Giá trị nhân bản Kitô giáo

Dẫn nhập

1. Nhận định về hiện tình Giáo hội

Nói chung, các chương trình nhân bản trong Kitô giáo hiện nay vẫn dựa vào những đức tính của Khổng giáo. Điều đó có thể được coi như một bước hội nhập văn hoá. Tuy nhiên, để hội nhập văn hoá, người Kitô hữu cần phải xác tín và được củng cố vững chắc trong chính tinh thần Kitô giáo, nhất là tinh thần Kitô giáo trong cuộc sống nhân sinh.
Đường lối tu đức của người xưa là con đường "thuần túy thiêng liêng", những những cố gắng thu gom công phúc. Con đường tu đức của người trẻ hiện nay lại muốn "làm người trước khi làm thánh". Cả hai đường lối đó đều tỏ ra không thành công lắm và nhất là không có tính thuyết phục đối với những người ngoài Kitô giáo. Một đàng (lối thuần túy thiêng liêng) thì không có điểm chung với người khác vì không cùng đặt mình trong mảnh đất nhân bản để đối thoại. Đàng khác, đường lối thuần túy nhân bản lại không gợi ra, không làm chứng được sức mạnh cứu độ siêu nhiên của Thiên Chúa đối với đời sống con người (trừ ra niềm tin sẽ được vào Thiên Đàng). Cả hai cách thức đó khiến cho bộ mặt của Kitô giáo không còn nét nhân bản đặc trưng nào cả. Nói đến Giáo Hội công Giáo, người ta nghĩ đến một tổ chức chặt chẽ, hơi khép kín và có tính quyền lực. Nói đến người Kitô hữu, người ta tưởng ra những con người có nhiệm vụ đi lễ ngày Chúa Nhật, xưng tội… Còn đâu hình ảnh một cộng đoàn Kitô hữu "kìa xem họ yêu thương nhau biết bao" của thời Giáo Hội sơ khai, hoặc "đạo những người yêu thương" khi Kitô giáo đặt chân đến Việt Nam, để cho "Ở điểm này, mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy : là anh em có lòng yêu thương nhau" [Ga 13,35] ?
Thực sự Kitô giáo, tuy vẫn luôn bao hàm giá trị huyền nhiệm, nhưng bao giờ loại bỏ những giá trị nhân sinh :
"Thực vậy, sau khi đã theo mệnh lệnh Chúa và nhờ Chúa Thánh Thần phổ biến trên trái đất các giá trị về nhân phẩm, về hiệp thông huynh đệ, về tự do, nghĩa là mọi thành quả tốt đẹp do bản tính và hoạt động con người đem lại, chúng ta sẽ gặp lại chúng, nhưng là gặp lại sau khi chúng được thanh tẩy khỏi mọi tì ố, được chiếu sáng và biến đổi, nghĩa là khi Chúa Kitô giao hoàn lại Chúa Cha vương quốc vĩnh cửu và đại đồng: "Vương quốc của chân lý và sự sống, vương quốc thánh thiện và ân phúc, vương quốc công bình, yêu thương và hoà bình" [Kinh Tiền tụng lễ Chúa Kitô Vua]. Vương quốc ấy đã hiện diện cách mầu nhiệm ở trần gian này và sẽ được kiện toàn khi Chúa đến".[MV 39 c].
Trong chiều hướng ấy, có lẽ hơn lúc nào hết, chúng ta cần tìm lại lập trường của thánh Thomas : "Siêu nhiên không phá đổ nhưng kiện toàn tự nhiên", lập trường có khả năng làm chứng cho một đời sống nhân bản đích thực nhờ vào hồng ân siêu nhiên đích thực.

2. Tín lý và những giá trị nhân sinh

Khi triệu tập Công Đồng Vatican II, Đức Gioan XXIII đã tỏ ý muốn đây là một công đồng mang tính “mục vụ”. Cảm thức của Đức Gioan XXIII về tầm quan trọng của tính cách mục vụ được sáng tỏ hơn khi các nghị phụ bàn về mục đích của mạc khải, số 11 trong hiến chế tín lý về Mạc Khải :
 “Vì phải xem mọi lời các tác giả được linh ứng viết ra, tức các thánh sử, là những lời của Chúa Thánh Thần, nên phải công nhận rằng Thánh Kinh dạy ta cách chắc chắn, trung thành và không sai lầm, chân lý mà Thiên Chúa đã muốn Thánh Kinh ghi lại vì phần rỗi chúng ta. Bởi vậy, “mọi sự trong Thánh Kinh được Thiên Chúa linh ứng có ích lợi cho việc dạy dỗ, biện luận, sửa trị và rèn luyện trong công chính; để người của Thiên Chúa trở nên trọn hảo và sẵn sàng thực hiện mọi việc lành” (2 Tm 1, 16-17, bản Hy Lạp). (MK 11b)
            Cha P. Gomez cũng viết trong phần giới thiệu về Hiến Chế như sau :
            Việc xác định chân lý Thánh Kinh ở số 11 là một điều rất quan trọng. Người ta không thể tìm thấy trong Thánh Kinh bất loại chân lý nào [khoa học, lịch sử, địa lý, dân chủng học...] nhưng chỉ có thứ chân lý cứu thoát chúng ta, và ta cũng nên lưu ý Công Đồng không nói “những chân lý” những nói “chân lý” ở số ít; chân lý ấy đồng thời cũng là sự sống, là đường dẫn đến sự cứu độ. Điều đó muốn nói rằng chân lý của chúng ta không phải chỉ là một điều ta biết suông, nhưng là một bổn phận phải thực hành, “những thực hành chân lý” [Xc. Ep 4, 15], và phải tiến tới trong chân lý, “đi trong chân lý”. Công Đồng muốn giải phóng thần học khỏi quan niệm Hy Lạp về chân lý quá tĩnh, để trở về với ý niệm Do Thái linh động hơn, cởi mở hơn đối với mầu nhiệm Thiên Chúa”.
Quả thật, khi một giá trị nhân sinh càng chân chính, càng hợp với "lòng trời", với "ý dân", càng đụng đến nền tảng "hữu thể" của con người thì nó càng có khả năng lay động con người và xã hội. Quả thật, trong qua trình dài của lịch sử, chính cái đẹp, chính những giá trị nhân sinh chân thật mới là sức mạnh để "cứu độ" con người.
Có rất nhiều điều trong tín lý và luân lý Kitô giáo, đáng lẽ bao hàm và diễn tả những giá trị nhân sinh cao đẹp, thì lại bị biến thành những qui định cứng nhắc, những giới luật đòi buộc cách áp đặt, những úy kỵ vô cớ.
Khi tìm thấy những giá trị nhân sinh của Kitô giáo như thế, kinh Tin Kính không phải chỉ là một bản "nội qui" buộc phải chấp nhận, một bài học cần phải thuộc lòng. Thật sự Kinh Tin Kính mới thực sự là một bản hùng ca của sức mạnh cứu độ, một bản hoan ca của tình thương đại đồng, một bản hy vọng ca về tương lai nhân loại….

3. Dàn bài

Để bổ túc khiếm khuyết nói trên, xin đề nghị một chương trình tạm gọi là những giá trị nhân bản Kitô giáo, dựa theo những nét căn bản trong lịch sử ơn cứu độ và dựa theo chính những điều khoản căn bản trong kinh Tin Kính.

Dẫn nhập
1. Vị thế con người
2. Sống với
3. Thái độ “nghèo khó”
4. Khiêm tốn Kitô giáo
5. Trung tín Kitô giáo
6. Yêu thương vị tha
7. Dấn thân
8. Tự do Kitô giáo
9. Sáng tạo cuộc đời như một nghệ thuật
10. Ước mơ trọn vẹn
…………………….


Bài 1. Vị thế con người

1. Con người có ngôi vị

Con người được Chúa sáng tạo theo hình ảnh Thiên Chúa. Từ ngữ “giống như” trong Kinh Thánh không chỉ có ý nghĩa là một sự so sánh, nhưng còn có ý nghĩa sâu xa: Thiên Chúa là cội nguồn  tất cả cuộc sống con người, nghĩa là con người được dựng nên để sống với Chúa.
Con người được mời gọi để sống với Chúa trong tình yêu. Tình yêu Kitô giáo bao gồm những tính chất của sự tự do, của tính tự chủ, tính tự hiến... Do đó, Thiên Chúa ban cho con người được có một ngôi vị để có thể yêu mến Chúa và yêu thương nhau như những chủ thể. Tình yêu Kitô giáo được mô phỏng từ mầu nhiệm hiệp nhất của Một Thiên Chúa Ba Ngôi Vị, nên mỗi con người cũng có một ngôi vị, có linh hồn riêng để suy tư và ước muốn, để tự do lựa chọn đi vào tình yêu thương.
Nền tảng này cũng cho thấy con người cần được tôn trọng và mỗi người cần thể hiện được thái độ tự chủ chủ mình. Trong mọi giải pháp của đời người, yếu tố cần thiết hàng đầu là trao trả lại những điều kiện cần thiết để con người thể hiện quyền tự chủ của chính mình. Ưu tiên của giải pháp Kitô giáo là giúp con người tìm được thái độ làm chủ chứ không phải là tìm cách xỏ mũi, trấn áp, đe dọa hoặc một sự mê hoặc nào đó.

2. Bản thân con người

Con người theo Kinh Thánh có ba khía cạnh : thân xác, linh hồn và thần trí. Đây không phải là ba yếu tố trong con người, vì người Do Thái luôn có một cái nhìn mang tính toàn diện, nhưng đây là ba khía cạnh trong đời sống con người.
- Thân xác : tức con người toàn thể trong khía cạnh mỏng dòn, bộc lộ trong mối tương quan với người khác và tương quan với vũ trụ.
- Linh hồn : tức con người toàn thể trong khía cạnh sự sống nội tại của mình, đó là sự sống, là ý thức, và suy nghĩ bên trong con người.
- thần trí : tức con người toàn thể trong khía cạnh tương quan với Thiên Chúa.
Như thế, con người được đặt ở vị thế đứng giữa thế giới tự nhiên và thế giới siêu nhiên. Những khía cạnh của thân xác là cuộc sống hằng ngày của con người, trong đó, “linh hồn” bị chi phối do những tương quan của thế giới “có thời gian” và có nguy cơ bị xô đẩy theo những áp lực xô bồ của cuộc sống. Kinh Thánh nói cho chúng ta thấy để có thể sống và sống trọn vẹn cuộc đời của mình, con người nội tại (linh hồn) cần được hướng dẫn bằng mối tương quan siêu nhiên, nhờ được Chúa đặt khía cạnh thần trí trong con người, nhờ sống với Chúa.
Như thế, theo Kinh Thánh, con người đứng trong thế “tay ba”; phần năng lực nội tại của con người cần được củng cố do mối tương quan siêu nhiên với Chúa để có thể sống cuộc đời thật hằng ngày của mình qua mối tương quan thân xác. Trong bối cảnh ý nghĩa như thế, ta hiểu rằng, đối với Kitô giáo, con người thiết yếu cần được cứu, cần được dính dáng toàn vẹn cuộc đời mình vào Chúa qua khía cạnh thần trí trong con người.

3. Hành trình đời người

 Mặt khác, con người được sáng tạo trong khung cảnh thời gian có khởi đầu và có kết thúc chứ không phải thời gian đi vòng tròn. Trong hành trình đó, con người dấn bước vào đời, mang lấy lịch sử đời mình, hình thành bản thân mình một cách đặc biệt, độc đáo qua quá trình lịch sử. Lịch sử cấu tạo nên bản thân của mỗi con người và làm cho mỗi người trở thành “độc đáo”. Mỗi con người được là mình trong lịch sử đời mình và mong ước được chấp nhận bản thân như mình là.
Hành trình đời người trong thời gian, có khởi đầu và có thời gian kết thúc cuộc đời trần thế. Tuy nhiên, vận mạng con người không kết thúc với cái chết, con người còn có đời sống sau cái chết. Điều đó cho thấy con người không có bản chất vĩnh cửu, nhưng lại chính là hành trình hướng về vĩnh cửu. Không nhận ra khao khát vĩnh cửu nơi con người thì không hiểu bản chất đích thực của con người. Trong khía cạnh này, con người khao khát được đồng hành trong suốt lịch sử đời mình, đặc biệt là trong hành trình đạt tới cứu cánh siêu nhiên của vận mạng con người.

