Sức sống đức Tin như một dòng chứng tá

1. Thăng trầm của khái niệm chứng tá

Có lẽ người ta thường cho rằng, trong khi nhân loại còn chưa có được nhiều những phương cách kiểm nghiệm của lý trí và những phương pháp khoa học, thì yếu tố “làm chứng” mới được coi như điều cần thiết để người khác có thể nhìn nhận sự thật. Tuy nhiên, vấn đề không đơn giản như thế. Trước tiên bởi vì việc minh chứng bằng lý trí hoặc kiểm chứng bằng khoa học chỉ có thể thực hiện được với một số sự kiện nào đó. Thế mà, chẳng những trong cuộc sống con người có vô số những điều không thể kiểm chứng được bằng phương cách như thế; nhưng hơn nữa, đối với những điều trọng yếu nhất của cuộc sống con người, như lòng tin tưởng, tình yêu, sự hiệp thông, cũng như bao nhiêu điều ẩn chứa trong cõi lòng con người… lại luôn là những điều không thể minh chứng. Đối với những sự kiện độc nhất vô nhị, đối với những con người vốn là những hữu thể vốn độc nhất vô nhị và sâu thẳm khôn lường, nhất là đối với một Thiên Chúa mà bản chất của Ngài là siêu việt, thì chứng tá chính là một đường lối thông truyền chân lý đúng đắn nhất.
Với người tín hữu, chúng ta cần ghi nhận sự kiện này, đó là trong khi thế giới càng ngày càng phát triển về mặt khoa học, và không ít người Kitô hữu vì thế mà cảm thấy đức Tin bị đe doạ, thì ý thức của Giáo hội nói chung lại càng ngày càng nhận ra tầm quan trọng cũng như tầm giá trị cao quí của khái niệm chứng tá, đến độ ta có thể nói Kitô giáo chính là tôn giáo của niềm tin và của chứng tá.
1.1 Truyền thống Sách thánh
Trong truyền thống Sách thánh[1], chứng tá là một khái niệm quan trọng. Từ trong Cựu ước, chúng ta có thể thấy tầm quan trọng của việc làm chứng của con người. Tuy nhiên, chúng ta biết lời chứng của con người luôn có nguy cơ sai lạc, vì sự dối trá. Tác giả Thánh vịnh cho thấy nhiều người công chính bị hàm oan do những thứ làm chứng dối :
   “Xin đừng phó mặc con cho kẻ thù hung hãn,
   vì lũ chứng gian đứng dậy tố con,
   giương bộ mặt hằm hằm sát khí”.(Tv 27,12. Xc. Tv 35,11…)
Từ khi có giao ước Thập giới, lời chứng dối bị lên nghiêm cấm nặng nề (xc. Dnl 5,20) và bị coi như điều Thiên Chúa ghê tởm (xc. Cn 6,19)… Hơn nữa, trong Sách thánh, ta thấy chính Thiên Chúa cũng “đứng ra” để làm chứng. Thiên Chúa làm chứng cho những giao kèo giữa con người với nhau, giao ước hôn nhân, hoặc những thứ giao kèo khác (Xc. St 35,53 tt; Gr 42,5…) và chính Thiên Chúa tự làm chứng bằng cách công bố “tên” của Ngài và bằng những sự kiện chứng thực được bằng kinh nghiệm của con người để có thể bảo đảm cho giao ước, cho quyền năng và cho giáo huân Ngài ban cho Dân…
Trong Tân Ước, ta thấy khái niệm lời chứng vượt qua mức độ luật pháp, đạt đến thái độ luân lý và mức độ tôn giáo. Khi ta biết một người nào là tốt lành thì làm chứng cho người ấy, như thái độ của người Do thái với đức Giêsu (x. Lc 4,12); đối với Cornelio (x. Cv 10,22); hoặc thái độ của cộng đoàn tiên khởi đối với các phó tế tiên khởi (X. Cv 6,3)… Cuối cùng thì Sách thánh cho thấy chính đức Giêsu là nhân chứng trung thành tuyệt hảo :
