Từ những biểu hiện của tình trạng đạo đức hiện nay,

cần trở lại với vấn đề bản chất con người


Bài này được viết nhân một buổi nói chuyện tại số 43 Nguyễn Thông, vào khoảng năm 2004, với những dữ kiện xã hội của thời kỳ ấy. Tuy nhiên, có lẽ tình trạng xã hội và những ý nghĩa ấy vẫn còn đúng trong giai đoạn hiện nay, nên tôi lấy lại bài viết cũ, sửa đổi chút ít, và gửi đến anh chị em như một tài liệu đọc thêm. NTV
            Việt Nam đang bước vào giai đoạn hiện đại hóa – công nghiệp hoá đất nước để theo kịp các nền kinh tế trong khu vực; và để, không có cách nào khác, đi vào tiến trình toàn cầu hoá của cả hành tinh. Sự chuyển đổi cơ cấu kinh tế như thế không thể không kéo theo nhiều biến đổi khác, trong đó có sự biến đổi về đạo đức. Trong thời gian gần đây, đất nước Việt Nam đang phải đối diện với nhiều tệ nạn xã hội, hoặc do chính cơ chế kinh tế thị trường; hoặc do việc du nhập nhiều phong cách sống của các nước tư bản; hoặc do những nền tảng “văn hoá xã hội” đã không còn thích hợp nữa trong tình hình mới : tham nhũng, ma tuý, ăn chơi xa sỉ, phung phí, đua xe, thanh thiếu niên đua đòi tại các vũ trường, hiện tượng thanh niên sau 0 giờ, thanh niên lao vào các trang xấu trên Internet....
            Bên dưới tất cả những hiện tượng tiêu cực nổi cộm trong xã hội hiện nay, chúng ta có thể thấy một tình trạng sâu xa hơn : suy thoái giá trị đạo đức mà mức độ của nó có thể nói là một sự khủng hoảng. Hoàn cảnh mới của tình hình kinh tế thị trường vừa cho thấy giá trị đạo đức trong thời kỳ bao cấp trước đây đã không còn đủ, không còn thích hợp cho tình hình mới[1]; đồng thời, cũng cho thấy những quan niệm căn bản của một nền triết học đang chi phối xã hội chúng ta không đủ hay ít là không toàn diện để có thể “đồng hành” cùng dân tộc trong quá trình lịch sử của mình.
            Trong những năm gần đây, đã có nhiều tiếng hô báo động về tình trạng đạo đức xuống cấp[2] và chúng ta thấy có khá nhiều công trình nghiên cứu về vấn đề này, liên quan đến nhiều khía cạnh khác nhau : giá trị truyền thống Việt Nam, lối sống tôn thờ thần tượng, mối quan hệ giữa lợi ích cá nhân và đạo đức gia đình truyền thống, sự phân hoá giầu nghèo, vai trò của luật pháp, mối tương quan giữa lý trí và tình cảm[3] . . . Quả thật vấn đề đạo đức là một vấn đề sống còn của xã hội Việt Nam hiện nay trên bước đường hiện đại hoá - công nghiệp hoá đất nước; và đây là một thách thức đối với những nhà nghiên cứu, đặc biệt là nghiên cứu triết học, trong trách nhiệm xây dựng đất nước.

1. Nhận định tình hình cụ thể

1.1 Xã hội truyền thống và xã hội hiện đại hoá công nghiệp hóa[4] 
            Khái niệm hiện đại hóa, theo ngôn ngữ đời thường, được hiểu là sự trang bị những máy móc hiện đại với kỹ thuật cao. Nhưng thật ra, ý nghĩa của từ hiện đại hoá, xuất hiện vào cuối những năm 50, đầu những năm 60 của thế kỷ XX, có ý nghĩa triết học xã hội và bao hàm một nội dung rộng lớn hơn nhiều. Hiện đại hoá là bước biến chuyển từ xã hội truyền thống sang xã hội hiện đại.
            Xã hội truyền thống có những nét đặc trưng như sau:
- Về phương diện sản xuất : đó là một xã hội nông nghiệp, sử dụng lực lượng sản xuất tự nhiên, năng suất chỉ nhằm đáp ứng nhu cầu thường ngày, tự cung tự cấp;
- Về phương diện tiến bộ : xã hội truyền thống vận động theo chu kỳ lập đi lập lại, trong đó yếu tố truyền thống bao giờ cũng quan trọng hơn và có ưu thế hơn những nhân tố mới;
- Về phương diện tương quan xã hội : các quan hệ trong xã hội truyền thống đề cao tính cộng đồng, làng xã, huyết thống; mang tính chất “sự đồng nhất nhóm” (công xã, làng, dòng họ . . .); trong đó cá nhân luôn phải phụ thuộc vào tập thể . . .
            Nét tinh thần được đề cao là đạo đức truyền thống, cá nhân không được nhìn nhận và cảm thông trong hoàn cảnh riêng, nhưng phải chấp nhận những nguyên tắc đạo đức, quan hệ ứng xử, trật tự thứ bậc của đời sống cộng đồng. Nói chung là các yếu tố quyền bính, kinh tế, chính trị, tôn giáo gắn chặt thành một khối không phân chia.
            Trong khi đó, những nét tiêu biểu của xã hội hiện đại là:
            Công nghiệp và thương nghiệp chiếm ưu thế so với nông nghiệp. Ngay nông nghiệp cũng đã được công nghiệp hoá và đạt đến trình độ kỹ thuật cao. Công nghiệp trở thành xương sống của nền sản xuất xã hội cùng với những hiện tượng liên hệ : cụm dân cư mới, trường dạy nghề, quan hệ hàng hoá, tiền tệ, thị trường . . .
            Tính chất “chu trình” lặp đi lập lại của đời sống truyền thống bị đẩy lùi và được thay thế bằng tính biến đổi, mới mẻ, sáng tạo. Trong lãnh vực kinh tế, nền sản xuất của xã hội công nghiệp là nền tái sản xuất mở rộng và tích luỹ thặng dư. Đời sống xã hội được điều chỉnh chủ yếu bằng những yếu tố mới. Xã hội hiện đại khuyến khích những sáng kiến, nhạy bén với thị trường, gia tăng sáng tạo để đạt hiệu năng, thích ứng với những biến đổi mau lẹ.
            Về phương diện quan hệ xã hội, yếu tố phân quyền và chuyên môn hoá là nét đặc trưng; mỗi người không tìm cách tồn tại theo kiểu “tự cung tự cấp”, nhưng tìm cách nâng cao tay nghề chuyên môn của mình. Nhờ việc phân quyền và chuyên môn hóa, con người có nhiều quan hệ gián tiếp và ít lệ thuộc hơn các cộng đồng phân cấp, các quan hệ hàng dọc. Đời sống hiện đại hóa có một mạng lưới các “quan hệ hàng ngang” chằng chịt.
            Trong xã hội hiện đại, vai trò cá nhân được hình thành và được tôn trọng. Mỗi cá nhân có thể tự “bứt phá” những hệ thống phân cấp để lao vào cuộc “chạy đua xã hội”. Tính thụ động, tính đồng nhất nhóm không còn là yếu tố chính; nhưng tính cá nhân, độc lập càng ngày càng được đề cao. Tinh thần cầu tiến, cung cách làm việc hiệu năng, có chuyên môn cao . .  dần dần trở thành những yếu tố “cạnh tranh” với tinh thần chỉ đề cao đạo đức cũng như “nề nếp gia phong”.
            Tóm lại, xã hội hiện đại hoá là xã hội đang chuyển biến từ xã hội truyền thống sang xã hội hiện đại mà yếu tố công nghiệp hoá là yếu tố nổi bật. Công nghiệp hoá là tiêu chuẩn để phân định “xã hội truyền thống” và “xã hội hiện đại”. Có thể nói công nghiệp hóa là chuẩn mực công nghệ – kỹ thuật, trên đó nẩy sinh những tiêu chuẩn khác trong toàn bộ cơ cấu xã hội.