4. Hoạt động con người

Trong tình trạng con người hiện nay, nghĩa là con người được sáng tạo nên giống hình ảnh Chúa, nhưng lại sống trong vòng liên lụy của tội tổ tông, hành trình của đời sống con người được hình thành nên qua hai khía cạnh chính :
4.1 Nỗ lực
Cuộc sống con người ở trần gian này là một cuộc chiến. Con người giống như người bơi trong dòng nước ngược, không tiến thì sẽ bị cuốn trôi ngược lại. Thật ra ngày khi người ta chọn một nghề nghiệp, chọn một ơn gọi, thì đó đã là chọn lựa một phương cách làm người, và đã là một cách chọn “đối thủ” cho cuộc đời mình.
Điều quan trọng là phải biết chon đúng đối thủ và đó phải là đối thủ xứng tầm với vận mạng làm người. Do đó, mặc dù là chọn ơn gọi hay nghề nghiệp nào, vấn đề chính yếu của đời người là phải nhìn ra ý nghĩa sâu xa của đời người để biết phải sống thế nào. Nói chung, đối thủ xứng tầm của đời người là chính satan, là chính sự ích kỷ, ghen ghét, gian dối trong ơn gọi và nghề nghiệp của mình. Nếu không nhận ra đúng đối thủ xứng tầm, đời sống con người có nguy cơ tản mạn, đánh vào không khí, và loay hoay giải quyết đời mình một cách vụn vặt.
4.2 Hiệp thông
Một hoạt động khác thể hiện nhu cầu sâu xa hơn của con người, đó là hiệp thông. Hiệp thông là gặp gỡ, là thông hiệp, là yêu thương, ...đây mới chính là mục tiêu chính đáng nhất của đời người. Sống là chiến đấu, nhưng chiến đấu là để tìm được sự hiệp thông chân chính.
Một cách tổng quát, nếu ai đó chiến đấu vì “cái gì” thì rất dễ chống lại ai khác, đó là dấn thân vì sự vật. Ngược lại, nếu ai đó chiến đấu chống lại “cái gì”, nghĩa là chiến đấu để loại trừ đối thủ đích thực là hận thù, ghen ghét, ...thì sẽ có cơ may dần dần đi vào cuộc chiến “vì ai”. Đây là thái độ dấn thân vì ai khác, và người nào dấn thân như vậy sẽ có cơ may tìm được sự hiệp thông chân chính.

5. Con người có cứu cánh tại thân

Cuối cùng điều có tầm quan trọng thiết yếu là con người được Thiên Chúa dựng nên vì chính mình. Nói theo triết học, con người có cứu cánh tại thân. Con người được sáng tạo để sống trọn cuộc đời mình. Dứt khoát không bao giờ được coi con người, dù là một người nào, như một phương tiện, sử dụng con người như “con dê tế thần”. Con người, mỗi người được sáng tạo để được sống hạnh phúc trọn vẹn cho bản thân mình.
Tuy nhiên, con người để tìm thấy chính bản thân mình, con đường để có được hạnh phúc trọn vẹn lại không thể là con đường nào khác hơn việc tự nguyện hiến dâng chính bản thân và cuộc đời mình cho ai khác, hiến dâng tự nguyện vì yêu thương.
Tạm kết
Vì con người có một vị thế đặt biệt như thế trong nền tảng đạo lý Kitô giáo, nên những giá trị nhân bản Kito giáo cũng có nhiều điều khác biệt với những giá trị nhân bản ngoài Kitô giáo. Người Kitô hữu cần đón nhận giá trị nhân bản trong các nền văn hóa và tôn giáo khác, nhưng không thể vì thế mà đánh mất những nền tảng sâu xa của chính niềm tin.
Ngược lại, khi trở về với niềm tin, người Kitô hữu có thể tìm thấy những giá trị nhân bản sâu xa, khám phá vận mệnh đời người với đầy đủ những nét cao đẹp tuyệt vời. 


Bài 2. Sống - với

Đối với người Kitô hữu, nền tảng của khoa nhân học Thánh Kinh chính là mặc khải con người được sáng tạo nên giống hình ảnh Thiên Chúa.
Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh mình, Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa,…” (St 1,27)
Khẳng định này có rất nhiều ý nghĩa :

1. Những ý nghĩa trong đức tin

1.1 Con người làm chủ vũ trụ
Trước tiên, chúng ta đã biết, con người trong Kinh Thánh có được một vị thế siêu việt hơn tất cả vũ trụ (như đã nói ở bài trước). Con người Chúa dựng nên giống hình ảnh Chúa để làm chủ vũ trụ chứ không phải để thống trị nhau, như quan niệm thiên tử của nhiều nền văn hoá khác.
1.2 Con người được mời gọi sống-với
Con người giống hình ảnh Chúa, có thể được hiểu như là con người có linh hồn thiêng liêng, có lý trí và có tình yêu. Tuy nhiên, mục đích chính của việc tạo dựng con người giống hình ảnh Thiên Chúa chính là để con người có khả năng nhận biết và yêu mến Chúa, nghĩa là để sống-với Chúa. Sống-với là ý nghĩa chính yếu và quan trọng nhất.
Như thế chúng ta cũng hiểu ý nghĩa chính yếu của “tội tổ tông” là cám dỗ đánh mất thái độ sống-với. Tội Tổ Tông hệ tại việc chọn một “phương thức sự vật” nào đó nhằm giải quyết cuộc đời của mình, được nên giống như thần thánh. Đó không phải chỉ là cám dỗ và sa ngã của nguyên tổ, nhưng còn là cám dỗ chính yếu trong thân phận con người mà chúng ta có thể gọi là “bệnh thực dụng”, và chúng ta thấy điều đó hiển hiện trong lịch sử ơn cứu độ cũng như trong đời sống đức Tin Kitô giáo.
+ Thí dụ 1 : người Do Thái được Chúa chọn và được Chúa giao ước để sống tất cả lịch sử dân tộc trong mối tương quan sống-với Chúa. Thế nhưng, nguy cơ của của cám dỗ “thực dụng” vẫn luôn rình rập. Sống trong giáo ước, người Do Thái vẫn bị cám dỗ của bệnh thực dụng khi :
- thay vì giữ luật để thể hiện lòng trung tín với Chúa, người ta giữ luật để làm hoàn hảo cho bản thân mình.
- thay vị tế lễ trong các nghi thức phượng tự để thờ phượng Chúa, người ta lại tế lễ để thanh thoả lòng mình.
- và thay vì giữ các luật ô uế trong tâm hồn như sứ điệp của các ngôn sứ, người ta bám lấy hình thức bên ngoài để chắc tâm về chính mình mà thôi.
            Nguyên nhân sâu xa của những lệch lạc này là vì người ta không còn nhìn tới Chúa, nhưng nhìn nhau; không còn nhận ra bản thân mình trong tương quan với Chúa mà lại muốn đánh giá bản thân mình trong sự so sánh với người khác.
+ Thí dụ 2 : Đức Tin bao hàm hai nội dung chính :
1/ Gắn bó bản thân với Chúa.
2/ Tuân giữ mọi điều Chúa dạy.
Trong hai điều đó, điều thứ nhất, gắn bó bản thân với Chúa là chính yếu, điều thứ hai phát xuất từ điều thứ nhất. Khi người ta không gắn bó bản thân với Chúa, thì người ta không thể giữ “mọi điều” Chúa dạy, nhưng chọn lựa những điều thích hợp với mình mà thôi. Ta thấy, người Do Thái nói chung và cả một số môn đệ của Chúa Giêsu, khi nghe những điều Chúa nói “chói tai”, thì bỏ không theo Chúa nữa (Xc. Ga 6,60-66). Đó cũng là căn bệnh thực dụng.
+ Thí dụ 3 : 10 người phong cùi được chữa lành, nhưng chín người đã vui hưởng ơn được chữa lành và không biết tìm đến Đấng chữa lành cho mình. Chỉ có một người Samari biết tìm đến chính Chúa thôi (Xc. Lc 17, 11-19).
+ Thí dụ 4 : với Giáo hội Công giáo, chúng ta có thể thấy căn bệnh thực dụng luôn đe doạ hầu như trong tất cả những điểm trọng yếu của đời sống đức Tin, chẳng hạn : vấn đề mạc khải, vấn đề ân sủng, vấn đề tội lỗi, vấn đề cánh chung…

2. Những ý nghĩa trong cuộc sống nhân bản

2.1 Phẩm chất nghĩa tình
Con người được sáng tạo nên giống Thiên Chúa, đó là nét căn bản “định hình” cho tất cả vận mạng con người. Con người chỉ có thể sống trọn ý nghĩa đời mình khi sống trong mối tương quan ngã vị với ai khác, với Chúa và với tha nhân.
Một cách đơn giản, chúng ta nhìn một trường hợp cụ thể : khi người mẹ cho con cái bánh. Đứa con nào chỉ thấy, chỉ vui/buồn với cái bánh, đó là đứa con có nhiều nguy cơ hư hỏng cả cuộc đời. Ngược lại, đứa con nào biết cám ơn mẹ, biết nhận ra tình thương ngọt ngào của mẹ quan trọng hơn cái bánh, thì đứa con ấy có nhiều cơ may sống cuộc đời trọn vẹn.
2.2 Sống-với để tìm hạnh phúc
Ý nghĩa sống với giúp ta hiểu được ý nghĩa đời người. Đời người không phải là một sự thoả mãn ích kỷ, mà cũng không phải là con đường của chủ nghĩa khổ hạnh, nhưng là con đường tìm hạnh phúc chân chính. Hạnh phúc là khát vọng căn bản sâu xa và là động lực lớn của đời người, nhưng để hiểu đi Có lẽ cần phân biệt hạnh phúc và sung sướng.
Hạnh phúc và sung sướng có vẻ gần giống nhau và nhiều người luôn lầm lẫn. Nói chung, sung sướng là điều đo đếm được, và xuất phát từ việc tiêu thụ những “sự vật” (sự vật là những gì không phải chính “bản thân”). Còn hạnh phúc là điều không đo đếm được, xuất phát từ việc hoàn thành được ý nghĩa căn bản của đời mình, và ý nghĩa đó luôn luôn là ý nghĩa yêu thương vị tha.
2.3 Sống với để thực hiện ơn gọi và sứ mạng đời người
Con người có một tiềm năng rất lớn. Bình thường người ta chỉ sử dụng khoảng 2/10 năng lực của mình. Chỉ khi người nào đó hiểu ra cuộc đời mình được ai đó kêu gọi và được trao sứ mạng, nghĩa là tìm thấy điểm liên kết sống-với trong ý nghĩa trọn vẹn nhất của cả một đời người, thì người ấy mới có khả năng phát huy trọn vẹn năng lực của mình và sống cuộc đời mình trọn vẹn mà thôi.
2.4 Yếu tố sống với giúp con người sám hối thực sự
- Hành trình đời người luôn có nhiều sai lạc, lầm lỗi và sám hối là một yếu tố cần thiết. Nhưng sám hối đích thực chỉ có được trong sống-với, nghĩa là sám hối vì nhận ra lỗi/tội, chứ không phải vì sự ác dính dáng đến bản thân mình và chỉ sám hối vì mình.

Kết

Đối với người Kitô hữu, không phải “sống đúng” là điều quan trọng nhất, nhưng là sống-với; sống-vì; sống-cho …ai khác mới là điều quan trọng nhất.


Bài 3 : Thái Độ “nghèo khó”

 

1. Bản chất nghèo của con người

- Trong thực tế sinh học, con người sinh ra là con vật yếu đuối nhất, “trần trụi” nhất. Con người khi sinh ra, thể xác yếu đuối và cần được cha mẹ chăm sóc thật lâu mới có thể sống tự lập được. Bộ não con người, khi sinh ra, không có được sự hỗ trợ của những bản năng tự nhiên như con vật. Sự gì đối với con người cũng phải học mà biết, và học một cách khó nhọc.
- Trong thực tế của phái tính, mỗi người chỉ có thể là nam hoặc là nữ, nên mỗi người không bao giờ có thể sống mà không cần đến người khác. Dĩ nhiên, con vật không lưỡng tính thì cũng cần tới phái tính khác. Nhưng nơi con vật, sinh lý phái tính là một tiến trình tự nhiên, không phải con đực hay con cái được bên kia trao tặng hoặc lãnh nhận cái gì cả. Ngược lại, nơi con người, sự khác biệt phái tính và nhu cầu phái tính chỉ có thể giải quyết trong sự chờ đợi trao tặng và lãnh nhận trong lòng tri ân của bên nay và bên kia.
- Trong hành trình cuộc đời, con người luôn luôn cần có người đồng hành, có người trợ giúp, có người thông cảm, có người ủi an, có người cùng liên luỵ  trong khổ đau… Bản thân con người vốn bao hàm một sự cô đơn sâu thẳm, mong được trao ban bản thân của mình cho người khác và khao khát được một sự chấp nhập bản thân của người khác. Bản thân là “cái” không thể chiếm hữu, không thể mua bán đổi chác. Bản thân chỉ có thể được trao tặng và lãnh nhận trong lòng tri ân.
- Thực sự, tất cả những gì con người “là” và con người “có” trong cuộc đời này đều là những điều tương đối. Tôi có thể không có mặt trong trần gian này, nếu như bố mẹ tôi không gặp nhau; tôi có thể không là nam/nữ như tôi hiện nay, nếu như bố mẹ tôi quen ăn mặn hay ăn nhạt; tôi có thể không có người vợ/chồng và những đứa con như hiện nay, nếu như sự tình cờ run rủi của cuộc đời quay sang hướng khác; tôi có thể không có kiến thức, địa vị, hoặc không ngồi trong lớp học này đây, nếu như…. Tất cả mọi sự của con người đều có thể khác đi hoàn toàn vì những cái “nếu như” luôn có thể xẩy ra. Đó là bản chất tương đối của con người, và đó là cái “nghèo” sâu xa của con người.
- Tóm lại, với đức Tin Kitô giáo, con người được Thiên Chúa sáng tạo từ hư vô, đó là cái “nghèo căn nguyên” của con người.