“Xin Đức Giê-su Ki-tô là vị Chứng Nhân trung thành, là Trưởng Tử trong số những người từ cõi chết chỗi dậy, là Thủ Lãnh mọi vương đế trần gian, ban cho anh em ân sủng và bình an. Người đã yêu mến chúng ta và lấy máu mình rửa sạch tội lỗi chúng ta,…”(Kh 1,5. Xc Kh 3,14)
Nếu như trong Nhất lãm và sách Tông Đồ Công Vụ, sứ mệnh loan báo Tin Mừng là mệnh lệnh ưu tiên số một, các phép lạ kèm theo là để làm chứng cho lời rao giảng, thì trong Gioan cũng như trong thánh Phaolô, việc làm chứng trở thành yếu tố quan trọng hàng đầu. Tin Mừng Gioan cho thấy  Chúa Cha làm chứng cho đức Giêsu; bản thân đức Giêsu là Lời Chứng, lời nói và hành động của đức Giêsu cũng là lời chứng. Ngài làm chứng về những gì đã nghe và thấy nơi Chúa Cha (xc. Ga 3,11.32); làm chứng cho chính Chúa Cha (Xc. Ga 5,31t.37t); Người làm chứng chống lại thế gian (Xc. Ga 7,7)…. Trong lời khẳng định trước mặt Philatô, đức Giêsu tỏ bày mục đích nhập thể của Ngài là để làm chứng cho chân lý :
“Ông Phi-la-tô liền hỏi : "Vậy ông là vua sao ?" Đức Giê-su đáp : "Chính ngài nói rằng tôi là vua. Tôi đã sinh ra và đã đến thế gian nhằm mục đích này : làm chứng cho sự thật. Ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng tôi."(Ga 18,37)
 1.2 Truyền thống triết lý và khoa học Tây Phương
Trong khi đó, trong truyền thống văn minh Hy La và thế giới Tây phương lại biểu lộ một sự coi thường đối với sự hiểu biết bằng chứng tá, dựa trên niềm tin tưởng. Trong hệ thống siêu hình của mình, Platon đề cao lối tri thức bằng toán học và biện chứng pháp, vì đó là những loại tri thức không cần tới chứng cứ của cảm giác để đạt tới những chân lý tự nội, tức là đạt tới những hữu thể thuần khiết trong “ý giới”. Tri thức đích thực đối lập với cảm giác và với các ý kiến. Tri thức luận của Aristote vẫn không vượt qua được cái bóng của thầy Platon và chủ trương một sự hiểu biết khoa học phải là tri thức cái cái phổ quát như một điều tất yếu; hơn nữa, còn cần phải biết vì sao đó là điều tất yếu…
Từ những bậc thầy trong lịch sử triết học như thế,  người ta thấy một khao khát sâu xa trong tâm thức người Hy lạp, khao khát một sự hiểu biết có tính khoa học (episteme). Khao khát ấy chi phối mạnh mẽ suốt dòng lịch sử triết học Tây phương. Ngay trong thời Trung cổ, với các triết gia thuộc về tôn giáo mạc khải như Avincenne (980-1036), Averroès (1126-1198) trong Hồi giáo; hoặc Berenger de Tours (999-1088), hay Roger Bacon (1214-1294) trong Kitô giáo, người ta vẫn thấy ít nhiều có  khuynh hướng đề cao một sự hiểu biết hợp lý của lý trí hay bằng phương pháp khoa học hơn các loại hiểu biết khác. Trong thời cận đại, thời của lý trí, và nhất là trong thế kỷ XIX, thời đại của khoa học thực nghiệm, thì dĩ nhiên, đường lối nhận thức của ưu tiên nơi hầu hết các triết gia Tây phương, cả trong học thuyết duy lý lẫn duy nghiệm, dành một sự suy tôn tuyệt đối đối với phương cách nhận thức bằng lý trí và bằng phương pháp khoa học. Đặc biệt, với Auguste Comte (1798-1857) và học thuyết tam trạng (giai đoạn tôn giáo nhường bước cho giai đoạn triết lý; rồi giai đoạn triết lý lại phải nhường bước cho giai đoạn khoa học), thì những loại tri thức bằng niềm tin, bằng chứng tá dường như đã bị lên án tử.
