứng những nhu cầu ấy. Trong khi đó, các linh mục triều phụ trách giáo xứ, với quá nhiều những chuyện cần phải giải quyết, lại có khuynh hướng hạn chế những nhu cầu mới phát sinh, vì không có đủ nhân lực giải quyết.
               Tất cả những điểu đó, và dĩ nhiên còn rất nhiều điều khác nữa, làm nên, ít ra là một sự khác biệt, hoặc nhiều hơn, là một sự ngại ngần; hoặc nhiều hơn nữa, là một sự đố kỵ nào đó. Đó là một thực trạng mà chúng ta phải thẳng thắn nhìn nhận đẻ có thể đề ra những kế hoạch đúng đắn trong việc hợp tác các thành phần trong giáo phận.
1.3.2. Những "căn bệnh" muôn thuở
               Ngoài ra, ta còn có thể kể ra một nguyên nhân khác nữa, một nguyên nhân góp phần không phải là nhỏ trong việc tạo nên một sự úy kỵ nào đó trong việc hợp tác dòng-triểu, đó là não trạng cục bộ. Chúng ta có thể thấy rằng sự úy kỵ trong lòng Giáo Hội nói chung và giáo phận nói riêng, nhiều khi không phải chỉ do sự khác biệt trong bản chất, trong linh đạo của dòng-triều; nhưng sâu xa hơn còn là vì tật xấu cố hữu là tinh thần cục bộ mà thôi. Sự kiện minh chứng cho điều này là người ta có thể thấy tính chất "ngần ngại" như thế cũng có và đôi khi còn có nhiều hơn giữa các Dòng tu với nhau.
               Bản chất con người tội lỗi thường làm cho tình yêu thương cũng như sự hiệp thông hợp tác của của con người với nhau bị chia cắt giữa hai giá trị : phổ quát và triệt để. Chẳng hạn, một người giáo dân, khi đi lễ, khi tham dự các nghi thức phụng vụ tại một giáo xứ, thường có tâm tình quí trọng và tri ân tất cả những ca đoàn đã phục vụ cho cộng đoàng bằng lời ca tiếng hát. Thế rồi người giáo dân ấy muốn dấn thân một cách triệt để hơn vào lòng Giáo Hội, nên tham gia vào một ca đoàn nào đó… Thế là từ nay, cái nhìn hồn nhiên, tấm lòng tri ân với các ca đoàn khác không còn nữa, thay vào đó là một sự ganh đua, đố kỵ cách này cách khác. Đáng lý ra, trong sự dẫn dắt của ân sủng Chúa, khi một người giáo dân qúi trọng tất cả những người phục vụ trong các ca đoàn, hoặc quí trọng các dòng tu, sẽ diễn tả sự quí trọng ấy khi tham gia vào một ca đoàn, và tâm hồn mình càng thấy vui, thấy an hòa với tất cả những anh chị em trong các ca đoàn khác. Tình trạng một thanh niên, từ đời sống của một kitô hữu đến việc gia nhập vào một "đơn vị", dòng hay triều, cũng đều có một nét giống như thế. Con người ta dường như không thể thể hiện được một sự nối liền giữa phổ quát và triệt để.
               Thái độ cục bộ như thế, vốn dĩ là một thứ tật bệnh trong bản chất con người, lại càng thể hiện một cách tệ hại hơn trong não trạng quá đề cao danh giá của người dân Việt. Não trạng danh giá đi sâu vào mọi lãnh vực trong đời sống đức Tin, và nó ngấm ngầm ảnh hưởng tới mọi lãnh vực trong đời sống của Gíao Hội nói chung và giáo phận nói riêng. Không phải là ít những tu sĩ, linh mục, làm việc vì danh giá của hội dòng, của đơn vị của mình, của một "cái tôi lớn" hơn là vì lợi ích chung của Giáo Hội hay vì lợi ích cho con người.
