nhìn từ một vài yếu tố cơ bản của văn hóa Á Châu
1. Hai mặt của chữ “nhân”
Đức Nhân
là đức cao quí nhất trong Nho Giáo, và đó là công lao của Khổng Tử. Quả thật,
trong các tài liệu viết trước thời Khổng Tử, người ta không thấy dùng chữ
“nhân” mà chỉ thấy dùng chữ khoan; chẳng hạn thiên “Thuấn điển” khen các vị tổ
nhà Ân đã lấy lòng khoan mà chỉ dạy dân. Trong Kinh Thi, trong phần Nhã Nhạc và
Tụng, ngay trong những bài ca tụng công đức của các tiên vương đời Chu, ta cũng
không thấy dùng chữ “nhân ái”; sách Thượng Thư, trong các thiên “kim văn” không
nói đến đức nhân; trong các thiên “cổ văn”, thì chữ nhân ái chỉ xuất hiện có
bốn, năm lần. Trái lại, trong Luận ngữ, người ta lại gặp thấy chữ “nhân ái“ khá
nhiều[1] và
đức nhân trở thành điều cao quí nhất, thành “đạo lớn của nhân sinh” (nhân sinh
chi đạo). Điều đó cho thấy, nếu như Khổng Tử không phải là người sáng tạo ra
khái niệm nhân ái, thì ít nhất ông cũng là người đã biến đức nhân thành một
khái niệm căn bản cho triết học, cho đạo đức học, cũng như trở thành nền móng
trong việc giáo dục và đường lối chính trị; và điều đó, có thể nói, đã tạo nên
một sắc thái đặc biệt cho văn hoá Trung Hoa.
Tuy
nhiên, trong truyền thống nho giáo, chúng ta thấy có hai quan niệm ít nhiều đối
lập nhau về chữ nhân, quan niệm của Mạnh Tử và quan niệm của Tuân Tử. Từ hai
quan niệm này, nhìn lại hiện trạng của xã hội Việt Nam, chúng ta có thể nhận ra
một vài bài học.
1.1 Mạnh Tử
Tiếp nối
tử tưởng của Khổng Tử, Mạnh Tử cũng coi đức nhân vẫn là đức quan trọng nhất của
con người, là cái đạo làm người. Người ta ghi nhận rằng, mặc dù đả kích Mặc Tử
và Dương Chu, nhưng ông cũng không khỏi chịu ảnh hưởng ít nhiều của những người
đó. Mạnh Tử đề cao cái nghĩa giống như Mặc Tử; và Mạnh Tử cũng chú trọng tới
cái bản ngã, cá nhân như Dương Chu.
Trước
tiên, Mạnh Tử trình bày gốc gác của đức nhân ở tính thiện; mà đã là tính thì là
do trời phú bẩm cho mọi người, cho nên đức nhân là một tình cảm căn bản được
phú bẩm tự nhiên. Mạnh Tử nói rằng khi người ta thấy một đứa bé sắp rơi xuống
giếng, thì ai cũng xót thương mà ra tay cứu vớt. Hành vi tốt này không do tính
toán tư lợi hay tìm kiếm công danh, nhưng là tình cảm trắc ẩn mà bình thường
trong con người ai cũng có. Đó chính là nền tảng tính thiện của con người. Từ
tâm tình tối thiểu và căn bản ấy, nếu người nào biết phát triển rộng lớn thì
đều có thể trở thành thánh nhân; hoặc nếu làm cho nó tiêu tán thì trở nên chẳng
khác vì con vật.
Cũng theo
nguyên tắc “đi từ cái tối thiểu” ấy, Mạnh Tử cho rằng để phát triển lòng nhân, phải
đi từ gần tới xa, nghĩa là khuếch sung lòng ái của mình từ những người thân,
lan dần đến những người không thân; từ lòng yêu đối với cha mẹ, vợ con, anh em
mà đi đến việc yêu tất cả mọi người.
“Bậc nhân từ những người mình yêu mà lòng yêu lan ra tới những
người mình không yêu; kẻ bất nhân thì từ những người mình ghét, ghét lan ra cả
những người mình yêu”[2].
Như thế, đức nhân đã có trong mọi
người, nhưng mọi người cần khuếch trương và làm cho đức nhân trở nên rộng lớn,
đầy “hạo khí”. Đức nhân cần thiết cho mọi người; ai không thể hiện đức nhân,
hoặc không còn đức nhân thì không còn xứng đáng là người.
“Thiên tử mà bất nhân thì mất cả bốn bể; chư hầu mà bất nhân thì
mất cả xã tắc; khanh, đại phu mà bất nhân thì mất cả tôn miếu; sĩ, thứ nhân mà
bất nhân thì mất cả tay chân. Ghét sự tử vong mà lại thích làm việc bất nhân
thì cũng như ghét say mà lại uống rượu vậy”.