2. Khuynh hướng giải quyết quen thuộc

Có hai khuynh hướng căn bản :
- Cách thứ nhất : trong tình trạng “nghèo”, khuynh hướng quen thuộc của con người là tìm cách giải quyết bằng sự chiến hữu những “sự vật” để tạm bù đắp. (Sự vật ở đây hiểu là tất cả những gì không phải là “bản thân”, bên ngoài bản thân của một ai đó). Đây là cách thức lấy một thứ tương đối nào đó - hoặc đồng tiền, hoặc danh vọng, hoặc một chủ nghĩa chính trị…- và tấn phong cho cái tương đối đó một vương quyền tuyệt đối, nghĩa là tìm lấy đầy cái nghèo của mình bằng một cái “giầu” giả tạo.
- Cách thứ hai : con người cũng thường tìm cách giải quyết cách tự bằng lòng với những gì có được trong cuộc sống cụ thể hằng ngày. Một cách nào đó, con người muốn giải quyết cuộc đời mình bằng lựa chọn “khéo co thì ấm”. Đây là cách chấp nhận cái “nghèo” bằng một thứ cam chịu; đành chịu vậy và an vui với cái tương đối của mình, nghĩa là tự tìm cách xoá đi cái hố thẳm “nghèo” của mình. Nói chung, những chủ thuyết triết học và tôn giáo ngoài truyền thống Kitô giáo đều có khuynh hướng giải quyết vận mạng con người bằng một thứ cam chịu, cam chịu “mệnh trời”, cam chịu “nghiệp chướng”, cam chịu “trò đời”… Chúng ta thấy điều đó trong kinh nghiệm của thánh Âu tinh khi chọn sống theo học thuyết nhị nguyên Manichéisme.
+ Nói chung, người ta không muốn khổ, không muốn xáo động, nên chỉ mong xuê xoa làm sao đó để cuộc đời con người trở nên an bình như một “mặt nước hồ thu”.

3. Sống thái độ nghèo chân chính

- Trong con người vốn tương đối tự bản chất, lại có một hố thẳm bao la vô cùng, đó là “ý muốn”. Ước muốn của con người là “hố thẳm không đáy”, mà gần như không có điều gì có thể lấp đầy được. Con người khao khát tiền bạc, khao khát danh vọng, khao khát quyền lực… nhưng rồi tất cả đều sẽ đến lúc làm cho con người bị chán.
- Thật sự ra, trong cái hố thẳm của ý muốn, con người cũng có một chút kinh nghiệm về sự “thoả mãn” của ý muốn, đó là khi được sống trong một “cuộc chơi”, một cuộc chơi đầy tính phiêu lưu để rồi cảm nhận được niềm vui oà vỡ trong một sự hiệp nhất tìm lại được. Cuộc chơi đó giống như hai người yêu nhau khao khát muốn được người yêu của mình nhận lời mời đi ăn kem, viết một mảnh giấy mời, gởi đi rồi hồi hộp chờ câu trả lời…rồi cuối cùng thì nhận được một sự chấp nhận cách tự nguyện và thích thú của người yêu. Khi đó, niềm vui oà vỡ. Kitô giáo đề cao hôn nhân, vì hôn nhân diễn tả tình yêu thực sự trong sự liên luỵ khổ cực với nhau chứ không phải đầu môi chót lưỡi, nhưng điều đó không có nghĩa là biến hôn nhân thành một sự chiếm hữu nhau, đòi buộc nhau, không còn chỗ cho tính tự nguyện và tính phiêu lưu trong đời sống hôn nhân.
- Kitô giáo vừa khẳng định bản chất “nghèo” của con người, nhưng lại mở ra một chân trời “giầu sang” vô biên cho vận mạng con người. Con người được Chúa dựng nên từ hư vô, nhưng lại được dựng nên “giống hình ảnh Thiên Chúa”, nghĩa là để con người có thể sống với Chúa. Sống với Chúa, đó là chân trời bao lao, siêu việt và phong phú vô cùng vô tận.
- Thánh Âu tinh kinh nghiệm và sống sự “nghèo khó” của kiếp người một cách chân chính khi thốt lên : “Lạy Chúa, Chúa dựng nên con vì Chúa, nên hồn con xao xuyến mãi cho tới khi được nghỉ yên trong Chúa. Cái nghèo của con người, trong tinh thần Kitô giáo, chính là khả năng vô biên để lãnh nhận Đấng Vô Biên. Đó là cái nghèo của sự khao khát vô biên đích thực, và đó là cái nghèo rộng mở cho sự sống năng động, phiêu lưu, mới mẻ…
- Tóm lại, Kitô giáo không muốn biến cuộc sống con người thành “mặt nước hồ thu”, nhưng muốn con người sống cuộc đời mình như một ngọn thác. Cần phải dựng đứng cuộc đời mình, dựng đứng để trút hết những cái chiếm hữu vơ vẩn, vụt vặt, và dựng đứng để bắc cầu cuộc đời mình vào nguồn mạch của sự sống vô cùng phong phú của Chúa.
- Thái độ “nghèo khó” Kitô giáo cũng chính là thái độ sống-với, nhưng ở đây là sống với Chúa, và sống với Chúa trong một sự phiêu lưu vô tận giống như một cuộc chơi. Thái độ nghèo khó Kitô giáo là thái độ khao khát, khao khát đúng đắn và trọn vẹn, để đừng bao giờ lấp đầy hố thẳm khao khát bằng bất cứ điều gì. Thái độ nghèo khó đích thực đó được “bảo đảm” trong thái độ tin - cậy ở trần gian này và trong thái độ mến, nghĩa là có được sự “ngọt ngào” trong sự tin-cậy ấy khi bước vào cuộc sống mai sau.

Tạm Kết

 Đối diện với Chúa, con người chỉ có một thái độ duy nhất, đó là thái độ chấp nhận sự nghèo khó của mình. Nhưng để hiểu được điều căn bản này, con người cần được tác động hoán cải của Chúa Thánh Thần.
Lời cầu nguyện chân chính nhất của con người là : xin Chúa thương xót chúng con.
Tuy nhiên, trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa, nhận ra mình nghèo chính con đường mở ra một chân trời bao la nhất, chân trời đạt đến Thiên Chúa.

Bài 4. Khiêm tốn Kitô giáo

 

1. Khiêm tốn Kitô giáo

Một cách tự nhiên, trong nền văn hoá nào cũng vậy, người ta thấy quí trọng con người khiêm tốn và cảm thấy khó chịu với những kẻ hợm hĩnh, kiêu căng… Tuy nhiên, xét cho cùng, sự khiêm tốn như nét đẹp văn hoá của đời sống con người như thế không tìm được một nền tảng đúng đắn trong thế giới con người. Nếu khiêm tốn chỉ là một cách thức tỏ ra mình bình thường, hoặc mình hèn kém,…trong khi trong thực tế, chính mình biết và nhiều người đều thực sự khâm phục tài năng của mình, thì chẳng những có một sự giả tạo, nhưng điều đó còn có thể là một sự kiêu ngạo trá hình.
Thật ra, khiêm nhường không phải chỉ là một đức tính luân lý mà thiết yếu gắn liền với ý nghĩa đức Tin. Nhìn lại thái độ của đức Maria, chúng ta nhận ra một sự khiêm tốn chân thực. Đức Maria thẳng thắn nói lên sự thật : “từ nay hết mọi đời sẽ khen tôi diễm phúc”; nhưng Mẹ nhận ra nguồn gốc của hồng ân ấy chính là do Chúa. “Phận nữ tỳ Chúa đoái thương nhìn tới”.
Thánh Phaolô cho chúng ta hiểu được ý nghĩa khiêm tốn đích thực khi nói :
Thật vậy, nào có ai coi bạn hơn kẻ khác đâu ? Bạn có gì mà bạn đã không nhận lãnh ? Nếu đã nhận lãnh, tại sao lại vênh vang như thể đã không nhận lãnh ? (1 Cr 4,7)
Ý nghĩa chân chính nhất của khiêm tốn chính là thẳng thắn nhìn nhận rằng mình đã được lãnh nhận, và lãnh nhận với lòng tri ân.

2. Cái nghèo căn bản

            Con người tự bản chất đã bao hàm một sự “nghèo khó” (xem bài Thái độ Nghèo khó). Tuy nhiên, trong cảm nhận của con người, có lẽ cái nghèo sâu xa nhất là: con người khao khát yêu thương; yêu thương vị tha và được đáp lại cũng bằng một thứ yêu thương vị tha của ai khác. Khao khát ấy, con người không thể tự mình giải quyết được. Con người không thể dùng sức mạnh cưỡng ép tình yêu của ai khác mà cũng không thể dùng tài năng, dùng tiền bạc, dùng đức độ…để đổi lấy tình yêu chân thật. Con người chỉ có thể đón nhận tình yêu như quà tặng, và trao tặng tình yêu một cách quảng đại.

3. Khiêm tốn để đi vào giao ước bản thân

3.1 Nỗi xao xuyến của người độc thân
            Độc thân thì “khoẻ” hơn lập gia đình nhiều, vì  không phải vướng víu nhiều chuyện, không phải chiều ý nhau trong nhiều chuyện vô duyên, hoặc vô lý. Nhưng đời sống độc thân không giải quyết được nỗi cô đơn sâu xa của con người. Đến một độ tuổi nào đó, người sống đời sống độc thân cảm thấy mình không thuộc về ai, và cũng không ai thuộc về mình. Vì không ai thuộc về mình, nên người sống độc thân không dại gi “bung ra” hết mình, cho đi trọn vẹn những gì cần thiết để bảo đảm cho cuộc sống của mình. Vì mình không thuộc về ai, nên người sống độc thân không dám phó đời mình cho ai cả, phải tính toán kỹ lưỡng cho cuộc đời mình, phải tìm mọi cách để có thể tự mình đón nhận những khó khăn của bệnh tật, của biến động …Cuộc sống không có mối liên hệ vói ai khác một cách sâu xa dễ làm cho người sống độc thân tìm cách bảo vệ đời mình bằng những sự vật. Người sống độc thân thường tìm cách ổn định đời mình bằng thời khóa biểu, bằng những sự vật quen thuộc, những cách thức sống quen thuộc… mà tự thâm tâm vẫn man mác một sự xao xuyến về tương lai của mình. Rồi khi bệnh tật, người sống độc thân cũng thường tìm cách giải quyết mọi sự theo tiêu chuẩn là tìm sự an toàn cho mình chứ không phải vì lợi ích cho những người thân.
3.2 Hai nhu cầu căn bản
            Con người ta có hai nhu cầu căn bản, nhu cầu được chấp nhận và nhu cầu khẳng định bản thân. Hai nhu cầu này tương tác mật thiết với nhau, nhưng không phải là dễ hoà hợp một cách đúng đắn. Trong rất nhiều trường hợp, trong phần lớn cách tính toán của con người, khi người ta tìm cách thoả mãn nhu cầu này, thì một cách nghịch lý, người ta lại khoét sâu chỗ thiếu hụt của nhu cầu kia. Nhu cầu được chấp nhận là nhu cầu căn bản, nhưng vì không muốn được chấp nhận như là một sự thương hại, người ta phải tìm cách khẳng định bản thân. Tuy nhiên, nếu như ta tính toán phương trình của cuộc sống theo kiểu cần khẳng định bản thân để được chấp nhận, người ta sẽ rơi vào tình trạng không được chấp nhận chính bản thân, mà chỉ được chấp nhận như là tài năng, như là tiền bạc, như là sắc đẹp…, tức là những gì có thể mất đi trong khi bản thân của ta vẫn còn đó.
            Con người giống như kẻ đứng ở dưới nước sâu, chân không đụng đất mà đầu thì cứ muốn vươn lên để được bằng chị bằng em. Nhiều khi muốn vươn lên bằng một sự khẳng định bản thân tốt, thì người ta lại rơi vào tình trạng chân không chạm đất, nghĩa là thực sự mình phải dấu đi rất nhiều khuyết điểm, sai sót, tội lỗi của mình; và đó cũng là tình trạng không được chấp nhận từ bên dưới, không được chấp nhận trong con người thật của mình, không được chấp nhận chính bản thân của mình.
            Thật ra, chỉ có một con đường chân chính, con đường dám để chân mình chạm đất, nghĩa là trước tiên chính mình dám chấp nhận con người thật của mình, dù là bị “ngập nước” trong tình trạng không được bằng chị bằng em. Nhưng con đường này cần phải được một ai đó dám chấp nhận bản thân mình, ai đó dám đỡ nâng cuộc đời mình “ở bên dưới”… Khi đó, cuộc đời sẽ được cấu trúc theo phương trình : được chấp nhận bản thân, ra sức khẳng định bản thân để đáp lại nghĩa tình vì mình đã được chấp nhận rồi. Đây là một phương trình không dễ “cân bằng”, vì không dễ mà người ta có được sự chấp nhận bản thân cách đơn thuần, vô điều kiện và tha thứ.
3.3 Giao ước bản thân
            Khi người ta làm một căn nhà tạm thời, một căn nhà không có móng, thì điều quan trọng là phải nối kết kèo cột với nhau thật chắc. Nhưng khi người ta muốn dựng một căn nhà vững bền, thì điều quan trọng hơn là phải có nền móng vững chắc. Với căn nhà tạm thời, khi kèo cột bung ra, căn nhà sụp đổ. Nhưng với một căn nhà có móng, khi kèo cột rời ra, lung lay, lắc lư, nó vẫn có thể đứng được. Rồi người ta lại tìm cách nối kết kèo cột lại với nhau. Hình ảnh căn nhà như thế giống với những mối tương quan con người với nhau. Khi người ta “gá nghĩa” tạm thời, theo tình đồng nghiệp, tình nghĩa làng xóm… thì cần phải biết cư xử với nhau cho đẹp, phải biết điều, biết ngó trước nhìn sau, biết liệu cơm gắp mắm… bởi vì nếu “kèo cột” không ăn khớp với nhau, thì mọi sự sẽ đổ bể hết.
            Tuy nhiên, trong đời sống gia đình, khi người ta chấp nhận bản thân của nhau, thì mặc dù những điều ăn khớp trên kèo cột vẫn luôn cần thiết, nhưng điều quan trọng nhất lại chính là một sự “thuộc về nhau”, thuộc trọn về nhau; đây là một sự liên kết trong móng nền. Nhiều khi, trong gia đình, anh chị em không hợp tính nhau, thường xuyên cãi vã… nhưng dù sao họ vẫn là anh chị em của nhau, vẫn thuộc về nhau từ trong dòng máu của mẹ cha. Do đó, dù nói gì thì nói, dù tức bực với nhau sao đó, người ta vẫn phải dành ưu tiên những gì quí nhất cho những người thuộc về mình chứ không phải cho một người ngoài, dù đây là người rất hợp tính với mình.
            Như thế, chúng ta hiểu ra rằng bí quyết của tình yêu không phải là sự ăn khớp tính tình, không phải chỉ là yêu thích những nét đẹp của nhau, nhưng căn bản hơn, đó là sống trong một nền tảng “thuộc về nhau”.

