Tìm nguyên lý căn bản

trong giáo dục Kitô giáo



Từ ngữ “Giáo dục Kitô giáo” ở đây, xin được hiểu một cách căn nguyên là chính Thiên Chúa giáo dục Dân của Người. Dĩ nhiên, từ đường nét Thiên Chúa giáo dục Dân Người, chúng ta cũng có thể nhận ra nguyên lý trong sứ mệnh giáo dục của Giáo Hội hiện nay.
1. Nguyên lý mang lại sức sống cho Giáo Hội

Nếu trở lại lịch sử Giáo Hội, chúng ta sẽ nhận ra một sự khác biệt giữa các nguyên - lý -sống, xét như động lực làm sinh động sức sống của Giáo Hội, đó là sự khác biệt giữa : giáo huấn, làm gương, và làm chứng.

Trong ba trăm năm đầu của Giáo Hội, nguyên lý nuôi dưỡng đời sống đức tin Kitô giáo nằm trong lời chứng của các vị tử đạo, dù là giáo sĩ hay giáo dân. Thời đó, các vị tử đạo là những người được tôn trọng hơn hết, và lời chứng của các ngài cũng là nguồn động lực lớn lao nhất cho đời sống đức Tin Kitô giáo. Qủa thật, so với sức mạnh của quyền lực trần thế, các vị tử đạo là những con người nhỏ bé, yếu đuối, “trần trụi”, thua cuộc. Nhưng những con người yếu đuối ấy lại dám đương đầu một cách hiên ngang với một sức mạnh có thể tiêu diệt bản thân mình. Hành vi chấp nhận hy sinh mạng sống thể hiện được một lòng can đảm kỳ diệu, và là lời chứng mạnh mẽ nhất về quyền năng của Thiên Chúa. Đó không phải là sự cam đảm của bản thân các vị tử đạo có khả năng bảo vệ đức Tin; đó không phải là sự “cao cả” của một nhân đức luân lý (can đảm) có khả năng che chở cho nguyên lý siêu nhiên (đức Tin); đó cũng không phải là sức mạnh của nhân đức luân lý có khả năng khơi nguồn cho một mạch sống phong phú như một gương sáng cho người khác noi theo. Ngược lại, chính nhờ đức Tin, những con người yếu đuối có thể trở nên can đảm; chính quyền năng của Thiên Chúa đã biến những con người vốn yếu đuối mỏng giòn trở thành những con người mạnh mẽ phi thường.

“Nhờ đó, Cha kiện toàn sức mạnh nơi những con người mỏng giòn, và tăng sinh lực cho những người yếu đuối, để họ làm chứng cho Cha” (Kinh tiền tụng lễ các thánh Tử Đạo)

Như thế, cội nguồn sức mạnh trong hành vi tử đạo chính là quyền năng đầy tình yêu thương của Thiên Chúa chứ không phải đức độ của con người; nguồn sức sống lan tràn và làm sinh động cho sự sống của Giáo Hội chính là Thiên Chúa trong tác động siêu nhiên của Ngài chứ không phải nhân đức luân lý như một mẫu gương hoặc như một bài học. Nguyên lý cứu độ Kitô giáo không phải chỉ tác động đến con người như một giáo huấn tri thức soi sáng trí khôn, không phải chỉ như một gương sáng có khả năng khơi dậy ý chí; nhưng chính là ân sủng siêu nhiên có khả năng biến đổi toàn diện con người, mà rốt cùng vẫn quy về nguyên lý của tình yêu. Chính tình yêu của Thiên Chúa được thể hiện như một sự liên đới, hiệp thông cụ thể của Chúa Giêsu với vị tử đạo đã làm nên lòng can đảm phi thường của các ngài, và cũng chính tình yêu ấy trở nên như một nguyên lý sống căn bản cho sự sống kitô giáo trong lòng Giáo Hội. Điều gì là cứu cánh thì cũng là nguyên lý và điều gì là nguyên lý thì cũng là cứu cánh. Nếu cứu cánh của cuộc đời các vị tử đạo là được sống bên Chúa, thì nguyên lý làm cho các ngài trở thành chứng nhân của Chúa cũng chỉ có thể là tình yêu thương của Chúa. Điều đó cũng đúng cho tất cả bước hành trình của Giáo Hội.

