Chia sẻ ưu tư
về Giá Trị Nhân Bản Kitô Giáo
Xin phép
quí độc giả để nại đến danh xưng của tờ “Chia Sẻ” nhằm chia sẻ một chút ưu tư
về vấn đề giáo dục giá trị nhân bản Kitô giáo. Nói là chia sẻ, vì tôi chỉ có
thể nói lên một chút cảm nhận còn khá mơ hồ về một vấn đề hình như quá lớn
trong Giáo Hội Công Giáo. Nói chia sẻ ưu tư, bởi vì đây không phải là những
chuyện nói cho qua, nhưng là một cảm nhận làm tôi trăn trở, “sốt ruột” và mong
được nhiều người được góp ý, trao đổi, đào sâu hơn vấn đề này.
1. Một chút lịch sử
Nhập thể
là một trong những chiều hướng căn bản của nhiệm cục ơn cứu độ theo Thánh Kinh.
Thiên Chúa của Kinh Thánh là một vị Thiên Chúa không an vị trên trời, nhưng
dính dáng, liên lụy vào lịch sử loài người. Ngài dấn thân vào lịch sử nhân loại,
Ngài thích ứng với tầm mức nhân loại để tỏ bày chân lý cao vời của Ngài, Ngài
đón nhận những phiền lụy của nhiệm cục cứu độ đến độ trao ban chính Con Một của
Ngài. Trong chiều hướng ấy, chúng ta có thể thấy được một đường nét quan trọng
trong “phương thức cứu độ của Thiên Chúa” : Ngài chọn Dân riêng là một chủng
tộc Sêmít, và cũng trình tỏ bày huyền nhiệm bản thân Ngài, cũng như nhiệm cục
Cứu Độ con người trong truyền thống văn hóa Sêmít ấy; theo đó, chính hành trình
lịch sử của đời sống thật là nơi con người được mời gọi sống niềm tin vào Chúa,
chứ không phải trong một hệ thống lý thuyết, hoặc trong một cảnh giới xuất
thần, siêu việt nào đó bên ngoài đời sống thật của con người.
Thừa
hưởng truyền thống ấy, vào thời kỳ của Giáo Hội, Kitô giáo đã dấn thân vào lịch
sử nhân loại, thể hiện niềm tin trong cả một chiều hướng nhập thể, nghĩa là đón
nhận tất cả những sự kiện, những biến cố, những diễn tiến trong vận hành lịch
sử của nhân gian. Sống niềm tin chân chính không phải là “đóng cửa” để bảo vệ
một gia tài đã đầy đủ trọn vẹn của mình, hoặc bay lên một vùng trời nào hoàn
toàn khác lạ; nhưng là sống trọn niềm tin vào Chúa trên hành trình lịch sử, qua
việc đón nhận tất cả những thăng trầm trong thực tại trần gian.
Trong
tiến trình ấy, có một sự kiện quan trọng trong dòng lịch sử Giáo Hội, đó là
việc Kitô giáo đã bạo dạn dấn bước vào cuộc đối thoại và hội nhập văn hóa với
nền triết học khổng lồ của người Hy Lạp. Vào khoảng thế kỷ thứ II, Kitô giáo,
trong sự non trẻ về mọi mặt, về bề dày lịch sử cũng như về hệ thống lý thuyết,
về lực lượng nhân sự cũng như về vị thế chính trị… đã dám mạnh dạn sử dụng
những khái niệm của nền triết học Hy Lạp khổng lồ để diễn tả những chân lý đức
Tin của chính mình. Đó là một chọn lựa hết sức quan trọng trong dòng lịch sử
Kitô giáo, chọn lựa tạo nên một khúc quanh quan trọng. Chính truyền thống dấn
thân đã đưa Kitô giáo vào chọn lựa ấy, và chọn lựa ấy làm nên một hành trình sử
mệnh của Kitô giáo. Nhờ quyết định ấy, Kitô giáo có thể luôn đối thoại và hội
nhập vào dòng lịch sử luôn tiến triển của nhân loại, điều mà anh em Hồi Giáo
sau này, nói chung, đã rất khó để làm được; và vì thế, anh em Hồi Giáo, cho đến
hiện nay, có rất nhiều khó khăn trong việc thích ứng với thế giới hiện đại.
