Văn hoá đức Tin

Đức Tin là ân sủng siêu nhiên do Chúa ban. Nhưng đức Tin cũng cần “đất sống”, cần một “môi trường” thuận lợi trong thái độ sống của con người. Dĩ nhiên, Chúa có thể ban đức Tin phong phú và vững mạnh cho một ai đó, dù là trong một “môi trường văn hoá” không thuận lợi. Tuy vậy, về phía con người, chắc hẳn mỗi người cũng cần tự mình tìm tòi những thái đô thích hợp trên hành trình gặp Chúa. Cũng vậy, cộng đoàn nói chung và mỗi thành viên trong cộng đoàn đều liên đới trách nhiệm với nhau trong việc tạo nên một bầu khí “văn hoá đức Tin” để cùng chia sẻ, cùng vun xới cho nhau trên hành trình đức tin ấy.
Tạm gọi là “văn hoá đức Tin”, để chỉ những gì trong con người ít nhiều có khả năng hỗ trợ cho đức tin, giúp con người có thể đưa ra những quyết định về bản thân và cuộc đời mình, tìm thấy niềm xác tín của chính mình, rộng mở để đón nhận những chứng tá đức tin của cộng đoàn,…
Trải qua một lịch sử dài, đức Tin vẫn là một, nhưng thần học đã hiểu về đức Tin nhiều cách khác nhau, dựa vào những “khẩu vị” khác nhau của con người qua các thời đại. Nếu như thời Trung Cổ, nói chung, hướng tới những chứng cớ khách quan để củng cố niềm tin, thì thời cận đại người ta lại lưu ý nhiều tới xác tín nội tâm của mỗi người. Thời hiện đại, người ta lưu ý tới nhiều bước ngoặt liên quan đến đức tin, bước ngoặt của kinh nghiệm, bước ngoặt của thực hành, bước ngoặt của ngôn ngữ, bước ngoặt của trí tưởng tượng[1] … Tất cả những yếu tố ấy đều liên quan đến phẩm chất của đức tin và cần được trân trọng giữ gìn, phát triển phong phú trong một thứ “văn hoá đức Tin”.

1. Trở về với nguồn mạch sống-với

Điều căn bản trong thái độ tin chính là khả năng sống-với. Đây là nguồn mạch căn bản của sự sống đức Tin trong truyền thống Sách thánh và đặc biệt trong Kitô giáo. Nền tảng nhân học Kitô giáo khẳng định bản chất con người trong mạc khải Thánh kinh : con người được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa và con người được dựng nên có nam có nữ.
“Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh mình, Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa, Thiên Chúa sáng tạo con người có nam có nữ”. (St 1, 27)
Ý nghĩa sâu xa và trọn vẹn của nền tảng này là con người được dựng nên để sống với Chúa và nhờ sống với Chúa sống mà có thể sống với nhau. Khẳng định này cho thấy bản chất của con người vượt quá mục tiêu tự hình thành ra mình, tự khẳng định mình, qua lao động trên vật chất hoặc qua việc thể hiện những tài năng cao cả nào đó của chính mình. Mặc dù con người có bổn phận “thống trị mặt đất”, “làm bá chủ cá biển, chim trời, và mọi giống vật bò trên mặt đất." (St 1,28), nhưng con người không thể hình thành nên bản chất người và không thể hoàn thành vận mạng của mình chỉ với việc lao động. Mặc dù con người có lý trí khôn ngoan và có tự do cao cả, nhưng con người vẫn không thể hoàn thành cuộc đời mình với trí khôn sáng suốt hoặc với một thái độ tự do bát ngát. Vận mạng của con người vượt quá tình trạng sống thế nào, vượt quá cặp phạm trù đúng sai, để vươn tới chỗ sống với ai khác, sống vì, sống cho ai khác. Vận mạng con người, từ trong mầu nhiệm sáng tạo, đã bao hàm khao khát sống với, và chỉ có thể được hoàn thành khi sống với Chúa, rồi từ đó mà có thể sống với nhau. Sách Giáo lý Giáo hội nói :
“Tận đáy lòng, con người khao khát Thiên Chúa vì con người được tạo dựng do Thiên Chúa và cho Thiên Chúa. Thiên Chúa không ngừng lôi kéo con người đến với mình, và chỉ nơi Thiên Chúa, con người mới tìm gặp chân lý và hạnh phúc mà họ không ngừng tìm kiếm” (s.27)
Rồi sách Giáo lý trích lời Hiến chế Mục vụ :
“Ý nghĩa cao cả nhất của phẩm giá con người là con người được kêu gọi kết hợp với Thiên Chúa…và con người chỉ sống hoàn toàn theo chân lý một khi tự ý nhìn nhận tình yêu ấy và phó thác đời mình cho Đấng tạo dựng mình” (MV 19,1)
 Ý nghĩa sống-với hướng dẫn toàn bộ đời sống đức Tin theo truyền thống Sách thánh. Chẳng hạn, người dân Israen được Chúa trao ban lề luật; nhưng lý do căn bản để họ giữ luật không phải là vì luật rất hay, mà là do lòng trung tín với Chúa. Tin, đó là trung tín với Chúa và vì vậy cũng tuân giữ mọi điều Chúa dạy. Ai đảo ngược vị thế hai yếu tố ấy, sẽ rơi vào thái độ đề cao sự “lựa chọn” và đi đến lập trường của “bè rối”. Khi những người môn đệ của đức Giêsu cảm thấy "Lời này chướng tai quá ! Ai mà nghe nổi ?" (Ga 6,60); thì kết quả sẽ là “Từ lúc đó, nhiều môn đệ rút lui, không còn đi theo Người nữa” (Ga 6,66). Cũng thế, những mối nguy cơ khác trong đời sống đức Tin của người Do thái chính là : thay vì tế lễ để thờ phượng Chúa, người ta dâng lễ vật chỉ để thanh thoả lòng mình khỏi những bất công mình đã phạm; thay vì giữ các luật ô uế trong tâm hồn vì tôn kính Chúa như sứ điệp của các ngôn sứ, người ta bám lấy hình thức bên ngoài để tìm sự an toàn cho chính mình. Đó chính là “căn bệnh thực dụng” vẫn luôn rình rập phá huỷ đời sống đức Tin đích thực của người Do thái.
