Phẩm giá và Chức năng
trong Đời Sống Thánh Hiến
Hơn lúc nào
hết, nhu cầu huấn luyện trí thức và mục vụ đang trở nên cấp bách trong đời sống
Giáo Hội Việt Nam,
đặc biệt trong đời sống thánh hiến. Ở thành phố Sài Gòn này, người Kitô có thể cảm thấy một cách cụ thể sức sống của
Giáo Hội, trong các thánh lễ và sinh hoạt mục vụ ở các giáo xứ; và ở một tầng
sâu hơn, trong việc các hội dòng nam nữ đổ xô về đây để tìm kiếm ơn gọi. Người
ta có thể thấy ở mọi nơi, bóng dáng âm thầm nhưng không khó nhận ra của các nữ
tu, hoặc các tu sinh, lặng lẽ đạp xe trên đường phố; và người ta có thể đoán ra
được các chị em ấy đang theo học một lớp nào đó, tại một trung tâm nào đó…
Về hiện tượng phong phú ơn gọi ở
Việt Nam, những người bi quan thì sẽ giải thích rằng não trạng người Việt thích
danh giá; mà vị thế của linh mục hoặc tu sĩ vẫn còn “có giá” trong đời sống
Giáo Hội, nên số người theo đuổi ơn gọi ấy vẫn còn tương đối dồi dào…. Nhưng
người khác thì lại có thể thấy rằng những nề nếp sống đạo mà cha ông chúng ta
gầy dựng nên đã hình thành nên, ở tầng sâu hơn khía cạnh danh giá, một thứ cảm
quan tôn giáo thấm nhiễm sâu đậm và man mác trong tâm hồn người tín hữu, mà
ngay cả cuộc sống đầy những cám dỗ thăng tiến trần thế và hưởng thụ vật chất
ngay nay cũng khó có thể thay thế hoàn toàn được. Chẳng hạn những người tín hữu
ấy có thể, khi không “đi tu”, sống một đời sống khô khan hoặc bỏ đạo, thì về
cuối đời cũng có rất nhiều cơ may tìm lại được đời sống đức tin. Những người
tín hữu như thế, khi “đi tu”, cũng có thể có người theo đuổi danh giá và hưởng
thụ trong “đời tu”, những cũng không phải là không có những linh mục và tu sĩ
thực sự tìm lại được “chiều sâu” của một đời sống đức Tin chân chính.
Có lẽ cả hai cách nhìn đều có
phần đúng. Tuy nhiên, dù thế nào đi nữa, Giáo hội Việt Nam hôm nay không thể
không tạ ơn Chúa, cám ơn những bậc tiền nhân đã gieo trồng đời sống đức Tin
trên mảnh đất Việt này; và điều quan trọng chắc chắn không phải là phê phán
hoặc hối tiếc, cũng không phải là hãnh tiến hay tự mãn, mà là trân trọng đón nhận
gia sản ấy một cách có trách nhiệm. Trân trọng đón nhận gia sản một cách có
trách nhiệm, điều đó có lẽ thể hiện trong nỗ lực củng cố việc đào tạo, chủ đề
mà Chia Sẻ đã chọn cho cả năm 2011. Tuy nhiên, có lẽ chính vấn đề huấn luyện
trí thức và mục vụ sẽ là nơi bộc lộ rõ nét hơn hết thực chất của đời sống thánh
hiến. Việc huấn luyện trí thức và mục vụ có thể hoặc đưa đến nguy cơ của một
thứ đạo danh giá nặng nề hơn nữa, hoặc góp phần vun trồng đời sống đức Tin ở
mạch nguồn của sứ vụ. Chính vì thế, bài viết này xin được trở về với vấn đề
phẩm giá và chức năng trong đời sống thánh hiến, một vấn đề dính dáng tới căn
tính của việc huấn luyện mục vụ và trí thức.
1. Trở về mạch nguồn của phẩm giá
1.1 Ý thức phẩm giá người trong lịch sử
Các triết
gia lớn nhất của Hy Lạp, như Platon và Aristote, đã không phân biệt được phẩm
giá và tài năng. Các ông thấy rằng các người phụ nữ và người nô lệ có ít trí
khôn, nên đương nhiên cũng phải là những người thấp kém trong đô thị. Tuy
nhiên, người ta cũng có thể tìm thấy trong thế giới Hy Lạp một số dữ kiện khẳng
định, một cách nào đó, phẩm giá của con người. Từ thế kỷ thứ V tcn, trong tác
phẩm Antigone, Sophocle (497-405), đã kể có một thiếu nữ đã dám bất tuân lệnh
nhà vua. Nhà vua cấm không được chôn cất anh của cô, anh ta bị giết vì can tội
phản quốc. Cô ta nói với vua rằng có luật của Trời còn cao hơn lệnh của vua.
Đặc biệt, các triết gia Khắc Kỷ
thời kỳ La Mã, trong tiến trình mong muốn hủy bỏ chế độ nô lệ, đã nêu lên được
một sự bình đẳng tự nhiên giữa những người nô lệ và những người tự do. Họ cho
rằng tất cả luật của con người đều không công bằng, đặc biệt là luật của các
bạo chúa. Nhưng có một thứ luật ghi khắc trong chúng ta và không cần phải viết
ra, luật đó cho phép chống lại mọi luật lệ bất công. Ciceron (106-43 tcn),
trong cuốn Loi, I,10 nói rằng có một sự bình đẳng tự nhiên giữa mọi người, vì
mọi người đều có chung lý tri. Triết gia Sénèque (khoảng tk I, cn) cho rằng chế
độ nô lệ không có nền tảng tự nhiên mà chỉ là công ước xã hội. Nô lệ chỉ là một
sự làm thuê suốt đời[1].