1.3.3 Chênh lệch giữa đường hướng phát triển của Giáo phận và kế hoạch phát triển của mỗi Dòng tu
               Nói một cách nào đó, lực lượng Dòng và Triều tại giáo phận của chúng ta rất mạnh. Tuy nhiên, chúng ta cũng biết, mỗi nhà dòng cũng như mỗi linh mục tu sĩ đều có những công việc của mình, những công việc đang làm của mình, mà thường là không phải là nhẹ nhàng. Do đó, việc hợp tác thường gặp nhiều trở ngại, hoặc khá hời hợt, không thể tạo nên được một vận hành thực sự trong đời sống đức Tin. Sự kiện ấy phản ánh một thực tế sâu xa hơn : có một sự chênh lệch trong đường hướng phát triển của giáo phận với các hội dòng, cũng như giữa các hội dòng với nhau. Khi một linh mục dòng hoặc một tu sĩ đảm nhận những trách vụ của giáo phận trao cho, đặc biệt là khi những trách vụ ấy không phù hợp với đường hướng phát triển của hội dòng, thì người tu sĩ ấy sẽ thường mang tâm trạng ráng chu toàn ở mức độ nào đó, đành chấp nhận bỏ ra một số thì giờ, một số công sức để "trả nợ" cho phải phép....
               Thế rồi, trong tinh thần "trả nợ cho phải phép" như thế, các hội dòng cũng thường dễ thay đổi nhân sự trong chiều hướng thuận lợi hơn cho việc tổ chức nội bộ của hội dòng và để lại những khó khăn cho tổ chức chung của giáo phận. Ngược lại, nếu có người tu sĩ, linh mục dòng, khi cộng tác vào các sinh hoạt của giáo phận một cách hết mình và với trọn vẹn tâm huyết, thì lại để lại trong hội dòng mình một tâm trạng như : uổng mất công đào tạo một con người.

2. Hướng tới sự hợp tác

               Điểm lại những trở ngại nêu trên, và chắc chắn còn nhiều trở ngại khác nữa, chúng ta có thể thấy rằng, có những vấn đề thuộc về bản chất tội lỗi của con người, có những vấn đề thuộc về một "cố tật" lâu đời mà chẳng thể nào một sớm một chiều có thể thay đổi được, và cũng có những vấn đề thuộc lãnh vực đường hướng, hoặc phương thức tổ chức. Dĩ nhiên chúng ta chẳng thể đợi cho đến khi giải quyết tất cả những trở ngại rồi mới nghĩ đến chuyện phát triển việc hợp tác. Nhưng có lẽ chúng ta cũng chẳng thể phát triển việc hợp tác một cách phong phú nếu không lưu ý đến những trở ngại ấy.
               Một đường hướng hợp tác lâu dài có lẽ cần phải dung hoà được những kế hoạch phát triển khác nhau của mỗi đơn vị, cần phải huy động được nhân lực, vật lực nhiểu hơn từ "số vốn" về sự hiện diện của các dòng tu trong giáo phận; và có lẽ điều cần thiết, là phải chấp nhận một thứ phát triển ít nhiều theo dạng tạo điều kiện để có được một bầu khí "trăm hoa đua nở", chấp nhận một số "lộn xộn" trong mức độ nào đó, hơn là ưu tiên củng cố một hệ thống tổ chức chặt chẽ…
2.1 Khám phá nhu cầu đa dạng của con người
               Có lẽ điều trước tiên là cần phải có một định hướng chung cho đời sống mục vụ trong giáo phận theo chiều hướng khám phá những nhu cầu đa dạng của xã hội hiện nay, hơi giống như một nhà kinh tế khám phá ra những nhu cầu mới của con người để định hướng cho việc sản xuất, chứ không phải quá e ngại những lộn xộn, cạnh tranh bất chính, gian dối… để rồi ban hành những quy định quá rắc rối trong cơ chế hành chánh. Một khi não trạng chung của các vị mục tử trong giáo phận vẫn chỉ quen với việc tổ chức nề nếp trong giáo xứ của mình, thì những nỗ lực phát triển sẽ luôn bị cản trở vì rất nhiều lý do thực tế. Ngược lại, nếu một não trạng chung của các mục tử trong giáo phận hướng tới việc khám phá và tìm cách đáp ứng những nhu cầu mới của con người ngày này, thì điều đó sẽ mở ra được cánh cửa để đi vào cánh đồng truyền giáo mà vẫn luôn là "lúa chín đầy đồng" :
"Đức Giê-su thấy đám đông thì chạnh lòng thương, vì họ lầm than vất vưởng, như bầy chiên không người chăn dắt. Bấy giờ, Người nói với môn đệ rằng : Lúa chín đầy đồng, mà thợ gặt lại ít. Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về." ( Mt 9, 36-38)
