Văn Hoá đức Tin
Đức Tin là ân sủng siêu nhiên do Chúa ban. Nhưng đức Tin
cũng cần “đất sống”, cần một “môi trường” thuận lợi trong thái độ sống của con
người. Dĩ nhiên, Chúa có thể ban đức Tin phong phú và vững mạnh cho một ai đó,
dù là trong một “môi trường văn hoá” không thuận lợi. Tuy vậy, về phía con
người, chắc hẳn mỗi người cũng cần tự mình tìm tòi những thái đô thích hợp trên
hành trình gặp Chúa. Cũng vậy, cộng đoàn nói chung và mỗi thành viên trong cộng
đoàn đều liên đới trách nhiệm với nhau trong việc tạo nên một bầu khí “văn hoá
đức Tin” để cùng chia sẻ, cùng vun xới cho nhau trên hành trình đức tin ấy.
1. Trở về với nguồn mạch sống-với
Điều căn bản trong thái độ tin chính là khả năng sống-với.
Đây là nguồn mạch căn bản của sự sống đức Tin trong truyền thống Sách thánh và
đặc biệt trong Kitô giáo. Nền tảng nhân học Kitô giáo khẳng định bản chất con
người trong mạc khải Thánh kinh : con người được dựng nên giống hình ảnh Thiên
Chúa và con người được dựng nên có nam có nữ.
“Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh mình, Thiên Chúa
sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa, Thiên Chúa sáng tạo con người có
nam có nữ”. (St 1, 27)
Ý nghĩa sâu xa và trọn vẹn của nền tảng này là con người
được dựng nên để sống với Chúa và nhờ sống với Chúa sống mà có thể sống với
nhau. Khẳng định này cho thấy bản chất của con người vượt quá mục tiêu tự hình
thành ra mình, tự khẳng định mình, qua lao động trên vật chất hoặc qua việc thể
hiện những tài năng cao cả nào đó của chính mình. Mặc dù con người có bổn phận “thống trị mặt đất”, “làm bá chủ cá biển,
chim trời, và mọi giống vật bò trên mặt đất." (St 1,28), nhưng con
người không thể hình thành nên bản chất người và không thể hoàn thành vận mạng
của mình chỉ với việc lao động. Mặc dù con người có lý trí khôn ngoan và có tự
do cao cả, nhưng con người vẫn không thể hoàn thành cuộc đời mình với trí khôn
sáng suốt hoặc với một thái độ tự do bát ngát. Vận mạng của con người vượt quá
tình trạng sống thế nào, vượt quá cặp phạm trù đúng sai, để vươn tới chỗ sống
với ai khác, sống vì, sống cho ai khác. Vận mạng con người, từ trong mầu nhiệm
sáng tạo, đã bao hàm khao khát sống với, và chỉ có thể được hoàn thành khi sống
với Chúa, rồi từ đó mà có thể sống với nhau.
Bản chất của đức tin như thế nằm trong nền “văn hoá sống
với”, nằm trong một sự nhạy bén về mối liên hệ đến ai khác, nằm trong hệ giá
trị đề cao những gì bộc lộ mối tương quan nhân thân. Được lớn mạnh trong nền
văn hoá đức tin ấy, người tín hữu phải nhạy bén với ai khác chứ không phải bám
cứng lấy một thứ nguyên tắc nào đó; phải là người có khả năng “vui với người
vui, khóc với người khóc” chứ không phải là người tự hào về sự hoàn hảo của
chính mình; phải là người tìm thấy ý nghĩa cuộc đời và hạnh phúc đời mình khi
được đi vào hành trình hy sinh cho ai khác chứ không phải kẻ thoả mãn vì khả
năng khẳng định chính mình…
Chỉ trên nền tảng sống-với, thái độ tin tưởng mới lộ ra nét
đẹp cao quí đặc biệt. Lòng tin, cả theo nghĩa đời thường cũng như trong tôn
giáo, không phải là một hình thức hiểu biết thấp kém so với lý trí, nhưng là
đường lối biểu lộ phẩm giá người trên lộ trình đến với ai khác.