1.2 Nền đạo đức nước ta thời kỳ hiện đại hoá công nghiệp hóa
            Sự biến đổi mau lẹ của nền kinh tế công nghiệp ở nước ta đã mang lại nhiều thành quả, cả về mức sống của dân chúng cũng như trong thái độ “đạo đức”. Đó là điều không ai có thể chỗi cãi: số hộ nghèo giảm đi, cung cách làm việc trì trệ bị phê phán, thói đạo đức giả càng ngày càng lộ rõ bộ mặt xấu xa; ngay các người thành đạt trong xã hội cũng được kêu gọi để sống tinh thần tương trợ nhiều hơn so với thái độ dửng dưng ỉ lại vào nhà nước của thời kỳ bao cấp. . . Tuy nhiên, những hệ quả xấu của bước biến chuyển này cũng là điều ai cũng có thể nhận thấy, đặc biệt là sự sa sút về nhiều phương diện đạo đức trong đời sống thường ngày, được phản ảnh trên mặt báo mỗi ngày. Nền kinh tế thị trường đang làm chao đảo nhiều giá trị tinh thần nói chung giá trị đạo đức nói riêng và người ta nói nhiều đến sự xuống dốc của nền đạo đức. Chỉ riêng qua báo chí thôi, chúng ta cũng nhận ra những hiện tượng báo động về sự giảm sút đạo đức trong mọi khía cạnh căn bản của đời sống xã hội.
            Trước hết, trong phạm vi gia đình, chúng ta nhận thấy có nhiều triệu chứng của một sự khủng hoảng. Gia đình, cùng với nền giáo dục gia đình, luôn là nền tảng của đời sống xã hội. Gia đình là nơi cung cấp nền giáo dục đầu tiên và căn bản cho một con người. Vì thế, nếu “gia giáo” bị bỏ quên thì người ta sẽ phải hứng chịu những hậu quả, chẳng những trong chính gia đình, nhưng còn trong mức độ toàn xã hội. Hiện nay, chúng ta thấy có tình trạng các bậc cha mẹ lao vào đời sống kinh tế, coi việc thăng tiến địa vị xã hội là quan trọng hơn đời sống gia đình. Tình trạng và buông lỏng việc giáo dục con cái không còn là điều hiếm thấy. Vẫn có nhiều bậc làm cha mẹ cho rằng việc giáo dục là của nhà trường và tự bào chữa cho mình bằng sự bận rộn của công việc; tự giới hạn trách nhiệm của mình trong việc cung cấp cho con cái những phương tiện vật chất. Từ đó, chúng ta thấy tình trạng đổ vỡ trong đời sống hôn nhân càng ngày càng tăng, để lại những hậu quả nặng nề cho những tâm hồn trẻ thơ và thanh thiếu niên. Tình trạng con cái hành hung cha mẹ, anh em từ bỏ nhau, kiện tụng và tranh giành phần gia sản . . . cũng cho thấy sự khủng hoảng nề nếp gia đình.
            Trong phạm vi nhà trường, hiện trạng đạo đức cũng cần phải lên tiếng báo động. Căn bệnh chạy theo thành tích đã phá huỷ tất cả mọi nỗ lực cải tổ, mọi chương trình cải tổ. Thậm chí, ngay các nhà giáo dục đã không còn giữ được phẩm chất của mình (chạy theo thành tích, đôi khi còn “nhũng nhiễu” học sinh trong việc thu nhận học sinh, dạy thêm, học hè. . . .) thì sự xuống cấp nói chung của tình trạng giáo dục và của học sinh nói riêng, có thể nói, là một hệ quả tất yếu. Tác giả Mạc Lâm kể ra “Thập nạn” trong sinh viên[5] như sau :
“Tiêu cực trong thi cử, cờ bạc, quan hệ tình dục phóng túng, mê tín dị đoạn, uống rượu say, nghiện hút, cắm quán, trộm cướp, ham mê văn hoá phẩm đồi truỵ, vô kỷ luật, mất trật tự vệ sinh, đua đòi, chạy theo lối sống tiêu dùng”.
            Cùng với ngành giáo dục, ngành y tế vẫn được coi là biểu tượng đặc biệt của giá trị nhân văn; nhưng ngành y gần đây lại bị vạch trần và lộ ra những cung cách “bất nhân” : việc kê toa theo sự thúc bách của trình dược viên và những mập mờ của cơ quan chuyên trách làm tăng giá thuốc một cách “bóc lột”. . . Thật sự đó không phải là chuyện mới có, nhưng là những chuyện mới bị tiết lộ.  Dù có nhiều tiếng nói biện minh cho rằng chỉ một bộ phận nhỏ trong ngành y đã làm “rầu nồi canh”; nhưng thực sự hầu hết người dân đều từng đến các bệnh viện, các cơ sở y tế đều đã được thấy, không phải là ít, những hiện tượng tiêu cực nơi những người mang danh là “lương y như từ mẫu”.
            Trong phạm vi kinh tế, ta có thể thấy quá nhiều những sai phạm qui tắc tài chính trong mọi lãnh vực sản xuất, kinh doanh, ngân hàng, xây dựng, dầu khí, nông nghiệp, thể dục thể thao, điện lực, giao thông . . .  Tác động của động tiền đã thúc đẩy những tệ nạn tham ô, buôn lậu, buôn bán ma tuý, mại dâm . . . nhưng nguy hiểm hơn là nó còn làm cho nhiều chiến sĩ anh hùng trên mặt trận bom đạn bị quỵ ngã. Vì đồng tiền, nhiều người chà đạp danh dự, bán rẻ tình nghĩa gia đình, bán rẻ cả nhân phẩm . . .
            Trong phạm vi văn hóa, chúng ta thấy một sự yếu kém trong bản lĩnh văn hoá, yếu kém trong năng lực “nội sinh”. Do đó, phim ảnh, thời trang, đồ dùng của các nước khác đã có thể xâm nhập tràn lan và tác hại nguy hiểm đến sự ổn định tinh thần và xã hội. Tình trạng coi nhẹ giá trị truyền thống, sùng bái phong thái nước ngoài, đã dẫn tới hàng loạt các vi phạm thuần phong mỹ tục và những giá trị tinh thần căn bản của dân tộc. Lối sống cá nhân ích kỷ trở thành một điều bình thường của những người “chịu chơi” và “tiến bộ”.
            Ngành công an và hải quan là những lãnh vực mà việc mua quan bán chức nhằm kiếm được những chỗ làm có nhiều thu nhập bất chính đã trở thành điều thường lệ, ai cũng biết và người dân dễ dàng kiểm nghiệm được trong sinh hoạt thường ngày. Báo chí đã phanh phui, không phải chỉ là những sai phạm ngẫu nhiên của một vài thành phần, nhưng có nhiều dấu hiệu cho thấy đây là những sai phạm của cả một nhóm, một hệ thống, dính dáng đến nhiều người, ngay cả những thành phần lãnh đạo cao cấp.
            Trong phạm vi toàn xã hội, người ta thấy tình hình tội phạm hình sự càng ngày càng gia tăng và đang ở mức độ nghiên trọng. Có một số tội danh mới nguy hiểm như : khủng bố cá nhân, tống tiền, bắt cóc trẻ em, buôn bán phụ nữ, buôn bán chất nổ, chất ma tuý với số lượng lớn, tổ chức xã hội đen, đâm thuê chém mướn, môi giới mạn dâm…. Tình hình phụ nữ phạm tội và các vụ tôi phạm do người chưa thành niên thực hiện có chiều hướng gia tăng. Một số các thanh thiếu niên rơi vào lối sống bạo lực, phi nhân tính.
            Đặc biệt, tình trạng biến chất, xuống cấp về đạo đức biểu lộ trong việc chính những cơ quan chuyên trách đã có những vi phạm nghiêm trọng trong trách nhiệm đặc biệt được nhân dân trao phó: cán bộ chống ma túy lại đi buôn bán ma tuý, cán bộ hành chánh nhũng nhiễu người dân,…
            Văn kiện Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ VIII xác nhận :
“Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên thiếu tu dưỡng bản thân, phai nhạt lý tưởng, mất cảnh giác, giảm sút ý chí, kém ý thức tổ chức kỷ luật, sa đoạ về đạo đức và lối sống”[6].
            Tóm lại, những biểu hiện về sự xuống cấp của tình trạng đạo đức thể hiện ở mọi lãnh vực : trong đảng và quần chúng, trong những cơ quan chức năng và những ngành nghề khác nhau; người lớn tuổi và giới trẻ. Đặc biệt, chúng ta thấy đáng buồn với sự xuống cấp đạo đức của  hai ngành nghề cao quí diễn tả tâm hồn và lương tri của bản chất người, đó là ngành giáo dục và y tế.

2. Nỗ lực giải thích khủng hoảng đạo đức

2.1 Theo xã hội học[7] 
            Sự khủng hoảng xuất hiện như một hậu quả của sự thay đổi đột ngột mà quá trình đang diễn ra bình thường không thích ứng được. Trong sự khủng hoảng, ta ghi nhận hai yếu tố chính: - sự thay đổi  - và khả năng chống đỡ.