2.2 Cùng khám phá những nhu cầu chung
               Thứ đến, điều cũng cần thiết trong việc hợp tác dòng - triều là phải có một kế hoạch chung, kế hoạch lớn, kế hoạch dài, trong đó, những đường hướng phát triển của giáo phận cũng gắn liền với nhu cầu phát triển của các hội dòng. Để làm được việc này, giáo phận cần phải có một chương trình tổng thể và dài hạn, nghĩa là một dự án phát triển giáo phận trong 10 năm, 20 năm tới… trong đó cần lưu ý đặc biệt tới yếu tố có tính chất "xây dựng cơ bản", cả vể phương diện "vật thể" lẫn "phi vật thể", cả về phương diện nhân bản lẫn phương diện siêu nhiên, cả về phương diện mục vụ cũng như phương diện thần học cơ bản, cả về phương diện đào tạo nhân sự cũng như phưong diện tổ chức hoạt động tông đồ…
               Có lẽ nhiều kinh nghiệm thất bại trong các tổ chức sinh hoạt của giáo hội khiến cho nhiều người ngần ngại trước những kế hoạch "vĩ đại", trước những kiểu suy tư của kẻ quá "đầu óc" mà không nhạy với "thực tế phũ phàng". Có lẽ trong giáo hội cũng đã có quá nhiều chương trình được vẽ trên giấy tờ thật đẹp những mãi mãi vẫn chỉ là nằm "trên giấy", khiến cho người ta muốn thực tế, muốn dừng lại ở những gì vừa tầm, có thể làm được ngay…. Đó cũng là một cách suy tư rất hữu dụng. Tuy nhiên, nếu chỉ dừng lại ở những việc làm trước mắt, có lẽ không thể phát triển được sự hợp tác dòng - triều, ngoài việc, chẳng hạn, mời một vài nhân vật của hội dòng này hội dòng kia để làm một công việc nào đó.
               Nếu chúng ta có được một kế hoạch chung và dài hạn, - và chắc chắc sẽ tốt hơn nữa, nếu kế hoạch chung ấy được đúc kết lại từ những đường hướng phát triển dài của giáo phận cùng với các hội dòng,- nếu có được như vậy, chúng ta sẽ có thể mạnh dạn "giao khoán" cho các hội dòng đầu tư vào một kế hoạch nào đó thích hợp với linh đạo và đường hướng phát triển của hội dòng.
2.3 Đề nghị phương thức cộng tác
2.3.1 Hình như là các hình thức tổ chức của một xã hội nặng tính cách "xã hội chủ nghĩa" đã ảnh hưởng rất nhiều đến lối tổ chức trong Giáo Hội. Chúng ta thường có khuynh hướng tổ chức các sinh hoạt theo kiểu đoàn ngũ hoá, giống như thời bao cấp, với kiểu tập hợp các dòng tu và các giáo sĩ triều trong một tổ chức chung, phân chia công tác theo kiểu đổ đồng mỗi dòng một hai người, với những buổi họp định kỳ… Những phương thức ấy thường không thành công, vì có rất nhiều người được chia công tác và phải đảm nhận một cách bất đắc dĩ, công việc thường chỉ đặt trên vai một người trưởng. Phần lớn những thành viên được cắt đặt trong tổ chức ấy chỉ coi công việc mình đảm nhận như một việc "làm thêm", như một "dị vật", như một sinh hoạt không nối kết được vào tâm tư cũng như vào quỹ đạo sinh hoạt thường xuyên đã quá dầy của mình. Phương thức ấy làm cho nhiều dòng tu và các cá nhân đại diện các hội dòng để được cắt cử vào công việc chung chỉ làm việc như một thứ đóng thuế với giáo phận cho phải phép…
               Cách tổ chức sinh hoạt như thế thường không bền được. Sau một thời gian thì tổ chức bắt đầu tan rã hoặc trở nên èo uột. Hơn nữa, với phương thức này, chúng ta chỉ có có được sự hợp tác bằng một chút "năng lực" của một vài cá nhân trong các hội dòng, chứ chưa có được sức mạnh tiềm tàng của cả một hội dòng.
2.3.2 Có lẽ phương thức theo kiểu "kinh tế thị trường" hoặc ít là kiểu "giao khoán" sẽ thích hợp hơn. Phương thức này ưu tiên nhằm tới việc tạo một không gian rộng để các dòng tu đảm nhận trách nhiệm một cách chủ động và được quyền tự sáng tạo những phương thức thích hợp. Phương thức này cũng cho phép các dòng tu mạnh dạn đầu tư và đầu tư lâu dài, cả nhân lực và vật lực vào kế hoạch chung của giáo phận.