Tin là thiết lập tha nhân như một chủ thể bất khả thấu đạt
bằng lý trí; trân trọng tha nhân như một chủ thể tự do trong khả năng tự “mạc
khải” và trao ban chính mình. Tin chính là khai mở lộ trình để con người tìm
thấy cửa ngõ “ra khỏi chính mình” và tìm thấy sự hoàn thành vận mạng của mình
trong gặp gỡ, trong yêu thương. Sống với ai khác một cách chân chính luôn luôn
là đi vào cuộc phiêu lưu. Những ai muốn tìm sự chắc tâm về mình sẽ sa đà vào
khoái lạc thống trị, hạ thấp bản thân mình trong một cuộc “chơi với sự vật”.
Người ấy sẽ không thể đi vào lộ trình của niềm tin, họ đánh mất khát vọng sống
với, và đánh mất cả hạnh phúc đích thực của một đời người.
Có thể nói được “văn hoá đức Tin”, một cách tổng quát, chính
là “văn hoá sống-với”; chính trong nền văn hoá này mà con người đáp lại hồng ân
đức Tin Chúa ban bằng quyết định tin của con người toàn diện, và được củng cố
nhờ sức mạnh chứng tá của cộng đoàn đức Tin[1]. Trên nền tảng văn hoá sống-với, ta có thấy
rất nhiều hệ luận đưa hành trình đức Tin theo truyền thống Do thái – Kitô giáo
tới những chân trời mới lạ
2. Sống đức tin là sống đời mình như một lịch sử ơn cứu độ
Sách thánh mặc khải cho chúng ta
một thứ tôn giáo của tương quan hiện sinh; không phải là một sự hoà đồng trong
bản tính, đưa đến một sự hoà tan vào nhau. Tương quan hiện sinh chân chính
không do ngất trí, không do xuất thần, không do sự bộc phát của tình cảm, nhưng
được hình thành do quá trình lịch sử, được đan bện do những sự kiện cụ thể.
Kitô giáo và đạo Sách thánh nói chung là đạo của những sự kiện, những sự kiện
cụ thể đan bện lại thành nên một bề dày nghĩa tình.
Đáng tiếc là chiều kích lịch sử ấy
ít nhiều bị quên lãng. Trong một thời gian khá dài, người kitô hữu đến với Chúa
theo một thứ tu đức học dựa theo cấp độ siêu thoát. Cho đến Vatican II, Giáo
hội mới tìm lại được chiều kích lịch sử, tìm lại một nền thần học lịch sử; và
cũng từ đó, dần dần Giáo hội tìm lại được phẩm chất đức tin như một tương quan
hiện sinh.
Nói một cách khái quát, sống đức Tin là sống cuộc đời mình
như một lịch sử ơn cứu độ; trong đó, bản thân của mỗi người tín hữu được trao
ban cho Chúa trong một quá trình lịch sử, và cũng đón nhận được chính bản thân
Chúa trong một quá trình. Thực sự con người chỉ là chính mình trong dòng lịch
sử, và Chúa cũng xuất hiện cho con người như thế, nghĩa là trong dòng lịch sử.
Như thế, tương quan ngã vị như là nét đặc trưng của Sách Thánh không thể thành
hình trên một sự ngẫu hứng hay một thứ “cú sét ái tình” mà là một hành trình
thực sự, đặt nền trên những sự kiện thực của đời sống con người.
Truyền thống Kinh Thánh vốn mang
nét căn bản là tính lịch sử, nghĩa là một thái độ của niềm tin được thể hiện
trong chính chiều kích lịch sử của cuộc đời. Do Thái Kitô giáo là tôn giáo mặc
khải, nghĩa là đón nhận giáo lý từ trời cao, nhưng lại được thể hiện trong cuộc
sống đời thường, làm nên một thứ hoa trái riêng biệt là “lịch sử ơn cứu độ”.
