ĐỨC MẾN

TRONG ĐỜI SỐNG THÁNH HIẾN

1a. “Sự sống” chân thật
* Con người và hạt nhân ý nghĩa
Muốn củng cố sức mạnh của một con người, người ta có thể trao cho người ấy một thứ vũ khí mạnh để có thể trấn áp người khác; hoặc trao cho người khác đồng tiền để có thể mua chuộc mọi thứ; hoặc trao cho người khác những mối liên hệ thuận lợi theo kiểu “nhất thân nhì thế”… Nhưng có lẽ điều ta có thể làm cho một người nào đó có được sức mạnh vô địch, nói một cách triết lý, đó là trao cho con người một ý nghĩa. Hai người cùng thể trạng, cùng đạp xe đạp trên một quãng đường bằng nhau, nhưng một người đạp xe bất đắc dĩ, còn một người tha thiết muốn tập để trở thành một tay đua xe… thì chắc chắn người tìm thấy được ý nghĩa cho công việc làm của mình sẽ là người tiến bộ nhanh hơn, đạp mau hơn rất nhiều. Ngược lại, người không tìm được ý nghĩa cho việc làm của mình sẽ tự làm yếu nhược chính sức sống của mình bằng thái độ tiêu cực. Đó chính là bi kịch Sysiphe được diễn tả trong thần thoại Hy lạp. Hành trình của kẻ không ý nghĩa có thể bị sụp đổ có khi chỉ vì một trục trặc nhỏ trên đường đời. Ta có thể thấy cùng một nguyên tắc đó trên tất cả mọi lãnh vực của cuộc đời con người, đặc biệt trong những lãnh vực dài hơi.

Con người mạnh hơn con vật, dĩ nhiên không phải là bằng bắp thịt, mà có lẽ cũng không phải chỉ bằng trí khôn. Trong bản năng, sức lực của con vật có được một sự thống nhất vì một mục đích duy nhất, đó là bảo vệ sự sống của mình bằng bất cứ giá nào. Cũng gần giống như vậy, trí khôn con người và cả thể xác con người, chỉ có thể được thống nhất, được quy tụ lại trong một ý nghĩa của cuộc đời. Tìm thấy ý nghĩa duy nhất của cuộc đời, con người tìm thấy được sức mạnh của toàn thể, sức mạnh của những tiềm lực có thể bị dấu kín trong nhiều tầng sâu của bản thân. Ý nghĩa đời người, đó là một “hạt nhân” có khả năng tập trung, thống nhất con người, và cung cấp sức mạnh thật sự cho hành trình phức tạp của đời sống con người.

Nhưng chúng ta có thể đặt vấn đề kỹ lưỡng hơn một chút : con người cũng có thể có nhiều loại ý nghĩa trong cuộc đời : ý nghĩa một việc làm, ý nghĩa một ơn gọi, ý nghĩa một sáng tác nghệ thuật…; thế thì đâu là ý nghĩa thật sự mạnh hơn cả trong con người ? Chúng ta có thể trả lời rằng chính tình yêu là loại ý nghĩa  sâu xa và mạnh mẽ hơn tất cả. Tình yêu là một nguồn mạch sức sống phong phú vô tận; tình yêu là nguồn mạch của nghệ thuật, của giá trị nhân văn, nguồn mạch của biết bao hoạt động kinh tế… trong cuộc sống. Thi sĩ Virgile[1], trong tập Bucolica nói rằng : “Omnia vincit amor” (tình yêu vượt thắng tất cả); và ông còn thêm : “Et nos cedamus amori” (và cả chúng ta hãy khuất phục trước tình yêu).

Trong sách Diễm Ca, chúng ta đọc được một lời ca tụng sức mạnh của tình yêu :
            “Phải, tình yêu mãnh liệt như tử thần,
   cơn đam mê dữ dội như âm phủ.
   Lửa tình là ngọn lửa bừng cháy,
   một ngọn lửa thần thiêng
   Nước lũ không dập tắt nổi tình yêu,
   sóng cồn chẳng tài nào vùi lấp.
   Ai đem hết gia tài sự nghiệp mà đổi lấy tình yêu,
   ắt sẽ bị người đời khinh dể.” (Dc 8,6-7)
 
* Sự sống toàn diện
- Khi ta ra đường, gặp những tình huống khó chịu ở nơi công cộng, đụng chạm và tranh cãi, … ta về nhà, buồn giận, càu nhàu, bực tức, và nhiều khi “giận cá chém thớt”… Đó cũng là sống, nhưng là một sự sống vụn vặt, rời rạc. Sự sống ấy không có một mạch sống liên tục, sự sống ấy không có đủ sức mạnh để vươn lên và tuôn trào, sự sống ấy quá mềm yếu mà một chút chuyện ngoài đường cũng có thể xâu xé được.

- Có khi ta xem phim, gặp thấy những con người “trợ lý giám đốc”, xum xoe trước mặt giám đốc, dạ dạ vâng vâng, xoa tay xoa chân,… mà không có một bản lãnh hay một lập trường độc lập nào. Người ta gọi đó là những kẻ “bợ đít”. Đó cũng là hình tượng của những quan thái giám ngày xưa trong cung đình. Sự sống ấy là sự sống không có “xương”, không có đủ “gân cốt” để đứng trên đôi chân của mình; đó là sự sống “bị thiến”, sự sống “công công”.

- Có khi ta thấy những bạn trẻ, hùa nhau để ăn chơi, hùa nhau để đua xe, hùa nhau để phá làng phá xóm… Nhưng thật ra, trong cả nhóm chỉ có một anh mạnh miệng, chỉ có một anh nắm đầu và lôi kéo tất cả… Ta thấy nơi đó cả một đám đông đoàn lũ, sống theo đuôi người khác. Đây lại là thứ sự sống dựa dẫm, không dám quyết định và bày tỏ chính cảm nhận, chính suy nghĩ của mình; những người ấy chỉ biết nói theo, làm theo, ăn theo, chơi theo những kẻ mạnh miệng.

- Có khi ta thấy những con người luôn sống trong nỗi sợ, những nỗi sợ vụn vặt, sợ đủ mọi thứ chuyện : sợ người này giận, sợ người kia la mắng, sợ buổi lễ không đúng ý người khác, sợ bị hiểu lầm… Đó cũng là sự sống, nhưng là sự sống yếu ớt, èo uột, biểu lộ một nhân cách dúm dó.

- Có khi ta thấy một người đàn ông thành công trong nhiều việc, có công danh, có sự nghiệp, có khi lại còn đầy uy tín ngời xã hội… nhưng lại có một sự tỷ mỷ đáng thương, khiến cho những người trong gia đình không thể chịu nổi; ông ta xăm soi từng việc tỷ mỷ, nhớ dai từng lỗi lầm, trì chiết từng khuyết điểm nhỏ… Đó cũng là sự sống, nhưng là một sự sống nghèo nàn, khô héo…

            Tất cả mọi hình thức của sự sống ấy đều như hướng tới một cách giải quyết một vài vấn đề nào đó xẩy ra trong cuộc đời; và có vẻ những cách giải quyết ấy cũng có được một sự thành công nào đó : bảo vệ được “cái ghế” của mình, khỏi bị rắc rối trong mối tương quan với bạn bè, bảo vệ cho đời sống được ổn thoả trong từng chi tiết… Nhưng những hình thức sống ấy lại bộc lộ có một khiếm khuyết khác, mà chính yếu là bộc lộ ra một trọng tâm trống rỗng, hoặc một trọng tâm yếu nhược, không đủ sức tiếp thu, không đủ khả năng ôm trọn lấy hành trình cuộc đời. Điều đó hé lộ cho thấy bản chất một cuộc sống thiếu ý nghĩa chân chính đích thực.

Con người là một thực tại hết sức phức tạp, không chỉ phức tạp trong cơ thể, nhưng trên hết là một sự phức tạp do tinh thần; đến độ khi ta trao cho con người bất cứ điều gì, tốt hay xấu, thì đều có thể đưa đến những kết quả “bất ngờ”; nghĩa là có thể  đưa đến những kết quả tốt mà cũng hoàn toàn có thể đưa đến kết quả xấu. Đồng tiền, ngôi nhà, tình bạn, tài năng… đều có thể hoặc tốt hoặc xấu; tốt cho người này mà lại xấu cho người khác, tốt trong hoàn cảnh nào, nhưng lại xấu trong hoàn cảnh khác… Do đó, ta có thể nói thách đố chính yếu của cuộc sống con người chính là thách đố của sự hàm hồ. Hoặc nói cách khác, trách nhiệm lớn nhất của con người là tìm được một ý nghĩa chân chính, ý nghĩa duy nhất cho trọn cuộc đời mình. Con người cần một sự sống toàn diện, nghĩa là cần một nguyên lý sống chân thật có khả năng thống nhất và làm phong phú trọn vẹn cuộc sống của mình.oặc nối
* Yêu và sống

Như sức mạnh của con vật được thống nhất trong bản năng bảo vệ sự sống, thì chính tình yêu nơi con người mới có khả năng thống nhất tất cả cuộc sống của con người trong một sức mạnh căn bản. Tuy nhiên, bản năng sinh tồn của con vật là sự thống nhất để bảo vệ cho chính nó; trong khi đó, tình yêu nơi con người lại là một sự thống nhất hướng tới ai khác. Đó là khác biệt lớn giữa con người với con vật; hoặc ta cũng có thể nói đó là khác biệt căn bản giữa sự sống của con người với con vật, vì đó là sự khác biệt trên bình diện ý nghĩa, thứ ý nghĩa mà chỉ con người có tự do và tình yêu mới có thể sống được.  Khi yêu và yêu chân chính, người ta được thôi thúc từ chính bản thân mình, để gom góp toàn vẹn bản thân mình mà trao ban trọn vẹn bản thân mình cho ai khác. Đó mới là tuyệt đỉnh của phẩm giá con người.

Yêu không phải là một chút trang trí hoa lá cành cho cuộc sống, yêu không phải là món đồ chơi xa xỉ của đời sống con người; nhưng yêu là khả năng nối kết mọi thành phần của con người phức tạp để làm nên một ý nghĩa thống nhất xứng tầm của con người. Yêu không phải là điều thêm vào cho cuộc sống, nhưng yêu là chính ý nghĩa của sống; sống trọn vẹn là sống bằng tình yêu. Yêu là sự sống đích thực, sung mãn nhất của mức độ con người. Như thế, tình yêu có một giá trị như cửa ngõ mở ra trước siêu việt, như biên giới của tuyệt đối. Chính tình yêu mới là sức sống siêu việt của con người; và nhờ tình yêu, con người có thể vươn mình hướng đến tuyệt đối.

Người ta có thể thấy được một số chuyện “động trời”, nghĩa là đụng chạm đến được biên giới của tuyệt đối trong đời sống con người do sức mạnh của tình yêu : chẳng hạn những chuyện cảm động trong các vụ tai hoạ; chẳng hạn tinh thần của những người mẹ cả đời hy sinh cho con…

Tình yêu chính là nguyên lý làm cho đời sống con người được thống nhất và phát triển, cũng như là khát vọng sâu xa nhất của con người. Bởi vì cái gì là cứu cánh thì cũng là nguyên lý; và cái gì là nguyên lý thì cũng là cứu cánh. Nếu con người khao khát tình yêu như cứu cánh của đời mình, thì nguyên lý giúp con người đi đến cứu cánh đó cũng phải là sức mạnh của tình yêu; và nếu ta xác tín tình yêu là sức mạnh chính yếu của con người thì điều đó cũng mở ra chân trời của cứu cánh đời người, tức là một thế giới yêu thương đang chờ đợi.      
1b. Thiên Chúa Yêu Thương, nguồn sự sống
* Tình yêu Thiên Chúa là nguồn sự sống

Đức Benedicto XVI mở đầu thông điệp “Tình Yêu Thiên Chúa” bằng những lời trích trong thư Gioan I : “Thiên Chúa là tình yêu; ai ở lại trong tình yêu thì ở lại trong Thiên Chúa và Thiên Chúa ở lại trong người ấy” (1 Ga 4,16); rồi ngài giải thích rằng điều thánh Gioan diễn tả “làm nên trọng tâm đức tin Kitô giáo… (…). Thêm nữa, cũng ngay trong câu đó, thánh Gioan đưa ra cho chúng ta một công thức tóm tắt đời sống Kitô hữu  : “Chúng ta đã nhận biết và tin vào tình yêu Thiên Chúa dành cho chúng ta” (số 1).

Quả thật, bản chất của tất cả đời sống đức tin Kitô giáo không là gì khác hơn chính là “đạo yêu thương”, và chính là tình yêu của Thiên Chúa. Điều đó làm cho đời sống đức tin thật sự là một điều gì rất đơn giản và thống nhất, tất cả chỉ có giới răn yêu thương :

"Thưa Thầy, trong sách Luật Mô-sê, điều răn nào là điều răn trọng nhất ?" Đức Giê-su đáp : "Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi. Đó là điều răn quan trọng nhất và điều răn thứ nhất. Còn điều răn thứ hai, cũng giống điều răn ấy, là : " Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Tất cả Luật Mô-sê và các sách ngôn sứ đều tuỳ thuộc vào hai điều răn ấy." (Mt 22,36-40)

 Còn điều thứ hai, cũng giống điều răn ấy…”, điều Chúa Giêsu giải thích như thế cho thấy thật ra hai điều răn cũng chỉ là một, là một trong nội dung của giới răn của tình yêu, và là một trong nguồn mạch, vì tất cả chỉ phát xuất từ chính tình yêu của Thiên Chúa mà thôi. Tính chất “là một” của Cựu Ước như thế được hoàn tất trong nét căn bản nhất của Kitô giáo :
               
Đây là điều răn của Thầy : anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình”.(Ga 15,12-13)

Tuy thế, mặc dù Kitô giáo hết sức đơn giản như thế, nhưng cả lịch sử Giáo Hội vẫn không ngừng tìm cách thông hiểu mỗi ngày mỗi trọn vẹn hơn mà chẳng bao giờ có thể thấu được trọn vẹn. Giới luật yêu thương đơn giản như thế, nhưng lại bao hàm tất cả cuộc sống con người; cũng bởi vì tình thương là nguồn cội của tất cả sự sống con người. Thánh Phaolô cho chúng ta một bài ca Đức Mến tuyệt diệu (X. 1 Cr 13,1-13); nơi đó ngài quả quyết “…cao trọng hơn cả là đức mến” (1 Cr 13,13). Rồi thánh Phaolô lại cho chúng ta thấy đức Mến được diễn tả trong nhiều khía cạnh của cuộc sống :

“Đức mến thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật. Đức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả”. (1 Cr 13, 4-8).

Quả thật, đức Mến tuy dễ mà khó, và tuy khó mà dễ. “Dễ” vì tự đáy lòng con người, ai cũng khao khát yêu thương, nhưng “khó” vì con người chẳng đủ sức đi trọn hành trình yêu thương. Cái “khó” ấy thật ra, trong Kitô giáo, đã Thiên Chúa “giải quyết” khi Ngài ban cho chúng ta chính tình yêu của Ngài trong Đức Giêsu, tình yêu lớn hơn mọi tình yêu; và cái “khó” ấy đã trở nên cái “dễ”. Những cái “dễ” này cũng không phải là dễ, vì nó luôn thôi thúc con người hy sinh chính bản thân mình theo như tình yêu của Chúa… Giáo Hội vẫn hiểu trọng tâm của đời sống đức tin là đức Mến, nhưng trong lịch sử, đời sống của Giáo Hội vẫn không ngừng giao động giữa “trọng tâm” và “ngoại biên”, nghĩa là lúc thì giữ đức Mến, nhưng lại không diễn tả được trọn vẹn trong đời sống; và có lúc thì tìm ra nhiều cách diễn tả đức Mến nhưng lại không còn bóng dáng thực sự của đức Mến. Hành trình đức Mến lúc nào cũng ở trạng thái vừa “đang đi” vừa “đã đến”; đã “đến” rồi nhưng vẫn cứ phải tiếp tục “đi”. Tâm trạng của người sống Đức Mến lúc nào cũng vừa bình an, vừa khao khát; bởi vì hơn hết mọi lãnh vực khác, chính nơi đức Mến, con người thể hiện trọn vẹn nhất bản chất của đời người.
* Đức Mến đòi hỏi sám hối

Như thế, đức Mến cũng đòi hỏi một sự sám hối không ngừng, sám hối không ngừng vì tình yêu thì không có giới hạn, không giới hạn trong mức độ và không giới hạn trong những chiều kích liên hệ. Hơn nữa sám hối không ngừng vì sám hối Kitô giáo là một sự sống mới, liên hệ tới một thực tại mới của đời sống : Nước Thiên Chúa : “Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần." (Mt 3,2). Việc sám hối này không chỉ có nghĩa là sửa đổi bản thân khỏi mọi tật xấu, nhưng nhằm tới sống sự phong phú khôn lường của Nước Thiên Chúa; và điều đó có nghĩa là sám hối mãi mãi, sám hối luôn luôn.

Nhiều người Kitô hữu chỉ đi xưng tội như là một cuộc tẩy rửa định kỳ, giống như người ta tắm rửa mỗi ngày một lần, hớt tóc mỗi tháng một lần, hoặc rửa xe hai tháng một lần. Sám hối chỉ như một cuộc tẩy rửa định kỳ như thế có thể làm cho người ta được bớt “cáu ghét”, bớt được tình trạng bết bùn trong tâm hồn, nhưng chắc chắn chưa phải là sám hối đích thực theo tinh thần Kitô giáo. Sám hối như thế chỉ là một thứ tẩy rửa bên ngoài chứ chưa phải là thay đổi bên trong. Nói cách khác, việc sám hối như thế chỉ mới là “xé áo” chứ chưa phải là “xé lòng” theo lời kêu gọi của ngôn sứ (x. Ge 2,13).

Một cách trọn vẹn hơn, sám hối chân thật bao hàm một sự thay đổi lối sống, nghĩa là không chỉ dừng lại hành vi ”định kỳ”, không chỉ gói gọn ý nghĩa sám hối trong một thời khắc nào đó (lúc xưng tội), trong một hành vi thêm vào lối sống cũ (đi xưng tội)… nhưng thay đổi chính lối sống của thói quen cũ, là biến cải chính lối sống quen thuộc hằng ngày để bước vào một hành trình mới. Việc sám hối này làm cho cuộc sống thoát khỏi những “dịp tội” thường gặp trên đường đời; đồng thời cũng gia tăng sức sống của niềm tin nhờ năng tham dự những sinh hoạt đạo đức… Chính quyết tâm thay đổi lối sống cho thấy một mức độ sâu xa hơn của lòng sám hối, một cung cách triệt để hơn trong việc dấn thân vào một nẻo được mới. Hành vi sám hối như thế có phần thực sự dính dáng đến chính bản thân của người sám hối chứ không phải chỉ là một hành vi phụ thêm của cuộc sống.

Tuy vậy, việc sám hối như một sự thay đổi lối sống thường vẫn chưa phải là một sự sám hối hoàn toàn của tinh thần Kitô giáo. Hành vi thay đổi đời sống của người kitô hữu nhiều khi vẫn không phải là một nhân đức đúng nghĩa, hay nói cách khác, vẫn chỉ là sống “nhân đức chịu vậy”; nghĩa là chấp nhận thay đổi đời sống một cách bất đắc dĩ, chấp nhận vì một sự ép buộc bên ngoài mà chính mình không ưa thích. Khi người ta không cảm được cái hay cái đẹp của nếp sống mới mà vẫn phải chấp nhận vì sợ, vì một sự ép buộc bên ngoài nào đó; khi người ta không tìm được một lòng thuận thảo với Nước Trời như chính giá trị thân thương của tâm hồn, thì việc thay đổi nếp sống vẫn chỉ là một dị vật trong đời sống tâm linh và không trổ sinh hoa trái phong phú được.

Nói tóm lại, với việc tẩy rửa định kỳ, hoặc thay đổi lối sống, người Kitô hữu vẫn chưa có được một sự sám hối vì lòng mến, mà chỉ có sám hối vì sợ; và vì thế, vẫn chưa thể là “sám hối vì Nước Trời”. Điều kiện để  bước vào Vương Quốc của Thiên Chúa là : "Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần." (Mt 3,2). Sám hối ở đây là một cuộc đảo ngược tinh thần, là một sự thay đổi tinh thần mới, thay đổi não trạng. Đó là một đời sống mới từ trong “nguyên lý” chứ không phải chỉ ở mức độ sửa đổi thích nghi. Đó là một cuộc sám hối bằng sức mạnh của Thần Khí Chúa, để được biến đổi từ chính “tinh thần” hay thần trí của con người.

Sám hối vì Nước Trời đã gần đến, nghĩa là từ bỏ những gì không thích hợp với Nước Chúa để sống thực tại Nước Chúa mỗi ngày mỗi sâu xa và mới mẻ hơn. Thực sự, con người, hoặc chính Giáo Hội lữ hành, vẫn chẳng bao giờ có thể hiểu trọn và sống trọn được thực tại Nước Chúa; đó là một hành trình “hun hút”. Trên hành trình ấy, Giáo Hội lữ hành của Chúa vẫn chưa thể nào thấy và sống được hết được nét phong phú của Nước Chúa. Thực tại Nước Chúa là một sự đảo ngược, đảo ngược về mọi mặt so với quan niệm bình thường của cuộc sống con người. Ta có thể nói đó là một sự đảo ngược mà con người không thể lường trước được, nếu như không để cho Thần Khí Chúa hướng dẫn. Tính cách đảo ngược ấy, ta có thể thấy tràn ngập trong từng đoạn, từng câu của sứ điệp Tân Ước mà người ta không thể nào kể ra hết được. Ta thử kể ra một vài thí dụ :

- Con Thiên Chúa sinh ra trong hang bò lừa;
- Đường lối cứu độ của Chúa Cha khác với đường lối của Satan;
- Bài giảng trên núi : luật trọn hảo của Nước Trời khác hẳn với luật cũ;
- Chọn lựa các tông đồ từ những người bình dân;
- Chúa yêu thương những người bé mọn, người tội lỗi và người ngoại giáo;
- Người làm đầu phải là người phục vụ;
- Người cuối hết sẽ nên đầu hết, người đầu hết sẽ nên cuối hết;
- Khi thết tiệc thì đừng mời những người quyền quí, những hãy mời những người nghèo;
- Những người từ Đông Tây Nam Bắc sẽ vào dự tiệc cưới; con cái trong nhà bị loại ra;
- Chúa bị xử án như người thua cuộc nhưng lại trở thành như quan án;
- Chúa chết ô nhục giữa các tên gian phi nhưng để thể hiện tình yêu như là Con Thiên Chúa . . .

Sám hối vì Nước Trời nghĩa là để cho Thần Khí Chúa đảo ngược không ngừng những lối hiểu, những cách ứng xử của con người thế gian, để mỗi lúc lại hiểu “à ra thế”; và mỗi lúc lại nghiệm thấy sự kỳ diệu của tình thương Thiên Chúa, thể hiện trong mầu nhiệm Nước Thiên Chúa. Hành trình đó chẳng bao giờ con người, chẳng bao giờ Giáo Hội Lữ Hành có thể an nghỉ như đã đạt đến đích. Quả thật, nội dung của Nước Trời mà Chúa Giêsu thiết lập là điều thế giới này không thể dung chứa hết được : “Còn có nhiều điều khác Đức Giê-su đã làm. Nếu viết lại từng điều một, thì tôi thiết nghĩ : cả thế giới cũng không đủ chỗ chứa các sách viết ra.” (Ga 21,25)

Khi người ta nỗ lực sống luân lý trong nguyên lý cũ, người ta có thể vươn lên một chút trong nẻo đường hoàn thiện bản thân, người ta có thể mang dáng vẻ một con người đạo đức, như gương mẫu cho thiên hạ… Nhưng người ta cũng luôn có thể nhận ra những giới hạn, những lỗ hổng, những nhược điểm, những thiên lệch của một thứ đạo đức của nỗ lực con người. Người ta có được một chút đạo đức thì lại dễ dàng an thân hoặc dưng dưng tự đắc một cách lố bịch; người ta có được một chút đạo đức thì lại dễ dàng khinh dể người tội lỗi; người có được một chút đạo đức thì lại lo bảo vệ “bàn tay sạch” của mình một cách vô trách nhiệm, nghĩa là từ chối dấn thân và liên lụy với những người đau khổ chung quanh mình; người ta có được một chút đạo đức ở khía cạnh này nhưng lại tệ hại ở khía cạnh khác.  Hoa trái của đời sống luân lý trong nguyên lý cũ là những thứ hoa trái còn nhiều “chất độc hóa học” do sự can thiệp “nhân tạo” của con người.