Mạnh tử
tỏ ra ghét bỏ, coi thường những người bất nhân, ông cho họ là hạng người bỏ đi,
không còn có thể khuyên giải hay mong đợi điều gì tốt nơi họ cả.
Mặt khác,
trong khi Khổng Tử thường qui mọi sự về đức nhân, thì tới thời Mạnh Tử, vị thế
của chữ “nghĩa” lại trở nên quan trọng như ngang hàng với đức nhân; hay nói
cách khác, cần nói tới một cặp đôi nhân - nghĩa để có thể diễn tả đầy đủ thái
độ căn bản của con người. Tuy chưa phân biệt rõ như Đổng Trọng Thư sau này,
những hễ khi nào nói đến nhân thì Mạnh Tử cũng nói đến nghĩa; bởi vì đối với
ông, nhân và nghĩa là hai khía cạnh bổ túc cho nhau mà không thể bỏ một thứ nào
được.
“Nhân là cái nhà yên ổn của con người, nghĩa là con đường chính
của con người, bỏ hoang cái nhà yên ổn mà chẳng ở, bỏ con đường chính mà không
theo, buồn thay !”[3].
Đối với
Mạnh Tử, nghĩa cũng là một đức trời phú cho, và nghĩa cũng do tính thiện của
con người. Cũng khởi từ nguyên tắc “tâm lý”, Mạnh tử cho rằng ai cũng có lòng
tu ố (thẹn, ghét), và đó là đầu mối của nghĩa. Nhân và nghĩa đều bắt nguồn từ
bản tính của con người, cả hai đều là nguyên lý cho hoạt động của con người, và
cả hai đều cần thiết cho con người và con người phải thực hiện bất cứ giá nào.
“Vua Thuấn biết rõ mọi vật, xét rành nhân luân; theo nhân nghĩa
mà làm chứ chẳng phải là làm điều nhân nghĩa” (Ly Lâu).
Ở đây,
chúng ta gặp thấy một lối phân biệt tế nhị mà sau này triết gia Đức E. Kant
diễn tả rằng : phải làm việc vì bổn phận chứ không phải làm việc đúng với bổn
phận. Thái độ thứ nhất cho thấy nguồn gốc của việc làm, là bổn phận, nằm ở
trong con người, là nguồn động lực cho hoạt động của con người, chứ không phải,
như thái độ thứ hai, là làm việc theo một sự ép buộc của một hệ thống luân
thường “ngoại lai”. Cũng thế, ta thấy Mạnh Tử trình bầy nhân nghĩa phát xuất từ
tính thiện mà Trời đã phú bẩm cho con người. Do đó, nhân nghĩa trở thành một
điều gì giống như “tiên thiên”, “siêu nghiệm”. Chính vì thế, bảo vệ lấy nghĩa
là điều còn quan trọng hơn cả sinh mạng, và nếu cần thì phải “xả sinh thủ
nghĩa” :
“Cá là món ta thích, cẳng gấu cũng là món ta thích, hai món đó
không thể có cùng một lúc thì ta bỏ cá mà lấy món cẳng gấu. Sống là điều ta
thích, nghĩa cũng là điều ta thích, nếu hai điều đó không thể có cùng một lúc
thì ta bỏ cái sống để giữ cái nghĩa. Sống là điều ta vẫn muốn, nhưng có những
điều muốn khác còn quan trọng hơn sự sống, cho nên ta không làm điều cẩu thả để
sống. Chết là điều ta vẫn ghét, những có những điều khác mà ta còn ghét hơn sự
chết, cho nên hoạn nạn có khi ta không tránh” (Cáo Tử).
Phát
triển thêm học thuyết về chữ nhân, Mạnh Tử còn đưa ra quan niệm về một con
người lý tưởng, một đấng “đại trượng phu” mà khí lực đã trở nên rộng lớn bao la
làm cho con người trở nên như bậc thánh hiền có đủ cả nhân, cả nghĩa và cả
dũng. Đại trượng phu là người đã luyện được cái hạo nhiên chí khí, cho nên
khuếch sung ra đầy cả vũ trụ đến mức “vạn
vật đều có đủ ở trong bản tâm” (vạn vật giai bị vu ngã); và có năng lực cải
hoá đối với người khác “tới đâu cũng cải
hoá được, cái giữ được trong tâm linh diệu như thần, ảnh hưởng khắp trên dưới,
lưu thông dung hiệp với trời đất”[4].
Thái độ
“lạc quan“ về bản tính của con người (nhân chi sơ tính bản thiện) trong quan
niệm của Mạnh Tử khiến ông luôn vẽ ra được một con người thăng tiến đến độ trở
nên cao cả. Ông nhắc lại những lời Thành Nghiễm bảo Tề Cảnh Công : ”Thánh hiền là trượng phu, ta là trượng phu,
ta sợ gì không được như thánh hiền !”; và lời của Nhan Hồi : “Vua Thuấn là người nào, ta là người nào, ai
theo đạo mà làm thì cũng thế cả”[5].
