Học hỏi cách đọc Lời Chúa từ kinh nghiệm gia đình

1. Chấp nhận bản thân và cuộc đời của nhau

Cha ông ta nói rằng phụ nữ khi lập gia đình là “trao thân gửi phận” cho chồng mình. Câu nói đó có thể diễn tả một thực tại căn bản của tình yêu mang tính cách đặc trưng Kitô giáo, không phải chỉ trong việc thiếu nữ lập gia đình, nhưng như là quy luật chung của mọi người.
Trong thế giới hiện nay, một mặt ta thấy có nhiều giá trị tích cực về phẩm giá con người được nhận thức rõ rệt hơn và được cổ võ rầm rộ. Chẳng hạn quan niệm nam nữ bình quyền, người thanh niên được tự do lựa chọn người bạn đời của mình, nền tảng của hôn nhân dựa trên tiêu chuẩn của tình yêu chứ không phải những tiêu chuẩn nào khác, hai vợ chồng cùng có trách nhiệm về những chuyện chung của gia đình, việc giáo dục con cái cũng như gánh nặng kinh tế… Mặt khác, trong gia đình hiện nay, người ta cũng lại thấy xuất hiện như sự đổ vỡ đau đớn hơn trong thực tế.
Một trong nhiều lý do là vì, trong sự hí hửng của một bộ mặt văn minh hơn, người ta lại dễ dàng đánh mất đi ý nghĩa căn bản của tình yêu đích thực, càng ngày người ta càng đặt nềm tảng cho tình yêu ở những điều bấp bênh, trôi nổi. Những điều trôi nổi ấy không phải chỉ là sắc đẹp, tài năng, địa vị, tiền bạc, nhưng còn là cả tính tình hay đức độ, vì cả tính tình tốt hay đức độ của một con người cũng không phải là một điều luôn vững bền, để có thể đưa đến hôn nhân “ăn đời ở kiếp” với nhau.
“Trao thân gửi phận”, điều ngày xưa cha ông chúng ta đã nói, bao hàm một sự chấp nhận trọn vẹn bản thân của ai khác và đồng hành trọn cuộc đời với ai đó như là chồng/vợ của mình. Nền tảng vững bền chân thật của hôn nhân là bản thân và cuộc đời. Đó chính là nền tảng để xây dựng mọi tình cảm và mọi sinh hoạt trong đời sống gia đình. Thiếu vắng nền tảng này, mọi tình cảm dù nồng nàn đến đâu cũng sẽ có nguy cơ phai lạt, mọi sinh hoạt hằng ngày của đời sống gia đình, dù có thuận lợi đến đâu cũng có những khó khăn riêng và đưa đến nguy cơ đổ vỡ hôn nhân.
Cũng giống như thế, việc đọc Lời Chúa luôn phải đặt căn bản trên đức Tin. Đức Tin bao hàm hai nội dung căn bản : trước tiên là gắn bó với chính bản thân với Chúa; rồi từ đó cũng chấp nhận mọi điều Chúa truyền dạy. Không có đức Tin, không gắn bó với chính bản thân Chúa, và tự nguyện chấp nhận mọi điều Chúa truyền dạy, người ta sẽ chỉ còn đọc Kinh Thánh như một bài học khôn ngoan, lọc lựa những điều hợp ý mình, và không đụng được đến được sứ điệp mặc khải căn bản : mặc khải thiết yếu là mặc khải chính bản thân của Chúa, bản thân Chúa trong lời ngỏ thân tình và trong hành động trung tín của Chúa. Có lẽ chính vì đặt nền tảng cho việc đọc Lời Chúa trên những điều trôi nổi, những bài học khôn ngoan thế gian, hoặc những tâm tình sốt sắng…mà việc đọc Lời Chúa của người Kitô hữu hiện nay chưa đạt được mức độ như phải là.
Cần “học” lại bản chất của đời sống gia đình để có thể nghiệm ra được kinh nghiệm đọc Lời Chúa.

