Cái mới của Chúa
Thiên Chúa
của chúng ta là một Thiên Chúa ngôi vị, Ngài không phải chỉ là một nguyên lý,
không phải chỉ là qui tắc, không phải chỉ là một bản chất bất biến…Người ta có
thể tìm thấy nơi Chúa những nguyên lý căn bản, nhưng qui tắc hành động, hoặc một
bản tính Thiên Chúa bất biến, nhưng tất cả những điều đó không thể nào toát lược
được hết hiện hữu của Thiên Chúa. Thiên Chúa là một “ngôi vị”, một cách nào đó,
Ngài có “lý trí”, Ngài có “ý chí”, Ngài có “tự do”, mặc dù ta chỉ có thể nói về
những phẩm tính ấy của Thiên Chúa một cách loại suy. Nói một cách khác, Thiên
Chúa Ngôi vị tự thể hiện chính mình trong tự do, trong sự “sáng tạo” bản thân,
trong hành động, trong tương quan với thụ tạo, với những ngôi vị khác… Điều ấy
có thể nói một cách nôm na : Thiên Chúa là Đấng luôn luôn mới, và Ngài cũng làm
cho vũ trụ, làm cho thế giới, và cho con người được đổi mới. Nói một cách văn
chương hơn : Thiên Chúa là Chúa Xuân….
Ta chẳng thể
nói gì được về chính cái mới ơ nơi Chúa, nhưng ta có thể nhìn vào hiệu quả nơi
những công trình của Ngài để biết được một chút về cái mới của Thiên Chúa.
1. Thiên Chúa làm cho vũ trụ được đổi mới
Thiên
Chúa là Chúa của vũ trụ, và Ngài đã “đẩy nhẹ” trục địa cầu, để trái đất quay
chung quanh mặt trời không theo góc vuông, nhưng theo góc lệch, và trục quay ấy
tạo nên thời tiết tháng năm, và trái đất có bốn mùa Xuân Hạ Thu Đông,.… Một điều
quá đơn giản nhưng thật kỳ diệu. Thời tiết đổi thay làm cho vũ trụ luôn được đổi
mới; khiến có một ngày mới hiện ra với dáng vẻ tinh khôi; khiến cho bức thảm thực
vật trên trái đất biến đổi phong phú vô ngần; khiến cho các động vật có được những
mùa sinh sản riêng biệt; khiến cho một tuần, một tháng mới mang đầy những hứa hẹn
mới khác với tuần/tháng cũ; khiến cho con người bước vào một năm mới với biết
bao nhiêu là dự tính, biết bao nhiêu là ước vọng, biết bao nhiêu là sức sống mới….
Mặc
dầu, trước mắt, vũ trụ được đổi mới theo một quỹ đạo tuần hoàn, lặp đi lặp lại
hằng năm, nhưng nếu nhìn ở mức độ vĩ mô, vũ trụ không phải chỉ theo một quỹ đạo
tuần hoàn, không lặp đi lặp lại, nhưng vẫn đang trương nở đạt đến những tầm mức
hoàn toàn khác. Mặc khải Kitô giáo cho thấy vũ trụ có một khởi đầu trong sự
sáng tạo của Thiên Chúa và có một chung cuộc trong ơn cứu độ của Ngài. Thời
gian của vũ trụ không phải là một vòng tròn lặp đi lặp lại của những đại-niên,
như trong nhiều truyền thống tôn giáo triết học khác, nhưng đang hướng tới một
sự hoàn tất chung cuộc. Yếu tố tín lý căn bản ấy đặt vũ trụ vào một dòng biến
chuyển, không phải hoàn toàn như “cái cũ”, bằng cách lặp đi lặp lại, nhưng luôn
nẩy sinh những “cái mới” và đạt đến ý nghĩa căn của nó trong ngày cùng tận. Đức
tin cho chúng ta thấy vũ trụ cũng trông chờ được cứu độ, và ơn cứu độ nơi Đức
Giêsu cũng đang thu hợp mọi biến chuyển của vũ trụ :
“Muôn loài thọ tạo những ngong ngóng đợi chờ ngày Thiên Chúa mặc
