Tự nguyện dâng tặng bản thân
1. Trao tặng
1.1 Điều kỳ diệu của “trao tặng”
Có khi
ta đi ăn tiệc tại nhà một người bạn và gặp một món ăn không được ngon lắm.
Nhưng khi đó, chủ nhà giới thiệu với ta : đây là “cây nhà là vườn”. Điều đơn
giản ấy tức khắc làm cho món ăn không ngon lành đó trở thành quí; vì như thế là
ta được tham dự vào đời sống, được chia sẻ hành trình sống của của gia chủ.
Cũng thế, một món quà mọn, được dâng tặng với cả tấm lòng thành, sẽ trở nên quí
giá; và người nhận được món quà ấy, nếu có đủ tấm lòng như một con người chân
chính, sẽ đón nhận được tính cách quí giá ấy trong niềm vui. Thật ra, trong mức
độ sống của con người, giá trị của một sự vật không hoàn toàn lệ thuộc vào giá
trị tự thân của chính sự vật ấy, nhưng còn do ý nghĩa mà con người ban tặng cho
nó. Đó là cách thức sống siêu việt của con người, nơi đó, người ta trao đổi
tình nghĩa với nhau chứ không phải phân chia để hưởng thụ sản phẩm; nơi đó,
chính tấm lòng của con người được gửi vào các sản phẩm là điều quan trọng hơn
và đôi khi có thể làm cho các sản phẩm ấy trở nên tuyệt đối. Một người chồng,
trong khi cãi nhau với vợ và khi bà vợ giận dỗi quăng chiếc áo khoát ra khung
cửa sổ của tòa nhà cao tầng, anh ta đã lao ra cửa để chụp lại chiếc áo đến nỗi
suýt rơi xuống đất. Khi người ta hỏi tại sao lại mạo hiểm như thế vì một cái
áo, anh ta trả lời đó là chiếc áo của mẹ tặng cho. Chiếc áo ấy không phải là
cái áo quí giá do chất liệu, do kỹ thuật, do giá cả; nhưng do tấm lòng của mẹ
con hai người ấy với nhau.
Con
người được Thiên Chúa sáng tạo nên để sống với Chúa và sống với nhau. Đó là vận
mạng sống trong yêu thương và sống vì tình yêu thương. Sứ mạng xây dựng thế
giới yêu thương lớn hơn và bao hàm sứ mạng làm chủ trái đất. Trình thuật sách
Sáng Thế cho thấy Adong được Chúa đặt vào vườc địa đàng để “đặt tên” cho muôn
loài. Theo quan niệm của người Do Thái, “đặt tên” nghĩa là làm chủ. Như thế,
con người được trao nhiệm vụ làm chủ trái đất. Con người được quyền thống trị,
khai thác, hưởng thụ những sản phẩm từ vũ trụ này. Tuy nhiên, Sách Thánh lại
cho ta thấy, sau khi làm chủ tất cả mọi sự trong vườn địa đàng, Adong cảm thấy
buồn vì không gặp được người trợ tá tương xứng. Rồi chỉ khi gặp được Evà thì
ông mới kêu lên được tiếng reo vui của phận người.(X. St 2,18-24). Đó là một
bước nhẩy con người cần phải vượt qua trên hành trình làm người; vượt qua từ
niềm vui chiếm hữu sự vật, từ niềm vui làm chủ của cải, để đi đến niềm vui gặp
gỡ con người với nhau trong yêu thương. Chưa làm được cuộc vượt qua này, con
người chưa phải là kẻ trưởng thành. Chưa làm được cuộc vượt qua này, con người
vẫn còn lẩn quẩn trong việc đi tìm sự sung sướng và chưa biết nếm cảm hạnh phúc
đích thực. Như thế, theo quan điểm Kitô giáo, con người lao động, con người
hưởng thụ, con người thống trị . . . chưa phải là con người đích thực. Con
người cần lao động, con người cần khai thác và hưởng dùng những sản phẩm của
thiên nhiên, nhưng đó không phải là lẽ sống của con người mà chỉ là phương tiện
để con người góp phần xây dựng tình yêu thương. Trong chính quá trình lao động
ấy, con người được kêu gọi để cộng tác với nhau; và khi hoàn thành được sản
phẩm, con người được kêu gọi để chia sẻ cho nhau những thành quả ấy. Như thế,
sản phẩm có tính sự vật trong lao động chỉ có ý nghĩa khi được con người sử
dụng trong tương quan yêu thương, nghĩa là sử dụng như món quà của tình nghĩa
để trao tặng cho nhau.