Khổng Tử
ít nói đến “khí”, nếu có thì chỉ là “khí huyết”; còn đối với Mạnh Tử thì đó là
“lý khí”. Ông nói : “Cái chí là tướng
soái của cái khí; cái khí là cái làm cho thể phách sung mãn”[6].
Do vậy, Mạnh Tử tin tưởng rằng ai cũng bẩm thụ cùng một tính khí của trời; và
hễ ai có công tồn tâm dưỡng khí thì có thể trở nên bậc đại thánh cao cả. Người
ta có thể nuôi dưỡng cho khí của mình thêm lớn mạnh, trở thành cái khí hạo
nhiên bao trùm trời đất.
“Cái khí đó rất lớn, rất mạnh, cứ lấy đạo lý ngay thẳng mà nuôi
nó, chớ làm tổn hại nó, thì nó càng ngày càng nẩy nở mà có tràn trề lấp cả
khoảng trời đất. Cái khí đã được như vậy rồi thì giúp đỡ được nghĩa, với đạo :
nếu không có nó thì đạo nghĩa sẽ hoá hèn kém ! Nó là góp vô số việc nghĩa mà
nẩy nở ra, nếu chỉ tình cờ làm được vài việc nghĩa thì không có được nó : nếu
việc mình làm có điều trái lý không vừa lòng thì khí đó cũng hoá ra yếu kém đi.
Tất phải thường dụng công mà chớ nghĩ trước đến bao giờ là xong việc, lòng đừng
lúc nào quên việc tu luyện đó, đừng mong cho nó mau lớn”[7].
Chúng ta
thấy Mạnh Tử rất đề cao con người, con người là tinh hoa của vũ trụ; nhất là
bậc đại trượng phu, khi luyện được cái hạo nhiên chí khí thì có thể sống hiên
ngang giữa đất trời, không sợ mọi nguy biến hay thử thách.
“Ở cái chỗ rộng trong thiên hạ, đứng giữa cái ngôi chính trong
thiên hạ (tức chỗ nhân), đi con đường lớn trong thiên hạ (tức đường nghĩa). Đắc
chí thì cùng với dân mà theo đạo, không đắc chí thì một mình mình theo đạo;
giàu sang không thể làm phóng đãng được cái lòng của mình, nghèo hèn không thể
làm thay đổi được cái chí của mình, uy quyền võ lực không thể làm khuất được
cái khí của mình, thế mới gọi là đại trượng phu”[8].
1.2 Tuân Tử
Nói
chung, đối với Tuân Tử, Lễ được trọng cũng như Nhân. Tuân Tử ít giảng về chữ
nhân. Trong nhân và nghĩa, tuân Tử lại đề cao chữ nghĩa nhiều hơn. Ông cho rằng
cần phải phân biệt nghĩa và lợi; ông khuyên ta cần phải theo nghĩa hơn là theo
lợi : “Nghĩa và lợi, người ta ai cũng có
hai cái đó. . . Nghĩa thắng được lợi là đời trị; lợi đè được nghĩa là đời loạn”[9].
Thật ra,
tuy vẫn là một người theo đạo Nho và đề cao nhân, nghĩa, lễ, nhạc, nhưng học
thuyết của Tuân Tử đã bắt nguồn từ một thế giới quan khác; nên nhân sinh quan của
ông cũng khác. Chủ trương của ông về bản chất con người cũng như đường lối
chính trị, xã hội là một sự đảo ngược các giá trị truyền thống.
Ông cho
rằng con người có địa vị cao nhất trong vạn vật :
“Nước, lửa có khí nhưng không có sinh mệnh; cỏ cây có sinh mệnh
nhưng không có tri giác, loài cầm thú có tri giác nhưng không có lễ nghĩa. Loài
người không chỉ có khí, có sinh mệnh, có tri giác mà còn có lễ nghĩa. Cho nên,
con người là cao quý nhất trong vạn vật”[10].
Tuy
nhiên, con người của Tuân Tử không còn lệ thuộc vào Trời, mà là con người từ
khẳng định chính mình. Tuân Tử cho rằng “tính” là cái bản năng sinh lý tự nhiên
của con người. Theo bản năng ấy, “con
người ta sinh ra là có lòng ham muốn”, “mắt
ham muốn mầu sắc, tai thích âm thanh, miệng khoái mùi vị, tâm chuộng lợi lộc,
xương cốt da thịt thú khoái lạc. Tất cả đều nảy sinh từ tính tình của con người”.
Do đó, bản tính tự nhiên của con người là ác “Bản tính con người ta là ác, thiện là do con người làm ra”[11].
