Loan báo Tin Mừng tại Châu Á qua

 những giá trị của đời sống gia đình


            Đức Giêsu Kitô là một người Châu Á; đó là một sự kiện, không phải để vinh vang một cách “siêu hình”, nghĩa là tự hào vì ta cũng là một người giống đức Giêsu; một thứ tự hào thông qua một khái niệm siêu hình về một loại người châu á trừu tượng nào đó. Nhưng sự kiện đức Giêsu là một người Châu Á là một dữ kiện cần lưu ý để có thể nhận ra một số đường nét trong Tin Mừng của Ngài, và nhận ra một phương cách loan báo Tin Mừng cho các Dân Tộc Châu Á ngày hôm nay. Đức Giêsu là người Châu Á, nghĩa là Ngài chia sẻ với chúng ta, những người Châu Á, một số giá trị văn hóa; và điều quan trọng là những giá trị văn hóa ấy, dù trải qua gần 2000 năm rồi, vẫn còn là “mảnh đất” gặp gỡ lý tưởng giữa những người Châu Á với đức Giêsu Kitô, cũng như có thể bao gồm những đường nét cho một sự gặp gỡ sâu xa giữa Đức Giêsu và con người nói chung.
            Giáo Hội Kitô giáo đứng trước thách đố Châu Á cũng là một sự kiện. Châu Á là nơi của những nền văn hóa cũng như những tôn giáo lớn, và Kitô giáo đã phần nào chùn bước. Mặc dù Kitô giáo phát xuất từ Châu Á, phần lớn người Châu Á vẫn không tin nhận đức Kitô và một số không nhỏ những người Châu Á dị ứng với “văn hóa Kitô giáo” khi coi đó như là sản phẩn tiêu biểu của văn hóa Âu Tây. Hai ngàn năm qua, Kitô giáo đã chuyển trọng tâm việc loan báo Tin Mừng vào Châu Âu rồi Châu Mỹ. Ngày nay, bước vào thiên niên kỷ thứ ba, Gíao Hội lại nhận ra thách đố Châu Á với những nền văn hóa lớn của nhân loại.
            Trước hai sự kiện như trái nghịch nhau ấy, vấn đề loan báo Tin Mừng tại Châu Á quay trở lại với vấn đề “hội nhập văn hóa” với một tầm mức quan trọng hơn, nóng bỏng hơn, thiết yếu hơn như một vấn đề cốt tủy trong sứ vụ tại Á Châu. Tuy vậy, hình như vấn đề vẫn cứ mãi ở “phần dẫn nhập”; người ta nói đi nói lại về nhu cầu, về sự cấp bách, về ý nghĩa của việc hội nhập văn hóa, nhưng hình như vẫn chưa thực sự bắt đầu hội nhập. Một vài nỗ lực cụ thể hơn, rõ rệt hơn nhưng chưa gây được một tiếng vang nào, không tạo được một cách nhìn mới nào; một vài thích nghi về phụng vụ, về kiến trúc hình như rồi cũng lại  trở thành quen thuộc và bình thường. Dĩ nhiên, vấn đề văn hóa không phải là vấn đề ngày một ngày hai, mà là vấn đề dài hơi của cả một thế hệ, nhưng hình như tình hình hiện nay vẫn không thấy rõ một tia sáng nào. Trong nhiều điều, khi chúng ta muốn “trở lại với truyền thống”, thì con người, ngay ở Châu Á hay ở Việt Nam hiện nay, người ta lại coi là xa lạ, vì tâm thức con người đã biến chuyển rồi. Hội nhập văn hóa chính là “điều hòa hai dòng chảy” chứ không phải bằng cách loại trừ hoặc trở về những những yếu tố chỉ còn là quá khứ; hoặc đúng hơn, vấn đề của việc hội nhập văn hóa là khám phá sự gặp gỡ, sự bổ xung giữa những “giá trị” văn hóa chứ không phải chỉ là những hình thức diễn tả, mặc dù không thể bỏ qua những hình thức diễn tả.

1. Gía trị Văn Hóa Gia Đình Châu Á

            Trong số những giá trị văn hóa Châu Á, chúng ta có thể kể đến giá trị gia đình, một lãnh vực đang chịu nhiều đe dọa nhất và cũng là trung tâm của việc loan báo Tin Mừng hiện nay. Tài liệu làm việc của Hội Nghị Liên Hội Đồng Gíam Mục Á Châu tuyên bố :
“Giáo Hội chính là gia đình, vì thế ngày nay tại Á Châu, người ta càng ngày càng nhận thức ra rằng gia đình chính là tâm điểm của việc loan truyền Tin Mừng và là cơ cấu nền tảng của cả cộng đồng giáo hội lẫn cộng đồng con người, ngay cả đối với giáo hội địa phương. Nói cách khác, Giáo hội khởi đầu từ gia đình chứ không phải từ giáo xứ. Trong ánh sáng của cái nhìn mới đó, một suy nghĩ về cung cách làm việc phải được thực hiện. Trong tất cả những phương pháp được dùng để xây dựng các cộng đồng nhỏ tạo nên giáo xứ, nên để ý nhiều hơn đến gia đình và các xóm gia đình, và như vậy có nghĩa là mọi chương trình mục vụ của giáo xứ phải nhắm vào gia đình”(Số 32).
            Tài liệu nói trên cũng nhắc nhở rằng, gần 20 năm trước, các vị Gíam Mục Á Châu đã nói:
“Có lẽ thử thách lớn lao nhất đối với giáo hội Á Châu là thử thách được đặt ra bởi gia đình. Gia đình Á Châu là nơi chứa đựng cơ bản mọi vấn đề của Châu Á : sự nghèo đói, sự bóc lột và suy thoái, phân chia và xung đột. Gia đình bị ảnh hưởng trực tiếp bởi các vấn đề thuộc về tôn giáo, chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa của Á Châu, và bởi những vấn đề có liên quan tới phụ nữ, sức khỏe, việc làm, việc kinh doanh và giáo dục”[1].