2. Những chuyển biến

Khi Giáo Hội thoát khỏi được thời kỳ bị bắt hại, thì nguyên lý mang lại sức sống trong đời sống Giáo Hội cũng đổi khác. Các giáo sĩ khẳng định quyền và uy thế của mình trong Giáo Hội; quyền và uy thế đó bộc lộ, dĩ nhiên trong việc quản trị, những sâu xa hơn trong chức năng giáo huấn. Giáo huấn luôn là một trong những yếu tố quan trọng của đời sống đức Tin Kitô giáo, những không phải là nguyên lý sống căn bản; vì Kitô giáo không phải là một học thuyết, những là một sự sống. Nếu lấy nguyên lý giáo huấn là nguyên lý chính yếu, chúng ta rơi vào não trạng của người Hy Lạp. Đối với người Hy Lạp, thần thánh không thể là những ý muốn “trái chứng trở trời”, nhưng phải là những gì biểu lộ một trật tự. Dần dần thần thánh được đồng hóa với quy luật, và nhiệm vụ chính yếu của con người không phải là tương giao theo phương thức thờ phượng, nhưng là hiểu biết. Do đó, chính các triết gia mới là nhân vật quan trọng nhất trong xã hội của người Hy Lạp. Hiểu biết là yếu tố quan trọng nhất trong việc hoán cải một con người; và Socrate đã có thể phát biểu rằng : không ai là người gian ác cố tình. Người ta gian ác chỉ vì không hiểu biết; và nhiệm vụ chính yếu của các triết gia Hy Lạp là giúp con người tìm được sự hiểu biết quy luật, tức hiểu biết thần thánh, để có thể sống theo thần thánh.

Trong truyền thống Do Thái Kitô giáo, tội lỗi không phải chỉ là một sự thiếu hiểu biết, mà là sự cắt đứt một tương quan. Từ đó, tội lỗi làm xáo trộn con người, và con người chỉ có thể tìm lại được “trật tự” trong bản thân mình khi nối lại được mối tương quan căn bản nhất, tương quan thân tình với Chúa. Thánh Phaolô nói rằng : “Thật vậy, tôi làm gì tôi cũng chẳng hiểu : vì điều tôi muốn (nghĩa là tôi biết điều đó là tốt), thì tôi không làm, nhưng điều tôi ghét (nghĩa là tôi biết điều đó là xấu), thì tôi lại cứ làm”. (Rm 7,15).

Nếu nhìn vào đời sống của Giáo Hội, chúng ta thấy vẫn có những cảm nghĩ theo kiểu người cha mắng đứa con : “tao đã giải nghĩa cho mày mọi nguy cơ của ma túy rồi, tại sao mày lại cứ hút hít”, thì chúng ta có thể hiểu được đời sống Kitô giáo đã không còn bắt mạch vào đúng nguồn của sức sống Kitô giáo.

Đồng thời, cũng vào lúc Giáo Hội không còn những chứng tá của các vị tử đạo nữa, thì vào thế kỷ thứ IV, xuất hiện các tu sĩ. Tu sĩ là những người có một đời sống, nói chung, có thể trở nên gương mẫu cho các thành phần khác trong Giáo Hội. Quả thật, qua dòng lịch sử Giáo Hội, sự hiện dịen và đời sống người tu sĩ là một đóng góp quan trọng cho sức sống của Giáo Hội. Tuy nhiên, một cách chung chung, đời sống tu sĩ được thể hiện như gương mẫu cao cả cho người tín hữu. Gương sáng luôn là điều cần thiết, nhưng vẫn không phải là nguyên lý căn bản của sức sống Kitô giáo. Nếp sống nhà tu thường khác biệt hẳn với nếp sống chung của người tín hữu, nên dễ tạo nên tình trạng “kính nhi viễn chi”. Đó là tình trạng người tín hữu thật lòng kính phục đời sống tu sĩ thánh thiện, những không cảm nhận được gia tăng thêm lòng trông cậy. Gương sáng soi chiếu giống như ngọn đèn chiếu thẳng vào mắt và người đi đường bị chói mắt chứ không thấy rõ hơn bước đường của chính mình; trong khi làm chứng lại giống như một ngọn đèn chiếu đằng sau để cho những người đang mê lầm tìm được đường đi trong thế giới mịt mù. Người ta kính phục đời sống của người đi tu chứ không dễ nhận ra dấu vết tình thương của Thiên Chúa. Nếu sự hiện diện, hoặc đức độ của người tu sĩ, chỉ lôi kéo được những người tín hữu “khá đạo đức” hoặc qui tụ được một số thành phần ưu tuyển, thì ta có thể đoán được tác động của người tu sĩ mới chỉ nằm trong mức độ làm gương.