            Khi sự thay đổi có tính cấu trúc, tức là thay đổi toàn bộ cơ cấu và những nguyên lý chi phối, thì đó là một sự thay đổi toàn diện, chẳng hạn như một cuộc cách mạng, thì sẽ gây nên một sự biến dạng căn bản toàn bộ kiến trúc, gồm cả pháp luật, đạo đức, những khái niệm căn bản của cuộc sống và các hệ thống khác. Trong sự khủng hoảng toàn diện này, không có yếu tố nào có khả năng chống đỡ, không một lực lượng nào đủ lớn để thể hiện như một lực đối trọng cân bằng. Trong khi đó, sự thay đổi cục bộ thì lại khác, những yếu tố căn bản vẫn còn, vẫn có một sức mạnh có khả năng trụ lại để giữ những biến đổi khác. Chỉ có sự thay đổi căn bản mà không có lực lượng đối trọng cân bằng nào có khả năng chống đỡ thì mới gọi là khủng hoảng.
            Người ta có thể tính toán về một sự khủng hoảng lớn hay nhỏ bằng cách đo độ sâu, độ lớn, tốc độ thay đổi, sự không cân bằng cả về số lượng lẫn chất lượng, ảnh hưởng trên xã hội và điều sau cùng, nhưng không phải là điều nhỏ nhất, là chính khả năng chống đỡ của các thành viên trong xã hội. Người ta có thể phân biệt một sự khủng hoảng do quá trình thay đổi để phát triển hay một sự khủng hoảng do mất định hướng; khủng hoảng do mất định hướng hay do mất năng lực; khủng hoảng do thiếu phương tiện hay thiếu khả năng. . . .
            Giáo sư Trần Văn Đoàn nêu lên một vài nét căn bản của khủng hoảng đạo đức như sau :
1/  Khủng hoảng đạo đức được hiểu như là sự suy thoái của quyền lực nhằm duy trì các trật tự trong thực tại, hay nói rõ hơn, đó là khả năng đối phó với những vấn đề liên quan đến con người. Khủng hoảng đạo đức phản ảnh sự suy thoái của năng lực con người trong nhận thức và lựa chọn cái tốt, cái đúng để thực hiện hành vi của mình phù hợp chuẩn mực xã hội.
2/ Khủng hoảng đạo đức thường xuất hiện dưới dạng “mất định hướng”, “mất ý nghĩa cuộc sống”; đó là một sự hụt hẫng đột ngột trong tập quán do tiếp cận với quá trình hiện đại hoá : khủng hoảng tự thân, bất đồng với cách thức suy nghĩ và sinh hoạt của một nhóm người nào đó.
3/ Khủng hoảng đạo đức thể hiện tính tự thân qua quá trình giao thoa không bình thường. Nó trái với các ứng xử thông thường trong các tình huống xảy ra, nó được cảm nhận theo chiều hướng khác, được xử lý bằng một phương pháp sai lầm, một lối sống khó chấp nhận; cách thức phản đứng ấy không chỉ là bất hợp lý mà còn là ngoan cố.
4/ Khủng hoảng đạo đức có thể sinh ra trong việc lựa chọn phương pháp hay hành động, khi các phương pháp này mâu thuẫn với mục đích hành động hoặc làm phương hại đến mục đích; chẳng hạn lựa chọn bạo lực để bình định nhân dân.
5/ Khủng hoảng đạo đức sẽ kéo theo những hậu quả không tốt trong một thời gian dài, các tác hại thường vượt qua lợi ích và thảm hoạ của nó, và làm mai một đi những phẩm chất căn bản.
            Trong hiện tình đất nước, chúng ta phải công nhận đó là một sự khủng khoảng thật sự, vì sự đổ vỡ giá trị đạo đức diễn ra khắp nơi, và đặc biệt diễn ra một cách nghiệm trọng ở chính hai “cơ năng” chính, đó là tâm hồn và lương tri, tức ngành giáo dục và y tế. Hơn nữa, chúng ta còn thấy biểu hiện một sự lúng túng của những người có trách nhiệm : có nhiều bài nghiên cứu trong các tạp chí, có nhiều biện pháp đã được đề nghị. . . nhưng hình như chẳng đem lại biến chuyển tích cực nào!
2.2 Theo triết học
            Về phương diện triết học, ta có thể diễn tả một cách đơn giản ý nghĩa của khủng hoảng là:  ở đỉnh cao minh triết thì “siêu hình” và “luân lý” hoà nhập với nhau; còn ở mức độ la đà thì siêu hình và luân lý trở thành hai con đường riêng biệt chẳng dính dáng gì tới nhau. Mức độ “la đà” đó chính là nguồn cơn của khủng hoảng. Đây là “qui luật” của lịch sử nhân loại. Sự huỷ hoại sâu xa nhất của một tôn giáo, một tổ chức, một tập thể,… không phải là sự huỷ hoại tự bên ngoài, nhưng chính là một tình trạng mất căn tính từ bên trong, khi mà những đường nét “tinh thần” căn bản không còn là nguồn mạch của những phương sách cụ thể, nhưng chính những thứ “thích ứng” rẻ tiền đã lèo lái tất cả.
            Thái độ thích ứng, kiểu giải quyết vấn đề bằng những biện pháp mà không phải là những thể hiện đương nhiên, phát xuất từ một nền tảng siêu hình chân chính sẽ làm cho tình hình càng ngày càng trở nên vá víu, mất phương hướng, giải quyết chỗ này lại nẩy sinh vẫn đề chỗ khác; bịt được điều này thì lại xì ra chỗ lủng ở điều khác. Chúng ta có thể thấy  tình trạng lúng túng ấy trong vấn đề đạo đức  của xã hội Việt Nam hôm nay.
            Nói cách khác, qua một sự biến chuyển nào đó, cụ thể là sự biến chuyển của một nền kinh tế Việt Nam hiện nay, chúng ta có thể thấy những thiếu sót hay những chỗ lủng trong quan niệm về bản chất con người, một quan niệm mà có thể đã có một số thành công trong thời kinh tế chỉ huy. Việc triển khai những nền tảng tư tưởng duy vật và vô thần và triển khai một cách bắt buộc, rộng khắp đã không còn có thể tạo nền tảng cho tinh thần và sức sống của con người, đặc biệt trong lãnh vực luân lý, trong xã hội hôm nay.

3. Cần nhận định lại về bản chất con người

            Việc giải quyết khủng hoảng đạo đức, cho tới hiện nay chưa có dấu hiệu lạc quan. Càng ngày người ta càng thấy nhiều hơn và ở mức độ trầm trọng hơn những thái độ suy đồi trong xã hội. Những phương thức giải quyết vá víu, bằng những quy định của luật pháp, bằng những phong trào thi đua đạo đức,… thực sự không có chút ảnh hưởng mang tầm mức xã hội nào. Những điều đó thúc bách chúng ta phải tìm giải quyết vấn đế ở một bình diện sâu hơn, bình diện của bản chất người.
3.1 Trả lại chân trời tâm linh cho tâm hồn con người
            Một cách đơn giản, ta có thể diễn tả : tâm linh là chân trời của những ứng xử trong cuộc sống đời thường. Không có chân trời, mọi hình ảnh đều trở nên mặt phẳng, không còn độ sâu và không còn diễn tả được khuôn mặt sống động của “nhân linh ư vạn vật”.
            Không có chiều kích tâm linh, mọi ứng xử của con người với thế giới chỉ là một bài toán cân đối giữa lợi ích của tôi và sự kiện khách quan; ứng xử một cách “hợp lý” và một cách “vật lý”... Những cách xử lý ấy chỉ thoả mãn nhu cầu quản trị hay thống trị của con người chứ không thoả mãn được nhu cầu gặp gỡ hay nhu cầu siêu việt, không đưa con người vào khung trời nhân văn và huyền nhiệm; bởi vì người ta không còn biết ướm sự kiện đời thường vào chiều sâu tâm hồn cũng như chiều kích siêu việt trong khát vọng của con người.
            C. Virgil Gheorghiu đã từng nói rằng :
            “Mỗi chủ nhân bắt buộc phải biết đôi chút ngôn ngữ và tập tục của nhân viên thuộc quyền mới có thể chỉ huy được họ. Hầu như bao giờ cũng vậy, khi kẻ chiếm đóng là thiểu số, đều phải chấp nhận ngôn ngữ và tập tục của dân tộc bị chiếm đóng, vì lý do thuận tiện hay quyền lợi thực tế. Kẻ chiếm đóng thành công vì là kẻ chiếm đóng và chủ nhân có toàn quyền”.
