Giao Ước bản thân

 

1. Nỗi xao xuyến của người độc thân

            Độc thân thì “khoẻ” hơn lập gia đình nhiều, vì  không phải vướng víu nhiều chuyện, không phải chiều ý nhau trong nhiều chuyện vô duyên, hoặc vô lý. Nhưng đời sống độc thân không giải quyết được nỗi cô đơn sâu xa của con người. Đến một độ tuổi nào đó, người sống đời sống độc thân cảm thấy mình không thuộc về ai, và cũng không ai thuộc về mình. Vì không ai thuộc về mình, nên người sống độc thân không dại gi “bung ra” hết mình, cho đi trọn vẹn những gì cần thiết để bảo đảm cho cuộc sống của mình. Vì mình không thuộc về ai, nên người sống độc thân không dám phó đời mình cho ai cả, phải tính toán kỹ lưỡng cho cuộc đời mình, phải tìm mọi cách để có thể tự mình đón nhận những khó khăn của bệnh tật, của biến động …Cuộc sống không có mối liên hệ vói ai khác một cách sâu xa dễ làm cho người sống độc thân tìm cách bảo vệ đời mình bằng những sự vật. Người sống độc thân thường tìm cách ổn định đời mình bằng thời khóa biểu, bằng những sự vật quen thuộc, những cách thức sống quen thuộc… mà tự thâm tâm vẫn man mác một sự xao xuyến về tương lai của mình. Rồi khi bệnh tật, người sống độc thân cũng thường tìm cách giải quyết mọi sự theo tiêu chuẩn là tìm sự an toàn cho mình chứ không phải vì lợi ích cho những người thân.

2. Hai nhu cầu căn bản

            Con người ta có hai nhu cầu căn bản, nhu cầu được chấp nhận và nhu cầu khẳng định bản thân. Hai nhu cầu này tương tác mật thiết với nhau, nhưng không phải là dễ hoà hợp một cách đúng đắn. Trong rất nhiều trường hợp, trong phần lớn cách tính toán của con người, khi người ta tìm cách thoả mãn nhu cầu này, thì một cách nghịch lý, người ta lại khoét sâu chỗ thiếu hụt của nhu cầu kia. Nhu cầu được chấp nhận là nhu cầu căn bản, nhưng vì không muốn được chấp nhận như là một sự thương hại, người ta phải tìm cách khẳng định bản thân. Tuy nhiên, nếu như ta tính toán phương trình của cuộc sống theo kiểu cần khẳng định bản thân để được chấp nhận, người ta sẽ rơi vào tình trạng không được chấp nhận chính bản thân, mà chỉ được chấp nhận như là tài năng, như là tiền bạc, như là sắc đẹp…, tức là những gì có thể mất đi trong khi bản thân của ta vẫn còn đó.
            Nhưng nếu không khẳng định bản thân, thì người ta có thể tìm ở đâu được một sự chấp nhận vô điều kiện, hoặc hơn nữa là một tình yêu tha thứ ? Nếu không khẳng định bản thân, người ta có rơi vào một thái độ sống bèo bọt, gặp chăng hay chớ ?
            Con người giống như kẻ đứng ở dưới nước sâu, chân không đụng đất mà đầu thì cứ muốn vươn lên để được bằng chị bằng em. Nhiều khi muốn vươn lên bằng một sự khẳng định bản thân tốt, thì người ta lại rơi vào tình trạng chân không chạm đất, nghĩa là thực sự mình phải dấu đi rất nhiều khuyết điểm, sai sót, tội lỗi của mình; và đó cũng là tình trạng không được chấp nhận từ bên dưới, không được chấp nhận trong con người thật của mình, không được chấp nhận chính bản thân của mình.