Bản chất của đức tin như thế nằm trong nền “văn hoá sống với”, nằm trong một sự nhạy bén về mối liên hệ đến ai khác, nằm trong hệ giá trị đề cao những gì bộc lộ mối tương quan nhân thân. Được lớn mạnh trong nền văn hoá đức tin ấy, người tín hữu phải nhạy bén với ai khác chứ không phải bám cứng lấy một thứ nguyên tắc nào đó; phải là người có khả năng “vui với người vui, khóc với người khóc” chứ không phải là người tự hào về sự hoàn hảo của chính mình; phải là người tìm thấy ý nghĩa cuộc đời và hạnh phúc đời mình khi được đi vào hành trình hy sinh cho ai khác chứ không phải kẻ thoả mãn vì khả năng khẳng định chính mình…
Chỉ trên nền tảng sống-với, thái độ tin tưởng mới lộ ra nét đẹp cao quí đặc biệt. Lòng tin, cả theo nghĩa đời thường cũng như trong tôn giáo, không phải là một hình thức hiểu biết thấp kém so với lý trí, nhưng là đường lối biểu lộ phẩm giá người trên lộ trình đến với ai khác. Ở Tây phương, vào thế kỷ XIX, người ta đã từng hăm hở mổ sẻ sự vật và tưởng chừng như có thể thấu triệt được thế giới; rồi người ta lại hăm hở mổ sẻ con người như một sự vật với một sự lạc quan ngây ngô. Thế nhưng, vào thế kỷ XX, con người hiểu ra, ngay với vũ trụ vật chất, con người cũng chẳng thể thấu triệt tường tận được, huống hồ gì với con người. Thật sự, không ai có thể tham vọng hiểu biết trọn vẹn con người, cũng như không bao giờ người ta có thể chiếm hữu ai khác như một sự vật. Không ai có thể dán con dấu chất lượng để bảo hành cho một nhân cách. Con đường đến với ai khác qua lý trí bộc lộ ra muôn vàn giới hạn.
Tin là thiết lập tha nhân như một chủ thể bất khả thấu đạt bằng lý trí; trân trọng tha nhân như một chủ thể tự do trong khả năng tự “mạc khải” và trao ban chính mình. Tin chính là khai mở lộ trình để con người tìm thấy cửa ngõ “ra khỏi chính mình” và tìm thấy sự hoàn thành vận mạng của mình trong gặp gỡ, trong yêu thương. Sống với ai khác một cách chân chính luôn luôn là đi vào cuộc phiêu lưu. Những ai muốn tìm sự chắc tâm về mình sẽ sa đà vào khoái lạc thống trị, hạ thấp bản thân mình trong một cuộc “chơi với sự vật”. Người ấy sẽ không thể đi vào lộ trình của niềm tin, họ đánh mất khát vọng sống với, và đánh mất cả hạnh phúc đích thực của một đời người.
Có thể nói được “văn hoá đức Tin”, một cách tổng quát, chính là “văn hoá sống-với”; chính trong nền văn hoá này mà con người đáp lại hồng ân đức Tin Chúa ban bằng quyết định tin của con người toàn diện, và được củng cố nhờ sức mạnh chứng tá của cộng đoàn đức Tin[2].

2. Vận hành của sự sống đức tin

Nói chung, về phía con người, tin là một động thái phức tạp, bao gồm nhiều yếu tố trong con người : lý trí, ý chí tự do, việc thực hành và sự tương tác trong cộng đoàn đức Tin. Tin không gói gọn trong một hành vi riêng biệt nào, nhưng là một thái độ nền tảng của ngôi vị người. Con người toàn diện ấy quyết định trao tặng bản thân cho ai khác, đó là tin[3].