            “Cũng một quá trình như vậy đang tiếp tục diễn tiến cuộc khai triển trong khuôn khổ xã hội chúng ta, mặc dù chúng ta không chịu nhìn nhận điều đó. Chúng ta học đòi những luật lệ và cách nói của lũ nô lệ để chỉ huy chúng. Do đó, cứ lần lần, chúng ta cũng chẳng nhận thấy nữa, chúng ta chối bỏ những đức tính nhân bản của chúng ta. những lề luật riêng của chúng ta. Chúng ta bỏ mất nhân bản tính, chúng ta chấp nhận lối sống của những nô lệ kỹ thuật của chúng ta. Triệu chứng đầu tiên của việc chối bỏ nhân tính là sự miệt thị con người. Con người hiện đại biết rằng đồng loại, và ngay chính hắn, cũng chỉ là những yếu tố khả dĩ thay thế được. Xã hội hiện thời cứ mỗi con người có từ một đến hai lố nô lệ kỹ thuật phải được tổ chức và hoạt động, tùy thuộc những luật tắc kỹ thuật. Đó là một xã hội được cấu tạo tùy theo nhu cầu cơ khí chớ không phải nhân bản, thảm kịch băt đầu từ đó.
            “Con người ta bị buộc phải sống và xử sự theo những định luật kỹ thuật xa lạ với những luật tắc của con người. Những ai không tuân theo những định luật của cơ khí, nâng lên hàng luật lệ xã hội, sẽ bị trừng phạt. Con người sống theo thiểu số sẽ, theo thời gian, trở thành một thiểu số vô sản. Nó sẽ bị đẩy ra khỏi cái xã hội mà nó vẫn liên thuộc hoặc nó vẫn ở trong mà chối bỏ nhân cách của nó, thì nó cũng không thể hòa mình vào xã hội đó được. Do đó nó sẽ, rốt cuộc, cảm thấy kém thế, muốn bắt chước cơ khí và chối cỏ mọi tính cách độc đáo của con người vẫn tách rời khỏi những trung tâm hoạt động xã hội..."
                                                            (V.Gheorghiu, Giờ Thứ 25,  trang 69-70)
            “Thảm kịch xẩy ra chính ở đó. Chúng ta không thể biến thành máy được. Sự đụng độ giữa hai sự thật - cơ khí và nhân văn - đã xẩy ra. Những nô lệ kỹ thuật sẽ chiến thắng. Chúng sẽ được giải phóng và trở nên những công nhân kỹ thuật của xã hội chúng ta. Còn chúng ta, những con người, chúng ta sẽ trở thành những kẻ vô sản trong một xã hội được tổ chức theo những nhu cầu và nền văn hóa của đa số công dân, tức là những "công nhân kỹ thuật".                                                  (V. Gheorghiu, Giờ thứ 25, trang 71)
            Với phân tích của Gheorghiu, chúng ta có thể nhận thấy rõ ràng hơn sự mất cân đối giữa hai yếu tố biến chuyển và khả năng chống đỡ mà tác giả Trần Văn Đoàn đã phân tích trên kia.
            Cũng thế, không có chân trời tâm linh, ngay trong tương quan của con người với nhau, người ta cũng chỉ còn có một cách duy nhất là đối xử “tay đôi”, tính toán một cách “công bằng”, nhưng tất cả đều không bộc lộ được vóc dáng đích thực của con người. Không có tâm linh, người ta phải chọn lập trường sống với người khác là “bạn ra bạn và thù ra thù”. Những làm sao có thể đóng dấu một người hay một tập thể nào đó là bạn và nó mãi mãi là bạn đúng đắn ? Làm sao người ta có thể cho rằng một ai đó là kẻ thù và chỉ là kẻ thù mà thôi ? Lối nhìn của chuyện cổ tích ấy thật cũng đã trở thành “cổ tích” rồi. Hai đứa bé tranh cãi với nhau và đứa này mét mẹ, đứa kia đòi mẹ phải làm thế này thế khác. . . Những lý lẽ của hai đứa bé đó không hẳn là vô lý, nhưng nó hoàn toàn không thấy được một viễn cảnh nào xa hơn cái bánh, món đồ chơi, hành vi trêu chọc của thằng anh . . . Chỉ có bà mẹ, với “chân trời” của gia đình, mới có thể khuyên giải và giúp những đứa bé ấy biết tha thứ, biết chia sẻ, biết nhường nhịn vì anh, vì em của mình.
            Quả thật, tâm linh là chiều kích siêu việt làm nên chân trời của mọi thái cử trong cuộc sống con người. Con người nếu chỉ được hiểu như “tổng hoà các quan hệ xã hội”, hoặc như một định nghĩa truyền thống của chủa nghĩa Mác, là “một thực thể tự nhiên có tính chất người“[8], sẽ không thể có được một chân trời để định hướng và để được kêu mời vươn lên mãi.
            Chỉ có một niềm tin vào Thiên Chúa tha thứ và Thiên Chúa đòi hỏi ta phải tha thứ 70 lần bẩy thì mới có thể giúp con người cố gắng từng bước để lại tiếp tục tha thứ; chỉ có một niềm tin vào một viễn tượng huyền nhiệm, cao cả nào đó thì con người mới có thể không dừng lại, thoả mãn với một giải pháp có vẻ hợp lý, có vẻ đúng đắn, nhưng thật ra chỉ là một phản ứng tay đôi với một biến cố, với một tình huống, với một bài toán.
            Tóm lại, ta có thấy hai ý nghĩa của tâm linh : - chân trời tâm linh mở cửa để đón nhận bước tiến không ngừng của con người; và – chân trời tâm linh giúp con người có thể ướm những thái cử hàng ngày của mình vào đó và tìm thấy thoả mãn nhu cầu siêu việt.
            Ta cũng có thể thấy hai bình diện : con người với thế giới vật chất cần chân trời tâm linh để vươn tới giá trị nhân văn; con người với con người cần giá trị tâm linh để vươn tới siêu việt.
            Xã hội chúng ta hiện nay là một xã hội nỗ lực truyền bá học thuyết vô thần, một xã hội rất khoái từ ngữ “khoa học” để dồn tất cả mọi thứ không khoa học vào bao “mê tín”, một xã hội mà tình trạng văn chương kém cỏi đã trở phổ biến trong mọi cấp giáo dục. . .  Chính xã hội ấy đã tước mất khả năng tâm linh của con người để có thể đối diện với các khủng hoảng  xẩy ra.
3.2 Trả lại nền tảng “siêu nghiệm”[9] của luân lý trong lương tâm con người
            Những đường nét tinh thần cao quý và “huyền nhiệm” của con người không phải là điều con người có từ bẩm sinh. Tuy nhiên, nếu từ đó mà kết luận rằng tất cả mọi phẩm tính nhân văn và tâm linh cũng chỉ là phản ảnh của phương thức kiếm sống, phản ảnh của hình thái kinh tế,  “phản ánh” từ những diễn tiến cụ thể của hoàn cảnh lịch sử, thì đó lại là một kết luận không khoa học. Cũng như thế, thế giới thống nhất với nhau ở tính vật chất, điều đó không có nghĩa tất cả thế giới là vật chất. Tất cả mọi nhận thức đều thông qua giác quan, điều đó thánh Thomas cũng chủ trương, nhưng lại không đi đến kết luận của một học thuyết “duy nghiệm”.
            Thật vậy, những đường nét tinh thần cao quý và huyền nhiệm của con người, được hình thành trong quá trình lịch sử, nhưng không phải là một sự thành hình ngẫu nhiên, không phải là một sự phản ánh nguyên mẫu của hoàn cảnh, mà là một sự chắt lọc để làm lộ ra cái mà ngày nay người ta gọi là “phẩm giá con người”. Ở mọi nền văn hóa, những nỗ lực chắt lọc từ biết bao nhiêu diễn tiến phức tạp của cuộc sống đã tạo nên những thành quả xoay xung quanh một cái trục là chính phẩm giá con người, cho đến một giai đoạn chín muồi, những thành quả đó biến thành một giá trị “siêu nghiệm” có khả năng hướng dẫn chính những phản ánh từ cuộc sống cụ thể với những hoàn cảnh cá biệt.