            Tuy nhiên, điều quan trọng hơn là, chính khi đối diện với thách đố nóng bỏng nhất, chính khi phải khám phá và bảo vệ những giá trị đặc biệt của đời sống gia đình Châu Á để chống lại những trào lưu xâm thực nguy hại cho đời sống gia đình, chúng ta lại có thể khám phá ra những giá trị tốt đẹp của văn hóa Châu Á như một sự gặp gỡ sâu xa giữa văn hóa Châu Á và Tin Mừng Đức Giêsu Kitô. Trong lãnh vực này, chúng ta có thể nhận thức rõ rệt hơn điều mà tông huấn Giáo Hội tại Châu Á đã nói : gia đình không phải chỉ là đối tượng của công tác mục vụ, nhưng còn chính là tác nhân quan trọng trong việc loan báo Tin Mừng :
“Nhìn bằng con mắt Kitô hữu, gia đình là “Giáo Hội tại gia”. Gia đình kitô hữu, cùng như Giáo Hội xét chung, phải là một nơi mà chân lý Tin Mừng là luật sống và là ân huệ mà các phần tử gia đình mang đến cho cộng đồng rộng lớn hơn. Gia đình không đơn thuần là đối tượng chăm sóc mục vụ của Giáo Hội, gia đình còn là một trong những thành viên hữu hiệu nhất của việc rao giảng Tin Mừng. Các gia đình Kitô hữu trong những thời gian và hoàn cảnh khó khăn, khi chính gia đình bị một loạt quyền lực đe dọa. Muốn trở nên thành viên rao giảng Tin Mừng trong một giai đoạn như thế, gia đình Kitô hữu cần phải trở nên thất sự là “Giáo hội tại gia”, sống ơn gọi Kitô hữu cách khiếm tốn và trong tình yêu”[2].
            Dĩ nhiên, người ta có thể thấy nhiều nét tiêu cực trong bầu khí gia đình Châu Á, chẳng hạn thói gia trưởng, sự coi thường phụ nữ và trẻ em . . . ; và dĩ nhiên người ta cũng có thể dự đoán, cùng với những biến chuyển của nền văn minh, những đường nét tích cực của gia đình Châu Á sẽ bị phai lạt. Tuy nhiên, điều ấy không có nghĩa là những đường nét gia đình Châu Á hoàn toàn là những thành tựu ngẫu nhiên của lịch sử, hoặc chỉ là hệ quả của một phương thức sản xuất Châu Á.
Trong thư Ephêsô, thánh Phaolô khẳng định với chúng ta một chân lý : “. . .  Chúa Cha, là nguồn gốc mọi gia tộc trên trời dưới đất” (Ep 3,14). Khẳng định ấy cho thấy những giá trị tích cực trong đời sống gia đình, mặc dù chỉ lộ diện trong một hoàn cảnh lịch sử cụ thể nào đó; cũng như mặc dù những đường nét truyền thống của gia đình Châu Á, trong thực tế, đã triển nở trong một môi trường nông nghiệp, nhưng chúng đã thực sự phản ánh một phần chân lý vĩnh cửu nơi Thiên Chúa, chúng được gạn lọc và mài dũa trong trong dòng lịch sử để bộc lộ bản chất chân chính của phẩm giá con người.
Như thế có nghĩa là việc tìm hiểu những giá trị tích cực trong gia đình Châu Á có thể mở ra một nẻo đường tìm về với tình nghĩa “gia đình Thiên Chúa”, tìm được những giá trị chân thật và vĩnh cửu của bản chất con người. Nếu như những tình cảm của đời sống gia đình, tình mẫu tử, tình phụ tử, tình huynh đệ… là những gì rất sâu xa và sống động trong lòng con người, thì chúng ta cũng có thể thấy hầu như tất cả những đường nét của tình nghĩa gia đình ấy ăn khớp sít sao với khuôn mặt Thiên Chúa mạc khải và ăn khớp sít sao với đường lối cứu độ lạ lùng của Ngài. Thực sự, suy niệm về đời sống gia đình dưới ánh sáng đức Tin cũng chính là suy niệm về kỳ công của Thiên Chúa trong cuộc sống con người và là suy niệm về chính tình yêu nhiệm mầu của Thiên Chúa đang thể hiện sống động trong cuộc sống hằng ngày của kiếp nhân sinh.
            Trong số những giá trị về đời sống gia đình Châu Á, chúng ta có thể khám phá một số đường nét rất thích hợp với nhiệm cục cứu độ như sau :
1.1 Gia đình, cộng đồng ngôi vị
            Tông huấn Đời sống Gia đình ghi nhận một đường nét đặc biệt của đời sống gia đình “gia đình là một cộng đồng ngôi vị”, đường nét này xác định một cách tổng quát tất cả những giá trị tốt đẹp của đời sống gia đình :
“Gia đình được thiết lập do tình yêu thương và được sinh động cũng do tình yêu thương, là một cộng đồng các ngôi vị : đôi bạn là nam và nữ, cha mẹ và con cái, họ hàng. Bổn phận đầu tiên của nó là trung thành sống thực tại của sự hiệp thông trong một cố gắng bền bỉ nhằm thăng tiến một cộng đồng đích thực gồm các ngôi vị”.
Nguyên lý nội tại, sức mạnh thường xuyên và mục đích cuối cùng của một sức mạnh như thế chính là tình yêu thương : cũng như không có tình yêu thương gia đình nếu không phải là một cộng đồng các ngôi vị, thì cũng thế, không có tình yêu thương, gia đình không thể sống, lớn lên và tự hoàn thiện xét như một cộng đồng các ngôi vị”[3].
Thật vậy, trong gia đình, các thành viên hiện diện cho nhau với toàn vẹn cái tôi của mình; được chấp nhận và chấp nhận người khác với toàn vẹn cái tôi ấy. Mối liên kết ở mức độ “cái tôi“ vừa làm cho các thành viên có được một “quê hương” để sống trọn vẹn bản thân mình, lại vừa có trách nhiệm trọn vẹn với cả điều tốt và điều xấu nơi cha mẹ, anh chị em của mình; và đây là chính là nguyên tắc của đời sống yêu thương đích thực. Do vậy, giao ước hôn nhân diễn tả một tình yêu thương không rút lại, như giáo lý Kitô giáo vẫn luôn khẳng định; và sự kiện những thành viên có cùng chung máu mủ ruột rà, là cha, mẹ, anh chị em của nhau, cũng là một sự kiện không bao giờ có thể thay đổi, ít là trên bình diện luân lý, mặc dù luật pháp có những quy định cho phép “từ con”. . .
“Tình yêu thương vợ chồng bao gồm một toàn thể tính trong đó có đủ mọi yêu tố cấu tạo nên ngôi vị. . .”[4].
Điều quan trọng là, trong gia đời sống gia đình Châu Á, những nền tảng “triết lý” ấy được sống, được thể hiện như một chuyện đương nhiên, chuyện bình thường; những điều ấy trở thành những giá trị sâu xa làm nên ý nghĩa căn bản của đời sống gia đình. Chính điều này cắt nghĩa được sự bền chặt và thân tình của đời sống gia đình, đặc biệt là các gia đình Châu Á.