Quyết định tin là biểu lộ của một con người toàn diện; và quyết định tin lôi kéo sự sống của con người toàn diện. Sự sống của niềm tin thể hiện trong mối tương tác giữa lý trí, ý chí tự do, việc thực hành niềm tin và sự tương tác trong cộng đoàn đức Tin. Cũng như kiến thức chân chính là một sự sống chứ không phải là một kho hàng; cũng như ý chí quyết định, việc thực hành và mối liên hệ tương tác trong cộng đoàn tin không phải là một tác động một lần cho tất cả, nhưng là một dòng sự sống, có sự phập phồng, thăng trầm của sự sống, thì quyết định tin của con người toàn diện cũng là một sự sống đích thực, mang những dấu chỉ đích thực của sự sống. Nếu như quyết định tin của một con người toàn diện và mối tương tác của chứng tá được nuôi dưỡng trong “văn hoá sống-với”, thì lý trí, ý chí tự do và hành động của người tin cũng bộc lộ sự sống trong những vận hành tương tác mà ta thử phân tích dưới đây :
2.1 Hiểu biết và kinh nghiệm
Đức Tin Kitô giáo có một phẩm chất đặc biệt, được khẳng định xuyên suốt lịch sử Giáo hội, đó là có thể hoà hợp được với lý trí. Tuy vậy, đức Tin không phải là “duy lý” nghĩa là xuất phát hoàn toàn từ lý trí hiểu biết; và đức Tin cũng không phải là “duy tín”, nghĩa là chỉ cần tin mà không cần hiểu biết. Đức Tin là ân ban của Chúa, được thể hiện ra trong một “hành trình đi về” giữa việc chân thành đón nhân những chân lý do Chúa mạc khải, được Giáo hội xác nhận, và những xác tín do kinh nghiệm trong cuộc đời mỗi con người.
Kant cho thấy tri thức của con người thuộc về một dạng đặc biệt, khác với kiểu tri thức của Chúa. Dạng tri thức của Chúa là tri thức uyên nguyên, dạng tri thức của con người là tổng hợp, tổng hợp giữa “mô thức”, là những ý niệm trong tâm trí, và “chất thể” là những kinh nghiệm thật, gắn liền với giác quan... Tổng hợp này diễn ra giống như một ly thuỷ tinh trong suốt khó nhìn thấy (mô thể) được đổ đầy chất sữa (chất thể) để lộ diện rõ rệt là một ly sữa. Quả thật, chúng ta nhận ra, khi những ý niệm trừu tượng được đổ đầy bằng kinh nghiệm, bằng thực tại của cuộc sống thật, chúng ta tìm thấy sự hiện diện phập phồng của sự sống,  nhận ra được sức sống đức tin trong cuộc đời mình. Có lẽ cần phải nhắc lại sự phân biệt giữa “cái chân” và “cái thật”[4]: cái “chân” hiểu là những chân lý khách quan có tính phổ quát; cái “thật” hiểu là những xác tín “chủ quan”, như là những dữ kiện “đổ dầy” cho chân lý khách quan. Một cách nào đó, cái “chân” là cái “chúng tôi tin”; cái “thật” là cái “tôi tin”. Sự sống đức tin thể hiện trong một “hành trình đi về” giữa cái chân và cái thật, giữa kiến thức của lý trí và kinh nghiệm sống động.
Nếu việc đạo tạo đức Tin quá để ý đến những yếu tố chân lý khách quan mà lại quên hướng dẫn người thụ huấn biết phân tích kinh nghiệm, không để cho người thụ huấn có được thói quen tự quyết định, từ những quyết định nhỏ đến những quyết định lớn, thì khó có thể nói rằng người thụ huấn ấy thực sự có quyết định dấn thân trong đức Tin. Cũng như một thanh niên không thể xây dựng gia đình chỉ dựa theo quyết định của cha/mẹ; cũng như người chọn đời tu không thể đi tu do áp lực của gia đình, thì người kitô hữu dấn thân vào hành trình đức Tin, đi vào cuộc gặp gỡ với Chúa cũng cần có khả năng dám quyết định để có thể dám tin. Tin chắc chắn không phải là một thái độ ấu trĩ, không phải là một thái độ hèn nhát, dựa dẫm, đoàn lũ. Đức tin là hồng ân Chúa ban, gắn liền với hoa trái của một phẩm chất tinh thần, có khả năng mở rộng chân trời trong hành trình đời người, để con người có thể thể hiện trọn vẹn hơn phẩm chất nhân bản của mình. Tuy vậy, khả năng quyết định ấy không thể trở thành một thứ ngựa chứng, mà cần có sự khiêm tốn, sự dễ dạy, hoặc nói cách khác là cần có một “lương tri ngay thẳng” để tìm chân lý. Lương tri ngay thẳng giúp cho những kinh nghiệm và xác tín cá nhân trở thành chất thể “đổ đầy” vào những “mô thể” thuộc chân lý mạc khải.
Đức tin không phải chỉ là tri thức khách quan mà cũng không phải chỉ là kinh nghiệm và xác tín chủ quan. Luôn có một sự so le giữa hai tiêu điểm ấy, nhưng vận hành của sự sống đức tin chính là sức năng động đi-về giữa tri thức và xác tín, giữ cái “chúng tôi tin” và cái “tôi tin”.