Tuy
nhiên, việc sử dụng những khái niệm triết học Hy Lạp để trình bày đức Tin, dĩ
nhiên, không có nghĩa là chấp nhận hoàn toàn văn hóa Hy Lạp. Sự phân biệt đó
luôn là điều cần thiết. Chúng ta có thể thấy một cách cụ thể là, trong suốt
thời kỳ Kitô giáo phồn thịnh ở Châu Âu, phần lớn những giá trị nhân bản của
người Hy Lạp, những giá trị “đời” đã bị bỏ quên hoặc bị loại trừ. Các nhà trí
thức Kitô giáo, trong thời kỳ đầu của thời Trung Cổ, đã phải từng bước hình
thành lại những nền tảng mới của đời sống nhân bản Kitô giáo trong cuộc sống
thường ngày. Người ta gọi đó là những nhà Nhân Bản Kitô giáo, chẳng hạn như
Cassiodore (485-580), Denys le Petit, Grégoire le Grand (540-604), Isidore de
Séville (570-636)… Tuy vậy, có vẻ như điều các nhà nhân bản Kitô giáo làm được
còn quá ít, trong khi cuộc sống đời thường của con người thì càng ngày lại càng
thêm “chuyện”, thêm “vấn đề”, thêm nhiều thách thức mới, nhiều hoàn cảnh mới,
nhiều tình huống mới…theo như quy luật phát triển bình thường của cuộc sống
nhân gian. Chính vì thế, chúng ta hiểu được tại sao nhiều nhà trí thức thế kỷ
XII, XIII bắt đầu ham mê “chuyện thế gian” trong triết học của Aristote, và
muốn vượt ra ngoài nền tảng triết học Platon, vốn hỗ trợ đắc lực cho đời sống
“thuần túy tôn giáo” của Giáo Hội. Cũng thế, vào khoảng thế kỷ XV, XVI, nhiều
nhà giáo dục, đặc biệt là ở Italia, đã muốn tìm lại trong các kho tàng văn hóa
Hy Lạp những bài học thiết thực hơn cho cuộc sống trần thế. Rồi những giá trị
nhân bản của người Hy Lạp được phục hồi một cách ồ ạt, đưa đến một thời kỳ gọi
là Phục Hưng.
Với biến
cố Phục Hưng, ta có thể nói được rằng, mặc dù tạo dựng được hệ thống triết-thần
đồ sộ, và mặc dù xây dựng được cả một nền văn minh Kitô giáo, chi phối toàn bộ
cuộc sống xã hội thời Trung Cổ, Kitô giáo vẫn chưa đáp ứng được hết những nhu
cầu của đời sống con người, những nhu cầu có thực của cuộc sống đời thường,
những nhu cầu vẫn đang tiến triển mỗi ngày mỗi nhiều hơn và tinh tế hơn; và
hình như Kitô giáo vẫn chưa làm nên được một hệ-giá-trị nhân bản Kitô vững
chắc, có sức thuyết phục….