Sám hối chân chính là sám hối để đón nhận Nước Trời. Hoa trái của thực tại Nước Trời không phải là chuyện con người có thể làm ra được. Hoa trái của Nước Trời chỉ có thể trổ sinh trong nguyên lý mới của Thần Khí, trong chất dĩnh dưỡng mới của những giá trị Nước Trời và trong tình yêu trọn vẹn của Chúa Giêsu.
1c. Đức Mến trong đời sống thánh hiến
* Gợi ý suy niệm

1. Có phải đời sống thánh hiến quá để ý đến những chuẩn mực (hướng tới ngoại biên) nên dễ đánh mất ý nghĩa yêu thương ?
2. Người sống đời sống thánh hiến có làm chứng được chút nào về nguyên lý yêu thương xuất phát từ Thiên Chúa?
* Gợi ý thực hành

1. Tôi tìm được lời nguyện tắt nào cho chủ đề hôm nay ?
2. Người sống đời sống thánh hiến cần bận tâm yêu nhiều hơn.

2. Tình yêu : chân chính và giả tạo

2a : Tình yêu của con người
* Tầm mức của tình yêu con người

Tình yêu làm nên cuộc sống con người; nhưng tình yêu cũng làm ra bao nhiêu tội ác trong cuộc sống con người. Đó chẳng phải chỉ là những là những thứ tình yêu ghen tuông, tình yêu mù quáng; nhưng đó còn là biết bao tội tham nhũng, bất công, gian tham… mà trong thâm sâu chúng cũng có phần dính dáng đến một thứ tình yêu nào đó. Tình yêu làm nên cuộc sống con người, nhưng con người thường chỉ đạt được một thứ tình yêu “nửa chừng xuân”, tình yêu vụn vặt và què quặt, khiến cho cuộc sống con ngươi cứ mãi loay hoay; khổ vì yêu mà không yêu cũng khổ; yêu để sống nhưng nhiều khi vì yêu mà không còn muốn sống….

Thật ra con người khao khát yêu thương, nhưng lại không có đủ phẩm cách xứng tầm của tình yêu. Thế rồi, trong mức độ giới hạn của mình, người ta  vẫn cứ yêu, yêu một cách méo mó, lệch lạc. Cái nguy lớn là những thứ tình yêu méo mó ấy ru ngủ, hoặc trói chặt con người. Con người tưởng rằng mình cũng biết yêu, để lâng lâng ca tụng tình yêu. Con người lao vào tình yêu méo mó, nhưng lại không đủ khả năng ra khỏi hoặc vươn lên trên tình yêu ấy…. Quả thật, trong cuộc sống hằng ngày, có quá nhiều thứ tình yêu bị biến chất làm cho con người bị lạc hướng trong khu rừng của tình yêu; và người ta có thể nói về tình yêu rằng : “rượu càng ngon thì dấm càng chua”; nghĩa là sự biến chất của một điều càng cao qúi bao nhiêu thì lại càng trở nên tệ hại bất nhiêu.

Thách đố lớn của con người là cuộc chiến giữa tình yêu và ích kỷ; nhưng ích kỷ như là một sự ghen ghét nhiều khi lại không nguy hiểm và không lớn cho bằng “ích kỷ trong tình yêu”, nghĩa là một thứ ích kỷ trá hình, nghĩa là một thứ “luân thường lai” như Kant nói, nghĩa là một thứ tình yêu chiếm hữu, đóng kín trong cái tôi của riêng mình. Hay có thể nói cách khác, ích kỷ không hẳn chỉ là không có tình yêu nhưng còn là một thứ tình yêu nửa vời, một thứ gian dối của tình yêu. Cái thứ “luân thường lai” của tình yêu làm cho người ta không thấy được bản chất sa-tan của chính mình, làm cho người ta luôn tự bào chữa cho chính mình, … mà thật ra đó chỉ là né tránh sự thôi thúc của đích thực của tình yêu, để an thân trong một thứ ích kỷ trá hình.
* Tình yêu, xa và gần

Chúng ta thử tiếp cận tình yêu dưới một khía cạnh : xa và gần; nghĩa là khía cạnh đối tượng của tình yêu. Vấn đề dặt ra là : Tình yêu đi từ cái chung đến cái riêng hay đi từ cái riêng đến cái chung ? Đó là một vấn đề rất thực tế mà cũng rất nan giải của cuộc sống hằng ngày. Trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta có thể thấy, người ta luôn luôn sa vào một lựa chọn để loại trừ. Khi tình yêu “gần” thì không thể “xa”, và ngược lại. Khi người ta yêu người thân của mình và không còn đủ năng lực để có thể cống hiến đúng mực cho những người ngoài vòng yêu thương của mình. Khi người ta muốn đi xa trong tình yêu, thì người ta lại không bao giờ có thể yêu hết mình một ai cả. Cái tình cảm tréo ngoe đó làm cho tình yêu của con người luôn luôn hé lộ một khiếm khuyết không thể vượt qua.
* Tình yêu, lý trí và tình cảm
               
Ta thử tiếp cận một khía cạnh khác của tình yêu con người, đó là xét đến những năng lực của chủ thể trong hành trình đi đến tình yêu. Ở đây, người ta thấy rằng cái tình cảm thì bao giờ cũng hướng tới một đối tượng cụ thể, không thể có cái tình cảm của một tình yêu chung chung, phổ quát. Ngược lại, cái nhận thức của lý trí thì, bình thường, lại nhằm tới đối tượng là sự phổ quát. Như thế, Khi người ta bị lôi cuốn bởi cái eros như một cơn “đam mê xuất thần”, thì thứ tình yêu ấy bất cần đến sự can thiệp của lý trí. Nhưng nếu người ta quá thiên về lý tri, yêu như là một thứ Philein, thì chính thứ tình yêu ấy lại chống đối lại tình yêu hy sinh mạng sống cho bạn hữu :

“Trong khi người Do-thái đòi hỏi những điềm thiêng dấu lạ, còn người Hy-lạp tìm kiếm lẽ khôn ngoan, thì chúng tôi lại rao giảng một Đấng Ki-tô bị đóng đinh, điều mà người Do-thái coi là ô nhục không thể chấp nhận, và dân ngoại cho là điên rồ. Nhưng đối với những ai được Thiên Chúa kêu gọi, dù là Do-thái hay Hy-lạp, Đấng ấy chính là Đức Ki-tô, sức mạnh và sự khôn ngoan của Thiên Chúa. Vì cái điên rồ của Thiên Chúa còn hơn cái khôn ngoan của loài người, và cái yếu đuối của Thiên Chúa còn hơn cái mạnh mẽ của loài người”.(1 Cr 1,22-25)
* Tình yêu, phong phú và triệt để

Ta thử tiếp cận một khía cạnh khác của tình yêu con người, khía cạnh phong phú và triệt để, nghĩa là xét đến khía cạnh tình cảm, đến chính con tim của chủ thể yêu. Ở đây, ta lại thấy rằng tính chất phong phú và triệt để là những tiêu chuẩn căn bản của tình yêu chân chính, nhưng hai tính chất ấy lại luôn đi ngược chiều nhau. Chúng ta có thể thấy là tình yêu thì luôn phải phong phú, tuôn trào, rộng mở. Bởi vì giới hạn của tình yêu là tình yêu không giới hạn; bởi vì tình yêu mà lại chấp nhận loại trừ một phần nào đó, loại trừ một ai đó, thì đó đã là điều gì có nguy cơ phản lại chính tình yêu. Tính chất phong phú của tình yêu có nghĩa là tình yêu càng cho đi thì càng mạnh mẽ; tình yêu càng chia sẻ cho nhiều người thì lại càng sung mãn và mãnh liệt.

Tính cách triệt để của tình yêu có nghĩa là tình yêu thôi thúc ta dâng trọn vẹn cả bản thân mình cho người mình yêu; tình yêu không phải là một sự tính toán chía phần con tim, để yêu người này một chút, yêu người kia một chút. Tình yêu của hai người với nhau, để đạt đến mức triệt để, cần phải thể hiện như sự dâng trọn vẹn bản thân cho nhau, trong suốt cuộc hành trình cuộc đời …

Tính chất phong phú đòi tình yêu phải có khả năng tuôn tràn đến những người khác. Tính chất triệt để lại đòi tình yêu phải dâng trọn cho một người, không còn lại gì cho ai khác nữa. Làm sao để có được tính chất “triệt để -  phổ quát” nơi tình yêu con người ? Đó là một nan đề mà con người không dễ giải quyết được.

Trong cách nhìn của Kinh Thánh, chúng ta có thể nhận biết rằng, với tội lỗi, con người không còn có thể sống trọn vẹn “hình ảnh Thiên Chúa” nơi bản thân của mình được nữa. Con người được sáng tạo nên giống Thiên Chúa, nghĩa là con người được mời gọi để sống với Chúa. Nhưng khi không sống được trọn khao khát yêu thương khi sống với Chúa, con người ta bộc lộ khao khát yêu thương của mình thành những phản ứng nổi loạn : điều đó

- Giống như một người nhận tiền để mua nhà, nhưng vì chưa mua được nhà, nên tiêu xài vụn vặt hết tiền; cũng thế, vì con người không tìm thấy được một tình yêu chân thật, nên người ta sử dụng tình yêu vào những chuyện vớ vẩn, như yêu sự vật thay vì là yêu ai khác…

- Giống như một người nhận được một cây gậy để hái quả ngọt trên cây, nhưng vì không hái được quả, nên người đó dùng gậy đập phá lung tung; cũng thế, vì con người không tìm thấy được tình yêu chân thật, nên người ta “trả thù đời” bằng ghen tương, bằng lợi dụng, lừa đảo trong tình yêu…

- Giống như một người con, nhận được những món quà của mẹ như một bằng chứng về tình yêu, tình yêu dâng trọn bản thân cho đứa con, nhưng đứa con lại quá ham mê những  món quà, quá ham mê hưởng thụ cho mình mà quên mất tình nghĩa, nên đòi hỏi thứ này điều kia; cũng thế, con người đón nhận được tình yêu để đi đến với tình yêu thương của ai khác, nhưng vì ham hưởng thụ, vì quá hời hợt, nên đứa con chỉ biết tìm cho mình những đồ vật.

*** Thật ra con người không thể đi trọn được con đường yêu thương… vì chẳng thể đi từ cái chung mà cũng chẳng thể đi từ cái riêng; chẳng thể vừa phong phú vừa triệt để; chẳng thể thống nhất trọn vẹn lý trí và tình cảm trong tình yêu. Tình yêu thôi thúc con người, như sóng dạt dào, nhưng là những ngọn sống “không có chân”, không có nền, nên cứ ào ạt rồi lịm tắt, cứ mãnh liệt nhưng rồi lại đuối sức để rồi chìm lắng…. Những tội ác phát xuất từ tình yêu, thật ra không phải là do chính tình yêu, nhưng là do từ những khiếm khuyết của tình yêu, những khuyết phạp trong mức độ yêu thương của con người.

Đức Benedicto XVI, Trong Thông Điệp Thiên Chúa là Tình Yêu, sau khi  trình bày sự khác biệt giữa hai thứ tình yêu eros và agape, đã nói rằng :

Nếu như người ta đưa việc đối kháng này đến mức triệt để, thì điểm đặc thù của Kitô giáo sẽ bị tách ra khỏi những liên hệ căn bản của cuộc sống con người, và trở thành một thế giới đặc biệt, người ta có thể nhìn ngắm một cách kinh ngạc, nhưng lại bị cắt lìa khỏi sự toàn diện của đời sống con người” (số 7)…
“…trên căn bản, tình yêu là một thực tại duy nhất, nhưng lại có nhiều chiều kích khác nhau – tùy trường hợp, có thể chiều kích này nổi trội hơn chiều kích kia. Nhưng nơi nào cả hai chiều kích bị tách biệt nhau, thì sẽ xuất hiện một bức hý họa, hay có khi một hình thức què quặt của tình yêu” (số 8).

Nhận định ấy nhằm thống nhất mọi giá trị của tình yêu, nhưng qua đó, chúng ta cũng có thể thấy rằng, thật sự, chẳng mấy khi người ta có thể làm được sự thống nhất ấy; nghĩa là ta luôn thấy những hình thức què quặt của tình yêu con người.
2b. Tình yêu đến từ Thiên Chúa
* Đức Mến là nguyên lý sống cho đời sống đức tin

Đức Tin là cửa để đi vào thế giới niềm tin, nhưng chính đức Mến là nguồn sức sống cho đời sống ấy. Không có đức mến, đời sống tâm linh khó có thể vững bền và sâu sắc. Ngược lại, trong đức Mến của Thiên Chúa, người ta như tìm thấy nguyên lý sống, tìm thấy “lửa”, tìm thấy động lực, và tìm thấy niềm vui cho sống đạo để có thể đi dài trên hành trình đời sống thánh hiến. Nếu ta chỉ biết sống đức Cậy, nghĩa là đến với Chúa vì chính con người, vì thương con người mà ta cậy dựa vào Chúa, vì muốn xoa dịu những khổ đau của người nghèo,… thì ngay chính tính cách bấp bênh của tình thương con người với nhau có thể làm cho ta bị ru ngủ, khiến ta chỉ đạt được những giải pháp nửa mùa. Nẻo đường ấy làm cho cho đời sống tâm linh luôn thất thường, lúc hăng hái, lúc mệt mỏi, lúc chán nản, lúc an thân…; và sâu xa hơn, chính tình yêu của chúng ta đối với tha nhân cũng có nguy cơ trở thành một thứ “tình yêu lai”, tình yêu nhuốm đầy tính ích kỷ, quy ngã, hoặc chiếm hữu…

Trong niềm tin, chúng ta xác tín rằng : chính đức Mến đến từ Thiên Chúa, chứ không phải nguyên lý tình yêu của con người, có thể giúp con người đi trọn hành trình yêu thương. Nói đúng hơn, hai thứ tình thương ấy, với Chúa và với con người không loại trừ nhưng bổ túc cho nhau. Tất cả mọi thứ tình thương đích thực đều liên hệ mật thiết với nhau như một “vòng tròn của đức Mến”. Lòng yêu thương con người cũng xuất phát từ Chúa và thôi thúc ta tìm đến với tình thương trọn vẹn hơn ở nơi tình thương của Chúa; tình thương từ Chúa thì luôn phong phú và tuôn tràn đến với anh chị em của mình. Càng yêu thương anh chị em một cách trọn vẹn, người ta càng đi đến gần hơn với tình thương của Chúa; và càng đến gần tình yêu của Chúa, người ta càng được hun đúc thêm lửa mến trong tình thương với anh chị em của mình. Đó là điều ta có thể tạm gọi được là một thứ “tình tay ba”. Tình “tay ba” ở đây không phải là một tình huống éo le bi đát, nhưng như một dấu hiệu của sự phong phú trong tình yêu, một dấu hiệu cần thiết để nhận chân được tình yêu đích thực; đến nỗi ta có thể nhận ra đó là một nguyên tắc của đức Mến Kitô giáo.

Trong nguồn mạch của đức Mến đến từ Thiên Chúa Chúa, ta thử nhìn lại các thách đố của tình yêu như đã nêu trên.
* Tình yêu Thiên Chúa thanh lọc tình yêu con người

Nói như đức Benedicto XVI, tình yêu Kitô giáo không chống lại tình yêu Eros. Tình yêu Eros là một sự say đắm, khi mà lý trí bị xâm chiếm bởi một cơn “điên dại thần bí”. Nhưng tình yêu Eros cần phải được thanh luyện trong tình yêu Agape của Kitô giáo [2].

“Từ cái nhìn ngắn ngủi về hình ảnh của Eros trong lịch sử và trong hiện tại, chúng ta thấy có hai chiều kích rõ rệt. Chiều kích thứ nhất, tình yêu có liên hệ với  Thiên linh : tình yêu hứa ban sự vô hạn, vĩnh cửu – sự cao cả và hoàn toàn khác với thực trạng hằng ngày của chúng ta. Đồng thời cũng cho thấy, con người, để đạt đến đó, không phải chỉ đơn thuần là tùng phục bản năng. Sự thanh luyện và trưởng thành rất cần thiểt, và các điều này phải kinh qua con đường từ bỏ. Đây không phải là phủ nhận, cũng không phải là “đầu độc” Eros, nhưng là chữa lành để đạt được sự cao cả thực sự của nó” (Số 5).

Nếu quả thật con người không thể đạt đến những chiều kích gần như trái ngược nhau của tình yêu chân chính : gần và xa; chung và riêng, phong phú và triệt để, thì con người lại cũng không được dừng lại ở một giải pháp nửa mùa nào. Đó lại là một tính cách khác, cũng là tính chất rất căn bản, của tình yêu con người : tình yêu thì phải luôn thăng tiến, vận hành vươn lên, nấu nung khao khát, âm thầm kêu gọi, thúc đẩy mạnh mẽ… Bỏ mất tính chất vận hành vươn lên thì ngay lập tức tình yêu con người bị biến chất. Ở đây có thể hiểu được một chút tính chất thanh lọc của Agape đối với Eros. Agape thanh lọc Eros bằng cách không ngừng thôi thúc để Eros không được an thân trong sự quy ngã, hưởng thụ của chính mình. Agape làm cho bước khởi đầu của tình yêu Eros được đi vào vận hành hướng tới tình yêu không giới hạn về mọi phương diện.

Thế giới vật chất, mặc dầu người ta nhìn thấy trong đó một sự chuyển động không ngừng, nhưng vẫn luôn là một sự chuyển động hướng tới chỗ trung hòa, luôn tìm về một sự “cân bằng” để ngừng nghỉ; trong khi đó, thế giới sinh vật thì lại có một sức mạnh nào đó có tính cách “khuấy động”, luôn được “hút lên” để vươn đến một trình độ cao hơn. Tuy nhiên, chỉ nơi con người, và đặc biệt trong tình yêu, con người như được mời gọi để vươn lên đến tuyệt đối trong chính mức độ giới hạn của bản thân. Chỉ tình yêu và chỉ tình yêu Agape từ Thiên Chúa mới giúp con người làm trọn được khát vọng sâu xa, khát vọng được mời gọi vươn lên mãi trong tình yêu thương.
* Tình yêu của Thiên Chúa, vừa gần vừa xa

Khi dấn thân vào lịch sử, Thiên Chúa không trực tiếp đến với mọi người, nhưng Ngài lại muốn dùng chính con người để đến với con người. Đường lối thể hiện tình yêu cứu độ của Thiên Chúa là chọn một người vì một dân, chọn một Dân vì mọi dân tộc khác… Cũng thế, Chúa chọn Giáo Hội vì nhân loại; và như thế, “con người là con đường của Giáo Hội” như đức Gioan Phaolô II nhiều lần nhắc nhở; rồi Chúa chọn mỗi người trong Giáo Hội là vì lợi ích chung của Giáo Hội cũng như lợi ích chung của nhân loại. Đó là ý nghĩa sâu xa của bản thân Giáo Hội, ý nghĩa của chức vu và tác vụ trong Giáo Hội, ý nghĩa của các đoàn sủng trong các dòng tu… Trong Giáo Hội không ai nhận được một ơn huệ nào cho riêng mình, những luôn là được lãnh nhận để biết cho đi… Hành trình của tình yêu của Chúa, xuyên qua những người “gần” để đến với những người ”xa”. Có lẽ Chúa chọn đường lối ấy cũng là chọn vì con người, chọn cho con người. Con người có thân xác và trước tiên liên hệ với thế giới bên ngoài, liên hệ với người khác qua thân xác của mình. Con người cần trước tiên yêu mến những người “thân cận” với mình. Tuy nhiên, đó không bao giờ có thể là con đường đóng kín hoặc giới hạn, mà phải là con đường thực sự chứ không phải pháo đài, nghĩa là có khả năng mở đến những người ở “xa”.  

Như thế, mỗi người Kitô hữu được quyền coi mình là “môn đệ yêu dấu” của Chúa Giêsu, là người “ở gần”; nhưng cũng phải luôn hiểu ra là “môn đệ yêu dấu” là để chia sẻ tình yêu của Chúa cho anh chị em của mình, chứ không phải để hãnh diện hay vênh mặt lên với anh chị em của mình.

Như thế, trong chuơng trình cứu độ của Thiên Chúa, ta có thể khám phá ra hướng đi của đức Mến : Từ việc đón nhận Đấng Giêsu Kitô, để thấy được Ngài trong mọi người. Đường lối Thiên Chúa đi từ cái riêng đến cái chung; vì con người có thể xác, vì con người vốn yếu đuối tầm thường, vì đạo của Chúa mời gọi những người nghèo… Nhưng cái riêng ở đây lại là chính đức Giêsu và chỉ Đức Giêsu Kitô mà thôi; vì chỉ trong đức Giêsu Kitô, người ta mới có thể “nhìn thấy” Ngài trong anh chị em của mình được.
* Tình yêu nơi Thiên Chúa, luôn phong phú và triệt để

Nhìn lại trong Kinh Thánh, chúng ta có thể thấy một nét kỳ lạ của tình yêu, đó là “tình tay ba”. Đây không phải là tình tay ba của Hàn Quốc để làm cho tình yêu thêm rắc rối, để cả ba đều đau khổ, rồi cuối cùng một kẻ bị loại, hoặc một kẻ phải ra đi vĩnh viễn với cái chết tức tưởi. Mối tình tay ba trong Chúa là một sự phong phú của tình yêu, là sự ứa tràn của tình yêu để đến với nhân vật thứ ba.

+ Thứ nhất chúng ta nhận thấy tình yêu của Chúa Cha đối với Chúa con được tuôn tràn xuống các môn đệ :
Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy. Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy”.(Ga 15,9; xc. Ga 6,40; 14,20; 15,16; 16,23; 16,25; 16,27; 20,21; 20,17; …)

+ Rồi chúng ta cũng thấy con đường Chúa Giêsu mời gọi các môn đệ không phải là con đường đến với chính Ngài mà thôi, nhưng còn là con đường đến với Chúa Cha :
“Nếu anh em biết Thầy, anh em cũng biết Cha Thầy. Ngay từ bây giờ, anh em biết Người và đã thấy Người." (Ga 14,7; xc. Ga 6,65; 12,26, 14,2; 14,6; 14,9….)

+ Chúng ta thấy Chúa Thánh Thần như hoa trái phong phú của mối tình giữa Chúa Giêsu và các môn đệ.
Thầy sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho anh em một Đấng Bảo Trợ khác đến ở với anh em luôn mãi”. (Ga 14,16; xc. Ga 14,26; 15,26; 16,15;…)

* Tình yêu của các môn đệ Chúa Giêsu với nhau không thể nào ra khỏi quy luật “tay ba” như thế :

“Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau ; anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em”. (Ga 13,34; Ga 13,35; 15,12…)

* Cũng thế, trong hệ thống quản trị của Giáo Hội, Chúa Giêsu đòi hỏi Phêrô, muốn chăm sóc chiên, yêu mến Thầy; vì chỉ bằng tình yêu của Thầy, Phêrô mới có thể tận tình chăm sóc đoàn chiên :

Khi các môn đệ ăn xong, Đức Giê-su hỏi ông Si-môn Phê-rô : "Này anh Si-môn, con ông Gio-an, anh có mến Thầy hơn các anh em này không ?" Ông đáp : "Thưa Thầy có, Thầy biết con yêu mến Thầy." Đức Giê-su nói với ông : "Hãy chăm sóc chiên con của Thầy." (Ga 21,15-17 tt)

Cũng thế, thái độ tha thứ của con người với nhau không phải là những nhân đức luân lý mà con người có thể cố tập cho được, nhưng cũng xuất phát từ chính sự tha thứ của Chúa cho chính mình…(Xc Mt 18, 21-30)

Do đó, trong đức Tin, chúng ta hiểu ra điều thiết yếu trong đời sống Giáo Hội, đó là một thứ quy trình “tình tay ba”, nghĩa là tình yêu vừa luôn luôn cụ thể đối với một ai khác, lại vừa luôn phải mở rộng hướng tới những người khác nữa. Tình yêu của chúng ta đối với Chúa, tình yêu của Chúa đối với ta, và tình yêu của chúng ta đối với nhau, đó là những chiều kích gắn liền vói nhau. Nếu tình yêu của chúng ta với Chúa mà không thể hiện ra nơi anh chị em của mình, thì, như thánh Gioan đã nói, đó là kẻ nói dối.