Quả
thật, mọi sản phẩm của con người, dù có được nắn nót đến đâu cũng không bao giờ
có thể trở thành tuyệt đối, cho đến khi chúng trở thành một món quà để con
người trao tặng cho nhau. Nếu không được trao tặng và lãnh nhận, những sản phẩm
ấy vẫn là những “vật liệu thô”, không đầy đủ ý nghĩa, không có giá trị tự thân.
Ngược lại, một sản phẩm của con người, dù tầm thường đến đâu, khi được trao
tặng với tấm lòng, nó hoàn thành ý nghĩa của nó, tức là trở nên nhịp cầu để con
người đến với nhau; và nó chỉ trở nên quí giá thật sự khi người ta gặp được tấm
lòng của nhau trong sản phẩm ấy. Con người ta chỉ sử dụng sự vật như phương
tiện để diễn tả bản thân, chứ không được giản lược bản thân con người vào trong
sự vật. Qui luật sống của con người là biết sử dụng vật chất như nhịp cầu để nối
kết bản thân của mỗi người với bản thân của người khác. Khi ta thành tâm dâng
tặng một món quà, món quà đó không còn là nó nữa, nhưng đã biến nên một giá trị
nhân văn, đó là dâng tặng một phần bản thân của mình cho người khác.
“Muôn loài thọ tạo những ngong ngóng đợi chờ ngày
Thiên Chúa mặc khải vinh quang của con cái Người. Quả thế, muôn loài đã lâm vào cảnh hư ảo,
không phải vì chúng muốn, nhưng là vì Thiên Chúa bắt chịu vậy ; tuy nhiên, vẫn
còn niềm trông cậy là có ngày cũng sẽ được giải thoát, không phải lệ thuộc vào
cảnh hư nát, mà được cùng với con cái Thiên Chúa chung hưởng tự do và vinh
quang. Thật vậy, chúng ta biết rằng : cho đến bây giờ, muôn loài thọ tạo cùng
rên siết và quằn quại như sắp sinh nở. Không phải muôn loài mà thôi, cả chúng
ta cũng rên siết trong lòng : chúng ta đã lãnh nhận Thần Khí như ân huệ mở đầu,
nhưng còn trông đợi Thiên Chúa ban cho trọn quyền làm con, nghĩa là cứu chuộc thân
xác chúng ta nữa.(Rm 8, 19-23)
Như
thế, cách thức chính yếu để con người thống trị vũ trụ không phải chỉ là khai
thác vũ trụ, nhưng tiếp theo đó, còn là đưa nó vào thế giới nhân văn của con
người, làm cho nó trở thành là phương tiện cho con người sống tình yêu thương
với nhau. Dâng tặng chính là cách thức sử dụng sự vật; dâng tặng là làm trọn
hảo mọi sự trong thế giới này; dâng tặng chính là đưa sự vật vào trong tương
giao yêu thương của con người.
“Của ít lòng nhiều” đó không phải chỉ là cách
thức “cười trừ” khi mà người ta không có gì đáng giá để trao tặng cho nhau,
nhưng chính là ý nghĩa thâm sâu của phẩm giá con người. Điều này chẳng những là
một giá trị nhân văn, nhưng còn là chính ý nghĩa sâu xa của mặc khải Kitô giáo
: trong nhiệm cục mặc khải, Thiên Chúa mạc khải chính bản thân Ngài qua Lời
Chúa và Hành Động; và con người đón nhận hành động và lời nói của Ngài không
phải chỉ như những “sự vật”, nhưng như chính bản thân của Chúa, như chính tình
yêu của Chúa dành cho bản thân mình.
1.2 ”Trao tặng” trong gia đình
Bước
chân ra đường, người ta thường phải sống trong qui luật mua bán đổi chác. Bước
ra đường, ta phải có tiền trong túi, hoặc có tài nơi bản thân để có thể trao
đổi với người khác trong mọi lãnh vực. Nhưng bước chân vào nhà, người ta được hít
thở một “bầu không khí” khác, bầu không khí của việc trao tặng “nhưng không”.
Trong gia đình, người cha làm việc cho cả nhà, người mẹ chăm sóc cho cả nhà,
con cái đón nhận mọi sự như của chung gia đình mình dù không làm ra được gì cả.
Gia đình chính là nơi giáo dục để con người biết sống nghĩa tình với nhau; vì
gia đình là nơi người ta biết dâng tặng chứ không phải mua bán đổi chác cho
nhau.