Trong thời
Cận đại và Hiện đại, thế giới Tây phương đã hình thành nên được một số bản
tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền : Tuyên Ngôn Nhân Quyền 1689 của Quốc Hội
Anh; Tuyên Ngôn Độc Lập của Hoa Kỳ (1776). Tuy nhiên, bản Tuyên ngôn của Cách
Mạng Pháp 1789 là một cột mốc quan trọng, vì nó có một tầm ảnh hưởng rộng lớn
khắp Âu Mỹ, nhờ được hỗ trợ của một số nhà tư tưởng trong nhóm Bách Khoa. Sang
thế kỷ XX, chúng ta có bản Tuyên Ngôn nhân quyền của Liên Hiệp Quốc 1948. Tuyên ngôn nhân quyền của Liên Hợp Quốc
được biểu quyết tại Paris ngày 10-12-1948 . Điều Một của văn kiện ấy viết : “Mọi người
đều sinh ra tự do và bình đẳng về phẩm giá và quyền lợi. Con người có lý trí và
lương tâm, và phải đối xử với nhau trong tinh thần huynh đệ”[2].
Một điều
cần ghi nhận là người ta chỉ khám phá ra ý niệm phẩm giá con người (la dignitée
de L’homme, humanité) khi có những con
người bị chà đạp. Chính sự hiện diện của người nghèo, hoặc nỗi đau thương của
con người đã làm bật ra ý nghĩa cao quý, giá trị căn bản của một con người. Khi
con người bị “lột trần”, khi bản thân một con người không còn được bảo vệ,
trang trí, tô vẽ bằng tiền của hay địa vị, thì con người ấy lại có thể biểu lộ
được rõ nét điều căn bản nhất, đòi hỏi người khác phải tôn trọng, đó là phẩm
giá một con người. Ở đây, xuất hiện ra một tâm tình tôn trọng căn bản. Tôn
trọng là yếu tố căn bản để thiết lập tha nhân như là những “đối tác” bình đẳng;
và sự tôn trọng tha nhân như là người, chứ không phải như là một nhân vật, điều
đó có khả năng biểu lộ ý nghĩa của phẩm giá con người.
Thật ra, trong nhân loại, vốn đã
có tiềm tàng một thứ tình cảm tự nhiên về phẩm giá con người. Dĩ nhiên, tình
cảm tôn trọng tha nhân không phải rõ nét trong mọi lãnh vực. Chẳng hạn, trước
kia, người ta không quan trọng lắm mạng sống của cá nhân, so với những diễn
tiến có tầm quan trọng hơn nhiều của vận mệnh một dân tộc. Tuy vậy, người ta
cũng thấy tình cảm tôn trọng thưở nguyên sơ được bộc đặc biệt, chẳng hạn, trong
nghi thức chôn táng. Từ khi có sự hiện diện của con người thì cũng có những
nghi lễ chôn táng người chết. Đó chính là dấu vết tâm tình tôn trọng con người;
bởi vì con người, dù là một xác chết, cũng cần được tôn trọng khác với xác chết
của con vật.
Mặt khác, quá trình khám phá và
đấu tranh cho phẩm giá con người luôn dựa trên một nền tảng khác, đó là việc
coi con người như một ngôi vị, hoặc nhân vị (personne). Chỉ khi nào, một cách
minh nhiên hoặc mặc nhiên, người ta ý thức mỗi con người là một nhân vị, thì
khi đó, người ta mới có được một nền tảng để khẳng định về phẩm giá con người.
Về khái niệm ngôi vị, các triết gia chỉ có thể tìm thấy yếu tố linh hồn như một
thực tại căn bản làm nên ngôi vị. Aristote cho rằng con người, vì có linh hồn
(anima) như là một bản thể tự lập (subsistentia), nên có được ngôi vị (prosopon
= khuôn mặt) mà con vật không có được. Boèce (k. 470-525) thì định nghĩa ngôi
vị như “một bản thể cá nhân có lý tính (rationis naturae individua substantia).
Sau này, với trào lưu vô thần và duy vật, chủ trương chối bỏ Thượng Đế và linh
hồn, người ta chỉ có thể nại đến nền tảng của ngôi vị là sự công nhận của nhà
nước. Như thế, phẩm giá con người được xây dựng trên một nền tảng khá mong
manh. Vì không ai có thể kiểm soát được Nhà Nước một cách hiệu quả. Đây chính
là vấn đề gây nên sự khác biệt về quan điểm nhân quyền giữa các nhóm quốc gia
khác nhau…
Cuối cùng, sự trân trọng phẩm giá
con người được thể hiện trong việc đấu tranh cho nhân quyền (droit de l’homme),
quyền được phát triển bản thân của mỗi người. Đó là điều tất nhiên, vì người ta
không chỉ là người, nhưng còn phải làm người. Nền tảng của nhân phẩm là con
người được là người, nhưng con người cũng khác con vật ở chỗ còn cần phải được
làm người, nghĩa là được thể hiện mình trong một quá trình, hoàn thành cuộc đời
mình trong một lịch sử, “làm nên” bản thân mình bằng một nhân cách phong phú,
sung mãn. Chính vì thế mà từ ngữ ngôi vị (personne) để chỉ bản thân con người,
khác với con vật, lại luôn bao hàm một khát vọng triển nở không thể bỏ đi, được
diễn tả trong các từ ngữ nhân cách (personnalité) hoặc nhân vật (personnage).
Người ta muốn khẳng định cá tính của mình, muốn hoàn thành ngôi vị của mình với
một nhân cách sung mãn hoặc muốn trở thành một nhân vật tiếng tăm..