Chuyển
tầm nhìn về biến cố Vatican II, chúng ta lại nhận ra một bước ngoặt mới mà có
người gọi là bước ngoặt của trào lưu nhân bản. Với Vatican II, Giáo Hội lại một
lần nữa, nhận ra những thiết sót của mình trong việc quan tâm đến những “chuyện
đời”. Hiến chế mục vụ Vui Mừng và Hy Vọng, lần đầu tiên, hướng nhìn về những
chuyện đời người với một cái nhìn có trách nhiệm, với một lời mở đầu thật ấn
tượng :
“Vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của con người ngày
nay, nhất là của người nghèo và những ai đau khổ, cũng là vui mừng và hy vọng,
ưu sầu và lo lắng của các môn đệ Chúa Kitô, và không có gì thực sự là của con
người mà lại không gieo âm hưởng trong lòng họ…”(s. 1)
Thế
nhưng, sau Vatican II, ít nhất là trong hiện tình của Giáo Hội Việt Nam, đời
sống đức Tin của Giáo Hội Việt Nam có vẻ như vẫn là một khối ”đặc sệt chuyện
đạo”, những giá trị Tin Mừng ít được thể hiện trong đời sống thường ngày của
chính người Kitô hữu, những giá trị nhân bản Tin Mừng không mấy khi trở nên
được những khái niệm sống căn bản của người Kitô hữu, và dĩ nhiên càng không
phải là những khái niệm sống lan toả đến cuộc sống của xã hội, của thời đại.
Phải
chăng chúng ta có thể nhận ra một khoảng trống của hệ giá trị nhân bản Kitô
giáo, đặc biệt trong đời sống Giáo Hội Việt Nam ???
2. Truy tìm nguyên do
Chúng ta
có thể tìm thấy nhiều lý do cắt nghĩa hiện trạng ấy :
* Chẳng hạn, như người ta nói, Giáo Hội Kitô, cũng như các
tổ chức khác của con người, luôn luôn giao động giữa trọng tâm và ngoại biên :
nên khi thì hướng quá nhiều về “nguyên lý” và không thể hiện được các nguyên lý
căn bản của mình một cách tương xứng trong “đời sống thực tế”; khi khác thì lại
bận tâm quá đến việc diễn tả đến độ người ta không còn thấy được bóng dáng của
nguyên lý căn bản. Người ta có thể thấy được hiện tượng đó trong mối liên hệ
giữa “nguyên lý yêu thương” và “diễn tả công bằng”, trong mối liên hệ giữa
“việc đạo” và “việc đời” …
* Hoặc chúng ta cũng có thể có một giải thích khác, theo đó,
vì các giới chức có trách nhiệm quyết định trong Giáo Hội đều là giáo sĩ và tu
sĩ, nên đời sống Giáo Hội luôn bị chi phối do một sức hút bay lên với “việc
đạo” và bỏ quên “việc đời”….
* Tuy nhiên, có lẽ nguyên nhân sâu xa và căn bản hơn hết mà
chúng ta có thể đọc thấy được là chính “nẻo đường cứu độ” của Thiên Chúa đối
với con người. Chúng ta có thể thấy một phần nào hành trình giáo dục của Thiên
Chúa đối với nhân loại theo một diễn tiến chung như sau : trước tiên, Thiên
Chúa dẫn dắt nhân loại tìm tòi học hỏi để biết sống cuộc sống cao quí của con
người trong nhiều khía cạnh cạnh : văn hoá, nhân bản, luân lý, luật pháp của
các nền văn minh khác nhau …. Đó là những thành tựu của các nền văn hóa của
nhân loại nói chung. Con đường ấy quá đẹp và quá đồ sộ. Tuy nhiên, trong góc
nhìn của nhiệm cục cứu độ, tất cả những thành tựu ấy còn rời rạc, bấp bênh và
có nhiều sai lạc... và quan trọng hơn, chúng không đủ sức giúp con người, đặc
biệt là những “người nghèo”, đạt đến cứu cánh chung cuộc thực sự của đời sống
con người, tức là hành trình trở về với Thiên Chúa, là cứu cánh chân chính của
vận mạng con người. Do vậy, Thiên Chúa muốn thể hiện công trình giáo dục con
người bằng một sự can thiệp sâu hơn, đặc biệt hơn, đó là việc dẫn dắt con người
tìm đến với một Đấng Cứu Độ duy nhất. Trong mức độ mới và có tính cách siêu
