“Tương lai” của sứ vụ
1. Xã hội tính toán
Khi ta vào nhà
hàng và có tiền trong túi, ta có thể mạnh miệng để kêu những món ngon vật lạ,
ta có thể thoải mái yêu cầu người phục vụ đáp ứng những sở thích nhỏ nhất của
mình và ta sẽ được chiều ý từng chút một; ta có một bữa tiệc thật huy hoàng và
thoải mái. Nhìn tới một công trường, ta thấy có biết bao nhiêu trí tuệ, biết
bao nhiêu tiền bạc và biết bao nhiêu thành tựu đáng tự hào của con người. Ta có
thể thấy nơi đó một thế giới con người đang sôi động, đầy sức sống, đầy tài
năng; một cuộc sống mạnh mẽ và hoành tráng biết bao ! Sự sống của con người
trong thế giới hiện đại quả thật rất hoành tráng và mãnh liệt… Đó là những
thành tựu không thể chối bỏ được.
Thế nhưng,
dưới một góc độ khác, ta lại cũng thấy, một cách khó chối bỏ được, tính chất
“phi nhân” của xã hội hiện đại ấy. Tất cả những điều thú vị và xa hoa ấy, tất
cả những thành tựu trí tuệ và hoành tráng ấy đều “chạy được” là nhờ một quy
luật căn bản, quy luật trao đổi sòng phẳng, thuận mua vừa bán; đó là nơi mà
người ta luôn phải tính toán kỹ lưỡng đến từng chi tiết bài toán lời lỗ, hơn
thiệt. Xã hội ấy biểu trưng cho một thế giới mà tất cả đều được điều khiền bằng
qui luật thị trường, nghĩa là bất cứ điều gì cũng có thể và phải được hoán
chuyển thành “đồng tiền” để đổi lấy “sản phẩm”. Tài năng, chức tước, địa vị,
ngay cả đức độ… cũng chỉ là những “đồng tiền” để mua bán đổi chác theo qui luật
thuận mua vừa bán. Khi không có “đồng tiền”, ta không thể bước vào thế giới
nhộn nhịp và sầm uất ấy, ta không có chỗ trong cuộc đời. Xã hội hiện đại càng
tiến bộ thì lại càng bộc lộ rõ nét tính cách loại trừ của nó, loại trừ giá trị
bản thân con người và loại trừ đối với nhiều con người.
Thế giới thuận
mua vừa bán như thế, thế giới của những thứ có thể mua bán đổi chác, trong thực
chất, lại chỉ là thế giới của sự vật, không phải là thế giới của nhân tính đích
thực; vì chỉ có sự vật mới có thể mua bán đổi chác. Xã hội văn minh hiện đại
chắc chắn không cho phép mua bán bản thân con người; những sự mua bán trực tiếp
bản thân của con người, bán dâm, mua bán phụ nữ và trẻ em,… thì bao giờ cũng bị
kết án; vì điều đó đụng đến lương tâm của nhân loại, một ý thức về nhân phẩm mà
phải mất một thời gian thật dài con người mới có được. Tuy thế, xã hội hiện đại
không tính đến bản thân của con người. Con người không được chấp nhận từ chính
bản thân, để làm nên một thứ “cộng đồng ngôi vị”, mà chỉ được lọc lựa để khai
thác phần sự vật nơi con người. Bản thân mỗi con người, tự nó, là một giá trị
không thể mua bán được; và trong khi xã hội càng tiến triển ồ ạt và hoành
tráng, thì thế giới mà con người trao đổi cho nhau chính bản thân của mình, thế
giới của tình yêu, thế giới của gia đình, thế giới của tình nghĩa vô điều kiện…
lại càng ngày càng bị thu hẹp.