Dĩ nhiên, trong trào lưu của văn minh hiện đại, khi mà não trạng suy tôn khoa học vẫn còn thống trị trong đại đa số con người hiện đại, và khi mà những phương cách kiểm nghiệm khoa học tìm được nhiều cách thức kiểm chứng rõ rệt, khoa học, thì thứ hiểu biết bằng chứng tá bị coi thường, gắn liền với thứ hiểu biết mơ hồ, đầy nguy cơ lầm lạc ….
Sự trái ngược giá trị của khái niệm chứng tá cho thấy một sự khác biệt sâu xa giữa hai hệ thống giá trị khác nhau, và điều đó chắn chắn không phải là vấn đề nhỏ trong việc sự sống và trong sức sống của đức Tin. Quả thật, đằng sau những vấn đề trọng yếu của đức Tin, phẩm chất của đức Tin, việc loan báo Tin Mừng,… có một vấn đề có vẻ thuộc về lãnh vực phương pháp, nhưng lại dính dáng sâu xa đến phẩm chất của đời sống đức Tin Kitô giáo, vấn đề chứng tá. Không nhận ra ý nghĩa cũng như tầm mức quan trọng của chứng ta, người Kitô hữu có thể bị lạc bước trong phẩm chất sự sống đức Tin, lạc điệu trong việc loan báo Tin Mừng …

2.  “Phẩm giá” của chứng tá

Từ những phân tích của Paul Ricoeur[2], người ta có thể thấy ba ý nghĩa của chứng tá. Trước tiên, chứng tá mang một ý nghĩa là sự tường thuật điều mà người ta nhìn tận mắt, nghe tận tai, hoặc điều gì gần như thế, về một sự kiện hoặc về một câu chuyện. Ý nghĩa thứ hai mang tính luật pháp, khi người ta là nhân chứng trong một vụ kiện, nhằm để ủng hộ một bên nào đó. Ý nghĩa thứ ba mang tính đạo đức, nó bao hàm một sự xác tín nội tâm của chính người làm chứng, và một sự dấn thân vào cuộc của chính bản thân người làm chứng, đến độ người đó có thể liều cả mạng sống mình để làm bảo chứng cho điều mình xác tín. Nếu cộng cả ý nghĩa thứ nhất và ý nghĩa thứ ba, và đôi khi cả ý nghĩa thứ hai nữa, chúng ta có được điều được diễn tả trong từ ngữ tử đạo (martyr), nghĩa là làm chứng một cách trịnh trọng và trọn vẹn. Đó chính là phẩm chất trọn vẹn nhất của đời sống đức Tin Kitô giáo.
Ý nghĩa chứng tá như thế biểu lộ một đẳng cấp tương giao đúng với phẩm giá con người. Con người được Thiên chúa sáng tạo nên để sống-với, sống với Chúa và sống với nhau. Ý nghĩa sống-với không phải chỉ là một phần nhỏ trong hành trình đời người, nhưng nằm trong nền tảng của hữu thể người và là phẩm chất chính yếu của hiện sinh con người. Con người chỉ là mình trong tương quan, và tương quan ở mức độ phẩm giá con người chính là mối tương giao dính dáng đến bản thân chứ không phải chỉ là những gì liên quan đến sự vật (hiểu như là những gì có thể tách biệt với chính bản thân, như tài năng, sắc đẹp, đức độ,…và dĩ nhiên là tiền tài, địa vị…). Trở nên chứng nhân, nghĩa là từ bỏ thái độ của một người đứng bên lề cuộc đời, nghĩa là chọn thái độ dấn thân, và đây không phải là dấn thân vì cái gì mà là dấn thân vì ai khác. Tha nhân không phải là một đối tượng khách quan mà người ta có thể thấu triệt bằng khảo sát khoa học, bằng kiến thức, hay bằng lý chứng của triết học. Tha nhân là một huyền nhiệm mà người ta chỉ có thể đạt đến được trong thái độ rộng mở chính bản thân của mình để đón nhận, trong kinh nghiệm cụ thể, trong hành trình dấn thân.
