NGHỊCH LÝ CỦA TÌNH YÊU KITÔ GIÁO


            Ai cũng biết Kitô giáo là đạo yêu thương. Tuy nhiên, trên thế gian này có rất nhiều cách hiểu về tình yêu. Rồi người ta suy diễn từ những cách hiểu về tình yêu của mình để "hiểu" về đạo. Thế là phẩm chất Kitô giáo cũng trở thành nhiều thứ khác nhau, nhiều khi trái ngược nhau theo những cách hiểu về tình yêu khác nhau.
            Đức Benedicto XVI, trong Thông Điệp Thiên Chúa là Tình Yêu, sau khi  trình bày sự khác biệt giữa hai thứ tình yêu eros và agapê, đã nói rằng :

Nếu như người ta đưa việc đối kháng này đến mức triệt để, thì điểm đặc thù của Kitô giáo sẽ bị tách ra khỏi những liên hệ căn bản của cuộc sống con người, và trở thành một thế giới đặc biệt, người ta có thể nhìn ngắm một cách kinh ngạc, nhưng lại bị cắt lìa khỏi sự toàn diện của đời sống con người” (số 7)…
“…trên căn bản, tình yêu là một thực tại duy nhất, nhưng lại có nhiều chiều kích khác nhau – tùy trường hợp, có thể chiều kích này nổi trội hơn chiều kích kia. Nhưng nơi nào cả hai chiều kích bị tách biệt nhau, thì sẽ xuất hiện một bức hý họa, hay có khi một hình thức què quặt của tình yêu” (số 8).
            Khẳng định của đức Bênêdictô XVI cho thấy Kitô giáo không phải là một sự đối nghịch với những giá trị bình thường của cuộc sống nhân sinh; và tình yêu Kitô giáo không loại trừ những giá trị tốt đẹp của tình yêu đời thường. Tuy nhiên, Kitô giáo cũng không phải chỉ là một hệ thống giáo thuyết luân lý mà người ta có thể tìm thấy những điều tương tự trong các giá trị luân lý của xã hội con người. Kitô giáo bao hàm một cách thiết yếu tác động cứu độ của Thiên Chúa như một sự đảo nghịch quy luật thường tình của cuộc sống. Như thế, tình yêu Kitô giáo cũng có phẩm chất riêng, mà nói như đức Bênêdictô XVI, đó là : tình yêu Agape sẽ thanh luyện tình yêu Eros.
   "Sự thanh luyện và trưởng thành rất cần thiết, và các điều này phải kinh qua con đường từ bỏ. Đây không phải là phủ nhận, cũng không phải là "đầu độc" eros, nhưng là chữa lành để đạt được sự cao cả thực sự của nó " (số 5)
            Đức Benedictô XVI còn tiếp tục trình bầy rõ hơn về sự thanh luyện ấy trong số 6 của Thông Điệp, mà trọng tâm chính là con đường từ bỏ.
"Ai yêu quý mạng sống mình, thì sẽ mất ; còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này, thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời".(Ga 12,25)
            Nói cách khác nữa, Kitô giáo đảm nhận tất cả những giá trị của tình yêu nhân loại, nhưng làm biến đổi tình yêu ấy trong tác động cứu độ của Thiên Chúa; và Ngài làm cho tình yêu nhân loại được thực hiện một cách trọn vẹn trong một phương cách đảo ngược kỳ diệu. Có lẽ chính con đường từ bỏ, diễn tả tính cách đảo ngược, tính cách "nghịch lý", chính là phẩm chất rõ nét nhất của tình yêu chân chính đến từ Thiên Chúa. Nghịch lý ở đây không phải là một sự mâu thuẫn, và không phải là một thái độ chủ trương một niềm tin chống lại lý trí như nhà thần học Tertulien (tôi tin vì sự nghich lý). Nhưng nghịch lý ở đây là một sự đảo ngược những thói quen suy nghĩ, những thói quen hành động của con người, và bày tỏ cho thấy một "cách nghĩ" khác của chính Thiên Chúa để làm cho tình yêu trở nên tuyệt hảo. Chúng ta thử suy niệm một vài nét về tính cách đảo ngược ấy..
1. Thay đổi trọng tâm
Khi tôi yêu, thế giới của tôi không còn là thế giới của cái tôi đơn độc, lù lù ra đó; nhưng nó bỗng nhiên trở nên mỏng mảnh, mông lung, và thiếu thốn. Khi tôi yêu, cái tôi vốn được tôi coi như là cái rốn của vũ trụ bỗng nhiên trở nên không quan trọng nữa; trước đây, tôi suy nghĩ một sự từ cái nhỉn của tôi, tôi yêu thích mọi sự từ trái tim của tôi, tôi xử dụng mọi sự theo sự thuận thiện cho tôi…., thì nay, điều quan trọng hơn cả lại là làm sao tốt nhất cho người tôi yêu. Khi tôi yêu, tôi mong điều tốt cho người tôi yêu;  tôi quan tâm đến người tôi yêu hơn là quan tâm về chính bản thân tôi. Như thế, trọng tâm của đời tôi bắt đầu thay đổi. Tôi bắt đầu biết di chuyển trọng tâm đời tôi ra khỏi cái tôi ích kỷ và giới hạn của tôi để đặt trọng tâm cuộc đời nơi người tôi yêu. Rồi với một trọng tâm khác thì ý nghĩa của thành công hay thất bại cũng khác. Cái thành công của tôi có thể lại trở nên xấu, nếu nó mang lại điều không hay cho người tôi yêu. Ngược lại cái đau của tôi lại có thể trở nên tốt khi nó được đánh giá từ trọng tâm là điều tốt cho người tôi yêu. Với tình yêu thương, cuộc đời có thể thay đổi hoặc đảo ngược ý nghĩa; vì trong tình yêu, cuộc đời, thay vì là vun quén cho bản thân, lại trở thành như một hành vi cho đi; và cho đi trọn vẹn nhất chỉ có thể là cho đi chính bản thân.
2. Ra khỏi bản thân