2. Xã hội chuẩn hóa
Xã hội hiện
đại là một xã hội càng ngày càng chuẩn hóa. Khi có một số cha mẹ hành hạ con
cái, người ta sẽ phải ra luật bảo về trẻ em. Đó là điều cần thiết. Nhưng khi
đó, một người cha sửa dạy con bằng bằng một chút “roi vọt” cũng sẽ bị tù. Khi
có một số thầy giáo đánh học sinh, người ta sẽ phải dần thêm thêm những quy
định bắt buộc đối với tư cách một nhà giáo dục. Đó là điều cần thiết. Nhưng rồi
sẽ đến lúc mọi người giáo viên sẽ phải ứng xử trong lớp theo một khuôn phép
đồng nhất. Tất cả mọi lãnh vực đều sẽ diễn ra theo tiến trình chuẩn hóa như
thế, đó là quy luật của thế giới hiện đại : chuẩn hóa để tránh sai lỗi, nhưng
chuẩn hóa lại làm cạn kiệt cá tính; chuẩn hóa để nâng cấp mặt bằng trung bình
của cuộc sống, nhưng đồng thời chuẩn hóa cũng tiêu diệt luôn cả những gì mở
đường cho một sự sáng tạo; chuẩn hóa là đề cao trật tự, nề nếp, nhưng chuẩn hóa
cũng là đánh đồng mọi nhân cách và loại trừ chính giá trị bản thân. Nói cho
cùng, chuẩn hóa làm cho tâm thức của con người thời đại không còn nhạy bén với
việc đón nhận một con người như là chính con người ấy, con người cụ thể và trọn
vẹn, với tất cả cá tính của mình. Khi mà luật pháp trở nên một hệ thống chằng
chịt, qui định tất cả mọi sự, thì thế giới của tâm hồn con người cũng bị vạ
lây.
Ta có thể tạm
nói một cách tổng quát rằng :
- Qui luật căn
bản của thế giới con vật là “mạnh được yếu thua”, cá lớn nuốt cá bé;
- Qui luật xã
hội “văn minh” của loài người là “thuận mua vừa bán”;
- Qui luật của
Nước Trời là : tặng không và đón nhận với lòng tri ân.
Trong xã hội
loài người, để ngăn chặn tình trạng cá lớn nuốt cá bé, người ta phải đề ra một
hệ thống luật pháp; và nét tiêu biểu của xã hội luật pháp là “thuận mua vừa
bán”. Thế nhưng, chỉ nguyên hệ thống luật pháp thì không đủ để có thể ngăn chặn
được khuynh hướng sinh vật vốn ăn sâu vào bản chất loài người. Khi mà người ta
hô hào gìn giữ kỷ cương phép nước cho nghiêm minh, thì đó lại là dấu hiệu của
một tình trạng xuống cấp về phương diện đạo đức. Kỷ cương phép nước, giống như
những tường rào “hữu hình” kiên cố vây bọc bên ngoài, luôn là điều cần thiết.
Tuy nhiên, khi mà luân thường đạo lý, như những rào cản vô hình bên trong tâm
hồn con người mà không còn nữa, thì kỷ cương phép nước cũng chẳng ngăn chặn
được muôn người rình mò và tìm mọi cách để luồn lách. Xã hội băng hoại trước
tiên không phải bởi vì kỷ cương phép nước không nghiêm, nhưng là do luân thường
đạo lý không còn là những giá trị trong lương tri của con người.
Mặt khác, khi
mà luật pháp thiết lập được một xã hội chuẩn hóa, và khi tính chất chuẩn hóa ấy
trở nên một mực thước căn bản trong tâm thức con người, thì người ta lại khó
hơn trong việc vươn lên đến một bầu khí “tặng không và lãnh nhận với lòng tri
ân”. Chính cái khuôn khổ bên ngoài con người mà người ta tưởng-như, hoặc phải
tuân giữ một cách tỷ mỷ, lại trở thành khuôn khổ và trở thành chính hàng rào
nhốt kín bản thân của con người. Có người lần đầu tiên sang Mỹ đã nhận xét rằng
: nước Mỹ dùng cả một hệ thống luật pháp đồ sộ để bảo đảm cho tự do của con
người, nhưng cuối cùng con người lại nô lệ cho chính luật pháp. Luật pháp “cho
đến tận răng” đó cũng là nét tiêu biểu của xã hội hiện đại; và luật pháp thì
không có chỗ cho tâm hồn, không có chỗ để “vị thân”.
Thật ra, để
vượt trên thế giới “cá lớn nuốt cá bé” người ta không thể chỉ dừng lại ở mức độ
“thuận mua vừa bán”. Thế giới “cá lớn nuốt cá bé” của con vật thì chỉ có răng
nhọn và móng vuốt; nhưng cái sức mạnh chính yếu trong thế giới “cá lớn nuốt cá
bé” của con người thì lại không phải chỉ là bắp thịt, mà là cái tâm hư hoại.