 Mối tương giao ấy vượt trên sự hiểu biết thuần lý trí, vượt trên cách cư xử đúng đắn khách quan của lễ nghĩa, vượt trên mức độ “sống đúng” của người chính nhân quân tử… Chỉ trong đẳng cấp sống-với, con người mới tìm thấy chân trời rộng mở để có thể đạt đến ý nghĩa trọn vẹn của tình yêu :
“Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình”. (Ga 15,13)
Thực sự đức tin của người Kitô hữu không phải là một thái độ do cá nhân tự lựa chọn; và nội dung đức Tin không phải do người Kitô hữu sáng tạo ra. Từ cội nguồn, đức Tin là một sự lãnh nhận, cả sự sống đức Tin cũng như nội dung của đức Tin cũng đều là được lãnh nhận. Tuy vậy, phẩm chất của đức Tin lại không phải đơn giản là một sự nắm bắt các chân lý khách quan bằng lý trí, cũng không phải đơn giản là một sự thông truyền các tư tưởng khách quan, mà chính là một dòng sự sống được trao ban và lãnh nhận, được nhào nặn và thấm nhuần, được sáng tạo và lại được trao lại cho anh chị em của mình. Cái duy nhất của đức Tin được thể hiện trong cái đa phức trong mỗi cá nhân mà không mất đi tính duy nhất mà cũng chẳng làm khô héo cái đa phức. Đức Tin trong dòng sức sống chính là một sự lãnh nhận (thụ động) một cách đầy tính chủ thể (chủ động). Tin là tự hiến mình để cho chân lý của Chúa được tỏ hiện, để cho bản thân mình được nhào nặn trong chân lý và tỏ hiện trong nét đa dạng phong phú khôn lường mà vẫn nằm trong một dòng sự sống duy nhất.
“Xin Cha lấy sự thật mà thánh hiến họ. Lời Cha là sự thật. Như Cha đã sai con đến thế gian, thì con cũng sai họ đến thế gian. Vì họ, con xin thánh hiến chính mình con, để nhờ sự thật, họ cũng được thánh hiến. (Ga 17, 17-19)
Do đó, cái duy nhất của chân lý trong nội dung “chúng tôi tin” không làm giảm nhẹ cái chứng tá đặc thù của “tôi tin” và ngược lại. Ý nghĩa chứng tá là một khái niệm trọng tâm để diễn tả dòng sức sống ấy. Chúng ta có thể thấy rõ ý nghĩa căn bản này trong quan niệm và linh hứng Thánh kinh Công giáo, theo đó, các thánh ký, cá nhân hay tập thể, không phải chỉ là những người thụ động ghi chép chân lý mặc khải một cách khách quan, nhưng là “người” sống và tường thuật lại chính kinh nghiệm đức Tin của mình để làm chứng cho Chúa. Từ hành vi đơn giản của sự sống đức tin như làm dấu, cho đến việc làm thần học, với những khám phá lại đường nét căn bản của nội dung đức tin, tất cả đều thiết yếu là tìm về một kinh nghiệm đức Tin mang tính cá nhân, một thứ kinh nghiệm rộng mở bản thân mình cho chân lý của Chúa, thứ kinh nghiệm có khả năng đưa tới hành động chia sẻ đức Tin, hoặc như một xác tín cá nhân, hoặc như một sự khởi đầu của hành trình khám phá lại nét phong phú của đức Tin (làm thần học) ….

3. Sức sống đức Tin như một dòng chứng tá

Việc khám phá lại ý nghĩa của phạm trù chứng tá không phải chỉ là một sự đổi mới để thích nghi mà là một sự đổi mới nhờ biết trở về nguồn. Ý nghĩa ấy nằm trong mối liên hệ hữu cơ với những đổi mới khác về ý nghĩa đức Tin.
3.1 Trở về với nguồn mạch sống-với
Triết học Tây phương, bắt nguồn từ Hy lạp và La mã dần dần hướng tới một cách hiểu biết của lý trí và giảm nhẹ hoặc bỏ mất hẳn mối tương quan nhân thân (relation personnelle); đến độ thần thánh cũng bị giản lược thành quy luật. Triết gia là người sống theo thần thánh đúng đắn nhất vì triết gia là người hiểu biết quy luật của vũ trụ nhiều nhất và có thể sống đúng theo quy luật tốt nhất. Giai cấp tăng lữ chỉ là giai cấp thứ yếu, và trách vụ của giai cấp này chỉ nhằm để cử hành nghi lễ cúng bái, xoa dịu nỗi lo sợ của những người bình dân.