Khi
người mẹ tặng cho con cái bánh, mà đứa con chỉ biết khen chê cái bánh mà thôi,
đứa con đó có nhiều nguy cơ trở thành đứa con hư; vì nó chỉ biết tiêu thụ sản
phẩm, nó là con người chỉ biết hưởng thụ, chỉ biết so đo tính toán trên sự vật
mà không đủ tấm lòng để đón nhận tình nghĩa. Ngược lại, khi đứa con biết quí
trọng, không phải là cái bánh mà là tấm lòng của mẹ, đứa con đó có nhiều cơ may
nên người, vì nó có khả năng sống tình người và chính tình nghĩa của người mẹ,
chứ không phải phương tiện vật chất, thực sự là nguồn động lực cho đứa con trên
hành trình sống của nó.
Trong
cuộc sống quá thực dụng của ngày hôm nay, nếu gia đình cũng đánh mất qui luật
nghĩa tình của tâm hồn, thì thế giới con người trở thành một địa ngục, nhất là
đối với những người bé mọn. Khi người ta không còn tình còn nghĩa với nhau nữa,
khi người ta từ chối qui luật nghĩa tình, thì người ta không còn khả năng sống
với người khác như là những con người đích thực nữa, mà chỉ như những sự vật để
ta chiếm đoạt hoặc đổi chác.
2. Trao tặng bản thân
2.1 Trao tặng bản thân là đỉnh cao của nghĩa tình
Khi việc
dâng tặng đạt đến mức độ trao tặng bản thân cho nhau, tức là khi ấy tặng phẩm là
chính bản thân của người trao tặng, thì bản thân mỗi người sẽ là món quà vô giá
mà con người có thể trao tặng cho nhau.
Ngày
Tết, một người khách sang có thể lì xì cho cô bé 500.000 đ; trong khi đó, mẹ của
bé chỉ lì xì cho con có 10.000 đ. Nhưng cô bé đừng tưởng rằng có thể đi theo
người khách sang trọng đó để được sống sung sướng hơn. 500.000 đ của người
khách là một món tiền lớn, nhưng là một món tiền “dư” và thường là món tiền
không thể hơn được nữa. Trong khi đó, 10.000 đ của mẹ lại chính là bản thân của
mẹ. Mẹ trao tặng cho con lúc này là 10.000đ, lúc khác là cái bánh… trong chiều
hướng tiệm tiến của một sự dâng tặng chính bản thân của mẹ cho con. 10.000 đ
của mẹ, đó là một món quà biểu hiện tấm lòng và biểu hiện một sự dâng tặng
chính bản thân, đó là món quà quí giá mà một người có tấm lòng không được quyền
coi thường, không thể đánh giá theo qui luật thị trường.
Chắc
chắn rằng Bill Gate là người trao tặng nhiều hơn tất cả mọi người trên thế
giới, khi ông tặng 95% tài sản của ông cho việc chữa bệnh ở Châu Phi và Châu Á.
Đó là một nghĩa cử đáng quí, nghĩa cử của tấm lòng. Nhưng cũng phải nói thật
rằng, ông vẫn còn giữ lại cho cuộc sống của mình số tiền đủ để sống trọn một
cuộc đời trong sung sướng. Trong khi đó, đối với một đứa con, cha mẹ là trên
hết, không phải vì cha mẹ đã trao tặng nhiều hơn Bill Gate, nhưng vì cha mẹ là
người cho hết, trao tặng trọn vẹn, trao tặng chính bản thân mình. Một bà mẹ
nghèo, gia sản chẳng có là bao, nhưng lại dám dùng tất cả để lo cho đứa con của
bà được ăn học, được chữa bệnh, được vui chơi… Bà mẹ nghèo ấy không chỉ cho đi
phần dư thừa, nhưng là cho đi chính bản thân mình. Do đó, đối với đứa con,
không phải Bill Gate hay những nhà từ thiện lớn của thế giới, mà chính bà mẹ,
bà mẹ tần tảo sáng hôm và bà mẹ hy sinh cả một đời… mới là hình tượng cao đẹp
nhất.