Tuân Tử
phản đối học thuyết thiên mệnh của Khổng Tử, ông cho rằng trời không phải là
một thế lực nào có ảnh hưởng một cách quyết định trên con người, nhưng chỉ là
các hiện tượng tự nhiên, cho dù gọi đó là “thần”, là “vô hình” :
“Vạn vật đều được cái hoà khí của tự nhiên mà sinh, đều được cái
nuôi dưỡng của trời mà trưởng thành, làm việc của trời không thấy mà có cái
công hiệu, thế mới ví như thần. Người ta ai cũng biết cái thành hình, mà không
biết được cái vô hình, ấy thế gọi là trời”[12].
Do đó,
sống theo đạo trời chỉ có nghĩa là theo nguyên lý tự nhiên của trời. Theo đạo
trời không có nghĩa là ỷ lại, cam chịu khất phục bởi số mệnh; nhưng phải tự tin
và làm chủ chính mình, suy tính và làm phát triển phong phú cuộc sống của mình.
Vấn đề chính của Tuân Tử không còn phải là chờ đợi, cam chịu hay cầu khấn mà là
ra sức phát triển và sống sao cho khoẻ mạnh . . . Quan điểm của ông là một nỗ
lực chống lại những quan điểm đạo đức truyền thống như “Thượng trí hạ ngu bất
di”, “sinh nhi trí chi”, “lương tri lương năng”, “tiên tri tiên giác”… những
điều khiến cho người ta dễ rơi vào thái độ cam chịu.
“Tôn đại trời mà chỉ nghĩ đến trời thì sao bằng nuôi dưỡng vật
cho nhiều để chế tài nó mà dùng ? Theo trời mà ca ngợi trời thì sao bằng chế
tài mệnh trời mà dùng ? Mong thời mà đợi thời đến sao bằng ứng phó với thời mà khiến
? Nhân những vật đã sẵn có mà làm cho nhiều thêm lên, sao bằng dùng tài trí của
mình mà biến hoá ra cho nhiều ? Nghĩ được vạn vật sẵn có mà dùng, thì sao bằng
trị vật cho hợp lý không để mất nhữn g
vật ấy . . . cho nên bỏ người mà nghĩ
đến trời sẽ mất cái tính của vạn vật”[13].
Thái độ
của con người đối với trời vẫn là tuân theo cái lẽ của trời, nhưng không phải
bằng một thái độ thụ động, đón nhận mà là tích cực sửa đổi, cải tạo. Nếu Mạnh
Tử để cao “lương tri tiên thiên”, chú ý tu tâm dưỡng tánh con người bằng phương
pháp “tận tâm”, thì Tuân Tử lại coi trọng nỗ lực cải tạo, sửa đổi bằng những
hành động, bằng biện pháp áp đặt từ bên ngoài vào. Bởi đó, ông đề cao lễ và
nhạc và bằng hình pháp, “nguyên lý trị
nước : lễ nghĩa – hình phạt”[14].
Như thế,
đối với Tuân Tử, chữ nhân không còn gắn liền với một thiên mệnh nào của trời,
cũng chẳng gắn với bản tính bẩm sinh của con người; nhưng gắn với một thứ như
cái “lý” tự nhiên “trời”. Dựa theo cái “lý” như một thứ quy luật tự nhiên, ông
cho rằng phương cách để đạt đến đức nhân là giáo hoá, dùng những biện pháp của
con người tạo nên. Chữ nhân của Tuân Tử gắn với cái lý “Nhân là yêu, nghĩa là lý . . . người nhân yêu người, người nghĩa theo
lý”[15]. Cũng
thế, ở thiên Nghị binh, ông nói “nhân là
yêu người, nghĩa là theo lý”.
Có lẽ
thời của Tuân Tử là thời loạn lạc, binh biến xẩy ra khắp nơi, nói về nhân với
nghĩa, chẳng ai chịu nghe; do đó, ông đề cao chữ lễ và lý nhiều hơn. Trong thời
đại như thế, cần những biện pháp mạnh, cần một sự chế ngự. Ta biết rằng chính
những tư tưởng này đã được trường phái Pháp gia triển khai bằng cách chuyển hẳn
sang pháp trị[16] và tạo
nên được một sự thành công trong lãnh vực chính trị và quân sự.
2. Biện chứng Tâm-Tài-Pháp
Đối với
Phật Giáo, chữ “Tâm” là phạm trù quan trọng và cơ bản nhất. “Vạn pháp duy
tâm tạo” (mọi vật, mọi sự trong thế giới này chỉ là sản phẩm của tâm thức con
người tạo ra). Dĩ nhiên, chữ tâm trong Phật giáo có nhiều cấp độ ý nghĩa mà ở
đây chúng ta không thể nào nói hết được. Chỉ xin hiểu một cách đơn giản như
người Việt ta từng hiểu qua vần thơ của Nguyễn Du mà gần như ai cũng có thể
hiểu được :
Thiên căn ở tại lòng ta
Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài.”