Cái thế giới bên ngoài của những luật pháp “thuận mua vừa bán” mới chỉ là giải
quyết cái “hữu hình” của sự ác nơi con người; ngay cả cái tâm “công bằng”, cái
tâm “liêm chính” thì cũng chỉ dừng lại ở mức độ mấp mé và mập mờ của đường ranh
“thiện ác”. Lý do không chỉ vì người ta có nguy cơ rơi trở xuống mức độ “cá lớn
nuốt cá bé”, nhưng còn là vì, trong thực chất, con người không thể hoàn toàn
minh bạch về lẽ công bằng với nhau. Con người liên đới và liên lụy với nhau
nhiều hơn và sâu hơn rất nhiều so với những qui định của lẽ công bằng theo pháp
luật, đến mức không ai có thể nói được tôi hoàn toàn không có sự bất công nào
với những người nghèo đang sống chung quanh tôi. Chẳng hạn, trong cơ hội được
học đại học hay du học nước ngoài của một ai đó, luôn luôn có phần mất mát,
hoặc một cách tình nguyện hoặc một cách bất đắc dĩ, của nhiều người khác, do
tình yêu, do chính sách, do cơ chế xã hội, do một quan niệm phiếm diện… Đã là
người, bất cứ ai cũng liên lụy với người khác trong tội lỗi (một khía cạnh của
tội tổ tông) và chỉ có thể hóa giải bằng một sự liên đới với nhau một cách sâu
xa trong ơn phúc (mầu nhiệm các thánh cùng thông công); nghĩa là một con người
chỉ có thể hóa giải những tầng sâu chằng chịt của bất công bằng một thái độ dấn
thân phục vụ, phục vụ như trách nhiệm thực sự của mình. Trong niềm tin, chúng
ta có thể xác quyết rằng, đê giải quyết triệt để tình trạng “cá lớn nuốt cá
bé”, chỉ có một phương cách duy nhất là hội nhập vào thế giới của “tặng không
và lãnh nhận trong lòng tri ân” của Nước Chúa mà thôi.
Nhiều người ta
cho rằng : phải làm người trước khi làm thánh. Đó là một phản ứng chống lại
những kiểu nên thánh phi nhân, ra vẻ đạo đức nhưng lại vi phạm những điều cơ
bản trong giá trị nhân bản. Thế nhưng, trong nhiệm cục cứu độ, người ta cần
hiểu ra rằng ta sẽ chẳng thể làm người được nếu như không làm “thánh”, nghĩa là
nếu không được đón nhận vào thế giới ân phúc của Chúa. Nói một cách nào đó,
chính vì ta không thể làm người được, “vi nhân nan”, nên phải chọn con đường
làm thánh. Đó chính là nẻo đường mà ơn cứu độ mời gọi chúng ta bước vào.
Trong ý nghĩa
như thế, ta có thể thấy một thế giới hiện đại, một thế giới chuẩn hóa “đến tận
răng”, thật sự là một thế giới xuê xoa sự bất công, bằng một ảo tưởng công bằng
nào đó. Sự sai lệnh đó biểu lộ trong một tâm thức chuẩn hóa và loại trừ; thể
hiện trong một xã hội giảm thiểu mối tương giao tình nghĩa, thu hẹp thế giới
tương giao bản thân. Tương giao con người chân chính là tương giao chấp nhận
bản thân của nhau, như trong đời sống gia đình; trong đó, con người sống với
nhau bằng trọn vẹn bản thân, đón nhận trọn vẹn bản thân của nhau và dám lao
mình vào cuộc trao tặng chính bản thân mình cho ai khác. Đó mới chính là nẻo đường của sứ vụ.