“Ngước mắt lên nhìn, Đức Giê-su thấy những người
giàu đang bỏ tiền dâng cúng của họ vào thùng tiền. Người cũng thấy một bà goá
túng thiếu kia bỏ vào đó hai đồng tiền kẽm. Người liền nói : "Thầy bảo
thật anh em : bà goá nghèo này đã bỏ vào nhiều hơn ai hết. Quả vậy, tất cả
những người kia đều rút từ tiền dư bạc thừa của họ, mà bỏ vào dâng cúng ; còn
bà này, thì rút từ cái túng thiếu của mình, mà bỏ vào đó tất cả những gì bà có
để nuôi sống mình."(Lc 21,1-4)
2.2. Hành trình làm cha/mẹ
Có
lẽ ít người, khi lập gia đình, hiểu được hết sự gian khổ cũng như sự cao quí
của hành trình mà mình sắp đi vào. Hai người nam nữ cưới nhau vì yêu nhau, hai
người ấy tưởng rằng mình sống đời hôn nhân để được hạnh phúc trong tình yêu của
chính mình. Thế nhưng hành trình hôn nhân lại dẫn người chồng người vợ ấy đi
đến những chân trời siêu vời khác. Khi người ta muốn có một đứa con, người ta
tưởng rằng mình sẽ được vui với con cái dù phải mất một số thu nhập của gia
đình. Thế rồi, khi nuôi con, người ta lại hiểu ra rằng không phải chỉ là tiêu
tốn một số tiền bạc, nhưng còn phải cực thân rất nhiều. Thế rồi khi con lớn
lên, người vợ, người chồng lại khám phá ra rằng, nuôi con không phải chỉ là mất
tiền, cũng không phải chỉ là mất sức, nhưng còn là hao tổn tâm trí vì con, phải
lo nghĩ, phải tính toán, phải ưu tư vì con. Hành trình làm cha mẹ chưa chấm
dứt. Đến một lúc nào đó trong cuộc đời, người làm cha/mẹ sẽ lại hiểu ra rằng :
thôi thì đời mình làm sao cũng được, miễn là con mình được nên người. Cảm nghĩ
ấy là một bước biến chuyển để người cha/mẹ hiểu ra rằng, mình cho con trọn cả
cuộc đời. Hành trình làm cha/mẹ là hành trình trao tặng chính bản thân mình. Đó
là hành trình “dẫn dụ” của một thứ tình yêu cứ mời gọi thêm mãi, thúc bách cho
đi nhiều hơn nữa, và cho đi cho đến cùng. Quả thật mức độ của tình yêu là tình
yêu không mức độ. Quả thật, chính vì tình yêu của cha/mẹ đối với con cái là thứ
tình yêu có khả năng vươn lên tới tới mức độ cho đi chính bản thân mà hình ảnh
người mẹ người cha trở thành hình ảnh đẹp nhất trên trần gian.
2.3 Nhu cầu thật của con cái
Hành
trình cuộc đời của một con người hết sức phức tạp, gian nan và đầy những điều
không ngờ. Đức Khổng Tử nói rằng : Làm người khó lắm ! Trên hành trình cuộc
đời, đứa con không chỉ cần có của cải, tiền bạc; nhưng còn cần có người khác
chia sẻ cuộc đời với mình. “Người khác” ở đây không phải chỉ là những người bạn
vui chơi, cũng không phải chỉ là những “người thầy” dạy bảo; nhưng trên hết, đứa
con cần có người “đồng hành” trọn vẹn trên suốt cả cuộc đời, trong mọi hoàn
cảnh… mà khó ai có thể cho được khác hơn là những người làm cha làm mẹ. Con cái
cần bản thân của cha mẹ, cần có cha mẹ ở trong và gắn bó trọn vẹn cuộc đời với
mình. Nhu cầu lớn nhất của con người là tình yêu; nhưng không phải chỉ là một
thứ tình yêu lãng mạn, bấp bênh mà là một tình yêu dám đồng hành trọn vẹn, đó
là thứ tình yêu trao tặng bản thân.
Người
làm cha làm mẹ nào cũng mong mình có nhiều tài năng và tiền bạc để có thể để
lại cho con mình những điều kiện thuận lợi hơn trong cuộc sống. Điều đó là cần
thiết, nhưng không phải là điều chính yếu nhất. Hành trang quí giá nhất của con
cái không phải là những điều kiện vật chất, nhưng chính là tình nghĩa mà chúng
đón nhận được nơi cha mẹ. Không nên mặc cảm với khả năng của mình và cũng đừng
nghĩ rằng dứt khoát con cái ta phải được hưởng những tiện nghi vật chất tốt
hơn. Hãy biết sống trọn tấm lòng của cha mẹ với con cái và hãy tin tưởng rằng
chính tấm lòng của mình có thể nuôi dưỡng cuộc đời của con tốt hơn tất cả mọi
sản phẩm khác.