“Nếu ai nói : "Tôi yêu mến Thiên Chúa"
mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối ;
vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy,
thì không thể yêu mến Thiên Chúa
mà họ không trông thấy”. (1Ga 4,20)

Ngược lại nếu quên đi tình yêu của Chúa, chúng ta sẽ chỉ yêu thương một cách hạn hẹp và méo mó.

“Hỡi anh em là những người con bé nhỏ,
chúng ta đừng yêu thương nơi đầu môi chót lưỡi,
nhưng phải yêu thương cách chân thật và bằng việc làm”. (1Ga 3,18)

Thiếu vắng tình yêu Thiên Chúa, người ta chỉ biết yêu những người thích hợp với mình; hoặc người ta không thể chấp nhận được nhau vì nhiều lý do hết sức chính đáng, và tình yêu bị thua cuộc trước sức mạnh của sự ghen ghét.… Những điều đó hoàn toàn không phải là nguyên lý của Tin Mừng Đức Giêsu Kitô.
* Tình yêu Thiên Chúa như chân trời mở rộng

Chiều kích tâm linh là chân trời rộng mở cho mọi điều thiện hảo trong cuộc sống con người. Không có chiều kích tâm linh, người ta không thể tha thứ mãi, không thể bác ái trọn vẹn, không thể tìm thấy một tiêu chuẩn vững bền cho mệnh lệnh luân lý, không thể sống trọn niềm tin vào con người… Chiều kích tâm linh thể hiện trong các tôn giáo. Thế nhưng, điều đặc biệt của Kitô giáo là đức Mến của Thiên Chúa; đức Mến như là động lực căn bản của hành trình tâm linh. Không có đức Mến, dù chân trời có mở rộng, con người vẫn không thể đi trọn được hành trình ấy. Trong chiều kích tâm linh, con người được mời gọi yêu thường người khác đến cùng, tha thứ đến cùng, sống trọn giới luật luân lý như một “yêu sách tuyệt đối”… nhưng dù nhận ra chân trời ấy, con người không dễ có thể đi được.

Chúng ta cũng có thể tìm thấy một nguyên tắc trong đời sống con người : muốn vượt lên khỏi cái xấu thì không thể chỉ dừng lại ở cái không xấu không tốt. Lựa chọn như thế sẽ làm cho con người “rớt lại” trong thế giới của cái xấu; vì bản thân của con người đã mang sẵn mầm mống của tội. Muốn tiêu diệt cái xấu thì phải vươn lên được cái tốt. Do đó, tình nghĩa con người với nhau cũng không thể vững vàng được nếu như không được nuôi dưỡng bằng tình yêu lớn lao, tình yêu vô điều kiện, tình yêu thứ tha, tình yêu hiến mạng sống vì bạn hữu…Tình yêu ấy không thể có ở đâu khác ngoài tình yêu của Thiên Chúa, thể hiện trong hiến tế của đức Giêsu Kitô.

Do đó, trong đời sống người tín hữu, trong đời sống cộng đoàn…nếu ta chưa yêu thương được thì hãy nhận ra sự yếu đuối của mình, mở lòng chờ đợi Chúa hoán cải tâm hồn chứ không bao giờ được bào chữa bằng cách kể tội chị em của mình. Dù với bất cứ lý do gì, những lý do rất đúng và rất thật, người môn đệ của Chúa không có quyền loại trừ anh chị em của mình, vì Chúa vẫn thương đến chính những người ấy, và vì Chúa vẫn mời gọi ta dấn bước hơn nữa trên con đường yêu thương.

Chính khi ta khao khát được yêu thương chị em của mình nhiều hơn, ta mới nhận thức được sự yếu kém của mình. Còn khi ta tìm được nhiều lý do để loại trừ, hoặc tìm cách ứng xử theo kiểu chọn mức độ trung bình, mức độ đúng đắn, mức độ phải phép nào đó, tức là ta từ chối đường lối tình yêu phong phú và triệt để của Chúa. Ngược lại, chính khi khao khát được nhập cuộc yêu thương bằng tình yêu của Chúa, ta mới biết mở lòng để cho tình yêu của Chúa thấm nhập và biến đổi con tim của mình. 
2c. Đức Ái trong đời sống thánh hiến
* Gợi ý suy niệm

1. Sống trong đời sống thánh hiến, nhưng tôi có thực sự khao khát tình yêu của Chúa không ?

2. Tôi có thật lòng muốn yêu thương anh chị em của tôi trong cộng đoàn nhiều hơn không ?
* Gợi ý thực hành

1. Suy niệm đoạn văn Ga 15, 12-15

3. Lòng mến thể hiện trong “Sống - Với”

3a. Con người cần một “quê nhà”
* Hậu phương và tiền tuyến

Cuộc sống xã hội ngày hôm nay có thật nhiều biến chuyển. Xã hội con người tiến bộ thật mau, nhưng cũng làm đảo lộn cuộc sống của nhiều người. Ngày nay, không còn chuyện “con vui thì lại làm vua, con sãi chùa lại quét lá đa”. Người ta có nhiều cơ hội để đổi đời, nhưng cũng có nhiều nguy cơ đánh mất cuộc đời. Con người ngày nay luôn sống trong tâm trạng “cuộc đời như chưa có đáp số”. Người ta luôn phải thăng tiến và luôn phải bảo vệ vị thế của mình; người ta chẳng thể yên ổn với cuộc sống hiện tại vì “nhìn lên thấy mình chẳng bằng ai”. Cuộc chạy đua thăng tiến ấy không bao giờ đủ và lòng con người cũng chẳng thể bình an…

Bầu khí chung của thời đại như thế làm cho người ta dễ rơi vào tình trạng luôn phải tìm cách thích ứng. Nhu cầu thích ứng trở nên quan trọng hơn là nhu cầu sống an hòa với chính mình. Thích ứng nghĩa là giải quyết vấn đề trước mắt, là đối phó “theo thời vụ” chứ không phải là giải quyết tận căn bản của vấn đề. Đó thường là những giải phát tạm thời chứ không phải một sự giải quyết tận căn; nó không bao gồm sự biết mình rõ rệt hơn, không phải là một kinh nghiệm sâu xa, để lại một bài học nhớ đời cho chính bản thân mình. Cuộc sống ngay nay “chạy” quá nhanh, nên người ta không còn cảm nhận được chính niềm vui của cuộc sống. Cuộc sống “chạy” quá nhanh nên người ta không còn đọng lại một giá trị nhân bản, hoặc một ý nghĩa thân thương, hay một một giá trị “thiêng liêng” nào cho tâm hồn mình.

Ta có thể thấy khá rõ lối sống của con người ngày nay là lối sống của một “người đi đường” chứ không phải là lối sống của một “người ở nhà”. Người ta giải quyết tạm thời những trục trặc để đi qua chứ không phải là một sự sửa đổi cẩn trọng và kỹ lưỡng của bản thân mình. Con người trong xã hội này không còn được an ổn và thanh thản như xưa.

Chính vì thế, trong sâu xa của tâm hồn, con người hiện nay cần đến một “hậu phương”, cần đến một chỗ “ở nhà”, cần một mái ấm cho tâm hồn được nghỉ ngơi thực sự. Henri Nouwen, trong cuốn  “Những Dấu Chỉ Của Sự Sống” nói rằng :

“…trong phần lớn thời gian, người công dân thế kỷ XX sống trong nỗi sợ. Nó trở thành căn hộ thường trú của chúng ta, trở thành nền tảng của những quyết định và hoạch định của chúng ta. Cuộc sống có quá nhiều nỗi sợ; người ta hầu như lúc nào cũng có một cái gì đó làm cho sợ; chúng ta gần như không tìm thấy được một người không sợ. . . .”  (Xc. Tr.11-12)

Nỗi sợ khắp nơi làm cho người ta không còn là mình, không còn có khả năng tìm lại chính nét độc đáo thân thương của mình. Người ta giống như một kẻ đi học, nhưng học là để đối phó với thời cuộc chứ không phải vì niềm vui của bản thân; phải học đề làm bài, phải học để thi cử, phải học để thăng chức… mà không còn thấy niềm vui được học biết những điều mình thích thú. Nỗi sợ làm cho người ta phát triển bản lãnh đối phó chứ không làm phát triển được bản lãnh sáng tạo. Sáng tạo bản thân, đó là tiêu chuẩn cho sự phát triển lành mạnh của con người… nhưng sự phát triển bản thân chỉ có được khi người ta có đủ thời gian “ở nhà”.

Ở nhà là nơi ta có thể làm những chuyện “vô ích”, nghĩa là những chuyện không nhằm đổi chác mua bán với ai, không để đạt được những đánh giá tốt của ai khác, của xã hội hay của các phong trào… Làm được những chuyện “vô ích” nghĩa là vui chơi, nghĩa là sống thôi chứ không để làm một cái gì. Điều đó cần thiết để con người “biết” được mình, biết được nhu cầu sâu xa và chân thật của chính mình. Điều đó cần thiết để con người khám phá lại nhu cầu “sống với” ai khác, chứ không phải làm được cái gì; nhu cầu được gặp gỡ và được đón nhận một cách căn bản, tức là đón nhận và được đón nhận chính bản thân. Điều đó cần thiết để bù đắp sự trống rỗng do phải lao mình vào đời sống đấu tranh do đòi buộc thích nghi của xã hội. Sinh vật phát triển theo qui luật cạnh tranh sinh tồn, hoặc thích ứng để tồn tại. Nhưng sự thích nghi ấy không phải là phương cách phát triển chính yếu của con người. Nơi con người, thích ứng sẽ làm cho con người không có một căn tính, một thứ căn tính được thể hiện, được diễn tả, được trải mình ra trong hành trình cuộc đời. Điều quan trọng chính yếu của con người là hình thành nên bản thân mình trong dòng lịch sử, diễn giải bản thân mình trong những gặp gỡ và thách đố của cuộc sống, và nhất là khám phá bản thân mình trong tương quan yêu thương. Môi trường thích hợp để thể hiện được điều chính yếu ấy là được sống với ai khác trong bầu khí nghĩa tình, được “ở trong nhà”.

Henri Nouwen cho thấy từ ngữ “ở nhà” có một tầm quan trọng lớn trong đời sống của con người. “Ở nhà” nghĩa là sống trong một sự an hòa từ trong tâm, nghĩa là sống một sự hiệp thông trong chiều sâu ở mức độ bản thân. Ở nhà là nơi ta thoát khỏi tính phòng vệ, được giải phóng khỏi mọi lo lắng, mọi áp lực như một điều kiện để được chấp nhận… Ở nhà là nơi “chúng ta có thể khóc cười, ôm nhau và nhảy, thanh thản mơ mộng hay ngủ say sưa, nơi chúng ta ăn, chơi đọc sách, ngồi bên lò sưởi, nghe nhac, tiếp đón bạn bè. Nhà mình, nơi chúng ta có thể nghỉ ngơi và chữa lành. Nhà mình nơi làm sống lên bao nhiêu tình cảm và xúc cảm, xây trên một hình ảnh duy nhất, đó là căn nhà vui sống; căn nhà của tình yêu” (tr. 21).

Ở nhà là nơi ta là ta, ta được là mình ở trong cái thâm sâu nhất của mình. Ở nhà là nơi ta sống mối tương quan ngôi vị chứ không phải tương quan kinh tế hay tài năng. Trạng thái “ở nhà” thì giống như một nữ tu, về nhà với mẹ, vươn vai khoái chí, thở dài thoải mái, và, một cách tự nhiên, xin mẹ mua cho hai tô phở ăn cho sướng… Ở nhà là nơi mà ta được nâng đỡ “ở bên dưới”, được đón nhận bản thân một cách căn bản, chứ không phải bị xách đầu từ bên trên để rồi tay chân phải quờ quạng để bơi theo… Đỡ nâng “ở bên dưới” nghĩa là một sự chấp nhận toàn vẹn để người khác có thể thực sự là chính họ, là sự hỗ trợ để phát triển bản thân, một sự phát triển gắn liền với gốc rễ của bản thân, chứ không phải một sự uốn nắn từ bên ngoài, làm cho sự phát triển bị lệnh lạc.
* Tìm được sự an hòa

Trong cuốn Tìm Được Đường Về, Henri Nouwen có kể về một thiếu niên 15 tuổi, bị bại não, sống trong cộng đoàn L’Arche, đó là Adam. Adam “không nói được, không tự mình thay quần áo, không tự mình đi được mà cũng chẳng tự mình ăn được nếu không có người giúp đỡ. Anh không khóc, không cười và họa hoằn lắm mới dám nhìn vào người đối diện”… Thế nhưng khi sống và phục vụ cho Adam, tác giả nhận ra được một món quà quí giá từ con người khuyết tật ấy, đó là sự bình an, một sự bình an bén rễ sâu trong con người, bén rễ sâu trong tâm hồn và một sự bình an có khả năng qui tụ thành nên một cộng đoàn xung quanh anh. Con người đầy những khổ đau và mất mát như Adam vẫn trọn vẹn là một món quà quí báu cho người khác; vì anh là một ngôi vị, và lối sống của anh đã “giảm trừ” được mọi thiên kiến giả tạo về một con người.

Có hai người bạn thân, khi người này dến nhà người kia, thì chỉ chào một tiếng, rồi rút quyển sách trong túi ra, nằm đọc sách bên cạnh bạn của mình. Thỉnh thoảng quèo chân nhau một cái, rồi lại im lặng đọc sách. . . Để làm gì ? không để làm gì cả, chỉ để ở với nhau thôi. Điều đơn giản đó, thật ra không phải là một sự nghèo nàn nhưng là một sự phong phú. Trong căn phòng đơn giản đó, có sự chấp nhận của cha mẹ, có sự thanh thản của mọi người trong nhà…. trong căn phòng đó, có người “ở với” mình. Chỉ có thế thôi, nhưng đó lại là một bầu khí quý báu thân thương mà anh không dễ tìm được ở nơi khác.

Xã hội hiện nay luôn thúc người ta đặt câu hỏi “để làm gì?”, “được cái gì ?”… Đó là thế giới “duy hiệu năng”, bị thúc đẩy do mối lo tìm được một thành quả. Đó là thế giới đánh mất cái “ở với”. Thật ra, không phải là người thanh niên ấy không có nhà để ở, không có nhà để đọc sách, nhưng anh ta cảm được một bầu khí nào đó ở bên cạnh người bạn của mình, một bầu khí làm cho anh ta tìm thấy được một sự bình an sâu xa nào đó. Chính những giây phút an bình đó giúp sức cho anh ta trên hành trình cuộc đời.

Người sống trong nỗi lo thì dễ đi tìm sự an toàn bằng cách gia tăng chiếm hữu; tìm “cái có”, tìm cái “sử dụng được” để gia tăng sự an toàn cho bản thân. Nhưng cái “có” không đến được tới ngôi vị của con người, cái “có” chỉ xuê xoa một chút khát vọng sâu xa của con người. Người tìm cái “có” là người quên mất “niềm vui ở với”. Khi mà người ta tìm thành quả, khi mà người ta tìm hưởng thụ, hoặc khi người ta tìm an toàn cho chính mình, người ta chỉ giải quyết chuyện vụn vặt của bản thân mình; và cũng không nhận ra được sự cao qúi của bản thân người khác. Khi đó, người ta chỉ tìm tính hữu dụng của những sự vật, coi người khác như những sự vật, sử dụng người khác, hoặc lạm dụng người khác… Khi tôi đi vào siêu thị, tôi tìm một đồ vật để mình sử dụng; người khác đối với tôi không là gì cả. Còn khi tôi đi đến nhà một người bạn, tôi tìm gặp một con người chứ không phải tìm một đồ dùng để giải quyết chuyện nào đó của tôi. Nhưng cuộc đời con người thì cũng luôn có những cái tréo ngoe : có khi tôi đến với người bạn, tôi chỉ tìm được nơi đó một người giúp đỡ tôi, một người giải quyết dùm tôi một chuyện khó khăn, một người mà tôi sử dụng tốt cho tôi. Lối sống đó chính là một sự lạc đường.
* Một cõi đi - về

Tạm dùng từ ngữ của Trịnh Công Sơn để diễn tả một ý khác, đó là kinh nghiệm rằng cách sống của cuộc đời con người thật ra không phải là một hành trình mải miết, không phải là một nẻo đường thẳng tiến, không phải là kẻ lúc nào cũng đối đầu với những thách đố trên đường đời, nhưng là một hành trình có chốn đi về. Lối sống của cuộc đời, đúng hơn, giống như một người ở nhà và đi làm, đi làm rồi lại trở về; nghĩa là một cuộc đi-về không ngừng. Để có thể dấn bước trên đường đời, người ta luôn phải có nhà, nghĩa là có chỗ để trở về; trở vể để có thể tiếp tục đi. “Tim mỗi người là quê nhà nhỏ” lời hát của Trịnh Công Sơn cũng nhắc nhở ta rằng, ngoài những cuộc đấu tranh giành giật trong cuộc sống, ta vẫn cần có một “quê  nhà” trong tim, cần được “ở trong nhà”, cần được sống trong một bầu không khí thân thương, an hòa. Chính sự an hòa trong tim như một hậu phương hùng mạnh có thể giúp con người tìm được sức mạnh bước trên đường đời.
* Thoát nỗi sợ để sống với

Kinh nghiệm cho thấy con người, trong cuộc sống hằng ngày, vẫn thường phải sống trong một tâm trạng phòng vệ; mỗi lần gặp gỡ không chân chính là mỗi lần người ta phải chiến đấu, phải suy tính cách nói, phải tìm thái độ thể hiện… và vì thế, người ta không thực sự thanh thản để có thể sống với. Khi nào con người không còn bận tâm về việc khẳng định trước mặt người khác, nghĩa là khi được thoát khỏi nỗi sợ thì con người mới có thể hiện diện với người khác một cách thanh thản và chân thật.

Quả thật, con người chỉ là mình trong tương quan, nhưng đó là tương quan hiệp thông chứ không phải tương quan cạnh tranh. Tương quan cạnh tranh dễ làm cho người ta đánh mất ý nghĩa bản thân mình, vì lo khẳng định mình “theo đuổi” người khác; tương quan hiệp thông lại giúp ta khám phá khát vọng bên trong và giúp ta khẳng định mình trong hoàn cảnh riêng của chính mình.

Trong tương quan cạnh tranh, ta nhìn tha nhân như một người đe dọa và ta đi vào cuộc đời như một cuộc đấu tranh; trong đó, sự vươn lên của tha nhân làm cho ta sợ hãi, và sự sụp đổ của tha nhân lại làm ta khoái chí. Khi ấy, lòng ta luôn bất an, vì ta giỏi thì có người giỏi hơn ta : ta sợ người đẹp hơn ta, ta sợ người giỏi hơn ta, ta sợ người tài hơn ta, ta sợ người giàu hơn ta…; khi ấy người ta rơi vào căn bệnh “đứng núi này trông núi kia cao”, luôn thấy người khác có điều hơn mình khiến mình phải thèm thuồng; khi ấy, ngấm ngầm trong ta là một ý nghĩ ghen tỵ, cái tình cảm nhỏ nhen ấy làm cho ta buồn với sự lành và vui với sự ác nơi người khác, chứ không phải là “vui với người vui, khóc với người khóc” (Rm 12, 15). Người ta dễ chia buồn và khó chia vui là như vậy.

Khi con người khám phá ra mình trong tương quan hiệp thông, người ta khám phá ra nét đẹp của bản thân mình, người ta vui thích với chính mình, và nhận ra mình có thể cống hiến cho người khác phẩm chất của riêng mình. Biết chính mình, biết hoàn cảnh và con người của mình, biết khát vọng và ý nghĩa thực sự của bản thân mình, người ta không cảm thấy tha nhân như một người đe dọa, nhưng như một người nâng đỡ; và khi đó, sự hiệp thông mới có thể bắt đầu.
3b. Thiên Chúa làm người, sng kiếp phàm nhân như con người
* Con người được sáng tạo để sống với

Mặc khải Sách Thánh cho chúng ta biết con người được dựng nên được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa; nghĩa là, theo nghĩa chính xác nhất, con người chỉ có niềm vui và sự bình an thực sự khi ở với Chúa, sống với Chúa. Đó là cuộc sáng tạo để cuối cùng hết, con người được “lên thiên đàng”, dĩ nhiên không phải để hưởng “mọi sự vui vẻ”, nhưng là được ở bên Chúa. Nền tảng của “hữu thể người” theo Kinh Thánh là như thế. Sự sống và sống với là nền tảng của mọi giá trị, mọi sinh hoạt, mọi việc làm, mọi thành quả của cuộc sống. Con người hình thành đời mình trong dòng lịch sử, nhưng điều đó không có nghĩa là mức độ hình thành cuộc đời mình lệ thuộc vào những thành quả đạt được, mà lệ thuộc vào mức độ xây dựng được bề dày nghĩa tình trong sống-với.

Tiếng reo vui của Adam khi gặp được Eva cùng cho thấy sự thành đạt của phận người đã được bắt đầu trong niềm vui sống với :

Con người nói : "Phen này, đây là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi !” (St 2,23)

Trong lịch sử ơn cứu độ, thái độ lệnh lạc nguy hiểm nhất chính là thái độ “thực dụng”, nghĩa là chỉ dừng lại ở mức độ sự vật, nghĩa là chỉ “sử dụng” Chúa và người khác như những phương tiện cho bản thân mình. Thái độ “thực dụng” khiến cho người ta giữ luật không còn phải là trung tín với Chúa mà là để tự hào về bản thân, dâng lễ vật trong đền thờ không còn là phượng thờ Chúa, mà là để an tâm và để tiếp tục sống bất công với người nghèo…(Xc sứ điệp của Amos). Cũng thế, trong đời sống Giáo Hội, khi người ta không còn nhận ra mạc khải của Chúa là mạc khải chính bản thân Chúa mà chỉ còn biết mạc khải là tỏ bày những chân lý “khách quan” nào đó; không còn nhận ra giao ước với Chúa là giao ước bản thân, ta thuộc trọn về Chúa và Chúa cho Con của Ngài chịu chết cho ta…

Đánh mất mối tương quan sống với, con người có cơ nguy đánh mất chính bản thân mình, vì đã đánh mất hình ảnh Thiên Chúa đã được ghi khắc sâu xa trong tâm hồn mình.
* Thiên Chúa làm người, trước tiên là để ở-với

Lời tựa trong Tin Mừng Thánh Gioan là một trình thuật tóm gọn bản thân và sứ vụ của Ngôi Lời Thiên Chúa, lời tựa ấy nói :

Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cự ngụ giữa chúng ta” (Ga 1,14)

Trước đó, sách Châm Ngôn đã nói về sự khôn ngoan được nhân cách hóa mà truyền thống Giáo Hội coi như những lời tiên báo về Ngôi Lời Thiên Chúa, trong đó, đức khôn ngoan là niềm vui của Thiên  Chúa và vui chơi với con cái loài người :

“Ngày ngày ta là niềm vui của Người
Trước mặt Người ta không ngớt vui chơi
vui chơi trên mặt đất
vui với con cái loài người” (Cn 8,30-31)

Ý nghĩa đó thật đơn giản nhưng cũng thật căn bản. Ý nghĩa ấy có lẽ cũng góp phần bổ túc cho một bầu khí Kitô giáo hơi quá thiên về “hành động”. Ơn cứu độ là một lịch sử, điều đó đã có phần làm cho ơn cứu độ Kitô giáo được nhìn như một sức năng động, vượt qua những biến động thăng trầm trong dòng lịch sử. Đặc biệt là biến cố đức Giêsu chịu chết, đó là cả một bản hùng ca có nhiều máu và nước mắt. Tuy nhiên, chúng ta cũng không nên bỏ qua môt giá trị khác của ơn cứu độ, đó là sự trầm lắng bình dị hang đá Bêlem, đó là 30 năm Chúa Giêsu sống thầm lặng tại Nagiaret, đó là những giây phút Chúa Giêsu lánh đi cầu nguyện một mình, và đó là những tâm tình lắng động của Chúa Giêsu được trình bày trong Tin Mừng Gioan :

Anh em đừng xao xuyến ! Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy. Trong nhà Cha Thầy, có nhiều chỗ ở ; nếu không, Thầy đã nói với anh em rồi, vì Thầy đi dọn chỗ cho anh em. Nếu Thầy đi dọn chỗ cho anh em, thì Thầy lại đến và đem anh em về với Thầy, để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó. Và Thầy đi đâu, thì anh em biết đường rồi." (Ga 14,1-4)

Chúa Giêsu nói đến chỗ ở trong nhà Cha. Đó chẳng phải là một không gian nhưng là phẩm chất của một đời sống; là sự an vui, thân mật, ngọt ngào của đời sống thân tình. Chúa Giêsu nói: "Anh em đừng xao xuyến !  Hãy tin vào Thiên Chúa và hãy tin vào Thầy", để cho thấy một ngôi nhà thân thương đang chờ đón. Nhà của Cha có nhiều chỗ ở, đó bầu khí mà người ta không còn bận tâm để đấu tranh, để giành giựt, để loại trừ…vì nhà Cha có thể đón nhận những yếu đuối của con người, có thể bao dung những tầm thường của con người, tấm lòng của Chúa Cha "có nhiều chỗ" cho những con người khác nhau, cho những tính khí khác nhau, cho những mảnh đời khác nhau. Đó là chỗ trong tấm lòng quảng đại của Chúa Cha, chỗ của một tình yêu phụ tử giữa Cha với Con.
               