Mặc dầu những bản tuyên ngôn và
nhân quyền vẫn có những giới hạn cụ thể, nhưng ta cũng phải công nhận việc khám
phá và phát triển ý thức nhân phẩm và nhân quyền là một thành quả lớn lao trong
tư tưởng nhân loại. Khi không ý thức rõ rệt về phẩm giá con người, con người có
thể sẽ bị đối xử tệ hại đến tận cùng. Việc không ý thức phẩm giá con người là
nguyên nhân gây ra những tội ác trầm trọng nhất trong lịch sử. Những người theo
chủ thuyết Phát Xít đã tiêu diệt hàng loạt người Do Thái, vì họ cho rằng những
người Do Thái và người da mầu thuộc về loại dưới-người….
Ngoài ra, ta còn thấy có một nguy
cơ khác, đó là sự mập mờ giữa phẩm giá và chức năng. Chẳng hạn, ở thế kỷ XX,
khi người ta muốn giải phóng phụ nữ khỏi xó bếp, muốn giành quyền bình đẳng cho
phụ nữ thì người ta lại cào bằng mọi chức năng, nghĩa là đấu tranh để người phụ
nữ cũng đi lính, xuống hầm mỏ, hoặc coi việc được đi làm ngoài xã hội như người
nam là một thành quả của việc đấu tranh cho sự bình đẳng…
1.2 Kitô giáo và nhân phẩm
Trong Sách Thánh, người ta khám
phá ra một kho tàng phong phú để xác nhận phẩm giá người. Trước tiên, phải kể
đến nền tảng quan trong nhất của khoa nhân học Kitô giáo, đó là : con người
được sáng tạo nên giống hình ảnh Thiên Chúa :
“Thiên Chúa phán : "Chúng ta hãy làm ra con người theo hình
ảnh chúng ta, giống như chúng ta, để con người làm bá chủ cá biển, chim trời,
gia súc, dã thú, tất cả mặt đất và mọi giống vật bò dưới đất.". Thiên Chúa
sáng tạo con người theo hình ảnh mình, Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình
ảnh Thiên Chúa, Thiên Chúa sáng tạo con người có nam có nữ”. (St 1,26-27)
Ở vùng cận
đông cổ, người ta đã có khái niệm con người là hình ảnh của thần linh, nhưng
khái niệm ấy chỉ được áp dụng cho các vị vua. Vua là con Trời, vua thay Trời để
cai trị thần dân. Trong khi đó, Kinh Thánh lại áp dụng ý niệm này cho tất cả
mọi người; và mọi người được giống hình ảnh Thiên Chúa để cai quản trái đất.
Kinh Thánh xác nhận con người nói chung, xác nhận người nam và người nữ, được
sáng tạo nên giống hình ảnh Thiên Chúa, đó chính là nền tảng của phẩm giá con
người[3].
Mặt khác, ngay trong Cựu Ước, người ta đã thấy những luật lệ nghiên cấm không
được làm thiệt hại đến mạng sống, tài sản, danh dự của người khác, đặc biệt là
những điều khoản nhằm bệnh vực quyền lợi của những “ngoại kiều, bà góa, mồ côi”
(Xc. Xh 21,20-23). Trong Dân Israen, ngay cả nhà vua, nếu không tuân theo những
mệnh lệnh ấy thì cũng bị phạt, chẳng hạn trường hợp vua Đavít (x. 2Sm 12,7-10)
và vua Achab (X. 1V 21,17-24).
Trong Tân
Ước, chúng ta thấy Chúa Giêsu đặc biệt bênh vực những người bệnh tật, động lòng
thương xót với những người đau khổ, cảm thông và tìm cách cứu vớt với những
người tội lỗi… Chính Tin Mừng của Chúa Giêsu mới thật sự là nguồn mạch của phẩm
giá con người, phẩm giá là-người cũng như phẩm giá làm-người. Chúa Giêsu cho
thấy phẩm giá là-người của những kẻ bé mọn và khẳng định nền tảng của sự bình
đẳng ấy được chuẩn nhận nơi chính Thiên Chúa. Sự quan tâm của Thiên Chúa đến cá
nhân con người được khẳng định trong việc trao ban cho mỗi người có một thiên
thần bản mệnh.
"Anh em hãy coi chừng, chớ khinh một ai trong những kẻ bé
mọn này ; quả thật, Thầy nói cho anh em biết : các thiên thần của họ ở trên
trời không ngừng chiêm ngưỡng nhan Cha Thầy, Đấng ngự trên trời”. (Mt 18, 10)
Tuy nhiên,
con người không phải chỉ hiện diện trên mặt đất như một cái gì đã hoàn tất. Con
người cần phải sống cuộc đời mình để hoàn thành phẩm giá là người bằng một tiến
trình làm người. Con người và cuộc đời, đó là hai điều không thể tách rời nhau.