3. Đâu là nguyên lý sống của Giáo Hội hiện nay ?

Hình như từ sau thời kỳ bị bắt hại, sức sống của Giáo Hội không còn mạnh mẽ nữa, vì không còn tác động của “làm chứng”. “Giáo huấn” và “làm gương” tỏ bày tài năng của nhân đức của con người. Giáo huấn và làm gương làm cho người ta thấy rõ được nhân vật này, đấng bậc kia. Trong khi đó, “làm chứng” lại có khả năng làm sáng lên chính quyền năng và tình yêu thương của Chúa. Người Kitô hữu làm chứng về ơn cứu độ của Thiên Chúa, hoặc trở nên như “ánh sáng trần gian”, như “men”, như “muối” phải thực sự làm sáng lên tác động cứu độ của Thiên Chúa chứ không phải đức độ của người này người kia. Một cách nào đó, ơn cứu độ của Thiên Chúa chỉ có thể sáng lên như ánh sáng nơi tối tăm, nghĩa là trong sự yếu đuối và tầm thường của người làm chứng. Chính nhờ đó, tác dụng của “làm chứng” có thể giúp cho người khác, đặc biệt là những người sống trong “bóng tối” được thêm niềm trông cậy và xác tín vào quyền năng của Chúa. Có lẽ chúng ta nên đọc lại bản văn của thánh Phaolô trong thư thứ hai Corintho :

“Và để tôi khỏi tự cao tự đại vì những mặc khải phi thường tôi đã nhận được, thân xác tôi như đã bị một cái dằm đâm vào, một thủ hạ của Xa-tan được sai đến vả mặt tôi, để tôi khỏi tự cao tự đại. Đã ba lần tôi xin Chúa cho thoát khỏi nỗi khổ này. Nhưng Người quả quyết với tôi : "Ơn của Thầy đã đủ cho anh, vì sức mạnh của Thầy được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối." Thế nên tôi rất vui mừng và tự hào vì những yếu đuối của tôi, để sức mạnh của Đức Ki-tô ở mãi trong tôi. Vì vậy, tôi cảm thấy vui sướng khi mình yếu đuối, khi bị sỉ nhục, hoạn nạn, bắt bớ, ngặt nghèo vì Đức Ki-tô. Vì khi tôi yếu, chính là lúc tôi mạnh”. (2 Cr 12, 7-10)

* Trở về với truyền thống : ơn cứu độ cho người nghèo.

Sức mạnh của “làm chứng” có thể tìm thấy ở đâu trong  Giáo Hội hiện nay ? Tôi nghĩ rằng ta có thể tìm thấy nơi chính người nghèo, những người nghèo cả về thể chất và tinh thần, cả trong năng lực và đức độ, những người nghèo được cứu độ. Thật sự ra, “giáo huấn” và “gương sáng”, trong nền tảng của Kitô giáo, ưu tiên hơn hết, cũng phải là “lời chứng” một cách nào đó. Giáo huấn thể hiện chức năng “lời chúng” khi chính giáo huấn ấy được trải ra một quá trình được Lời Chúa cật vấn, khi giáo huấn bộc lộ một sự đảo ngược lối nhìn, khi người rao giảng nghiệm ra được một lần “à ra thế !” đối với đường lối của chính Thiên Chúa. Chính trong ý nghĩa đó mà thánh Thomas nói được rằng : tôi học được dưới chân Thánh Giá nhiều hơn trong sách vở. Cũng thế, gương sáng thể hiện chức nang “lời chứng” khi đời sống luân lý ấy thực sự là một sự chiến thắng của quyền năng cứu độ trên bản tính yếu đuối mỏng giòn của con người. Tóm lại, giáo huấn và gương sáng chỉ có thể làm lời chứng trong và qua cái “nghèo”, cái “bé mọn” của chính mình.

Tuy nhiên, trong dòng lịch sử Giáo Hội, ở một tầm mức toàn diện hơn, chính những người “nghèo”, người tội lỗi sám hối… mới thực sự là những người có khả năng làm sống lại một niềm tin vào quyền năng Chúa và tạo nên động lực sống cho Giáo Hội. Ta có thể khẳng định đó là “quy luật” Kitô giáo, hiện nay và mãi mãi, vì đó chính là đường nét căn bản của lịch sử ơn cứu độ.