Chúa Giêsu nói “Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó” : Chúa Giêsu nói với chúng ta về việc “ở với”, đó là cuộc sống đích thực, vì ở với  là vận mạng của con người và là niềm vui của con người; ở với là tất cả bản chất, tất cả ơn gọi mà Chúa trao tặng cho con người. Con người giống hình ảnh Chúa là con người được ở với Chúa. Chúa muốn các môn đệ ở với Người, và ở với người là “thấy Chúa Cha” là thoả mãn được khát vọng sâu xa nhất của con người. Chính sự trầm mặc, an hòa của một tương lai như thế có thể giúp các môn đệ vượt qua được sự sợ hãi và xao xuyến.
* Chúa Giêsu mời ta bước vào đời sống thân mật

Trong Tân Ước, Thiên Chúa bầy tỏ khuôn mặt của Ngài bằng ngôn ngữ của tình yêu. Chúa Giêsu không tỏ mình ra một cách oai nghiêm như Gioan Tẩy Giả, nhưng trong một cung cách bình dân, xuề xoà, gần gũi và có thể đến được với những người nghèo khổ tầm thường nhất. Chúa Giêsu nói với các môn đệ, và cũng là nói với mỗi người Kitô hữu :

“Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết việc chủ làm. Nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha Thầy, Thầy đã cho anh em biết”.(Ga 15,15).

Có lẽ, trong quá khứ, nhiều hình ảnh, nhiều quan niệm của chúng ta về Thiên Chúa được suy diễn từ hình ảnh một triều đình, khiến cho nhiều phẩm tính đặc biệt của Thiên Chúa, đặc biệt là những phẩm tính của một sự thân mật, được mạc khải trong đức Giêsu, đã không thể hiện được. Trong Đức Giêsu, chúng ta khám phá ra Thiên Chúa muốn mời gọi con người vào sống trong sự thân mật với Ngài. Thiên Chúa ở với người tín hữu trong tính thân mật.

Cha H. Nouwen cho rằng tính thân mật vượt qua thái độ quá gần và quá xa. Có lẽ chúng ta có thể hiểu được rằng, thái độ của người Kitô hữu đối với Chúa Giêsu không phải là một bài toán lấy điểm trung bình giữa quá gần và quá xa, giữa “gần chùa gọi bụt bằng anh” và “kính nhi viễn chi”; nhưng tính thân mật thuộc về một bình diện khác, không thuộc bình diện lễ nghĩa, nhưng thuộc bình diện tình nghĩa. Trong tính thân mật, người ta vượt qua được những quan niệm lễ nghĩa, và cũng vượt qua được nguy cơ quá gần hoặc quá xa. Tính thân mật không còn là một khoảng cách “không gian”, dù là không gian của lễ nghĩa, những là một hiệp nhất đặc biệt của Kitô giáo : hoà nhi bất đồng; chứ không phải đồng nhất hay dị biệt. Ta có thể khám phá một vài nét của tính thân mật : 

- Thân mật là “biết” về nhau : biết ở đây không phải là biết như một tri thức của lý trí, nhưng như một sự thân quen; như người mục tử biết chiên, chứ không phải như người chủ tính toán số chiên của mình.

- Thân mật là qúi trọng bản thân của nhau : sự quí trọng này không phải là được đo đếm theo một tiêu chuẩn tốt đẹp khách quan nào đó, những là do thực tại thuộc về nhau; không phải như người ta đề cao sắc đẹp của một cô hoa hậu, nhưng như người chồng quí trọng bản thân của vợ mình.

- Thân mật là dành riêng cho nhau : Trong đời sống thân mật, người ta dành riêng cho nhau những điều qúi trọng nhất của bản thân mình. Tình nghĩa vợ chồng chẳng hạn, không thể san sẻ cho người khác, vì để bảo vệ sự thân mật của tình yêu giữa hai người.

- Thân mật là hồn nhiên trước mặt nhau : nơi dây, người ta thoát được sự ngại ngần, và cũng thoát được hình thức lễ nghĩa để có thể sống thật, tỏ bày thật bản thân mình cho người mình yêu.
Có thể nói được rằng, khi đánh mất tính thân mật mà Chúa Giêsu mời gọi bước vào, Giáo Hội cũng đánh mất tính chất “ở với” để rơi vào một thứ “đạo sinh hoạt”.
* Bình an Kitô giáo, bình an được ở với

            Như thế, chúng ta hiểu được niềm bình an đặc biệt của Kitô giáo, niềm bình an không đặt nền trên một sự an toàn của sự vật, của sự cân bằng những thế lực chính trị… nhưng là sự bình an của tình nghĩa. Khi người ta tưởng sự bình an đến từ môt thế giới sự vật, người ta lo giải quyết vấn đề, dẹp bỏ chướng ngại, thậm chí phải trấn áp những thế lực đối nghịch. Thứ bình an ấy chỉ có thể là sự bình an bên ngoài, bình an của “ngôi nhà sự vật” bao bọc bên ngoài con người. Trong khi đó, bình an Kitô giáo gắn liền với tình yêu, giải đáp nỗi xao xuyến sâu xa trong lòng con người, giải đáp niềm khát vọng sống với của con người. Bình an Kitô giáo, có thể nói vắn gọn, là được Thiên Chúa ở cùng, là cùng đi với Chúa trên nẻo đường sóng gió; nghĩa là vẫn ở với Chúa ngay cả lúc ta đang đi trên nẻo đường gian nan của cuộc đời; bình an Kitô giáo là “ngôi nhà tình nghĩa”, nơi ta được ở với Chúa.

Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian. Anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi”.(Ga 14,27).
3c. Sống linh đạo hiện diện trong đời sống cộng đoàn
* Gợi ý suy niệm

1. Tôi có sống hồn nhiên được trước mặt Chúa không ?

2. Tôi có quá để ý đến “lễ nghĩa” trong đời sống cộng đoàn không ?
* Gợi ý thực hành

1. Hãy thử đến với Thánh Thể Chúa, không bận tâm làm gì, nói gì, mà chỉ thanh thản để cho sự thân mật của ta với Chúa được dâng lên.

4. Lòng Mến dấn thân

4a. Tình yêu thể hiện trong sự dấn thân
* Tình yêu giúp con người ra khỏi bản thân

Sự vật vật chất thì “lù lù” ra đó, nó là nó. Nó chẳng bao giờ ra khỏi bản thân, nên cũng chẳng đổi ra khác được. Nó sống hay chết cho một mình nó. Sự sống thì có một cơ chế đặc biệt hơn, sự sống có thể tự gạn lọc để thu nhận những gì thích hợp, tiêu hóa những gì mình thu nhận để biến trở nên chính xương thịt của mình. Sự sống cũng “tìm cách” ra khỏi bản thân mình để muốn sống “trường tồn” bằng sự sinh sản. Thế nhưng sự sống của con vật, thì dù tiêu hóa cao lương mỹ vị gì, thì vẫn chỉ là nó; và khi nó “ra khỏi bản thân” qua sự sinh sản, thì cũng chỉ là một sự kéo dài thêm sự sống của nòi giống. Cá thể của sinh vật chỉ là phương tiện cho giống nòi, và chính giống nòi của con vật thì cũng không có cứu cánh tự thân. Con người cũng là một sự sống, nhưng sự sống của con người thì khác hẳn. Đó là một sự sống có phẩm chất tinh thần, nó có thể ra khỏi bản thân mình để đạt đến một sự hiệp thông sâu xa với ai khác, nó có khả năng “trường tồn” khi chuyển sự sống của mình sang người khác. Sự chuyển thông này không phải chỉ là chuyển thông sự sống sinh vật của giống nòi, mà là sự sống độc đáo với những mơ ước và những giá trị cá nhân của mình. Con người như một cá thể độc đáo, mơ ước trường tồn, khát vọng tuyệt đối, có khả năng ra khỏi bản thân mình, bằng ngõ ra của tình yêu; để đến với ai khác, phó cả sự thành đạt đời mình cho ai khác.

Thật ra, bản thân tự tại của con người thì rõ ràng là một sinh vật tương đối. Tất cả thành công hay thất bại của tôi chỉ là cái hết sức tương đối. Tôi thành công thì có người thành công hơn tôi; tôi đau thì cũng có người còn đau hơn tôi; cuối cùng cuộc đời tôi đụng chạm vào cái chết, và mọi sự dính dáng đến tôi cũng tỏ hiện tất cả tính tương đối căn bản của nó trong cái chết của tôi. Mặt khác, trong thế giới sự vật, con người chẳng là gì cả; đứng trước con cọp, một con người không hơn gì một con nai.

Nhưng khi tôi yêu, tôi mong điều tốt cho người tôi yêu, tôi quan tâm đến người khác hơn là về tôi, và tôi bắt đầu biết di chuyển trọng tâm đời tôi ra khỏi cái tôi ích kỷ và giới hạn của tôi để đặt trọng tâm cuộc đời nơi người tôi yêu. Với một trọng tâm khác thì ý nghĩa của thành công hay thất bại cũng khác. Cái thành công của tôi có thể lại trở nên xấu, nếu nó mang lại điều không hay cho người tôi yêu. Ngược lại cái đau của tôi lại có thể trở nên tốt khi nó được đánh giá từ trọng tâm là điều tốt cho người tôi yêu. Với tình yêu thương, cuộc đời có thể thay đổi hoặc đảo ngược ý nghĩa; vì trong tình yêu, cuộc đời, thay vì là vun quén cho bản thân, lại trở thành như một hành vi cho đi; và cho đi trọn vẹn nhất chỉ có thể là cho đi chính bản thân.

Nơi đây, tính chất tuyệt đối của con người mới ló dạng. Phẩm giá tuyệt đối của con người chỉ xuất hiện khi được đưa vào bình diện giá trị, nghĩa là trong sự đánh giá của tự do con người trong bình diện nhân văn (và do đó nó cũng có thể bị chối từ nếu như người ta không bước vào bình diện nhân văn của con người). Những cái giới hạn tự tại của con người sẽ tan biến đi khi người ta biết trao tặng và trao tặng bản thân cho nhau. Khi ta trao tặng bản thân mình cho người khác, nghĩa là ta đã nhận ra giá trị tuyệt đối của người khác; và khi ta trao tặng bản thân cho người khác thì cũng có nghĩa là ta đưa bản thân mình vào thế giới tuyệt đối. Cũng vậy, khi một người lãnh nhận bản thân dâng tặng của người khác như một tuyệt đối, không thể lấy điều gì khác thay thế được cho bản thân của người khác, nghĩa là người đó biết nhận ra giá trị tuyệt đối của bản thân ai đó, giá trị không có gì có thể đổi chác hay mua bán được. Nếu cả hai chiều hướng đó đều thể hiện được một cách chân chính, nghĩa là không đánh giá sự vật như con người hay hơn con người, nghĩa là không giản lược con người thành một sự vật, nghĩa là tính tuyệt đối của một con người được đón nhận trong tự do chân chính, thì thế giới của tuyệt đối đuợc khai mở…

Quả thật, người ta không thể ra khỏi bản thân mình được nếu không có cánh cửa của tình yêu thương; vì chính tình yêu mới có thể là động lực giúp con người trao tặng bản thân, cũng như chính tình yêu mới có thể mở rộng tấm lòng để đón nhận bản thân người khác như một tuyệt đối.


Con đường hoàn thành vận mạng của đời người, cuối cùng, lại chính là gom góp trọn cuộc đời mình để cho đi. Đó không là gì khác hơn con đường dấn thân; và đó là phương cách duy nhất để ra khỏi cái tôi giới hạn, tương đối, bất tất, chóng qua, để đi vào bình diện tuyệt đối. Chính tình yêu mới có thể là cánh cửa cho con người ra khỏi chính mình, và chính tình yêu mới có thể giúp cho con người hoàn thành vận mạng tương đối của mình. Tình yêu như thế là cánh cửa mở ra với tuyệt đối.

Con người là tạo vật duy nhất ở trần gian được Thiên Chúa dựng nên vì chính họ, chỉ có thể gặp lai chính bản thân mình nhờ thành thực hiến dâng” (MV 24c).
Dĩ nhiên, trong niềm tin Kitô giáo, chúng ta hiểu rằng gốc gác sâu xa và trọn vẹn của phẩm giá con người phải do từ Chúa; và thật sự nếu không có Chúa, nếu phẩm giá con người chỉ là một thành tựu của văn minh con người thì chính phẩm giá con người cũng không thể thực sự có một nền tảng bền vững ngay trong chính thế giới của con người được. Trước mặt Chúa, một người bé mọn nhất cũng không thể bị coi thường.
* Con người chỉ có thể dấn thân vì ai khác

Triết gia G. Marcel cho rằng người ta không thể dấn thân vì mình, không thể dấn thân vì sự vật, ngay cả với một lý tưởng, nhưng chỉ có thể dấn thân vì một ai khác. Khi người ta lao vào cuộc để củng cố, để thăng tiến bản thân mình, người ta dễ rơi vào kiêu ngạo hoặc ích kỷ, đó là thái độ đóng kín trong chính mình. Tất cả vẫn chỉ là làm phình to lên cái tôi của mình mà thôi. Khi người ta dấn thân vì sự vật, vì một thứ chân lý khách quan nào đó, vì một công trình tuyệt vời nào đó, thậm chí vì một lý tưởng cao đẹp nào đó mà không hướng đến ai khác, thì thật sự ra đó cũng chỉ là một sự dấn thân vì mình mà thôi. Dấn thân chỉ có thể là dấn thân vì ai khác.

Người đi vào đời sống hôn nhân hoặc đời sống tu trì đều một cách nào đó là những người “điếc không sợ súng”, nghĩa là không thấy hết được những khó khăn trong ơn gọi và sứ vụ mà mình lựa chọn. Điếc không sợ súng, một cách nào đó, là “tưởng bở” hóa ra là “dai”. Thế nhưng cái hay của hành trình “điếc không sợ súng” là : chính trên hành trình không được duyệt chính do lý trí, con người vẫn có thể đi cho trọn vẹn được. Đúng hơn, chính hành trình điếc không sợ súng thật ra lại tỏ lộ rõ rệt hơn động lực của hành trình : chính những tương giao trên hành trình dấn thân vì ai khác, chính những nghĩa tình được xây dựng trên hành trình dấn thân mới có thể nuôi dưỡng và trở nên động lực của hành trình dấn thân. Điếc không sợ súng, điều đó cũng có nghĩa là động lực để người ta đi trên đường đời, sâu xa hơn, không phải là lý trí lựa chọn một chương trình, không phải là một lý tưởng đẹp được mơ ước… nhưng chính bề dày nghĩa tình, nghĩa là chính những tình nghĩa, chính vì tha nhân mà ta gặp trên hành trình dấn thân làm cho người ta tìm được sức sống mới, liên tục phát sinh sức mạnh để đi trên hành trình ơn gọi và sứ vụ. Điếc không sợ súng, đó cũng là điều cần thiết, vì khi đó, người ta lao vào cuộc, có thể vì tưởng bở, nhưng không phải đi vào cuộc với sức mạnh và chương trình của mình, mà là nhờ sức mạnh của tình liên đới cụ thể, càng đi thì càng “tự sạc” điện cho mình bằng những kinh nghiệm của sống-với. Điều đó cũng cho thấy con người chỉ có thể dấn thân thực sự và dấn thân đến cùng vì ai khác, chứ không phải vì một chương trình hay vì bất cứ một sự vật nào khác.
* Yêu thương là dấn thân đến cùng

Đi vào nhịp bước tình nghĩa, người ta được mời gọi  ra khỏi bản thân, dấn thân vì tha nhân và dấn thân cho đến cùng. Tiếng gọi của tình yêu chân chính bao giờ cũng thôi thúc con người đến một cách sống yêu thương trọn vẹn, triệt để, yêu thương đến cùng. Hành trình của tình yêu không phải nhằm đạt đến một sự an hòa cho bản thân, nhưng là vượt quá bản năng bảo vệ bản thân. Đó luôn luôn là một cuộc “vượt qua”. Tình yêu thương, trong khía cạnh dính dáng đến vận mạng con người, không thể được giải quyết bằng thái độ “đi giầy cao gót”, thái độ “đi cà khêu” trong cuộc đời. Để đến với ai khác trong tình yêu, ai khác như một bản thân có giá trị tuyệt đối, ai khác như vận mạng một đời người, ai khác với tất cả sự phức tạp của cuộc đời, người ta cũng phải hy sinh cả một đời.

Những người làm cha làm mẹ, những người có kinh nghiệm “cưu mang” một cuộc đời, “mang vác” một phận người,… có lẽ dễ hiểu được điều đó. Mang vác một cuộc đời là cả một hành trình gian nan, khốn cực mà người nào nhát đảm, an thân không thể nào đi trọn được. Để đồng hành với một phận người, người ta không thể đứng bên lề cuộc đời để khỏi vướng bùn nhơ, không thể đứng xa xa, cầm cây khều khều, gẩy gẩy… nhưng là xắn quần lên, là lội vào bùn, là ngụp lặn trong bùn. Có lẽ chính vì con người cần được cưu mang, cần được mang vác như thế mà Chúa cho con người có cha có mẹ.

4b. Thiên Chúa là Thiên Chúa dấn thân vào lịch sử

* Con người được kêu mời dấn thân và cần đến một Thiên Chúa dấn thân

Trong nhiệm cục sáng tạo và cứu độ, con người được mời gọi dấn thân. Có lẽ chúng ta cần hình dung tiến trình sáng tạo khác, trong đó, con người không phải phát xuất từ Thiên Chúa, đi ra khỏi Ngài như một đam mê vô vọng trong cuộc đời; cho đến khi khám phá ra nẻo đường sai lạc mà quay trở về thì được hoà nhập vào Thiên Chúa. Đó là mô hình “ngoại đại”, không bao hàm chiều hướng dấn thân chân chính. Mô hình sáng tạo cần được nhìn theo chiều hướng con ngưòi được sáng tạo từ hư vô để tiến đến với Thiên Chúa; và hành trình tiến đến ấy chính là lịch sử cuộc đời mình. Hành trình lịch sử như thế không phải là nẻo đường đi lạc cho bằng là nẻo đường cần thiết để đến với Chúa, để thể hiện mình như một lời đáp, thể hiện mình với tất cả tính độc đáo, riêng biệt và trường tồn mãi như là chính mình. Mỗi một con người, dấn mình trong lịch sử, sẽ mãi mãi là thằng tôi ấy, “đời đời kiếp kiếp” là thằng tôi độc đáo ấy, để đi vào một tình yêu “hoà nhi bất đồng” của Thiên Chúa.

Con người là người và làm người. Đời sống con người là một hành trình và phải dấn thân đi vào lịch sử; cái chính yếu của đời người là dấn thân chứ không phải giác ngộ; là một hành động chứ không phải lý thuyết, là chọn lựa và lao vào cuộc chứ không phải là bảo vệ một tình trạng nào. Dấn thân vào hành trình lịch sử, đó là một vận mạng vô cùng phức tạp chứ không phải chỉ là một bài học lý thuyết có thể được hiểu một lần là xong. Cuộc đời có muôn vàn tình huống mà không thể dễ dàng giải quyết bằng một nguyên tắc đã có. Do đó, con người không phải chỉ cần một Thiên Chúa soi sáng, dạy bảo cho bằng cần một Thiên Chúa đồng hành.

Con người được sáng tạo nên do tình yêu Thiên Chúa và được mời gọi sống trọn hành trình cuộc đời mình trên nẻo đường đi về cùng Thiên Chúa. Được sáng tạo cũng chính là được mời gọi, lời mời gọi ra khỏi hư vô để đi đến tình yêu trọn vẹn. Đó là một hành trình thực sự mang tính cách dấn thân. Đi vào đời và sống trọn cuộc đời trung tín với Chúa trong dòng lịch sử, đó chính là lời đáp thiết yếu của con người. Lời gọi và lời đáp cũng đều là tình yêu. Lời gọi hiện hữu cũng nhất thiết gắn liền với lời đáp thể hiện mình trong dòng lịch sử. Con người không thể hoàn thành vận mạng của mình như một sinh vật sống trong vòng tử sinh, không thể hoàn thành với những thành tựu dù rất cao cả của con người. Những người đứng trước cái chết, nhất là những người trải qua một cuộc đời lầm lũi khổ đau, thường sẽ nhận ra tính vô vọng, tính vô nghĩa tự tại của cuộc đời. Tính vô nghĩa ấy chỉ có thể được vượt qua khi người ta hiểu cuộc đời mình là lời đáp. Ý nghĩa trọn vẹn của đời sống con người chính là nhận ra mối liên hệ ý nghĩa của đời mình với Thiên Chúa, và đời sống ấy trở thành một lời đáp. Do đó, điều quí trong nhất của đời sống con người chính là được nhận ra Thiên Chúa là Cha, là bạn đồng hành, là Đấng liên lụy vào đời sống giới hạn của con người; và như thế, đời sống con người chỉ còn là đáp lại, là dấn thân và phó dâng …
* Thiên Chúa của mặc khải là một Thiên Chúa dấn thân vào lịch sử

Thiên Chúa của Abraham, Isaác và Giacóp không phải là Thiên Chúa của các nhà bác học, B.Pascal đã nói như thế. Điều đó trước tiên diễn tả một Thiên Chúa của Lời Hứa trong dòng lịch sử ơn cứu độ, một Thiên Chúa khác hẳn Thiên Chúa của các triết gia Hy Lạp. Thiên Chúa của người Hy Lạp an vị trong thế giới riêng và không biết gì đến con người, lại càng không bao giờ chịu phiền lụy vì cuộc sống con người. Một Thiên Chúa được muôn vật yêu mến nhưng chính Ngài chẳng yêu mến ai ngoài chính bản thân mình. Trong khi đó, Thiên Chúa của Lời Hứa là một Thiên Chúa dấn thân, đến độ trao ban chính Con Một của Ngài để chịu chết cho con người. Điều đó, người Hy lạp cho là điên rồ.

“… chúng tôi lại rao giảng một Đấng Ki-tô bị đóng đinh, điều mà người Do-thái coi là ô nhục không thể chấp nhận, và dân ngoại cho là điên rồ”.(1 Cr 1,23)

Thiên Chúa bắt đầu dính dáng vào lịch sử của nhân loại ngay khi sáng tạo con người, đặc biệt khi Ngài hứa ban một “giòng dõi người nữ” (x. St 3,15); và lời hứa ấy được thực hiện chính thức trong dòng lịch sử khi Ngài chọn và gọi Abraham… Thiên Chúa cũng đi vào dòng lịch sử thăng trầm trên hành trình dấn thấn, mà một cách nào đó, ta tạm nói như Chúa “tưởng bở”. Thiên Chúa của Kinh Thánh là Thiên Chúa dính dáng vào cuộc sống con người đến độ cuối cùng “đành” trao ban chính Con Một duy nhất của mình.

Việc dính vào lịch sử, nói một cách con người, dã đưa Thiên Chúa vào cuộc thăng trầm của đời sống con người, gánh chịu những phiền lụy của cuộc lịch sử; nhưng đồng thời cũng là nơi Thiên Chúa thể hiện trọn vẹn bản chất yêu thương của Ngài. Tình yêu bao hàm dấn thân, nên Thiên Chúa yêu thương là Thiên Chúa dấn thân, và yêu thương đến cùng thì cũng là dấn thân đến cùng.