            Tác giả Trần Nguyên Việt[10], trong khi cố gắng nối kết những giá trị truyền thống của dân tộc với những giá trị của nhân loại nói chung để lý giải sự khủng hoảng đạo đức hiện nay, đã viết:
“Cái được toàn thể loài người chấp nhận từ các nền văn minh khác nhau, trong đó có cái  đạo đức mà chúng ta đang đề cập tới luôn mang tính bền vững và ổn định cao, đồng thời tồn tại một cách khách quan, không phụ thuộc vào tính dân tộc, tính giai cấp và thể chế xã hội của bất cứ dân tộc nào. Nó mang tính giá trị cao bởi vì tính chất nền tảng của đạo đức nhân văn trong việc ổn định và phát triển các mối quan hệ giữa các cộng đồng người trên hành tinh, giữa toàn thể nhân loại với môi trường sinh thái hoàn cầu”[11].
            Những giá trị phổ biến ấy phải đạt đến nền tảng luân lý mang tính ”siêu nghiệm” trong lương tâm con người chứ không phải là những giá trị ngẫu nhiên và tùy thời của môi trường kinh tế hay hoàn cảnh xã hội. Nếu theo nhận định của Jaspers về Thời Trục, tức khoảng thời gian 6 thế kỷ, từ khoảng năm 800 và năm 200 trước Tây lịch, là thời gian “xuất hiện những con người đích thực mà chúng ta còn chịu ảnh hưởng cho đến ngày nay[12], thời gian ”lần đầu tiên xuất hiện các triết gia, nghĩa là những con người sống biệt lập, can đảm chỉ tự tin vào có chính mình[13]; và đó là quãng thời gian “đâu đâu cũng thấy con người ý thức về toàn diện sự hữu, về chính họ và về những giới hạn của họ[14], thì chúng ta có thể nhận ra thời kỳ này là giai đoạn con người thực hiện được những cuộc đột phá mang tính “siêu nghiệm”, nghĩa là con người không còn hoàn toàn bị dính vào những hoàn cảnh cụ thể, những ứng xử tuỳ thời, nhưng khám phá ra những giá trị căn bản của “sự hữu”, của bản chất con người, vượt qua cả sự sống và cái chết.
            Quả thật, người ta nhận ra - trong một giai đoạn mà mà ta tạm chấp nhận như Jaspers, Thời Trục –  sự “lên ngôi” của một giá trị mà ta có thể gọi được là “phẩm giá con người”. Chính biến cố “đột phá mang tính siêu nghiệm”, làm nên một giá trị căn bản như thế, đồng thời, cũng đặt con người trên một hành trình sứ vụ, có tính thống nhất, có tính “lý tưởng” gắn liền với giá trị “siêu nghiệm” ấy. Từ đây, thực hiện nhân tính là giá trị tối hậu trong cuộc sống nhân loại và trở thành tiêu chuẩn tâm linh căn bản. Dù hoàn cảnh lịch sử có tạo nên nhịp điệu “lắc lư” của giá trị “siêu nghiệm”, nhưng vẫn không thể tách rời cái giá trị “siêu nghiệm” mang ý nghĩa căn tính của phẩm giá con người. Chính vì thế, Đỗ Minh Hợp khẳng định “siêu hình học, về nguyên tắc, là không thể loại ra khỏi tồn tại người[15], và sau khi đã minh chứng  trong suốt bài viết về khẳng định ấy, tác giả Đỗ Minh Hợp kết luận :
“Trong con người luôn có nhu cầu siêu việt hoá – vượt ra khỏi giới hạn của tồn tại hiện có. Và chỉ có siêu hình học mới đáp ứng bằng cách tìm tòi các nền tảng văn hoá của tồn tại người. Văn hoá tồn tại người được coi là con đường siêu việt hoá của con người, và do vậy, siêu hình học biến thành siêu hình học văn hoá. Toàn bộ nhân học hiện đại, về thực chất, là cái đóng vai trò siêu hình học hiện đại”[16]
            Học giả Đỗ duy Minh[17] nói về khái niệm “nhân” nơi đức Khổng Tử theo cùng một chiều hướng như thế :
“Sự tập trung vào tính chất quan trọng hàng đầu và tính đa diện phong phú của khái niệm nhân trong Luận Ngữ là một biến cố vĩ đại trong vũ trụ biểu tượng của tư duy Trung Quốc thời cổ và rõ ràng cho thấy rằng sự đột phá này mang tính siêu nghiêm theo ý nghĩa là khái niệm Nhân, lần đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc, nhằm chỉ định một giá trị tối hậu vượt qua cả sự sống và cái chết. Khổng Tử nói : “Một bậc thức giả cương quyết và một con người có lòng nhân sẽ không bao giờ tìm cách sống mà để làm hại lòng nhân. Anh ta thà là hi sinh cuộc sống của mình để thực hiện lòng nhân”(Luận Ngữ 15 :8).
            Chúng ta có thể thấy dấu ấn “siêu nghiệm” trong trong những nền văn hoá khác nhau như một giá trị tuyệt đối vượt trên những biến thiên của môi trường, của hoàn cảnh, vượt trên “bài toán” phản ánh của thế giới hiện thực khách quan vào ý thức con người. Con người cần phải thực hiện vận mạng của mình, cần phải bảo vệ phẩm giá của mình, và điều đó là một đòi hỏi vượt trên cả chính sự sống của mình nữa. Ta có thể nói rằng, theo quan điểm đức Tin, con người phải thực hiện mệnh lệnh của Đấng Tối Cao, nhưng có lẽ cũng cần phải nói, từ một hướng nhìn lấy con người làm trung tâm, rằng con người tự đòi buộc chính mình “phải” vượt trên những phản ứng có tính cách cơ hội chủ nghĩa để bảo vệ cho chính phẩm giá của mình, theo kiểu “thà chết vinh hơn sống nhục”….
            Quả thật, luân lý gắn liền với chiều kích tuyệt đối, gắn liền với dấn ấn “siêu nghiệm”, bởi vì nó là chính phẩm giá con người. Người ta có thể chấp nhận thất bại khi lựa chọn đường lối kinh tế sai lầm, người ta có thể mất tiền khi cá độ không chính xác, . . . nhưng người ta không thể bị kết án, bị khinh dể vì một tiêu chuẩn luân lý tuỳ thời, tuỳ hoàn cảnh. Chúng ta “nghe lại” một mẩu đối thoại trong một chuyện phim nổi tiếng Sám Hối :
“Tonike (con của Abe, cháu Varlam) : - Chuyện về ông nội.
Abe :- Ông con không làm điều gì xấu cả; hồi đó là thời kỳ phức tạp. Bây giờ khó mà giải thích được tất cả..
Tonike : thời kỳ thì có nghĩa lý gì ở đây ?
Abe: Có đấy con ạ. Tình hình lúc đó khác. người ta phải giải quyết vấn đề : tồn tại hay không tồn tại. Kẻ thù bao vây chúng ta, chúng chống lại ta. Theo con thì ta phải làm gì ? xoa đầu chúng à ?
Tonike:  thậm chí Barateli cũng là kẻ thù sao ?
Abe : Đúng thế, ông ta có thể là một hoạ sĩ giỏi, nhưng có nhiều điều ông ta không hiểu. Hơn nữa, ba không nói rằng chúng ta đã không có sai lầm. Cuộc sống của một hai người có nghĩa lý gì khi vấn đề liên quan đến hạnh phúc hằng triệu người khác ? Nhiệm vụ của chúng ta hồi đó thật là nặng nề. con phải nhớ điều đó phải phải biết nhìn xa thấy rộng hơn.
Tonike: Nghĩa là các người dùng phép tính số học để giải quyết số phận con người, so sánh tỷ lệ phải không ?
Abe: Chẳng nên lý tưởng làm gì, ranh con ạ. Đã tới lúc con phải biết rằng, đối với nột quan chức thì quyền lợi của xã hội bao giờ cũng được đặt cao hơn quan điểm cá nhân. Vâng, chính thế. Con phải hiểu điều đó.
Tonike : Người ta sinh ra, rồi sau đó trở thành quan chức....”