2. Văn hoá “đối thoại”

Một giá trị cũng đang trở thành giá trị văn minh thời thượng, đó là việc đối thoại. Tuy nhiên, chúng ta có thể so sánh kiểu đối thoại trong những buổi hội họp, trong những hội nghị quốc tế, quốc gia, hay một cộng đồng nào đó, với kiểu đối thoại trong gia đình.
2.1 Đối thoại như “lời ngỏ thân tình”
Giá trị của thứ “đối thoại” trong xã hội văn minh hiện nay thường chỉ dừng lại ở sự tôn trọng quyền lợi của đôi bên, cân đong đo đếm những giải pháp để không bên nào bị thiệt thòi. Những kiểu đối thoại ấy thực chất là một cuộc trả giá, nhằm hình thành được những hợp đồng có phẩm chất công bằng hơn. Trong khi đó, những trao đổi trong gia đình, một cách căn bản, chính là những “lời ngỏ”. Lời ngỏ là lời nói với ai chứ không phải là những phát biểu “đông đổng” hợp lý. Lời ngỏ bao hàm một sự chấp nhận bản thân của ai khác, tin tưởng vào ai khác và tỏ bày bản thân mình một cách chân thành, trong cộng đồng những người thuộc về nhau.
Điều này cũng đúng với ý nghĩa căn bản của mạc khải, theo hiến chế Tín Lý về Mạc Khải của công đồng Vatican II. Nên nhớ rằng hiến chế ấy được soạn thảo dựa theo gợi hứng từ thông điệp Ecclesiam Suam của đức Phaolô VI, trong đó, ý tưởng đối thoại được đề cao rất nhiều.
Trong ý nghĩa ấy, điều căn bản mà hiến chế Tín lý về Mạc Khải trình bày chính là : Lời Chúa là lời ngỏ. Đoạn văn căn bản trong hiến chế là :
Thiên Chúa nhân lành và khôn ngoan đã muốn mạc khải chính mình và tỏ cho mọi người biết mầu nhiệm thánh ý Ngài {X. Ep 1,9}. Nhờ đó, loài người có thể đến cùng Chúa Cha, nhờ Chúa Kitô, ngôi Lời nhập thể trong Chúa Thánh Thần, và được thông phần bản tính của Thiên Chúa {X. Ep 2,18; 2P 1,4}. Trong việc mạc khải này, với tình thương chan chứa của Ngài, Thiên Chúa vô hình {X. Cl. 1,15; 1Tm 1,17} ngỏ lời với loài người như với bạn hữu {Xac. 33,11; Ga 15,14-15}, Ngài đối thoại với họ {X. Br. 3,38} để mời gọi và đón nhận họ hiệp nhất với Ngài” (MK 2a)[1]
Trong kinh nghiệm “đối thoại” của đời sống gia đình, chúng ta có thể hiểu và biết cách đọc Lời Chúa một cách đúng đắn. Lời Chúa không chỉ bày tỏ cho ta những chân lý, nhưng thiết yếu là lời ngỏ thân tình; trong đó, Thiên Chúa tỏ bày chính bản thân Ngài cho người tín hữu. Người Kitô hữu, tin Chúa, chấp nhận bản thân Chúa là điều ưu tiên, mới có thể lắng nghe được lời ngỏ thân tình của Chúa, lời diễn tả tình thương của Chúa đối với chính bản thân mình. Trong nền tảng tình yêu chấp nhận bản thân như thế, người tín hữu “đọc” Kinh Thánh như đọc một bức thư chứ không phải đọc một hợp đồng.
2.2 Đối thoại như “hành động”
Một phẩm chất tuyệt vời khác của đời sống gia đình, đó là  phẩm chất của “hành động”. Ở đây, chúng ta cần phân biệt được “việc làm” khác với “hành động”. Việc làm là nhằm sản xuất ra một sản phẩm. Người sản xuất trong xã hội, làm ra các sản phẩm. Việc làm tốt đưa tới những sản phẩm tốt. Người lao động đặt niềm tin của mình vào giá trị tốt của sản phẩm, hy vọng giá trị ấy sẽ chinh phục người được tiêu thụ. Người tiêu thụ mua sản phẩm vì phẩm chất của chính sản phẩm, so đo tính tính toán với túi tiền và nhu cầu mình mà không cần biết đến người sản xuất. Đó cũng là một sự “đối thoại”, đối thoại của những con người vô ngã. Động lực kinh tế của một xã hội nằm gọn trong sự so đó tính toán như thế.
Trong khi đó, “hành động” lại là một cách diễn tả bản thân mình, diễn tả tình yêu của bản thân mình, gửi tình yêu ấy cho ai khác thông qua một “sản phẩm” nào đó. Người vợ nấu cơm hay lau nhà, đó không phải chỉ là việc làm, đó là hành động trao gửi tình thương cho chồng cho con. Người chồng thương xuyên đi ăn tiệm, sẽ chỉ thấy món này ngon, món kia dở; người chồng thương xuyên ăn cơm nhà, sẻ cảm nghiệm được bữa cơm như hành động của vợ, hành động trao gửi bản thân mình cho chồng qua bữa cơm…
Hiểu được như vậy, ta mới có thể hiểu được mối liên hệ thiết yếu của Lời Chúa với cuộc sống hằng ngày, với lịch sử của đời mình. Nếu nền thần học trước Vatican II quen trình bày mặc khải chủ yếu là Lời Chúa nói, thì Vatican II lại bổ túc bằng một quan niệm toàn diện hơn, Chúa mặc khải chính Ngài bằng lời nói và bằng hành động; hai điều đó liên kết chặt chẽ với nhau. Hiến chế Mạc khải nói :
Công cuộc mạc khải này được thực hiện bằng các hành động và lời nói liên kết mật thiết với nhau. Nên các việc Thiên Chúa thực hiện trong lịch sử cứu rỗi bày tỏ, củng cố giáo lý và những điều được giải thích qua lời nói. Còn lời nói thì công bố các việc làm và khai sáng mầu nhiệm chứa đựng trong đó. Nhờ mạc khải này, chân lý thâm sâu về Thiên Chúa  cũng như về phần rỗi con người được sáng tỏ nơi Chúa Kitô, Đấng trung gian, đồng thời là sự viên mãn của toàn thể mạc khải” (MK 2a).