Phẩm giá là người cần phải được “hoàn tất” khi tính đến một thứ tạm gọi là
“phẩm giá làm người” hay “phẩm chất đời người”. Chúa Giêsu cũng khẳng định phẩm
giá làm-người khi cho biết điều làm nên phẩm tính cao của đời sống con người
không phải do một so sánh sự hơn thua bên ngoài, nhưng là một sự hoàn thành
chính bản thân mình trong cuộc đời, và điều đó thể hiện trong sự sẵn sàng cho
đi ít nhiều chính bản thân mình:
“Người liền nói :
"Thầy bảo thật anh em : bà goá nghèo này đã bỏ vào nhiều hơn ai hết. Quả
vậy, tất cả những người kia đều rút từ tiền dư bạc thừa của họ, mà bỏ vào dâng
cúng; còn bà này, thì rút từ cái túng thiếu của mình, mà bỏ vào đó tất cả những
gì bà có để nuôi sống mình." (Lc 21,3-4)
Và cuối cùng, cũng chính
Thiên Chúa mới thể hiện được một sự tôn trọng “phẩm giá siêu nhiên” của con
người, khi mời gọi tất cả mọi người, cả những người nghèo hèn tầm thường nhất,
đều đón nhận được trọn vẹn ơn cứu độ :
“Ông chủ trả lời cho một người trong bọn họ : "Này bạn, tôi
đâu có xử bất công với bạn. Bạn đã chẳng thoả thuận với tôi là một quan tiền
sao ? Cầm lấy phần của bạn mà đi đi. Còn tôi, tôi muốn cho người vào làm sau chót
này cũng được bằng bạn đó. Chẳng lẽ tôi
lại không có quyền tuỳ ý định đoạt về những gì là của tôi sao ? Hay vì thấy tôi
tốt bụng, mà bạn đâm ra ghen tức ?" Thế là những kẻ đứng chót sẽ được lên
hàng đầu, còn những kẻ đứng đầu sẽ phải xuống hàng chót”. (x. Mt 20, 13-16).
Mặc dầu có tác giả cho rằng sự
chậm trễ trong suy tư triết học về xã hội trong một thế giới tây phương tràn
ngập tư tưởng Kitô giáo là một điều đáng xấu hổ. Điều đó vừa là một lời trách
móc nhưng cũng là một khẳng định về nguồn mạch phong phú của Thánh Kinh về vấn
đề phẩm giá con người. Không ai có thể phủ nhận là Kitô giáo đã đóng góp rất
nhiều trong sự tiến triển về nhân phẩm và nhân quyền. Những bản tuyên ngôn nhân
quyền và dân quyền, trong thực tế đều xuất phát từ các nền văn minh chịu ảnh
ảnh hưởng của Kitô giáo. Chính đây là lý do khiến những quốc gia Hồi Giáo không
chấp nhận những tiêu chuẩn nhân quyền của thế giới Tây phương.
Nguồn gốc gần nhất của bản Tuyên
Ngôn Nhân Quyền và Dân Quyền của cách mạng Pháp cũng phát xuất từ Giáo Hội Công
giáo. Trong trào lưu tìm thuộc địa của các quốc gia Châu Âu vào thế kỷ XVI, có
những nhà thần học Tây phương biện minh cho hành động này bằng lý luận : Vũ trụ
này của Thiên Chúa, nên những ai tôn thờ Chúa thì có quyền chiếm hữu vũ trụ…
Tuy nhiên, nhà thần học Francisco de Victoria (1484-1546), Dòng Đa Minh, giáo
sư đại học Salamanca cho rằng việc làm chủ đất đai làm quyền tự nhiên dựa trên
bản tính người chứ không dựa trên niềm tin tôn giáo. Những người thổ dân có
quyền sở hữu đất đai của họ, và nhà vua Tây Ban Nha không có quyền chiếm hữu.
Sự việc này được tranh cãi khá nhiều. Ngày 2-6-1537, đức giáo hoàng Phaolô
III ra sắc chỉ Sublimis Deus, khẳng định
: “Các thổ dân, tuy không phải là Kitô hữu, nhưng không thể bị tước đoạt
tự do và chủ quyền sở hữu. Họ có quyền được hưởng tự do, sở hữu và thủ đắc tài
sản. Không ai được phép bắt họ làm nô lệ”. Chính văn bản ấy đã giúp cha Bartôlômê de Las Casas tìm được
nền tảng để đấu tranh cho việc phế bỏ chế độ nô lệ ở Châu Mỹ.
2. Để tìm lại ý nghĩa của chức năng
Việc trở về
với bình diện phẩm giá bao hàm nhiều ý nghĩa phong phú. Tuy nhiên, trong vấn đề
huấn luyện tri thức và mục vụ, việc trở về với phẩm giá là nhằm để xác định rõ
ý nghĩa của chức năng. Khi người ta “nhìn xuống”, khi lương tâm con người bị
chất vấn do sự hiện diện của những người cùng khổ, thì vấn đề phẩm giá sẽ trở
nên nóng bỏng. Tuy nhiên, khi thế giới đang phóng mình trên con đường tiến bộ,
khi mọi người trong xã hội đua nhau để thăng tiến, khi tầm mắt con người thích
“nhìn lên”, thì có lẽ chính vấn đề chức năng cần được làm sáng tỏ hơn hết.
Chúng ta có được một vài kinh nghiệm quí báu trong dòng lịch sử.
Trong 300 đầu của lịch sử Giáo
Hội, khi mà Giáo Hội chỉ là một thiểu số, đang gồng mình chịu đựng sự bách hại
của chính quyền Roma cũng như sự nghi kỵ của thế giới “ngoại giáo”, thì nội bộ
Giáo hội có được một sự đoàn kết chặt chẽ, đồng thời cũng có ý thức về sự bình
đẳng căn bản về phẩm giá làm con Chúa. Trong thời gian ấy, người Kitô hữu ý
thức phẩm giá căn bản của mình là Kitô hữu, được ban tặng qua bí tích Rửa Tội,
và mọi Kitô hữu đều bình đẳng với nhau trong phẩm giá cao quí ấy. Mặc dù, ngay
từ ban đầu, nếp sinh hoạt của Giáo Hội sơ khai đã có những cơ cấu căn bản của
các tác vụ trong cộng đoàn, tuy vậy cha Congar ghi nhận rằng Tân Ước “không
nhấn mạnh tới sự phân biệt giữa giáo dân và linh mục trong Giáo Hội, nhưng nhấn
mạnh tới sự phân biệt giữa Dân Chúa và những người không phải là dân Chúa”[4].