Ở đây, xin
nói một chút về mối liên hệ tạm gọi là “biện chứng” giữa ba yếu tố : tâm, tài
và pháp. Nếu như trước đây, trong một xã hội tương đối êm ả, cuộc sống chưa có
nhiều thay đổi cũng như chưa có những thúc bách phải tiến bộ để công nghiệp hóa
và hiện đại hóa, thì điều mà Nguyễn Du nói thật là chính xác. Thái độ đó cũng
được lựa chọn khi mà nhà nước còn đề cao “hồng” hơn “chuyên”, nghĩa là đạo đức
cách mạng cần thiết hơn tài năng.
Thế rồi, khi
đất nước bước vào thời kỳ chạy đua để hiện đại hóa, người ta bó buộc phải thay
đổi đường lối. Nếu cứ đòi hỏi một người có tài thì cũng phải có tâm lớn đủ sức
bao bọc được tài, thì sẽ không thể kiếm ra đủ người để làm việc. Mặt khác, cái
“tâm” ở đây lại được tóm lại trong thứ “đạo đức cách mạng”, ít nhiều vẫn có sự
nghi kỵ và loại bỏ những người có những thứ “đạo đức”, hoặc “chữ tâm” khác biệt
hay đối nghịch. Do đó, thay vì phải xét cái tâm một cách mơ hồ, người ta thay
thế bằng mạng lưới luật pháp. Chính luật pháp đòi buộc anh phải làm cho đúng,
dù “tâm” của anh thế nào đi nữa… Cũng cần phải nói rằng, luật pháp, theo đúng
nghĩa, không phải chỉ là một bộ luật lạnh lùng, bất nhân. Luật pháp cũng là một
nỗ lực thể hiện sự công bằng, nhằm hỗ trợ cho mối tương giao giữa người với
người được tốt đẹp.
Trong một
tình thế “nhiễu nhương”, hoặc trong một bầu không khí không được lành mạnh, thì
luật pháp thường được coi như biện pháp hàng đầu. Tình thế nhiễu nhương là khi
xã hội không còn một chuẩn mực luân lý nào hướng dẫn trong tâm hồn con người,
khi người ta phải làm mọi cách chỉ để nhằm bảo vệ cuộc sống của mình hoặc tìm
lợi ích cho mình. Bầu khí không được lành mạnh nghĩa là khi một người làm việc
tốt phải chống chọi với đa số làm việc không tốt; khi một người làm việc thiện
thì lại bị chê bai, còn người làm việc xấu lại có thể vênh váo tự hào. Tuy nhiên,
dù thế nào đi nữa, “pháp” cũng không thể thay thế cho “tâm”, luật pháp bên
ngoài không thể nào thay thế hoàn toàn cho luân thường đạo lý bên trong được.
Dù hệ thống luật pháp bên ngoài cho chặt chẽ đến đâu, mà luân thường đạo lý bên
trong mỗi người không còn nữa, thì hậu quả sẽ là người người tìm cách trốn
luật, nhà nhà đều có phương pháp lách luật, và xử phạt đầu này thì lại có tội
phạm đầu kia… Nỗ lực giải quyết tình trạng tội phạm trước mắt bằng luật pháp mà
không có kế hoạch lâu dài nhằm xây dựng được bầu khí lành mạnh trong tâm tư,
trong luân thường đạo lý, thì không thể nào giải quyết được vấn đề cách toàn
diện. Một xã hội càng cố gắng đưa ra thêm nhiều luật lệ nghiêm khắc nhằm đối
phó với những tình huống tội phạm mới, điều đó không những là dấu chứng của
tình trạng nhiễu nhương bên ngoài, nhưng còn là dấu chứng của một xã hội đã
băng hoại đạo lý từ bên trong.