Do đó, thái độ căn bản của người
Dân, không phải là một lòng đạo đức tự nó là tốt, cũng không phải là một tư
cách hay một trình độ tôn giáo cao vời, mà là lòng trung tín với Chúa, trung
tín với các giải pháp của Chúa trong dòng lịch sử, để hướng tới việc đón nhận
Đấng Mêsia.
Sách Thánh nói Dân Do Thái là một
dân cứng lòng. Điều đó có lẽ không phải tâm tính của một dân tộc vốn ngang
ngạnh, nhưng đúng hơn là do họ đứng trước một sứ mệnh “không giống ai”, sứ mệnh
sống niềm tin, đón nhận những chỉ dẫn của niềm tin trái ngược với lối suy nghĩ
khôn ngoan đời thường. Sống niềm tin là cả một cuộc phiêu lưu, cả về mặt chính
trị và quân sự chứ không phải chỉ là một thái độ đạo đức. Truờng hợp vua Achaz
là một ví dụ điển hình. Chính vì vậy mà Dân đã thường giết các ngôn sứ...
Trong chiều hướng đức tin có tính lịch sử như thế, chúng ta
cũng hiểu được, chiêm niệm Kitô giáo nhằm tới một mục tiêu chính yếu là khám
phá thánh ý của Chúa trong hành trình cuộc đời, qua những thách đố, những sự
kiện, những vấn đề của đời sống thường ngày.
Ở đây, chúng ta nhận ra yếu tố thực hành trong “cơ cấu” của
thái độ tin. Tin không phải chỉ là tác động thuộc về lý trí, cũng không phải
chỉ là tác động thuộc về ý chí, mà còn thiết yếu được thể hiện trong thực hành.
Trong “qui chế hiện hữu” của con người, sự sống thật và sống mạnh được thể hiện
trong khả năng tìm được “ý nghĩa nội tâm” trong “chất liệu” ít nhiều có tính
vật chất.
Để có một đức tin vững mạnh, không thể chọn thái độ “đóng
cửa”, đóng cửa nghi lễ phụng vụ với những diễn biến thực của cuộc sống hằng
ngày; đóng cửa đời sống thánh hiến với những vui buồn rất thực của một đời người;
đóng cửa đời sống đều đặn của tu viện với máu và nước mắt trong cuộc sống xã
hội; đóng cửa đời tu với những tình nghĩa gia đình…
3. Suy tư tìm nguyên nhân và suy tư tìm bản chất
Cách suy tư của người Hy lạp, là cội nguồn của triết học Tây
phương, có lối suy tư mà người ta gọi là “suy tư tìm bản chất”. Nguyên nhân sâu
xa của lối suy tư này là vì người Hy lạp không biết đến quan điểm Thiên Chúa
sáng tạo vũ trụ và con người từ hư vô. Trong văn hoá Hy lạp, thế giới tinh thần
và vật chất đều hiện hữu từ đời đời, và Thượng Đế hay thần thánh không sáng
tạo, nhưng dùng những “nguyên liệu” ấy để chế tạo nên vũ trụ và con người. Nỗi
băn khoăn căn bản của người Hy lạp là sự biến chuyển; và họ đi tìm cách giải
thích sự biến chuyển để xác định những nguyên nhân (nguyên nhân gần) đã tạo nên
bản chất của hữu thể.
Trong khi đó, người Do thái thì tin Chúa là nguyên nhân cuối
cùng và phổ quát của tất cả mọi sự. Niềm tin ấy giúp người Do thái vượt qua,
hoặc nhiều khi là bỏ qua, thái độ chúi mũi vào những nguyên nhân gần, để nối
kết mọi sự với nguyên nhân cuối cùng và phổ quát, đó là chính Chúa. Cách thức
này người ta gọi chung là “suy tư tìm nguyên nhân”.
