“Gương soi” 

của Giáo Hội Việt Nam


1. Vấn đề “gương soi”

1.1 Con người “soi gương”
            Con người không thể nhìn thấy được chính khuôn mặt của mình. Con người cần phải soi gương để biết được mặt của mình ra sao. Đó không phải chỉ là một sự kiện nhỏ liên hệ tới thân thể, nhưng là ý nghĩa căn bản của cả vận mạng con người. Con người cũng phải “soi gương” để biết “khuôn mặt” tinh thần của mình. Hơn nữa, con người cần “soi gương” để hình thành nên chính khuôn mặt tinh thần của mình. Đó là điều chúng ta đã nghe quen tai lắm rồi : con người chỉ là mình trong tương quan; hoặc như cha ông ta đã nói “sinh con rồi mới sinh cha; sinh cháu giữ nhà rồi mới sinh ông”.
            Dĩ nhiên, với đức Tin Kitô giáo, con người không phải chỉ là sản phẩm của phương thức kiếm sống và đấu tranh giai cấp. Con người cũng không phải chỉ là phản ảnh của những tương quan xã hội. Con người có một “khuôn mặt” trường tồn, đó là hình ảnh Thiên Chúa trong bản chất người. Hình ảnh đó được bộc lộ dần dần trong dòng lịch sử mà những “góc cạnh” của nó sẽ được sáng lên, hoặc bị che mờ do những “gương soi” cụ thể của cuộc sống thực tế.
            Chúng ta có thể nhìn vào một vài tình huống thực tế, để khám phá ra tác động của chuyện “soi gương”. Không ít những chủng sinh, tu sinh, khi mới tập tễnh bước vào nhà Chúa, đã cưu mang một tâm hồn tràn đầy nhiệt huyết với Chúa, với giáo Hội và với con người. Thế rồi, con người đầy sinh lực sống ấy được sống trong một Giáo Hội đầy tính chất của một “đạo sinh hoạt”, nghĩa là thứ đạo trong đó chủ yếu là những tổ chức; được đào tạo trong một đời sống nề nếp, được học hỏi bao nhiêu kiến thức;… rồi cuối cùng, con người ấy trở thành linh mục hoặc tu sĩ có đầy đủ kiến thức và kỹ năng chuyên môn, nhưng đánh mất đi nhiệt huyết chân chính thưở ban đầu. Đó là vì người tu sinh, chủng sinh ấy đã soi hành trình của mình vào tấm gương của những “sinh hoạt” trong Giáo Hội. Chúng ta cũng có thể tin rằng có một số cán bộ cách mạng, ban đầu thì đầy thiện tâm thiện chí đi theo lý tưởng cách mạng để phục vu nhân dân; rồi sau đó họ đi vào cơ chế, tham gia vào tổ chức, rồi họp hành, rồi kế hoạch, rồi nhu cầu phải giải quyết những tình huống cụ thể….và rồi trở thành một quan chức không còn biết đến, không còn cảm thông được nỗi khổ của dân nghèo. Người cán bộ ấy đã soi gương đời mình trong các tổ chức của giới cầm quyền … Những tình trạng biến chất ấy xẩy ra rất nhiều, trong nhiều tổ chức, và cả trong nhiều đoàn hội tôn giáo.
            Người ta tìm mình trong “gương”, tìm khẳng định mình trong tổ chức xã hội, người ta hình thành ra mình theo bậc thang giá trị của xã hội chung quanh; và những “tấm gương” ấy luôn có nhiều nguy cơ che mờ hoặc làm biến dạng khuôn mặt đích thực của mình. Thật ra, “gương soi” không làm nên bản chất con người, vì bản chất người vẫn luôn có khả năng phản tỉnh, vẫn luôn có khả năng thay đổi những “bóng tối” thành nên “ánh sáng”, mà nguyên lý chính yếu để làm nên cuộc phản tỉnh ấy không phải do những “gương soi” trong tương quan xã hội. Tuy vậy, nhìn vào “gương soi”, người ta có thể nhận ra được bóng tối hoặc ánh sáng trên khuôn mặt của mình. Vấn đề soi gương thực sự có thể giúp con người nhìn ra được thực trạng của mình lúc này.