Trong bầu không khí ấy, những ân huệ khác, chẳng hạn bí tích Truyền Chức, không
làm cho giáo sĩ trở nên cao quý hơn giáo dân, những là đảm nhận một chức năng
đối với cộng đoàn. Chỉ sau khi hết bị bách hại, bầu khí Giáo Hội mới bị phân rẽ
do sự khác biệt nội bộ, trong đó, giáo sĩ và tu sĩ dần dần trở thành những
thành phần cao quí hơn so với giáo dân. Những giá trị ấy biến mô hình Giáo Hội
trở thành “kim tự tháp”, trên đầu là giám mục, rồi linh mục, rồi tu sĩ, và ở
cuối của bậc thang giá trị là giáo dân. Chỉ với Công Đồng Vatican II, Giáo Hội
mới tìm lại được ý nghĩa cao quí ban đầu, theo đó mọi Kitô hữu đều bình đẳng về
phẩm giá làm con cái Chúa; và từ đó mới xuất hiện nền thần học tác vụ :
“"Vì như trong một thân thể, chúng ta có nhiều chi thể,
nhưng mọi chi thể không có cùng một nhiệm vụ; cũng vậy, chúng ta tuy nhiều
người song là một thân thể trong Chúa Kitô, nên mỗi người chúng ta là chi thể
lẫn nhau" (Rm 12,4-5). Thế nên chỉ có một Dân Thiên Chúa được Ngài tuyển
chọn: "chỉ có một Thiên Chúa, một đức tin, một Thánh Tẩy" (Eph 4,5),
cùng chung một phẩm giá của những chi thể vì đã được tái sinh trong Chúa Kitô,
cùng một ân huệ được làm con cái, một ơn gọi trở nên trọn lành, một ơn cứu độ
và một niềm hy vọng duy nhất và một đức ái không phân chia. Vì thế, trong Chúa
Kitô và trong Giáo Hội, không còn có sự hơn kém vì nguồn gốc hay dân tộc, vì
địa vị xã hội hoặc vì nam nữ, bởi lẽ "không còn là người Do Thái hoặc Hy
Lạp, nô lệ hay tự do, nam hay nữ, vì anh em hết thảy đều là một trong Chúa
Giêsu Kitô" (Gal 3,38, bản Hy Lạp; x. Col 3,11).
Vì thế, tuy trong Giáo Hội, tất cả không cùng đi một đường,
nhưng tất cả vẫn cùng được mời gọi nên thánh, và đồng thừa hưởng đức tin trong
sự công chính của Thiên Chúa (x. 2P 1,1). Mặc dù theo ý Chúa Kitô, có những
người được chọn làm tiến sĩ, làm người phân phát các nhiệm tích hay chủ chăn lo
cho kẻ khác, nhưng giữa tất cả mọi người vẫn có sự bình đẳng thực sự, bình đẳng
về phương diện phẩm giá và hoạt động chung của mọi tín hữu để xây dựng thân thể
Chúa Kitô”.[5](GH
32)
Lối nhìn của
Vatican II đã biến đổi mô hình Giáo Hội. Giáo Hội trước đây như một kim tự
tháp, trở thành mô hình một sự thông hiệp bình đẳng trong Thánh Thần, trong đó,
mỗi thành phần đều có chức năng riêng để phục vụ Giáo Hội.
3. Đi đến cùng ý nghĩa của phẩm giá và chức năng
Thật ra,
phẩm giá luôn phải được liên kết với chức năng, ngay trong bình diện căn bản
nhất của hiện hữu người. Nếu không, khi người ta đòi hỏi một sự bình đẳng về
phẩm giá, thì đó chỉ là một sự tôn trọng tối thiểu; và khi người ta nói về chức
năng, thì chỉ là những chức năng trong tổ chức xã hội, dành cho những người đảm
nhận trọng trách nào đó. Giữa phẩm giá và chức năng có một khoảng cách là đời
sống riêng tư của mỗi người.
Có lẽ khoảng cách “đời sống riêng
tư” chính là mấu chốt của vấn đề. Đối với các tổ chức xã hội, các quốc gia, thì
việc tôn trọng một khoảng đời sống riêng tư của mỗi người là điều hết sức cần
thiết, nếu không, quốc gia hay tổ chức đó sẽ rơi vào chủ thuyết toàn trị
(totaritarisme), trong đó mỗi cá nhận chỉ được coi như một con số, chỉ có nghĩa
trong kế hoạch chung của nhà nước. Nhà nước hay tập thể không sinh ra cá nhân
và cũng không có quyền ban phát phẩm giá cho cá nhân. Nhà Nước hay tập thể chỉ
có quyền trên những gì liên quan đến chức năng trong xã hội, đòi hỏi cá nhân trong
những đóng góp vì lợi ích chung trong chức năng riêng của mỗi thành phần. Đối
với phẩm giá, nhà nước hoặc các tổ chức xã hội loài người chỉ có bổn phận phải
tôn trọng và chăm lo cho phẩm giá ấy được được bảo đảm. Chính vì thế, phẩm giá
người thường được gắn liền hoặc đồng hóa với nhân quyền, nghĩa là những quyền
lợi căn bản (tối thiểu) của một con người, trong đó khoảng cách “đời sống riêng
tư” cần được coi như một nơi bất khả xâm phạm, như một đòi hỏi tối thiểu của
phẩm giá người.