Trong gia đình, dù nhiều khi có những khác biệt, có những xung đột, và luôn gặp thấy những con người “nhân vô thập toàn”, mỗi người vẫn “được nhắc nhớ” rằng người kia là của mình, là cha của tôi, mẹ của tôi, con của tôi, anh chị em của tôi…. Nói cách khác, sự liên kết các thành viên trong đời sống gia đình giống như một sự liên kết nền tảng trong “nền móng”, và những khác biệt, thậm chí xung khắc, của các thành viên chỉ là một sự lỏng lẻo trên “kèo cột”. Những thành viên trong một gia đình vẫn có thể khắc phục được sự lỏng lẻo ấy; hoặc ít là vẫn luôn có thể đón nhận nhau như những người “của mình”, “thuộc về mình”. Như vậy, sự liên kết của một cộng đồng ngôi vị không phải là hệ quả của tình trạng “hợp ý nhau”, hoặc là hệ quả của một tình huống có lợi cho nhau. Ngược lại, chính sự liên kết của một cộng đồng ngôi vị là nguyên lý không ngừng thúc đẩy các thành viên lại đón nhận nhau, liên lụy với nhau, kiên trì sửa lỗi cho nhau . . . Quả thật, một con người tệ hại nhất vẫn có thể được yêu thương, cụ thể là bà mẹ của anh ta, người đã dám chấp nhận con người tệ hại ấy như là của mình, người có khả năng kiên trì đến cùng để xách giỏ thăm nuôi, dù con mình là một tên tội phạm. Ngược lại, một “người dưng nước lã”, dù có tốt đến đâu, trong quá trình dài và phức tạp của cuộc sống, cũng vẫn tạo nên những khác biệt, những cá tính mà ta khó có thể chấp nhận hoàn toàn được.
Chỉ có thái độ chấp nhận “cái tôi của nhau” tạo nên một “cộng đồng ngôi vị” mới có thể đưa  đến một sự chấp nhận nhau vô điều kiện. Chấp nhận nhau vô điều kiện, đó là thái độ, trước tiên và căn bản, chấp nhận hoàn toàn một người khác với tất cả những gì thuộc về người ấy, đón nhận như một người thuộc về mình, đón nhận chính “cái tôi” của nhau chứ không phải chỉ lọc lựa cái hay, cái đẹp, cái tốt của nhau. Đón nhận cái hay để cùng vui như chính sự thành đạt của mình; và đón nhận cái dở như một sự liên đới trách nhiệm mà không bao giờ ta có thể phủi tay chối từ. Chính nền tảng ấy giúp con con người có thể hóa giải những khác biệt, vượt qua những xung đột.
Như thế, căn bản của đời sống chung không thể giải quyết bằng sự hòa hợp trên bề mặt, nhưng bắt rễ sâu xa ở nền tảng của một “cộng đồng ngôi vị”. Chỉ trên nền tảng ấy, người ta mới có thể dàn xếp những trục trặc, hòa giải những xung đột với nhau. Thiếu nền tảng này, người ta sẽ chỉ còn biết yêu sách lẫn nhau, soi mói lẫn nhau, tranh giành quyền lợi của nhau và không bao giờ có thể thực sự xây dựng một cuộc sống chung vững bền.
Nhân loại tìm mọi cách để xây dựng một thế giới hòa bình, một nhân loại “tứ hải giai huynh đệ”; và người ta những tưởng rằng thế giới hòa bình ấy có được là nhờ một chính sách ngoại giao khéo léo, nhờ những hiệp ước hai bên cùng có lợi. . .  Thật ra tất cả những điều ấy chỉ là những ráp nối trên “kèo cột” mà không xây được nền tảng vững chắc. Chính đời sống gia đình tỏ bày cho chúng ta biết thế nào nền tảng của một thế giới hòa bình, thế nào là căn bản của một tình huynh đệ đích thực; và đó chính là điều mà Kitô giáo không ngừng công bố cho thế giới : chúng ta có một Người Cha trên trời và mọi người đều là anh em với nhau.
            Trong gia đình, con cái vẫn chấp nhận nhau là anh chị em của mình. Tuy nhiên, tầm nhìn và tấm lòng của con cái chẳng thể bằng được tấm lòng và tầm nhìn của cha mẹ được. Tuy vẫn thương anh chị em của mình, nhưng con cái cũng thường nhìn nhau với cái nhìn ganh tỵ, so sánh, hơn thua. Đó là tầm nhìn la đà của những  tấm lòng hạn hẹp. Ngược lại, cha mẹ thường có cái nhìn bao quát và một tấm lòng bao la. Cha mẹ yêu thương hết mọi đứa con và biết dành cho những đứa con nào yếu đau, hèn kém nhất những phương thức ưu đãi để chúng có thể sống tốt hơn. Tấm lòng của cha luôn vui với mọi điều tốt lành của mỗi đứa con, và luôn buồn với từng khó khăn của mỗi đứa con; tấm lòng của cha không tìm khẳng định mình bằng cách so sánh hơn thua, nhưng bao dung và thông hiệp với mọi được thua trong gia đình. Những đứa con nào càng “gần” tấm lòng của cha mẹ, người anh chị cả, đứa con được hủ hỉ tâm sự với cha mẹ nhiều hơn, sẽ dễ dàng có tấm lòng của cha để chấp nhận mọi anh chị em của mình. Chỉ đứa con nào hiểu được lòng cha mẹ, hiểu nỗi lòng bao dung của cha mẹ thì đứa con ấy mới thấy tầm nhìn của mình cao hơn và tấm lòng của mình quảng đại hơn.
“Sự hiến mình đang làm cho tương quan giữa đôi bạn với nhau được linh hoạt chính là kiểu mẫu và qui tắc cho sự hiến mình cần có giữa anh chị em trong nhà và giữa những thế hệ khác nhau đang cùng sống trong gia đình”[5].
Như thế, chúng ta hiểu được phần nào mầu nhiệm của tình yêu của Thiên Chúa, một Thiên Chúa là Cha của mọi người, và Ngài tỏ bày cho chúng ta biết tấm lòng của cha để chúng ta cũng thoát khỏi cái nhìn hơn thua, cái nhìn phát xuất từ trung tâm là bản thân mình, là đoàn thể của mình, là quốc gia của mình; để chúng ta vượt qua được tấm lòng hạn hẹp và biết thông chia với nhau mọi niềm vui và nỗi buồn.
“Nhưng người cha nói với anh ta : ‘con à, lúc nào con cũng ở với cha, tất cả những gì của cha đều là của con. Nhưng chúng ta phải ăn mừng và hoan hỷ, vì em con đây đã chết, nay lại sống, đã mất, nay lại tìm thấy” [Lc 15, 31-32]
Quả thật, tình nghĩa gia đình là nơi thể hiện rõ nét và rộng rãi hơn mọi cộng đoàn nhân loại nào khác về tính chất “cộng đồng ngôi vị”, “gia đình làm nên cái nôi và là phương tiện hữu hiệu nhất để nhân bản hóa và ngôi vị hóa xã hội[6] :
“Các tương quan giữa những phần tử trong cộng đồng gia đình được phát triển dưới sự thúc đẩy và hướng dẫn của luật “cho không”; bằng cách kính trọng và vun trồng nơi mọi người cũng như nơi mỗi người cái ý thức về phẩm giá con người như nguồn giá trị duy nhất, luật ấy sẽ được cụ thể hóa trong sự tiếp đón nồng nhiệt, gặp gỡ và đối thoại, quảng đại sẵn sàng phục vụ vô vị lợi và tương trợ sâu xa. . .”[7].