            Hơn nữa, vấn đề “soi gương” còn là một yếu tố quan trọng trong hành trình lịch sử của con người và là một trong những thách đố căn bản của kiếp nhân sinh. Đối với Kitô giáo, hành trình lịch sử không phải quãng thời gian lưu lạc mà con người cần mau chóng tỉnh thức để quay về với Đại ngã, nhưng là đoạn đường bắt buộc, một cách nào đó, để con người bước ra khỏi hư vô, đáp lại lời Chúa gọi tiến đến hiện hữu, đi về với Tình Yêu trong một sự hiệp nhất có tính cách “mình với ta tuy hai mà một, ta với mình tuy một mà hai”. “Soi gương” là hành trình cần thiết để hình thành nên bản sắc riêng của một cá nhân, để cá nhân hiện hữu chân chính như một hữu thể có khả năng đi vào thứ tình yêu “hiệp nhất trong đa dạng” của Đạo Kinh Thánh.
1.2. Giáo Hội “soi gương”
            Nét căn bản của đạo Kinh Thánh là lịch sử ơn cứu độ, chứ không phải là một trình độ siêu thoát. Sống đạo là sống lịch sử cuộc đời trần thế của mình trong niềm tin, và hình thành cuộc đời mình trở nên một lịch sử ơn cứu độ. Điều đó vừa là đường nét căn bản của Dân Chúa, đường nét căn bản của mỗi tín hữu, vừa là đường nét căn bản của Giáo Hội Đức Kitô. Giáo Hội được mời gọi để tiến bước vào lịch sử nhân loại và biến lịch sử ấy trở nên lịch sử ơn cứu độ. Thời gian của Giáo Hội chiến đấu, quãng thời gian giữa hai lần Chúa đến, chính là thời gian để Giáo Hội gieo vãi hạt giống Tin Mừng, nhằm biến đổi lịch sử trần thế thành một lịch sử ơn cứu độ, và lịch sử ấy chỉ được hoàn thành trong ngày Quang Lâm. Chỉ khi đặt mình trong vị thế ấy, bản chất đích thực của Giáo Hội như là dấu chỉ Nước Trời mới được sáng tỏ.
            Bản chất của Giáo Hội lữ hành, theo Công Đồng Vatican II, không còn được đồng hóa với Nước Trời, nhưng chính là dấu chỉ của Nước Trời, là bí tích Nước Trời. Vị thế căn bản ấy, một cách nào đó, cho thấy rằng Giáo Hội không tìm cứu cánh nơi chính mình, nhưng luôn phải là dấu chỉ tỏ bày Nước Trời, nhằm tới ơn cứu độ của toàn thể nhân loại.
Khi trao đổi với thế giới những sự giúp đỡ hỗ tương, Giáo Hội nhằm một mục đích duy nhất là : làm cho Nước Chúa trị đến và toàn thể nhân loại được cứu rỗi. Mọi lợi ích mà Dân Chúa trong thời gian hành trình tại thế có thể đem lại cho gia đình nhân loại đều phát xuất từ sự kiện này : Giáo Hội là “ bí tích phổ quát cứu rỗi” (Xc. GH số 48), tỏ bày và đồng thời thực hiện mầu nhiệm tình yêu Thiên Chúa đối với con người”. (MV 45)
            Như thế có nghĩa là Giáo Hội luôn phải “soi gương” vào thế giới. Giáo Hội không ở bên lề của lịch sử nhân loại để hoàn thành một sứ mạng riêng tư nào, nhưng Giáo Hội là bí tích Nước Trời ngay giữa lòng lịch sử nhân loại. Cũng như vận mạng con người nói chung là hình thành nên khuôn mặt của mình trong việc “soi gương”, thì thái độ dấn thân, liên đới và liên lụy với cuộc đời, để tỏ bày sự hiện diện của Nước Trời, cũng là yếu tố làm nên phẩm chất của Giáo Hội lữ hành. 