2.2 Lương tâm và lề luật
Trong vận hành tương tác giữa chân lý khách quan và kinh nghiệm của mỗi cá nhân như một chủ thể, ta thấy xuất hiện yếu tố của một sự trung thực. Kinh nghiệm đức Tin chỉ có thể đi đúng đường, chỉ có thể vươn tới chân trời của những chân lý mạc khải khi người tín hữu có được một lương tâm ngay chính. Thái độ dám nghĩ luôn là cần thiết, nhưng đó phải là thái độ dám nghĩ trong sự trung thực, trung thực với chính mình và trung thực với lời mời gọi của Chúa trong lòng mình. Quả thực Thiên Chúa tôn trong con người đến cùng, nên đã để lại trong ý chí tự do của con người một “vị quan toà” của chính mình, đó là lương tâm. Lương tâm là hạt ngọc phản ảnh sự hiện diện của Thiên Chúa trong lòng mỗi người và là tâm điểm của việc đào tạo xứng tầm với phẩm giá con người.
Trong đời sống Giáo hội, người ta đã thấy có một sự uý kỵ đối với khái niệm tự do, lương tâm,…là những điều có hơi hướng của thứ chủ nghĩa cá nhân. Linh mục Mai Văn Hùng nói :
“Phải nhấn mạnh ngày rằng trong giới Kitô hữu, người ta đã dừng lại ở một quan niệm suy thoái về tự do, một quan niệm rất xa quan niệm thần học thánh Tôma đề ra. Có một sự khinh dể ngàn đời của Giáo hội với tự do “bị” quan niệm một cách “tự phát” như là đồng loã với sai lạc và tội lỗi, nghĩa là thu hẹp vào một thứ tự do thể lý thuần tuý trong hoạt trường được qui luật luân lý nhường cho.”[5]
Cùng trong mạch văn đó, linh mục Mai Văn Hùng viết :
“Một dữ kiện khác, cũng rất thiết yếu cho cách đặt vấn đề của chúng ta, đó là sự kiện đánh giá cao các quyền của lương tâm. Giáo hội đã tỏ ra hờn dỗi, và thường thì chống lại sự kiện này bởi vì Giáo hội nối kết sự thăng tiến các quyền lợi đó với ký ức đau thương của phong trào chống giáo sĩ của Cách mạng Pháp. Sự từ khước dai dẳng đó (mãi cho tới Vatican II), nhân danh một trật tự luân lý khách quan, là một trong những khía cạnh chính tạo ra cuộc ly dị giữa thế giới thời mới và Giáo hội, bởi Giáo hội đã đi quá đà, coi tự do lương tâm như là một thứ dịch, một thứ hoang tưởng, một thứ thác loạn thật sự”.[6]
Sự uý kỵ đó lại càng lớn hơn nhiều nơi trong đời sống đức Tin của Giáo hội Việt Nam, cũng như trong việc đào luyện đức Tin tại các cộng đoàn tu trì. Người tín hữu Việt Nam không cần tới lương tâm mà chỉ cần nhắm mắt tuân theo lệnh truyền của các Đấng bậc. Người tu sĩ Việt Nam có lẽ là những người ít được tạo điều kiện để thể hiện khả năng tự quyết định về bản thân mình… Ta có thể thấy đó là một sự yếu kém trong “văn hoá đức tin” ???
Thật sự, với lương tâm, con người mới có thể đứng trước lề luật của Chúa như một chủ thể. Nói cách khác, nếu con người vâng phục Thiên Chúa, thì đó phải là một sự vâng phục xuất phát từ bên trong, trong sự chân nhận của “con tim”, và trong thái độ tự nguyện qui phục, chứ không phải là bị dí đầu dí cổ do một sức mạnh bên ngoài nào. Con người được kêu gọi vâng phục lề luật khách quan, không phải như một “công công”, nhưng như một con người có đầy đủ tư cách. Với lương tâm, con người tự nhận ra cái nghèo, nhận ra mình chỉ là hư vô trước mặt Chúa, và con người tự nguyện quì gối xuống, nhưng với tư thế “thẳng lưng”, chứ không phải như một kẻ gia nô khúm núm trước một áp lực bên ngoài. Lương tâm bộc lộ phẩm giá tự do, tự chủ của con người được chính Chúa tôn trọng. Chúa không bao giờ muốn chinh phục con người như kẻ nô lệ.
Cũng như trong lãnh vực tri thức và kinh nghiệm, ta cũng sẽ luôn thấy có sự so le giữa lề luật và lương tâm, nhưng đó là sự so le cần thiết trong qui chế sống của con người. Chính trong sự so le đó, đức tin tìm được ý nghĩa chân chính trong vận hành đi-về giữa lề luật và lương tâm, biểu lộ sự sống đích thực của đức tin.
2.3 Thế giới siêu nhiên và việc thực hành trong đời thường
Sách thánh mặc khải cho chúng ta một thứ tôn giáo của tương quan hiện sinh; không phải là một sự hoà đồng trong bản tính, đưa đến một sự hoà tan vào nhau. Tương quan hiện sinh chân chính không do ngất trí, không do xuất thần, không do sự bộc phát của tình cảm, nhưng được hình thành do quá trình lịch sử, được đan bện do những sự kiện cụ thể. Kitô giáo và đạo Sách thánh nói chung là đạo của những sự kiện, những sự kiện cụ thể đan bện lại thành nên một bề dày nghĩa tình.
Đáng tiếc là chiều kích lịch sử ấy ít nhiều bị quên lãng. Trong một thời gian khá dài, người kitô hữu đến với Chúa theo một thứ tu đức học dựa theo cấp độ siêu thoát. Cho đến Vatican II, Giáo hội mới tìm lại được chiều kích lịch sử, tìm lại một nền thần học lịch sử; và cũng từ đó, dần dần Giáo hội tìm lại được phẩm chất đức tin như một tương quan hiện sinh.