khải vinh quang của con cái Người. Quả thế, muôn loài đã lâm vào cảnh hư ảo,
không phải vì chúng muốn, nhưng là vì Thiên Chúa bắt chịu vậy ; tuy nhiên, vẫn
còn niềm trông cậy là có ngày cũng sẽ được
giải thoát, không phải lệ thuộc vào cảnh hư nát, mà được cùng với con cái Thiên
Chúa chung hưởng tự do và vinh quang. Thật vậy, chúng ta biết rằng : cho đến
bây giờ, muôn loài thọ tạo cùng rên siết và quằn quại như sắp sinh nở. (Rm 8,
19-22)
Điều
cần phải khẳng định là Kitô giáo không phải là một thứ “tôn giáo thiên nhiên”,
một thứ tôn giáo diễn tả sự tuần hoàn của vũ trụ thiên nhiên bằng những nghi thức
mang tính cách thần thánh hóa thiên nhiên. Mặc dù lịch phụng vụ Kitô giáo có một
phần am hợp và được gợi hứng từ những biến chuyển tuần hoàn của vụ trụ thiên
nhiên : ngày Đông-chí là ngày kính thần Mặt Trời, được dùng để mừng ngày Sinh Nhật
của Đức Giêsu; ngày Phục Sinh được cử hành đồng thời với thời gian trái đất được
tỏ lộ với dáng vẻ tươi đẹp của một mùa Xuân mới…Ngược lại, chu kỳ phụng vụ Kitô
giáo là một sự “ướm mình” của vũ trụ vào một sức sống thần thiêng, vào biến cố
Đức Giêsu Kitô, một biến cố vừa có tính lịch sử trong không gian và thời gian,
lại vừa siêu vượt không gian vũ trụ và thời gian lịch sử. Không phải Kitô giáo
diễn tả chu kỳ lập đi lập lại của vũ trụ, nhưng ngược lại, chính vũ trụ được nối
kết vào biến cố Đức Kitô để vượt thoát ra khỏi vòng luân chuyển lập đi lặp lại,
và được đưa vào vận hành của một sự đổi mới căn bản trong biến cố đức Giêsu
Kitô. Bởi vì chính Ngôi Lời Thiên Chúa mới là căn nguyên và là cùng đích của vũ
trụ :
“Nhờ Ngôi Lời,
vạn vật được tạo thành, và không có Người, thì chẳng có gì được tạo thành. Điều đã được tạo thành 4 ở nơi Người là sự sống,
và sự sống là ánh sáng cho nhân loại”. (Ga 1, 3-4)
2. Con người đảm nhận lịch sử của đời mình
Truyền
thống Kitô giáo đã đưa vào thế giới một chiều kích căn bản của sự đổi mới, chiều
kích lịch sử. Vũ trụ và thế giới con người, ít nhiều, đều có một lịch sử đúng
nghĩa, nghĩa là luôn làm xuất hiện những cái mới như là những biến cố có ý
nghĩa duy nhất và trọn vẹn trong dòng lịch sử. Mỗi khoẳng khắc thời gian, mỗi
khoảng khắc cuộc đời người đều là những biến cố chỉ có một lần, những biến cố độc
đáo, không thể tan biến thành hư vô, hoặc trở nên nhàm chán trong vòng luân
chuyển lặp đi lặp lại. Tuy nhiên, vũ trụ chỉ có được trọn vẹn ý nghĩa khi liên
kết với con người. Vũ trụ được dưng nên như khung cảnh sống cho của người. Con
người được quyền đặt tên cho muôn vật :
“ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa lấy đất nặn ra mọi dã thú, mọi chim
trời, và dẫn đến với con người, xem con người gọi chúng là gì : hễ con người
gọi mỗi sinh vật là gì, thì tên nó sẽ là thế”. (St 2, 19)
Tuy
vậy, nếu như đời sống con người thoát khỏi được quy luật nhàm chán của sự lặp
đi lặp lại, thì đời sống ấy lại bị một thứ qui luật khác, qui luật của chính lịch
sử, qui luật của sự “trước sau” chi phối.