Càng dấn thân vào hành trình lịch sử của con người, thì Thiên Chúa như càng “hiểu ra”, hay đúng hơn càng bộc lộ khả năng cho đi nhiều hơn nữa… đến độ cho đi chính Con Một của Ngài. Thiên Chúa nhập thể và nhập thế. Mầu nhiệm nhập thể không dừng lại ở việc hiệp nhất “siêu hình” của bản tính Thiên Chúa với bản tính con người, nhưng là bước dứt khoát để đi vào hành trình nhập thế; nghĩa là đi vào hành trình lịch sử thăng trầm của đời sống con người. Khi cho đi chính Con Một, Thiên Chúa không còn là người ở ngoài vận mệnh của con người nữa. Thiên Chúa đã cho đi chính bản thân, nghĩa là Ngài công nhận tính tuyệt đối của bản thân, của vận mạng con người. Điều đó được diễn tả trong nhiều dụ ngôn, chẳng hạn dụ ngôn người chăn chiên dám từ bỏ chín mươi chín con chiên để đi tìm một con chiên lạc, dụ ngôn những người tá điền bất lương…. Khi dâng tặng bản thân, dù là một ngôi vị tuyệt đối tự thân, Thiên Chúa đã đi vào con đường thể hiện tuyệt đối trong trao tặng và lãnh nhận; nghĩa là trong bình diện giá trị nhân văn, hay giá trị siêu việt. Đúng hơn chính việc Thiên Chúa, từ một phẩm giá tuyệt đối tại thân của Ngài, đã yêu thương và dấn thân vì con người, đã làm nên tính tuyệt đối của phẩm giá con người. Phẩm giá con người, trong tình yêu của Thiên Chúa, có được một nền tảng vững chắc và siêu việt ….

"Anh em hãy coi chừng, chớ khinh một ai trong những kẻ bé mọn này ; quả thật, Thầy nói cho anh em biết : các thiên thần của họ ở trên trời không ngừng chiêm ngưỡng nhan Cha Thầy, Đấng ngự trên trời”. (Mt 18,10.)

Thiên Chúa dấn thân vào lịch sử con người, và đó là lịch sử của một dân cứng đầu cứng cổ… Có phải đó chính là thái độ của cha mẹ chăm sóc đến đứa con bướng bỉnh nhất của mình ??? Ta không thể chắc dân Israel là dân cứng đầu nhất, nhưng điều ta có thể thấy chắc chắn là, chính khi dấn thân và một dân “cứng cổ” như Sách Thánh nói, Thiên Chúa lại tỏ ra là Thiên Chúa hơn hết. Ngài tỏ ra Ngài chính là Thiên Chúa chứ không phải người phàm (x. Thông điệp Thiên Chúa là tình yêu). Đó chính là thái độ dấn thân đến cùng. Dấn thân vì con người, vì ai khác là một con đường dấn thân đến cùng, vì không thể bỏ một tuyệt đối, không thể phản lại chính sự công nhận tuyệt đối nơi ai khác, điều mà tình yêu thương đã “tiên báo” ngay từ đầu của hình trình yêu thương. Đã đi vào hành trình yêu thương, là đi vào hành trình tuyệt đối, và hành trình đó luôn luôn là dấn thân đến cùng. 

Tất cả ý nghĩa của việc dân thân đến cùng đó được biểu lộ trong dụ ngôn những tá điều bất lương. Thiên Chúa không ngừng nẻo đường dấn thân khi mà đã có nhiều người đầy tớ bị đánh đập, bị giết… nhưng tiếp tục đi đến hành vi quyết liệt nhất là sai chính người con duy nhất của mình đến…

Chúa Giêsu chịu chết cho con người, đó là kết luận “phải đến” của một hành vi dấn thân vì yêu thương. Trên nẻo đường đó, ta thấy bóng dáng của tính tuyệt đối của phẩm giá, tính “triệt để” đến cùng ý nghĩa yêu thương chân chính.
* Thiên Chúa dấn thân vào mối tương giao với mỗi người
               
Nhóm 12 được Chúa Giêsu tuyển chọn, không phải qua một cuộc thi cử, phỏng vấn... để xét duyệt năng lực nhưng chỉ do ý muốn của Ngài; và kết quả của cuộc tuyển chọn ấy không có vẻ thành công. Cũng vậy, người ta vẫn có thể thấy Thiên Chúa tuyển chọn nhiều giám mục "cù lần", nhiều linh mục quan liêu, hống hách, nhiều tu sĩ quá lo bảo vệ nếp sống của mình... Sự thật đó thường khiến nhiều người khó chịu bực dọc; và chắc hẳn cũng có người thầm nghĩ Thiên Chúa đã chọn lầm. Thiên Chúa tuyển chọn theo Thánh Ý của Ngài, chúng ta cần nhìn ra mầu nhiệm tuyển chọn của Chúa, để nhận ra mầu nhiệm cứu độ và tôn trọng mầu nhiệm tuyển chọn ấy.
               
Như thế, chính vì phải "chọn lựa" những con người cù lần cho nên Chúa phải thức suốt đêm; nếu chỉ cần chọn lựa những người ngon lành, thì có lẽ Chúa chỉ cần một giờ là đủ. Nhưng trong mầu nhiệm tuyển chọn này, Chúa Giêsu đã cầu nguyện suốt đêm khi thi hành việc tuyển chọn này, vì tuyển chọn tức là chấp nhận, là chấp nhận vô điều kiện, tức là yêu thương cả những gì cù lần nơi các ông ấy; và đó mới là mầu nhiệm tuyển chọn trong tình yêu thương đích thực.

Dấn thân đến cùng vì tình yêu còn vượt qua một “thử thách” khác nữa, đó là dấn thân vì một con người. Tính tương giao ngôi vị là một bình diện căn bản của tình yêu. Tương giao ngôi vị làm cho phẩm chất của tương quan trở thành tuyệt đối. Cũng giống như sự ác là một điều dễ chấp nhận hơn tội. Sự ác thì vô ngã, ta cam chịu, và sức mạnh của lòng cam chịu là chính sự can đảm của bản thân ta. Tội là trách nhiệm với một ai khác. Tội không chỉ đòi hỏi một lòng can đảm để cam chịu, nhưng còn đòi hỏi một lòng quảng đại, tức đòi hỏi tình yêu để có thể đón nhận sự xúc phạm của ai khác. Theo một cách nói nào đó, ta có thể tạm nói rằng, khi yêu thương con người chung chung, Chúa vẫn còn thể hiện sự “can đảm” nhiều hơn; nhưng khi yêu thương những con người cụ thể, thì Chúa phải yêu thương hơn, quảng đại hơn rất nhiều …

Phải chăng cái tội cụ thể của một ai khác vẫn là điều dễ làm ta tức giận hơn ? Ta khó nói về Chúa như thế, nhưng có thể thấy một giao ước dính đến những con người cụ thể của nhiệm cục Tân Ước thì rắc rối hơn nhiều, vì nó tính đến từng con người, từng hoàn cảnh cụ thể, từng nết xấu cụ thể mà ta phải cảm thông và đón nhận, chứ không phải là một cách xử lý vấn đề theo những nguyên tắc chung một cách rõ ràng và minh bạch.
Chúa dấn thân vì cá nhân mỗi con người, đó cũng là một bước của tính tuyệt đối trong tình yêu. Tình yêu Thiên Chúa không thể không triệt để, không thể không đi đến từng cá nhân, đến từng chuyện vô cùng tai quái của biết bao con người trên thế gian này…
4c. Dám dấn thân vì nhau
* Gợi ý suy niệm

1. Có những gì trong đời tôi mà tôi khăng khăng giữ riêng cho mình, không dám tin vào sự dấn thân liên lụy của Chúa vào đời tôi ?

2. Tôi có hay rút ra những bài học vớ vẩn theo quy luật của thế gian mà đánh mất chiều hướng dấn thân mà Chúa mời gọi tôi không ?
* Gợi ý thực hành

1. Hãy khám phá niềm vui được liên lụy với Chúa và với nhau trên bước đường đời.

5. Lòng mến : huyền nhiệm “Ở trong nhau”

5a. Ở trong và ở ngoài

Ngõ ra của bản thân là chính tình yêu, và ngõ vào bản thân người khác cũng không là gì khác hơn nẻo đường của tình yêu. Không có tình yêu, người ta mãi mãi đi vòng quanh, phán đoán nhận định ra như một cách “khách quan”, nhưng đúng hơn đó là cách nhận định là một cách chủ quan. Cần phải đi từ trái tim để đi vào “cái ở trong”.
* “Cái ở trong”

“Cái ở trong” có thế giới riêng của nó. Giống như khi ta mang một cây hoa Đà Lạt về Sàigòn, ta không làm cho nó ra hoa được, vì ta đã không hiểu thế giới riêng của loại hoa ấy. cũng vậy và sâu xa hơn nhiều, một con người có cả một thế giới riêng mà không ai có thể thấu hiểu trọn vẹn được. Chẳng những “cha mẹ sinh con trời sinh tính”, những suốt hành trình cuộc đời của một con người, tất cả những sự việc xẩy ra đều ghi lại một cách sâu xa, âm thầm… nhưng không bao giờ biến mất. Chúng ảnh hưởng vào cuộc đời người ấy và làm nên một thế giới riêng.  Những hành vi, những lời nói, những chọn lựa của một con người… bao giờ cũng xuất hiện ra ta thế giới riêng ấy mà người ngoài chỉ phỏng đoán một phần rất nhỏ.

Cái bên trong có “lô-gích” phát triển riêng của nó. Lựa chọn của một con người không phải chỉ là cân nhắc lợi ích bên ngoài, những điều mà người khác cũng thấy được, nhưng chính yếu phát xuất từ những suy tính dựa trên những cảm nhận từ bên trong. Do đó, nhiều khi ta thấy có những lựa chọn “ngu dốt”, hoặc “điên rồ”, nhưng đó lại là những lựa chọn không thể khác hơn được của chính đương sự. Khi tôn trọng lô-gích bên trong, người ta tìm được một sự an hòa của mình với chính mình. Ngược lại, có những người quá quan tâm đến việc thích ứng, người đó có nhiều nguy cơ  đánh mất sự thống nhất hữu cơ trong chính bản thân mình. Sự sống của “người thích ứng” là một sự sống thiếu mạch lạc trong nẻo đường dài hơi, thiếu sự liên tục như một dòng sự sống, thiếu nhất quán trong cuộc đời… thì chính những người ấy lại là người mất quân bình hơn hết. Cũng thế, một xã hội có nhiều đe dọa, thúc bách con người sống trong đó phải phát triển “bản lãnh đối phó”, là một xã hội làm khủng hoảng nhân cách và là xã hội thiếu “bản lãnh sáng tạo” hơn hết.
Thế giới bên trong có thời điểm sinh hoa trái riêng của nó. Khi theo dõi cuộc đời các vị thánh chẳng hạn, ta thấy có những gì rất đơn sơ, thuận theo chân lý một cách êm ái, nhẹ nhàng và trổ sinh hoa trái. Nhưng cũng có nhiều vị khác ra như cứng lòng, ra như lao mình vào con đường tội lỗi; thế nhưng, một khi tâm hồn bùng vỡ, thì đó lại là những vị thánh mạnh mẽ theo Chúa, hết lòng yêu mến Chúa và hăng say loan báo Tin Mừng hơn ai hết. Có thời điểm riêng để sinh hoa trái, nghĩa là cái bên trong có nét đẹp riêng, có một lối diễn tả các đẹp của mình một cách riêng. Đôi khi một người nào đó, khi đã xuôi tay nhắm mắt, thì người ta mới nhận ra được nét đẹp không thể thay thế được của một con người.
* Ở trong nhờ “có cảm tình”
               
Người ta kể tiểu sử một con người, người ta thường ghi dấu những chặng đường bằng những xác định không gian và thời gian : sinh ra ngày nào, ở đâu, thi đậu ngày nào, và lên chức gì… Đó là những ghi nhận “khách quan” về một con người. Nhưng ghi nhận ấy có vẻ như cho người ta biết rõ về một con người. Nhưng thật ra, bình thường, những ghi nhận ấy chỉ là những lớp vỏ bên ngoài, không cho thấy được mạch sống của một con người. Ngày ấy anh ta gia nhập dòng tu… nhưng động lực nào, cảm nghĩ nào, lý tưởng nào đưa anh ta đến dòng tu… thì khó mà mô tả từ bên ngoài được. Chỉ người nào đã được đón nhận lời chia sẻ thân tình, chỉ người nào cùng trăn trở với anh ta trong công việc, chỉ người nào cảm được nỗi lòng của anh ta,… thì mới có thể thực sự “hiểu” được hành trình anh ta đã đi. Đây là lối hiểu từ bên trong. Triết gia Henry Bergson nói rằng cách hiểu từ bên ngoài là cách hiểu của khoa học, cách nhìn lệ thuộc vào không gian, cách nhìn của lý trí. Trong khi đó, muốn đi vào bên trong thì phải dùng trực giác, trong một thái độ “có cảm tình” với người khác, thì mới đi vào bên trong được. Cách nhìn từ bên trong sẽ thấm vào tính liên tục của dòng sống, của dòng ý thức, chứ không phải cắt dứt, chia khúc của dòng sự sống của người khác như lối nhìn từ bên ngoài.
               
Như thế, khi ta nhận định về một người khác một cách khách quan, nghĩa là ta ở ngoài, không dính dáng, không thân quen, không bị lụy phiền hoặc được lợi lộc gì về những tính xấu hay tính tốt của người khác. Đó là cách nhìn về người khác có vẻ đúng, nhưng thật ra là không công bằng; bởi vì mỗi người có một hành trình riêng, có những tâm tình, những hoàn cảnh, những khó khăn, những di sản riêng… mà người khác hoàn toàn không giống như thế để hiểu được.

“Ở trong người khác” chỉ có thể thực hiện được khi người ta “có cảm tình” với nhau, nghĩa là bước vào bình diện của tình yêu. Có những điều ta có thể yêu được, hoặc cảm thông được nơi người yêu của mình, nhưng ta lại không thể chấp nhận được nơi một người mà ta không ưa thích. Ta cũng đừng tưởng rằng người mà ta ghét thì cũng chẳng ai yêu được người ấy. Sự thật cuộc đời khác hẳn, người nào cũng có những người khác thương yêu, ít nhất là mẹ của người ấy chẳng hạn. Và khi yêu thương, người ta yêu cả tông ty họ hàng; ngược lại, ghét nhau thì ghét cả đường đi lối về….

Quan điểm khách quan có lẽ là lối suy nghĩ thông thường trong xã hội hiện nay, nhưng thực ra, trong trào lưu triết học xã hội hiện nay, hầu hết người ta chấp nhận không thể bỏ chủ thể ra ngoài cuộc, nhưng phải tính đến quan điểm của từng chủ thể trong khi nhận định vấn đề...
* Ở trong là đón nhận những những biến chuyển nhỏ của nhau

Một người mẹ, khoe với hàng xóm rằng đứa con của mình mọc hai cái răng. Người hàng xóm dửng dưng, với sự kiện đó, vì mọc hai cái răng có gì quan trọng đâu. Người hàng xóm không cùng sống, cùng chia sẻ từng bước phát triển của một đứa bé, đứa bé đó không phải là con của mình. Chỉ người mẹ, nâng niu bú mớm cho con từng ngày, mới có thể vui được vì con mọc răng. …

Ta có thể nói được rằng sự hiệp thông được thể hiện rõ nhất khi người ta hiệp thông được trong những điều nhỏ nhất của người khác. Những biến cố lớn thì thường dính dánh đến nhiều người, và người ta “hiệp thông” với nhau nhưng thật ra chỉ vì cả hai bên cùng được hưởng lợi, hay cả mọi người cùng bị thiệt hại… cách hiệp thông ấy thật ra vẫn chỉ là vui buồn vì chính bản thân mình mà thôi. Ngược lại, sự hiệp thông trong những “tiểu tự sự” mới cho thấy thực chất của sự hiệp thông chân chính.
* Ở trong nhau nhờ quá trình lịch sử

“Ở trong nhau”, bình thường điều đó được thành hình nhờ một quá trình. Khi người ta cùng chia sẻ với nhau một ưu tư, cùng liên lụy với nhau trong một hành trình gian khó, cùng đón nhận những thành công hay thất bại như một kết quả chung,… khi đó, dần dần, như hai sợi giây bện vào nhau, tâm tình của hai người có thể trở thành một.

Yêu thương là đón nhận được những điều bé nhỏ của nhau. Điều đó chỉ có được khi người ta “ở trong” nhau, nghĩa là liên lụy với nhau trong một quá trình lịch sử. Cùng đồng hành trong một quá trình lịch sử người ta mới có thể đón nhận được những thành quả của nhau và chia sẻ những khó khăn của nhau. Thái độ đứng ngoài, cũng là thái độ không đồng hành, nghĩa là thái độ không cùng đi trên hành trình lịch sử. Lối nhìn vấn đề một cách khách quan không bao giờ có thể giúp con người hiệp thông với nhau trong lòng mến được.

Yêu thương là sống như con chiên, biết đón nhận và đi sâu hơn vào sự hiểu biết để đón nhận nhiều hơn chứ không phải là ở bên ngoài để phán xét.
 
 
* Ở lại trong là đón nhận huyền nhiệm cuộc đời của nhau

Khi ta đứng ngoài ta thường rơi vào cám dỗ giải thích cuộc đời của người khác một cách minh bạch, hợp lý; nhưng đó là cách nhìn không chính đáng, vì cuộc đời của một con người là một huyền nhiệm. Huyền nhiệm không phải là điều có thể giải thích rõ ràng, nhất là không bao giờ có thể được giải quyết như một vấn đề. Một vấn đề là một tảng đá to, nhưng là tảng đá trước mặt ta, ta có thể bị choáng ngợp, nhưng rồi ta sẽ vượt qua. Khi vượt qua rồi, thì ta bỏ lại đàng sau ta cái tảng đá, cái vấn đề ấy. Trái lại, huyền nhiệm là cái gì bao bọc bản thân ta, không bao giờ ta có thể ra khỏi nó để nhìn thấu đáo về nó, và cũng không bao giờ ta có thể giải quyết nó cho xong. Huyền nhiệm như một bầu khí bao bọc, như một môi trường ta sống, như chính cái ở trong của mình… … Huyền nhiệm chỉ sáng tỏ một chút khi ta khám phá thêm những ngõ ngách trong ngôi nhà ấy, khám phá thêm những mùi vị những âm thanh những mầu sắc của không khí của môi trường ta đang sống. Chỉ có sự tôn trọng tha nhân như một huyền nhiệm ta mới có thể nhận ra được những điều kì diệu trong một con người và trong một cuộc đời. Bởi vì khi ta giải quyết, ta luôn luôn mường tượng sẵn một đáp án, luôn có sẵn một khuôn mẫu mà ta cho là lý tưởng; trong khi đó, cuộc đời một con người thì không có đáp án sẵn, không có khuôn mẫu, chỉ có một sự hài hòa nội tại và có một sự độc đáo riêng biệt. Khi chiêm ngắm tha nhân như một huyền nhiệm, ta có thể khám phá ra muôn vàn điều kỳ diệu hơn ta tưởng.

Một con người cần phải được đón nhận như một huyền nhiệm, nghĩa là cần được trầm tư để chiêm ngắm, cần biết chờ đời để con người ấy mỗi ngày lại bộc lộ huyền nhiệm cuộc đời một cách tỏ hiện hơn. Như thế, cuộc đời con người mới thực sự được đối xử xứng đáng với phẩm giá một con người thực sự.
Cuộc đời không phải luôn luôn là những điều phải giải quyết, và càng không phải là giải quyết theo cách nghĩ của mình. Trong cuộc đời con người, có những điều đi theo ta suốt cuộc đời, ta không giải quyết những chỉ nhận ra nó mỗi ngày mỗi bộc lộ cách lạ lùng. Điều quan trọng là phải biết trầm tư một chút để khám phá ra huyền nhiệm, để chiêm ngắm huyền nhiệm cuộc đời của mình cũng như cuộc đời của ai khác. Khi ở trong ai khác, ta cảm nhận ra được những điều mà không thể nào ta biết được nếu như ta chỉ đứng ở ngoài; ta đón nhận huyền nhiệm cuộc đời con người trong niềm kính trọng và chờ đợi.

Giống như người ta nói, khi thăm bệnh nhân, hoặc đứng trước một hoàn cảnh đau thương của ai khác, thì đừng dễ dàng đưa ra những lời khuyên, tốt hơn hết là cầm tay để diễn tả sự liên đới, hiệp thông, chia sẻ với bệnh nhân; tốt nhất là sống tâm tình chia sẻ, hiệp thông với người đang lâm vào hoàn cảnh khó khăn.. vì chỉ người bệnh, người trong cuộc mới hiểu hết nỗi đau, nỗi lo, nỗi khổ của chính họ mà thôi.

Như thế, khi ở trong nhau, người ta đón nhận tha nhân như một ngôi vị chứ không phải như một sự vật hay như một bài toán. Chỉ có tình yêu trân trọng như thế mới xứng đáng để đến với tha nhân; không phải chỉ là một sự “tôn trọng” theo những của lý trí siêu hình, hoặc theo lễ nghĩa “ngoài đường” theo kiểu “đời ai nấy lo”, “ai có linh hồn thì biết giữ”. Thấm nhập vào huyền nhiệm, đó là một sự trân trọng huyền nhiệm một cuộc đời. Dĩ nhiên, đây không phải là thái độ “tôn trọng”, hiểu theo nghĩa “đường ai nấy đi”, những là một  sự hiệp thông sâu xa, là đón nhận huyền nhiệm cuộc đời của nhau.
5b. Ở lại trong tình thương của Thầy…
* Ở lại trong
               
Chúa Giêsu, trong Tin Mừng Gioan, nhiều lần nói đến việc “ở trong”, hay “ở lại trong”. Chúa Giêsu cho thấy nguồn mạch của sự hiệp nhất là sự kiện chính Ngài ở lại trong tình thương của Chúa Cha; để rồi Ngài cũng mời gọi các tông đồ ở lại trong tình thương của Ngài.

“Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy. Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy”. (Ga 15,9; Xc. Ga 6,56; 8,31; 15, 4-7.10…)
               
Từ ngữ của thánh Gioan có phần của một kinh nghiệm riêng, kinh nghiệm thần bí; nhưng cũng là một cách loan báo cho người Kitô hữu một huyền nhiệm ở trong Chúa, huyền nhiệm dành cho mọi người Kitô hữu.

“Ở lại trong” tức là sống trong dòng sự sống yêu thương của Chúa Cha, tràn xuống Chúa Con và tràn đến với bản thân mình. Trong dòng tình yêu như sự sống của Thiên Chúa, ta được sống chính bản thân mình trong tình yêu, chứ không chỉ cậy dựa vào Chúa để giải quyết một vài vấn đề gì. Đó là đừng chống cưỡng lại tình yêu của Thiên Chúa dành cho mình, nghĩa là  biết lãnh nhận và dám buông cuộc đời trong bình diện ân phúc mà mình đã được lãnh nhận. “Ở lại trong” nghĩa là đừng trở thành đứa con đi hoang không muốn về nhà cha, mặc dù người cha vẫn hằng trông chờ, vẫn mở lòng ra để đón nhận một cách vô điều kiện bản thân mình.

“Ở lại trong” có thể có nghĩa là sống chìm ngập trong tình thương của Chúa để có thể bơi lội trong khung trời tự do của con cái Chúa Cha. Có những  mói tương giao làm cho ta không còn là mình, đó là khi ta bị đặt vào trong một cuộc chạy đua nhằm so sánh mình với người khác, khi “cái có” của người khác làm gợi lên lòng ham muốn được “có nhiều” hơn mà đánh mất cái “là”. Tình thương của Chúa, không phải một tình thương ràng buộc, chiếm hữu, mà là một tình thưong hỗ trợ để ta được là mình một cách trọn vẹn. Tình thương của Chúa không phải là một sự phê phán nhận định bên ngoài nhưng là nguồn sức mạnh giải thoát những ràng buộc từ bên trong, để ta có thể thênh thang trong hành trình cuộc đời. Chính vì thế, thánh Âu Tinh nói rằng, ở gần Chúa, con người lại càng tìm thấy sự tự do đích thực, tự do bên trong chứ không phải thứ tự do “làm điều mình muốn”.

“Ở lại trong” có thể có nghĩa là được Chúa đón nhận bản thân mình chứ không chỉ là đòi buộc những điều phải làm. Một sự đón nhận từ bên trong, nghĩa là thông chia được hết những khó khăn, liên lụy được hết những tính xấu, mang vác được hết cả cuộc đời… để ta có thể được đồng hành trọn vẹn bằng cả vận mạng một cuộc đời.

“Ở lại trong” có thể có nghĩa là đón nhận “những gì của cha là của con”, nghĩa là cùng vui, cùng buồn với kế đồ của Chúa, cùng đón nhận ưu tư làm cho Nước Chúa lớn lên, cùng góp phần làm cho cho Danh Chúa cả sáng, đón nhận Thánh Ý Chúa như là chính ý nghĩa của cuộc đời mình…

“Ở lại trong” nghĩa là đón nhận huyền nhiệm của Thánh ý Chúa Cha bao bọc bản thân mình, dẫn dắt cuộc đời mình một cách huyền nhiệm không dễ dàng giải thích hay giải quyết.