Cuộc trở về này làm sáng lên hai khía cạnh quan trọng, một là khía cạnh tín lý, trong đó, ý nghĩa Cánh chung trở thành trọng tâm của mọi nền thần học; và khía cạnh khác là khía cạnh luân lý, trong đó chiều kích đức Cậy trở thành nền tảng quan trọng.
Đức Cậy không còn chỉ được hiểu là đời sau được vào hưởng nước Thiên đàng, nhưng còn là sống gắn bó với Chúa trong hành trình lịch sử đời mình. Chiều kích đức Cậy làm cho đời sống đức Tin, nói chung, đặt chân xuống đất, đặt nền tảng của tất cả đời sống đức Tin trên dòng đời trôi nổi của sự sống thật, lộ diện những con người thật và cũng lộ diện một Thiên Chúa đến với con người trong tương quan ngã vị sống động; lộ diện một đời sống tâm linh có phẩm chất của một thứ “trọng lượng hữu thể” trên những sự kiện và diễn tiến của một “nhiệm cục cứu độ”.
Nói một cách khái quát, sống đức Tin là sống cuộc đời mình như một lịch sử ơn cứu độ; trong đó, bản thân của mỗi người tín hữu được trao ban cho Chúa trong một quá trình lịch sử, và cũng đón nhận được chính bản thân Chúa trong một quá trình. Thực sự con người chỉ là chính mình trong dòng lịch sử, và Chúa cũng xuất hiện cho con người như thế, nghĩa là trong dòng lịch sử. Như thế, tương quan ngã vị như là nét đặc trưng của Sách Thánh không thể thành hình trên một sự ngẫu hứng hay một thứ “cú sét ái tình” mà là một hành trình thực sự, đặt nền trên những sự kiện thực của đời sống con người.
Ở đây, chúng ta nhận ra yếu tố thực hành trong “cơ cấu” của thái độ tin. Tin không phải chỉ là tác động thuộc về lý trí, cũng không phải chỉ là tác động thuộc về ý chí, mà còn thiết yếu được thể hiện trong thực hành. Trong “qui chế hiện hữu” của con người, sự sống thật và sống mạnh được thể hiện trong khả năng thể “ý nghĩa nội tâm” trong “chất liệu” ít nhiều có tính vật chất.
Ta thử xét một ví dụ : có ba người thanh niên cùng yêu một cô gái. Người thứ nhất thì bộc lộ tình yêu bằng cách mỗi ngày phải gặp gỡ bằng được cô gái mình yêu. Người thứ hai thì không có điều kiện gặp gỡ hằng ngày, nhưng luôn tìm dịp để gửi những món quá tỏ lộ tình yêu với cô gái ấy. Người thứ ba thì đi làm xa, nhưng tình yêu của anh ta với cô gái được thể hiện trong thái độ quyết tâm làm ăn, góp góp tiền bạc, chuẩn bị cho gia đình tương lai… Cả ba cùng yêu thương cô gái thật lòng. Nhưng người thứ nhất thì nuôi dưỡng tình yêu bằng một “cự ly” gần nhất; người thứ hai thì xa hơn một chút. Người thứ ba thì lại đóng ấn tình yêu thương trên những công việc lao động vốn không dính dáng gì đến phẩm chất tình yêu. Ai là người có tình yêu mạnh mẽ nhất ?
Ta cũng có thể nói tương tự như vậy về ba hành động khác nhau : một vị linh mục dâng thánh lễ, một ma sơ dạy giáo lý, và người giáo dân cày sâu cuốc bẫm vì ý thức trách nhiệm với Chúa. Xét bên ngoài, ta thấy hành động của linh mục thánh thiêng nhất, rồi đến ma sơ, cuối cùng là người giáo dân. Tuy nhiên, nếu nhìn vào bên trong, ta có thể thấy rõ chính người giáo dân mới là người có đủ sức mạnh để cử hành dấu ấn đức tin trên những chất liệu trần tục nhất.
Người nào yêu và thể hiện tình yêu trong thái độ chăm chỉ, kiên nhẫn làm việc để nuôi gia đình, thì đó là người có sức mạnh của tình yêu thật. Đời sống đức Tin cũng tương tự như vậy, đức tin cần được thực hành và thực hành đức tin là biểu lộ sức sống chân thật nhất. Đức tin cần được thể hiện trong khả năng “cử hành đức tin” trên chất liệu của đời thường.
Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo xác định nội dung căn bản của đức Tin :
“Tin trước hết là gắn bó bản thân con người với Thiên Chúa, đồng thời cũng là tự nguyện chấp nhận tất cả chân lý Thiên Chúa đã mạc khải” (s. 150)
Dĩ nhiên, điều thứ nhất, gắn bó với Chúa, là yếu tố căn bản, nếu không thì đức tin không còn là thái độ sống-với nữa. Thế nhưng điều thứ nhất không bao giờ có thể loại bỏ hoặc làm giảm nhẹ điều thứ hai, “tự nguyện chấp nhận tất cả chân lý Thiên Chúa đã mạc khải”. Sự sống đức tin chân chính biểu lộ trong vận hành tương tác giữa “gắn bó với Chúa” và “chấp nhận mọi điều Chúa dạy”.