Đường lối
dùng luật pháp để kiểm soát hành vi của con người có thể mở rộng cho nhiều tài
năng xuất hiện hơn. Tuy nhiên, trong tình huống nhiễu nhương và trong bầu không
khí không lành mạnh, thì những thứ tài năng tìm được đất dụng võ lại thường
không phải là tài năng thật, mà là một thứ khôn khéo, khôn vặt. Khi có một nghị
quyết nào đó được đưa ra, thì tức tốc sẽ có ngay những bài bình luận khen lấy
khen để; khi được bật đèn xanh để nói một điều gì đó, thì cũng xuất hiện hàng
loạt cây bút nhẩy vào để hô hoán bằng những tĩnh từ kêu nhất…điều đó không là
gì khác hơn sự khôn vặt. Ta có thể chẩn đoán bệnh của xã hội và nhận diện loại
tài năng của con người qua một vài dấu hiệu trong thái độ của người dân. Khi những
áp lực bên ngoài chiếm ưu thế, người ta sẽ phải sống một thái độ chính yếu là
đối phó. Cuộc sống trở thành một cuộc chiến mà người nào có nhiều “bản lãnh đối
phó” mới sống được. Trong bầu không khí ấy, người ta phải giành giựt đủ điều để
bảo vệ cuộc sống mình, và phải chà đạp lên mọi lẽ phải, nếu cần thì cần phải
đạp lên người khác để sống còn và để thăng tiến. Thái độ ấy tiêu diệt khả năng
sáng tạo bản thân, tiêu diệt niềm vui sống như là một sự thể hiện bản thân mình
theo những giá trị chân chính mà mình xác tín từ thâm tâm. Đó cũng là hiện
tượng “mất căn tính” trong nhân cách. Nhân cách ấy không có căn bản tự tại,
vững bền và lớn lên dần qua dòng đời, mà
chỉ còn là những thích ứng tùy thời tùy lúc, những ứng phó để giải quyết từng
vụ việc. Điều này không thể nào chung sống với một tài năng đích thực.
3. Trong hiện tình đất nước Việt Nam
Quan niệm
của Mạnh Tử đề cao chữ nhân trong một thái độ lạc quan về bản tính con người,
theo đó, khởi đi từ một hạt mầm tối thiểu của lòng thương xót, con người có thể
phát triển đức nhân đến cao độ để trở nên thánh nhân. Quan niệm ấy, trong xã
hội Việt Nam
chúng ta hiện nay, được nuôi sống và được vun trồng ở đâu nếu không phải ở
trong các tôn giáo ?
Ngược
lại, quan niệm của Tuân Tử, đề cao luật pháp và chú trọng tới một sự uốn nắn từ
bên ngoài, bằng giáo dục và cả bằng sức mạnh của hình pháp, thì đã rõ được thể
hiện trong chức năng của Nhà Nước.
Nếu chủ
trương “nhân chi sơ tính bản ác”, thì trong các tổ chức chung, người ta luôn
phải chọn chủ trương căn bản là tạo nên những quyền lực đủ lớn để có thể “trấn
áp” tính bản ác vốn tiềm tàng như một khuynh hướng căn bản của con người. Chủ
trương này luôn mang tính đề phòng, lúc nào cũng nghĩ rằng người khác có thể
làm điều xấu, có thể nguy hại, có thể buông thả…Những đường nét ấy có thể toát
ra trong những biện pháp giải quyết một vụ việc, trong những luật lệ có tính
kềm hãm, trong những phương pháp gò bó luôn nhằm mục tiêu đối phó. Chúng ta có
thể nhận ra sự phát triển quá đáng của thứ “bản lãnh đối phó” làm mất đi “bản
lãnh sáng tạo” trong nhiều lãnh vực : công nhân viên chức nhà nước, học sinh,
sinh viên, thương nghiệp, cán bộ y tế… và hình như sự phát triển này tỷ lệ
thuận với mức độ “thấm nhuần” tinh thần xã hội chủ nghĩa.
Ngược
lại, nếu chủ trương “nhân chi sơ tính bản thiện”, người ta sẽ chọn lập trường
hỗ trợ, phát triển những khuynh hướng tốt căn bản trong bản chất người, người
ta sẽ chọn lập trường căn bản là tạo được một bầu không khí thân thiện, cảm
thông, khuyến khích những năng lực và tính khí riêng của mỗi người… Đó là một
thái độ có khả năng “tin” vào con người để có thể khám phá những “hạt giống
Nước Trời” trong mỗi con người, để có thể “buông”, để có thể chờ, và có thể hỗ
trợ, vun tưới những những hạt giống tự nhiên ấy phát triển tốt đẹp.
Điều đáng
lưu ý nữa, đó là, theo Tuân Tử, ngoài việc dùng sức mạnh của hình pháp, còn có
yếu tố giáo dục, nhưng việc giáo dục ở đất nước ta hình như đã không đạt được ý
nghĩa giáo dục đức nhân, hoặc đức nghĩa, mà lại bị biến thành chính trị. Đã có
những lúc, và ngay cả hiện nay, có những quan điểm cho rằng tôn giáo là một sự
vong thân của con người. Nhưng lúc này đây, hơn lúc nào hết, người nào có một
chút lương tri có lẽ cũng cần phải đặt lại vấn đề : có phải tôn giáo làm cho
con người vong thân hay chính trị mới làm cho con người vong thân ?
Phải
chăng thái độ chính trị hóa toàn bộ con người, thể hiện trong một chính thể toàn
trị (totalitarisme) chính là căn nguyên của bệnh nói dối lây lan khắp nơi,
trong mọi lãnh vực ? Ý nghĩa chính của chính thể toàn trị chính là trưng dụng,
huy động toàn bộ cá nhân vào mục tiêu chung của nhà nước; và bản chất của chính
trị, từ thời Machiavelli, đã khó có thể thoát ra khỏi thái độ mưu lược và lật
lọng. Vì mục tiêu chính trị, người ta gần như buộc phải nói dối, phải đánh lừa
thiên hạ.