            Trong xã hội chúng ta, có hiện tượng quá dễ dàng kết án người khác với những từ ngữ : phản động, ngu xuẩn, điên cuồng, thằng này thằng nọ, nguỵ; đồng thời cũng thấy một sự ca ngợi quá lố những nhân vật chính trị. . . Một cách nào đó, người ta đồng nhất theo kiểu đồng nghĩa (univoque) thái độ chính trị và luân lý của con người. Khổ thay, những thái độ kết án tuyệt đối ấy lại không bền vững; khi thời cuộc thay đổi thì những kẻ bị kết án, hoặc những kẻ được đưa lên trời xanh lại thay đổi vị trí. Những điều ấy thể hiện quan điểm luân lý chỉ là giá trị của một hoàn cảnh; vô số người đã bị xúc phạm phẩm giá một cách bất công vì bị đồng hoá lập trường chính trị, tư tưởng ý thức hệ với luân lý. Hệ quả nguy hiểm của thái độ này là làm phai mờ dấu ấn “siêu nghiệm” trong tâm hồn con người. Điều đó không thể không tạo nên trong tâm thức của nhiều người một chủ trương cơ hội chủ nghĩa, và luân lý như một đòi hỏi chân chính trở thành điều thứ yếu.
3.3 Trả lại tầm mức ngôi vị cho cá nhân mỗi người
            Con người là một hữu thể có ngôi vị. Khái niệm triết học này, theo lối trình bày của kinh viện[18], nói lên được tính siêu việt của con người đối với vũ trụ; và theo đường hướng của thánh Thomas, nhấn mạnh tới tương quan bản thể và lập hữu nơi Thiên Chúa. Những cách nhìn như thế rất căn bản. Tuy nhiên, nền triết học nhân vị[19] lại nhìn ngôi vị con người một cách năng động và độc đáo, làm sáng tỏ được nét đẹp hiện sinh của mỗi con người, theo đó, ngôi vị là một cá thể tự thể hiện mình[20] như một tự do sáng tạo, hình thành nên một cấu trúc giá trị cho bản ngã của mình. Như thế, ngôi vị con người được mặc lấy xương thịt trong những lựa chọn có tính cách tự do. Trong khi cá thể chỉ là một mẫu vật của một chủng loại, mất cá thể này, ta có cá thể khác thay thế, miễn sao chủng loại được bảo đảm; thì ngôi vị lại là một đơn vị độc đáo tuyệt đối, nghĩa là không ai khác, không một cá thể nào khác, dù cùng loại, có thể thay thế hoàn toàn được. Tính cách độc đáo riêng biệt này được hình thành là nhờ một cấu trúc giá trị mà mỗi người tự sáng tạo cho bản thân mình : tôi thích mầu xanh vì nó làm cho tâm hồn con người dịu lại; tôi chọn nghề giáo vì đó là nghề đào tạo chính nhân cách con người; tôi là người Việt, tôi yêu tiếng nói véo von của người Việt…
            Khi không nhìn nhận cho đủ tính cách độc đáo như là nét căn bản của phẩm giá con người như một ngôi vị, người ta sẽ dễ dàng đi đến chỗ đoàn lũ hoá con người, đoàn lũ hoá bằng những phong trào, những thi đua, những xếp hạng, những khen thưởng, những bình bầu, những kế hoạch đạt thành tích…;  bộc lộ trong một cung cách đầy tính cách tuyên truyền (ba giảm, bốn quyết tâm, năm thi đua…). Chính nền tư tưởng coi thường phẩm giá con người, coi con người chỉ như một sinh vật xã hội, nền tư tưởng ấy đã làm cho những giá trị nhân sinh không thâm nhập và gắn kết với ngôi vị chân chính của con người, mà chỉ tạo nên một lớp vỏ những giá trị thuần túy xã hội. Những giá trị này không có khả năng “giáo dục” thực sự mà chỉ đúc khuôn, nhào nặn con người trong một môi trường đầy tính phong trào của tập thể mà thôi.
            Ngược lại, một thái độ tôn trọng phẩm giá và tự do của con người sẽ luôn luôn đưa ra những “lời gọi”[21], những ”đề nghị” và mong được đáp trả trong tự do. Những “lời gọi” này, một khi được đón nhận cách tự do chân chính, luôn bao gồm một chút sáng tạo, luôn bộc lộ một nét độc đáo, luôn là một sự gặp gỡ “bên trong”, là sự thông hiệp ở mức độ con người, thông hiệp giữa những giá trị chung của xã hội và ngôi vị độc đáo của mỗi con người.
            Như thế, có thể nói được, phẩm giá con người được thể hiện một cách “có xương thịt” trong cấu trúc giá trị riêng; vừa hoà hợp với tập thể, vừa độc đáo như một ngôi vị không gì có thể thay thế được. Nói cách khác, ngôi vị con người chỉ thể hiện trọn vẹn phẩm chất của mình khi thể hiện khả năng sáng tạo những giá trị riêng trong mối tương quan nhân bản với người khác.
            Một người thanh niên được lớn lên trong bầu khí xã hội thời bao cấp và cả hiện nay thường được thổi hơi bằng những phong trào, thường được đánh giá bằng những chiến dịch thi đua, thường tìm cách khẳng định mình bằng những thành tích được tuyên dương… Đường lối ấy luôn phải tìm ra thật nhiều chiến dịch, phát động thật nhiều phong trào; đường lối ấy tạo niềm hăng say phấn khởi cho cá nhân bằng bầu khí thi đua, và làm cho người ta chỉ tìm thấy niềm vui khi được khen thưởng. Ý nghĩa tự nguyên của hành vi đạo đức đã bị bỏ quên và thay vào đó là những yếu tố “đánh giá của xã hội”. Rất nhiều thanh niên, học sinh, sinh viên đã nỗ lực để đạt được những thành tích cao, nhưng nỗ lực ấy không xuất phát từ  thái độ tự nguyện mà xuất phát từ lợi ích cá nhân, từ cung cách đoàn lũ, chạy theo đám đông, chạy theo phong trào. Căn bệnh này không chỉ có ở nơi giới trẻ, nhưng hiện nay đã bộc lộ như một căn bệnh nan y ở nhiều cấp lãnh đạo, thuộc nhiều ngành khác nhau, đặc biệt là ngành giáo dục. Điều đó chẳng những không luôn luôn góp phần xây dựng đạo đức từ góc độ cá nhân; nhưng ngược lại rất thường phá huỷ hạt nhân đạo đức nơi cá nhân.
            Những dũng sĩ thi đua, những cá nhân tiến tiến, những người đạt thành tích xuất sắc ấy thường tìm thấy niềm vui khi được khen thưởng, mà ít tìm thấy niềm tự hào khi mình sống và thể hiện một giá trị nhân sinh do chính lựa chọn tự do của mình. Hệ quả là tạo nên một tình trạng “hèn hạ” khá phổ biến, ngay cả nơi những tầng lớp ưu tú của xã hội, chẳng hạn giới giáo chức. Ít có người dám khẳng đinh bản thân như “Tôi sống liêm chính”, “tôi không nịnh bợ”, “tôi chủ trương dạy học vì chất lượng, không vì thành tích”. . ., những thái độ ấy chẳng những thường không được tôn trọng, những còn dễ bị trù dập, nhất là khi chúng trái ngược lại với những chiến dịch, phong trào đang diễn ra. Người ta trở thành anh hùng trong những hành vi “tốt”, chỉ bởi vì hành vi ấy được đặt trong chiến dịch thi đua, trong chuỗi sinh hoạt của tập thể, trong bậc thang giá trị của phong trào; nhưng không thấy hành vi “tốt” ấy gắn liền với bản chất cá nhân của mình. Chính vì thế, chúng ta cũng có thể thấy, ngay trong chiến dịch thi đua sôi nổi nhất, những thái độ tắc trách, vô trách nhiệm. Tôi còn nhớ mãi kinh nghiệm của lần đầu tiên đi thủy lợi trong ấp Cây Dầu, Thủ Đức : để đạt được thành tích trong chiến dịch thủy lợi, tất cả một ấp, từ trưởng ấp trở xuống, đều chặt lá và thân dừa, độn bên dưới đê thủy lợi. Tất cả là nhằm tới thành tích thi đua, dù biết chắc rằng chỉ cần một con nước lên, thân dừa nổi theo con nước sẽ phá đổ toàn bộ công trình đê thủy lợi trong mấy ngày trời.