“Đức Giê-su đáp : "Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy. Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy. Ai không yêu mến Thầy, thì không giữ lời Thầy. Và lời anh em nghe đây không phải là của Thầy, nhưng là của Chúa Cha, Đấng đã sai Thầy”. (Ga 14, 23-24; xc. 14,21)
Một lần nữa, chúng ta lại nói về một sự so le giữa thế giới siêu nhiên và sự thực hành trong đời thường. Chính sự so le ấy mới cho thấy chân trời đích thực của hành trình đức tin, chứ không phải dựa theo chuẩn mực của cấp độ siêu thoát. Để có một đức tin vững mạnh, không thể chọn thái độ “đóng cửa”, đóng cửa nghi lễ phụng vụ với những diễn biến thực của cuộc sống hằng ngày; đóng cửa đời sống thánh hiến với những vui buồn rất thực của một đời người; đóng cửa đời sống đều đặn của tu viện với máu và nước mắt trong cuộc sống xã hội; đóng cửa đời tu với những tình nghĩa gia đình…

Tạm kết

Có một sự khác biệt căn bản giữa nền văn hoá Hy la mà Giáo hội đón nhận và đường hướng nội tâm hoá, đồng thời là phổ quát hoá cho mọi người, của Kitô giáo. Nền văn hoá Hy la giúp Giáo hội diễn tả chân lý mặc khải dưới những hình thức thần học vững chắc của lý trí, nhưng điều đó không thể làm mất đi một thứ “biện chứng của con tim” trong truyền thống các ngôn sứ và nhất là trong Tin Mừng của đức Giêsu Kitô :
“Những kẻ đạo đức giả kia, ngôn sứ I-sai-a thật đã nói tiên tri rất đúng về các ông rằng : 'Dân này tôn kính Ta bằng môi bằng miệng, còn lòng chúng thì lại xa Ta. (Mt 15,7-8)
Có lẽ chính “yếu tố” Thánh Thần làm nên sự khác biệt căn bản ấy.
Nhưng nếu đặt câu hỏi : nơi đâu ít Thánh Thần nhất ? thì ta có thể trả lời : đó là nơi có hiện tượng “bị xỏ mũi” nhiều nhất ! Bản chất đức tin được thể hiện trong bầu khí sống-với, nơi đây không có sự ăn chắc, sự an toàn cho bản thân mà là một quyết định đi vào cuộc phiêu lưu với Ai khác. Ai sợ phiêu lưu thì sẽ không thể sống-với, người ấy tự xỏ mũi mình bằng một sự cúi đầu, còng lưng trước Chúa.
Cũng thế, sự sống đức tin luôn là một vận hành “đi-về”, đi về giữa cái chân và cái thực, giữa lương tâm và lề luật, giữa siêu nhiên và đời thường. Ai muốn xỏ mũi người khác thì sẽ luôn muốn đắp ụ ngăn cản những nẻo đường đi về ấy.
Nguyễn Trọng Viễn op

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Bổ túc

*. Suy tư tìm nguyên nhân và suy tư tìm bản chất

Cách suy tư của người Hy lạp, là cội nguồn của triết học Tây phương, có lối suy tư mà người ta gọi là “suy tư tìm bản chất”. Nguyên nhân sâu xa của lối suy tư này là vì người Hy lạp không biết đến quan điểm Thiên Chúa sáng tạo vũ trụ và con người từ hư vô. Trong văn hoá Hy lạp, thế giới tinh thần và vật chất đều hiện hữu từ đời đời, và Thượng Đế hay thần thánh không sáng tạo, nhưng dùng những “nguyên liệu” ấy để chế tạo nên vũ trụ và con người. Nỗi băn khoăn căn bản của người Hy lạp là sự biến chuyển; và họ đi tìm cách giải thích sự biến chuyển để xác định những nguyên nhân (nguyên nhân gần) đã tạo nên bản chất của hữu thể.
Trong khi đó, người Do thái thì tin Chúa là nguyên nhân cuối cùng và phổ quát của tất cả mọi sự. Niềm tin ấy giúp người Do thái vượt qua, hoặc nhiều khi là bỏ qua, thái độ chúi mũi vào những nguyên nhân gần, để nối kết mọi sự với nguyên nhân cuối cùng và phổ quát, đó là chính Chúa. Cách thức này người ta gọi chung là “suy tư tìm nguyên nhân”.