3. Dâng trọn bản thân cho Chúa
Dâng
trọn bản thân cho Chúa, đó là cách sống tự do của con cái Chúa : người tín hữu,
đầu đội trời, nghĩa là chỉ tin vào một mình Thiên Chúa là Cha yêu thương, thì
có thể hiên ngang “đạp đất”; nghĩa là coi thường tất cả những thế lực, những
giá trị “phương pháp”, những luật lệ xét như luật lệ mà thôi… Đó là cách để con
người sống được sự tự do cao cả của mình. Người làm công thì có bản thân mình
phải lo, cho nên người ta cố gắng thu vén cho mình càng nhiều càng tốt. Nhưng với
những đứa con, bản thân đã có cha mẹ lo, nên chúng chỉ xin những điều hằng ngày
dùng đủ. Lo lắng, thu vén cho mình những điều linh tinh, nhỏ mọn, đó là cách
sống không dám đóng góp trọn bản thân mình vào cuộc; đó là sống kiểu “giữ ngày
giữ tháng” như thánh Phaolô đã khiển trách trong thư Galát. Sống như con cái là
sống theo kiểu “đóng góp” trọn vẹn bản thân mình vào gia đình, đó là dám tin
tưởng và phó thác trọn cuộc đời mình trong một “cộng đồng sự sống” và một “cộng
đồng trung tín”; là thông chia cho nhau tất cả mọi phúc lợi và tín trung trọn
vẹn cả trong những lúc yếu đau cũng như lúc mạnh khoẻ, lúc khó khăn cũng như
lúc thuận lợi. Phó thác trọn vẹn bản thân cho Chúa, ta sẽ “hít thở” được bầu
khí “gia đình” trong Nước Trời của Chúa.
Thiên
Chúa trao tặng cho con cái những người cha người mẹ trần gian; và Thiên Chúa
trao cho mọi người, đặc biệt với những ai không được may mắn có cha mẹ trần
gian, chính bản thân của Ngài trong Đức Giêsu, để người tín hữu có được một
người “Anh” đồng hành trên bước đường đời, và có Cha yêu thương quan phòng mọi
sự.
Kết
Làm
cha/mẹ, đó là một ơn gọi hết sức cao quí của con người. Ơn gọi ấy làm nên ý
nghĩa chính yếu của những người dấn thân vào đời sống gia đình. Sống trọn ý
nghĩa ấy, người cha/mẹ có thể tìm thấy hạnh phúc trong hy sinh, hạnh phúc trong
vất vả cực nhọc, và hạnh phúc khi dám trao tặng cả bản thân mình cho con cái.
Trên
hành trình ấy, trước tiên, cha/mẹ hãy biết trao tặng chính bản thân của mình
cho Chúa; vì khi đó, ta sẽ lãnh nhận được chính tình yêu tặng không và tình yêu
trao tặng trọn vẹn bản thân của Chúa Giêsu. Tình yêu ấy sẽ luôn là nguồn động
lực cho hành trình làm cha làm mẹ.
Sinh hoạt
1/ Hãy nhớ lại món quà quí gía nhất trong đời mà bạn đã được
lãnh nhận. Hãy ấp ủ sự ngọt ngào của kinh nghiệm ấy trong tim để thấm được thế
nào là trao tặng nghĩa tình.
2/ Làm thế nào để biến một “công việc bắt buộc” thành một
“hành động tự nguyện” trong tình yêu ? Bạn thử vẽ ra một bông hoa với nhụy hoa
là chính tên của bạn trong ý nghĩa ơn gọi làm cha/mẹ của bạn; và cánh hoa là
những công việc bạn phải làm.
3/ Bạn có bao giờ thực sự cảm thấy vui, thấy hạnh phúc trong
lúc phải hy sinh vất vả cho con cái không ? Bạn có hay kêu than vì những vất vả
trong gia đình không ? Bạn hãy thử vẽ ra một biểu tượng của việc trao tặng
nghĩa tình của người cha, người mẹ.
Thảo luận
1/ Trong cuộc sống thực dụng ngày hôm nay, ta có thể sống
thái độ “của ít lòng nhiều” nữa không ?
2/ Làm thế nào giúp con con biết đón nhận tấm lòng của cha
mẹ chứ không so đo tính toán trên giá trị của món quà ?
3/ Ta có thể an tâm khi chỉ trao tặng cho con “nghĩa tình”,
mà không để lại được cho con những phương tiện vật chất thuận lợi ?
0 nhận xét:
Đăng nhận xét
Click to see the code!
To insert emoticon you must added at least one space before the code.