            Những thành tích và huy chương như thế không thể giúp cho những chiến sĩ thi đua, những anh hùng lao động trở thành những con người liêm chính trong suốt cuộc đời. Bao lâu còn chiến dịch thì còn phấn đấu, còn thi đua; bao lâu hết chiến dịch, tất cả còn lại chỉ là một đống huy chương và một tâm hồn trống rỗng những giá trị nhân bản; họ không có giá trị tự tại để làm xương sống cho hành trình cá nhân của đời mình. Chính đường lối ấy khiến cho đất nước ta, khi chiến tranh thì ra ngõ là gặp anh hùng, nhưng khi hết chiến tranh, đi đâu cũng thấy kẻ tiểu nhân. Chúng ta cũng thấy nhan nhản, những thanh niên, đã từng là những dũng sĩ thi đua trong một phong trào nào đấy, nhưng khi rời khỏi đoàn thể, lại dễ dàng trở thành những kẻ tội phạm.
            Trong bầu không khí tập thể xã hội như thế, trong một xã hội có quá nhiều phong trào, quá nhiều chiến dịch, quá nhiều bình bầu, thi đua, khen thưởng, thì chúng ta không lạ gì khi căn bệnh thành tích trở thành thâm căn cố đế. Bệnh thành tích không phải chỉ tai hại vì làm ra những sản phẩm kém chất lượng, nhưng còn phá huỷ phẩm tính của sự thật, phá hủy lương tri, phá huỷ lòng tự trọng…và phá hủy nền tảng đạo đức trong cấu trúc giá trị của ngôi vị con người. Chân nhận giá trị tập thể của quần chúng là một nét hay, am hợp với tinh thần của Kitô giáo. Tuy nhiên, sự vận động quần chúng mà không lắng nghe được phản ánh hồn nhiên của bản chất người qua quần chúng thì, trong thực chất, chính là một sự khinh dể và sỏ mũi quần chúng, một đám đông tội nghiệp dễ bị lợi dụng vì những mục tiêu không phải luôn luôn là đúng. Nhờ các phong trào quần chúng, những con người chất phác nghèo khổ, bỗng trở thành những người anh hùng chiến đấu chống ngoại xâm, điều đó không ai phủ nhận được; nhưng liền sau đó, quần chúng lại bị biến thành những kẻ "máu lạnh” khi cuồng nhiệt đấu tố cả những người thân.
            Mặt khác, nếu một xã hội chỉ có “kỷ cương phép nước” mà không có “luân thường đạo lý”, thì mỗi cá nhân sẽ tìm đủ mọi cách để phá rào. Hoàn cảnh xã hội sẽ luôn luôn có những kẽ hở luật pháp để những cá nhân không có đạo đức tìm được cách thức trốn tránh luật pháp; xã hội ấy là một xã hội băng hoại .  .  .   
3.4 Trả lại bầu khí trong lành để mỗi người tìm lại được ý nghĩa “ơn gọi” và “sứ vụ”
            Con người, trong bản chất của mình, không thể dừng lại ở mức độ sống liêm chính; không làm hại ai, nhưng cũng chẳng cần hết lòng với ai. Con người, trong tầng sâu của bản chất người,  luôn khao khát sống cuộc đời mình với một ý nghĩa cao đẹp (ơn gọi), và luôn muốn thể hiện bản thân như một sự trao ban trọn vẹn trong một sứ vụ.
            Để làm rõ thêm, ta thử so sánh hai ý niệm ơn gọi và sứ vụ với ý niệm nghề nghiệp và công tác. “ơn gọi” khác với “nghề nghiệp”. Nghề nghiệp là một công việc mình lựa chọn, hoặc bị ép buộc phải làm, nhằm đáp ứng nhu cầu của xã hội. Nghề nghiệp là phương tiện để kiếm sống, là một phương cách đổi chác, đổi điều mình đang “có“, để tìm một “cái có” khác cần thiết hơn. Trong khi đó, ơn gọi, hiểu một cách rộng rãi, lại là điều làm nên ý nghĩa trọn vẹn của một cuộc đời. Ơn gọi gắn liền với ý nghĩa bên trong, ơn gọi là sự thôi thúc thể hiện cái mình “là”. Phẩm chất của nghề nghiệp có thể đo đếm được, vì nghề nghiệp liên quan đến điều kiện làm việc khách quan, đến đồng lương cao thấp mà mình lãnh nhận; và khi hoàn cảnh xã hội thay đổi, thì người ta có thể thay đổi nghề để có điều kiện làm việc và đồng lương tốt hơn. Trong khi đó, ơn gọi thì không đo đếm được, ơn gọi cũng không dễ dàng thay đổi, nếu như người ta không muốn đánh mất ý nghĩa sâu xa của đời mình. Phẩm chất của ơn gọi, mạnh mẽ hay yếu nhược, liên quan đến ý nghĩa vận mạng một đời người. Nói “nôm na”, nghề nghiệp thì có thể có thời gian “nghỉ phép”, hoặc “nghỉ hè”; nhưng ơn gọi thì không thể có nghỉ phép hoặc nghỉ hè. Làm cha/mẹ, đi tu…là ơn gọi chứ không phải nghề nghiệp, do đó, không ai có thể “nghỉ hè tu”, hoặc “nghỉ hè làm mẹ”.
            Cũng thế, sứ mạng khác với công tác. Công tác là một phần của nghề nghiệp, và công tác được hoàn thành theo mức độ đòi hỏi tương đối của nghề nghiệp cũng như của hoàn cảnh khách quan bên ngoài. Trong khi đó, sứ mạng lại là điều xuất phát từ sự thúc bách của ơn gọi, sự thúc bách của trọn vẹn ý nghĩa một đời người. Do đó, sứ mạng không lấy tiêu chuẩn của ai khác, của hoàn cảnh bên ngoài, nhưng là một sự thúc bách từ bên trong, thúc bách làm nhiều nữa, làm hơn nữa, đến độ không lấy giới hạn nào làm đủ, thúc bách phải gom góp hết mọi năng lực của bản thân mình, hoặc vơ lấy cả những năng lực của Thần Thánh, để thể hiện cho bằng được. Người làm cha/mẹ, bình thường, là những người đã thực sự hy sinh cho con cái “đủ” rồi, hoặc “quá đủ” rồi; nhưng cũng bình thường, ít có người cha/mẹ nào chấp nhận một cách thanh thản : con đã lớn rồi, nó có thân nó phải tự lo lấy… Ngược lại, ngay cả khi đứa con của mình đã “hơn” mình mọi phương diện, khỏe mạnh hơn, tài giỏi hơn, giầu có hơn… thì người cha/ mẹ lại muốn vơ lấy thần thánh để phù giúp cho đứa con “bé bỏng” của mình. 
            Nhìn lại vận mạng một đời người, ta có thể thấy khá rõ: ai đó không có được một ơn gọi cho bản thân mình[22], người đó vẫn chưa thể sống trọn ý nghĩa và giá trị một cuộc đời. Cũng thế, cuộc đời mà không được thể hiện ra như một sứ vụ, cuộc đời ấy chỉ là một cuộc chiến đấu thảm hại để sống còn; chỉ là một thứ toán tính, đổi chác nhằm hưởng thụ, hoặc tìm sự thanh thản đóng khung trong cái tôi nhỏ bé của mình; chỉ là một phương cách đối phó để quanh quẩn trong mức độ trung bình cộng. Không có ơn gọi và sứ vụ, đó là một tâm hồn không có tâm huyết, một cuộc sống không có lẽ sống, một con người chưa thành nhân.
            Sự xuống cấp về đạo đức trong xã hội hiện nay, trong tầng sâu của nó, có liên can đến tình trạng mất căn tính của mỗi cá nhân. Trước đây, nhiều nhà giáo, hoặc bác sĩ chọn nghề cho mình như một “ơn gọi”, và thể hiện chứ năng nghề nghiệp của mình như một sứ mệnh. Thậm chí, trước đây, trong những ngành nghề hết sức “bình dân” như nghề mộc, nghề may, nghề hớt tóc,… thì người ta vẫn có một thứ “lương tâm nghề nghiệp”, biểu lộ ra như một sự “tự hào” về phẩm chất “cái mình là”, và người ấy không thể chấp nhận sản xuất ra những sản phẩm sai lỗi : “tao là thợ mộc, không thể đóng một cái bàn sai quy cách như vậy. Bỏ đi, lấy gỗ khác làm lại, lỗ cũng phải chịu…”. Tâm thức con người hiện nay thì khác hẳn. Ngay trong những ngành liên can trực tiếp đến mạng sống và tâm hồn con người, ngành giáo dục và y tế, thì người ta vẫn không còn thấy một chút ý nghĩa bên trong của “cái mình là”. Tình trạng đó có phải là hệ quả của chủ trương giản lược “con người là tổng hòa các quan hệ xã hội” không ?