3. Xã Hội mất căn tính
Một xã hội mà
tất cả sự sầm uất của nó được giới hạn trong chuyện trao đổi hàng hóa; một xã
hội mà khái niệm căn bản của cuộc sống chỉ là cố gắng sống theo nguyên tắc công
bằng, thì tất cả những ưu tư của con người trong xã hội ấy cũng thường chỉ là
kiếm tiền và kiếm tiền một cách liêm chính, nếu có thể; còn nếu như ưu tư kiếm
tiền lớn hơn ưu tư sống liêm chính thì người ta có thể làm bất cứ điều gì, ngay
cả những điều bất chính để có tiền. Bài toán của cuộc đời như thế đã được đặt
thành phương trình, nhưng lại là một phương trình sai; và chúng ta có thể hiểu
được phần nào những tệ nạn của cuộc sống xã hội Việt Nam hôm nay qua phương trình lệch
lạc ấy. Tuy nhiên, điều chúng ta muốn nhìn kỹ hơn ở đây còn ở một khía cạnh
khác : người ta sống trong xã hội như những người đánh mất căn tính của chính
bản thân mình.
Trước đây
không lâu lắm, vài chục năm thôi, một anh thợ mộc, một cô thợ may, có thể an
vui với cuộc sống của mình, với nghề nghiệp của mình, với thu nhập đủ sống của
mình. Khi đó, trước mắt anh thợ mộc hoặc cô thợ may không có nhiều hàng hóa xa
hoa và cám dỗ như hiện nay, không có một thứ cạnh tranh đua đòi trong việc mua
sắm như hiện nay. Trong bầu không khí đó, anh thợ mộc và cô thợ may không bị
“hớp hồn” trong mối liên hệ giữa thu nhập của mình và việc mua sắm, nên họ quan
tâm nhiều hơn tới mối liên hệ giữa chính bản thân mình với công việc nghề
nghiệp của mình. Công việc như thế không hẳn là một thứ việc-làm nhưng
còn là một cách hành động của bản thân. Chúng ta cần phải phân biệt sự
khác biệt giữa việc làm và hành động. Việc làm là một cách “tiêu pha” bản thân
mình trong công việc để sản xuất ra các sản phẩm; sản phẩm ấy tách rời khỏi
nhân cách, tách khỏi ý nghĩa bản thân của người làm việc, và người ta tiêu dùng
sản phẩm mà không cần biết đến người sản xuất. Trong khi đó, hành động là một
cách thức biểu lộ chính bản thân của chủ thể, bản thân của người hành động được
lớn lên, được biểu lộ, được khẳng định trong hành động của mình; và thường
thường người ta có thể nhìn hành động để nhận ra bản thân của người hành động.
Như thế, trong
bầu không khí xã hội vài chục năm trước đây, khi người lao động sống mối tương
quan giữa bản thân mình và nghề nghiệp hay công việc của mình nhiều hơn là bị
hớp hồn trong mối tương quan giữa công việc và thu nhập, hoặc mối tương quan
giữa thu nhập và việc mua sắm, hoặc mối tương quan giữa khả năng mua sắm và
cách đánh giá của xã hội, thì bình thường, anh/chị ấy vẫn có được một thứ
“lương tâm nghề nghiệp”. Anh/chị ấy vui vì khả năng thể hiện mình trong nghề
nghiệp hoặc công việc; anh/chị ấy sẵn sàng bỏ đi một sản phẩm bị lỗi vì một cảm
giác tự hào “tao là thợ, ta không thể làm một cái bàn sai qui cách như thế !”;
“tao là thợ, ta không thể may cái áo sai qui cách như thế !”… Trong bầu không
khí xã hội như thế, nói chung, con người gia nhập vào cuộc sống xã hội như một
quá trình thể hiện bản thân, nghĩa là người ta sống được căn tính của bản thân;
và chính cảm nhận ấy, một cách sâu xa, giúp cho con người tránh được cảm giác
hụt hẫng bản thân, trống rỗng bản thân, tiêu phí bản thân. Ngược lại, trong xã
hội hiện đại, người ta phải đánh đổi bản thân lấy đồng tiền, đánh đổi niềm tự
hào về bản thân để lấy sự đánh giá bấp bênh của xã hội theo bậc thang thu nhập.
Chính tình trạng mất căn tính như thế có thể giải thích sâu xa tình trạng xuống
cấp về đạo đức, tình trạng đua đòi trong mua sắm, tình trạng mất hạnh phúc
trong tâm hồn, và cả tình trạng khủng hoảng tâm lý (stress) của nhiều người
trong xã hội hiện đại. Cuối cùng, chính tình trạng mất căn tính như thế làm cho
đời sống con người mất lý tưởng chân chính như là một sự khát khao thể hiện bản
thân mình một cách phong phú, để thay bằng những lý tưởng giả tạo, lý tưởng
kiếm tiền, lý tưởng thành đạt trước mắt người khác. Như thế, ở một khía cạnh
khác, chúng ta lại thấy xã hội hiện đại chẳng những tấn công mảnh đất của sứ vụ
từ bên ngoài, nhưng còn chiếm lấy chính ngôi nhà của sứ vụ.