Chiều
kích lịch sử trở nên đúng nghĩa hơn hết khi mà chính con người có quyền, một phần
nào đó, trong việc quyết định vận mạng của chính mình. Trong dòng lịch sử, con
người không còn là chiếc lá bị cuốn trôi trong quy luật tuần hoàn cố định,
nhưng có “khả năng bắt đầu”, khả năng khơi lên một tiến trình mới, khả năng
theo đuổi một mục đích và hướng tới một cứu cánh. Trong dòng lịch sử, con người
chỉ được sống một lần, phải hoàn thành cuộc đời mình, dám lãnh nhận trách nhiệm
về mình, và lãnh trách nhiệm về những hệ lụy mình đã làm nên. Ở đây không còn
là quy luật tất yếu của một vòng tròn lặp đi lặp lại, mà là quy luật liên lụy của
cái trước với cái sau.
Trong
dòng lịch sử ấy, đời sống con người là một dòng sông trôi chảy, cuộn vào trong
dòng nước mọi thứ hoa trái và rác rưởi của cuộc đời. Thân xác, và nhất là tâm hồn
con người luôn phải mang lấy quá khứ, đảm nhận lịch sử, lãnh đủ những hệ lụy của
lỗi lầm. Chuyện của ngày hôm qua đè nặng lên ngày hôm nay; chuyện của năm ngoái
vẫn còn gây khó khăn rắc rối cho năm này, những chuyện mình làm cho mình, mình
làm cho người khác, và những chuyện người khác làm cho mình… vẫn còn dằn vặt
tâm tư, vẫn ràng buộc cuộc sống trong một mớ những “giây mơ rễ má” chằng chịt.
Con người muốn từ bỏ tội lỗi, nhưng cứ “bứt giây” thì lại “động rừng”; con người
muốn giải quyết mọi “tồn đọng” nhưng quá khứ vẫn cứ rối bời như mớ bòng bong.
Con người muốn bước đi vào hành trình mới, nhưng những hệ lụy của vết xe cũ vẫn
cứ muốn bẻ quặt hướng đi.
Sống
trong dòng đời, con người như đã bị “dính chàm”, và không còn có thể trở lại sự
hồn nhiên, trong sáng và mạnh mẽ được nữa. Con người cần một hứng khởi trẻ thơ để
sống cuộc đời như một cuộc chơi, để sáng tạo cuộc đời mình với tất cả sự thanh
thản, với tất cả niềm hào hứng và hội hộp như người lần đầu tiên bước vào cuộc
chơi. Ngụp lặn trong dòng đời, cuộc chơi của đời người không còn “khách quan”,
không còn quân bình được nữa. Gánh nặng
của quá khứ đè xuống hiện tại.
Quả
thật, dù thoát khỏi quy luật tuần hoàn của vũ trụ, với “quy luật trước-sau” của
lịch sử, con người cũng không dễ dàng gì để có thể đổi mới, để có thể sống
thênh thang trong hiện tại. Thật sự con người không thể xóa sạch quá khứ, không
thể chối bỏ lịch sử đời mình, không thể trốn thoát quá khứ của mình một cách
hèn nhát và cũng không thể ngoảnh mặt đi một cách vô trách nhiệm với những gì
mình đã làm.