Chúng ta có thể thấy một thí dụ. Sách Tông đồ Công vụ tường thuật lại cuộc tranh luận của người Do Thái về hiện tượng những người Kitô hữu, và lập trường của Gamalien :
“…Vậy giờ đây, tôi xin nói với quý vị : hãy để mặc những người này. Cứ cho họ về, vì nếu ý định hay công việc này là do người phàm, tất sẽ bị phá huỷ; còn nếu quả thật là do Thiên Chúa, thì quý vị không thể nào phá huỷ được ; không khéo quý vị lại thành những kẻ chống Thiên Chúa." Họ tán thành ý kiến của ông”. (Cv 5, 38-39)
Thật ra, con người vẫn cần phải đi tìm chân lý trong lối suy tư tìm bản chất. Theo châm ngôn vàng của thánh Thomas, ân sủng không phá bỏ nhưng kiện toàn tự nhiên. Người Kitô hữu không thể dễ dàng bỏ qua cơ cấu thực tại lù lù trước mắt, và càng không thể cưỡng bách thực tại bằng một thứ đạo thiêng liêng nào đó. Tuy nhiên, thực sự cơ cấu thực tại vẫn nằm trong chương trình cứu độ phổ quát của Thiên Chúa. Mặt khác, con người cũng không thể nào khám phá đến tận cùng cơ cấu thực tại. Thái độ đích thực của đức tin là, cuối cùng, đặt cơ cấu thực tại nhỏ bé và giới hạn ấy trong chương trình phổ quát của Thiên Chúa. Phương thức suy tư tìm nguyên nhân (cuối cùng) của người Do thái chính là một thái độ sống đức tin trong khát vọng tìm chân lý vốn tiềm ẩn trong bản chất người. Ở đây, chân lý của lý trí được dành lại phần quyết định cuối cùng cho chân lý của đức Tin.
Có phải chăng những tu sĩ trẻ ngày nay thường quá lý sự, thường muốn giải quyết mọi việc một cách hợp lý nhưng lại rất ít để cho lối suy tư tìm nguyên nhân của đức Tin ?

*. Nguồn mạch chứng tá

Trong truyền thống Sách thánh, chứng tá là một khái niệm quan trọng. Từ trong Cựu ước, chúng ta có thể thấy tầm quan trọng của việc làm chứng của con người. Tuy nhiên, chúng ta biết lời chứng của con người luôn có nguy cơ sai lạc, vì sự dối trá. Tác giả Thánh vịnh cho thấy nhiều người công chính bị hàm oan do những thứ làm chứng dối :
   “Xin đừng phó mặc con cho kẻ thù hung hãn,
   vì lũ chứng gian đứng dậy tố con,
   giương bộ mặt hằm hằm sát khí”.(Tv 27,12. Xc. Tv 35,11…)
Từ khi có giao ước Thập giới, lời chứng dối bị lên nghiêm cấm nặng nề (xc. Dnl 5,20) và bị coi như điều Thiên Chúa ghê tởm (xc. Cn 6,19)… Hơn nữa, trong Sách thánh, ta thấy chính Thiên Chúa cũng “đứng ra” để làm chứng. Thiên Chúa làm chứng cho những giao kèo giữa con người với nhau, giao ước hôn nhân, hoặc những thứ giao kèo khác (Xc. St 35,53 tt; Gr 42,5…) và chính Thiên Chúa tự làm chứng bằng cách công bố “tên” của Ngài và bằng những sự kiện chứng thực được bằng kinh nghiệm của con người để có thể bảo đảm cho giao ước, cho quyền năng và cho giáo huân Ngài ban cho Dân…
Trong Tân Ước, ta thấy khái niệm lời chứng vượt qua mức độ luật pháp, đạt đến thái độ luân lý và mức độ tôn giáo. Khi ta biết một người nào là tốt lành thì làm chứng cho người ấy, như thái độ của người Do thái với đức Giêsu (x. Lc 4,12); đối với Cornelio (x. Cv 10,22); hoặc thái độ của cộng đoàn tiên khởi đối với các phó tế tiên khởi (X. Cv 6,3)… Cuối cùng thì Sách thánh cho thấy chính đức Giêsu là nhân chứng trung thành tuyệt hảo :
“Xin Đức Giê-su Ki-tô là vị Chứng Nhân trung thành, là Trưởng Tử trong số những người từ cõi chết chỗi dậy, là Thủ Lãnh mọi vương đế trần gian, ban cho anh em ân sủng và bình an. Người đã yêu mến chúng ta và lấy máu mình rửa sạch tội lỗi chúng ta,…”(Kh 1,5. Xc Kh 3,14)
Nếu như trong Nhất lãm và sách Tông Đồ Công Vụ, sứ mệnh loan báo Tin Mừng là mệnh lệnh ưu tiên số một, các phép lạ kèm theo là để làm chứng cho lời rao giảng, thì trong Gioan cũng như trong thánh Phaolô, việc làm chứng trở thành yếu tố quan trọng hàng đầu. Tin Mừng Gioan cho thấy  Chúa Cha làm chứng cho đức Giêsu; bản thân đức Giêsu là Lời Chứng, lời nói và hành động của đức Giêsu cũng là lời chứng. Ngài làm chứng về những gì đã nghe và thấy nơi Chúa Cha (xc. Ga 3,11.32); làm chứng cho chính Chúa Cha (Xc. Ga 5,31t.37t); Người làm chứng chống lại thế gian (Xc. Ga 7,7)…. Trong lời khẳng định trước mặt Philatô, đức Giêsu tỏ bày mục đích nhập thể của Ngài là để làm chứng cho chân lý :
“Ông Phi-la-tô liền hỏi : "Vậy ông là vua sao ?" Đức Giê-su đáp : "Chính ngài nói rằng tôi là vua. Tôi đã sinh ra và đã đến thế gian nhằm mục đích này : làm chứng cho sự thật. Ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng tôi."(Ga 18,37)
Người ta có thể thấy một sự chuyển biến ý nghĩa sâu xa từ Vatican I đến Vatican II[7]. Trong khi Vatican I coi Giáo hội, với những phẩm chất như duy nhất, thánh thiện, vững chãi, rộng khắp, phong phú, như là một dấu chỉ bày tỏ trước mặt muôn dân, thì Vatican II lại tìm phương cách nhân hoá và nội tâm hoá dấu chỉ Giáo hội và luôn nói tới “chứng tá của các kitô hữu”. Chính những người Kitô hữu với đời sống thánh thiện và những cộng đoàn Kitô hữu, với đời sống hiệp nhất và yêu thương, mới biểu lộ rõ rệt “dấu chỉ Hội thánh”. Từ Vatican II, dấu chỉ Hội thánh được quy chiếu một cách thiết yếu vào phạm trù chứng tá. Trong các hiến chế cũng như trong các tuyên ngôn và sắc lệnh của Vatican II, người ta thấy khái niệm chứng tá trở nên đầy tràn, phong phú trong mọi khía cạnh… Sau Vatican II, đặc biệt trong tông huấn của Kitô hữu giáo dân của đức Gioan Phaolô II, phạm trù chứng tá vẫn là một trục chính của việc loan báo Tin Mừng.