Sự vật vật chất thì “lù lù” ra đó, nó là nó. Nó chẳng bao giờ ra khỏi bản thân, nên cũng chẳng đổi ra khác được. Nó sống hay chết cho một mình nó. Sự sống thì có một cơ chế đặc biệt hơn, sự sống có thể tự gạn lọc để thu nhận những gì thích hợp, tiêu hóa những gì mình thu nhận để biến trở nên chính xương thịt của mình. Sự sống cũng “tìm cách” ra khỏi bản thân mình để muốn sống “trường tồn” bằng sự sinh sản. Thế nhưng sự sống của con vật, thì dù tiêu hóa cao lương mỹ vị gì, thì vẫn chỉ là nó; và khi nó “ra khỏi bản thân” qua sự sinh sản, thì cũng chỉ là một sự kéo dài thêm sự sống của nòi giống. Cá thể của sinh vật chỉ là phương tiện cho giống nòi, và chính giống nòi của con vật thì cũng không có cứu cánh tự thân. Con người cũng là một sự sống, nhưng sự sống của con người thì khác hẳn. Đó là một sự sống có phẩm chất tinh thần, nó có thể ra khỏi bản thân mình để đạt đến một sự hiệp thông sâu xa với ai khác, nó có khả năng “trường tồn” khi chuyển sự sống của mình sang người khác.
Sự chuyển thông này không phải chỉ là chuyển thông sự sống sinh vật của giống nòi. Bởi vì con người vốn là một sinh vật tương đối, nhưng lại mang phẩm giá của tuyệt đối. Bản thân tự tại của con người thì rõ ràng là một sinh vật tương đối. Tất cả thành công hay thất bại của tôi chỉ là cái hết sức tương đối. Tôi thành công thì có người thành công hơn tôi; tôi đau thì cũng có người còn đau hơn tôi; cuối cùng cuộc đời tôi đụng chạm vào cái chết, và mọi sự dính dáng đến tôi cũng tỏ hiện tất cả tính tương đối căn bản của nó trong cái chết của tôi. Tuy vậy, trong thế giới con người với nhau, và trong thế giới của Chúa, con người là một cá thể có giá trị độc đáo mà không thể lấy một điều gì khác để thay thế được, con người có cứu cánh tự thân và không thể trở thành phương tiện cho bất cứ điều gì khác hay cho bất cứ ai khác. Như một cá nhân độc đáo, con người có mơ ước của mình, những những niềm vui và ý thích riêng của mình, có lịch sử của minh. Con người như một cá thể độc đáo, có quyền mơ ước trường tồn, có khát vọng tuyệt đối. Chính con người cao quý và tuyệt đối ấy, khi yêu, đã chấp nhận đã ra khỏi bản thân mình, để đến với người khác. Chỉ khi yêu thì con người mới có khả năng ra khỏi bản thân mình để đến với ai khác; nói cách khác, chỉ có một "ngõ ra" của con người đó là ngõ ra của tình yêu.
3. Dấn thân vì người khác