Trong khi đó, truyền thống Kinh thánh lại cho thấy ý nghĩa chân chính nhất của tương quan nhân thân (relation personnelle). Con người không phải chỉ đón nhận những chân lý mặc khải vô ngã của Chúa, mà là đón nhận chính bản thân Chúa, trong tính cách ngôi vị, biểu lộ trong sự “sống với”, trong cầu nguyện với một Đấng có thể đối thoại, trong phụng thờ đối với Đấng có thể đòi ta hy sinh đến cả con một của mình…
Đức Tin là một lời mời gọi sống tương quan nhân thân, chứ không phải chỉ là một học thuyết hay một lý tưởng sống. Đức Tin khai mở một sự sống trong tương giao ở đẳng cấp ngã vị, khác với việc nhận biết bằng lý trí, như nhận biết một sự vật nào đó. Chỉ duy đẳng cấp tương giao này mới có khả năng mở rộng chân trời “sống-với” đến độ người ta có thể hy sinh mạng sống vì nhau. Thiên Chúa không chỉ yêu thương con người “bằng môi miệng”, nhưng Ngài chứng thực tình yêu ấy bằng một tiến trình dấn thân mỗi ngày mỗi sâu xa và triệt để hơn, đến độ thông ban chính Con Một của Ngài để làm chứng cho tình yêu ấy. Con người được lãnh nhận hồng ân đức Tin từ noi một Thiên Chúa ngã vị như thế, thông qua dòng sức sống của lịch sử ơn cứu độ như một dòng chứng tá, để sống và bảo vệ gia sản đức Tin ấy bằng tất cả bản thân và cuộc đời của mình. Trong kitô giáo, không có một thứ đức Tin “từ trên trời rớt xuống” cho mỗi người, nhưng luôn là hồng ân từ Đức Kitô, từ Thánh thần của Người, và từ một Hội thánh với phẩm chất “tông truyền”.
Một minh chứng cụ thể cho khía cạnh này là quan niệm của Vatican II về mạc khải. Trong Khi Vatican I nói về mạc khải trong khía cạnh khách thể, Chúa mạc khải những chân lý bất khả ngộ, thì Vatican II lại trình bầy mạc mạc trong khía cạnh tương quan chủ thể, điều chính yếu là Thiên Chúa mạc khải chính bản thân Chúa cho con người :
“Thiên Chúa nhân lành và khôn ngoan đã muốn mạc khải chính mình và tỏ cho mọi người biết mầu nhiệm thánh ý Ngài (X. Ep 1,9). Nhờ đó, loài người có thể đến cùng Chúa Cha, nhờ Chúa Kitô, ngôi Lời nhập thể trong Chúa Thánh Thần, và được thông phần bản tính của Thiên Chúa (X. Ep 2,18; 2P 1,4). Trong việc mạc khải này, với tình thương chan chứa của Ngài, Thiên Chúa vô hình (X. Cl. 1,15; 1Tm 1,17) ngỏ lời với loài người như với bạn hữu (Xac. 33,11; Ga 15,14-15), Ngài đối thoại với họ (X. Br. 3,38) để mời gọi và đón nhận họ hiệp nhất với Ngài” (MK 2a)
3.2 Chiều kích lịch sử
Đức tin, một cách chính yếu, không phải là những chân lý vô ngã, trừu tượng, nhưng là sự sống. Sức sống đức Tin, một cách chính yếu, không phải chỉ là tâm tình tin tưởng ở đây và lúc này, mà là đặt mình vào dòng sự sống của Chúa qua dòng lịch sử. Đức tin của các vị tiền nhân trở thành chứng tá cho hậu thế, và quá khứ của mỗi người cũng trở thành chứng tá cho bước dấn thân hiện tại. Đức Tin Kitô giáo luôn bao hàm chiều kích lịch sử một cách đúng nghĩa. Kitô giáo thiết yếu là một lịch sử ơn cứu độ, và lịch sử ơn cứu độ được tuân chảy trong mạch sống của chứng tá.