3. Sống trong một quá trình với Chúa

Nếu một xí nghiệp tổng kết cuối năm, thì thành quả tính đến sẽ là những con số lợi nhuận, những công trình có giá trị. Trong khi đó, “tổng kết” của đời sống gia đình, một cách căn bản, không phải là những thành quả cụ thể, mà chính là một bề dày nghĩa tình. Bề dày nghĩa tình thường được kết dệt nên không phải chỉ từ những thành quả tốt đẹp mà thường hơn từ quá trình đồng lao cộng khổ. Chỉ trong quá trình ấy, người vợ/chồng mới có được một nền tảng “hiểu” được những lời nói và hành động của nhau một cách sâu xa.
Nên lưu ý rằng, trong khi triết học Hy Lạp luôn ưu tư đi tìm bản chất của sự vật, luôn muốn xác định thực chất đúng sai của một vấn đề, một tư tưởng, một hành động; thì văn hoá Do Thái lại bộc lộ mối ưu tư đi tìm nguồn gốc, nhằm xác định được sự việc hay lời nói ấy có do từ Chúa hay không. Đứng trước một sự việc, người Hy Lạp sẽ tìm cách để khẳng định được sự việc ấy là đúng hay sai; còn người Do Thái thì bận tìm dấu chỉ để nhận ra sự việc ấy có do Chúa không, và Chúa muốn gì. Bận tâm của người Hy Lạp là biết và hiểu cho đúng; bận tâm của người Do Thái là lắng nghe và thực hành điều Chúa muốn tỏ bày cho mình.
Não trạng của người Do Thái nói lên cung cách của người tin, người muốn sống mối tương quan thân tình với Chúa, người mong muốn sống lịch sử đời mình như một lịch sử ơn cứu độ. Cũng thế, trong đời sống gia đình, một sự việc, mọi lời nói, không bao giờ là những sự việc hay lời nói đơn độc, mà luôn bộc lộ ý nghĩa như một mắt xích trong chuỗi dài của bề dày tình nghĩa gia đình. Chỉ khi nào người ta “gửi phận” cho nhau, người ta mới có được một chân trời để định hình cho những biến cố và lời nói hiện tại.  
Cũng thế, Lời Chúa và Hành động của Chúa chỉ có thể sáng tỏ ý nghĩa trọn vẹn trong dòng cuộc sống, cuộc sống như một lịch sử ơn cứu độ. Càng có bề dày lịch sử đồng lao cộng khổ với Chúa, người tín hữu lại càng có thể “cảm nhận” được Lời Chúa ngỏ với mình một cách phong phú và đậm đà ý nghĩa.

Tạm kết

Ước mong sao các anh chị trong gia đình Đa Minh nói chung, trong câu lạc bộ cựu tu sinh Đa Minh, tìm được sức sống đức Tin nhờ việc đọc Kinh Thánh; và ngược lại, nhờ đọc Kinh Thánh mà lại biết sống đời sống gia đình một cách trọn vẹn hơn.
Nguyễn Trọng Viễn O.P.



[1] Xc thêm :”Thực thế, trong các sách Thánh, Chúa Cha trên trời, bằng tất cả lòng trìu mến đến gặp gỡ con cái mình và ngỏ lời với họ” {MK 21a}

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Top