Do đó, gia đình cũng là nơi tỏ bày rõ nét nhất tình yêu của Thiên Chúa đối với con người. Thiên Chúa không phải là một “ông vua” hay “ông giám đốc”, nhưng chính là người Cha. Tình nghĩa gia đình cho chúng ta hiểu được giao ước mà chúng ta ký kết với Thiên Chúa không phải là một thứ “đặt điều kiện” cho nhau, nhưng thực sự là một giao ước ở tầm mức ngôi vị khiến ta có thể hoàn toàn tin cậy nơi Ngài, ngay cả trong yếu đuối và tội lỗi của ta.
1.2 Gia đình, cộng đồng sự sống
            Đời sống gia đình biểu lộ được một đường nét cao cả của phẩm giá con người và là cửa ngõ đưa con người đi vào chiều kích siêu việt, đó là tính chất của một cộng đoàn sự sống; gia đình là “cộng đoàn thân mật của sự sống và tình yêu thương[8]. 
Trong đời sống con người, chúng ta thấy có một nghịch lý, một nghịch lý căn bản mà chỉ có nguyên tắc của đời sống gia đình như một “cộng đồng sự sống” mới có thể hóa giải và làm cho trọn vẹn được. Thật vậy, đời sống con người, cũng như đối với tất cả mọi sinh vật, là một nỗ lực không ngừng để thăng tiến. Một đứa bé cần phải ăn uống, học tập và tích lũy bao nhiêu năng lực khác mỗi ngày mỗi nhiều hơn, trong niềm mong mỏi từng ngày được thêm tuổi, thêm khôn ngoan, thêm cao lớn, có khả năng thể hiện chính mình và được tự do quyết định hành vi của mình. Thế nhưng cái nghịch lý bi đát của đời người là, chẳng mấy chốc, người thanh niên đẹp đẽ ấy, con người trẻ tuổi sung sức ấy, kẻ nhiều tài năng và nhanh nhậy ấy, vượt qua tuổi sung sức của mình để đi vào quá trình xuống dốc; sức khỏe và tài năng cứ vơi đi dần theo năm tháng. Rồi anh ta lại phải từng ngày chống chọi với nhịp điệu mau lẹ của thời gian, mong ước thời gian đi chậm lại, mong ước tuổi già lâu đến . . . Anh ta mong ước được dừng lại mãi trên đỉnh cao cuộc đời, nhưng cuộc đời cứ trôi đi một cách lạnh lùng và cái đỉnh cao cuộc đời ấy nhiều khi chỉ là một bức màn mỏng, thật mỏng, thật phù du; đụng vào nó rồi, người ta sẽ thấy lộ ra ngay sau đó một con đường xuống dốc. Như thế, thái độ thu góp để thăng tiến, thái độ chống chọi với nhịp thời gian bỗng trở thành vô duyên, nó là thái độ cố gắng “neo mình ở tuổi 20”, cố gắng để trẻ mãi, để đẹp mãi, để mãi mãi là ngôi sao… những cố gắng vô vọng !
Quả thật, nếu người ta sống để đi tìm đỉnh cao đời người như thế, thì cuộc sống con người quá kỳ cục. Thoáng một cái, người ta đã đi qua đỉnh cao cuộc đời và cảm thấy như mình đã bị lừa, bị dụ dỗ. Cái đỉnh cao ấy giống như một tấm bánh vẽ, một tấm màn mỏng giả tạo được tô vẽ. Đó là cái bi đát của một biểu đồ mà người ta vẽ nên được từ những gì dễ thấy nhất, từ những dáng vẻ bên ngoài của hành trình đời người; cái bi đát của chính thân phận con người dành cho những người đi tìm đỉnh cao nơi vóc dáng, nơi tài năng, nơi sức mạnh của bản thân…
Một cách nào đó, chúng ta có thể nói được rằng cuộc đời đi tìm đỉnh cao qua dáng vẻ bên ngoài như thế chính là “cuộc đời làm hoa”. Bông hoa bao giờ cũng tươi tắn, rực rỡ, đẹp đẽ. Bông hoa là thành quả tập trung của tất cả những cái tốt nhất của đời cây để khoe sắc một lần. Thế nhưng bông hoa thì bao giờ cũng mau héo tàn; và sống đời làm hoa cũng hàm ý nghĩa là lựa chọn thái độ : thà rực rỡ một lần rồi tàn héo; thà huy hòang một phút còn hơn lầm lũi cả đời. . . Tuy nhiên, thật sự đời cây không phải chỉ là kiếp hoa, và suy đến cùng, hoa chỉ là một giai đoạn cần phải trải qua để thành nên hạt. Đời cây cần có hoa nhưng cũng cần vượt qua thời kỳ nở hoa để đi đến thời kỳ đậu hạt. Cuộc đời làm hạt thì không rực đỡ, không khoe sắc tỏa hương, không tươi tắn mềm mại, không thu hút bướm ong. Những cuộc đời làm hạt vẫn có nét “huyền nhiệm”, cao quí, có nét đẹp riêng của nó. Cái đẹp của hạt không lồ lộ ra ngoài, nhưng ẩn dấu trong dáng vẻ xấu xí. Cái cao quí của hạt không phải là khoe mẽ bên ngoài nhưng là ươm mầm bên trong. Hạt cho đi chính bản thân mình, dâng tặng trọn vẹn và tuyệt đối, vì hạt bao giờ cũng phải thối đi để nẩy sinh những bông hạt khác. Nét đẹp của cuộc đời làm hạt không phải là rực rỡ để thu hút mà là quảng đại, âm thầm để cho cho đi.
            Trong đời sống gia đình, người ta có thể thấy thật nhiều phép lạ, những phép lạ xẩy ra thường xuyên nên nhiều khi người ta coi thường. Dù vậy, chăm chú một chút, ta cũng sẽ nhận ra ngay những biến đổi kỳ diệu mà ta có thể gọi được là những “phép lạ giữa đời thường”. Trong số nhiều “phép lạ” ấy, có một phép lạ lớn nhất : trở nên cha mẹ. Là con người, ai cũng mong cho mình “được”, cái được của một lối nhìn lấy mình làm trung tâm : được có, được yêu, được chấp nhận, được sung sướng, . . . Đó là qui luật chung của thái độ con người. Thế nhưng, khi một thanh niên làm cha, làm mẹ, tất cả những cái được ấy đều dần dần thay đổi. Thay vì được chiều chuộng, cha mẹ bắt đầu biết chiều chuộng đứa con bé bỏng của mình; thay vì được yêu, cha mẹ bắt đầu biết yêu, yêu vô điều kiện đối với đứa con của mình; thay vì được thêm thu nhập, thay vì được sung sướng hơn, khi làm cha làm mẹ, người ta kinh nghiệm như đời mình bị đảo lộn tất cả : sẵn sàng hao tổn thu nhập vì con, sẵn sàng chịu vất vả khổ sở vì con. . . Cuối cùng, người cha người mẹ còn nghe thấy lời thúc bách như thể dám chấp nhận “chấm dứt tương lai” của mình để mở đường cho tương lai của con cái.