Kết

            Chỉ khi quyết định ký giao ước bản thân với ai khác, người ta mới thoát khỏi được nỗi cô đơn “siêu hình”, nỗi cô đơn bám chặt vào thân phận người. Nhưng để ký giao ước bản thân, điều trước tiên là phải nhìn nhận cái nghèo căn bản của mình, phải khởi đầu bằng thái độ khiêm tốn thực sự. Yêu thương bao giờ cũng bao hàm ý nghĩa khẩn cầu khởi đi từ thái độ khiêm tốn.

 Bài 5. Trung tín Kitô giáo

 

1. Con người mang dấu ấn tội lỗi

Con người, trong phẩm chất căn bản, là hình ảnh của Thiên Chúa, như thế ta có thể nói như Mạnh Tử : nhân chi sơ tính bản thiện. Tuy nhiên, mạc khải Kitô giáo cho thấy con người cũng mang thương tích của tội lỗi ngay trong cội nguồn, đó là tội tổ tông. Do đó, hành trình cuộc đời con người không thể nào tránh được vết nhơ tội lỗi (trừ ra Chúa Giêsu và mẹ Maria…). Thật ra, mặc khải tội là mặc khải nhằm cứu độ, vì giúp con người thoát khỏi ảo tưởng tự mình giải quyết đời mình. Con người chỉ có thể giải quyết cuộc đời mình trong sống-với, và sống-với bao hàm ý nghĩa chấp nhận bản thân và cuộc đời của nhau.
            Con người vốn đã là một huyền nhiệm, nghĩa là chẳng ai có thể hiểu thấu được. Hơn nữa, con người trong dòng cuộc sống lại là một điều không một học thuyết triết học nào có thể minh giải một cách trọn vẹn. Con người đi vào cuộc đời, đó là chấp nhận một bài toán chưa có lời giải. Cuộc sống con người cứ như một chân trời mở ra mà không ai biết trước được một cách chắc chắn điều gì sẽ xẩy ra, điều gì sẽ hoàn thành. Có những con người tưởng chừng như chắc chắn sẽ thành công nhưng đáp số cuối cùng lại là một sự thất bại lớn; và ngược lại cũng thế. Chúng ta có thể thấy được điều đó bằng vô số thí dụ xẩy ra hằng ngày trong cuộc sống.
            Như thế, con người chỉ là mình trọn vẹn trong một cuộc đời và chấp nhận một con người trọn vẹn cũng có nghĩa là chấp nhận một con người và một cuộc đời. Khi Thiên Chúa giao ước với con người bằng một giao ước bản thân, khi Thiên Chúa đã chấp nhận yêu thương đến cùng, thì Ngài cũng thể tình yêu ấy trong một lòng trung tín có khả năng đi dài theo hành trình của con người. Tình yêu Thiên Chúa chắc chắn không phải chỉ là một chút hứng khởi của tình cảm, không phải chỉ là một sự đánh giá nhau trong mức độ thăng tiến, mà là một sự đón nhận trọn vẹn bản thân của một con người trên hành trình phức tạp của cuộc đời.
            Cũng thế, để con người có thể sống với nhau, cần có yếu tố căn bản, đó là sự trung tín; và trung tín phải thực sự có khả năng vượt qua được sức mạnh chia cắt của tội lỗi. Tình yêu Thiên Chúa, theo đức Benedictô XVI, còn lớn hơn tình yêu vô điều kiện, đó là kiểu tình yêu tha thứ. Cũng thế, trong cuộc sống nhân bản, người Kitô hữu không thể dừng lại ở mức độ “nhân bản thế gian”, nhưng luôn rộng mở để có khả năng tha thứ và đón nhận nhau một cách dứt khoát.

2. Trung tín chính là tình yêu một cách cụ thể

            Thái độ trung tín diễn tả một thứ tình yêu được thể hiện trong dòng đời, vượt qua những thăng trầm của thời cuộc và đón nhận được toàn vẹn bản thân một ai khác. Con người chỉ trọn vẹn là mình trong dòng đời. Trong dòng cuộc sống thực và cuộc sống lâu dài, con người mới thể hiện chân chính bản thân mình và mới thực sự biết mình là ai. Do đó, cũng chỉ trong dòng cuộc đời thật, tình yêu thương của một người này với người kia mới thực sự được chứng nghiệm một cách đúng đắn. Trung tín chính là thước đo của tình yêu thương đích thực.
            Tuy nhiên, trung tín cũng có hai ý nghĩa, hoặc là hai chiều kích : trung tín như một phẩm chất, nghĩa là không có vướng vào một chút bất trung nào; và trung tín như một tiến trình, nghĩa là một khả năng bắt đầu lại mỗi khi rơi vào tình trạng bất trung.
            Trong đời sống đức tin, ta thấy rằng Thiên Chúa vừa trung tín như phẩm chất, lại vừa có khả năng đón nhận lòng trung tín như một tiến trình của con người :
“Nếu ta không trung tín, Người vẫn một lòng trung tín, vì Người không thể nào chối bỏ chính mình”. (2Tm 2,13)
            Con người được mời gọi sống trung tín với Chúa, nhưng con người lại sống trong tình trạng tội lỗi. Do đó, con người khó có thể sống sự trung tín như một phẩm chất tinh tuyền. Con người chỉ có thể trung tín như một khả năng bắt đầu lại. Chính sự trung tín của Thiên Chúa, sự trung tín có khả năng đón nhận sự bắt đầu lại của con người, chính sự trung tín ấy mở đường để con người có thể sống tín trung với Chúa, trước tiên và một cách căn bản, như một hành trình của đức Cậy, nghĩa là khẳ năng bắt đầu lại.
            Dựa vào ánh sáng đức Tin như thế, chúng ta cũng có thể hiểu được rằng, con người sống với nhau cần sự trung tín. Hơn nữa, chúng ta hiểu rằng ý nghĩa trung tín của con người với nhau không thể dừng lại ở mức độ “trung tín trong phẩm chất”, mà còn thiết yếu mời gọi một thái độ trung tín quảng đại, nghĩa là một sự chấp nhập trung tín trong dòng lịch sử.
            Thật sự ra, trong tình tự của tình yêu Kitô giáo, sự thăng tiến trong chiều dọc của trình độ có lẽ không quan trọng cho bằng một sự “thăng tiến” trong chiều ngang của trung tín. Đúng hơn, trong đức tin, ta hiểu rằng “thăng tiến trong trình độ” là “chuyện của Chúa” chứ không phải chuyện của ta. “Chuyện của ta”, đó là trung tín theo ý nghĩa lịch sử, nghĩa là ngã thì trỗi dậy, có vấy bùn cũng không bỏ mất niềm trông cậy vào Chúa; và điều đạt được ở đây chưa hẳn là trình độ thánh thiện cao vời cho bằng là một thứ bề dày nghĩa tình.          
            Cũng thế, trong cuộc sống con người, sự chấp nhận nhau luôn phải là chấp nhận bản thân và cuộc đời của nhau. Đó là một sự chấp nhận dứt khoát và không bao giờ rút lại. Điều đó được xác định trong đặc tính hôn nhân Kitô giáo : không ly dị.
            Hơn nữa, ngay trong cuộc sống hằng ngày, thái độ trung tín một cách quảng đại cũng luôn cần thiết. Nếu không, con người không thể xây dựng được một sự hiệp nhất nào, cả trong tình bạn, cả trong tình nghĩa cộng đoàn tu trì cũng như trong đời sống các hội đoàn…

3. Tâm linh là điều kiện để trung tín với nhau

            Con đường của người Kitô là con đường vòng : muốn tha thứ thì trước tiên phải đón nhận sự tha thứ của Thiên Chúa trong đức Kitô; muốn chăn dắt con chiên thì phải yêu mến Chúa Giêsu và từ đó tìm thấy lý tưởng cao vời của đời mục tử; muốn sống chân thật với tha nhân thì phải đối diện với Thiên Chúa, Đấng thấu suốt cõi lòng để có thể buông bỏ được những chiếc mặt nạ giả tạo; muốn phục vụ tha nhân thì hãy để cho đức Giêsu phục vụ mình và ra đi bằng chính động lực phục vụ đến cùng của Đức Giêsu; muốn xót thương người thì hãy nhận ra lòng thương xót của đức Giêsu . . .
            Chính niềm tin vào Chúa giúp con người có thể tin vào nhau. Niềm tin nơi Chúa là chân trời rộng mở để con người có thể dám tin vào nhau mà không sợ rơi vào ảo mộng phù phiếm của một thứ chủ nghĩa anh hùng cá nhân. Chính khi ta tin vào Chúa, ta đã vượt qua thái độ “thuận mua vừa bán”, khi đó ta mở rộng khung trời để có thể bao bọc, chấp nhận những con người cụ thể, ngay cả khi bị phản bội. Chỉ có con người mới có thể phản bội, còn Thiên Chúa thì không bao giờ phản bội cả; và Thiên Chúa chẳng để cho sự “lầm lẫm” do đã quá tin một con người, nếu có, lại trở thành một thái độ xấu.

Kết

            Sự lập lại các bí tích Kitô giáo như là một sự triển khai nền tảng bí tích Rửa tội cũng cho thấy tính cách hiện sinh trong giao ước của Thiên Chúa với con người. Trong các bí tích, Thiên Chúa lại tái hiện lại sự chết và Phục Sinh của Đức Giêsu Kitô, để khẳng định một cách hiện sinh lòng trung tín của Thiên Chúa. Con người đón nhận các bí tích như là một lời nhắc lại giao ước bản thân của bí tích Rửa Tội, đồng thời kết hiệp vào đó dòng đời của mình, những sự kiện xẩy ra trên dòng đời của mình.
            Thật sự, trong đức Giêsu Kitô, con người luôn có thể bắt đầu lại, luôn có thể đưa đời mình vào một hành trình mới, siêu việt cách triệt để … và chính trong ý nghĩa ấy, sự trung tín lại trở thành mấu chốt mang tính quyết định cho vận mạng một đời người.