               Chẳng hạn, những người có trách nhiệm trong giáo phận, cùng với các vị lãnh đạo các hội dòng, cùng tìm ra một số nhu cầu của giáo phận trong từng lãnh vực lớn, theo một kế hoạch tổng quát nào đó : tâm linh, lục vụ, huấn luyện…, rồi trao phó, hoặc gợi ý cho một hội dòng nào đó đảm nhận. Giám mục và các vị có trách nhiệm sẽ hỗ trợ bằng nhiều cách, những vẫn dành một khoảng không của tự do sáng tạo cho những đơn vị hội dòng đã lãnh nhận trách nhiệm. Những buổi họp của các bề trên cao cấp sẽ theo dõi công việc qua những buổi họp, nhưng không phải là xen vào quá sâu trong từng phương thức làm việc cụ thể của các hội dòng đã đảm nhận trách nhiệm….
2.4 Một vài gợi ý cụ thể
               Chúng ta có thể phân chia những nhu cầu mục vụ của giáo phận thánh những lãnh vực lớn: mục vụ, đào tạo, văn hóa… rồi giáo khoán một cách nào đó, túy theo đoàn sủng và điều kiện cụ thể của mỗi hội dòng trong từng lãnh vực. Dĩ nhiên điều này không có nghĩa là có sự trợ giúp nhân lực của những linh mục triều và tu sĩ của các hội dòng khác. Chẳng hạn :
* Giáo phận cần có một vài trung tâm hành hương như trung tâm chầu Thánh Thể, trung tâm hành hương kính Đức Mẹ, trung tâm tĩnh tâm cho người giáo dân, trung tâm tổ chức những khóa đào tạo…
* Một số phong trào giáo dân : cổ võ người giáo dân học hỏi và đọc Kinh Thánh; cổ võ việc phát triển việc đọc Kinh Mân Côi, cổ võ việc đạo đức kính Lòng Thương Xót Chúa…
* Tổ chức những thánh lễ, những buổi hội thảo, huấn luyện "chuyên đề" cho từng giới như : giới trẻ, giới sinh viên, các bậc làm cha mẹ, người di dân, tuổi teen…
* Tổ chức những khóa huấn luyện giá trị nhân bản và kỹ năng sống cho các giới; tổ chức phát triển những loại hình văn hóa nghệ thuật như âm nhạc, kịch nghệ… cổ võ giá trị nhân bản Kitô giáo; hình thành một vài tờ báo có tính mục vụ hoặc tính nghiên cứu chuyên biệt…
* Các trung tâm huấn luyện về thần học giáo dân, thành lập những thư viện sách đọc, sách nói, phim ảnh… và hướng tới việc đào tạo một số người giáo dân trở thành những người hoạt động tông đồ một cách "chuyên nghiệp"…
* Các nhóm hoạt động xã hội, bác ái, từ thiện…
               Thật ra, trên đây chỉ là một vài gợi ý hết sức khái lược. Dĩ nhiên là sẽ có nhiều người cho rằng đấy là những chuyện hão huyển chẳng bao giờ có thể thực hiện được. Chắc chắn là trong vòng 10 năm hay 20 năm nữa, sẽ còn rất nhiều điều vẫn chỉ nằm trên giấy tờ… Tuy nhiên, với một kế hoạch phát triển dài hạn như vậy, vị Mục Tử của giáo phận mới có thể trình bầy và trao đổi được với các bề trên dòng, và kêu mời các vị đảm nhận một lãnh vực, một kế hoạch, một sinh hoạt nào đó… Rồi các bề trên sẽ phải trình bày một kế hoạch dài hạn và chi tiết hơn cho giám mục để được góp ý, cũng như được hỗ trợ cách này cách khác…
Kết :
               Nhận định của đức thánh cha cho chúng ta hiểu ra lý do cấp bách của việc hợp tác chính là để đáp ứng những thách đố đa dạng trong việc làm chứng cho Đức Kitô. Nhận định ấy có thể cho chúng ta hiểu ra được động lực sâu xa của việc hợp tác dòng-triều. Nếu chúng ta chọn thái độ tự an ổn với công việc của mình, những công việc đã quá nhiều, thì việc hợp tác chỉ như một thứ phụ thuộc. Nhưng nếu chúng ta cảm nhận ra được nhu cầu đa dạng của con người trong xã hội cũng như trong Giáo hội hôm nay; và nhất là nếu chúng ta bị thôi thúc do lời kêu mời của Chúa "Lúa chín đầy đồng…" thì việc hợp tác dòng - triều chính là một nguồn sức mạnh bao la mà Thánh Thần Chúa mời gọi chúng ta kín múc lấy.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Top