nhiên này, tất cả tầm quan trọng thiết yếu của vận mạng con người được tập
trung vào việc đón nhận một Đấng, sống theo một Đấng, và quy chiếu mọi giá trị,
mọi ý nghĩa cuộc sống của mình vào chính Đấng Cứu Tinh ấy. Không còn con đường
nào khác có thể giúp con người hoàn thành trọn vẹn vận mạng của mình ngoài con
đường đi theo và kết hợp với đức Giêsu Kitô. Sự phong phú cao cả nhất mà Thiên
Chúa tỏ bầy cho con người, cũng như tất cả những gì con người cần được đón nhận
để hoàn thành vận mạng siêu nhiên của mình, chỉ có thể là bản thân Đức Giêsu
Kitô, chỉ có thể được thực hiện một cách trọn vẹn trong Đức Giêsu Kitô. Chúng
ta cũng có thể thấy được rằng, trong khi những nỗ lực tự nhiên, thể hiện trong
các nền văn hóa đa dạng của nhân loại trên khắp hoàn cầu, rốt cuộc đều là những
nẻo đường dành cho người ưu tuyển, thì nẻo đường cứu độ siêu nhiên của Thiên
Chúa, thể hiện trong lịch sử cứu độ, đỉnh cao là nơi Đức Giêsu Kitô, lại có khả
năng đón nhận tất cả mọi người, đặc biệt là những người nghèo. Ngoài ý nghĩa là
một nẻo đường chân chính, đúng đắn, được chính Thiên Chúa thật mạc khải, việc
đón nhận Đức Giêsu như Đấng đồng hành và liên lụy trên hành trình cuộc đời, còn
thực sự là nẻo đường của “người nghèo”, nẻo đường mà những người bần cùng hoặc
yếu hèn nhất cũng có thể được đón nhận. Chính điều ấy có thể “minh chứng” một
cách thực tiễn cho khẳng định ơn cứu độ duy nhất trong Đức Giêsu Kitô.
Tuy
nhiên, có phải chăng tất cả những lý do ấy, từ một góc cạnh khác, lại trở thành
một “trở lực” cho việc phát triển những giá trị nhân bản “tự nhiên” của con
người ? Phải chăng cũng chính vì thế mà Kitô giáo dễ trở thành một đời sống đạo
thuần túy, “đặc sệt”, đi song song với những tiến triển văn hóa của con người
?
Nhưng dù
với nguyên do nào đi nữa, điều quan trọng là : có phải thật sự có một lỗ hổng
trong đời sống đạo Công Giáo hiện nay, ít là của chính Giáo Hội Việt Nam, lỗ
hổng về một hệ giá trị nhân bản, có khả năng diễn tả và bộc lộ những chân lý
cứu độ căn bản của Kitô giáo trong những chiều kích nhân bản ?
3. Một chút suy nghĩ về Giáo Hội Công Giáo Việt Nam
Về vấn đề
này, ta có thể ghi nhận một vài nét trong tình hình Giáo Hội Việt Nam
như sau :
- Các hội đoàn Công Giáo tại Việt Nam hầu hết là những hội đoàn đạo
đức, nghĩa là tập trung chính yếu vào việc tổ chức và huấn luyện các việc đạo
đức chứ ít tạo được một sức mạnh để có thể đem đạo vào đời, gieo men Tin Mừng
vào cuộc sống trần gian…
- Các giáo trình nhân bản được biên soạn và sử dụng trong
giới Công Giáo thường dựa theo những giá trị chung chung, hoặc dựa trên giá trị
nhân bản của một triết học khác, trong một nền văn hóa hoàn toàn khác. Chẳng
hạn nhiều giáo trình nhân bản dựa theo Khổng Giáo để trình bày những đức tính :
nhân, nghĩa, lễ, trí, tín; hoặc : công, dung, ngôn, hạnh; hoặc có người lại dựa
trên một số kỹ thuật sống theo kiểu “Đắc Nhân Tâm”; hoặc hoàn toàn theo nội
dung của các phương pháp khoa học của tâm lý thực nghiệm; hoặc là những thích
ứng rời rạc để giải quyết những vấn đề trước mắt một cách thực dụng … chứ không
có được một “nguyên lý” cơ bản, một “hệ giá trị” nền tảng, một tinh thần thấu
suốt của Tin Mừng Đức Kitô … Dĩ nhiên, người ta có thể nêu lên nhu cầu hội nhập
văn hóa như một lý do quan trọng, nhưng hình như trong những kiểu “hội nhập văn
hóa” ở các giáo trình giáo dục nhân bản ấy, không còn bóng dáng của giá trị
Kitô giáo.