            Không nhận ra được “gương soi” đích thực của mình trong lòng thế giới, Giáo Hội có nguy cơ làm méo mó gương mặt đích thực của mình. Từ lâu trong Giáo Hội, vẫn có một não trạng “siêu lịch sử” chi phối suy tư thần học và cung cách sống đạo. Người ta thấy trong Công Đồng Vatican II, có một cuộc “đấu tranh” giữa khuynh hướng siêu lịch sử và nền thần học đề cao chiều kích lịch sử như yếu tố căn bản của nhiệm cục cứu độ. Khuynh hướng siêu lịch sử giả thuyết rằng việc gặp gỡ Thiên Chúa và đạt được ơn cứu độ của Ngài diễn ra hoàn toàn trong một nơi huyền nhiệm nào đó của tâm hồn, một tầm hồn không bị nhiễm bẩn do những thực tại của không gian và thời gian. Nhiều người Kitô hữu, và cả các đấng bậc vẫn sống đạo như nỗ lực thoát khỏi những biến động của thời cuộc, nhìn những biến cố lịch sử xung quanh mình như một thế giới đi song song hoặc bên ngoài đời sống thiêng liêng. Suy tư thần học trong những thập niên cuối thế kỷ XX, nhờ vào các nhà thần học như Newmann, Teilhard de Chardin, Congar, Chenu, Danielou, Rahner, de Lubac, Shcillebeeckx ..., luôn ý thức rằng chiều kích thời gian thấm sâu vào đời sống tinh thần của con người và tạo nên tính chất thiết yếu của mọi kinh nghiệm nhân sinh cũng như kinh nghiệm đức Tin. Kinh nghiệm đức Tin chính là nhận ra “nơi chốn” thực hiện nhiệm cục cứu độ, kinh nghiệm ấy được thực hiện trong chính lịch sử. Theo nghĩa này, không có đức Tin, không có ơn cứu độ, không có thần học nào ở ngoài lịch sử; bởi vì đức Tin là sự trả lời đối với một biến cố, ơn cứu độ cũng chính là một biến cố và thần học chỉ có thể hiện hữu khi dựa vào những sự kiện, từ Abraham cho đến đức Giêsu Kitô, và đến Giáo Hội, một Giáo Hội vốn sống trong không gian và thời gian. Làm thần học không phải chỉ là mở cuốn Denzinger, nhưng còn là suy tư một cách chân chính trên những chất liệu cuộc sống, dựa trên ánh sáng của mạc khải.
            Thần học nẩy sinh trong lịch sử, được đọc trong lịch sử và hướng về lịch sử, bởi vì Thiên Chúa đã trở nên Lời và nên một biến cố lịch sử. Kitô giáo không phải là một hệ thống các tư tưởng, nhưng là “nhiệm cục cứu độ”. Chính đường nét ấy thể hiện tính mới mẻ riêng biệt của mặc khải Do Thái – Kitô giáo, so với những quan niệm Đông phương cũng như Hy Lạp.
Cuộc sống trong dòng lịch sử không phải là những chướng ngại cho sự hiểu biết chân lý, nhưng đó là nơi chốn duy nhất của mạc khải và là nơi thực hiện chân lý mạc khải. Theo nghĩa này, mạc khải Thánh Kinh dẫn dắt người tín hữu vượt qua mọi quan niệm siêu-lịch-sử, cũng như mọi quan niệm về lịch sử như một chu kỳ tuần hoàn, lịch sử như một định mệnh, hoặc như hệ quả thuần túy của những tương tác tự nhiên.

2. Giáo Hội Việt Nam soi mình trong dòng lịch sử dân tộc

            Giáo Hội Việt Nam đã được khởi đầu trong một hoàn cảnh khó khăn. Người Kitô hữu, trước cả khi thiết lập hàng giáo phẩm, đã đón nhận Tin Mừng và loan báo Tin Mừng trong hoàn cảnh bị bách hại. Giáo Hội Việt Nam thuở sơ khai ấy đã thể hiện mình trong sự thách đố đối với chính sự sống, trong hoàn cảnh không được chấp nhận ngay cả chính sự hiện hữu của mình. Đó là một thách đố sống còn. Vị thế ấy giống hệt như tình hình của Giáo Hội sơ khai trong 300 năm đầu, trong đó ý nghĩa của niềm Tin Kitô giáo được xác lập như một sự khác biệt. Khi ấy, đối diện với sự bách hại, các thành phần trong Giáo Hội nhận thức rõ rệt đức Tin của mình. Đức Tin làm nên sự khác biệt căn bản giữa mình với lương dân, và người tín hữu sống đức Tin nghĩa là dám sống những đòi hỏi của đức Tin như một lựa chọn cho trọn vẹn bản thân mình. Nhờ ý thức khác biệt trong “gương soi” ấy, nội bộ Giáo Hội có một sự hợp nhất với nhau.