            Nhìn vào cuộc đời ấy, chúng ta nhận ra nét đẹp vô cùng của cuộc đời làm cha mẹ. Không phải ngẫu nhiên mà tình mẫu tử là tình cảm đẹp nhất trong tâm hồn con người; không phải ngẫu nhiên mà ca dao mẹ luôn là mảng ca dao phong phú nhất trong kho tàng văn chương nhân loại. Nhìn vào phép lạ của cuộc đời làm cha làm mẹ, chúng ta nhận ra nét đẹp của cuộc đời cho đi, nét đẹp của cuộc đời làm hạt.
Trong khi cái biểu đồ của hiện tượng “sinh vật” bộc lộ tính bi đát và vô vọng của lịch sử đời người, thì một biểu đồ khác, biểu đồ của ý nghĩa nhân sinh căn cứ vào bản chất yêu thương của con người, căn cứ vào những nhu cầu rất thật và rất sống động của đời sống gia đình, lại cho thấy một sự “hợp lý” sâu xa bên trong : con người được đón nhận bao nhiều hồng ân để lớn lên; rồi con người lại có khả năng phát triển và sáng tạo cho gia sản ấy phong phú thêm; rồi cuối cùng con người sẽ lại mang tất cả vốn liếng và “phần lời” ấy để tiếp tục cho đi. Thư mùa Chay 2003 của Đức Gioan Phaolô II nói:
“Khuynh hướng trao ban đã nằm sâu trong tâm hồn con người” (số 1).
Hơn nữa, tính cách tuyệt đối của tình yêu làm cho tình thân trong gia đình diễn tả được một sự cho đi chính bản thân mình. Quả thật, lời mời gọi yêu thương là lời mời gọi không có giới hạn; không lấy mức độ hợp lý nào để dừng lại. Lời mời gọi yêu thương luôn luôn là lời mời gọi trọn vẹn hơn. Do đó, tình thương yêu chân chính luôn hướng tới việc trao tặng chính bản thân mình chứ không phải chỉ là trao tặng những gì dư thừa, những điều bên ngoài mình, những điều mình sở hữu mà thôi.
Như thế, từ quan điểm đời người là cho đi, chúng ta có thể khẳng định rằng “đỉnh cao đời người” không phải là tuổi trẻ, nhưng trong thực chất, chính là tuổi cho đi, là tuổi làm cha mẹ, hay là chính tuổi già. Quả thật nhìn theo quan điểm này, chúng ta mới thấy được nét đẹp của những nếp nhăn trên trán, nét đẹp của những sợi tóc bạc, nét đẹp của một cuộc đời cho đi trọn vẹn. Với hình ảnh ấy, chúng ta có thể nhận ra nét độc đáo của đời sống gia đình so với những mối tương quan khác trong cuộc sống : gia đình là một cộng đồng sự sống; nơi đây có những người hao mòn để để người khác được lớn lớn lên, có những người chịu mất mát để người được được phong phú, có những người đi dần vào cái chết một cách tự nguyện, để cho những người khác được sống và sống phong phú hơn.
Tình yêu thương trong đời sống gia đình được thể hiện một cách khá bình thường nhưng lại rất tuyệt vời trong đời sống gia đình, đó là thực tế của một cuộc đời trao tặng hằng ngày và trao tặng chính bản thân mình. Trong quan điểm này, chúng ta nhận thấy cuộc đời không còn bi đát nhưng tràn đầy ý nghĩa, bởi vì khi đi dần đến cái chết, con người thể hiện được hướng hành trình như một quy luật căn bản mà Chúa Giêsu đã nêu lên trước khi đi vào cuộc tử nạn của Ngài :
“Đã đến giờ Con Người được tôn vinh ! Thật, Thầy bảo thật anh em, nếu hạt lúa gieo vào lòng đất không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác. Ai yêu quí mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời” (Ga 12,23-35).
Tính chất “cộng đoàn sự sống” thật sự là chính bản chất và sứ mạng của đời sống gia đình, “Gia đình có sứ mạng phải mỗi lúc một trở nên cái nó là nghĩa là một cộng đoàn của sự sống và tình yêu thương đang vươn lên và sẽ gặp được sự hoàn thành trong Nước Thiên Chúa[9]. Như thế, ta có thể khẳng định rằng, đời sống gia đình, được nhìn theo ý nghĩa Kitô giáo, có khả năng giúp con người, cả những người bình thường nhất, thực hiện vận mạng đời người và hoàn thành khát vọng sâu xa chân thật nhất của bản chất người theo tinh thần của Đức Giêsu Kitô.
1.3 Gia đình, cộng đồng hiệp thông
Thái độ chấp nhận nhau vô điều kiện trong đời sống gia đình, thái độ chấp nhận nhau, không phải trên “kèo cột”, nhưng trong “móng nền” . . ., thái độ ấy, tự căn bản, không phải là dung dưỡng và bao che như người ta thường nêu lên như một “khía cạnh tiêu cực” của đời sống gia đình Châu Á[10]. Ngược lại, trong đời sống gia đình, nhất là gia đình Châu Á, người ta có thể học tập để sống đời sống hiệp thông, sống tinh thần coi “của cải là của chung” và đón nhận những thành công hay thất bại của từng cá nhân cũng là “của chung”.
“Sự hiệp thông vợ chồng in rễ sâu từ trong sự bổ túc tự nhiên giữa người nam và người nữ, và được nuôi dưỡng nhờ ý chí của đôi bạn đích thân muốn chia sẻ với nhau toàn thể dự phóng cuộc đời của họ, chia sẻ với nhau điều họ có và điều họ là; bởi đó, một sự hiệp thông như thế là kết quả và là dấu hiệu của một đòi hỏi nhân bản sâu xa”[11].
Trước tiên chúng ta có thể thấy, trong tất cả các cộng đồng nhân loại, chỉ có cộng đồng gia đình, nhất là gia đình Châu Á mới có thể giúp con người biết sống sự hiệp thông trong việc phân phối của cải, theo nguyên tắc Kitô giáo : “của cải là của chung”[12]. Trẻ em trong thời đại này có thể học được nhiều điều hay và giỏi hơn nhiều so với các thể hệ trước. Tuy nhiên, hình như vì được gởi đi nhà trẻ quá sớn và quá nhiều thời gian, trẻ sớm học được cách xác định mình, đồng thời cũng sớm học được cách nhận biết những gì thuộc về mình : cái này của tôi, không phải của bạn.… Kết quả là chúng ta thấy có nhất nhiều trẻ giỏi dang, nhưng cũng có rất nhiều “ông thần giữ của”. Ngược lại, ở trong gia đình, bình thường, trẻ sẽ dần dần học được một cách nhìn khác : tài sản là của chung, sự thành công của anh chị em cũng là sự thành công của chính mình, lợi ích của gia đình cũng là lợi ích của chính mình. Có lẽ chỉ có bầu khí gia đình như thế mới có thể giải quyết được điều mà Dostoievsky đã nói : “chưa bao giờ họ có thể phân phối với nhau cho ổn thỏa được[13].