- Có lẽ vì không cảm được các giá trị đặc trưng của nền nhân
bản Kitô giáo, nên các nghệ sĩ Công Giáo, hoặc diễn tả những cảm xúc nghệ thuật
của mình trong “phạm vi” thuần túy nhà đạo; hoặc không còn một chút bản sắc
Kitô giáo nào trong các cảm xúc ra ngoài phạm vi tôn giáo. Các thành quả nghệ
thuật của giới Công Giáo rất ít truyền tải được đến công chúng những giá trị
nhân bản đặc trưng của Kitô giáo…
- Không có hoặc có rất ít người bên ngoài Kitô giáo tìm được
một niềm đam mê nghiên cứu Kitô giáo như một giá trị nhân bản, sống tinh thần
Kitô giáo như một lựa chọn nhân bản; quả thật người Kitô hữu có rất ít điều thú
vị trên “mảnh đất đời người” có thể chia sẻ với những người ngoài Kitô giáo,
ngoại trừ việc truyền đạo một cách “thẳng thừng”… Chúng ta có thể thấy rõ điều
này khi đếm các đầu sách tôn giáo trong các nhà sách hiện nay. Chúng ta chỉ có những
nhà trí thức là người Công Giáo chứ chẳng có, hoặc có rất ít, nhà “trí thức -
Kitô giáo”… Hình như, trong tình hình hiện tại của Giáo Hội, chỉ có “nhân bản”
và “Kitô giáo” đứng cạnh nhau chứ không có “nhân bản - Kitô giáo”; “Kitô giáo
là giáo lý Kitô giáo”, và “nhân bản là nhân bản”…. Chúng ta cũng có thể thấy,
trong những nhà sách công giáo, những bức ảnh nghệ thuật, những hình thêu chữ
thư pháp... đầy những chữ : nhân, nghĩa, lễ, trí, tín… mà chẳng hề có được
những khái niệm diễn tả giá trị căn bản của Kitô giáo như : “sống với”, “trung
tín trong dòng lịch sử”, “dấn thân”, …
- Nguy hiểm hơn cả, chúng ta có thể thấy rất nhiều những
người Kitô hữu, và cả các “chức sắc” Công Giáo, trong cuộc sống hằng ngày, đã
chọn lựa lập trường, trình bày những suy tư, thể hiện trong ứng xử về những
chuyện đời thường theo một tinh thần, theo tôi, chẳng có một chút gì là tinh
thần Kitô giáo cả. Tôi muốn nói ở đây, không phải là những hành vi xấu xa, tội
lỗi, nhưng là những điều tốt, hoặc những điều bình thường. Chẳng hạn vẫn có
những nhà giảng thuyết cho rằng : hôn nhân giết chết tình yêu; sau khi cưới,
người ta chỉ còn sống với nhau vì cái “nghĩa”…; chẳng hạn vẫn có những người
Kitô hữu tìm sự bình an bằng cách chọn lối sống “đừng đụng gì đến ai” để khỏi
phiền hà; hoặc chọn sống cuộc đời mình, một cách chính yếu, theo một kỹ thuật
sống nào đó chứ không phải là khả năng sống-với người khác trong một cuộc phiêu
lưu; chẳng hạn có nhiều người vẫn hãnh diện vì có những “thằng lính” của tao,
tao nói gì là nó làm răm rắp…
Có một
lần, trong một lớp của các tu sĩ, tôi ra đề tài thi cho một lớp Triết Học Nhập
Môn như sau : “Hãy nói lên châm ngôn sống của bạn và giải thích tại sao bạn
chọn câu châm ngôn ấy”. Thật đáng buồn khi hơn một nửa lớp trình bầy những châm
ngôn sống của mình đại khái như : “Học, học nữa, học mãi”; “Đi một đàng học một
sàng khôn”; “uốn lưỡi bẩy lần trước khi nói”… nghĩa là những châm ngôn sống
chẳng hề có một chút gì là nẻo đường của tình yêu, hoặc phát xuất từ tình yêu
của Chúa Kitô, mà chỉ là những kỹ thuật sống cho riêng mình.