Thật sự mối tương quan của chúng ta với Chúa không thể bị coi như một mối tương quan buôn bán trả vay như quy luật của đường phố. Mối tương quan của chúng ta với Chúa chỉ có thể rõ lên một chút khi qui chiếu vào đời sống gia đình; nơi đó, người ta đón nhận nhau từ chính bản thân, thông chia vui buồn, thành công và thất bại của nhau, sống trọn một cuộc đời vì nhau. Niềm tin Kitô giáo muốn vươn tới những người bé mọn nhất và đưa tất cả đến sự thánh thiện của Chúa Cha, niềm tin ấy chỉ có thể khả thi khi người ta không sống luân lý, nhưng sống ơn cứu độ; khi người ta không biến đời sống đức tin thành một sự so sánh mà người ta cố đi tìm một thứ “trung bình cộng”; khi ngời Kitô hữu được ở trong dòng tình yêu của Thiên Chúa để khám phá một Đức Kitô dám liên lụy vào trọn vẹn cuộc đời mình, và từ đó có khả năng sống phong phú chứ không phải một cuộc sống dúm dó/
* Tính cách hiệp nhất của Thần Khí
               
Khi người ta muốn lồng vào nhau hai món đồ vật chất, người ta phải cắt xén cho vừa vặn; đẽo gọt và gò ép để chúng có thể ăn khớp với nhau. Nhưng rồi, tuy ở trong nhau, hai sự vật vật chất ấy, cái nào vẫn là cái ấy. chúng ở trong nhau, nhưng thật ra chúng chỉ ở bên cạnh nhau. Chúng ở bên cạnh nhau, dính vào nhau, nhưng thật ra chúng ở ngoài nhau, vì không có một sự chuyển thông gì giữa chúng với nhau.

Trong một mức độ khác của sự ở trong nhau, chúng ta có thể thấy mô hình của sinh vật. Sinh vật là một sự sống, kỳ diệu và cao cấp hơn sự vật vật chất nhiều. Sự sống có khả năng lọc lựa những gì thích hợp với mình để tiêu hóa vào chính bản thân mình. Chất đất, chất phân không còn là phân là đất nữa khi được cây cỏ hút vào trong chúng. Đất và phân ấy trở thành chính nhựa cây, trở thành hoa, thành lá, thành cành cây. Sự ở trong nhau này tuyệt vời hơn nhiều nhưng vẫn có giới hạn của chúng. Vì tuy cây biến chất phân thành chính sự sống của cây, nhưng cây không bao giờ có thể trở thành một điều gì khác. Nó chỉ là cây, dù có hút được chất dinh dưỡng cao cấp đến đâu.

Trong tình yêu, ta có thấy một sự hiệp nhất ở mức độ cao nhất. Một đứa con, đón nhận tình yêu của cha mẹ, có thể không còn là con nữa, nhưng đảm nhận trách nhiệm của cha mẹ, sống như là có chính sự sống của cha mẹ trong bản thân mình. Người con được “nâng cấp” để trở thành chính sự sống của cha mẹ trong bản thân mình. Tình yêu không chỉ có khả năng biến đổi người khác nên chính họ, nhưng còn có khả năng biến đổi người khác thành chính điều ở trong họ, tức là trở nên chính người yêu của họ.

Như thế, ta có thể hiểu được một chút sự biến đổi của Thần Khí đối với các người Kitô hữu.

Người lại nói với các ông : "Bình an cho anh em ! Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em." 22 Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo : "Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. 23 Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha ; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ." (Ga 20, 21-23).

Từ ngữ “thổi hơi” ở đây là một sự nhắc lại hành động sáng tạo của Thiên Chúa đối với Adong, và nó có ý nghĩa một sự sáng tạo lại đối với các tông đồ. Sách Công Vụ Tông Đồ cho chúng ta thấy, các tông đồ, khi được biến đổi, được sinh lại trong Thánh Thần, trở thành những con người khác hẳn bản chất của các ông trước đó; các ông nói bằng Thánh Thần, chữa bệnh hay truyền lệnh cho ma quỉ bằng sức mạnh của Thánh Thần…

Thánh Thần của tình yêu là nguồn của sự hiệp nhất trong tình yêu của con người với nhau, và nhất là nguồn hiệp nhất của con người với Thiên Chúa.
* Giữ giới răn của Thầy

Còn một lãnh vực của sự hiệp nhất trong điều kiện sống của con người, đó là hiệp nhất trong dòng lịch sử. Thật sự mối hiệp nhất trong Thần Khí không phải để đưa con người vào con đường xuất thần, nhưng là để đưa con người đi trên hành trình lịch sử. Hành trình lịch sử là một con đường phiêu lưu mà không ai có thể tiên đoán trước hoàn toàn, không ai có thể có những công thức giải quyết có sẵn để làm như chìa khóa vạn năng. Nhưng chính trong hành trình lịch sử, người tín hữu được Chúa Thánh Thần hướng dẫn, nghĩa là ơn phúc được hiệp thông trong Thần Khí mới tỏ lộ hết sức mạnh, tỏ lộ rõ nét hơn cả. Đi vào đời với Chúa không phải là đi vào đời với một phương pháp ăn sẵn, với một vũ khí có sẵn, với một chương trình đã lên,… nhưng là luôn luôn lắng nghe, luôn luôn đón nhận, luôn luôn hiệp thông với Thần Khí Chúa, Thần Khí của đổi mới và sáng tạo; Thần Khí của thích ứng và trung tín trọn vẹn nhất… 

“Đức Giê-su đáp : "Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy. Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy”. (Ga 14,23; xc. Ga14,15;14, 21;14,24)
5c. Có cảm tình để có thể hiểu nhau
* Gợi ý suy niệm

1. Thực sự tôi khao khát được yêu thương hay tôi chỉ cần Chúa như một phương thuốc chữa trị ?

2. Tôi có thể làm gì để hiểu chị em tôi nhiều hơn ? Tôi có hay rơi vào thái độ nhận xét bên ngoài và nói xấu không ?
* Gợi ý thực hành

1. Thử chiêm ngắm huyền nhiệm một cuộc đời.

6. Lòng mến : trân trọng giá trị bản thân lẫn nhau

6a. Sống như là cuộc đối thoại
* Thế giới “ngoài đường” và thế giới “trong nhà”

Khi đi ra đường, mọi sự đều là đổi chác, từ những đồ vật cho đến thân xác con  người; từ những những tại năng cá nhân cho đến vị thế xã hội; và cuối cùng là cả đức độ của một con người. tất cả đều được đưa vào kinh tế thị trường, nghĩa là được đặt lên một bàn cân của đức công bằng để cân nhắc lời lỗ của một cuộc trao đổi. Nét đặc trưng của việc buôn bán này là làm sao hai bên cùng có lợi, nghĩa là bên nào cũng phải thu lời được cho mình. Điều thứ hai là việc mua bán đổi chác ấy là chuyện thời vụ, hiểu theo nghĩa là trong từng “hợp đồng” có tính ngắn hạn, bởi vì đó không phải là giao ước đụng chạm đến bản thân.

Trong khi đó, khi về đến gia đình, người ta sống trong một bầu không khí khác, bầu không khí của một sự chấp nhận bản thân của nhau. Khi đó, những tương quan hằng ngày không phải là đổi chác, không phải là những trao đổi theo nguyên lý của sự công bằng.

Cuộc trao đổi của thế giới ngoài đường không đụng đến được bản thân của con người, chỉ là những trao đổi những sự vật (sự vật là tất cả những gì không phải là bản thân của con người). Trong thế giới trao đổi sự vật đó, nếu người ta có xúc phạm đến phẩm giá, có từ chối đón nhận bản thân của mình, thì thật ra đó cũng chỉ là chuyện “lễ nghĩa” mà thôi. Hoặc nếu người ta tôn trọng bạn thì đó cũng là cách sống tôn trọng nhau để “đường ai nấy đi” thôi, chứ không phải là một sự trân trọng đến độ có khả năng đón nhận và liên đới với một bản thân khác. Trong nền tảng ấy, cuộc đối thoại ngoài đường thật ra cũng chẳng phải là cuộc đối thoại thoả mãn được khát vọng sống với của con người.
Ở trong gia đình, người ta chấp nhận bản thân của nhau, cuộc đối thoại hướng mở tới một sự liên kết sâu hơn, làm dày lên nghĩa tình trong hành trình cuộc sống. Trong gia đình, mọi “sự vật” chỉ là một cách diễn tả của bản thân cho nhau; trong khi đó, nơi thế giới ngoài đường, chính bản thân lại có nguy cơ bị giản lược vào “sự vật” để đổi chác.
* Cuộc đối thoại ngôi hai

Khi ta nói chuyện trược tiếp với một người khác, ta đang nói với người khác như là ngôi thứ hai; còn khi ta nhận định về một người vắng mặt, ta nói về một ai khác ở ngôi thứ ba. Khi ta nói vói chính ta, ta thực hiện một cuộc “đối thoại” như là những lời tự nhủ của chính mình, đó là ta chỉ sống trong ngôi thứ nhất mà thôi.

Tuy nhiên, đó mới chỉ là một quy tắc văn phạm trong việc sử dụng từ ngữ. Ý nghĩa thực của “mức độ đối thoại” không luôn luôn đồng nhất với việc sử dụng quy tắc văn phạm, nhưng do chính thái độ của lòng mình. Người ta có thể nói chuyện trực tiếp với ai khác, người ta sử dụng từ ngữ “anh”, “chị” để nói với người ấy, và người “anh/chị” ấy cũng có những lời đáp lại lời nói của ta. Nhưng rất có thể, trong thực chất, ta nói và không nghe, ta nói và nghĩ về người khác như một ngôi thứ ba, nghĩa là không bao giờ nhận được một sự phản hồi, không đáp lại những ý nghĩ, những ước muốn của người khác, mà chỉ là một kẻ “trút xuông đầu” người khác những suy nghĩ của chính mình.

Cuộc đối thoại ngôi hai đích thực đòi hỏi người ta phải nhận ra người khác “có thể trả lời”, nghĩa là sẵn sàng để đón nhận khả năng trả lời, sẵn sàng nhận ra sự biến chuyển của người khác, sẵn sàng chấp nhận người khác như là người mà ta chưa thể hiểu hết, sẵn sàng theo đuổi “cuộc đối thoại” đang tiếp diễn. Cuộc đối thoại ngôi hai là  một cuộc đối thoại sống động, phiêu lưu, trong tự do bay lượn và trong khả năng sáng tạo bản thân.

Ta có thể dùng một hình ảnh hình học để diễn tả một cách khái quát cuộc đới thoại ngôi hai như sau  :

Nếu chúng ta có hai điểm A và B bên cạnh nhau, thì từ hai điểm đó chúng ta có thể có những “vectơ” khác nhau :
- Hoặc là A và B chạy đến với nhau và sát nhâp thành một;
- Hoặc là A và B chạy theo hai chiều hướng đối nghịch và càng ngày càng xa nhau;
- Hoặc là hai điểm ấy luôn gĩư mãi khoảng cách đúng và cố định bằng cách tuân theo một trục thẳng để trở thành hai dường song song chạy dài mãi.
- Cuối cùng, ta có thể cho hai điểm ấy vẫn chạy song song, nhưng không phải là dựa theo một định luật cố định nào để thành hai đường thẳng song song, mà là một sự thuận tình trong “sáng tạo nghệ thuật”, để trở thành hai đường song song bay lượn, vòng lên và vòng xuống, qua phải và qua trái mà vẫn giữ được một sự liên đới đúng đắn.

+ Trường hợp thứ nhất là lập trường của những người muốn thống trị người khác, tạo nên sự hiệp nhất bằng cách chinh phục và loại bỏ cái tôi của người khác. Nhưng đó thật sự không phải là hiệp nhất mà là độc nhất. Khi ta muốn người khác làm theo ý mình mà không đếm xỉa gì đến cảm nghĩ của họ, không cần biết đến sự thăng tiến bản thân họ, không tôn trọng phẩm giá của họ… thì ta đã, vô tình hay hữu ý, chọn giải pháp độc tài. Giải pháp đó xúc phạm đến phẩm giá con người, vì đã hy sinh một con người, hoặc hy sinh ý nghĩa làm người để ưu tiên cho một “sự vật” nào đó. Rất nhiều khi người ta, nhân danh ích chung, vì lý tưởng cao đẹp, hoặc tìm mọi cách để đạt được hiệu năng công việc nào đó. . . mà lại đánh mất chính ý nghĩa làm người của mình và người khác. Con đường trở thành bạo chúa là con đường khởi sự từ chỗ chỉ lấy mình làm tiêu chuẩn duy nhất đúng, không muốn trao đổi ý nghĩ với người khác, không muốn sửa đổi lập trường của mình. Trên con đường ấy, người ta muốn coi người khác chỉ là tay sai, phải làm và cứ việc làm một cách máy móc những điều mình ra lệnh. Bình thường nẻo đường đó sẽ vấp phải những trục trặc, vì tha nhân không phải là một cục đất sét. Tha nhân là người, là kẻ có suy nghĩ và có tự do,… những điều ấy thế nào rồi cũng trở thành những lực cản cho tiến trình thực hiện ý định riêng của chính mình. Thế là người ta lại phải tiếp tục đàn áp cái riêng tư và độc đáo của tha nhân cho đến khi tận diệt chính “mạng sống” của họ. Hành trình trở nên bạo Chúa cũng có thể “thành đạt” ở chỗ tiêu diệt phẩm chất hiện hữu của tha nhân khi ta vui thích với sự vâng phục tối mặt, khoái chí với thực trạng : tao có mấy thằng lính mà tao nói gì nó cũng làm răm rắp . . ..

+ Trường hợp thứ hai là tình trạng “cá đối bằng đầu”, tình trạng vô chính phủ, mạnh ai nấy sống, mạnh ai nấy làm, không ai “mắc mớ” gì tới ai. Khi người ta đề cao một thứ tự do hoàn toàn cá nhân chủ nghĩa, người ta cũng rơi vào tình trạng tự phá hủy chính phẩm giá của mình. Con người của thứ tự do ấy cũng lấy mình làm tiêu chuẩn duy nhất đúng, đóng kín trong bản thân mình để cũng “tận diệt” tha nhân, không phải bằng cách áp đặt ý muốn của mình, không phải bằng bạo lực trên tha nhân, nhưng bằng phương cách loại trừ tha nhân ra khỏi mối quan tâm của chính mình và “bạo lực” trên chính khát vọng yêu thương của bản thân mình. Một thứ tự do cá nhân mà không thể tạo nên được gặp gỡ, hiệp thông, chia sẻ với người khác, thì theo tinh thần Kitô giáo, đó không bao giờ là tự do thực sự, bởi vì thứ tự do đó không phải là môi trường thanh thản và chân thật để con người sống đúng khát vọng yêu thương sâu xa của mình, mà chỉ là một thứ nô lệ cho thế lực của ác thần.

+ Trường hợp thứ ba diễn tả một sự “hiệp nhất”, nhưng lại là một sự hiệp nhất do một áp lực ở bên trên và bên ngoài. Người ta có thể an tâm khi A vẫn là A; và B vẫn là B; không có sự tận diệt sự hiện hữu của nhau như giải pháp thứ nhất. Người ta cũng có thể khoái chí vì A vẫn ở gần bên B như thể có một sự liên đới, hiệp thông nào đó chứ không phải sự xa lạ như giải pháp thứ hai. Thế nhưng đó cũng chỉ là một sự hiệp nhất bên ngoài. Có một thế lực khác kềm gĩư A và B để chúng không tiêu diệt nhau và cũng không xa nhau. Giải pháp này cũng không phải là hoàn hảo, vì một khi không còn áp lực nào, thì tình trạng cũ sẽ lại đâu vào đấy. Hơn nữa, cái áp lực làm cho A và B vẫn đi theo hai đường thẳng song song cũng lại là một thứ bạo lực, loại trừ tự do của con ngừơi và đánh mất phẩm giá chân chính của con người. Có người nhận xét rằng Nước Mỹ là một nước tự do, người ta dùng cả một hệ thống pháp luật tinh vi, kỹ lưỡng để bảo đảm cho tự do của người dân; nhưng cuối cùng, người dân lại phải làm nô lệ cho chính luật pháp. Phải chăng nước Mỹ chính là hình ảnh  tiêu biểu của trường hợp thứ ba ?

+ Trong trường hợp thứ tư, ta thấy những giá trị căn bản của phẩm giá con người đựơc bảo vệ : tôn trọng cá nhân mỗi người, để cho mỗi cá nhân sống trọn vẹn bản sắc riêng của mình. Nơi đây, người ta tìm thấy sự hòa hợp cộng đoàn trong một tinh thần tự nguyện, trong bầu khí tự do và rộng mở cho việc phát huy khả năng sáng tạo bản thân của mỗi người. Nơi đây, mối giây căn bản để nối kết A và B không là gì khác hơn đức ái. Đức ái chỉ có thể sống và phát triển thực sự trong bầu khí tự do, đó là khi người ta được tôn trọng, khi người ta được tin tưởng. Sự hiệp nhất như thế chỉ có được như một thành quả “thuần chất người”, vì nơi đó chỉ có nhân vị, chỉ có tự do, chỉ có tình nghĩa chân thành và tự nguyện chứ không có một thứ “tạp chất” của sự vật nào

Có lẽ điều làm cho người ta ngại với giải pháp thứ tư, đó là vì giải pháp này có vẻ phiêu lưu. Người ta sợ một kết cục không tốt sẽ xẩy ra khi trao trọn chìa khóa của vấn đề vào ý chí tự nguyện của cá nhân. Đó là căn bệnh nhát sợ, không dám tin vào con người, nhưng đặt niềm tin vào các phương pháp kỹ thuật, tin vào các biện pháp kỷ luật, tin vào các phương thức khoa học.

Có lẽ điều làm cho người ta ngại với giải pháp thứ tư này, đó là vì người ta mong có được một kết quả. Đó là căn bệnh “thực dụng”. Xin tạm hiểu từ ngữ thực dụng theo một nghĩa riêng ở đây : thực dụng là khi người ta tìm đạt tới một kết quả nào đó mà lại bỏ rơi mất phẩm giá con người; thực dụng là khi người ta hy sinh tự do của con người để có được một điều gì không phải là sự phát triển thực sự của con người; thực dụng là người ta sử dụng con người như một phương tiện để đạt đến một mục đích nào khác. 

Có lẽ điều làm cho người ta ngại với giải pháp thứ tư là người ta không dám tin vào tình yêu, không dám tin vào sức mạnh của tình yêu, và người ta thay thế tình yêu bằng một nguyên lý khác cho mối tương quan của con người với nhau.
 * Tình yêu là cửa đi vào cuộc sống tương giao ngôi vị

Trong cuộc đối thoại ngôi hai, ta không biến tha nhân thành một đồ vật, thành một bài toán, thành một khuôn khổ nào đó. Tha nhân phải được coi như một ngôi vị độc đáo mà tôi chỉ có thể lắng nghe và khám phá như một huyền nhiệm, chứ không phải giải quyết như một vấn đề. Gabriel Marcel cho chúng ta thấy mỗi người là một huyền nhiệm. Thái độ tôn trọng tha nhân như một huyền nhiệm nghĩa là không biến tha nhân thành một vấn đề để giải quyết, nhưng là trân trọng một con người và chiêm nghiệm huyền nhiệm của một đời người. Khi đó, chính bản thân của tha nhân mới được đưa vào cuộc và ta đối thoại thật sự như là một cuộc gặp gỡ ngôi vị.

Tình yêu chân chính bao hàm thái độ căn bản là chấp nhận bản thân của ai khác. Chấp nhận bản thân nghĩa là  không đặt điều kiện tiên quyết nào dính dáng đến chính bản thân, nghĩa là “cởi mở” từ chính thái độ căn bản của bản thân mình trong tương giao, để có thể đón nhận ai khác một cách căn bản. Trên nền tảng của thái độ chấp nhận bản thân của ai khác, cuộc tương giao của con người với nhau có thể có được một khung trời bao la để diễn tả bản thân mình và đón nhận ai khác. Khi đó, nói hay im lặng, chất vấn hay hỏi han, cười đùa hay nghiêm trang… vẫn là những sinh hoạt làm dày thêm tình nghĩa chứ không phải là điều kiện để đạt được một sự vật nào đó. Người có khả năng đón nhận bản thân của ai khác là người có “tâm từ bi”, hay có “tai bồ Tát” để có thể lắng nghe được điều gì sâu xa nhất trong bản thân của ai khác.
 
 
 
6b. Thiên Chúa trân trọng con người
* Thiên Chúa cứu độ con người bằng tình yêu

Thiên Chúa dấn thân vào hành trình cứu độ con người, nhưng đó là một hành trình gian khổ của tình yêu. Cứu độ bằng tình yêu vừa có nghĩa là Thiên Chúa tỏ tình yêu thương, vừa có nghĩa là Thiên Chúa tin rằng tình yêu có khả năng đổi mới con người từ bên trong, vừa có nghĩa là Thiên Chúa chọn con đường chờ đợi đáp trả của tinh yêu. Thay vì dùng quyền bính, thay vì dùng của cải vật chất, thay vì dù lý thuyết chặt chẽ…. Thiên Chúa chỉ muốn ban bố tình yêu lớn lao nhất, và chờ đợi sự đáp trả của con người.

Thiên Chúa đã từ chối không áp dụng những phương thức chinh phục con người hiệu nghiệm hơn, mau mắn hơn, ổn định hơn. Nhưng Ngài lại muốn đến với con người bằng tình yêu, qua ngả đường của tình yêu. Nẻo đường của tình yêu luôn luôn là một nẻo đường bấp bênh, vì nó được “phó thác” sự tự do của con người, vì nó không có những điều kiện vật chất hữu hình, hoặc những lý lẽ khả niệm bảo đảm. Con đường tình yêu có dính dáng đến tính thẩm mỹ, xét như một giá trị phổ quát không có những khái niệm đi kèm, chỉ là một lời mời gọi thăng tiến…Con đường tình yêu là con đường có khả năng gợi lên sự khao khát và động lực lên đường của chính người được yêu, chứ không phải là một sự áp đặt nào ở bên ngoài.

Con đường cứu độ bằng tình yêu như thế đòi hỏi Thiên Chúa trao ban chính bản thân mình, chứ không phải chỉ là trao ban một đồ vật, một món hàng nào đó. Điều đó giống như một người “nắm đàng chuôi”, chỉ có niềm tin vào tình yêu được đáp trả là sức mạnh duy nhất để đợi chờ. Tình yêu trao bao cần phải được chờ đợi, để lãnh nhận chính bản thân của người tín hữu tự do trao tặng, Thiên Chúa đã muốn chọn con đường yêu thương như thế. Bản thân của Chúa được trao ban trong tự do, tự nguyện; và ngài cũng chờ đợi một sự trao tặng lại bản thân, được người tín hữu trao ban trong tự do và tự nguyện. Đó quả là một thế giới của huyền nhiệm : Chúa là một huyền nhiệm, huyền nhiệm lớn nhất của Ngài là huyền nhiệm tình yêu. Con người cũng là một huyền nhiệm, vì mang hình ảnh tình yêu của Thiên Chúa để phát triển cuộc đời mình theo một “lô-gích” huyền nhiệm, khác hẳn “lô-gích” của lý luận cũng như khác hẳn qui luật tất yếu của thế giới tự nhiên.

Tình yêu thể hiện một lòng trân trọng đối với người mình yêu, đó là cách đối xử với nhau như những huyền nhiệm mà người ta không thể giải thích bằng lý lẽ. Tình yêu chân chính đối với một con người có thể giúp ta nhận ra huyền nhiệm một con người; bởi vì tình yêu thiết yếu bao hàm một sự trân trọng bản thân của người khác.