Thế nhưng, nếu coi phẩm giá người
chỉ như một sự tôn trọng cái tối thiểu, thì cá nhân cũng chỉ “được tôn trọng”
trong mức độ tối thiểu. Khi ấy, “đời sống riêng tư” có thể là “được tôn trọng”
hoặc là “bị tôn trọng”, nghĩa là để cho mỗi người có quyền sống và quyền chết,
có quyền phát triển và quyền tự hủy hoại đời sống của mình, quyền ăn mặc hoặc
quyền “tự do chết đói”,…. miễn là không vi phạm đến ai khác, không đụng chạm
đến công ích. Đây chính là bầu khí của những nước tây phương. Tuy nhiên, khi cá
nhân được tôn trọng hay bị tôn trọng như cái tối thiểu, thì cái “riêng tư” ấy,
một cách trái ngược, lại luôn luôn tìm cách tái lập lại những gì mà nhu cầu đòi
hỏi về nhân phẩm đã phá hủy đi. Để đi đến khẳng định phẩm giá bình đẳng của mọi
người, thì người ta phải loại bỏ chế độ nô lệ, loại bỏ mọi thứ giai cấp xã hội,
mọi sự phân biệt chủng tộc, mầu da, phái tính, tín ngưỡng… Thế nhưng, trong
thực tế, con người lại không bao giờ loại bỏ được tính ích kỷ, tính ganh tỵ hơn
thua. Con người có nhu cầu khẳng định chính mình như một như cầu chân chính để
có thể làm-người; rồi chính nhu cầu khẳng định chính mình sẽ lại là “đầu mối
tội” để con người tái lập lại những thứ giai cấp mới, những thứ phân biệt mới,
tái lập lại những thứ bất bình đẳng khác, theo địa vị xã hội, tài năng, tiền
bạc, thậm chí cả trong đức độ. Làm sao có được một cảm quan chân thực về sự
bình đẳng về phẩm giá giữa giám đốc và nhân viên, giữa thầy giáo và người lao
công trong trường, giữa bác sĩ và những y công, giữa quan chức với những người
dân nghèo khổ… ?
Trong thực
tế, chính sự hiện diện bi đát của những người cùng khổ đã giúp nhân loại khám
phá ra ý nghĩa của phẩm giá con người. người ta chỉ nhận ra phẩm giá người khi
có những người bị xúc phạm, bị chà đạp, bị khinh rẻ, bị đối xử cách bất công. Quả
thật, phẩm giá người chỉ xuất hiện trong ánh mắt “nhìn xuống”, dân gian thì thể
hiện một sự tôn trọng phẩm giá người khi người ta chết (nghi lễ chôn táng), các
triết gia khắc kỷ thời kỳ Roma thì muốn đấu tranh để xóa bỏ chế độ nô lệ, những
bản tuyên ngôn nhân quyền của thời đại mới xuất hiện để tổ chức một xã hội
không còn những giai cấp, để bênh vực những người nghèo khổ… Trong thế giới con
người với nhau, phẩm giá người không vươn lên khỏi được mức độ cái tối thiểul;
phẩm giá chỉ được đồng nhất với nhân quyền; và một cách cụ thể, bị giản lược
vào “cõi riêng tư” của mỗi người. Chính vì thế, xã hội con người không thể nào
thoát được một sự phân cấp xã hội. Nếu ngày nay không còn phân biệt nô lệ như
và tự do như xưa kia, thì lại là có những phân cấp, ở mức độ giá trị chứ không phải
chỉ ở mức độ chức năng, giữa giầu với nghèo, giữa cao sang và thấp hèn, giữa
chủ và tớ…
Thật ra, phẩm giá không phải là
điều tối thiểu, nhưng là điều tối đa. Con người có phẩm giá, đó là nền tảng để
xây dựng tất cả mọi sự như là những con người. Nói một cách nào đó, con người
có “phẩm giá là người” và “phẩm giá làm người”. Nơi con người, bản thân
(là-người) và cuộc đời (làm-người) luôn là “tuy hai mà một”. Tất cả mọi sự, mọi
thành công và phát triển của một con người chính là diễn tả, thể hiện phẩm giá
con người. Cũng như con người cần được thể hiện bản thân một cách chính thực
trong cuộc sống hiện sinh, để hoàn thành vận mạng cao quí của mình, thì tất
những gì con người sống và hoạt động cũng đều là sự triển khai của phẩm giá cao
quý của con người.
Trong cái bế tắc của xã hội loài
người, chúng ta nhận ra ý nghĩa trọn vẹn hơn của phẩm giá người trong đức Tin
Kitô giáo. Con người được Chúa sáng tạo từ hư vô. Đó là cái mong manh của thân
phận con người. Nhưng từ hư vô, con người lại được sáng tạo “giống hình ảnh
Thiên Chúa”, đây lại là nền tảng vững chắc nhất của phẩm giá người. Phẩm giá ấy
được thể hiện một cách xuyên suốt trong địa vị là-người và hành trình
làm-người, nghĩa là chẳng những đòi hỏi phải được tôn trọng như cái tối thiểu,
nhưng còn có quyền làm chủ vũ trụ, đặt tên cho muôn vật, quyền phát triển,
thăng tiến, quyền được sống phong phú trong trọn vẹn hành trình đời người như
cái tối đa. Phẩm giá cao quí ấy không tự nhiên mà có, và cũng không có cách nào
con người có thể tự mình giành lấy, hoặc đổi chác mà có được. “Bản thân” của
mỗi người chỉ được một ai khác tặng-không sự nhìn nhận. Khi ta muốn đổi sự nhìn
nhận của ai khác bằng tài năng, sắc đẹp, đức độ…của mình, thì một cách sâu xa,
bản thân của ta vẫn không được nhìn nhận. Bản thân hay phẩm giá là điều không
thể mang ra buôn bán, đổi chác như một món hàng. Phẩm giá chỉ có thể có được do
Thiên Chúa tặng không. Chính vì thế mà phẩm giá mới có thể đạt đến mức độ “siêu
hình”, nghĩa là gắn liền với bản tính con người, ở mọi thời mọi nơi, chứ không
phải do một nhà nước hay tập thể cụ thể nào công nhận.