 



Bài 6 : Yêu thương vị tha

Có lẽ người Kitô hữu nào cũng biết Kitô giáo là đạo yêu thương. Nhưng không nhiều người hiểu rõ đặc tính của tình yêu thương Kitô giáo mà ta tạm gọi là yêu thương vị tha. Khoa nhân bản Kitô giáo cần phải nhận định rõ sự khác biệt giữa nhiều thứ yêu thương khác nhau và khẳng định đường nét của yêu thương Kitô giáo đích thực.

1. Tình yêu trong Kinh Thánh là tình yêu vị tha

Có một sự kiện cho thấy tầm quan trọng của sự khác biệt giữa nhiều loại yêu thương khác nhau : bản văn Kinh Thánh bằng tiếng Hy Lạp đã rất ngại ngùng với từ ngữ eros (tình ái) vốn khá phổ biến trong văn chương Hy Lạp (chỉ có 2 lần trong Cựu Ước; Tân Ước thì không dùng từ này). Tân Ước tạo ra một từ khác là từ Agape (117 lần trong Tân Ước) và thánh Gioan thì dùng từ philia (tình bằng hữu) để diễn tả tình bằng hữu giữa Chúa Giêsu và các môn đệ.
Từ việc dùng những từ ngữ khác nhau trong Kinh Thánh, nổ ra một cuộc tranh luận lớn trải qua nhiều thế kỷ. Có những tác giả Tin Lành chống đối mọi thứ tình ái (eros) mang tính xác thịt con người để đề cao tình yêu vị tha của Thiên Chúa. Nhưng nói chung, Công giáo thì chấp nhận tình ái của con người, coi tình yêu nam nữ, vợ chồng là một thứ tình yêu căn bản nổi bật nhất.. nhưng với điều kiện là tình yêu phải được thanh luyện trong một thứ tình yêu vị tha (agape).
Đây là một từ ngữ quan trọng, diễn tả một thái độ căn bản của đạo yêu thương trong Kinh Thánh. Ta có thể thấy một giải thích tương đương trong hiến chế Mục Vụ của Công đồng Vatican II, số 24 để tìm hiểu :
Con người, tạo vật duy nhất trên gian được Thiên Chúa dựng nên vì chính họ, chỉ có thể gặp lại chính bản thân mình nhờ thành thật hiến dâng

2. Nẻo đường tự chủ

Để có thể thành thật hiến dâng, trước con con người cần được “trả lại” sự tự chủ và trả lại phẩm giá tuyệt đối của mình. Phẩm giá tuyệt đối của con người nằm ở chỗ mỗi con người được Thiên Chúa dựng nên giống hình ảnh của Ngài, nên không bao giờ được biến con người thành phương tiện, thành “con dê tế thần” cho một ai hay cho một điều gì khác.
Mỗi một con người, dù là một bào thai, dù là một người khuyết tật, tâm thần hay người già đang hấp hối…đều có quyền sống trọn vẹn cuộc đời mình và người khác phải được tôn trọng một cách tuyệt đối. Mỗi người đều được Thiên Chúa dựng nên vì chính mình, để hoàn thành cuộc đời mình, chứ không phải là phương tiện để mua vui cho Chúa, hoặc để xây dựng một công trình nào khác.
Một khi được tôn trọng và được trả lại “chủ quyền” của mình, con người mới cảm nhận được một khao khát chân thật, khao khát yêu thương đến độ có thể cho đi chính bản thân mình. Ngược lại, khi bị đe doạ mất bản thân, người ta lại thường có khuynh hướng bảo vệ, vun quén, giành giật lại cho mình mọi thứ.

3. Mở ra nẻo đường thành thật hiến dâng

Tuy nhiên, nẻo đường tự chủ chỉ hoàn thành khi con người đáp lại một sự thúc bách mở ra trái tim của mình, ra khỏi chính bản thân của mình, tình nguyện dâng tặng chính bản thân mình cho ai khác.
Khao khát yêu thương là bản chất tự nhiên của con người vốn được dựng nên giống hình ảnh Chúa, nên khi người ta yêu thương ai đó thực sự, người ta bắt đầu cảm thấy trọng tâm của đời mình dần dần dịch chuyển đến người mình yêu. Bắt đầu là thấy vui vì niềm vui của người khác, thấy buồn vì nỗi buồn của người khác, thấy đau vì nỗi đau của người khác… rồi cuối cùng tình yêu thương mời gọi con người cho đi chính bản thân và cuộc đời mình để bản thân và cuộc đời của người mình yêu thương được trọn vẹn hơn.
“Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình.” (Ga 15,13)
Điều quan trọng là, yêu thương, người ta tình nguyện ra khỏi bản thân mình, chứ không bị ép buộc vì một sức mạnh hoặc vì một giá trị luân lý sai lạc nào khác.

4. Yêu là sống, sống là yêu

Như sức mạnh của con vật được thống nhất trong bản năng bảo vệ sự sống, thì chính tình yêu nơi con người mới có khả năng thống nhất tất cả cuộc sống của con người trong một sức mạnh căn bản. Tuy nhiên, bản năng sinh tồn của con vật là sự thống nhất để bảo vệ cho chính nó; trong khi đó, tình yêu nơi con người lại là một sự thống nhất hướng tới ai khác. Đó là khác biệt lớn giữa con người với con vật; hoặc ta cũng có thể nói đó là khác biệt căn bản giữa sự sống của con người với con vật, vì đó là sự khác biệt trên bình diện ý nghĩa, thứ ý nghĩa mà chỉ con người có tự do và tình yêu mới có thể sống được. 
Yêu không phải là một chút trang trí hoa lá cành cho cuộc sống, yêu không phải là món đồ chơi xa xỉ của đời sống con người; nhưng yêu là khả năng nối kết mọi thành phần của con người phức tạp để làm nên một ý nghĩa thống nhất xứng tầm của con người. Yêu không phải là điều thêm vào cho cuộc sống, nhưng yêu là chính ý nghĩa của sống; sống trọn vẹn là sống bằng tình yêu. Yêu là sự sống đích thực, sung mãn nhất của mức độ con người. Như thế, tình yêu có một giá trị như cửa ngõ mở ra trước siêu việt, như biên giới của tuyệt đối. Chính tình yêu mới là sức sống siêu việt của con người; và nhờ tình yêu, con người có thể vươn mình hướng đến tuyệt đối.
Người ta có thể thấy được một số chuyện “động trời”, nghĩa là đụng chạm đến được biên giới của tuyệt đối trong đời sống con người do sức mạnh của tình yêu : chẳng hạn những chuyện cảm động trong các vụ tai hoạ; chẳng hạn tinh thần của những người mẹ cả đời hy sinh cho con…

5. Đạt tới nẻo đường hạnh phúc

Thật ra, con đường yêu thương Kitô giáo không phải là một nẻo đường khổ hạnh, mà chính là nẻo đường hạnh phúc.
Hạnh phúc khác với sung sướng. Sung sướng thì có thể đo đếm được một cách khách quan, còn hạnh phúc thì không đo đếm được nhưng do cảm nhận bên trong của mỗi người; sung sướng là tiêu thụ những thứ “sự vật” (sự vật là những gì khác với bản thân) nhằm vun đắp bản thân mình, còn hạnh phúc là đáp ứng đúng ý nghĩa của bản thân mình khi dấn thân vì ai khác. Vị linh mục sung sướng khi được thanh thản ở nhà ăn tiệc, nhưng vị linh mục hạnh phúc khi sống đúng ý nghĩa đời linh mục, dám bỏ bữa cơm để đi xức dầu bệnh nhân, thấy bệnh nhân khoẻ mạnh hoặc ra đi bình an…
Trong tinh thần Kitô giáo, sung sướng chỉ đúng đắn khi nằm trong hạnh phúc. Tìm sung sướng bên ngoài hạnh phúc là con đường đưa tới tình trạng đánh mất sự nhậy bén cảm nhận hạnh phúc và lạc mất nẻo đường yêu thương vị tha của đời mình.
Người ta thường lầm lẫn sung sướng với hạnh phúc, vì người ta không hiểu được ý nghĩa tình yêu vị tha Kitô giáo.

Kết

Thật ra, Thiên Chúa là tình yêu, và con người tập tễnh học tập yêu thương. Tuy nhiên, ngay trong tất cả những thứ tình thương, tình yêu, cảm tình, quí mến… thường ngày của con người đều đã xuất phát từ Chúa và đều phản ảnh nguồn mạch yêu thương căn bản từ Thiên Chúa. Tất cả những thứ tình nghĩa ấy sẽ chân chính khi mở ra, khi khơi lên lòng khao khát yêu thương trọn vẹn hơn, và đưa con người hướng về Thiên Chúa là tình yêu.

 


Bài 7. Dấn thân

1. Thiên Chúa của Kinh Thánh

Nếu so sánh hình ảnh Thiên Chúa trong Kinh Thánh với hình ảnh Thượng Đế trong văn hoá Hy Lạp, ta sẽ thấy nét đặc biệt của Thiên Chúa trong Kinh Thánh là một Thiên Chúa dấn thân.
Thượng đế của người Hy Lạp là nguyên lý cho vũ trụ và con người; nên vũ trụ và con người phải quy hướng về Ngài; nhưng chính Thượng đế thì không cần phải quan tâm đến vũ trụ hay bất cứ ai. Thượng đế giống như nam châm hút sắt mà không biết mình hút. Đó là một Thượng đế được quan niệm là Đấng có “hạnh phúc”, thanh thản (ataraxia) đầy đủ trong chính mình …
Trong khi đó, Thiên Chúa của Kinh Thánh lại là một Thiên Chúa dính dáng và càng ngày càng dính dáng sâu xa vào cuộc sống con người. Thiên Chúa đã nhiều lần hứa, hứa trong vườn Địa đàng, hứa với Noe, hứa với Abraham…; rồi hơn nữa, Thiên Chúa lại giao ước với Dân, nghĩa là tự buộc mình vào một quy chế pháp luật…
Ngược với thái độ “thanh thản”, phẩm tính cao quí nhất của Thiên Chúa trong Kinh Thánh là lòng từ bi thương xót.

2. Lý tưởng sống của người Hy lạp và lý tưởng Kitô giáo

Như thế, ta thấy lý tưởng của người Hy Lạp, đặc biệt là cái triết gia Hy lạp, lý tưởng sống hạnh phúc giống như Thượng đế, đó là tìm được thái độ “thanh thản” (ataraxia), không để cho tâm tư của mình bị xáo trộn. Các triết gia Khắc Kỷ diễn tả thái độ khôn ngoan và tìm sự “thanh thản” giống Thượng đế là : nếu anh có một người bạn đau khổ, anh hãy tỏ bày sự cảm thông, nhưng lòng đừng rúng động.
Khi thánh Phaolô rao giảng về Thập giá đức Kitô cho người Hy Lạp, thì họ cho rằng thập giá là sự điên rồ; vì chỉ có ông nào ngu  si mới yêu thương bằng cách dấn thân chịu khổ như thế.
Ngược lại, lý tưởng của truyền thống Do thái-Kitô giáo lại là một thứ tình yêu vị tha (agape) mà đỉnh cao chính là dám hy sinh mạng sống vì người mình yêu mến (xc. Ga 15,13).