            Thật ra, chỉ có một con đường chân chính, con đường dám để chân mình chạm đất, nghĩa là trước tiên chính mình dám chấp nhận con người thật của mình, dù là bị “ngập nước” trong tình trạng không được bằng chị bằng em. Nhưng con đường này cần phải được một ai đó dám chấp nhận bản thân mình, ai đó dám đỡ nâng cuộc đời mình “ở bên dưới”… Khi đó, cuộc đời sẽ được cấu trúc theo phương trình : được chấp nhận bản thân, ra sức khẳng định bản thân để đáp lại nghĩa tình vì mình đã được chấp nhận rồi. Đây là một phương trình không dễ “cân bằng”, vì không dễ mà người ta có được sự chấp nhận bản thân cách đơn thuần, vô điều kiện và tha thứ.
            Chúng ta có thể thấy rõ sự khác biệt của hai nhu cầu căn bản khi so sánh thế giới trong nhà và thế giới ngoài đường. Khi ta đi ra đường, mọi sự đều là đổi chác. Trong thế giới ngoài đường, từ những đồ vật cho đến thân xác con người, từ những tài năng cá nhân cho đến vị thế xã hội, và cả đức độ của một con người, tất cả đều được đưa vào bài toán kinh tế thị trường, nghĩa là được đặt lên một bàn cân để cân nhắc lời lỗ của một cuộc trao đổi. Nét đặc trưng của việc buôn bán này là làm sao hai bên cùng có lợi, nghĩa là bên nào cũng phải thu lời được cho mình. Mặt khác, việc mua bán đổi chác ấy luôn là chuyện thời vụ, hiểu theo nghĩa là trong từng “hợp đồng” có tính ngắn hạn, bởi vì đó không phải là giao ước đụng chạm đến bản thân.
            Trong khi đó, khi về đến gia đình, người ta sống trong một bầu không khí khác, bầu không khí của một sự chấp nhận bản thân của nhau. Khi đó, những tương quan hằng ngày không phải là đổi chác, không phải là những trao đổi theo nguyên lý của sự công bằng.
            Cuộc trao đổi của thế giới ngoài đường không đụng đến được bản thân của con người, chỉ là những trao đổi những sự vật (sự vật là tất cả những gì không phải là bản thân của con người). Trong thế giới trao đổi sự vật đó, nếu người ta có xúc phạm đến phẩm giá, hoặc đối sử lịch sự với nhau, thì thật ra đó cũng chỉ là chuyện “lễ nghĩa” mà thôi. Trên nền tảng ấy, cuộc đối thoại ngoài đường thật ra cũng chẳng phải là cuộc đối thoại thoả mãn được khát vọng sống với của con người.
            Ở trong gia đình, người ta chấp nhận bản thân của nhau. Nơi đây, những gặp gỡ, trao đổi hằng ngày, không phải là trao đổi, nhưng hướng mở tới một sự liên kết sâu hơn, làm dày lên nghĩa tình trong hành trình cuộc sống. Trong gia đình, mọi “trao đổi sự vật” chỉ là một cách diễn tả của bản thân cho nhau; trong khi đó, nơi thế giới ngoài đường, chính bản thân lại có nguy cơ bị giản lược vào “sự vật” để đổi chác.
            Gia đình là một lý tưởng đẹp trong đó con người có thể cảm nhận mình được chấp nhận. Tuy nhiên, không phải ai cũng tìm được một đời sống gia đình, và không phải gia đình nào cũng thể hiện được trọn vẹn lý tưởng chấp nhận bản thân của nhau. Chỉ trong Đức Tin Kitô giáo, mọi người mới thực sự tìm được nơi chốn an bình căn bản cho tâm hồn mình.

