Thánh
Lễ Tạ Ơn
Tân
Linh Mục F.X. Đào Trung Hiệu
Tại
giáo xứ Ngọc Lâm
NGƯỜI GIEO GIỐNG
Bài
đọc 1 : Is 52, 7-10 "Ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta, Người bốn bể
rồi ra nhìn thấy".
Bài
đọc 2 : Cl 1, 21-23 "Tôi đã được trở nên người phục vụ Tin Mừng".
Tin
Mừng : Mt 13, 1-9 "Kìa người gieo giống ra đi gieo giống".
I. NHỮNG "NGƯỜI GIEO GIỐNG"
Anh chị em thân mến,
Tại vùng đất nông nghiệp này, chắc
chắn anh chị em có thể thấy và cảm được hình ảnh những người gieo giống, không
phải chỉ đẹp như tranh, theo kiểu "dân Sài Gòn" tưởng tượng, nhưng
còn cực nhọc và vất vả như một cuộc đời thực : chẳng những nặng nề, nắng nôi,
mưa gió, mệt nhọc,... nhưng còn với tất cả những lo lắng sao cho vụ mùa thành
đạt; nỗi lo lắng can hệ đến cuộc sống hằng ngày.
Vâng ! Ngoài những vất vả nặng nhọc
của đời sống nông nghiệp, người gieo giống còn :
-
Là người phải chờ đợi kết quả qua từng ngày từng tháng. Từ ngày hạt giống được
gieo vào lòng đất, thì người gieo giống cũng để lại lòng mình nơi ruộng đồng,
và cõi lòng ấy cũng phải trải qua mưa nắng, để rồi cũng chai sạm và dẻo dai
trong sự kiên nhẫn đợi chờ.
Người gieo giống
-
Là người hy vọng ; người gieo giống có thể làm tất cả những gì mình có thể làm,
nhưng không bao giờ nắm chắc được thành quả; một cách nào đó, người gieo giống luôn
phải "khẩn cầu" /hy vọng/ nơi thời tiết, nơi đất đai, nơi phân bón,
nơi nước non và cả nơi lòng tốt của những người chung quanh nữa ...,
Người gieo giống
-
Là người dám liều, dám đánh cuộc bằng chính công sức hay chính cuộc đời mình để
có được một vụ mùa phong nhiêu. Những hạt giống quí báu được mang ra khỏi kho
lẫm, được tung vãi trên mảnh đất, mảnh đất hiền hòa nhưng cũng rất bí ẩn. Người
gieo giống không thể "nắm được đằng chuôi" trong cuộc thách đố này.
Đó là một vài nét về người gieo
giống mà anh chị em có thể thấy và cảm được nơi cùng đất nông nghiệp này. Và
nếu anh chị em tưởng tượng một chút, anh chị em cũng sẽ thấy có nhiều
"người gieo giống" tương tự như thế; giống ở chỗ những "người
gieo giống" này cũng "không phải chỉ đẹp như tranh, nhưng còn rất vất
vả như cuộc sống thực" : chẳng hạn cha mẹ, những người luôn muốn gieo vào
lòng con cái những tâm tình hiếu đễ, muốn anh chị em yêu thương và nhường nhịn
lẫn nhau; thầy cô giáo, những người không những cố gắng "gieo" vào
trong "đầu" học sinh những kiến thức cần thiết để thi cử, để lên lớp;
nhưng hơn nữa còn phải tìm cách nào gieo vào "trái tim" của học trò
những tâm tình của một con người tốt, "tiên học lễ hậu học văn" mà.
Rồi chúng ta nhìn thấy bao nhiêu người khác vẫn đang làm "nghề gieo
giống" như thế : cha xứ chẳng hạn,....