Trong hiện tình Giáo Hội, người nghèo chưa có “chỗ đứng” trong Giáo Hội. Giáo Hội vẫn bộc lộ trong rất nhiều đường nét, từ tư tưởng cho đến quản trị, từ tu đức cho đến mục vụ…, là giáo hội của những con chiên ngoan, hoặc giáo hội của những người có khả năng hiểu biết một cách nào đó. Sinh hoạt của Giáo Hội, bộc lộ sức sống của Giáo Hội, nói chung, vẫn có tính cách “từ trên xuống” và rất ít những mối tương tác của sự sống đức Tin trong sự hiệp thông “chiều ngang”, hoặc “từ dưới lên “. Trong sinh hoạt Giáo Hội hiện nay, ta ít thấy có những giờ “sinh hoạt”, chia sẻ, hiệp thông một cách nhẹ nhàng, thân thương để có được một bầu không khí thân tình, hiểu biêt nhau, và có thể thông hiệp những ơn phúc của nhau. Người nghèo, người bé mọn trong Giáo Hội vẫn là những người lãnh nhận và lãnh nhận một cách âm thầm chứ không phải là người được “đóng góp” sự hiện diện của mình như một nét đặc trưng của Giáo Hội Chúa Kitô, và đóng góp chứng tá của mình như một căn tính đặc trưng của lịch sử ơn Cứu Độ Kitô giáo.

Kết :

Các triết gia lớn nhất của Hy Lạp như Platon và Aristote, đã không phân biệt được phẩm giá và tài năng nơi con người. Tất cả phẩm chất cao quí nhất của con người bị giản lược vào lý trí; và năng lực của lý trí là nguyên tắc phân biệt sự cao quí của con người. Một khi không phân biệt được phẩm giá và tài năng, người ta, hoặc sẽ rơi vào thái độ khinh thường những người có ít tài năng trong cuộc đời; hoặc là người ta muốn “cào bằng” tất cả, “ăn đồng chia đều” trong mô hình tổ chức của xã hội.

Chính Tin Mừng của Chúa Giêsu mới thật sự là nguồn mạch của phẩm giá con người, phẩm giá là-người cũng như phẩm giá làm-người. Chúa Giêsu cho thấy phẩm giá là-người của những kẻ bé mọn và khẳng định nền tảng của sự bình đẳng ấy được chuẩn nhận nơi chính Thiên Chúa :

"Anh em hãy coi chừng, chớ khinh một ai trong những kẻ bé mọn này ; quả thật, Thầy nói cho anh em biết : các thiên thần của họ ở trên trời không ngừng chiêm ngưỡng nhan Cha Thầy, Đấng ngự trên trời” (Mt 18,10)

Chúa Giêsu cũng khẳng định phẩm giá làm-người khi cho biết điều quí trọng của đời sống con người không phải là một so sánh sự hơn thua từ sự thành công bên ngoài, nhưng là sự sẵn sàng cho đi ít nhiều những gì thuộc về chính bản thân mình :

“Người liền nói : "Thầy bảo thật anh em : bà goá nghèo này đã bỏ vào nhiều hơn ai hết. 4 Quả vậy, tất cả những người kia đều rút từ tiền dư bạc thừa của họ, mà bỏ vào dâng cúng ; còn bà này, thì rút từ cái túng thiếu của mình, mà bỏ vào đó tất cả những gì bà có để nuôi sống mình." (Lc 21,3-4)

Tình yêu thương bộc lộ trong một sự tôn trọng phẩm giá con người không đương nhiên đồng nghĩa với làm việc bác ái hay từ thiện. Con người cần cơm ăn áo mặc, cần nhà cửa và nhiều phương tiện khác,… những trên hết con người cần được người khác đón nhận như một con người, cần được sống và chết như một con người, cần được là và được làm người, chứ không phải như một con vật hay như một món đồ chơi của kẻ khác.

Và cuối cùng, cũng chính Thiên Chúa mới thể hiện được một sự tôn trọng “phẩm giá siêu nhiên” của con người, khi mời gọi tất cả mọi người, cả những người nghèo hèn tầm thường nhất, được đón nhận được trọn vẹn ơn cứu độ, khi Ngài thực hiện một mầu nhiệm cứu độ đảo ngược so với kiểu suy nghĩ sáo mòn của con người :

"Đức Giê-su nói với họ : "Tôi bảo thật các ông : những người thu thuế và những cô gái điếm vào Nước Thiên Chúa trước các ông”.(Mt 21,31)
 
 
                                           Nguyễn Trọng Viễn O.P.
 


















0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Top