            Nguyên sự hiện diện khác biệt và can trường ấy đã trở nên như một lời chứng; và đó cũng đã là một sự dấn thân; dấn thân không phải chỉ bằng lời hay bằng hành động mà bằng chính sự hiện diện hiên ngang trước thách đố sống còn. Một sự dấn thân như thế đã sinh hoa kết quả hiển hiện là 117 thánh tử đạo vào biết bao nhiêu anh hùng tử đạo khác. Ngoài ra còn biết bao nhiêu hoa trái khác là sự gia tăng số tín hữu… Giáo Hội Việt Nam khi đó đã “soi gương” vào lịch sử dân tộc và đã thể hiện mình như là một Giáo Hội tử đạo.
            Trong thời gian mà Giáo Hội Việt Nam không còn bị bách hại nữa, ta thấy nét nổi bật nhất của Giáo Hội Việt Nam chính là sự sầm uất trong các sinh hoạt. Ơn gọi linh mục tu sĩ đông đảo, các tổ chức lớn mạnh, lòng hăng hái nhiệt thành của người tín hữu trong các sinh hoạt nhà đạo. Tuy nhiên, mặt trái của sự sầm uất trong các sinh hoạt lại là một đời sống đức tin tách biệt với đời sống thường ngày, tách rời với lịch sử. Khi không còn đối diện với thế giới, không còn ý thức ý nghĩa sự hiện diện khác biệt của mình như một chứng tá đối với dòng lịch sử, các Kitô hữu bắt đầu nhìn nhau và phân biệt nhau bằng sự so sánh, đánh giá cao thấp trong nội bộ với nhau. Chiều kích danh giá thay thế cho chiều kích sứ vụ. trở thành nguyên lý chính yếu ngấm ngầm chi phối mọi sinh hoạt trong Giáo Hội. Nguồn ơn gọi đông đảo, việc gia tăng số lượng trong các dòng tu, các chức tước, phẩm trật trong Giáo Hội Việt Nam… tất cả đều bị nhận chìm trong ý thức danh giá hơn là ý nghĩa sứ vụ. Các tổ chức công giáo tiến hành đều biến chất và mang dáng vẻ của hội đạo đức hơn là mang Tin Mừng vào giữa lòng đời. Đời sống đức tin sầm uất trong lễ lạy, xưng tội, chủ yếu là để được rỗi linh hồn chứ không phải để biến đổi bộ mặt trần gian thành nên Nước Trời. Đức tin trong Giáo Hội Việt Nam thời kỳ này ít trở thành sức mạnh của việc tông đồ và truyền giáo, ít trổ sinh hoa trái trong đời sống nhân bản, ít đưa tới một đời sống thực sự gắn bó với Chúa trong lịch sử đời mình. Có lẽ trong thời kỳ này, Giáo Hội đã soi bóng của mình vào chính bản thân mình và đã tạo ra một hình ảnh Giáo Hội nặng tính chất danh giá, lễ nghĩa, nể vì. Giáo Hội Việt Nam đã không soi mình vào dòng lịch sử thế giới, lịch sử dân tộc để nhận ra trách nhiệm trở nên dấu chỉ Nước Trời cho dân tộc của mình.