Huyền nhiệm của tình yêu bao bọc nhiệm cục cứu độ của Thiên Chúa, ở đó không có sự giải quyết mạch lạc mà là sự chiêm ngắm và chờ đời. Chính vì thế mà tình yêu thiết yếu bao hàm thái độ trông cậy, hy vọng, chờ đợi trong niềm xác tín.
* Thiên Chúa đưa con người vào giao ước trong tim

Cựu ước đã là một sự dấn thấn độc đáo của của Thiên Chúa mạc khải. Nhưng sự dấn thân để đi vào một giao ước cũ vân còn nhiều giới hạn : Giao ước cũ khắc trên bia đá; Giao ước cũ là giao ước với một tập thể đoàn lũ; giao ước cũ không bình đẳng, giao ước cũ vẫn còn có phần được tính toán theo lẽ công bằng… Chính vì thế mà Thiên Chúa dẫn đến một giao ước mới trọn vẹn hơn như một giao ước của tình yêu thuần khiết. Đó là một giao ước trọn vẹn hơn, thân tình hơn và sâu xa hơn, mang những hình ảnh như ”mục tử với đàn chiên”,”cha với con”,”vợ với chồng”…

* Hs 2.21-24: “Ta sẽ lập với người một hôn ước vĩnh cữu. Ta sẽ lập hôn ước với người trong công minh và chính trực, trong ân tình và thương xót. Ta sẽ lập hôn ước với người trong tín thành và ngươi sẽ được biết Đức Chúa”.

* Gr 31,34:  “Này sẽ đến những ngày,sấm  ngôn của Đức Chúa, Ta sẽ lập với nhà Ít-ra-en và nhà Giuda một giao ước mới, không giống như giao ước Ta đã lập với cha ông chúng, ngày Ta cầm tay dẫn họ ra khỏi đất Ai Cập; chính chúng đã hủy bỏ giao ước của Ta, mặc dầu Ta là Chúa tể của chúng, sấm ngôn của Đức Chúa. Nhưng đây là giao ước Ta sẽ lập với nhà Ít-ra-en sau những ngày đó, sấm ngôn của Đức Chúa. Ta sẽ ghi vào lòng dạ chúng, sẽ khắc vào tâm khảm chúng lề luật của Ta. Ta sẽ là Thiên Chúa của chúng, còn chúng sẽ là Dân của Ta. Chúng không cần phải dạy bảo nhau, kẻ này nói với người kia :”hãy học cho biết Đức Chúa”, vì hết thảy chúng, từ người nhỏ đến người lớn, sẽ biết Ta, sấm ngôn của Đức Chúa. Ta sẽ tha thứ tội cho chúng và không còn nhớ đến lỗi lầm của chúng nữa” (Gr31,34)

* Ed 36, 26.34: “Ta sẽ ban tặng các ngươi một quả tim mới, sẽ đặt Thần khí mới vào lòng các ngươi. Ta sẽ bỏ đi quả tim bằng đá khỏi thân mình các ngươi, và sẽ ban tặng các ngươi một quả tim bằng thịt. Chính Thần Khí của Ta, Ta sẽ đặt vào lòng các ngươi, Ta sẽ làm cho các ngươi đi theo Thánh chỉ, tuân giữ các phán quyết của Ta và đem ra thực hành”.

Đức Tin Kitô giáo luôn khẳng định, chính Đức Giêsu Kitô, cụ thể là hiến tế  thập giá và sự Phục Sinh của Ngài trở thành một nhiệm cục mới, một giao ước mới được ký bằng máu Đức Giêsu Kitô. Biến cố Đức Giêsu Kitô. Biến cố Đức Giêsu chịu chết vào dịp lễ Vượt Qua đã nói lên Ngài chính là”Con Chiên mới” có thể mang lại sự giải thoát khỏi án chết và cho con người được tự do.

Người bảo các ông: đây là Máu Thầy, máu Giao Ước, đổ ra vì muôn người…” (Mc 1424).
               
Công Đồng Vatican II, sau khi trích dẫn Gr 31,31-34, nói rằng:

Giao Ước Mới này, chính Đức Kitô đã thiết lập, đó là Giao Ước Mới bằng Máu của Người [Xc.lCr 11, 25], Người triệu tập một dân từ người Do Thái cũng như từ người ngoại, họp lại thành một khối duy nhất, không phải theo xác thịt nhưng trong Thần Khí, và thành dân mới của Thiên Chúa” (GH 9).
               
Nói chung, người ta thấy rằng, trong nền tảng của giao ước cũ là luật pháp, thì ngược lại, chính tình yêu [agapè] là lối diễn tả mới của giao ước mới. Nơi đây, Thiên Chúa thực hiện những đường nét của nhiệm cục cứu độ, một cách chính yếu, không chỉ là để gìn giữ Dân Chúa được tồn tại, nhưng là để cho Dân và từng người trong Dân Chúa được sống sung mãn phận người cũng như phẩm giá làm con cái Chúa trong tình yêu.
* Vượt quá tình yêu vô điều kiện

Trong Giao Ước Mới, tình yêu thương của Thiên Chúa, trước tiên, là một tình yêu vô điều kiện. Thiên Chúa vẫn luôn đi bước trước, nhưng ở đây, Ngài đi đến cùng, đến tận những người ở cùng đáy xã hội; Ngài cất bước đi tìm con chiên lạc, Đức Giêsu khẳng định bệnh nhân mới cần tới thầy thuốc (x. Mt 9,12), Ngài tha thứ cho người phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình mà không cần một điều kiện nào khác hơn là “đừng phạm tội nữa”. . . Thánh Phaolô quả quyết Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta và cho con của Ngài chết vì chúng ta ngay khi chúng ta còn là tội nhân (Xc. Rm 5,8). Chính vì thế, trong Tân Ước, nguyên lý cứu độ không còn là công đức của con người nhưng là hành động cứu độ của Thiên Chúa; và sự công chính không còn là một bài toán đổi chác công đức và phần thưởng như trong Cựu Ước, cho dù là đổi chác mà phần lợi vẫn luôn ở phía con người, nhưng là một sự lãnh nhận trong lòng tri ân.

Hơn nữa, đức Benedicto XVI, trong thông điêp Thiên Chúa là tình yêu, còn nói rằng : tình yêu Thiên Chúa vượt quá mức độ của tình yêu vô điều kiện, đạt tới mức độ của tình yêu tha thứ. Mức độ “vô điều kiện” dừng lại chỗ Thiên Chúa tặng không tình yêu của Ngài. Nhưng tình yêu tha thứ còn cho thấy Thiên Chúa sẵn sàng đón nhận những sự xúc phạm và sẵn sàng tha thứ cho tội nhân biết ăn năn sám hối. Tình yêu tha thứ tỏ bầy sự nhập cuộc, sự liên lụy của Thiên Chúa vào cuộc đời tội lụy của con người; tình yêu tha thứ bày tỏ mầu nhiệm “hóa ra không” của Thiên Chúa trong tình yêu. Con người được mời gọi để Tin, tin vào ơn cứu độ lớn lao của Thiên Chúa để đón nhận tình thương vô điều kiện, và nhất là tình yêu tha thứ của Ngài và nhờ tình thương ấy mà được lớn lên trong tình nghĩa cũng như vững bước trên đường đời.

Tình yêu của Thiên Chúa dành cho con người không phải là một cuộc đổi chác, mua bán trả vay như “thế giới ngoài đường”; nhưng thể hiện những tính chất của một giao ước ngôi vị, nghĩa là “thế giới trong gia đình”. Tình yêu đó diễn tiến theo qui luật của một cuộc “đối thoại ngôi hai”.
6c. Cộng đoàn như một cộng đồng ngôi vị
* Gợi ý suy niệm

1. Có bao giờ tôi nhận ra Thánh ý Chúa cho tôi như là một cách ngài diễn tả tình yêu của Ngài cho bản thân tôi?

2. Có bao giờ tôi khám phá ra được một chút huyền nhiệm của ngừoi chị em tôi ?
* Gợi ý thực hành

1. Suy niệm cuộc đối thoại của đức Maria với Thiên Chúa qua việc sứ thần truyền tin (ngắm thứ nhất mùa Vui).

7. Lòng mến : Hy sinh và tha thứ

7a. Huyền nhiệm tình yêu
* Cái “nặng” và cái “nhẹ”

Cái nặng là cục sắt; cục sắt nặng nên nằm yên một chỗ và không dễ gì di chuyển nó được. Cái nặng là cục vàng; cục vàng thì cũng nằm yên một chỗ; cục vàng còn được người ta cất kín trong két sắt và chẳng mấy khi được chu du giữa trời đất mênh mông. Cái nặng lúc nào cũng có tình trạng “an vị”, tự tại với chính mình và đòi cái gì khác phải đến với nó chứ nó không tự đến với cái khác được. Người “nặng ký” thì cũng vậy, người nặng ký thì được bảo vệ kỹ lưỡng, trong vòng an ninh chặt chẽ, vòng trong vòng ngoài… Người “nặng ký” chẳng dễ gì có thể đến được những nơi vùng sâu vùng xa, chẳng dễ gì gặp được những người “đầu đường xó chợ”, chẳng dễ gì thông cảm hay chia sẻ được với những phận người đau khổ. Lâu lâu người nặng ký làm một cuộc xuất du thì cuộc xuất du ấy cũng được dàn dựng với tất cả sự cồng kềnh của một bộ máy an ninh và “điếu đóm”. Cái nặng thì đầy oai phong và luôn giương oai với cái khác, nhưng cái oai phong ấy lại làm cho nó khó gắn với cái khác. Cái nặng luôn có khuynh hướng đơn độc một mình, oai phong một mình, mình với mình mà thôi. . .

Cái nhẹ là cục bông gòn, bay theo làn gió nhẹ, bồng bềnh lên xuống theo cơn gió. Cái nhẹ là hạt bụi, hạt bụi bị xua đuổi khỏi những nơi sang trọng, bị tống khứ ra những nơi tồi tệ và bẩn thỉu nhất. Cái nhẹ thì không có gì để an vị, tự tại với chính mình cả. Cái nhẹ suốt đời là kẻ viếng thăm cái khác mà lại chẳng mấy khi được cái khác viếng thăm. Cái nhẹ luôn khao khát đáp xuống một cái gì đó, luôn cần gắn với một cái khác, nhưng lại chẳng được những nơi sang trọng đón nhận. Người nhẹ “tép riu” cũng giống như cục bông gòn, giống như hạt bụi, họ có thể phiêu lưu như kẻ không nhà. Họ không có hành lý cồng kềnh, họ không có sự an toàn bao bọc, họ không có những vật quí giá cần phải bảo vệ, họ không sợ bị xầy xước khi giao tiếp, …Họ nhẹ bồng trên đường phiêu lưu và có thể đến được với ai khác, nhất là những nơi cùng khổ.

Tình yêu thương thường không phải là “cái nặng” nhưng chính là “cái nhẹ”; người biết yêu thương cũng thường là những con người “nhẹ ký”, không quá quan tâm bảo vệ cái tôi sang trọng của mình và như thế nên có thể đến được với người khác.
Người ta thường thích nổi tiếng, thường thích trở nên quí giá, thường thích là nhân vật quan trọng, thường thích được người khác chú ý đến mình… những cái thích như thế không mở đường đi vào tình yêu được, nhưng chúng là những tảng đá ngăn chận nẻo đường tình yêu. Thứ yêu thương của những người như thế là những bước đi khệnh khạng, những “đám rước” rầm rộ, những biểu ngữ huyênh hoang, những thứ trình diễn tình yêu mà rất khó đi vào sự thân mật.
* Cái “thấm nhập” và cái “cưỡng bức”
               
Cái “cưỡng bức” thì đè bẹp, trấn áp, xô đẩy từ bên ngoài; cái cưỡng bức thì có sức mạnh để có thể bắt cái khác phải ở đúng vị trí mình muốn, vận hành theo đúng cách thức mình muốn. Cái cưỡng bức làm chủ được thân thể của cái khác, những lại không tạo được một sự hòa hợp sâu xa. Cái cưỡng bức thường làm nên một trật tự bên ngoài, nó có khả năng uốn nắn cái khác theo ý mình, sắp xếp để mọi sự ăn khớp với nhau theo một quy hoạch tổng thể … Nhưng cái cưỡng bức không thể làm nên được cái “duyên” nội tại, cái “hòa” một cách kỳ lạ và cái kỳ diệu một cách sáng tạo. Cái cưỡng bức thường làm nổi bật cái tổng thể, nhưng lại làm chìm mất cái cá biệt độc đáo. Con người có khả năng cưỡng bức là một kẻ độc tài, là người thống trị người khác bằng sức mạnh của cơ bắp, hoặc quyền bính, tạo nên nơi người khác một nỗi sợ; là người chinh phục người khác bằng tại năng làm cho người khác phải lép vế và rơi vào tình trạng khúm núm, e dè; là người “loé sáng” bằng đức độ khiến người khác phải chói mắt, lùi xa như một thứ “kính nhi viễn chi”, và mất tự tin để có thể tự mình sống cuộc đời của mình.   

Cái “thấm nhập” thì thường là cái nhẹ nhàng, nó “chinh phục” không phải bằng một sự cưỡng bức bên ngoài, nhưng là một sự hòa hợp từ bên trong. Cái thâm nhập không phải là một dị vật trong cơ cấu hữu cơ của điều nó thâm nhập, nhưng tan biến và trở nên một với cái nó thâm nhập. Cái thâm nhập thì không còn giữ nguyên hình dáng của mình, nhưng biến hóa để thấm nhập và cấu tạo nên một cơ cấu hữu cơ với cái khác. Người có khả năng “thấm nhập” là người được người khác đón nhận một cách tự nguyện, được yêu bằng chính ý muốn tự do của người khác. Người thấm nhập là người để lại một chút vấn vương, một chút thi vị, một chút thăng hoa trong tâm tình của người khác.
               
Cái cưỡng bức không thể mang lại tình yêu được. Cái cưỡng bức chỉ có thể làm nên tình trạng  “đồng nhi bất hòa”. Ngược lại, tình yêu thì phải được thấm nhập, một cách nhẹ nhàng, một cách thi vị, một cách an hòa. Tình yêu làm nên một nét duyên riêng của cấu trúc “hòa nhi bất đồng”.
* Cái “hiệp lực” và cái “đối lực”

Cái cưỡng bức thì phải mạnh để có thể đàn áp. Cái cưỡng bức thì coi sức mạnh của cái khác như một đối lực. Cái khác mạnh thì có nguy cơ làm cái cưỡng bức bị suy yếu, nên cần phải tiêu diệt sức mạnh của cái khác bằng tất cả mọi biện pháp cưỡng bức. Cái khác ấy là một “đối lực” làm trì trệ vận hành của cái cưỡng bức. Cái cưỡng bức luôn có khuynh hướng nghi ngờ, luôn tăng gia biện pháp đề phòng, luôn đặt ra thật nhiều đòi hỏi, đòi hỏi của luật lệ chi ly, đòi hỏi của phép tắc khó khăn, đòi hỏi cứ càng ngày càng gia tăng thêm nhiều quy định.

Cái “hiệp lực” thì lại đón nhận được sức mạnh của cái khác, sức mạnh được gia tăng trong sự hiệp thông, tình nghĩa được bền chặt trong mối giây tình nghĩa. Cái hiệp lực cần nhờ đến nhau như một “tiêu cực tính”, hai bên cần đến nhau như sức hút của nam châm khác cực, nghĩa là có khả năng đón nhận, có khả năng thấm nhập, có khả năng hiệp nhất sức mạnh của hai bên.

Người sống với người khác như một đối lực là người có khuynh hướng trở thành bạo Chúa, luôn có những người để mình loại trừ, luôn bắt người khác làm theo ý mình, luôn đề cao trật tự bên ngoài, luôn coi sự phát triển của người khác là mối đe dọa cho chính mình. Ngược lại, người sống trong tinh thần “hiệp lực” thì lại có thể nhờ đến người khác; coi sự phát triển của người khác là điều tốt đẹp cho chính mình.

Tình yêu thương mới chiến thắng sự chết. Nhưng tình yêu thương chân chính có một kiểu phát triển “ngược đời” và nó thường khác với những suy nghĩ của con người. Con người khao khát yêu thương, nhưng con người thường không có đủ sự sẵn sàng để đón nhận quy luật của tình yêu. Đây điều có tầm quan trọng lớn. Không có đủ dũng khí để đi vào nẻo đường của tình yêu thương, người ta bứng cây tình yêu vào trong “mảnh đất” khác lạ của mình, uốn nó theo cách của mình, biến chất nó thành một thứ ích kỷ.  Nói một cách tổng quát, tình yêu thương chân chính đi theo chiều hướng hy sinh bản thân mình, trở nên nhẹ, có khả năng thấm nhập và trở thành một sự hiệp lực với người mình yêu. Trong khi đó, khuynh hướng sinh vật, khuynh hướng đàn áp và thống trị lại thúc con người đi vào nẻo đường ngược lại. Trên nẻo đường yêu thương, người ta có thể trầy trật, ì ạch, nhưng nó vẫn ở một nẻo đường khác, một bầu khí khác với nẻo đường, khác với bầu khí của “thế gian”. Trên nẻo đường yêu thương đích thực, thật ra, không có sự hiện diện của “thần ác” như một nguyên lý tuyệt đối; mà chỉ là một thế giới thuần sự thiện. Các trở lực chỉ làm cho người ta chậm hơn trên con đường yêu thương, chứ không có ngõ cụt và không có trạm dừng, không có một tảng đá hay ngọn núi nào có thể ngăn chặn cản đường của tình yêu. Khó khăn của đường đời, sự phản bội hay sự vô ơn, sự dửng dưng hay chống đối… lại chính là lời mời gọi yêu thương hơn nữa; và tảng đá cuối cùng là cái chết lại chính là phương cách thể hiện tình yêu trọn vẹn nhất. Hay nói một cách khác, tình yêu là một vực thẳm, một “thung lũng tình yêu” mà không một sự ác nào có thể lấp đầy. Còn trên nẻo đường tình yêu giả, người ta sợ thử thách, người ta né tránh và khi không vượt qua được thì người ta đánh mất hết tình yêu.

Sức mạnh của tình yêu thương không cùng loại với sức mạnh của sự chết. Phương cách của tình yêu thương ngược với phương cách của sự chết.
 * Hành trình làm cha mẹ

Có lẽ ít người, khi lập gia đình, hiểu được hết sự gian khổ cũng như sự cao quí của hành trình mà mình sắp đi vào. Hai người nam nữ cưới nhau vì yêu nhau, hai người ấy tưởng rằng mình sống đời hôn nhân để được hạnh phúc trong tình yêu của chính mình. Thế nhưng hành trình hôn nhân lại dẫn người chồng người vợ ấy đi đến nhửng chân trời siêu vời khác. Khi người ta muốn có một đứa con, người ta tưởng rằng mình sẽ được vui với con cái dù phải mất một số thu nhập của gia đình. Thế rồi, khi nuôi con, người ta lại hiểu ra rằng không phải chỉ là tiêu tốn một số tiền bạc, nhưng còn phải cực thân rất nhiều. Thế rồi khi con lớn lên, người vợ, người chồng lại khám phá ra rằng, nuôi con không phải chỉ là mất tiền,cũng không phải chỉ là mất sức, nhưng còn là hao tốn tâm trí vì con, phải lo nghĩ, phải tính toán, phải ưu tư vì con. Hành trình làm cha mẹ chưa chấm dứt. Đến một lúc nào đó trong cuộc đời, người làm cha/ mẹ sẽ lại hiểu ra rằng : thôi thì đời mình làm sao  cũng được, miễn là con mình được nên người. Cảm nghĩ  ấy là một bước biến chuyển để  người cha/mẹ hiểu ra rằng, mình cho con trọn cả cuộc đời. Hành trình làm cha/mẹ là hành trình trao tặng chính bản thân mình. Đó là hành trình “dẫn dụ”của một thứ tình yêu cứ mời gọi thệm mãi, thúc bách cho đi nhịều hơn nữa, và cho đi cho đến cùng. Quả thật, mức độ của tình yêu là tình yêu không mức độ. Quả thật, chính vì tình yêu của cha/mẹ đối với con cái là thứ tình yêu có khả năng vươn lên tới mức độ cho đi chính bản thân mà hình ảnh người mẹ người cha trở thành hình ảnh đẹp nhất trên trần gian.

Hành trình cuộc đời của một con người hết sức phức tạp, gian nan và đầy những điều không ngờ. Đức Khổng tử nói rằng : Làm người  khó lắm ! Trên hành trình cuộc đời, đứa con không chỉ cần có tài năng, của cải, tìền bạc… nhưng còn cần có người khác chia sẻ cuộc đời với mình. “Người khác” ở đây không phải chỉ là những người bạn vui chơi, cũng không phải là những “người thầy” dạy bảo; nhưng trên hết, đứa con cần có người “đồng hành” trọn vẹn trên suốt cả cụộc đời, trong mọi hoàn cảnh… điều mà khó có ai khác có thể cho được hơn là những người làm cha làm mẹ. Điều mà con cái cần hơn hết chính là bản thân của cha mẹ, chúng cần có cha mẹ ở trong và gắn bó trọn vẹn cuộc đời với mình. Chữ hiếu không phải chỉ là đức tính làm đẹp cho bản thân của đứa con, nhưng còn là động lực mạnh mẽ giúp chúng có thể vững bước trên đường đời. Quả thật, nhu cầu lớn nhất của con người là tình yêu; nhưng không phải chỉ là một thứ tình yêu lãng mạn, bấp bênh mà là một thứ tình yêu dám đồng hành trọn vẹn, đó là thứ tình yêu trao tặng bản thân.
7b. Thập giá : tình yêu thương đến cùng
* Huyền nhiệm tình yêu nơi Chúa Giêsu

Nhìn vào Chúa Giêsu, chúng ta thấy Ngài giống như ”cái nhẹ”. Giống như hạt bụi để cho ngọn gió của quyền lực thổi tung :

“Thời ấy, hoàng đế Au-gút-tô ra chiếu chỉ, truyền kiểm tra dân số trong khắp cả thiên hạ. Đây là cuộc kiểm tra đầu tiên, được thực hiện thời ông Qui-ri-ni-ô làm tổng trấn xứ Xy-ri. Ai nấy đều phải về nguyên quán mà khai tên tuổi. Bởi thế, ông Giu-se từ thành Na-da-rét, miền Ga-li-lê lên thành vua Đa-vít tức là Bê-lem, miền Giu-đê, vì ông thuộc gia đình dòng tộc vua Đa-vít. Ông lên đó khai tên cùng với người đã thành hôn với ông là bà Ma-ri-a, lúc ấy đang có thai. Khi hai người đang ở đó, thì bà Ma-ri-a đã tới ngày mãn nguyệt khai hoa. Bà sinh con trai đầu lòng, lấy tã bọc con, rồi đặt nằm trong máng cỏ, vì hai ông bà không tìm được chỗ trong nhà trọ”. (Lc 2,1-7)

Khi Đức Giê-su nghe tin ông Gio-an đã bị nộp, Người lánh qua miền Ga-li-lê. Rồi Người bỏ Na-da-rét, đến ở Ca-phác-na-um, một thành ven biển hồ Ga-li-lê, thuộc địa hạt Dơ-vu-lun và Náp-ta-li, để ứng nghiệm lời ngôn sứ I-sai-a nói : Này đất Dơ-vu-lun, và đất Náp-ta-li, hỡi con đường ven biển, và vùng tả ngạn sông Gio-đan, hỡi Ga-li-lê, miền đất của dân ngoại ! Đoàn dân đang ngồi trong cảnh tối tăm đã thấy một ánh sáng huy hoàng, những kẻ đang ngồi trong vùng bóng tối của tử thần nay được ánh sáng bừng lên chiếu rọi”. (Mt 4, 12-16).
               
Nhìn vào Chúa Giêsu, chúng ta thấy Ngài từ chối sức mạnh cưỡng bức để chinh phục người khác. Chúa Giêsu từ chối mọi cám dỗ của Satan để thi hành được lối cứu độ bằng bánh mì, bằng sự lạ và bằng quyền bình (x. Trình thuật Cám dỗ).

“Đức Giêsu bảo người ấy : "Hãy xỏ gươm vào vỏ, vì tất cả những ai cầm gươm sẽ chết vì gươm” (Mt 26,52)

Ngài chọn con đường của Chúa Cha, con đường hy sinh mạng sống cho bạn hữu. Chúa Cha luôn xác nhận “nẻo được thấm nhập” nơi hành trình của Đức Giêsu; mỗi khi Chúa Giêsu đi theo lộ trình thấm nhập như thế, thì lại có tiếng của Chúa Cha “Đây là Con Ta yêu dấu, đẹp lòng ta mọi đàng”. Ngài trở nên tấm bánh và ly rượu để thấm nhập trọn vẹn vào người môn đệ…
               
Nhìn vào Chúa Giêsu, ta thấy Ngài chữa lành bệnh tật, Ngài tha thứ tội lỗi, Ngài đón nhận được những người bị loại trừ, Ngài sống trọn vẹn như một người “mang Tin Mừng cho những người nghèo khó”. Tin Mừng của Ngài không làm cho cuộc sống con người sợ hãi và dúm dó, nhưng mở đường cho các môn đệ được lớn lên, được vững mạnh. Lời Thánh Irênê diễn tả thật tuyệt nét “hợp lực” của  tình yêu ấy “vinh quang Thiên Chúa là con người được sống”.