Thật ra, đối với Kitô giáo, việc
con người được sáng tạo nên “giống hình ảnh Thiên Chúa” mang ý nghĩa trọn vẹn
nhất là để sống-với Chúa. Phẩm giá “giống hình ảnh Thiên Chúa” chỉ có thể phát
triển trọn vẹn, phong phú khi con người được sống-với Chúa. Điều này được thể
hiện trọn vẹn trong nhiệm cục cứu độ của Đức Giêsu. Với Đức Giêsu, con người
được mời gọi phát triển trọn vẹn phẩm giá người vì được mời gọi để sống-với
Chúa Giêsu và trở nên nghĩa tử của Chúa Cha. Trong đời sống đức Tin, chính bí
tích Rửa Tội làm nên phẩm giá Kitô hữu, và mọi sinh hoạt của đời sống đức Tin,
theo đức Gioan Phaolô II, chỉ là sự triển khai nền tảng bí tích Rửa Tội, nghĩa
là một giao ước bản thân của Chúa với ta. Ý nghĩa cao quí nhất của phẩm giá
người luôn hướng tới khả thể “được kêu gọi”. Thật ra, phẩm giá không phải là
cái gì đơn độc. Phẩm giá chỉ có thực khi được một ai khác nhìn nhận. Phẩm giá
không phải là cái tối thiểu, nằm ngủ yên ở đáy sâu phận người, và chỉ bật lên
tiếng nói khô khốc để khẳng định mình khi bị chà đạp. Nhưng phẩm giá là-người
chỉ nên trọn vẹn khi được đánh thức, được chỗi dậy và được làm-người trong mối
tương quan có tính ngôi vị (personnel), mối tương quan luôn bao hàm sự chân
nhận phẩm giá. Như thế, ở đây, cái “khoảng cách riêng tư” không còn có nghĩa
“số lượng” nhưng là “phẩm tính”. “Cõi riêng tư” không phải là một thứ “không
gian”, một vài lãnh vực mà không xã hội nào được đụng chạm tới, nhưng là một
chủ quyền mà chỉ riêng mỗi người có quyền quyết định, chủ quyền để giữ lại bản
thân và cuộc đời tôi, hoặc cống hiến cả bản thân và cuộc đời tôi cho ai khác.
Ta có thể nói được rằng vấn đề
phẩm giá và chức năng, trong Kitô giáo, được giải đáp bằng “mầu nhiệm” ơn gọi
và sứ mạng. Với ơn gọi, con người được trao tặng phẩm giá một cách “miễn phí”,
được trao tặng một phẩm cao quí hơn hết mọi sự khác trong bản thân và cuộc đời;
để rồi, từ cõi riêng tư của chủ quyền, tôi có thể sẵn sàng cống hiến tất cả,
thể hiện chức năng phục vụ bằng cách ban tặng lại cách miễn phí cả bản thân và
cuộc đời. Bản thân không có ơn gọi chỉ là một cuộc đấu tranh để bảo vệ cái phẩm
giá tối thiểu; cuộc sống không có sứ vụ chỉ là một chức năng đối phó với những
đòi hỏi bó buộc từ tổ chức chung. Trong ơn gọi và sứ mạng, không có một thứ tài
năng, địa vị, hay đức độ nào cao quí hơn phẩm giá “được gọi” và có thể thay thế
cho phẩm giá ấy. Trong ơn gọi và sứ mạng, mọi thứ ân ban tặng không đều là điều
củng cố và diễn tả phẩm giá cao quí cũng như đều bao hàm lời mời gọi phục vụ
như chức năng. Ai đó lấy ân ban chỉ nhằm thể hiện chức năng để làm nên như một
thứ phẩm giá giả tạo của mình, đó là kẻ ăn gian.
4. “Cộng đoàn phẩm giá” và “cộng đoàn chức năng”
Trong cuộc sống bình thường, cả
trong xã hội cũng như trong Giáo Hội, người ta vẫn cứ chao đảo giữa phẩm giá và
chức năng. Khi “nhìn xuống”, người ta nhận ra phẩm giá nhưng không nhận ra chức
năng. Khi “nhìn lên”, người ta nhận ra chức năng mà lại quên mất phẩm giá.
Những người tu sĩ “bình thường” thì tìm sự an ủi nơi “phẩm giá thấp kém” để
không thấy ra một chút chức năng nào khác hơn là tuân giữ kỷ luật. Nhưng người
khác có nhiều điều kiện thăng tiến thì không thể dễ dàng trở về phẩm giá cao
quý nhất mà mình đã được lãnh nhận. Ngay trong đời sống Giáo Hội, thái độ ăn
gian, lấy những tài năng được ban tặng nhằm thể hiện chức năng để tô vẽ thêm
cho phẩm giá của mình, vẫn là điều ta có thể thấy ở mọi cộng đoàn, cộng đoàn
giáo xứ cũng như cộng đoàn tu trì.
Một cách cụ
thể, ta có thấy có ba loại hội họp trong cuộc sống cộng đoàn : họp thảo luận,
họp học hỏi hay huấn đức và họp chia sẻ. Trong buổi họp thảo luận, những người
giỏi sẽ là những người đóng góp nhiều nhất và tốt nhất. Đôi khi chúng ta có một
chuyên viên giỏi, trình bày thấu lý một vấn đề, người khác có thể im lặng lắng
nghe và chấp nhận hoàn toàn. Trong buổi họp học hỏi hoặc huấn đức, người chịu
trách nhiệm sẽ đưa ra những bài học khúc chiết, hoặc những mẫu gương sáng để
mọi người cùng noi theo. Họp chia sẻ thì mọi người cùng chia sẻ, không phải cái
hay cái tốt của mình, nhưng có thể là những tâm tư, những trăn trở, những cảm
nhận và mọi người lắng nghe sẽ hiểu, thông cảm để chấp nhận nhau nhiều hơn.