Trong bầu
không khí ấy, tư tưởng của cha Anthony de Mello được mặc sức tung hoành. Theo
tôi, trừ một vài cuốn như “Tiếp Xúc Với Thiên Chúa” …, tư tưởng của cha Anthony
nói chung tràn ngập thứ linh đạo “giác ngộ” chứ không phải linh đạo “sống-với”,
khai mở con đường giải thoát bằng đường lối “trầm mặc” chứ không phải đường lối
liên đới, hiệp thông của truyền thống Do Thái Kitô giáo… Quả thật là liều lĩnh
khi động vào một “tượng đài” như Anthony de Mello, nhưng tôi không thể ngăn
được cảm nghĩ về một sự trống vắng giá trị nhân bản Kitô giáo khi thấy “hiện
tượng Anthomy de Mello” trong sinh hoạt của giáo hội Việt Nam.
Có không
một hệ giá trị nhân bản Kitô giáo ? Có lẽ không ai có thể nói rằng một Kitô
giáo, một sức sống, một giáo thuyết, một tổ chức trải qua bao ngàn năm như thế
lại không có một hệ giá trị nhân bản riêng. Hoặc là những giá trị nhân bản Kitô
giáo hiện nay đã trở thành những giá trị phổ biến và hiển nhiên đối với nhân
loại, nên cũng chẳng cần mang hình dáng Kitô giáo nữa ? Đâu là những nét căn
bản của hệ giá trị nhân bản Kitô giáo?