Chúng ta có thể thấy một thí dụ. Sách Tông đồ Công vụ tường
thuật lại cuộc tranh luận của người Do Thái về hiện tượng những người Kitô hữu,
và lập trường của Gamalien :
“…Vậy giờ đây, tôi xin nói với quý vị : hãy để mặc những người
này. Cứ cho họ về, vì nếu ý định hay công việc này là do người phàm, tất sẽ bị
phá huỷ; còn nếu quả thật là do Thiên Chúa, thì quý vị không thể nào phá huỷ
được ; không khéo quý vị lại thành những kẻ chống Thiên Chúa." Họ tán
thành ý kiến của ông”. (Cv 5, 38-39)
Thật ra, con người vẫn cần phải đi
tìm chân lý trong lối suy tư tìm bản chất. Theo châm ngôn vàng của thánh
Thomas, ân sủng không phá bỏ nhưng kiện toàn tự nhiên. Người Kitô hữu không thể
dễ dàng bỏ qua cơ cấu thực tại lù lù trước mắt, và càng không thể cưỡng bách
thực tại bằng một thứ đạo thiêng liêng nào đó. Tuy nhiên, thực sự cơ cấu thực
tại vẫn nằm trong chương trình cứu độ phổ quát của Thiên Chúa. Mặt khác, con
người cũng không thể nào khám phá đến tận cùng cơ cấu thực tại. Thái độ đích
thực của đức tin là, cuối cùng, đặt cơ cấu thực tại nhỏ bé và giới hạn ấy trong
chương trình phổ quát của Thiên Chúa. Phương thức suy tư tìm nguyên nhân (cuối
cùng) của người Do thái chính là một thái độ sống đức tin trong khát vọng tìm
chân lý vốn tiềm ẩn trong bản chất người. Ở đây, chân lý của lý trí được dành
lại phần quyết định cuối cùng cho chân lý của đức Tin.
Có phải chăng những tu sĩ trẻ ngày
nay thường quá lý sự, thường muốn giải quyết mọi việc một cách hợp lý nhưng lại
rất ít để cho lối suy tư tìm nguyên nhân của đức Tin ?
4. Chúng tôi tin – tôi tin
Thực sự đức tin của người Kitô hữu không phải là một thái độ
do cá nhân tự lựa chọn; và nội dung đức Tin không phải do người Kitô hữu sáng
tạo ra. Từ cội nguồn, đức Tin là một sự lãnh nhận, cả sự sống đức Tin cũng như
nội dung của đức Tin cũng đều là được lãnh nhận. Tuy vậy, phẩm chất của đức Tin
lại không phải đơn giản là một sự nắm bắt các chân lý khách quan bằng lý trí,
cũng không phải đơn giản là một sự thông truyền các tư tưởng khách quan, mà
chính là một dòng sự sống được trao ban và lãnh nhận, được nhào nặn và thấm nhuần,
được sáng tạo và lại được trao lại cho anh chị em của mình. Cái duy nhất của
đức Tin được thể hiện trong cái đa phức trong mỗi cá nhân mà không mất đi tính
duy nhất mà cũng chẳng làm khô héo cái đa phức. Đức Tin trong dòng sức sống
chính là một sự lãnh nhận (thụ động) một cách đầy tính chủ thể (chủ động). Tin
là tự hiến mình để cho chân lý của Chúa được tỏ hiện, để cho bản thân mình được
nhào nặn trong chân lý và tỏ hiện trong nét đa dạng phong phú khôn lường mà vẫn
nằm trong một dòng sự sống duy nhất.