Tất cả những ai sống cuộc đời theo
mẫu người gieo giống như thế đều phải sống trong sự kiên nhẫn chờ đợi, trong hy
vọng và trong sự can đảm dám liều. Từ khi hạt giống được gieo xuống, cũng là
khi con người dám can đảm nhận lãnh trách nhiệm (làm vợ, làm chồng, làm thầy
làm cô, hay làm linh mục...), cho đến khi nhìn thấy "bông hạt" và khi
thực sự "thu hoạch" được hoa trái, đó là cả một quá trình lao nhọc,
lo lắng, hy sinh, vất vả, hao tâm tổn sức rất nhiều. Người nông dân còn phải
tùy thời tiết, tùy đất đai; bậc cha mẹ còn phải tùy theo tâm tính của mỗi đứa
con, vì "cha mẹ sinh con, Trời sinh tính" mà; thầy cô giáo còn phải
tùy sự chăm chỉ và trí thông minh của học trò; và cha xứ còn phải "khẩn
cầu" sự lòng đạo của giáo dân... tất cả những ai đi vào nghiệp dĩ ấy mới
cảm được rằng cuộc đời người gieo giống không phải chỉ đẹp như tranh, theo kiểu
"dân Sài Gòn" tưởng tượng, nhưng còn cực nhọc và vất vả như một cuộc
đời thực. Có những thứ tự nhiên nó mọc, và nó rất khó chết; nhưng đó là cỏ dại,
là những nết xấu, là sự đua đòi, là lòng ích kỷ; và có những thứ chăm sóc hoài
mà nó vẫn khó mọc lắm, đó là những bông lúa cho ta bữa cơm ngon, là những hạt
giống yêu thương, quảng đại, tha thứ, thông cảm chia sẻ....
Tất cả những điều đó có thể giúp
chúng ta hiểu hơn về Lời Chúa ngày hôm nay; hiểu rằng chính Thiên Chúa là người
gieo giống, Người gieo hạt mầm cây lúa, cây đậu trong những cánh đồng, gieo
những hạt tình người trong tâm khảm con người, gieo những hạt đức Tin trong
Kitô hữu....; và Ngài cũng phải kiên nhẫn biết bao, phải hy vọng luôn mãi, và
cũng như dám liều cho Con Một của Ngài, Đức Giêsu Kitô, gieo vào trần gian để
chịu chết vì con người.
Và chúng ta, mọi người, nhất là các
Kitô hữu cũng được kêu gọi để trở thành những "người gieo giống" cùng
với Đức Kitô; mỗi người trong chúng ta đều có những trách nhiệm, đúng hơn là
những sứ mệnh được Thiên Chúa tin tưởng trao phó; chúng ta, những người nông
dân, những bậc cha mẹ, những người thầy,.... cũng giống như linh mục và cũng cao
quí như sứ mệnh linh mục, chúng ta cũng cần sống trong sự kiên nhẫn, biết hy
vọng, dám can đảm, chấp nhận hy sinh cho vụ mùa được phong phú và con người
được an vui hạnh phúc.
II. NIỀM VUI NỖI BUỒN CỦA NGƯỜI GIEO GIỐNG
Không có người gieo giống nào có thể
an nhàn, thoải mãi, vô lo, dửng dưng được đâu; trừ khi là họ không còn để tâm
hồn mình nơi hạt giống nữa, trừ khi họ đã đánh đổi tâm hồn người gieo giống của
mình, để mặc lấy tâm hồn của một "địa chủ", chỉ biết căn cứ vào những
luật và lệ, những điều cứng nhắc và phi nhân, để bảo đảm cho cuộc sống sung
sướng của mình; trừ phi, chẳng hạn, một người mẹ "dám" nghĩ rằng :
con cái nó làm bậy, nó phải khổ, và nó phải chịu, không liên can gì đến tôi....
Anh chị em thân mến,
Niềm vui và nỗi buồn của người gieo
giống đích thực không ở trong con người mình, nhưng thăng trầm, trôi nổi theo
sự phát triển của hạt giống. Rất nhiều anh chị em ở đây đã và đang đảm nhận sứ
mệnh làm cha làm mẹ; từ sứ mệnh đó, chắc chắn anh chị em hiểu được nỗi cực nhọc
của kẻ chăm lo cho hạt giống, là con cái : nuôi con sống đã là cực khổ rồi;
nhưng điều quan trọng hơn hết vẫn là làm sao cho con cái được nên người. Không
gì hạnh phúc cho mình bằng con cái "nên người" cho dù phải nhọc nhằn,
cho dù phải chấp nhận bao hy sinh vất vả, bao tủi nhục đớn đau thế nào đi nữa;
và không không gì đau khổ cho cha mẹ khi thấy con cái hư hỏng. Biết bao người
đã tưởng rằng điều quan trọng trên hết là làm giầu, là kiếm cho được nhiều
tiền, đến lúc bừng mắt ra, thấy con mình vướng vào ma túy; trời ơi, không còn
thiết sống nữa....