Sâu xa hơn, sự chấp nhận nhau vô điều kiện còn là thái độ dám liên lụy với nhau trong cả những cái xấu của nhau. Chính thái độ liên lụy cao cả - chứ không phải hình thức tha hóa của bao che - có khả năng làm cho những sửa lỗi, những trừng phạt trong đời sống gia đình không biểu lộ như một thái độ loại trừ, thái độ đặt điều kiện để chấp nhận nhau, nhưng trở thành thái độ hiệp thông sâu xa trọn vẹn nhất. Yêu thương có nghĩa là chấp nhận bản thân của nhau, chấp nhận cả tính tốt và tật xấu của nhau; chấp nhận cái tốt đẹp của nhau như là sự thành đạt của chính mình và chấp nhận tính xấu, tai họa, lỗi lầm của người thân như một một sự hiệp thông tới mức độ dám liên lụy với nhau. Cha mẹ vui mừng vì con nên người; cha mẹ đau lòng vì con hư hỏng, cha mẹ vẫn thường là những người theo đuổi tới cùng hành trình sa đọa của đứa con để có thể làm mọi cách cứu vớt đứa con tội lỗi của mình. Quả thật hiệp thông cao cả lại chính là khả năng liên lụy trong “tội lụy” của người mình thương yêu. Hiệp thông như thế không có nghĩa là chấp nhận cái xấu, nhưng là thể hiện một thứ tình thương có khả năng vượt thắng “sự chết” để đưa đến sự sống đích thực.
Sự hiệp thông như thế vượt xa thái độ thương hại rẻ tiền, vượt xa thái độ khư khư bảo vệ danh giá của bản thân mình, và cũng vượt xa thái độ bảo vệ một thứ chân lý trừu tượng và tĩnh tại. Thái độ thương hại chỉ dừng lại trong giới hạn nỗi khổ của tha nhân; khi tha nhân không còn “tội nghiệp” nữa thì tình thương hại cũng chẳng còn. Thái độ bảo vệ danh giá lại là một thái độ khôn ngoan tính toán theo kiểu triết gia[14], thái độ ấy thực chất chỉ là một thứ tình yêu “tiểu tư sản” đầy ích kỷ mà thôi. Thái độ bảo vệ chân lý theo kiểu “luật pháp bất vị thân” thật sự là một điều cần thiết trong mức độ tương giao xã hội, nhưng nó không có khả năng mang lại một sự trợ giúp “cứu độ” và thái độ ấy cũng bộc lộ không ít bất công; vì thật sự làm sao có thể phân tách rạch ròi phần lỗi của mỗi người mà không thấy sự “góp phần” của hoàn cảnh, của người khác, đặc biệt là của những người thân trong gia đình ?
Từ chỗ thương hại để bố thí một vài điều, cho đến thái độ yêu thương chân chính còn có một khoảng cách rất xa; cũng như từ chỗ bảo vệ bản thân, hoặc bảo vệ công ích cho đến lòng yêu thương trao ban chính bản thân còn là một khoảng cách diệu vợi. Khoảng cách ấy được đo bằng mức độ của sự hiệp thông, khoảng cách chỉ có thể vượt qua được nhờ một sự dấn thân vào tương quan, trao ban bản thân mình để dám chấp nhận cả phiền lụy vì yêu thương. Chỉ có bước nhẩy của tình hiệp thông mới đưa con người bước vào tình thương chân chính, với thái độ mạnh dạn, tự do, phiêu lưu và sáng tạo chính cuộc đời mình trong tình yêu. Đó cũng là tính cách tuyệt đối của tình yêu.
Ở đây, ta cũng lại gặp thấy một nét am hợp tuyệt vời của đời sống gia đình với nhiệm cục cứu độ của Thiên  Chúa trong Đức Giêsu Kitô :
“Quả vậy, khi chúng ta không có sức làm được gì vì còn là hạng người vô đạo, thì theo đúng kỳ hạn, Đức Kitô đã chết vì chúng ta. Hầu như không ai chết vì người công chính, họa may có ai dám chết vì một người lương thiện chăng. Thế mà Đức Kitô đã chết vì chúng ta, ngay khi chúng ta còn là những người tội lỗi; đó là bằng chứng Thiên Chúa yêu thương chúng ta” (Rm 5, 6-8).
1.4. Gia đình, cộng đồng trung tín
Người ta nói rằng một đứa trẻ mồ côi rất khó để có thể học hành đến nơi đến chốn, cho dù đôi khi các em có được một hoàn cảnh chung quanh khá tốt đẹp : trường lớp, nhà cửa, vật dụng, đời sống. Bởi vì ở tuổi thiếu nhi và thiếu niên, các em chẳng thể thấy hết được tầm quan trọng của việc học, các em khó có thể dấn thân trong một hành trình dài, dám từ bỏ và lựa chọn để đi tới đích trong việc học. Để học thành tài, cần có một yếu tố cụ thể và quan trọng : học để làm vui lòng cha mẹ và anh chị em, học để chu toàn “nghĩa công chính” của một thành viên trong gia đình. Mối liên hệ thân tình ấy giúp cho trẻ gắn liền hành trình đời mình với mong ước của những người thân. Chính những mối liên hệ thuộc về nhau như thế sẽ là nguồn động lực lớn và là ”hành trang” cho tuổi trẻ trên bước đường đời.
 Thật ra, không phải chỉ trẻ em mà ngay người lớn cũng có nhu cầu liên đới như vậy. Khi người ta tiến bước không phải chỉ vì niềm vui nỗi buồn của bản thân mình, nhưng còn vì niềm vui nỗi buồn của những người thân, thì hành trình sẽ vững hơn bền bỉ hơn và cao quí hơn. Chính trong gia đình, trẻ em bắt đầu biết vui khi làm cho người khác vui, biết buồn khi mình làm cho những người thân của mình phải buồn. Quả thật niềm vui và nỗi buồn không phải chỉ là chuyện được thua của cái tôi, nhưng còn do mối liên đới với anh chị em; ngoài niềm vui và nỗi buồn về bản thân, còn có một loại niềm vui nỗi buồn do phẩm chất mối tương quan thân tình với người khác.