3. Thái độ dấn thân

Dấn thân, đối với người Kitô hữu trước tiên từ bỏ thái độ “bàn tay sạch” như kiểu Philato, từ bỏ thái độ “đi cà khêu” giữa cuộc đời như kiểu người Biệt Phái; để rồi nhận ra trách nhiệm của mình đối với người khác, đối với xã hội và thế giới chung quanh mình.
3.1 Liên luỵ và hiệp thông
Khởi đầu của lịch sử con người, Kinh Thánh đã cho chúng ta biết con người cùng liên luỵ với nhau trong tội tổ tông. Do đó, mọi người cùng dính dáng với nhau trong tội, tội của người này ảnh hưởng trên người kia, rồi tội của người kia lại tác động lên người khác nữa…theo một diễn biến lây lan và đan bện chặt chẽ vào nhau, khiến cho mọi người đều có trách nhiệm ít nhiều với nhau… Đó là vận mệnh chung của nhân loại mà không ai có thể tự mình mình tách ra để tìm con đường giải thoát đơn độc.
Hơn nữa, Thiên Chúa cũng không muốn cứu độ con người một cách riêng lẻ, nhưng cứu độ bằng cách tập họp con người lại trong con thuyền Giáo hội. Như thế, chỉ những ai dám dấn thân, chấp nhận sự liên luỵ với nhau trong tội thì mới có thể đạt đến mầu nhiệm của sự hiệp thông trong ơn cứu độ của Thiên Chúa, mầu nhiệm các thánh cùng thông công. Đức Giêsu vốn là Đấng hoàn toàn vô tội nhưng cũng đã chấp nhận thân phận tội luỵ vì con người; và đức Maria, dĩ nhiên, cũng lãnh nhận hết những khổ đau vị tội luỵ của con người…
3.2 Hồng ân và trách nhiệm
Đời sống con người vốn bao hàm một sự bất bình đẳng tự nhiên. Từ khi sinh ra, đã có người “may mắn” và có người “xui xẻo”; có nam và người nữ, người giỏi và người dở, người đẹp và người xấu,… Trong quá trình lớn lên, cũng luôn có người được nhiều điều kiện thuận lợi và người khác thì chịu thua thiệt mọi bề; người giầu và người nghèo, người có tài và người bất tài, người được giáo dục trong môi trường tốt và người bị xô đẩy và môi trường độc hại…
Mặt khác, cuộc sống con người thật ra là một biển bất công, và công bằng chỉ là một chút bọt sóng ở trên đầu ngọn. Thế giới bất công từ nơi này tới nơi khác trong không gian; từ đời này chuyển sang đời khác theo thời gian, khiến cho không một ai có thể vỗ ngực tự nhận mình không dính dáng gì tới bất công. Trong thế giới đó, những cách xử án của toà án nhân loại thực ra chỉ là một cách giải quyết hời hợp, chủ yếu nhằm ổn định tương đối cho cuộc sống mà thôi.
Không phải Thiên Chúa bất công, nhưng chương trình cứu độ của Thiên Chúa được thể hiện theo cách liên luỵ và hiệp thông. Trong chương trình của Chúa, người nào có được sự may lành thì  điều đó không bao giờ có nghĩa là người đó được toàn quyền hưởng thụ sự may lành cho chính mình. Ngược lại, được hưởng sự may lành chính là đón nhận hồng ân để có trách nhiệm với những người xui xẻ, những người kém may mắn. Tất cả hồng ân Chúa ban đều nằm trong vận hành chung, đó là hồng ân luôn gắn liền với trách nhiệm.
Đây không phải chỉ là lời kêu gọi của đức ái, nhưng trước tiên là đòi hỏi của sự công bằng; nghĩa là không phải là điều từ nguyện mà là đòi buộc. Điều này quan trọng đến độ ai giữ lấy hồng ân cho riêng mình thì sẽ bị loại khỏi chương trình cứu độ của Thiên Chúa.
Trong đức Tin, chúng ta hiểu mọi người Kitô hữu đều có trách nhiệm làm tông đồ, đó cũng chính là cách thể hiện tinh thần dấn thân, tinh thần đón nhận hồng ân đi kèm theo trách nhiệm.
3.3 Tự do và dấn thân
            Con người khao khát yêu thương, nhưng tình yêu không luôn luôn đồng nhất với một tình cảm lãng mạn, ngẫu hứng, lâng lâng, mà thiết yếu là tình yêu vị tha, nghĩa là gồm chứa khả năng chấp nhận liên lụy với ai khác, chia vui sẻ buồn với ai khác, và cuối cùng dám hy sinh cả mạng sống vì ai khác.
            Người ta chỉ có được tự do khi thoát khỏi sự ràng buộc tất yếu của lịch sử; người ta chỉ có được tình yêu khi can đảm tự trói buộc mình vào với ai khác qua một quá trình lịch sử. Hai điều đó dường như trái ngược lẫn nhau. Thế nhưng, con người chỉ có tình yêu khi có tự do; và con người chỉ có tự do chân chính khi tìm thấy động lực của tình yêu. Tự do và tình yêu đòi hỏi lẫn nhau; bởi vì quá khứ và tương lai “liên lụy” với nhau; muốn thoát khỏi sức nặng tội lỗi trong quá khứ, con người cần phải gắn bó đời mình vào niềm mơ ước tương lai tươi đẹp của thế giới yêu thương. Cái mới và cái cũ đan xen vào nhau…
            Tình yêu khiến con người dám ước mơ, ước mơ thật nhiều. Tình yêu chân thật, nghĩa là gắn bó với ai khác trong một quá trình liên lụy với nhau, sẽ làm cho ước mơ của người ấy không phải chỉ là một thứ mơ mộng suông, nhưng là một sự sống của tình yêu đang âm thầm lớn lên, là một sự dấn thân để từng bước thể hiện một sự sáng tạo trong tự do chân chính.

Kết

Có người sợ dấn thân, vì dấn thân thường kéo theo vấp phạm. Thật ra, chỉ trong sự dấn thân, con người mới có thể làm “trong sạch nguồn nước” đời mình. Không dấn thân, đời người giống như một ao tù ô nhiễm. Trong dấn thân, con người tuôn đổ dòng nước của mình để được đổi mới bằng dòng nước khác trong lành hơn. Người nào dấn thân, tha thiết với việc tông đồ chẳng hạn, thì tìm được động lực chân chính để giải thoát khỏi sức ì của tội lỗi.
Trong dấn thân, có thể người ta sẽ vấp phạm nhiều sai lỗi hơn. Nhưng thật ra những căn nguyên của tội lỗi vốn đã nằm sâu trong tâm hồn con người, và khi dấn thân thì những căn nguyên ấy có cơ hội để xì ra. Những sai lỗi và vấp phạm xì ra như thế chính là cơ may để con người biết sám hối chân thật hơn. Khi dấn thân, những căn nguyên cội nguồn của tội trong tâm hồn được đổi mới, đó là sự trong sạch thực sự, sâu xa và căn bản hơn nhiều.

Bài 8. Tự do Kitô giáo

1. Tầm mức của tự do

Có rất nhiều ý nghĩa của tự do. Ở đây ta  chỉ nói tới tự do theo ý nghĩa Kitô giáo. Tự do Kitô giáo chính yếu là việc giải thoát con người khỏi sự trói buộc của tội lỗi :
“Vậy, Đức Giê-su nói với những người Do-thái đã tin Người : "Nếu các ông ở lại trong lời của tôi, thì các ông thật là môn đệ tôi; các ông sẽ biết sự thật, và sự thật sẽ giải phóng các ông." Họ đáp : "Chúng tôi là dòng dõi ông Áp-ra-ham. Chúng tôi không hề làm nô lệ cho ai bao giờ. Làm sao ông lại nói : các ông sẽ được tự do ?" Đức Giê-su trả lời : "Thật, tôi bảo thật các ông : hễ ai phạm tội thì làm nô lệ cho tội”. (Ga 8, 31-34)
Tự do nghĩa là được Thiên Chúa cứu độ và chỉ có sức mạnh của Thiên Chúa mới có thể cứu con người khỏi sự ràng buộc của tội lỗi :
“Chính để chúng ta được tự do mà Đức Ki-tô đã giải thoát chúng ta”.( Gl 5,1)
Được cứu khỏi sự ràng buộc của tội lỗi, con người tìm lại được sự sống thân tình với Thiên Chúa và được đón nhận sức sống của Thiên Chúa, sức sống của Thần Khí Chúa :
“Chúa là Thần Khí, và ở đâu có Thần Khí của Chúa, thì ở đó có tự do”.(2 Cr 3,17)
Người ta chỉ có thể nhận ra mình tự do khi nhận ra mình được giải khỏi cái gì, giải thoát khỏi xiềng xích nào. Theo Kitô giáo, cứu cánh của đời sống con người có tính cách “tối hậu”, tính cách siêu nhiên, nhằm được “sống với Chúa”, nên mức độ của tự do cần thiết trên hành trình đó cũng mang tính cách toàn diện, khởi sự từ bên trong, đạt tới sự tự do toàn diện cả bên trong lẫn bên ngoài. Như thế, sự giải thoát theo quan niệm Kitô giáo không phải chỉ nhằm vào những chuyện bên ngoài, nhưng theo đường lối “cái tâm của giải phóng là giải phóng cái tâm”. Tự do Kitô giáo không phải là tình trạng lâng lâng bay bổng, không phải là “làm điều mình muốn”, nhưng căn bản hơn là “muốn điều mình làm”.

2. Xiềng xích của tội lỗi

2.1. Giới hạn căn bản của cuộc sống : cái chết
Từ khi nguyên tổ loài người bị đuổi ra khỏi vườn địa đàng, con người không còn có thể thực hiện được ước mơ hạnh phúc của mình được nữa. Con người loay hoay để sống, loay hoay để thăng tiến, loay hoay để tìm hạnh phúc…nhưng thật ra, cái chết như là hậu quả chính yếu của tội lỗi đã đón đầu mọi nỗ lực vụn vặt của con người. Con người phải chết, cái chết chấm dứt tất cả, phá huỷ tất cả, nhận chìm tất cả mọi nỗ lực của con người.
2.2 Vòng xích chằng chịt trong tâm hồn con người
Từ khi được hoài thai trong lòng mẹ, con người đã bắt đầu được nối kết vào một mạng lưới chằng chịt của những mối liên hệ sâu xa, một mạng lưới mà người ta không biết đâu để lần ra được đầu mối, và dĩ nhiên cũng không thể tự mình gỡ rối được. Được hoài thai, con người đã mang lấy cả một lịch sử của lâu dài từ đời ông cố, ông tổ nào đó của mình; đã mang lấy một bản thân đầy những vết tích tinh thần, dấu vết tốt xấu của dân tộc và xã hội, của họ hàng và cha mẹ…
Ai đó trong chúng ta đều kinh nghiệm về một sự khó khăn khi phải thay đổi lối sống, thay đổi lối suy nghĩ, thay đổi tình cảm với ai đó… Tất cả mọi sự gắn liền với nhau; mọi sự ta muốn đều là “bứt giây động rừng”.
2.3 Quy luật nghiệt ngã của xã hội
Rồi khi bước vào đời, con người lại bước chân vào một mạng lưới chằng chịt những tương quan trong cuộc sống. Nếp sống, nếp nghĩ, những thứ đòi buộc vay trả, những thúc bách của tình nghĩa, của công bằng, của trách nhiệm…tất cả xô đẩy con người, trói buộc con người vào những mối tương quan nghiệt ngã. Trong sự liên lụy với thế giới, với cộng đồng nhân loại và với lịch sử, con người có nguy cơ bị chi phối, bị ràng buộc như một vòng xích nặng nề.
Nói chung, cuộc sống con người bị trói buộc do thần chết đón chờ ở cuối đường, do bị đưa đẩy của những thói quen trong chính bản thân, do bị quy định của những tương tác của cuộc sống bên ngoài. Đó là những điều rằng buộc mà con người không có khả năng tự cởi trói cho mình.

3. Sự giải thoát mang tính cứu độ

3.1 Tự do là khả năng bắt đầu một tiến trình mới
Con người không thể chối từ tất cả những mối liên hệ chằng chịt như thế. Tuy nhiên, con người có tự do, nghĩa là con người có khả năng cắt đứt sự ràng buộc tất yếu để có thể thể hiện bản thân mình một cách tự do. Sự tự do chân chính không phải là một trạng thái thênh thang đột xuất, mà là khả năng khởi phát một quá trình mới, một quá trình sáng tạo bản thân mình. Tự do chân chính là hình thành được một tiến trình có tính mới mẻ.
Giống như khi bắt đầu một ngày mới, hoặc một năm mới, con người có thể cuộn lại quá khứ, vác quá khứ trên vai chứ không bị quá khứ bao chụp, và bắt đầu một hành trình mới, hành trình tự do trong sự liên luỵ có trách nhiệm với quá khứ.
3.1 Tự do là khả năng khai mở con đường mơ ước
Mặc dù bị trói buộc, con người vẫn luôn khát vọng một cuộc sống  trường tồn, khát vọng một sự thanh thoát của tâm hồn, khát vọng một thế giới “tứ hải giai huynh đệ”.
Niềm hy vọng Kitô giáo là một chân trời ước mơ. Nhưng ước mơ ở đây không phải là một biện pháp tâm lý giả tạo như kiểu những ước mơ đời thường. Ước mơ Kitô giáo gắn liền với đức Cậy, nghĩa là dựa vào một sức mạnh khác, một sức mạnh cứu độ của Chúa. Chính vì thế, lý tưởng Kitô giáo không bao giờ được dừng lại ở một thái độ “khéo ăn thì no, khéo co thì ấm”, nhưng là mơ ước được nên trọn lành như Cha trên trời là Đấng trọn lành.