            Thực sự, bản chất người luôn liên can đến một cuộc “vượt qua”, một sự “vươn lên” không ngừng nghỉ. Con người cần vượt trên mức độ công tác để đảm nhận sứ vụ, con người cần phải vượt trên mức độ tìm lợi lộc cá nhân, hoặc mức độ tìm dung hoà lợi lộc cá nhân với lợi lộc tập thể[23], để tìm thấy ý nghĩa trong một sự hy sinh chính bản thân của mình :
“Đức Giê-su trả lời : "Đã đến giờ Con Người được tôn vinh ! Thật, Thầy bảo thật anh em, nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác. Ai yêu quý mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này, thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời. Ai phục vụ Thầy, thì hãy theo Thầy; và Thầy ở đâu, kẻ phục vụ Thầy cũng sẽ ở đó. Ai phục vụ Thầy, Cha của Thầy sẽ quý trọng người ấy." (Ga 12, 23-26)

 

Kết luận

            Đất nước chúng ta đã vượt qua tình trạng nghèo đói, khi mà nền “kinh tế chỉ huy” đã không còn đủ khả năng đáp ứng nhu cầu muôn mặt của con người, và chính phủ đã phải đổi phương thức kinh tế bằng kinh tế thị trường. Chính nhu cầu muôn mặt của đời sống vật chất đã buộc xã hội chúng ta phải đi đến nền “kinh tế thị trường”.
            Cũng thế, trong tình hình kinh tế thị trường như hiện nay, chúng ta thấy một nền “tư tưởng chỉ huy” không có khả năng đáp ứng cho tình hình mới của nhân cách con người. Chính nhu cầu muôn mặt của tinh thần đòi hỏi con người phải được hít thở bầu khí “tư tưởng trị trường”. Sự độc quyền trong tư tưởng còn làm cho con người ngạt thở hơn cả sự độc quyền trong kinh tế. Tình trạng xuống cấp đạo đức hiện nay ở nước ta cho thấy nhân loại vẫn chưa tìm được một nền tư tưởng nào có khả năng khai mở “bí ẩn” của bản chất người. Cho đến hiện nay, những nền tư tưởng hoặc chế độ xã hội mang tính cách “toàn trị” vẫn có nguy cơ giản lược và đè nén bản chất người nhiều hơn là khai mở một chân trời huyền nhiệm của bản chất người. Trong ý nghĩa ấy, chúng ta hy vọng một chính sách rộng mở, một sự “giải phóng” đích thực, nghĩa là để nhiều luồng tư tưởng, nhiều tổ chức văn hoá, tôn giáo cùng đóng góp vào việc phát triển cơ cấu nhân cách của con người trong xã hội hiện nay.

                                                                                                Nguyễn Trọng Viễn O.P.







[1] X. Đỗ Lan Hiền, Vấn Đề Xây Dựng Đạo đức trong Bối cảnh Phát triển Kinh tế Thị trường, Triết Học số 4-2002, trang 16.
[2] X. Nguyễn Đình Tường, “Một số biểu hiện của sự biến đổi giá trị đạo đức trong nền kinh tế thị trường ở Việt Nam hiện nay và giải pháp khắc phục”, Triết Học số 6-2002, trang 20.
[3] Xin coi danh mục những đề tài nghiên cứu trong phần tham khảo.
[4] Xc. Lương Việt Hải, Về khái niệm “Hiện đại hoá xã hội”, Triết Học, số  1/2003, trang 14-15.
[5] Tâm Mạc, Làm gì để khắc phục “thập nạn” trong sinh viên ?, Tạp chí Phát triển giáo dục số 1, 1995; trích lại trong Nguyễn Đình Tường, Sđd, trang 19
[6] Đảng Cộng Sản Việt Nam, Văn Kiên Đại Hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1996 tr. 137.
[7] Trần Văn Đoàn, Đại Học Tổng Hợp quốc gia Đài Loan, {An Anatomy of  the moral crisis in the process of modernization,  international journal of philosophy, vol 30, N.I.2001.p.1-17}; Trích lại trong Tài liệu : Trung Tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn Quốc gia, Viện Nghiên Cứu Con Người, Trở Lại Với Con Người, Nxb Khoa Học Xã Hội , Hà Nội 2003.
[8] Xc. Hồ Sĩ Quý, Mấy Tư Tưởng Lớn của C. Mác về Con Người, Triết Học 6/2003, Viện Triết Học, Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn Quốc gia, trang 12-18.
[9] Xin tạm dùng từ “siêu nghiệm”, không phải theo nghĩa của “những siêu nghiệm” của Aristote, cũng không phải theo nghĩa của E. Kant…; không chỉ đối lập chủ trương duy nghiệm phê phán, nhưng cũng khác biệt với lập trường của triết học Mác,…  để chỉ những phẩm tính căn bản của bản chất người, những phẩm tính trường tồn, nhưng chỉ được được lộ ra qua những biến chuyển của dòng lịch sử. Xin dùng từ “siêu nghiệm” ở đây với sắc thái hơi giống như lập trường “Duy thực ôn hòa” của Thánh Thomas trong vấn đề “các ý niệm phổ quát”.
[10] Tiến sĩ triết học, Trưởng phòng Nghiên cứu triết học Việt Nam, viện Triết Học.
[11] Trần Nguyên Việt, Giá Trị Đạo Đức Truyền Thống Việt Nam và Cái Phổ Biến toàn Nhân Loại của Đạo Đức trong nền Kinh tế Thị Trường. Triết Học, 5/2002, viện Triết Học, Trung Tâm Khoa Học Xã Hội và Nhân Văn Quốc Gia, trang 20.
[12] Karl Jaspers, Triết Học Nhập Môn, bản dịch của Lê Tôn Nghiêm, Nxb. Ca Dao 1974, trang 194.
[13] Như trên, trang 197.
[14] Như trên, trang 194.
[15] Đỗ Minh Hợp, “Siêu Hình Học : tồn tại hay không tồn tại”, Tạp chí Triết Học, Viện Triết Học, Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn Quốc gia, số 7/2002, trang 53.
[16] Đỗ Minh Hợp, Sđd, trang 53.
[17] Giáo sư Đỗ Duy Minh, Đại học Harvard, bài tham luận “The Way, Learning, and Politucs in classical Confucian Humanism”, tại hội nghị về “The Axial Age and its Diversity”, Hamburg, Germany, từ ngày 4 đến 8 tháng Giêng, 1983. Xc. Dương Ngọc Dũng – Lê Anh Minh, Triết gíao Đông Phương, Nxb. Đại Học Quốc Gia, Tp Hồ Chí Minh, 2003, trang 242-243. 
[18] Theo định nghĩa của Boèce [480-525], được triết học Kinh Viện sử dụng, ngôi vị là : bản thể cá thể thuộc bản tính có lý trí [rationali naturae invidua substantia].
[19] Emmanuel Mounier [1905-1950] là người khởi xướng trào lưu Personnalisme này.
[20] J. Lacroix nói : “Ngôi vị không phải là một dữ kiện nhưng là một nghĩa vụ phải là”.
[21] Những người theo chủ thuyết nhân vị lưu ý về sự kỳ diện của từ “tiếng gọi” (l’appel) : kêu gọi ai tức là chỉ định họ bằng một tên gọi, đồng thời cũng chờ đợi nơi họ một câu trả lời làm nên chính hữu thể của người ấy.
[22] Hiểu theo tinh thần Kitô giáo, “ơn gọi” còn có một ý nghĩa sâu xa và trọn vẹn hơn nhiều : sống ơn gọi nghĩa là sống trọn ý nghĩa cuộc đời trong mối tương quan ngôi vị với một ai khác. Chỉ có mối tương quan từ chính bản thân, nghĩa là mang chính bản thân mình ra để “giao ước” (chẳng hạn giao ước của Bí Tích Thánh Tẩy ), làm nên một thứ “cộng đồng ngôi vị” (giống như đời sống gia đình), mới có thể hình thành nên ơn gọi đích thực và thúc đẩy đi đến một sứ mạng đích thực. Ngược lại, khi làm việc với sự vật (tất cả những gì không phải là bản thân của ai khác), người ta luôn bị rớt xuống tình trạng, hoặc “chôn vốn đời mình” trong sự thanh thản khép kín, hoặc “phá sản đời mình” trong cuộc đổi chác với xã hội.
[23] Xc. Phạm Mậu Tuyền, Những Nhân tố Cơ bản qui định sự Hình thành và Phát triển Nhân cách, Triết Học, 3/2002, trang43-48.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Top