Họp thảo luận là những buổi họp
có tính chức năng, để nhằm giải quyết một vụ việc xẩy ra; trong đó một người
nào đó giỏi dang hoặc có điều kiện cần thiết thì có thể làm thay cho mọi người
khác. Họp học hỏi hay huấn đức thì có liên quan đến mọi người, nhưng tầm quan
trọng vẫn là người chịu trách nhiệm, sự thiếu vắng của một thành viên không
trực tiếp ảnh hưởng đến cộng đoàn. Họp học hỏi hay huấn đức cũng nặng tính chức
năng nhiều hơn. Trong buổi họp chia sẻ, mỗi người đều được mời gọi hiện diện
một cách tích cực, điều chia sẻ của một thành viên nào đó là điều bất khả thay
thế và phải được tôn trọng. Chủ đích của buổi họp chia sẻ không phải nhằm chức
năng giải quyết một tình huống, một tình trạng, một vụ việc gì cả, mà chỉ là để
mọi người đón nhận phẩm giá của nhau trong thực trạng bản thân của mỗi người.
Từ các mô hình hội họp cộng đoàn,
ta có thể mở rộng ra để hiểu hơn về phẩm chất của chính cộng đoàn. Một bầu khí
cộng đoàn nặng tính chức năng thì có những thành viên trở thành dư thừa, có
những người có quyền nói nhiều, có quyền phê phán người khác. Hơn nữa, khi
những tiêu chuẩn chung được xác lập một cách quá nhiều, hoặc như những tiêu
chuẩn tri thức, hoặc như những tiêu chuẩn luân lý, thì những hoàn cảnh, những
tâm tình riêng tư sẽ càng dễ bị phê phán. Một bầu khí cộng đoàn nặng tính chức
năng sẽ không có chỗ để đón nhận, để đồng hành, để liên lụy những thành viên có
vấn đề. Một cộng đoàn nặng tính chức năng, những người ưu tuyển sẽ là những
người đắt giá nhất, và những kẻ bé mọn sẽ lại những kẻ dễ bị loại trừ nhất. Từ
tiêu chuẩn này, ta có thể thấy một sự lệch lạc nào đó của bầu khí cộng đoàn đối
với nhiệm cục cứu độ ưu tiên cho những người bé mọn mà Chúa Giêsu đã công bố
như mầu nhiệm Nước Trời. Ta có thể thấy ở đây một thứ thần khí thế gian khác
với sự tác động huyền nhiệm của Thần Khí Thiên Chúa.
Tạm kết
Trong bầu khí xã hội hiện nay,
phẩm giá con người lại được tô vẽ bằng những gì tầm thường nhất, không phải do
chức năng của con người, nhưng là chức năng của sự vật : một đôi dép, hoặc dầu
gội đầu,… có thể làm cho người ta tự tin hơn, lịch lãm hơn. !!! Liệu chừng việc
huấn luyện trí thức và mục vụ trong đời sống thánh hiến lại chỉ là một cách
cung cấp cho các thành viên những thứ “đôi dép” hay “dầu gội đầu” không ?
Lòng tôn
trọng đối với phẩm giá người là điều kiện căn bản để con người có thể sống
trong thế giới yêu thương đích thực. Chỉ khi nào bầu khí cộng đoàn toát lên một
sự bình đẳng về phẩm giá thì những “kỹ năng” trí thức hay mục vụ mới thực sự
thể hiện đúng căn tính chức năng mà thôi. Thật ra, sức mạnh đích thực của cộng
đoàn không nằm ở chức năng nhưng ở sự chân thực của bầu khí tôn trọng phẩm giá.
Bởi vì, từ một sự trân trọng phẩm giá của từng thành viên trong cộng đoàn,
chúng ta sẽ có được những chứng tá của đời sống đức tin, chứng ta sự hiện diện
của Chúa, chứng tá quyền năng và tình yêu kỳ diệu của Chúa. Ngược lại, thiếu sự
trân trọng phẩm giá của từng thành viên, cộng đoàn sẽ rớt vào thái độ duy luân
lý hoặc duy lý.
Nguyễn Trọng Viễn O.P.
[1] Sénèque, Benef. III 22-28). Xc.
Jacqueline Lagrée : Le naturalisme
stoïcien. Conférence prononcée au lycée Chateaubriand de Rennes le mardi 2
octobre 2001.
[2] Xc. Phan
Tấn Thành O.P., Đời Sống Tâm Linh VIII,
Phẩm Giá con người : Nhân Phẩm và Nhân
Quyền.
[3] Hiến chế Vui Mừng và Hy Vọng của Công Đồng Vatican II sử dụng thuật ngữ này khi bàn về phẩm giá con
người (s.12) và sách Giáo Lý Công Giáo cũng tiếp tục đường hướng ấy
(ss355-361). Càng ngày Giáo Hội càng thấy rõ tầm quan trọng của khẳng định này
trong nhiều lãnh vực (X. Văn kiện của Ủy ban thần học công giáo “Communion et
Service : L’homme créé à l’image de Dieu, phát hành ngày 23/7/2004)
[4] Xc. Y.
Congar, Les Laic et Mission de L’Église, trích lại trong Dictionaire de la Vie
Spirituelle, Ed. Cerf, 1987, p.612.
[5] Vatican
II, Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội, số 32.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét
Click to see the code!
To insert emoticon you must added at least one space before the code.