Triết gia G. Marcel cho rằng người ta không thể dấn thân vì mình, không thể dấn thân vì sự vật, ngay cả với một lý tưởng, nhưng chỉ có thể dấn thân vì một ai khác. Khi người ta lao vào cuộc để củng cố, để thăng tiến bản thân mình, người ta dễ rơi vào kiêu ngạo hoặc ích kỷ, đó là thái độ đóng kín trong chính mình. Tất cả vẫn chỉ là làm phình to lên cái tôi của mình mà thôi. Khi người ta dấn thân vì sự vật, vì một thứ chân lý khách quan nào đó, vì một công trình tuyệt vời nào đó, thậm chí vì một lý tưởng cao đẹp nào đó mà không hướng đến ai khác, thì thật sự ra đó cũng chỉ là một sự dấn thân vì mình mà thôi.
Dấn thân chân chính chỉ có thể là dấn thân vì ai khác. Dấn thân vì ai khác mang phẩm chất của một hành trình được nuôi bằng nghĩa tình, được hoàn thành khi đạt đến đích điểm là nghĩa tình chứ không phải là sự thành công của bản thân tôi hay hoàn thành một công trình có tính "sự vật" nào đó. Chẳng hạn : người đi vào đời sống hôn nhân hoặc đời sống tu trì đều một cách nào đó là những người “điếc không sợ súng”, nghĩa là không thấy hết được những khó khăn trong ơn gọi và sứ vụ mà mình lựa chọn. Điếc không sợ súng, một cách nào đó, là “tưởng bở” hóa ra là “dai”. Thế nhưng cái hay của hành trình “điếc không sợ súng” là : chính trên hành trình không được duyệt chính do lý trí, con người vẫn có thể đi cho trọn vẹn được. Đúng hơn, chính hành trình điếc không sợ súng thật ra lại tỏ lộ rõ rệt hơn động lực của hành trình : chính những tương giao trên hành trình dấn thân vì ai khác, chính những nghĩa tình được xây dựng trên hành trình dấn thân mới có thể nuôi dưỡng và trở nên động lực của hành trình dấn thân. Điếc không sợ súng, điều đó cũng có nghĩa là động lực để người ta đi trên đường đời, sâu xa hơn, không phải là lý trí lựa chọn một chương trình, không phải là một lý tưởng đẹp được mơ ước… nhưng chính bề dày nghĩa tình, nghĩa là chính những tình nghĩa, chính vì tha nhân mà ta gặp trên hành trình dấn thân làm cho người ta tìm được sức sống mới, liên tục phát sinh sức mạnh để đi trên hành trình ơn gọi và sứ vụ. Điếc không sợ súng, đó cũng là điều cần thiết, vì khi đó, người ta lao vào cuộc, có thể vì tưởng bở, nhưng không phải đi vào cuộc với sức mạnh và chương trình của mình, mà là nhờ sức mạnh của tình liên đới cụ thể, càng đi thì càng “tự sạc” điện cho mình bằng những kinh nghiệm của sống-với. Điều đó cũng cho thấy con người chỉ có thể dấn thân thực sự và dấn thân đến cùng vì ai khác, chứ không phải vì một chương trình hay vì bất cứ một sự vật nào khác.