Sống đức Tin, một cách nào đó, chính là sống với một “giác quan kỷ niệm” sinh động và nhậy bén. Người Kitô hữu luôn cần nhận ra những chứng tá về đời sống đức Tin trong quá khứ, nơi những tiền nhân và trong chính kinh nghiệm riêng tư của mình về những gì Thiên Chúa đã nói và đã hành động trong quá khứ. Đồng thời, với người Kitô hữu, sự sống đức tin trong dòng lịch sử ấy cũng không phải là một diễn tiến bất định, phó mặc cho tính ngẫu nhiên, mà chính là thái độ “ướm vào chung cuộc”. Tin vào chứng tá của Chúa trong quá khứ để dấn thân trong hiện tại; lý giải hiện tại bằng cách ướm những sự kiệm vụn vặt vào “sơ đồ” của ngày thành toàn ơn cứu độ. Tin là khám phá những “dấu chỉ” hành động của Thiên Chúa qua những chứng tá; và nhìn nhận chứng tá ấy như những điểm, những đường nét phác hoạ bộ mặt thế giới chung cuộc. Sức sống đức Tin, cái “tôi tin” và “chúng tôi tin” biểu lộ trong một dòng chứng tá của một cá nhân, một cộng đoàn, trong bầu khí chung của Hội thánh.
Như thế chúng ta hiểu rõ hơn ý nghĩa của mầu nhiệm Giáo hội như là Dân Thiên Chúa, như được diễn tả trong chương II của Hiến chế Tín Lý về Giáo Hội :
“Tuy nhiên, Thiên Chúa không muốn thánh hoá và cứu rỗi loài người cách riêng rẽ, thiếu liên kết, nhưng Ngài muốn qui tụ họ thành một dân tộc để họ nhận biết chính Ngài trong chân lý và phụng sự Ngài trong thánh thiện (. . .) Người triệu tập dân chúng từ dân Israel và từ các dân ngoài, họp thành một khối duy nhất trong Thánh Thần chứ không theo xác thịt, để làm họ nên dân tộc mới của Thiên Chúa”. (GH 9)

Tạm kết

Người ta có thể thấy một sự chuyển biến ý nghĩa sâu xa từ Vatican I đến Vatican II[3]. Trong khi Vatican I coi Giáo hội, với những phẩm chất như duy nhất, thánh thiện, vững chãi, rộng khắp, phong phú, như là một dấu chỉ bày tỏ trước mặt muôn dân, thì Vatican II lại tìm phương cách nhân hoá và nội tâm hoá dấu chỉ Giáo hội và luôn nói tới “chứng tá của các kitô hữu”. Chính những người Kitô hữu với đời sống thánh thiện và những cộng đoàn Kitô hữu, với đời sống hiệp nhất và yêu thương, mới biểu lộ rõ rệt “dấu chỉ Hội thánh”. Từ Vatican II, dấu chỉ Hội thánh được quy chiếu một cách thiết yếu vào phạm trù chứng tá. Trong các hiến chế cũng như trong các tuyên ngôn và sắc lệnh của Vatican II, người ta thấy khái niệm chứng tá trở nên đầy tràn, phong phú trong mọi khía cạnh… Sau Vatican II, đặc biệt trong tông huấn của Kitô hữu giáo dân của đức Gioan Phaolô II, phạm trù chứng tá vẫn là một trục chính của việc loan báo Tin Mừng.
Như chúng ta đã nói, ý nghĩa lời chứng không phải chỉ có trong vấn đề loan báo Tin Mừng, nhưng chính là một phẩm chất căn bản của đức Tin, của đời sống Giáo hội trong cuộc lữ hành đức Tin. Ý nghĩa chứng tá cần phải được hiểu lại trong việc đào tạo, ngay cả trong việc dạy học, trong tổ chức cộng đoàn…. Chẳng hạn, trong việc giảng lời Chúa của các linh mục, việc trình bầy những chân lý khách quan vẫn luôn cần thiết, nhưng người linh mục không vì thế mà làm nhẹ hoặc bỏ qua khía cạnh “thánh hiến cho chân lý” để có thể rao giảng như một chứng nhân của chân lý.



[1] Phần này, xin coi Điển Ngữ Thần Học Thánh Kinh, mục “lời chứng”…

[2] Xc. Dictionaire de Théologie, sous la direction de Peter Eicher, Les Edition du cerf, 1988, mục Témoignage.
[3] Xc. Dictionaire de Théologie fondamentale, sous la direction de René Latourelle, Edition du Cerf, mục Témoignage.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Top