4. Còn không chỗ đứng cho “sứ vụ” ?
Khi một người
bác sĩ làm việc như là một cách đáp ứng đòi hỏi của bệnh viện, ông ta chỉ làm
việc xứng với hợp đồng mình đã ký, và nỗ lực tốt nhất của ông là làm việc làm
sao cho liêm chính. Ông bác sĩ ấy bị chìm, bị mất căn tính trong thế giới bên
ngoài bản thân mình, thế giới tính toán thuận mua vừa bán, thế giới chuẩn hóa
mọi sự theo một tiêu chuẩn khách quan. Đôi khi bài toán cân bằng được nâng lên
mức độ cao, làm nhiều hưởng nhiều, người ta tỏ ra như một người làm việc cật
lực, hết mình… Nhưng thật ra, đó vẫn chỉ là làm việc do ngoại lực mà thôi,
nghĩa là vẫn nằm trong thế giới đổi chác của sự vật chứ không phải là thế giới
cống hiến của bản thân.
Ngược lại, khi người bác sĩ đã chọn ngành y
với tất cả tâm huyết chữa bệnh chứ không phải tìm nghề có thu nhập, khi người
bác sĩ sống được ý nghĩa chân chính của việc mang lại sức khoẻ cho bệnh nhân,
thì ông ta tìm thấy hạnh phúc trong công việc của mình. Bản thân con người là
một giá trị không thể đổi chác, buôn bán được. Bản thân con người không thể đưa
vào cuộc kinh doanh của thế giới sôi động và hoành tráng này. Bản thân con
người chỉ có thể “sống dậy” và toả sáng ý nghĩa khi người ta sống ý nghĩa làm
nên căn tính của mình, khi người ta tự do trao ban, khi người ta có khả năng
vượt qua được áp lực của thế giới bên ngoài, để thực hiện lý tưởng chân chính
của bản thân mình.
Con người cần
phải có xã hội, nhưng con người lại không phải chỉ là một sinh vật xã hội; lại
càng không thể là một sinh vật kinh tế. Một trong những nhu cầu sâu xa của con
người là thể hiện chính bản thân mình, và thể hiện bản thân trong ơn gọi và sứ
vụ. Ơn gọi là điều gì gắn với ý nghĩa “bên trong”, ý nghĩa thực sự của bản
thân. Ơn gọi không có “nghỉ hè” hay “nghỉ phép”. Không một người cha, người mẹ,
người tu sĩ,… nào có quyền đòi cho mình được “nghỉ phép tu”, “nghỉ hè làm cha”,
“nghỉ hè làm mẹ”… vì những lãnh vực ấy không phải là lãnh vực trao đổi sự vật,
nhưng là ý nghĩa của chính bản thân. Cũng thế, sứ vụ là điều xuất phát từ ơn
gọi chứ không phải từ một công tác nhằm đáp ứng một hợp đồng; sứ vụ là lao trọn
vẹn bản thân vào việc phục vụ mà không lấy một giới hạn nào để cho là đủ. Cha
mẹ đã lo cho con “đủ rồi”, và có lẽ là quá đủ nữa, nếu như xét đó là một công
tác. Thế nhưng không một người cha, người mẹ nào sống hết tình hết nghĩa cha mẹ
lại có thể cho rằng ta đã làm đủ, để rồi ta không cần làm thêm điều gì nữa. Bởi
vì ý nghĩa làm cha/mẹ không phải là kết quả của một sự tính toán, của một sự
chuẩn hóa, nhưng là ý nghĩa sâu xa của chính bản thân.