Tạm kết
Trong
hiện tình đất nước hiện nay, có lẽ đã đến lúc phải nhìn nhận sự hiện diện của
tôn giáo trong đất nước chúng ta, không phải chỉ như là nhu cầu cá nhân, nhưng
như một nhu cầu cấp thiết của toàn xã hội.
Xin trích
lại một vài phát biểu trong bài viết “Cái nhìn mới về tôn giáo của các nhà
nghiên cứu ở Việt Nam hiện nay”[17]
của Ts. Phạm Huy Thông để thấy điều nói trên cũng là nhận định của không phải
ít người :
GS Ngô Đức Thịnh- Viện trưởng Viện Văn hoá dân gian cho rằng: “
Xét cho cùng, mọi hệ thống biểu tượng của tôn giáo, tín ngưỡng đều là hệ
thống biểu tượng của văn hoá, nó vừa chứa đựng hệ giá trị của dân tộc đồng thời
là sự thể hiện bản sắc và các sắc thái của dân tộc trong một thời đại nhát
định. Trong hệ thống tôn giáo, tín ngưỡng đã sản sinh, tích hợp và bảo tồn
nhiều hiện tượng văn hoá nghệ thuật mang sắc thái dân tộc độc đáo. Nếu nhìn vấn
đề theo phương pháp hệ thống, thì chính tôn giáo, tín ngưỡng là các yếu tố nhân
lõi tạo nên hệ thống ấy. Còn các hiện tượng văn hoá nghệ thuật chỉ là các yếu
tố phát sinh. Điều này cắt nghĩa rằng, không thể cắt rời các yếu tố tín ngưỡng
và sinh hoạt văn hoá kèm theo. Bất cứ một thứ tôn giáo, tín ngưỡng nào xét về
bản chất của nó không bao giờ hướng tới cái xấu, cái độc ác mà luôn
khuyến khích làm điều thiện, vươn tới cái đẹp, cái cao cả vì lợi ích bản
thân và cộng đồng” (3).
GS Trần Quốc Vượng lý giải: “ở trong mỗi tôn giáo lớn đều
có hạt nhân triết học, đều có chủ nghĩa nhân đạo là thành tựu văn hoá lớn nhất
của loài người. Cái từ bi của Phật, cái bác ái của Chúa Kitô, cái nhân nghĩa
của Khổng Nho là những hạt ngọc văn hoá đó” (4).
GS. Đặng Nghiêm Vạn- nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu tôn giáo
cho rằng: “ Niềm tin tôn giáo không phải là niềm tin mê muội, cuồng tín
thiếu suy nghĩ. Người tín đồ tôn giáo trước hết là người hiểu một cách trí tuệ
điều mình tin, điều mình coi là thiêng liêng… Niềm tin tôn giáo cũng không thể
là những hiện tượng được xem là phản văn hoá, trái với tiến bộ, văn minh” (6).
GS. Nguyễn Đình Chú viết: “Xin nhớ rằng, hiến pháp có chặt
chẽ đến đâu, pháp luật dù có được quy định ngóc ngách đến đâu so với sự
sống thiên hình vạn trạng vẫn còn khe hở. Cảnh sát trần gian dù có đông đủ
nghiêm túc đến đâu (mà thực tế làm gì có nghiêm túc cả) vẫn không đủ bao hết sự
đời. Phải có thêm cảnh sát cõi âm, loại cảnh sát nằm ngay trong tâm linh mỗi
người, không loại trừ ai, kể cả ông vua có quyền uy tối thượng trị vì trăm họ,
mới mong đảm bảo có cuộc sống tốt lành nhiều hơn. Trong điều kiện thiện ác vốn
dĩ cứ tranh chấp triền miên cùng nhân loại” (8).
PGS.TS Nguyễn Hồng Dương- Viện trưởng viện nghiên cứu tôn giáo
cũng khẳng định trong một cuốn sách chuyên khảo về tôn giáo: “Tôn giáo
nào cũng khuyên con người- tín đồ, làm lành, lánh dữ, tích đức hành thiện,
yêu người, cho người đói ăn, cho kẻ khát uống. Tôn giáo dạy con người tu thân,
tề gia, đưa ra những chuẩn mực trong quan hệ vua- tôi, cha – con, vợ- chồng,
thày –trò. Hầu hết các nội dung trên là những lời răn dạy của các đấng sáng lập
tôn giáo (Chúa Trời, Phật, Thánh Ala…), trở thành quy chuẩn, mô phạm điều chỉnh
những hành vi của con người, tín đồ” (9).