“Xin Cha lấy sự thật mà thánh hiến họ. Lời Cha là sự thật. Như
Cha đã sai con đến thế gian, thì con cũng sai họ đến thế gian. Vì họ, con xin
thánh hiến chính mình con, để nhờ sự thật, họ cũng được thánh hiến. (Ga 17,
17-19)
Do đó, cái duy nhất của chân lý trong nội dung “chúng tôi
tin” không làm giảm nhẹ cái chứng tá đặc thù của “tôi tin” và ngược lại. Ý
nghĩa chứng tá là một khái niệm trọng tâm để diễn tả dòng sức sống ấy. Chúng ta
có thể thấy rõ ý nghĩa căn bản này trong quan niệm và linh hứng Thánh kinh Công
giáo, theo đó, các thánh ký, cá nhân hay tập thể, không phải chỉ là những người
thụ động ghi chép chân lý mặc khải một cách khách quan, nhưng là “người” sống
và tường thuật lại chính kinh nghiệm đức Tin của mình để làm chứng cho Chúa. Từ
hành vi đơn giản của sự sống đức tin như làm dấu, cho đến việc làm thần học,
với những khám phá lại đường nét căn bản của nội dung đức tin, tất cả đều thiết
yếu là tìm về một kinh nghiệm đức Tin mang tính cá nhân, một thứ kinh nghiệm
rộng mở bản thân mình cho chân lý của Chúa, thứ kinh nghiệm có khả năng đưa tới
hành động chia sẻ đức Tin, hoặc như một xác tín cá nhân, hoặc như một sự khởi
đầu của hành trình khám phá lại nét phong phú của đức Tin (làm thần học) ….
5. Nguồn mạch chứng tá
Trong truyền thống Sách thánh, chứng tá là một khái niệm
quan trọng. Từ trong Cựu ước, chúng ta có thể thấy tầm quan trọng của việc làm
chứng của con người. Tuy nhiên, chúng ta biết lời chứng của con người luôn có
nguy cơ sai lạc, vì sự dối trá. Tác giả Thánh vịnh cho thấy nhiều người công
chính bị hàm oan do những thứ làm chứng dối :
“Xin đừng phó mặc con cho kẻ thù hung hãn,
vì
lũ chứng gian đứng dậy tố con,
giương
bộ mặt hằm hằm sát khí”.(Tv 27,12. Xc. Tv 35,11…)
Từ khi có giao ước Thập giới, lời chứng dối bị lên nghiêm
cấm nặng nề (xc. Dnl 5,20) và bị coi như điều Thiên Chúa ghê tởm (xc. Cn 6,19)…
Hơn nữa, trong Sách thánh, ta thấy chính Thiên Chúa cũng “đứng ra” để làm
chứng. Thiên Chúa làm chứng cho những giao kèo giữa con người với nhau, giao
ước hôn nhân, hoặc những thứ giao kèo khác (Xc. St 35,53 tt; Gr 42,5…) và chính
Thiên Chúa tự làm chứng bằng cách công bố “tên” của Ngài và bằng những sự kiện
chứng thực được bằng kinh nghiệm của con người để có thể bảo đảm cho giao ước,
cho quyền năng và cho giáo huân Ngài ban cho Dân…
Trong Tân Ước, ta thấy khái niệm
lời chứng vượt qua mức độ luật pháp, đạt đến thái độ luân lý và mức độ tôn
giáo. Khi ta biết một người nào là tốt lành thì làm chứng cho người ấy, như
thái độ của người Do thái với đức Giêsu (x. Lc 4,12); đối với Cornelio (x. Cv
10,22); hoặc thái độ của cộng đoàn tiên khởi đối với các phó tế tiên khởi (X.