“Kẻ trộm chỉ đến để ăn trộm, giết hại và phá huỷ. Phần tôi, tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào”. (Ga 10,10)

Thiên Chúa là Tình yêu, và tình yêu Thiên Chúa nơi Chúa Giêsu được thể hiện trong tất cả những đường nét huyền nhiệm mà ta không thể thấy được nơi đâu khác. Tình yêu của Thiên Chúa thì nhẹ bồng để đến với mọi người; tình yêu Thiên Chúa thì biết chờ đợi để thấm nhập sâu xa vào con tim của con người; tình yêu Thiên Chúa mở ra con đường cứu độ, con đường sống, sống phong phú dồi dào.
* Yêu bằng nẻo đường “hóa ra không”

Cám dỗ của Satan chính là : dụ Chúa Giêsu chiến thắng, nhưng chiến thắng bằng chính phương cách của Satan. Chúa Giêsu chiến thắng, trước tiên là chiến thắng chính phương cách Satan để thẳng tiến trên nẻo đường tình yêu. Phương cách chiến thắng của Thiên Chúa lại là để cho satan chiến thắng bên ngoài, để rồi dùng chính tình yêu để cải tạo chiến thắng của Satan… 

Hy sinh là dấu hiệu của tình yêu thương chân chính, và yêu thương theo chiều hướng của Đức Giêsu lại là “hy sinh mạng sống mình vì người mình yêu”. Ai đành mất mạng sống mình thì tìm lại được; còn ai dành sự sống mình thì lại mất.

Cách thức Thiên Chúa đập tan sự ác lại chính là làm cho nó “đánh vào không khí” nghĩa là cho nó bày tỏ hết sức mạnh của nó, cho nó đi đến cùng cường lực của nó, cho sự dữ giở ra hết mọi chiêu thức độc đáo của nó, mà chiêu thức cuối cùng chính là lấy cái chết để đe dọa con người. Cách thức Thiên Chúa chiến thắng sự ác là “lấy nhu thắng cương”, lấy nhẫn nhục và chịu đựng để đánh tan sức mạnh của sự ác. Chiêu thức này tỏ ra “cao hơn một bậc” so với trình độ của sự ác. Với tội lỗi, con người đã ích kỷ chọn lấy con đường không yêu thương, nhưng lại là con đường của sự chết; thì với Chúa Kitô, Ngài chọn chính con đường của sự chết vì yêu thương. Chúa Giêsu đi lại con đường của Adam với một sức mạnh mới, sức mạnh vượt qua sự chết bằng tình yêu thương.
               
“Đức Giê-su Ki-tô
   vốn dĩ là Thiên Chúa
   mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì
   địa vị ngang hàng với Thiên Chúa,
   nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang
   mặc lấy thân nô lệ,
   trở nên giống phàm nhân
   sống như người trần thế.” (Pl 2,6-7)

Tình yêu của Thiên Chúa thể hiện trong hình ảnh con chiên, sẵn sàng chịu đừng và luôn tỏ ra thân thiện; hình ảnh hạt lúa, có khả năng ươm mầm sự sống trong bản thân mình, để dám thối đi mà sinh nhiều bông hạt,…Tình yêu, theo kiểu của Thiên Chúa, một cách nào đó, chính là “lỗ rò” của sự sống, để sự sống có thể chuyển đến cho người khác; tình yêu đó là “tấm lòng”, như cánh để có thể bị gió cuốn đi…
7c. Làm sao có  được một cộng đồng sự sống
* Gợi ý suy niệm

1. Ta có khám phá ra được một sức sống phong phú dồi dào khi nhận biết tình yêu của Thiên Chúa không ?

2. có bao giờ ta thấy vui khi nhận ra sự sống của mình đang chuyển thông cho người khác ?
* Gợi ý thực hành

1. Mỗi lần rước lễ, xin Chúa cho ta xác tín được sự sống của Chúa trong bản thân mình.

8. Lòng mến, nguồn Hạnh phúc

8a. Tìm hạnh phúc trong lòng mến
* Hạnh phúc, khó mà dễ

            Điều người ta thống nhất được với nhau, đó là mọi người đều khao khát hạnh phúc và đều cố gắng tìm cho mình một đời sống hạnh phúc. Nhưng “hạnh phúc là gì”, đó lại là điều người  ta không dễ dàng đồng ý nhất với nhau. Hạnh phúc là một điều  không dễ định nghĩa. Có bao nhiêu quan niệm về con người khác nhau thì cũng có bấy nhiêu những định nghĩa khác nhau về hạnh phúc. Đó là chưa kể đến những khao khát thực tế của mỗi người, trong hoàn cảnh riêng của mỗi con người. Có lẽ một trong những nguyên nhân gây nên bất hạnh cho con người, đó là vì người ta đã có một quan niệm “sai lầm” về hạnh phúc, cách minh bạch hay mập mờ, trong lý thuyết hoặc trong thực tế. Chẳng hạn có người nghĩ : hạnh phúc là sự vắng mặt của đau khổ. Điều đó có vẻ dễ hiểu; nhưng đó lại là một cách nhìn không mang lại ý nghĩa tích cực cho cuộc sống; vì  mấy khi cuộc sống con người vắng mặt đau khổ ? Cũng có nhiều “phương sách” giúp tìm hạnh phúc bằng một vài kỹ thuật sống… nhưng hạnh phúc là mục đích chính yếu của đời sống con người thì có lẽ chẳng phải do một chút khôn khéo của kỹ thuật sống mà có được…

            Thật ra, hạnh phúc khó mà lại dễ, dễ nhưng mà khó. “Khó mà dễ”, thực sự cũng là một tính chất chung của vận mạng con người. Cái dễ một cách khách quan nhưng lại khó một cách chủ quan; cái khó không phải là do một tình trạng bất lực căn bản, nhưng là do một thái độ sai lầm nào đó của chính con người, mà con người lại không dễ thay đổi thái đô…
* Hạnh phúc khác với sung sướng

Người ta rất dễ lầm lạc giữa hạnh phúc và Sung sướng. Chúng ta thử xác định một vài tính chất khác biệt của hai khái  niệm này :

+ Sung sướng “đo đếm” được, hạnh phúc không “đo đếm” được.
Ta có thể dễ dàng khẳng định người này sung sướng hơn người kia khi nhìn vào nếp sống bên ngoài của họ : người có nhà ở tiện nghi thì sướng hơn người vô gia cư, hoặc ở trong nhưng khu ổ chuột; người thường được ăn nhà hàng thì sướng hơn người phải chạy gạo từng bữa..Nhưng nhìn từ bên ngoài như thế, ta khó có thể biết được người này có hạnh phúc hay không, hạnh phúc nhiều hay ít, có hạnh phúc bằng người kia không…Sung sướng là điều ta đo đếm được; còn hạnh phúc lại là điều không thể đo đếm được.

Sung sướng giống như một bông hoa để cho người khác có thể xem thấy; hạnh phúc giống như một hạt giống âm thầm. Bông hoa thì khoe sắc cho người khác thấy; còn hạnh phúc thì ôm lấy sự sống trong bản thân. Bông hoa thì được đánh giá đẹp hay không đẹp; nhưng hạt giống lại tự nó ấp ủ sức sống trong chính nó.

Cái đo đếm được thì nó lù lù trước mặt khiến cho nhiều người bị cuốn hút vào cuộc tranh đua, còn cái không đo đếm được thì lại bàng bạc mơ hồ…Đó lại là chính cạm bẫy của cuộc đời con người. Biết bao người rơi vào cạm bẫy và đánh mất hạnh phúc chỉ vì lao vào cuộc tìm kiếm sung sướng bằng bất cứ giá nào! Biết bao người rơi vào cạm bẫy vì không biết hái lấy hạnh phúc trong tầm tay, mà lại mải mê đi tìm ở đâu khác! Biết bao người đánh mất trọn vẹn một cuộc đời được Chúa sáng tạo nên để sống hạnh phúc, chỉ vì không chịu chấp nhận hạnh phúc của yêu thương!

+ Sung sướng là do so sánh với  người khác, hạnh phúc lại là khám phá ý nghĩa cuộc đời mình,.

Đứa học trò thường chỉ vui khi so sánh điểm của mình với bạn bè xung quanh để vui hay buồn. Người ta cũng luôn cảm thấy mình sung sướng hay khổ sở khi so sánh đời mình với những người chung quanh. Cái đo đếm được (sung sướng) thì cũng so sánh được; và chính bài toán so sánh làm cho cái được đo đếm ấy trở thành nhiều hay ít, tốt hay xấu…Đó là thế giới của khổ sở và sung sướng.

Một bàn ăn đơn sơ nhưng đầy ắp tiếng cười của trẻ thơ, bầu khí hạnh phúc ấy  “thách thức”cả thế giới xa hoa xung quanh; hai anh chị cười rúc rích trên chiếc xe đạp, bất chấp những người xung quanh đang vi vút với những chiếc xe tay ga sang trọng…Đây lại là thế giới đầy ắp hạnh phúc. Cái đáp số của hạnh phúc không phải là kết quả của bài toán so sánh, nhưng là kết quả của tình yêu sâu sắc hay hời hợt.

+ Sung sướng mang lại cảm giác thoả mãn; hạnh phúc mang lại cảm nhận sung mãn

Sung sướng làm thỏa mãn khát vọng hưởng thụ sự vật; hạnh phúc hình thành nên một ý nghĩa sung mãn cho bản thân. Khi ta được đi ăn một bữa tiệc ngon, ta sung sướng thưởng thức các món ăn. Nhưng càng thỏa mãn nhiều thì càng để lại mệt mỏi nhiều và yếu nhược sức sống. Khi ta tổ chức một bữa tiệc mừng con ta thi đậu; ta chẳng ăn được bao nhiêu, ta bận tâm lo chuyện này chuyện khác…Nhưng bù lại, ta cảm thấy sung mãn trong tâm hồn và có thể dậy sớm sáng hôm sau, để lo bữa ăn sáng cho đứa con thân yêu của mình.

Chìều hướng của sung sướng và chiều hướng của hạnh phúc hoàn toàn khác nhau : sung sướng thì hướng tới sự “tiêu thụ” trực tiếp giữa ta và sản phẩm. Hạnh phúc thì lại giúp ta quay về với ý nghĩa chân chính của bản thân, rồi thôi thúc ta cống hiến bản thân mình cho người khác. Người làm cha/ mẹ sống niềm hạnh phúc được làm cha/ mẹ, và ý nghĩa ấy thôi thúc cha mẹ cống híến hơn nữa cho con cái. Cảm nhận thỏa mãn trong sung sướng dễ đưa đến thái độ thích hưởng thụ và dễ gắn liền với ích kỷ. Hạnh phúc thì cung cấp ý nghĩa cho bản thân và gia tăng năng lực cho cuộc sống.

Lý do sâu xa là vì sung sướng gắn liền với sự vật. Sự vật là tất cả những gì không phải là một ngôi vị,  tức là không phải một ai khác, nhưng chỉ là cái gì : một căn nhà, một tư tưởng, một hào quang danh vọng, một học vị hay một tài năng. Tìm sự vật, đólà qui chế sống của con vật. Con vật tiêu thụ sản phẩm; và khi tiêu thụ hết sản phẩm trong sự sung sướng, con vật phải tiếp tục tìm sản phẩm khác để hưởng thụ. Con người sung sướng cũng tiêu thụ sản phẩm như thế và không còn lại điều gì cho bản thân như một ngôi vị có giá trị sống, chỉ còn là một cảm giác trống vắng, cô đơn. Sung sướng không làm cho bản thân con người sung mãn thêm.

Hạnh phúc gắn liền với tương quan ngôi vị (đón nhận chính “cái tôi” của nhau, chứ không phải chỉ đón nhận người khác như một tài năng, sắc đẹp ..) nó là qui chế sống của con người, là sống nhu cầu lớn nhất của con người. Hạnh phúc đi theo chiều hướng tìm lại bản thân mình, và khám phá khát vọng thâm sâu, khát vọng đích thực,chân chính của bản thân , đó không là gì hơn khát vọng yêu thương. Nói cho cùng, hạnh phúc chỉ có trong yêu thương, vì yêu thương là bản chất sâu xa nhất của con người. Hạnh phúc là cảm nhận được ý nghĩa của yêu thương và thôi thúc dâng tặng trong yêu thương. Hạnh phúc là hoa trái của yêu thương và chỉ trong yêu thương người ta mới tìm thấy hạnh phúc đich  thực. Nhưng yêu thương chân chính chỉ có thể là yêu thương theo tinh thần của đức Kitô, mà lý tưởng không là gì khác hơn “hy sinh mạng sống vì bạn hữu”. Hạnh phúc làm nên cảm nhận sung mãn thôi thúc ta đi trên nẻo đường ấy.

+ Sung sướng chỉ tốt khi nó được bao bọc trong hạnh phúc
Trong qui chế sống của con người, sự vật chỉ là phương tiện để giúp con người gặp nhau và hịệp thông với nhau. Sự vật là nhịp cầu để con người đến với nhau, sự vật là phương tiện con người dùng để chính bản thân con người đến được với ai khác trong ỵêu thương. Khi người ta đi tìm sự vật để tiêu thụ sự vật như một sản phẩm, người ta sung sướng; ngược lại,  khi người ta dùng sự vật để diễn tả lòng yêu thương của mình đến ai khác, người ta gặp gỡ người khác và khi đó người ta mới đạt tới được hạnh phúc.

Chính vì không sắp xếp được thứ bậc giá trị giữa hạnh phúc và sung sướng, nhiều người tưởng rằng khi có thêm điều kiện để sung sướng, thì ta cũng đương nhiên cóthêm hạnh phúc. Rồi khi đạt được một lối sống sung sướng hơn, người ta lại thường đánh mất hạnh phúc.

Đúng ra sung sướng chỉ có thể làm gia tăng hạnh phúc khi con người biết hưởng dùng trong tình yêu và để diễn tả tình yêu. Chẳng hạn: người đi mua dâm thì chỉ tìm được sự sung sướng; nhưng chỉ trong tính yêu vợ chồng, chuyện chăn gối đồng thời mang lại cả khoái cảm sung sướng lẫn hạnh phúc. Bởi vì mua dâm là mua thân xác người khác như một sự vật; không phải là sự gặp gỡ người yêu bằng trọn vẹn bản thân của mình.

Tuy vậy, cũng phải luôn nhớ rằng sung sướng là một cạm bẫy rất dễ làm tha hóa con người. Người nào quá chú trọng tìm sung sướng thường là người ít có khả năng nếm cảm hạnh phúc.
* Khám phá hạnh phúc trong tình yêu
               
Hạnh phúc chỉ có được khi người ta tìm về với ý nghĩa chân chính của bản thân mình; sống trọn ý nghĩa chân chính ấy, và từ ý nghĩa ấy, con người biết cho đi chính bản thân mình. Đó không là gì khác hơn nẻo đường của tình yêu. Hạnh phúc là khát vọng sâu xa và bao quát nhất của con người, khát vọng ấy cũng không thể được thoả mãn ở đâu khác hơn nơi chính động lực căn bản, ý nghĩa căn bản của đời sống con người, tức là tình yêu.

Hạnh phúc trần gian không là gì khác hơn những giây phút loé sáng của tình yêu chân chính; đó là lúc, con người nhận ra bản thân mình thực sự là mình nhờ thành thật hiến dâng. Sung sướng được gia tăng khi sự hưởng thụ  sự vật được gia tăng, hoặc khi tỷ lệ chênh lệnh sự sung sướng của mình được vượt trội so sánh với sự sung sướng của những người chung quanh. Trong khi đó, mức độ hạnh phúc lại tùy thuộc và “độ sâu” của ý nghĩa mà người ta khám phá ra được. càng khám phá ra ý nghĩa sâu xa hơn của cuộc đời, những ý nghĩa gắn liền sâu xa hơn với vận mệnh đời người. Người nào càng “khám phá” ra ý nghĩa sâu xa hơn của đời người thì càng có cơ may khám phá niềm hạnh phúc sâu xa hơn; ý nghĩa đó được thực hiện thể hiện trọn vẹn khi mà người ta khám phá ra được ý nghĩa của trọn vẹn cuộc đời, nghĩa là ý nghĩa duy nhất của vận mạng đời người thì người ấy càng có nhiều cơ may tìm thấy hạnh phúc thật cho cuộc đời của mình. “Khám phá” ở đây dĩ nhiên không phải là một sự minh bạch của lý trí, nhưng là một lòng can đảm dám chấp nhận hy sinh vì tình yêu. Trong tình yêu, con người có khả năng khám phá ý nghĩa duy nhất của trọn vẹn cuộc đời, và trong tình yêu, người ta có thể tìm được hạnh phúc trọn vẹn của cuộc đời.

*** Thật ra, trong cuộc sống trần gian, niềm hạnh phúc trong tinh thần Kitô giáo, niềm hạnh phúc trong tình yêu, niềm hạnh phúc khởi đi từ chỗ tìm thấy ý nghĩa của bản thân, không thể trọn vẹn được; chẳng những vì đó là một trạng thái mà cảm quan tự nhiên của con người không thể đón nhận một cách an hòa tự nhiên. Tình trạng tìm hạnh phúc trong hy sinh vẫn luôn là một cuộc chiến với chính bản thân mình, biểu lộ một sự đổ vỡ trong chính bản thân, một tình trạng bị xé của hiện sinh con người. Khẳng định đó là niềm hạnh phúc trọn vẹn sẽ có nguy cơ rơi vào một thứ bệnh “khổ dâm”. Hơn nữa, khi việc sống ý nghĩa tình yêu bị phản bội, thì nỗi đau khổ ấy không còn là điều đi ngược với sự sung sướng nhưng là ngược với chính hạnh phúc. Cha mẹ khổ cực để chăm sóc cho đứa con nhỏ bệnh tật của mình, điều đó còn có thể hạnh phúc được; nhưng cha mẹ hy sinh cực khổ cho một đứa con bất hiếu, chửi mắng cha mẹ thì không thể gọi là hạnh phúc được.

Hơn nữa, nếu sung sướng có thể “hợp pháp” trong hạnh phúc thì niềm mơ ước tuyệt đối của của con người cũng không thể loại trừ một khao khát hạnh phúc và sung sướng hoàn toàn phong phú, hoàn toàn hòa hợp với nhau, theo tỷ lệ thuận chứ không phải theo tỷ lệ nghịch.
               
Như thế, có thể nói được, trong đời sống trên trần gian, không thể có hạnh phúc trọn vẹn. Đó là giới hạn bất khả vượt qua của con người; giới hạn mà con người chỉ có thể đón nhận trong niềm hy vọng vào cuộc sống mai sau.  
 
 
 
8b. Thiên Chúa Hạnh phúc
* Con Ta yêu dấu

Trong tin Mừng, chúng ta thấy có những lần Chúa Cha phán rằng : Đây là con ta yêu dấu, đẹp lòng ta mọi đàng”; lời tuyên phán đó cho thấy một niềm hạnh phúc sâu xa trọng lòng Ba Ngôi. “Đẹp lòng mọi đàng”, nghĩa là một niềm vui sâu xa vì nhau. Chúa cha vui vì Chúa Giêsu, và chắc chắn Chúa Giêsu cũng tìm thấy niềm vui sâu xa trong lời tuyên phán của Chúa Cha. Niềm “hạnh phúc” ấy chắc chắn không phải là một sự hưởng thụ cho bản thân, những là một sự thể hiện ý nghĩa sâu xa của “bản thân”. Những lời tuyên phán ấy được nói lên khi mà Chúa Giêsu đi vào nẻo đường của Chúa Cha, nẻo đường cứu độ bằng tình thương mà Chúa Cha muốn dẫn dắt, nẻo đường mà Chúa Giêsu tình nguyện lựa chọn như một sứ vụ đã được lãnh nhận từ Chúa Cha. Thiên Chúa tỏ mình ra những giây phút “hạnh phúc” khi sống trọn ý nghĩa của tình yêu, tình yêu hy sinh vì ơn cứu độ cho con người.
* Chúa Giêsu hớn hở vui mừng

Trong Tin Mừng, chúng ta thấy một chỗ duy nhất diễn tả niềm vui của Chúa Giêsu :

“Ngay giờ ấy, được Thánh Thần tác động, Đức Giê-su hớn hở vui mừng và nói : "Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu kín không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn. Vâng, lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha”. (Lc 10,21)

Niềm vui ấy gắn liền với việc khám phá thánh ý của Chúa Cha : “mạc khải cho những người bé mọn”. Niềm vui ấy hoàn toàn không dính dáng tới việc hưởng thụ cá nhân, không phải là một sự sung sướng, nhưng là niềm hạnh phúc vì khám phá ra sứ mệnh của chính mình. Niềm hạnh phúc, đến độ “hớn hở vui mừng” bắt nguồn từ việc Chúa Giêsu khám phá ra ý nghĩa sứ vụ của chính mình, sứ vụ được Chúa Cha trao phó; đó thật sự là một niềm hạnh phúc nhờ đi vào ý nghĩa bản thân, nhờ can đảm dấn thân vào hành trình thập giá.
* Đức Maria hớn hở vui mừng

Chúng ta cũng gặp một chỗ khác nói về niềm vui của Đức Maria : 

“thần trí tôi hớn hở vui mừng
vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi”. (Lc 1,47)

Niềm vui của Đức Maria cũng không ra ngoài qui luật chung của hạnh phúc. Đức Maria không lãnh nhận vai trò làm Mẹ Đấng Mêsia để hưởng sự sung sướng, nhưng để thi hành sứ vụ, một sứ vụ gian nan và chịu “lưỡi gươm thâu qua lòng”.
* Chiều kích Cánh Chung

Truyền Thống Nhất Lãm thì loan báo Nước Thiên Chúa sắp đến; các thư đầu của thánh Phaolô cũng nằm trong chiều hướng chung ấy. Lịch sử Giáo Hội, nhất là trong ba trăm năm đầu cũng đầy một niềm khao khát Nước Chúa mau đến. Đó cũng là sự mong chờ xuất phát từ một niềm khao khát cuộc sống được an vui hơn, tốt đẹp hơn.

Trong khi đó, truyền thống Gioan và các thư Phaolô về sau lại đề cao một niềm hạnh phúc có Chúa, ở đây và lúc này, nghĩa là một khởi đầu của tuyệt đối đã có rồi.

Thật ra, ta vẫn luôn luôn khao khát một niềm hạnh phúc đi đôi với sung sướng. Nhưng điều đó chỉ có được ở thế giới mai sau. Trong cuộc sống này, ta được đón nhận hạnh phúc có Chúa và luôn hy vọng một hạnh phúc trọn vẹn hơn… Niềm tin vào Chúa, một Thiên Chúa yêu thương bạn đến nổi dám hy sinh mạng sống vì ta, một Thiên Chúa đang đồng hành và đang chờ đợi để dẫn đưa ta vào niềm hạnh phúc trọn ven, chính niềm tin ấy sẽ trở nên  như một lộ trình được mở ra cho con người, như một bàn tay đang dẫn dắt ta vững bước trên hành trình tìm hạnh phúc. Tin tưởng vào Chúa, ta sẽ nếm cảm được niềm hạnh phúc được yêu thương vẫn đang ở ngay trong lòng, niềm hạnh phúc vĩnh cửu ở cuối đường vẫn đang chờ đợi. Chính niềm tin – cây – mến đối với Chúa sẽ giúp bạn luôn tỉnh táo trước những hoàn cảnh phức tạp trong cuộc sống, để luôn biết tìm kiếm và trân trọng hạnh phúc yêu thương.
8c. Khám phá hạnh phúc trong cộng đoàn
* Gợi ý suy niệm

1. Có bao giờ bạn thấy được niềm vui phát xuất từ ý nghĩa cuộc đời, từ ơn gọi và sứ vụ chưa ?

2. Có bao giờ bạn thấy hạnh phúc vì nhận ra có Chúa ở cùng ?
* Gợi ý thực hành

1. Hãy biết trân trọng, hít thở niềm hạnh phúc được sống trong tình yêu, ở đây và lúc này.


Đức Mến Trong Đời Sống Thánh Hiến










[1] Trích lại trong Thông Điệp Thiên Chúa là Tình Yêu của đức Benedicto XVI, số 4.
[2] Xc. Thông Điệp  Thiên Chúa là Tình Yêu của đức Benedicto XVI, số 4

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Top