Như chúng ta đã nói, ý nghĩa lời chứng không phải chỉ có trong vấn đề loan báo Tin Mừng, nhưng chính là một phẩm chất căn bản của đức Tin, của đời sống Giáo hội trong cuộc lữ hành đức Tin. Ý nghĩa chứng tá cần phải được hiểu lại trong việc đào tạo, ngay cả trong việc dạy học, trong tổ chức cộng đoàn…. Chẳng hạn, trong việc giảng lời Chúa của các linh mục, việc trình bầy những chân lý khách quan vẫn luôn cần thiết, nhưng người linh mục không vì thế mà làm nhẹ hoặc bỏ qua khía cạnh “thánh hiến cho chân lý” để có thể rao giảng như một chứng nhân của chân lý.
Việc khám phá lại ý nghĩa của phạm trù chứng tá không phải chỉ là một sự đổi mới để thích nghi mà là một sự đổi mới nhờ biết trở về nguồn. Ý nghĩa ấy nằm trong mối liên hệ hữu cơ với những đổi mới khác về ý nghĩa đức Tin.
*. Khả năng đọc dấu chỉ
Làm sao ta có thể biết đâu là ý Chúa ?
Câu hỏi này toát lược vị thế căn bản của đời sống đức Tin theo truyền thống Do thái Kitô giáo. Một cách nào đó, ta có thể nói lối sống của đức Tin chính là lối sống lần mò trong đêm tối của trần gian, nhưng được ánh sáng của Chúa như ánh chớp lập loè soi lối. Vinh quang của Chúa không thường trực và sáng ngời nhưng chỉ là “dấu chỉ” lấp lánh trên hành trình trần gian. Thái độ của đức Tin khác với, hay đúng hơn là ngược với lối nắm bắt một sự hiểu biết vững bền như một nguyên tắc hay như một khái niệm trừu tượng có khả năng toát lược toàn bộ những sự việc đơn lẻ. Thái độ của đức Tin chính là khả năng đọc dấu chỉ nơi sự kiện đơn lẻ và tìm thấy ánh sáng lập loè của Chúa trên hành trình của đêm tối.
Dấu chỉ là một từ ngữ quan trọng trong lịch sử ơn cứu độ và trong đời sống Giáo hội, đặc biệt từ Công đồng Vatican II. Khả năng đọc dấu chỉ là một biểu lộ cụ thể của sức sống đức Tin; và tiêu chuẩn căn bản của mọi dấu chỉ chính hiệu chính là “dấu chỉ Giôna”, dấu chỉ đức Giêsu trong cuộc Tử nạn và Phục Sinh. Quả thật chỉ có một Vị Mục Tử đích thực là Đức Giêsu, mục tử đích thực hy sinh mạng sống cho đoàn chiên, nên ta có thể thấy dấu chỉ căn bản cho vai trò quản trị trong Giáo hội chính là sự hy sinh tự nguyện để sự sống của đàn chiên cũng như của mỗi một con chiên được phong phú dồi dào. Đúng như lời thánh Irênê đã nói : “vinh quang Thiên Chúa là con người được sống”.





[1] Xc. Dermot Lane, Kinh Nghiệm Về Thiên Chúa, Nguyễn Luật Khoa OFM dịch, Nxb Phương Đông, lời tựa.
[2] Xc. Nguyễn Trọng Viễn, Sự sống đức Tin như một dòng chứng tá, báo Chia Sẻ, số 69.
[3] Xc. Les grands thèmes de la foi, Dictionaire de Théologie chrétienne, dirigée par Joseph Doré, Desclée, mục Foi.
[4] Xc. Nguyễn Trọng Viễn, Cái Chân và Cái Thật, Chia Sẻ số 68.
[5] Mai Văn Hùng OP, Làm Muối Cho Đời, Thần học Luân lý cơ bản, lưu hành nội bộ, 1994-1995, trang 95.
[6] Mai Văn Hùng OP, Sđd, trang 120-121.

[7] Xc. Dictionaire de Théologie fondamentale, sous la direction de René Latourelle, Edition du Cerf, mục Témoignage.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Top