3. Giao ước bản thân với Chúa Giêsu

            Khi người ta làm một căn nhà tạm thời, một căn nhà không có móng, thì điều quan trọng là phải nối kết kèo cột với nhau thật chắc. Nhưng khi người ta muốn dựng một căn nhà vững bền, thì điều quan trọng hơn là phải có nền móng vững chắc. Với căn nhà tạm thời, khi kèo cột bung ra, căn nhà sụp đổ. Nhưng với một căn nhà có móng, khi kèo cột rời ra, lung lay, lắc lư, nó vẫn có thể đứng được. Rồi người ta lại tìm cách nối kết kèo cột lại với nhau. Hình ảnh căn nhà như thế giống với những mối tương quan con người với nhau. Khi người ta “gá nghĩa” tạm thời, theo tình đồng nghiệp, tình nghĩa làng xóm… thì cần phải biết cư xử với nhau cho đẹp, phải biết điều, biết ngó trước nhìn sau, biết liệu cơm gắp mắm… bởi vì nếu “kèo cột” không ăn khớp với nhau, thì mọi sự sẽ đổ bể hết.
            Tuy nhiên, trong đời sống gia đình, khi người ta chấp nhận bản thân của nhau, thì mặc dù những điều ăn khớp trên kèo cột vẫn luôn cần thiết, nhưng điều quan trọng nhất lại chính là một sự “thuộc về nhau”, thuộc trọn về nhau; đây là một sự liên kết trong móng nền. Nhiều khi, trong gia đình, anh chị em không hợp tính nhau, thường xuyên cãi vã… nhưng dù sao họ vẫn là anh chị em của nhau, vẫn thuộc về nhau từ trong dòng máu của mẹ cha. Do đó, dù nói gì thì nói, dù tức bực với nhau sao đó, người ta vẫn phải dành ưu tiên những gì quí nhất cho những người thuộc về mình chứ không phải cho một người ngoài, dù đây là người rất hợp tính với mình.
            Như thế, chúng ta hiểu ra rằng bí quyết của tình yêu không phải là sự ăn khớp tính tình, không phải chỉ là yêu thích những nét đẹp của nhau, nhưng căn bản hơn, đó là sống trong một nền tảng “thuộc về nhau”. Bí quyết đó là một thực tế hết sức quen thuộc của đời thường, ta có thể dễ dàng kiểm chứng và mọi người có thể sống được. Một khi đã xây dựng được một sự thuộc về nhau, tức là một sự đón nhận bản thân của nhau, người ta có khả năng vượt qua được những mâu thuẫn, những xung đột, hoặc những chướng ngại của một tật xấu nào đó, để có thể đón nhận người thuộc về mình một cách quảng đại và vô điều kiện.
            Nếu như trong Cựu Ứơc, giao ước giữa Giavê với Dân còn có phần tính toán, tìm lợi lộc và chưa dính dáng trọn vẹn đến bản thân của mỗi người, thì Tân Ước mới thực sự là giao ước ở mức độ bản thân. Nơi đây, Thiên Chúa trao trọn bản thân của Ngài trong Đức Giêsu, Ngôi  Hai Thiên Chúa, và người Kitô hữu cũng dâng trao trọn vẹn bản thân mình cho Chúa.                                                                 
"Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời. (Ga 3,16)
            Chúng ta có thể thấy rõ giao ước của bí tích Rửa Tội không phải là một thứ giao ước thuận mua vừa bán. Trong loại giao ước như thế, mỗi bên chỉ góp vào một phần sự vật nào đó của mình chứ không đóng góp chính bản thân mình. Ngược lại, trong giao ước “móng nền”, giao ước “ngôi vị” sẽ làm nên một “cộng đồng ngôi vị”, trong đó, người ta đem chính bản thân mình ra để “ký kết”. Trong giao ước ngôi vị như thế, mỗi bên trao phó trọn vẹn bản thân mình cho nhau và cũng đón nhận trọn vẹn bản thân của người kia.
            Thiên Chúa đã ban Con Một của Ngài cho chúng ta; và mỗi người Kitô hữu, khi lãnh bí tích Rửa Tội, chấp nhận chết đi cho con người cũ để sống một con người mới hoàn toàn, con người mới hoàn toàn thuộc về Chúa, từ lối sống cho tới cả những ý nghĩ thầm kín nhất….
* "Thật vậy, không ai trong chúng ta sống cho chính mình, cũng như không ai chết cho chính mình. Chúng ta có sống là sống cho Chúa, mà có chết cũng là chết cho Chúa. Vậy, dù sống, dù chết, chúng ta vẫn thuộc về Chúa"  (Rm 14,7-8)
* "Đức Ki-tô đã chết thay cho mọi người, để những ai đang sống không còn sống cho chính mình nữa, mà sống cho Đấng đã chết và sống lại vì mình". (2Cr 5,15)
            Có thể nói, tất cả đời sống Kitô hữu không là gì khác hơn sự triển khai nguồn sức sống mới từ bí tích Rửa Tội. Sống trong giao ước “móng nền” của bí tích Rửa Tội, người Kitô hữu nhận ra Thiên Chúa là Đấng “cùng phe” với mình, Thiên Chúa giúp mình “trả nợ đời” chứ Ngài không phải là ông chủ nợ. Thiên Chúa là người Cha với tất cả phẩm chất của người Cha chứ không phải là một ông chủ :
"Nhưng người cha liền bảo các đầy tớ rằng : 'Mau đem áo đẹp nhất ra đây mặc cho cậu, xỏ nhẫn vào ngón tay, xỏ dép vào chân cậu, rồi đi bắt con bê đã vỗ béo làm thịt để chúng ta mở tiệc ăn mừng ! Vì con ta đây đã chết mà nay sống lại, đã mất mà nay lại tìm thấy.' Và họ bắt đầu ăn mừng." (Lc 15, 21-24)
            Trong Tân Ước, Thiên Chúa trao ban chính bản thân mình, chứ không phải chỉ là trao ban một đồ vật, một món hàng nào đó. Điều đó giống như một người “nắm đàng lưỡi” chứ không nắm đàng chuôi, chỉ có niềm tin vào tình yêu được đáp trả là sức mạnh duy nhất để đợi chờ. Tình yêu trao bao cần phải được chờ đợi, để lãnh nhận chính bản thân của người tín hữu tự do trao tặng. Thiên Chúa đã muốn chọn con đường yêu thương như thế.
* Tạm Kết
            Chỉ khi quyết định ký giao ước bản thân với ai khác, người ta mới thoát khỏi được nỗi cô đơn “siêu hình”, nỗi cô đơn bám chặt vào thân phận người. Nhưng ký giao ước bản thân, đó cũng là một khởi đầu của hành trình ra khỏi bản thân, là bắt đầu biết sống vì ai khác, sống cho ai khác, và hướng tới dám chết vì ai khác. Bắt đầu sống giao ước bản thân là một quyết định có tính sinh-mệnh của ý nghĩa đời sống con người, đặc biệt là đời sống Kitô giáo. Ta có thực sự dám sống giao ước bản thân với Chúa Giêsu ?


0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Top