4. Gặp lại chính mình

Trong thế giới con người, chỉ có hai lãnh vực mà trong đó, con người kinh nghiệm được sự nghịch lý căn bản của đời sống con người, hai lãnh vực đó là tình yêu và tôn giáo, và điều nghịch lý căn bản đó là : ra khỏi bản thân mình để lại tìm gặp lại được chính mình một cách toàn vẹn hơn. Người cha/mẹ chẳng hạn, sống tình yêu thương đối với con cái, và cảm nhận ra mình được là mình thật sự (được là cha/mẹ) khi vất vả làm ăn để nuôi con, khi được chăm sóc cho con, và nhất là khi nhận ra đời mình, dù có tầm thường đến đâu cũng được, miễn là con mình được nên người.
   Công Đồng Vatican II diễn tả chân lý sâu xa của vận mạng con người như sau :
“Con người là tạo vật duy nhất ở trần gian được Thiên Chúa dựng nên vì chính họ, chỉ có thể gặp lai chính bản thân mình nhờ thành thực hiến dâng” (MV 24c).
            Chính chân lý ấy được Đức Giêsu trình bày nhiều lần trong Tin Mừng :
- "Ai yêu quý mạng sống mình, thì sẽ mất ; còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này, thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời".( Ga 12,25)
- "Thật, Thầy bảo thật anh em, nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình ; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác".( Ga 12,24)
- "Mạng sống của tôi, không ai lấy đi được, nhưng chính tôi tự ý hy sinh mạng sống mình. Tôi có quyền hy sinh và có quyền lấy lại mạng sống ấy. Đó là mệnh lệnh của Cha tôi mà tôi đã nhận được."( Ga 10,18)
            Tình yêu Kitô giáo là một sự đảo ngược, trong đó, tình yêu thực sự vượt thắng được chính cái tôi ích kỷ, cái tôi muốn thành chính mình không cần đến ai khác, cái tôi mà con người mang lấy trong thân phận của "tội tổ tông", nghĩa là tự mình hoàn tất đời mình, trở nên như thần thánh, chỉ bằng một phương cách khẳng định điều thiện điều ác của chính mình.

Kết


Đi vào nhịp bước tình nghĩa, người ta được mời gọi ra khỏi bản thân, dấn thân vì tha nhân và dấn thân cho đến cùng. Tiếng gọi của tình yêu chân chính bao giờ cũng thôi thúc con người đến một cách sống yêu thương trọn vẹn, triệt để, yêu thương đến cùng. Hành trình của tình yêu không phải nhằm đạt đến một sự an hòa cho bản thân, nhưng là vượt quá bản năng bảo vệ bản thân. Đó luôn luôn là một cuộc “vượt qua”. Tình yêu thương, trong khía cạnh dính dáng đến vận mạng con người, không thể được giải quyết bằng thái độ “đi giầy cao gót”, thái độ “đi cà khêu” trong cuộc đời. Để đến với ai khác trong tình yêu, ai khác như một bản thân có giá trị tuyệt đối, ai khác như vận mạng một đời người, ai khác với tất cả sự phức tạp của cuộc đời, người ta cũng phải hy sinh cả một đời.

Nguyễn Trọng Viễn O.P.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Top