4. Nguồn sức mạnh của tự do Kitô giáo

4.1  Sự giải thoát nhờ tương quan nhân thân chân chính
Nguồn sức mạnh có tính chất giải thoát của Kitô giáo là tình yêu. Tình yêu thương là mối liên hệ sống-với mà tình tự Kitô giáo luôn cổ võ. Sống với là bắt đầu nhận ra cuộc sống của mình không nhằm vun quén cho bản thân mình, mà luôn luôn nằm trong chiều hướng : vì ai, với ai, cho ai…
Chính thái độ tin, gắn bó với Chúa một cách trọn vẹn, làm cho tất cả cuộc đời con người được chìm ngập trong tình nghĩa sống với. Chính điều đó là nguồn sức mạnh chính yếu.
4.2 Khả năng buông bỏ những chuyện lẩm cẩm
Con người thường bị rơi vào tình trạng “bỏ mồi bắt bóng”, chỉ lo giải quyết những chuyện vụn vặt mà quên đi mục tiêu chính yếu của đời sống con người. Đó cũng là một xiềng xích trói buộc khiến con người không thể đi xa trên hành trình được cứu độ. Ý thức được cứu cánh cuối cùng, con người có khả năng buông bỏ những chuyện lẩm cẩm, tự do tâm hồn, và tỉnh thức chờ đợi ngày được cứu độ.
4.3 Dấn thân trong yêu thương
Yêu thương Kitô giáo là dấn thân vào những ràng buộc, chứ không phải trốn đời. Tự do Kitô giáo không phải là sự đào thoát, mà là đảm nhận trách nhiệm, theo kiểu “vào hàng hùm để bắt được cọp”.  Yêu thương cụ thể, tìm thấy những đòi hỏi cụ thể của tình yêu nhiều hơn, và nhờ tình yêu lớn lao của Chúa để thoát khỏi quy luật nghiệt ngã của thế gian.
Kết  : Cái chết vẫn còn đó. Những đối với người Kitô giáo, hành trình đi đến cái chết không phải là hành trình vô vọng mà là hành trình hoàn tất. Với niềm tin Kitô giáo, không phải cái chết phá huỷ mọi sự của con người nữa, mà chính con người tự nguyện yêu thương, vét trọn vẹn đời sống của mình để dâng tặng, nghĩa là chấp nhận cái chết trong tình yêu. Đó chính là ngõ thoát khỏi bóng ma sự chết rình rập con người.

Bài 9. Sáng tạo cuộc đời như một nghệ thuật

1. Cái tôi

1.1 “Cái tôi đáng ghét”
Cái tôi thường là nguyên nhân của bao nhiêu trục trặc, đổ vỡ, hoặc thảm kịch trong cuộc sống hằng ngày. Người nào có cái tôi càng lớn, thì con người ấy càng dễ dàng vướng víu vào nhiều chuyện; rồi khi càng muốn bảo vệ bản thân mình trong những chuyện vướng víu ấy, thì người ấy luôn có nguy cơ phạm nhiều sai lầm.
1.2 Ước mong xoá bỏ cái tôi
Như thế, một cách bình thường, người nào muốn sống tốt thì phải làm nhỏ đi cái tôi của mình. Ngoài ra, chúng ta còn thấy có những học thuyết muốn hoàn toàn xoá bỏ cái tôi, đó là học thuyết vô ngã của đức Phật.
Thế nhưng, cái tôi là trung tâm của con người, trung tâm của tất cả mọi ước muốn, cũng như mọi hành động của con người. Liệu chừng người ta có thể hoàn toàn xoá bỏ cái tôi được không ? Không có cái tôi, người ta còn có thể làm gì ? Người ta tìm thấy được sức mạnh ở đâu để có thể sống và sống tốt hơn ? Không có cái tôi, thì ngay cả ước muốn sống tốt cũng không có được nền tảng để có thể thực hiện được; và người muốn tìm giải thoát bằng con đường vô ngã thật ra có phải vẫn là một cách tìm hạnh phúc cho chính cái tôi của mình ?

2. Trả lại giá trị cái tôi

2.1 Cái tôi tội lỗi
Đối với Kitô giáo, con người được sáng tạo theo hình ảnh Thiên Chúa, một Thiên Chúa có ngã vị. Giống như Thiên Chúa, con người cũng có một ngã vị rõ rệt, con tên, và có một lịch sử riêng biệt. Thiên Chúa đã sáng tạo vũ trụ và con người, mà theo sách Sáng Thế, tất cả được được khẳng định là tốt đẹp. Thế giới chỉ bị hư hoại do tội lỗi của con người.
Trong truyền thống Công giáo, không có điều gì do Thiên Chúa sáng tạo lại bị loại bỏ, dù là thân xác, dù là dục vọng, dù là quyền bính, dù là khoái lại… nhưng tất cả cần được thanh lọc khỏi ảnh hưởng của tội lỗi.
Điều người ta đổi tội cho cái tôi, thật ra chỉ là những hư hoại của cái tôi. Điều người ta muốn loại bỏ, thật ra chính là khát vọng sâu xa, khát vọng chính đáng nhất của con người : con người khát vọng được nhìn nhận, khát vọng được khẳng định bản thân mình…
2.2 Cái tôi được hoá giải nhờ tình yêu
Tội lỗi sâu xa chính là thái độ chống lại tình yêu. Tội lỗi là ích kỷ, là tham lam, là phóng đãng, là hưởng thụ….và tất cả những điều đó luôn luôn là loại bỏ tình yêu đích thực đối với tha nhân.
Do đó, một khi tìm lại được tình yêu, thì đời sống con người, cũng như cái tôi của con người, có thể được hoá giải khỏi những điều tệ hại của “cái tôi ích kỷ”.
Chính tình yêu thương có thể xoay hướng cái tôi, thay vì hướng về mình, thì hướng về tha nhân với một sự quảng đại lạ lùng hơn hết.
2.3 Tình yêu đền đáp nghĩa tình
Nhưng con người làm sao có thể tìm thấy được tình yêu thương ? Làm sao mỗi người có thể gia tăng tình yêu thương, chống lại được khuynh hướng ích kỷ mạnh mẽ của tội lỗi trong bản thân mình ?
Kitô giáo cho thấy con người cần được cứu, con người cần được đón nhận tình yêu một cách tặng không của ai đó, và cần có được một thứ tình yêu mạnh hơn sự chết, mạnh hơn mọi bóng ma của của sự chết là sự ích kỷ… Điều quan trong nhất trong cuộc đời là con người được ban tặng “miễn phí” một tình yêu lớn lao.
Do đó, trong đời sống gia đình, bình thường con người được lãnh nhận một thứ tình yêu hy sinh bản thân và cuộc đời của cha mẹ. Tuy nhiên, điều quan trọng cuối cùng, cả với những người có được người cha người mẹ yêu thương, cũng như những người không có được hành trang quí báu ấy, đó là chính tình yêu tặng không của Thiên Chúa. Điều quan trọng cuối cùng hết là chính Thiên Chúa tặng không một tình yêu lớn lao hơn mọi tình yêu (Xc Ga, 15, 12-13)…
2.4 Dâng tặng để tìm lại chính mình
Trong Kitô giáo, không phải là không có thái độ bỏ đi cái tôi của mình. Chính đức Giêsu Kitô, vốn là Ngôi Hai Thiên Chúa, nhưng cũng đã “hoá ra không” (kenosis), để sống kiếp phàm nhân, sống như người trần thế. Hành trình từ bỏ ấy đi đến việc hy sinh mạng sống, chết trên thập giá…nhưng cuối cùng là để được tôn vinh (Xc. Pl 2, 6-11).
Cuộc đời mỗi con người cũng vậy. Con người được chân nhận là thụ tạo được Thiên Chúa sáng tạo nên vì chính mình. Do đó, không bao giờ được coi bất cứ một ai như một phương tiện, như một con dê tế thần nhằm để hoàn thành một mục đích nào khác, ngay cả khi đó là vinh quang của Chúa.
Tuy nhiên, quyền tự chủ cũng như sự thành toàn của con người lại chỉ có thể đạt được khi người ta biết thành thật hiến dâng; tự nguyện và yêu thương hiến dâng chính bản thân mình cho tha nhân. (Xc. MV. s.24)

3. Cuộc đời như một nghệ thuật

 3.1 Từ bỏ thái độ so sánh
Mỗi người được Chúa sáng tạo và hình thành cuộc đời mình qua dòng lịch sử đều trở nên một sự “độc đáo”. Do đó, mỗi người được mời gọi sống cuộc đời mình một cách có trách nhiệm về chính bản thân mình, không so sánh hơn thua với ai khác. Thái độ so sánh chính là nguyên nhân gây nên ghen tỵ ngấm ngầm và rơi vào tâm tình xấu: vui khi người khác kém hơn mình, và buồn khi người khác hơn mình. Đó cũng là nguyên nhân củng cố thêm cái tôi ích kỷ và đánh mất nét độc đáo của mình.
Xác tín về sự độc đáo của mình không phải là thái độ lập dị. Lập dị thật ra cũng là thái độ so sánh ngấm ngầm. Sống độc đáo là thoát được lối sống đoàn lũ.
3.2 Loại bỏ bầu khí áp lực
Để mỗi người có thể sáng tạo cuộc đời mình, cần có được một bầu không khí hiệp thông chứ không phải bầu khí áp lực. Áp lực luôn làm cho người ta gia tăng “bản lĩnh đối phó” và đánh mất “bản lãnh sáng tạo”. Khi rơi vào tình huống phải đối phó với áp lực, người ta trở nên khôn vặt, tính toán nhiều chuyện cách khôn khéo, nhưng không phải là một sự khôn ngoan đích thực, mà chỉ để giải quyết những tình huống vụn vặt do bầu khí áp lực tạo ra.
3.3 Sáng tạo nét duyên
Một khi có được tình yêu như một động lực chính yếu của toàn thể cuộc đời, thì con người toàn diện ấy được cấu trúc lại quanh tình yêu thương và nhân cách của con người ấy trở nên đẹp, một nét đẹp riêng; đúng hơn, đó là nét duyên của cả cuộc đời. Nét “duyên” không phá bỏ những đặc điểm của tính tình, không cần gạt bỏ điều gì và cũng không đúc khuôn theo một mẫu mực nào đó, nhưng có khả năng biến mọi loại tính tình trở nên tốt đẹp trong nét độc đáo riêng.

Kết

Đức Giêsu đã sống và thể hiện một phong thái tự do đặc biệt. Cuộc đời của Ngài được chìm ngập trong Thần Khí, và mọi lời nói, hành động của Ngài đều biểu lộ Thần Khí một cách sung mãn. Phong cách như thế chính là điều mà ngày nay người ta gọi là “tự do”. Người Kitô hữu được thông chia Thần Khí của đức Giêsu Kitô, cũng được ban Thánh Thần; và nếu ai đó biết buông mình theo sự dẫn dắt của Thánh Thần thì cũng có khả năng sống một sự tự do bát ngát như vậy.

Bài 10. Ước mơ trọn vẹn

1. Những ước mơ ảo vọng

Con người vốn có thật nhiều ước mơ, con người muốn mình vươn thật tốt, muốn ngươi thân của mình hạnh phúc trọn vẹn, muốn thế giới được hoà bình, an vui… Nhưng trong thế giới con người, những mơ ước, thật ra, chỉ là một thứ “mồi nhử” giả tạo, không có không được, nhưng có đó mà không bao giờ có thể đạt được.
* Trong mức độ bản thân mỗi người
Con người đi vào tuổi trưởng thành, đụng vào những gai góc đau thương trong cuộc đời, hiểu rằng ngay cả những thần tượng lý tưởng nhất của mình cũng không phải là những người hoàn toàn tốt như mình nghĩ… Thế nhưng, con người không thể cầu toàn, luôn buồn phiền về những khuyết điểm của bản thân mình cũng như người khác; mà cũng không thể vì thế mà buông xuôi, hoặc tử tử, hoặc sống theo kiểu ai sao ta vậy; … Con người trưởng thành là con người vừa hiểu, chấp nhận cuộc đời tương đối, lại vừa phải khát vọng vươn lên hơn, sống tốt hơn và góp phần cho cuộc sống tốt hơn.
* Trong mức độ tương quan với tha nhân
Con người muốn sống liêm chính, đạo đức, quảng đại… nhưng “bài học” của thực tế cuộc sống lại xô đẩy, thúc bách phải giải quyết những vẫn đề cuộc sống, nếu không gian dối thì cũng phải sòng phẳng, vay trả đúng mực…
Mặt khác, giá trị của những đòi hỏi luân lý như : tôn trọng sự sống, luân lý tính dục, công bằng, …phải là những giá trị tuyệt đối, không thể là những giá trị tuỳ thời, tuỳ hoàn cảnh. Điều này  dễ bị giảm nhẹ khi ta là kẻ gây tai hoạ cho người khác, nhưng sẽ trở nên thật rõ rệt khi ta là nạn nhân.
* Trong mức độ liên quan đến cả xã hội nhân loại
Đời sống cá nhân cũng như những tương quan bạn bè, anh chị em không phải và không thể là những ốc đảo tách rời khỏi môi trường chung là xã hội, và tương quan rộng lớn của cả nhân loại. Khát vọng “tứ hải giai huynh đệ” chính là một chân trời cho tình nghĩa con người, nhưng trong thực tế khát vọng ấy lại không thể thực hiện được.
Ước mơ thế giới hoà bình, mọi người là anh em, không thể thực hiện được khi người ta chủ trương vô thần, nghĩa là phải chọn thái độ bạn ra bạn, thù ra thù; không thể thực hiện được với chủ trương đa thần; và chỉ có thể thực hiện được khi người ta chấp nhận một Chúa là Cha chung của tất cả mọi người.