Con người cần gia đình để sống, để phát triển và để vững bước trên hành trình thăng trầm của cuộc đời. Có lẽ không có một thứ cộng đoàn tự nhiên nào có khả năng làm được những điều đó như đời sống gia đình. Chính như thế, chúng ta hiểu rằng gia đình thực sự là một cộng đoàn trung tín. Mối liên hệ gia đình là mối liên hệ có khả năng giúp con người bước đi trong sự đồng hành với người thân, chia sẻ vui buồn và trung tín với nhau trong suốt độ dài của hành trình cuộc sống.
Ngày nay người ta thường lầm lẫn tình yêu với một thái độ bồng bềnh của tình cảm. Người ta thường hiểu rằng yêu có nghĩa là hồi hộp khi hẹn hò, là lâng lâng khi gặp nhau, là dám vượt qua tất cả mọi rào cản để đến với nhau... và thứ tình yêu ấy thường khi đi đôi với một thái độ vô trách nhiệm, vô trách nhiệm về nhau và với những người khác. Nếu chúng ta hiểu rằng Thiên Chúa là tình yêu, thì  làm sao có thể chấp nhận một thứ tình yêu “vô trách nhiệm” và “ngẫu hứng” như thế ? Tình yêu không thể không bao hàm yếu tố thời gian, gắn liền với độ dài lịch sử; đó là thái độ trung tín với nhau trong suốt hành trình cuộc đời, nghĩa là sống cộng đoàn ngôi vị, cộng đoàn sự sống, cộng đoàn hiệp thông trong suốt hành trình của cuộc đời, chứ không phải chỉ trong một giai đoạn, trong một “nhiệm kỳ”. Gia đình thực sự là một cộng đoàn trung tín, nhờ đó người ta có thể phó thác hoàn toàn cuộc đời và mọi sở hữu cho nhau, có thể trông cậy vào nhau trong tất cả hành trình cuộc đời. Đã một lần là người thuộc một gia đình, suốt đời người ta có trách nhiệm về nhau. Phải chăng đó cũng là lý do sâu xa của “đòi hỏi” hôn nhân bất khả phân ly trong giáo huấn của Đức Giêsu : “Sự kết hợp mật thiết, việc hai người tự hiến cho nhau cũng như lợi ích của con cái buộc hai vợ chồng phải hoàn toàn trung tín và đòi hỏi họ kết hợp với nhau bất khả phân ly[15].
Nếu chúng ta dõi theo lịch sử ơn cứu độ, thì chúng ta sẽ nhận ra rằng nét thiết yếu trong thái độ của Thiên Chúa đối với Dân của Người chính là sự trung tín. Người Hy Lạp khẳng định rằng Thượng Đế chân thật là Thượng Đế không cần biết đến vũ trụ, chỉ biết đến chính mình và an vui với sự trọn hảo của mình mà thôi. Thượng Đế đó là khuôn mẫu cho thế giới theo kiểu như nam châm hút sắt mà không biết mình hút. Ngược lại, Thiên Chúa trong mạc khải Do Thái Kitô giáo đã chọn vui buồn theo kiểu liên đới. Thiên Chúa đã cứu độ con người bằng cách liên đới với con người và ra như càng ngày càng liên lụy vào đời sống con người nhiều hơn, trọn vẹn hơn. Từ một lời hứa với nhân loại (St 3,15), Thiên Chúa đã can thiệp vào lịch sử; từ chỗ kêu gọi Abraham, Thiên Chúa đã “phải” tự buộc mình trong giao ước với ông để ban cho ông một dòng dõi (St 15,1-21). Rồi cứ thế, tình yêu trung tín của Thiên Chúa đã “đưa” Ngài đến chỗ giao ước với Dân qua Mô-sê; rồi vì giao ước cũ chưa trọn vẹn (Xc. Dt 8,7), Thiên Chúa lại hứa ban Giao Ước mới. Cuối cùng, Thiên Chúa đã trao ban chính Con Một của Ngài cho con người và Người Con ấy đã đi đến cùng nẻo đường trung tín của Thiên Chúa khi “hoàn toàn trút bỏ vinh quang, . . . trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế . . . vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự. . .” (Xc. Pl 2, 4-11) Đó là hành trình của thái độ trung tín mà người Hy Lạp không thể hiểu được :
“Trong khi người Do Thái đòi hỏi những điềm thiêng dấu lạ, còn người Hy Lạp tìm kiếm lẽ khôn ngoan, thì chúng tôi lại rao giảng một Đấng Kitô bị đóng đinh, điều mà người Do Thái coi là ô nhục không thể chấp nhận, và dân ngoại cho là điên rồ” (1 Cr 1, 22-23).
            Ngoài những đường nét nổi bật của đời sống gia đình Châu Á trên đây, ta có có thể khám phá đời sống gia đình như một “cộng đồng sám hối” (vì chỉ trong tình yêu và lòng trung tín người ta mới có thể có một sự sám hối đích thực); gia đình như một “cộng đồng sứ vụ” (vì trong gia đình, các thành viên luôn mang nặng trách nhiệm về nhau); gia đình như một “cộng đồng cánh chung” (vì gia đình nào cũng cánh cánh bên lòng hình ảnh của những người thân đã qua đời và khám phá mối hiệp thông vượt qua không gian, thời gian, mối hiệp thông mở ngỏ cho Nước Trời Cánh Chung).       

2. Tinh thần của Tin Mừng nhìn từ giá trị văn hóa gia đình châu á

Trong đời sống Đức tin Kitô giáo, những giá trị tuyệt hảo của Tin Mừng như : Chúa Giêsu yêu thương những người bé mọn; Chúa Giêsu tìm mọi cách để giúp đỡ những người tội lỗi; Chúa Giêsu làm cho tâm hồn những người mang gánh nặng nề được nghỉ ngơi bồi dưỡng; Chúa Giêsu biết rõ từng con người và Ngài đến với mỗi người trong hoàn cảnh riêng của mỗi người. . . những tư tưởng đó không lạ lẫm gì; mỗi người Kitô hữu vẫn nghe và đôi khi được nghe như một điều “biết rồi khổ lắm nói mãi”.
Tuy vậy, điều lạ lùng là hình như tâm thức chung của phần lớn người Kitô hữu vẫn không thể nào thấm nhuần được những giá trị ấy. Có một thứ “mẫu thức” nào đó vẫn chi phối sâu xa và lèo lái tất cả những hạt men tốt đẹp của tình yêu chân chính trong Tin Mừng trở thành một thứ bài thi “khách quan”; thành những bài toán cân đo đong đếm tội phúc; thành thái độ sợ hãi khúm núm trước một viễn tượng thưởng phạt phân minh. . .