            Với hiện tình chia rẽ trong Giáo Hội Việt Nam hiện nay, ta thấy hai mối nguy mà Giáo Hội có thể vấp phải : một đàng là khuynh hướng bận tâm thích nghi để tồn tại, đàng khác là lối nhìn duy ý thức hệ; một đàng thì tự bằng lòng với những sinh hoạt đạo đức “siêu lịch sử”, một đàng thì dấn thân như một sự đấu tranh cho một mục tiêu đã có từ trước, chứ không lắng nghe được ý nghĩa cứu độ trong từng biến cố; một đàng lấy làm vui vì sự phát triển những sinh hoạt nội bộ, đàng khác thì lấy vui buồn theo sự thắng thua của Giáo Hội chứ không phải của Nước Trời…. Thật ra, cả hai khuynh hướng ấy vẫn cùng là một thứ soi gương vào chính mình, vẫn là tìm cách để bảo vệ chính mình, vẫn là lấy chính bản thân của Giáo Hội như là cứu cánh chứ không còn như một dấu chỉ Nước Trời. Ta cũng có thể lấy một tiêu chuẩn khác để phân định khuôn mặt của Giáo Hội Việt Nam, đó là sự quan tâm, lòng thiết tha với những người nghèo, những người bé mọn, những người đau khổ, những người đang gánh chịu những bất công trong cuộc sống. Đó chính là nét xuyên suốt trong lịch sử ơn cứu độ, đặc biệt là trong Tin Mừng Cứu Độ của Đức Giêsu. Một Giáo Hội “soi gương” vào thế giới, và “soi gương” vào Chúa, sẽ luôn luôn tìm thấy khuôn mặt “dấu chỉ Nước Trời” của mình, trước tiên, cho những người nghèo :
Ông Gio-an lúc ấy đang ngồi tù, nghe biết những việc Đức Ki-tô làm, liền sai môn đệ đến hỏi Người rằng : "Thưa Thầy, Thầy có thật là Đấng phải đến không, hay là chúng tôi còn phải đợi ai khác ?" Đức Giê-su trả lời : "Các anh cứ về thuật lại cho ông Gio-an những điều mắt thấy tai nghe : Người mù xem thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết sống lại, kẻ nghèo được nghe Tin Mừng, và phúc thay người nào không vấp ngã vì tôi." (Mt 11, 2-6)

 Tạm Kết

Giáo Hội chỉ có thể thể hiện khuôn mặt đích thực của mình khi dám hoà mình vào những diễn tiến lịch sử, nhận ra trong dòng lịch sử ấy những “dấu chỉ” như là những lời mời gọi của Thiên Chúa. Nẻo đường ấy vừa giả thiết thái độ trân trọng cuộc sống thật của con người, thiết tha với những biến động thăng trầm của hoàn cảnh xã hội chung quanh mình, vừa giả thiết một thái độ trân trọng tiếng nói của Chúa, lắng nghe lời mọi gọi dấn thân, làm chứng cho Nước Trời.
Khi đặt mình trong một thái độ trân trọng trần gian, thiết tha với cuộc sống con người, có thiện cảm với nhân loại, Giáo Hội mới có khả năng thoát khỏi lối nhìn siêu lịch sử để thể hiện mình như một sự dấn thân. Điều đó không có nghĩa là nói vâng với mọi chuyện, hoặc coi như mọi chuyện không có gì quan trọng, không có gì nguy hiểm. Một mối thiện cảm đích thực cũng bao hàm thái độ dám thể hiện vai trò ngôn sứ để tố cáo những sai lạc và dám đi ngược lại những gì mà đám đông quần chúng đang theo đuổi.
Khi đặt mình trong thái độ lắng nghe tiếng nói của Chúa, người ta mới có cơ may thoát khỏi lối nhìn thế gian, lối nhận định hơn thiệt theo những tiêu chuẩn của một thực tại lịch sử không có chân trời Cánh Chung. Trong hướng nhìn của lịch sử cứu độ, thực tại trần gian cần được luôn luôn ướm vào vận hành hướng tới thực tại Cánh Chung. Như thế, nẻo đường phát triển của Nước Trời không phải là con đường độc đạo, những là “phiêu lưu” từ muôn ngả theo sự dẫn dắt của Chúa Thánh Thần; không phải là con đường một chiều, nhưng là một cuộc đi-về giữa thực tại lịch sử và chân trời Cánh Chung. Con đường ấy luôn là cách thức làm sáng lên “Dấu Chỉ Giêsu” như hạt nhân của Nước Trời trong lịch sử nhân loại và toàn thể lịch sử vụ trụ. nẻo đường ấy không thể hướng tới một chân trời nào khác hơn là sự thành toàn của Nước Trời đang đến.
Như nắm men phải được vùi vào đấu bột (X. Lc 13, 20-21), Giáo Hội Việt Nam cũng dấn thân vào trần gian với men Tin Mừng, với sứ vụ đem những giá trị Tin Mừng của Bài Giảng Trên Núi, những giá trị Tin Mừng đầy tính chất cứu độ đối với lịch sử nhân loại, vào lịch sử trần gian để hướng lịch sử ấy đi đến điểm hoàn tất trong ngày Quang Lâm. Những điều ấy phải thực sự được thể hiện một cách có-thực trong dòng lịch sử cụ thể chứ không phải trong một hệ giá trị “siêu lịch sử” nào.
                                   
                                                Nguyễn Trọng Viễn O.P.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Top