Một
sự đổi mới đích thực của thân phận con người không phải là chối từ hoàn toàn
quá khứ, mà là không để cho quá khứ áp đặt trên cuộc đời mình; không phải là giải
quyết một lần cho xong mọi hệ lụy, mà là không để cho hệ lụy của quá khứ như tấm
lưới chụp xuống trên đầu mình. Một sự đổi mới thực sự, đó là “cuộn quá khứ lại”,
mang vác nó lên vai để bước đi theo lựa chọn mới của mình. Đổi mới là đảm nhận
quá khứ một cách chủ động chứ không bị quá khứ xô đẩy; là chấp nhận những hệ lụy
của quá khứ, nhưng không bị giam hãm; là lãnh trách nhiệm với quá khứ nhưng vẫn
tràn đày hy vọng và tự do bước tới tương lai.
Ở
đây, hình như con người lại cần lắm, cần thiết nương vào sự đổi mới của vũ trụ
để có được một sự gợi hứng cho khả năng đổi mới chính bản thân mình. Con người
cần có một ngày mới, một tuần mới, một tháng mới, một năm mới…. Với một khoảng
khắc thời gian mới, con người như bừng tỉnh khả năng bắt đầu của mình, bừng tỉnh
một quyền năng đặt tên cho muôn vật.
3. Thiên Chúa là Chúa của lịch sử
Con
người cần có một ngày mới, một tuần mới, một tháng mới, một năm mới…, nhưng sâu
xa hơn hết, con người cần một tinh thần mới, một sức sống mới từ bên trong. Mùa
xuân của trái đất gợi nhớ và mời gọi cho một mùa xuân khác, “Mùa xuân của tinh
thần”, “Mùa Xuân Tâm Linh”
Để có thể đảm nhận quá khứ và bắt đầu một hành
trình mới, con người cần tìm lại phẩm giá cao quý của mình, tìm lại thế chủ động
của mình, tìm lại chức năng “đặt tên cho muôn vật”, tìm lại khả năng gán nghĩa
cho thế giới.
Thiên
Chúa biến cái cũ của con người nên “hình tượng” đặc thù của cái mới
Là
Kitô hữu, chúng ta tin vào Chúa, là Chúa Xuân, là Chúa của lịch sử và là Chúa của
bản thân ta. Chính Chúa ban cho ta nguồn sức sống mới. Đức Tin giúp chúng ta nhận
ra dấu vết sự hiện diện của Chúa trong quá khứ; đức Tin giúp chúng ta nhìn nhận
quá khứ, không phải như một hệ lụy trả vay của cuộc đời, nhưng như lời mời gọi
của Chúa, lời mời gọi sống với Chúa, lời mời gọi để cho Chúa đồng hành với
mình. Đức Tin giúp chúng ta nhìn vào quá khứ không phải như một chuyện thành
công hay thất bại của riêng mình, nhưng như một bước đường được Chúa dẫn dắt. Một
năm trôi qua, chúng ta tin Chúa vẫn ở cùng ta trong mọi vui buồn, trong mọi
thành công hay thất bại, bởi vì Thiên Chúa đã ban cho chúng ta Đấng Emmanuel, Đấng
Thiên Chúa ở cùng chúng ta.
Một
năm trôi qua, dù là một quá khứ thế nào trước mặt người đời, dù là một năm thế
nào trước sự đánh giá theo kiểu thế gian, thì niềm Tin vẫn mời gọi chúng ta tạ
ơn Chúa, vì trên hết, một năm đã qua lại càng làm cho tương quan của chúng ta với
Ngài thêm dày tình nghĩa.
Chúng
ta cảm tạ Chúa vì Chúa muốn cuộc đời con người có được những điều kiện để có thể
bắt đầu lại, để con người có thể tìm thấy những giai đoạn mới, những hành trình
mới, và nhất là có được một tinh thần mới.
Chính
vì nhìn quá khứ như thế, người Kitô hữu mới có thể hân hoan bước vào năm mới bằng
một tinh thần mới, tinh thần tin tưởng vào sự dẫn dắt của Chúa.
Kính
chúc anh chị em được tăng thêm tâm tình tạ ơn khi nhìn lại một năm đã qua, để
hân hoan bước vào năm mới Tân Mão.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét
Click to see the code!
To insert emoticon you must added at least one space before the code.