Thật ra, hầu như tất cả những giá trị nhân bản như khiêm tốn, mơ ước, hy vọng, đạo đức, tự do, yêu thương…., thật ra, chỉ có thể hoàn tất và hợp lý trong chân trời tâm linh. Đi tới cùng, chan trời tâm linh chỉ có thể trọn vẹn khi mọi người chấp nhận có một Chúa là Cha chung của mọi người.
Cần phải nhắc nhở người tín hữu rằng niềm tin vào một Chúa không phải chỉ là một lập trường của lý trí khiến ta phải loại trừ những ai không chấp nhận; nhưng ngược lại là chân trời của khát vọng yêu thương, và khát vọng yêu thương ấy phải được thể hiện trong thực tế cuộc sống hằng ngày.

2. Những ước mơ được trả lời

Đức tin Kitô giáo nhắc nhở người Kitô hữu ý thức mình sống trong giai đoạn cánh chung, luôn khát vọng ngày Quang Lâm như là cứu cánh của tất cả vũ trụ và nhân loại. Cứu cánh đó được diễn tả như núi thánh của Chúa, như Giêrusalem trên trời, đó là ngày Đức Giêsu Kitô lại đến… Chính niềm mơ ước cách chung ấy là chân trời cuối cùng cho tất cả cuộc sống nhân loại.
* Ướm mọi sự vào viễn cảnh Quang Lâm
Giống như người ta chỉ có thể hiểu được những đường nẻo “ngoằn ngoèo” của cuộc sống khi nhìn tới mục tiêu phải đạt đến; giống như người ta chỉ có thể hiểu được những nét nguệch ngoạc của bức tranh đang thành hình khi ướm vào hình mẫu; thì cũng thế, người ta chỉ có thể hiểu được những khó nhọc, khổ cực, hoặc đổ vỡ… của cuộc sống khi mọi sự được ướm vào cứu cánh cuối cùng của đời người, của cả nhân loại. Khi đó, mặc dù người ta vẫn luôn còn phải đối diện với những gì còn dở dang, còn khiếm khuyết của cuộc sống, nhưng đồng thời cũng sẽ nhận ra được những “dấu chỉ Nước Trời”.
Nhận ra những dấu chỉ hy vọng, điều đó khiến cho niềm hy vọng Kitô giáo không phải là “mồi nhử” hão huyền, nhưng chính là đức Cậy Kitô giáo; đó là một niềm hy vọng có chân rễ trong dòng sự sống, nhờ ánh sáng của đức Tin soi chiếu.
Nhân bản Kitô giáo không phải là thái độ bi quan, trốn đời, những trước tiên là một cách nhìn lạc quan, có khả năng khám phá những điểm tích cực, nhận ra những đóm lửa nhỏ hơn là nguyền rủa bóng tối…
* Dấn thân vì Nước Trời
 Khi nhận ra được những dấu chỉ biểu hiện một tương lai đáng ước mơ, con người cần chọn thái độ dấn thân, phục vụ, gắn với với những nỗ lực làm cho cuộc sống con người được tốt đẹp hơn . Với đức Tin ấy, người Kitô hữu hiểu ra cái nghèo của Tin Mừng, nhận ra thúc bách phải dấn thân, có khả năng khai mở một hành trình mới trong tự do trong yêu thương…. Đức Tin không phải là gìn giữ một báu vật, nhưng chính yếu là động thái quảng đại trao ban bản thân cho chương trình của Chúa và cho cuộc sống thật của thế giới này.
Mơ ước khác với mơ mộng. Mơ mộng là mơ mà không bắt đầu; mơ ước là mơ và bắt đầu bằng một chút “vốn liếng” nhỏ nhoi của mình. Nhân bản Kitô giáo thiết yếu gắn liền với thái độ có trách nhiệm với cuộc đời, có trách nhiệm với anh chị em của mình.
* Buông mình vào dòng sự sống phong phú
Những nỗ lực tốt lành của con người thật sự là nhỏ bé, như chút muối bỏ vào trong đại dương của khổ đau và bất công. Tuy nhiên, con người vẫn cứ ước mơ, ước mơ trọn vẹn, và ước mơ ấy chỉ có ý nghĩa khi người tín hữu hiểu rằng mình được góp phần vào dòng sự sống phong phú vô tận của Chúa.
Mơ ước của con người chỉ có thể “hữu lý” khi đặt mình trong một chương trình rộng lớn hơn, trong một nhiệm cục cứu độ đang được thực hiện từng bước từng bước một.
Do đó, đức tin mời gọi ta buông mình theo sự phong phú của Chúa, đặt mình vào dòng sự sống phong phú vô tận, tuôn đổ hết để có thể lãnh nhận tất cả.
Người Kitô hữu luôn xác tín Nước Trời đang đến trong những hạt cải Tin Mừng nhỏ bé.

 

3. Cử hành đức Tin

* Con người là sinh vật có văn hoá, nghĩa là con người có khả năng làm cho cuộc đời của mình được đẹp hơn nhờ những ý nghĩa nhân bản và tâm linh. Đối với con người, ăn không chỉ để sống mà còn là hiệp thông, mặc không chỉ để ấm mà còn là tôn trọng người khác… Ý nghĩa văn hoá được thực hiện bằng những biểu tượng, tức những cử chỉ, những lời nói, những hình ảnh, những đồ vật… Khi một biểu tượng diễn tả đúng nội dung thật, con người được sống phong phú hơn; còn khi biểu tưởng chỉ là sáo rỗng, đó là những nghi lễ đòi buộc một cách giả tạo.
* Người Kitô hữu có thể thực hiện được những biểu tượng diễn tả đức Tin trong cuộc sống hằng ngày : làm dấu, cúi chào, bái lạy… Những biểu tượng nghi lễ ấy có tác dụng làm cho những việc đời thường được ướm vào dòng sức sống cứu độ của Chúa. Khi đó, cuộc sống thường ngày được “đóng dấu đức Tin”, cuộc sống được gia tăng sức mạnh siêu nhiên, và đó là một thứ “thiền” của Kitô giáo.

Nguyễn Trọng Viễn O.P
Tháng 11-2012

Câu hỏi trắc nghiệm

1. Nhân bản Kitô giáo là những giá trị
a. độc lập hoàn toàn với niềm tin Kitô giáo
b. có thể dựa vào những giá trị nhân bản khác, miễn là không đối lập với tín lý Kitô giáo
c. đặt nền tảng trên tín lý và là một cách thể hiện niềm tin
d. tất cả đều đúng
2. Theo Thánh Kinh, con người
a. có linh hồn và thân xác
b. là con người toàn diện, có ba khía cạnh thần trí, linh hồn và thân xác.
c. có ba phần độc lập : thần trí, linh hồn và thân xác
d. chỉ có thần trí và thân xác thôi.
3. Sống-với là
a. không phải sống theo sự vật, nhưng là sống với ai-khác
b. trong đức Tin, điều căn bản là gắn bó bản thân với Chúa
c. phẩm chất căn bản của đạo yêu thương
d. tất cả đều đúng
4. Ý nghĩa chính của thái độ “nghèo” theo Kitô giáo là
a. không nên làm giầu, vì giầu có dễ đưa đến tội lỗi
b. chỉ cần không quá ham mê của cải, có “tinh thần nghèo khó” là đủ
c. sống tâm tình khao khát vô biên, không thoả mãn với những gì là giới hạn
d. Tất cả đều sai
5. Yêu thương vị tha là
a. để cho lòng mình lâng lâng, dào dạt vì tình yêu tha nhân
b. tự chủ để biết tự nguyện hiến dâng
c. hướng tới tình yêu hiến dâng mạng sống
d. câu b và c đúng.
6. Hai nhu cầu căn bản trong cuộc đời con người là
a. khẳng định chính mình và được người khác chấp nhận
b. khẳng định mình và thành công trong cuộc đời
c. được chấp nhận và được người khác yêu thương
d. tất cả đều sai
7. Trung tín của người Kitô hữu là
a. không bao giờ bất trung
b. có sai phạm nhưng không bao giờ thất vọng
c. chỉ là một tâm tình cần thiết trong đời sống vợ chồng
d. tất cả đều sai
8. Dấn thân là
a. dám chấp nhận liên luỵ trong khổ đau và được hiệp thông trong ơn phúc
b. đón nhận hồng ân thì luôn nhận ra trách nhiệm
c. thể hiện tự do đích thực của con người
d. tất cả đều đúng
9. Tự do Kitô giáo là
a. được giải thoát khỏi tội lỗi
b. tìm thấy khả năng bắt đầu hành trình mới
c. liên đới với thế giới ân phúc để dần dần thoát khỏi những mối liên hệ tội lỗi.
d. tất cả đều đúng
10. Theo Kitô giáo, cái tôi thì
a. đáng ghét
b. tốt đẹp, độc đáo, đáng trân trọng
c. chỉ được hoàn thành khi biết “thành thật hiến dâng”
d. Câu b và c đúng
11. Con người cần ước mơ
a. khi có mơ ước thì cũng có khả năng thực hiện được ước mơ
b. không nên mơ ước, vì mơ ước là chuyện hão huyền
c. chỉ có ước mơ đích thực trong chân trời của niềm tin
d. tất cả đều đúng.

Đáp án câu hỏi trắc nghiệm

Nhân bản Kitô giáo

1. Nhân bản Kitô giáo là những giá trị
a. độc lập hoàn toàn với niềm tin Kitô giáo
b. có thể dựa vào những giá trị nhân bản khác, miễn là không đối lập với tín lý Kitô giáo
c. đặt nền tảng trên tín lý và là một cách thể hiện niềm tin
d. tất cả đều đúng
2. Theo Thánh Kinh, con người
a. có linh hồn và thân xác
b. là con người toàn diện, có ba khía cạnh thần trí, linh hồn và thân xác.
c. có ba phần độc lập : thần trí, linh hồn và thân xác
d. chỉ có thần trí và thân xác thôi.
3. Sống-với là
a. không phải sống theo sự vật, nhưng là sống với ai-khác
b. trong đức Tin, điều căn bản là gắn bó bản thân với Chúa
c. phẩm chất căn bản của đạo yêu thương
d. tất cả đều đúng
4. Ý nghĩa chính của thái độ “nghèo” theo Kitô giáo là
a. không nên làm giầu, vì giầu có dễ đưa đến tội lỗi
b. chỉ cần không quá ham mê của cải, có “tinh thần nghèo khó” là đủ
c. sống tâm tình khao khát vô biên, không thoả mãn với những gì là giới hạn
d. Tất cả đều sai
5. Yêu thương vị tha là
a. để cho lòng mình lâng lâng, dào dạt vì tình yêu tha nhân
b. tự chủ để biết tự nguyện hiến dâng
c. hướng tới tình yêu hiến dâng mạng sống
d. câu b và c đúng.
 
6. Hai nhu cầu căn bản trong cuộc đời con người là
a. khẳng định chính mình và được người khác chấp nhận
b. khẳng định mình và thành công trong cuộc đời
c. được chấp nhận và được người khác yêu thương
d. tất cả đều sai
7. Trung tín của người Kitô hữu là
a. không bao giờ bất trung
b. có sai phạm nhưng không bao giờ thất vọng
c. chỉ là một tâm tình cần thiết trong đời sống vợ chồng
d. tất cả đều sai
8. Dấn thân là
a. dám chấp nhận liên luỵ trong khổ đau và được hiệp thông trong ơn phúc
b. đón nhận hồng ân thì luôn nhận ra trách nhiệm
c. thể hiện tự do đích thực của con người
d. tất cả đều đúng
9. Tự do Kitô giáo là
a. được giải thoát khỏi tội lỗi
b. tìm thấy khả năng bắt đầu hành trình mới
c. liên đới với thế giới ân phúc để dần dần thoát khỏi những mối liên hệ tội lỗi.
d. tất cả đều đúng
10. Theo Kitô giáo, cái tôi thì
a. đáng ghét
b. tốt đẹp, độc đáo, đáng trân trọng
c. chỉ được hoàn thành khi biết “thành thật hiến dâng”
d. Câu b và c đúng
11. Con người ước mơ
a. khi có mơ ước thì cũng có khả năng thực hiện được ước mơ
b. không nên mơ ước, vì mơ ước là chuyện hão huyền
c. chỉ có ước mơ đích thực trong chân trời của niềm tin
d. tất cả đều đúng.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Top