Có một người cha nói với tôi rằng :
"Trời ơi ! sao con mình lại lớn lên vào đúng lúc có nạn ma túy đang xâm
nhập vào giới thanh thiếu niên, vào trong học đường như thế này ?".
Một người mẹ, có đứa con trai duy nhất bỏ nhà ra đi, đã nói với tôi : "Thưa
cha, con đã khóc đến nỗi không còn nước mắt để mà khóc nữa !". Những
lời than van từ đáy tâm hồn của những người gieo giống như thế, tôi nghĩ, phải
thấu đến tận trời ! Nhưng Thiên Chúa cũng là một người gieo giống, và Ngài cũng
chỉ cùng với người cha người mẹ đó để cùng kiên nhẫn chờ đợi, cùng hy vọng và
cùng đánh liều những cố gắng của mình.
Niềm vui và nỗi buồn của người gieo
giống nằm ở nơi sự phát triển của hạt giống. Đó là một qui luật, mà bỏ mất qui
luật đó, thì cũng đánh mất tâm hồn mình, cũng chối bỏ chính ý nghĩa cuộc đời
mình.
Vui buồn đích thực của đời linh mục
là gì nếu không phải là mong cho hạt giống Đức Tin được mọc lên, trong chính
mình và trong đời sống mọi người, nhất là với những mảnh ruộng Thiên Chúa trao
phó cho mình. Đời linh mục đâu chỉ vui vì được ăn ngon, vì được trọng vọng, vì
được tiện nghi. Đời linh mục chỉ có ý nghĩa đích thực khi để lòng mình buồn vui
cùng hạt giống đức Tin đang sinh sôi nẩy nở trong tâm hồn con người.
Đừng quá chú tâm vẽ ra cuộc đời linh
mục "đẹp như tranh", nhưng hãy hiểu sứ mệnh của linh mục cũng
"gian nan vất vả như cuộc đời thực". Linh mục là những người
gieo giống mà khó thấy được "ngày mùa", trừ ra trong "đức
Tin". Linh mục mà không kiên nhẫn, làm sao có thể "chịu được"
những lẩm cẩm của đời sống đạo; linh mục mà không hy vọng làm sao có thể đảm
nhận trách nhiệm từ năm này qua năm khác; linh mục mà không dám liều, làm sao
có thể xây dựng được một cộng đoàn dân Chúa năng động và sốt sắng...
Nhiều khi người ta chỉ biết vẽ ra
những hình ảnh đẹp như tranh, người chưa lập gia đình thì cứ tưởng một đời sống
vợ chồng chỉ có tiếng cười vui; người chưa có con thì chỉ thấy cái thú vị tuyệt
vời được ẵm con đi chơi... và người không chịu chức linh mục thì cứ tưởng đời
linh mục là vinh quang, là "đỗ cụ", là không phải bận tâm lo kế sinh
nhai...; người ta quá dễ dàng vẽ ra những nét đẹp với tất cả cường độ tưởng tượng
của một kẻ thiếu kinh nghiệm.
III. THIÊN CHÚA VẪN TIẾP TỤC GIEO HẠT ƠN CỨU ĐỘ
Với tất cả những người chọn nghiệp
dĩ là người gieo giống, có ai dám gieo hạt giống của mình vào vệ đường ? Có dám
gieo hạt giống mà mình đã khổ công thu góp, cất giữ cẩn thận, lại để cho nó rơi
trên đá sỏi, rơi trên gai góc không ? chắc anh chị em sẽ bảo rằng không.