Cv 6,3)… Cuối cùng thì Sách thánh cho thấy chính đức Giêsu là nhân chứng trung
thành tuyệt hảo :
“Xin Đức Giê-su Ki-tô là vị Chứng Nhân trung thành, là Trưởng Tử
trong số những người từ cõi chết chỗi dậy, là Thủ Lãnh mọi vương đế trần gian,
ban cho anh em ân sủng và bình an. Người đã yêu mến chúng ta và lấy máu mình
rửa sạch tội lỗi chúng ta,…”(Kh 1,5. Xc Kh 3,14)
Nếu như trong Nhất lãm và sách
Tông Đồ Công Vụ, sứ mệnh loan báo Tin Mừng là mệnh lệnh ưu tiên số một, các
phép lạ kèm theo là để làm chứng cho lời rao giảng, thì trong Gioan cũng như
trong thánh Phaolô, việc làm chứng trở thành yếu tố quan trọng hàng đầu. Tin
Mừng Gioan cho thấy Chúa Cha làm chứng
cho đức Giêsu; bản thân đức Giêsu là Lời Chứng, lời nói và hành động của đức
Giêsu cũng là lời chứng. Ngài làm chứng về những gì đã nghe và thấy nơi Chúa
Cha (xc. Ga 3,11.32); làm chứng cho chính Chúa Cha (Xc. Ga
5,31t.37t); Người làm chứng chống lại thế gian (Xc. Ga 7,7)…. Trong lời khẳng
định trước mặt Philatô, đức Giêsu tỏ bày mục đích nhập thể của Ngài là để làm
chứng cho chân lý :
“Ông Phi-la-tô liền hỏi : "Vậy ông là vua sao ?" Đức
Giê-su đáp : "Chính ngài nói rằng tôi là vua. Tôi đã sinh ra và đã đến thế
gian nhằm mục đích này : làm chứng cho sự thật. Ai đứng về phía sự thật thì
nghe tiếng tôi."(Ga 18,37)
Người ta có thể thấy một sự chuyển biến ý nghĩa sâu xa từ Vatican
I đến Vatican II[2].
Trong khi Vatican I coi Giáo hội, với những phẩm chất như duy nhất, thánh thiện,
vững chãi, rộng khắp, phong phú, như là một dấu chỉ bày tỏ trước mặt muôn dân,
thì Vatican II lại tìm phương cách nhân hoá và nội tâm hoá dấu chỉ Giáo hội và
luôn nói tới “chứng tá của các kitô hữu”. Chính những người Kitô hữu với đời
sống thánh thiện và những cộng đoàn Kitô hữu, với đời sống hiệp nhất và yêu
thương, mới biểu lộ rõ rệt “dấu chỉ Hội thánh”. Từ Vatican II, dấu chỉ Hội
thánh được quy chiếu một cách thiết yếu vào phạm trù chứng tá. Trong các hiến
chế cũng như trong các tuyên ngôn và sắc lệnh của Vatican II, người ta thấy
khái niệm chứng tá trở nên đầy tràn, phong phú trong mọi khía cạnh… Sau Vatican
II, đặc biệt trong tông huấn của Kitô hữu giáo dân của đức Gioan Phaolô II,
phạm trù chứng tá vẫn là một trục chính của việc loan báo Tin Mừng.
Như chúng ta đã nói, ý nghĩa lời chứng không phải chỉ có
trong vấn đề loan báo Tin Mừng, nhưng chính là một phẩm chất căn bản của đức
Tin, của đời sống Giáo hội trong cuộc lữ hành đức Tin. Ý nghĩa chứng tá cần
phải được hiểu lại trong việc đào tạo, ngay cả trong việc dạy học, trong tổ
chức cộng đoàn…. Chẳng hạn, trong việc giảng lời Chúa của các linh mục, việc
trình bầy những chân lý khách quan vẫn luôn cần thiết, nhưng người linh mục
không vì thế mà làm nhẹ hoặc bỏ qua khía cạnh “thánh hiến cho chân lý” để có
thể rao giảng như một chứng nhân của chân lý.
Việc khám phá lại ý nghĩa của phạm trù chứng tá không phải
chỉ là một sự đổi mới để thích nghi mà là một sự đổi mới nhờ biết trở về nguồn.
Ý nghĩa ấy nằm trong mối liên hệ hữu cơ với những đổi mới khác về ý nghĩa đức
Tin.
Nguyễn Trọng
Viễn OP
0 nhận xét:
Đăng nhận xét
Click to see the code!
To insert emoticon you must added at least one space before the code.