Phải chăng, trong nền văn hóa quân chủ, người ta đi tìm những phẩm tính của Thiên Chúa bằng bài toán “loại suy” từ hình ảnh những vị vua, từ những đấng bậc uy quyền. Con đường ấy dẫn tới hình ảnh một vị Thiên Chúa cao cả, siêu vời; Ngài công bằng vô cùng, khôn ngoan vô cùng, quyền năng vô cùng . . . Những phẩm tính ấy nhiều khi, hoặc đúng hơn là thường khi, dẫn tới một kiểu tương quan thống trị của uy quyền, một cung cách xin-cho trong lời cầu nguyện, thể hiện một thứ nguyên lý danh giá với đầy dẫy những tội theo kiểu “khi quân”…? ? ?
Những phẩm tính của Thiên Chúa theo kiểu như thế chưa diễn tả được khôn mặt đích thực của một Thiên Chúa yêu thương, chưa mang lại được niềm an vui của kẻ “có Chúa”, không khai mở cho những thái độ tự do, hiên ngang của người con cái Chúa, chưa thể hiện tính chất Tin Mừng của ơn cứu độ Kitô giáo. Những phẩm tính ấy của Thiên Chúa, nằm ngoài mẫu thức gia đình, đang trở nên nghèo nàn, không còn đụng được đến tấm lòng của con người hôm nay và làm khô kiệt giá trị Tin Mừng .
            “. . .  Chúa Cha, là nguồn gốc mọi gia tộc trên trời dưới đất”, phải chăng điều này có thể giúp chúng ta khám phá lại khuôn mặt của Thiên Chúa chân thật hơn ? Liệu chừng chúng ta có thể tìm đến một “mẫu thức” khác, thích hợp hơn với tâm thức Châu Á và cũng thích hợp hơn với tâm thức con người, đó là con đường “loại suy” từ tình nghĩa gia tộc trong đời sống thường ngày của con người ? Phải chăng Giáo Hội tại Châu Á và Giáo Hội trước thách đố về đời sống gia đình tại Châu Á đang đứng trước một khả năng khai mở một “mẫu thức” khác cho đời sống đức Tin?
            Phải chăng tình thương vô điều kiện của cha mẹ đối với con cái là quá dung túng ? Hay chúng ta đã không dám tin rằng tình thương của Thiên Chúa là nguồn gốc và còn “vô điều kiện” hơn cả tình thương cha mẹ ?
            Phải chăng sự “biết”, sự thân quen, sự đón nhận trọn vẹn một con người với những tính chất đặc thù cá biệt của mỗi thành viên trong đời sống gia đình chỉ là một thứ tình cảm lãng mạn ? Hay chúng ta đã biến Thiên Chúa thành một “ông thầy chấm những bài thi đã rọc phách” (để không biết tác giả bài thi là ai) ?
            Phải chăng sự liên đới trách nhiệm với nhau trong gia đình, của cha mẹ với con cái, là một thứ “bao che” ? Hay chúng ta đã bóp méo khuôn mặt Thiên Chúa trở nên giống như một ông giám đốc ?
Phải chăng gia đình như một “cộng đồng các ngôi vị” chỉ là một tính cách cá biệt của một kiểu đoàn thể không giống ai ? Hay chúng ta đã biến giao ước ký bằng máu của Thiên Chúa thành một thứ giao kèo chỉ liên hệ đến một khuôn mẫu luân lý lạnh lùng cố định ?
Phải chăng Thiên Chúa công bằng vô cùng là một Thiên Chúa lúc nào cũng muốn đặt con người lên bàn cân tội phúc ? Hay đó là một Thiên Chúa sống hết nghĩa làm cha (công chính) để trông chờ đứa con quay trở về ?
            Đã bao lần trong lịch sử, những tư tưởng “to lớn” tìm cách loại bỏ cơ cấu gia đình (Platon, Campanella, . . .) nhưng đều đã thất bại. Liệu chừng những khuôn mẫu quản trị trong Giáo Hội, những cộng đoàn tu trì trong Giáo Hội, với bầu khí “thống nhất như một đoàn binh”, với những đòi hỏi luân lý tuyệt đối như một khuôn khổ siêu hình, có đi vào vết xe của những “tư tưởng to lớn” ấy không ?
“. . .  Chúa Cha, là nguồn gốc mọi gia tộc trên trời dưới đất”, chân lý này thực sự là một cánh cửa khai mở cho tâm hồn con người thời đại, những tâm hồn đã quá mệt mỏi trên bước đường đời và cả trong hành trình đức Tin với những khuôn mẫu sống xa lạ với tâm hồn mình.
Nguyễn Trọng Viễn O.P.






[1] Tuyên bố cuối cùng của Hội Nghị FABC lần thứ tư tại Tokyo, 16-25/9/1986, số 3.4.1, phần “Dành cho Mọi Dân Tộc Á Châu”, Rosales và Arevalo. Eds. 1992, trang 184; trích lại trong Văn Kiện đã dẫn số 34.
[2] Tông huấn Giáo Hội Tại Á Châu, số 46. Xc. Tông Huấn Gia đình, số 41 :  ... những chân trời của tình phụ tử và mẫu tử Kitô giáo đang mở rộng thật đáng kể : sự phong nhiêu tinh thần trong tình yêu của họ như thể bị thách đố do những chuyện khẩn cấp ấy và bao nhiêu chuyện khẩn cấp khác nữa trong thời đại chúng ta…
[3] Tông Huấn Gia Đình, số 15.
[4] Tông Huấn gia Đình, số 13.
[5] Tông Huấn Gia đình, số 37.
[6] Tông Huấh Gia đình, số 43
[7] Tông Huấn Gia đình, số 43.
[8] Vatican II, MV 48.
[9] Tông Huấn Gia đình, số 17.
[10] Tài liệu làm việc “Hội Nghị của Liên Hội Đồng Gíam Mục Á Châu” chuẩn bị cho buổi họp từ ngày17 đến 23 tháng 8-2004 tại Seoul, Korea, số 1, viết : “Vả lại chúng ta cũng thấy rõ rằng nạn hối lộ và tham nhũng, lề thói gia đình trị, đầu óc bè phái về chính trị và kinh tế tại Á Châu thường làm cho người ta lo lắng quá đáng cho gia đình mình đến độ chỉ tìm lợi lộc ích kỷ cho gia đình, bà con và dòng tộc bất kể công ích”.
[11] Tông Huấn Gia Đình. Số 19.
[12] Vatican II, “Tuyên Ngôn về Giáo Dục Kitô giáo” nói : “. . .Gia đình là trường học đầu tiên dạy các đức tính xã hội mà không một đoàn thể nào khác có thể vượt qua được”. Xc. Tông Huấn gia đình, số 37.
[13] Dostoievsky, Anh Em nhà Karamadốp, Chương Viên Đại Pháp Quan Tôn giáo.
[14] Một triết gia Khắc Kỷ cho rằng, để đạt được sự “bình thản” (Ataraxia), thì khi ta thấy một người bạn đau khổ, ta hãy tỏ ra thông cảm, nhưng lòng ta đừng rúng động.
[15] Vatican II, MV 48.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Top