Nhưng thực sự có đấy. Này nhé, cha
mẹ nào lại không gieo cả trăm hạt giống vào tâm hồn con cái, và cho dù chỉ thấy
một vài hạt giống tốt mọc lên, thấy gai góc, thấy sỏi đá, thấy sự chai cứng như
vệ đường, cha mẹ vẫn tiếp tục gieo, ít nhất là trong lời cầu nguyện. Những mảnh
đất gai góc, sỏi đá có thể làm cho người nông dân sờn lòng; và với "vệ
đường" thì họ đành chịu thua vậy. Nhưng đối với những con người, với mảnh
đất là tâm hồn con người thì sứ mạng làm cha làm mẹ lại không chịu đầu hàng; sứ
mệnh của những người thầy cô, sứ mạng của linh mục lại không cho phép người
gieo giống chịu thua. Gieo vãi những hạt giống quí báu của mình, dù nhìn thấy
trước mắt có 3/4 bị hư đi, hư đi vì sự hời hợt của đá sỏi, vì những bận tâm về
"bả vinh hoa phú quí", vì sự chối từ của tâm những "tâm hồn vệ
đường", ai dám gieo giống như thế, nếu không phải là kẻ có một sự kiên
nhẫn, có niềm hy vọng và có lòng can đảm dám liều đạt đến mức cao độ ?
À, chính ở nơi đây, ta thấy được
"huyền nhiệm" của tâm hồn người gieo giống; và chính ở đây ta mới
hiểu được nét đẹp thực sự của người gieo giống, nét đẹp của cuộc đời hy sinh
cho sứ vụ.
Vâng ! Thư Ephêsô nói rằng Thiên
Chúa Cha "là nguồn gốc mọi gia tộc trên trời dưới đất" (Ep
3,14). Sở dĩ những người làm cha làm mẹ, và nếu như những người làm "cha
thiêng liêng", những linh mục, có được sự kiên nhẫn, có được niềm hy vọng
có được lòng can đảm dám liều, thì đó là vì những sứ vụ ấy bắt nguồn từ chính
Thiên Chúa là Cha chung của mọi người, bắt nguồn từ chính "sứ vụ" của
Thiên Chúa, Đấng đã hết lòng kiên nhẫn, hết sức hy vọng, và đã đánh liều gieo
Ngôi Lời của ngài xuống trần gian.
Có lẽ Thiên Chúa hiểu rằng chỉ có
một tâm hồn người gieo giống quảng đại và yêu thương như thế mới có thể mang
lại ơn cứu độ cho con người; và có lẽ chính vì thế nên Thiên Chúa cũng muốn
thông ban cho những thợ gieo giống, theo gót đức Kitô, những đức tính đặc biệt
của một người gieo giống.
Kết
Thiên Chúa vẫn đang tiếp tục gieo
vãi những hạt giống của Ngài vào trần gian. Người nhờ người nông dân để làm
cách đồng thêm tươi tốt cho người thế hưởng dùng; Người dùng những thầy cô giáo
để gieo hạt giống lẽ phải; Người dùng các bậc cha mẹ để gieo yêu thương trong
tâm hồn con cái; Người cũng dùng các linh mục để là nhưng người gieo hạt giống
đức Tin, gieo tình yêu của Thiên Chúa, gieo đời sống siêu nhiên, đời sống Thiên
Chúa trong con người; và Ngài cũng dùng tất cả mọi người để, khi có thể, biết
gieo vãi những điều tốt lành khắp nhân gian.
Chúng ta cùng hiệp ý trong thánh lễ
này để cầu nguyện cho tất cả mọi người có được tâm hồn của người gieo giống,
cầu nguyện đặc biệt cho tân linh mục, để Anh vững bước trên con đường gieo vãi
hạt giống Đức Tin.
Tam
Hà 6-9-97
Tư Cù
Thánh
Vịnh 125, 5-6
Ai
nghẹn ngào ra đi gieo giống,
mùa
gặt mai sau khấp khởi mừng,
Họ
ra đi, đi mà nức nở, mang hạt giống vãi gieo,
Lúc
trở về, về reo hớn hở, vai nặng gánh lúa vàng.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét
Click to see the code!
To insert emoticon you must added at least one space before the code.