Chúng ta
đụng đến một vấn đề hết sức khó : Đâu là những giá trị chuẩn cho nền nhân bản
Kitô giáo ? Ai dám cho rằng những giá trị mình để ra thực sự là giá trị nhân
bản Kitô giáo ? Mặt khác, hệ giá trị nhân bản cũng là một thứ não trạng, và với
vấn đề não trạng thì quả thật là “một vòng lẩn quẩn”; bởi vì với não trạng,
những lý luận chẳng có ích bao nhiêu, nhưng quan trọng hơn là tính thuyết phục
của một “nét đẹp”. Nhưng nét đẹp của một giá trị lại chỉ có thể được đón nhận
trong một hệ giá trị, nghĩa là trong một não trạng thích hợp. Do đó, rất nhiều
tranh luận không thể nào đi đến một kết luận nào cả vì chẳng thể phá được
“thành trì” của não trạng. …
Phải chăng người Kitô hữu có thể dựa vào chính
lịch sử cứu độ và đặc biệt là biến cố đức Giêsu Kitô cùng với “giáo thuyết” của
Ngài để nhận ra, cách chính yếu, hành động cứu độ của Thiên Chúa và hân hoan
đón nhân ơn cứu độ chung cuộc, nhưng cũng bao hàm cả những giá trị chân thật
của đời sống con người như : sống-với, trung tín trong dòng lịch sử, dấn thân,
dám liên lụy, mắc nợ nghĩa tình, trân trọng phẩm giá con người, tri ân, đón
nhận và trao tặng bản thân, hiệp thông, hy sinh, tha thứ, bác ái…??? Tôi tự hỏi
rằng tại sao Kitô giáo lại không có được những thành tựu nhân bản đầy tính chất
Kitô giáo theo kiểu như những tác phẩm “Góp Nhặt Cát Đá”, “Cái Cười của Thánh
Nhân”…
4. Còn nữa thời đại Thánh Thần của Đức Kitô ?
Nếu như
Thiên Chúa giáo dục con người bằng cách tập trung tất cả vào bản thân của đức
Giêsu Kitô như một trục xương sống căn bản của tất cả vận hành lịch sử nhân
loại cũng như của đời sống cá nhân của mỗi con người, thì chắc chắn đó không
phải là khẳng định loại trừ tất cả những đường nét thành tựu của văn hoá nhân
loại, nhưng là cung cấp một “trục cứu độ” cho tất cả mọi nền văn hóa của nhân
loại. Nếu tất cả chân lý cuộc đời được “hội tụ” nơi đức Giêsu Kitô, thì điều đó
cũng hứa hẹn một sự “phân tán” rộng khắp Thánh Thần của Đức Giêsu Kitô cho tất
cả những chiều kích dài rộng cao sâu của lịch sử nhân loại :
“Thầy còn nhiều điều phải nói với anh em. Nhưng bây giờ, anh em không
có sức chịu nổi. Khi nào Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em tới sự thật
toàn vẹn. Người sẽ không tự mình nói điều gì, nhưng tất cả những gì Người nghe,
Người sẽ nói lại, và loan báo cho anh em biết những điều sẽ xảy đến. Người sẽ
tôn vinh Thầy, vì Người sẽ lấy những gì của Thầy mà loan báo cho anh em. Mọi sự
Chúa Cha có đều là của Thầy. Vì thế, Thầy đã nói : Người lấy những gì của Thầy
mà loan báo cho anh em. (Ga 16, 12-15)
Ơn cứu độ
duy nhất nơi Đức Giêsu Kitô chắc chắn không phải là một lô cốt ngăn chận dòng
văn hóa của nhân loại, cũng không phải là một con đường song song với chuyện
đời thường, song song với những diễn tiến chính trị, kinh tế, khoa học, môi trường,…
và nhất là song song với văn hóa của con người. Ơn cứu độ duy nhất nơi đức Kitô
chính là trục cứu độ có khả năng khai mở con đường thành tựu chân chính cho tất
cả thực tại trần gian. Khẳng định ơn cứu độ duy nhất nơi đức Giêsu không có
nghĩa là coi những sự khác như một thứ “không cần thiết cho phần rỗi”; nhưng là
khăng định chính Thần Khí của Chúa Kitô giúp con người có thể tìm được một
nguồn mạch phong phú và chân chính cho những giá trị nhân bản của đời sống con
người.
Riêng với người Kitô hữu, tình trạng thiếu một hệ
giá trị nhân bản Kitô giáo, đời sống đức Tin dễ rơi vào tình trạng “Hồn Trương Ba Da Hàng Thịt”, hoặc tình trạng
sống “nhân đức chịu vậy”; nghĩa là sống đời sống đức tin như một dị vật trong chính
tâm hồn của mình; nghĩa nối đời sống đạo vào cuộc đời của mình, không phải bằng
một thần khí đổi mới của Chúa, không phải bằng một sự thú vị của tinh thần Kitô
giáo, không phải bằng một lòng khát khao do “nét đẹp” của đời sống con Chúa,
nhưng bằng một sự ép uổng khiên cưỡng của “nhân đức chịu vậy”. Có lẽ cũng chính
vì thế mà người Kitô hữu hình như không biết sống chiều kích đức Cậy, nghĩa là
khao khát, mong chờ sự hoàn thiện như Cha trên trời, để rồi rộng mở cuộc đời
mình cho Chúa dẫn dắt từng bước một.
Nguyễn
Trọng Viễn O.P.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét
Click to see the code!
To insert emoticon you must added at least one space before the code.