Trong thế giới
mà người ta trao đổi với nhau mọi sự, nhưng rất ít có sự trao đổi chính bản
thân của nhau, thì con người cũng ít có thể huy động tất cả con tim của mình,
tất cả khả năng mình, tất cả bản thân của mình để có thể lao mình vào cuộc đời
như một sứ vụ. Cái nguy nhất của thời đại ngày hôm nay là người ta không còn có
đủ lý tưởng chân chính, không còn có đủ sức mạnh của sứ vụ từ trong tâm hồn để
sống trọn vẹn bản thân mình như một khao khát vươn lên tuyệt đối. Lý tưởng “vì
một đất nước ấm no hạnh phúc” được vẽ trên các biêu ngữ không có chút khả năng
nào để huy động con tim của con người, không có đủ sức mạnh ý nghĩa để người ta
có thể lao mình vào cuộc và vượt qua được nhứng lời mời gọi hưởng thụ trong một
thế giới sự vật. Thế giới mua bán trả vay đánh mất phần tinh túy nhất của bản
thân mỗi người, một sự lãng phí, vì con người không phát huy được hết bản thân
mình trong một thái độ quảng đại và hết mình thực sự.
Con người
không thể sống phong phú và sung mãn nếu không có ơn gọi và sứ vụ. Cuộc đời
không có ơn gọi và sứ vụ là cuộc đời trống vắng ý nghĩa, là cuộc đời đánh mất
chính bản thân. Chỉ khi nào con người khởi động hành trình của mình từ chính
con tim, thì con người mới có thể sống thật và sống trọn vẹn cuộc đời của mình;
vì chỉ khi được thúc bách từ chính con tim, con người mới có thể bước vào lãnh
vực sứ vụ. Thật sự con người cần phải đạt đến mức độ sứ vụ để có thể hoàn thành
cuộc đời của mình. Đó là một bằng chứng sống động của một lời mời gọi đi lên
trong vận mạng làm người. Bản chất con người như được kêu gọi, được hút lên do
một sức hút nào đó để hướng tới việc thi hành một ơn gọi và sứ vụ cho cả cuộc
đời mình. Không có được ơn gọi và sứ vụ, người ta đánh mất cuộc đời trong những
chuyện phù phiếm.
Thay lời kết
Tôi nghe người
ta nói, ở một vài nước tiên tiến trên thế giới, nhiều linh mục sống và thi hành
sứ vụ như một công chức. Trước đây tôi nghe kể có một số học sinh trung học đã
cắt máu ăn thề trước lá cờ tổ quốc để thề hứa sẽ hết lòng phục vụ quê hương.
Tôi khâm phục những hình ảnh tình đồng đội như những “Bài ca không bao giờ
quên”. Tôi cũng khâm phục hình ảnh những anh chị thanh niên xung phong trước
đây. Hiện nay, ở Việt Nam,
chúng ta cũng còn thấy có một chút hình ảnh đẹp nơi những chiến dịch Mùa Hè
Xanh hoặc thanh niên tình nguyện… Thế nhưng, nói chung, ta có thể thấy một sự
xuống dốc của tinh thần sứ vụ.
Đâu là tương
lai của sứ vụ ? Tôi tin vào bản chất vươn lên của con người; nên có thể trong
một giai đoạn nào đó, tinh thần sứ vụ có hao mòn, nhưng chắc chắn là nó không
thể biến mất trên trần gian; và chắc chắn nó cũng không đi xuống mãi.
Tôi nghĩ rằng
những cơ chế hiện nay của Nhà Nước, trong ngành giáo dục, trong tổ chức Đoàn và
Đảng,… không còn đủ khả năng cung cấp một lý tưởng thật sự có sức sống cho xã
hội, đặc biệt là cho giới trẻ. Tôi hy vọng rằng Nhà Nước sớm hiểu ra điều ấy và
mở rộng cửa cho những tổ chức khác, tôn giáo hay dân sự, có cơ hội đáp ứng vào
chỗ thiếu hụt không nhỏ ấy.
Tôi cũng nghĩ
rằng, trong Giáo Hội Công Giáo, các vị mục tử không phải chỉ chăm lo cho “phần
rỗi linh hồn”, nhưng thật sự tin rằng lý tưởng Tin Mừng, lý tưởng sống theo Đức
Giêsu Kitô có khả năng cung cấp một sinh lực sống cho người Kitô hữu, để đem
hạt/men Nước Trời biến đổi bộ mặt trần gian.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét
Click to see the code!
To insert emoticon you must added at least one space before the code.