Do đó, nếu nhà nước dùng các biện pháp để xoá bỏ tôn giáo là một
sai lầm. GS Phạm Như Cương đã gọi sai lầm đó là “ bệnh kiêu ngạo cộng sản”:
“Những sai lầm, khuyết điểm của mô hình chủ nghĩa xã hội kiểu cũ bao
gồm cả những sai lầm trong việc thực hiện chính sách tôn giáo, nổi lên là
khuynh hướng muốn xoá bỏ tôn giáo một cách nhanh chóng bằng các biện pháp hành
chính và có khi bằng cả trấn áp bạo lực là một thứ chủ nghĩa vô thần cực đoan,
thô thiển. Những sai lầm đó không chỉ gây tổn thất cho đời sống tinh thần của
xã hội mà còn dẫn đến ngưng đọng sự phát triển” (12).
GS Đặng Nghiêm Vạn- nguyên Chủ nhiệm Uỷ ban tư vấn về tôn giáo
của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng nhận xét tương tự: “ Thực tế đã hình
thành trong tư tưởng cán bộ quan niệm rằng, phát triển tôn g iáo là
không có lợi cho cách mạng. Dó là do sự hiểu biết hạn hẹp của họ chỉ xét tôn
giáo qua những hành động tôn giáo phục vụ mục đích chính trị đơn thuần, nên đã
vô tình gay ra những đối lập không cần thiết giữa nhà nước và các tôn giáo. Do
đấy dẫn đến thái độ họ không thấy vai trò tôn giáo trong đời sống xã hội, trên
cả mặt văn hoá, đạo đức, tâm lý…Thành kiến với tôn giáo dẫn đến thu hẹp nhu cầu
chính đáng của các tín đồ tôn giáo, vi phạm ngay những điều nhà nước đề ra”
(13).
Hiện tình
của đất nước chúng ta giống như một cơ thể với quá nhiều căn bệnh, những căn
bệnh trầm kha. Những căn bệnh này không còn chỉ nằm trong phương thức điều hành,
tổ chức của nhà nước (bệnh thành tích, bệnh tham nhũng…) nhưng đã lây lan trở
thành những căn bệnh của quần chúng như bệnh vô cảm, bệnh gian dối,… Những căn
bệnh trong thái độ sống của nhân dân như thế cho thấy một sự khủng hoảng toàn
diện, khủng hoảng nền móng của văn hóa. Nếu nhận ra tầm mức của “bệnh” như thế,
chúng ta có thể thấy ngay sự bất lực của một vài biện pháp vụn vặt, một vài
thay đổi trong hệ thống luật pháp… Phải chăng có một vấn đề cần phải làm ngay,
đó là “mở trói” trong lãnh vực tôn giáo, rộng mở để cho các tôn giáo có thể
tham gia vào các lãnh vực y tế và giáo dục,.. chứ không phải gia tăng việc kiểm
soát tôn giáo như người ta cảm thấy trong việc đặt một vị tướng công an làm
trưởng ban tôn giáo[18]
như hiện nay ???
Nguyễn Trọng Viễn O.P.
[1] Trong
sách Luận Ngữ có khoảng 58 chỗ đề cập đến quan niệm về nhân và có tất cả 109
chữ nhân.
[2] Mạnh Tử,
Tận tâm.
[3] Mạnh Tử,
Li Lâu.
[4] Mạnh Tử,
Tận tâm.
[5] Mạnh Tử,
Đằng Văn Công.
[6] Mạnh Tử,
Công Tôn sửu.
[7] Mạnh Tử,
Công Tôn Sửu.
[8] Mạnh Tử,
Đằng Văn Công.
[9] Tuân Tử,
Đại Lược.
[10] Tuân
Tử, Vương Chế.
[11] Tuân
Tử, Tính ác.
[12] Tuân
Tử, Thiên Luận.
[13] Tuân
Tử, Thiên Luận.
[14] Tuân
Tử, Thành tương.
[15] Thiên
Đại Lược.
[16]
Xc. Doãn Chính, Trương
Văn Chung, Nguyễn Thế Nghĩa, Vũ Tình, Đại
Cương Triết Học Trung Quốc, Nxb Thanh Niên, trang 332.
[18] Thủ
tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa quyết định bổ nhiệm Trung tướng Phạm
Dũng, Ủy viên Đảng ủy Công an Trung ương, Tổng cục trưởng Tổng cục An
ninh II, làm trưởng ban Tôn giáo Chính phủ. Quyết định số 212/QĐ-TTg
của Thủ tướng nói rõ ông Dũng được điều động, bổ nhiệm vào chức
Thứ trưởng Bộ Nội vụ, kiêm trưởng ban Tôn giáo. Tuổi trẻ online Thứ Ba,
21/02/2012.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét
Click to see the code!
To insert emoticon you must added at least one space before the code.